19.3.20

Còn quá sớm để biết? Virus Corona ở Trung Quốc đã gây sốt cho nền kinh tế Trung Quốc


CÒN QUÁ SỚM ĐỂ BIẾT? VIRUS CORONA Ở TRUNG QUỐC ĐÃ GÂY SỐT CHO NỀN KINH TẾ TOÀN CẦU
Một tàu container tại cảng Thanh Đảo, thuộc tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, ngày 14 tháng 1 năm 2020. (Nguồn: SCMP)
Kể từ khi thông báo chính thức về bước đầu của đại dịch virus Corona vào giữa tháng 1, nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng. Và câu nói này chưa bao giờ thích hợp như vậy: khi Trung Quốc ho, thì toàn bộ chuỗi sản xuất toàn cầu sẽ bị sốt.
Trung Quốc đã thích nghi khá tốt với chính sách phong tỏa các thành phố của họ. Kỳ nghỉ tết nguyên đán của Trung Quốc đã được kéo dài. Thời gian quay lại trường, vốn bị trì hoãn ở rất nhiều trường ở Hồng Kông và ở rất nhiều thành phố khác của Trung Quốc, đã được bù đắp một phần bằng việc chuyển sang học trực tuyến. Các chuyến bay thương mại đã di tản công dân của nhiều nước ra khỏi Trung Quốc. Vô số nhà máy và văn phòng đã bị đóng cửa ở Hồng Kông và vùng Châu thổ sông Châu. Kết quả, một lượng lớn các công ty đa quốc gia có lợi ích tài chính gắn với Trung Quốc đã phải điều chỉnh lại các dự báo quý của họ, và các thị trường thế giới đã rơi vào tình trạng bất ổn. Tình hình kinh tế toàn cầu, mà nhiều người kì vọng sẽ tốt lên trong năm 2020, không có nhiều triển vọng vào lúc này.
Trong khi virus Corona tiếp tục bóp nghẹt nền kinh tế Trung Quốc, thì mức độ thiệt hại trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn vẫn chưa thể định lượng được một cách rõ ràng, ở Trung Quốc cũng như ở phần còn lại của thế giới. Tuy vậy, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để làm giảm bớt áp lực, cho dù là tạm thời. Ngày 17 tháng 2, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã hạ mười điểm lãi suất trên 200 tỷ nhân dân tệ tiền cho vay được cấp qua chương trình tín dụng trung hạn một năm, từ 3,25% xuống còn 3,15%. Nhưng mức giảm lãi suất này còn lâu mới đủ cho nền kinh tế to lớn của Trung Quốc. Người ta chờ đợi những kế hoạch phục hồi khác ​​trong suốt cả năm, đặc biệt vào giai đoạn cuối của dịch bệnh.
Bắc Kinh cũng đã nới lỏng các chính sách thương mại để kích thích nền kinh tế thông qua tiêu dùng. Ngày 18 tháng 2, Trung Quốc đã mở rộng miễn thuế quan cho một danh mục 696 mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Điều đó giúp Trung Quốc tuân thủ các cam kết của họ trong khuôn khổ giai đoạn một của hiệp định thương mại. Đó cũng là một sự phục hồi thương mại cần thiết, khi virus Corona, bằng cách nào đó, đang làm tê liệt các cấu trúc sản xuất trong nước. Vẫn còn phải xem liệu việc giảm thuế quan nói trên có một hiệu ứng nào không đến mức cầu của Trung Quốc, khi mà vào thời điểm hiện tại, vẫn còn khá rụt rè. Tuy nhiên, hành động mềm dẻo này đang đi đúng hướng.
LO NGẠI ĐỐI VỚI THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà phân tích đã đặc biệt chỉ ra những thiệt hại gây ra đối với ngành công nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô và luyện kim. Tuy nhiên, có một vấn đề thậm chí còn cấp bách hơn trong bối cảnh hiện tại: thị trường bất động sản. Đây là một trong những cột trụ của nền kinh tế tại nước Cộng hòa Nhân dân. Thế nhưng, dịch bệnh càng kéo dài lâu, thì quá trình phục hồi sẽ càng khó khăn.
Một ví dụ trong số nhiều vấn đề khác: việc cách ly kiểm dịch nghiêm ngặt ở nhiều thành phố đã ngăn cản hoạt động của các phòng giới thiệu sản phẩm và từ đó làm giảm các hoạt động giao dịch. Mặc dù một số công ty bất động sản đã chuyển sang hình thức “phòng giới thiệu sản phẩm ảo”, nhưng điều này cũng không giúp các tác nhân chính duy trì hoạt động giao dịch trong lĩnh vực này. Ngoài ra, các chi phí quản lý tài sản, vốn đã tăng vọt trong một thời gian, đang bùng nổ: ngày càng có nhiều cư dân yêu cầu được cung cấp một dịch vụ vệ sinh chất lượng tốt hơn trong tòa nhà của họ cũng như trong khu phố của họ. Việc cải tiến dịch vụ này sẽ làm tăng chi phí hoạt động cho những doanh nghiệp thuộc một ngành vốn được biết đến với các vấn đề kinh niên về dòng tiền.
Dạng vấn đề nói trên sẽ là trở ngại chính đối với các công ty quản lý và phát triển bất động sản. Điều này sẽ gây ra những hiệu ứng đô-mi-nô, tác động quan trọng lên các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Với nhu cầu tài chính cần thiết trong một khoảng thời gian ít nhất là 5 năm để thực hiện các dự án, một công ty bất động sản không có khả năng sinh lời, khi đại đa số các đơn vị sản phẩm [nhà đất] chưa được bán hết hoặc cho thuê hết. Thế nhưng, trong tình hình hiện tại, doanh số bán chậm lại nếu không muốn nói là không tồn tại.
Áp lực tài chính này, càng gây gắt hơn với đại dịch virus Corona, đương nhiên tác động đến cả một chuỗi các doanh nghiệp có liên quan trong lĩnh vực này, từ ngành xây dựng đến các định chế tài chính. Các định chế tài chính đã chịu một áp lực gấp ba lần: đợt “tạm nghĩ” của nền kinh tế gắn với kỳ nghỉ Tết nguyên đán, hậu quả từ những cuộc vỡ nợ của các doanh nghiệp trong năm 2019 và một lĩnh vực bất động sản kinh doanh ì ạch với một tốc độ chậm chạp rõ nét. Theo chiều hướng này, các tác nhân cho vay trên thị trường Trung Quốc sẽ phải dựa vào các kế hoạch phục hồi của ngân hàng trung ương, nếu muốn tồn tại qua giai đoạn khó khăn này. Những người duy nhất hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng có thể là người tiêu dùng: sau khi dịch virus Corona chấm dứt, các công ty bất động sản có thể buộc phải giảm giá để kích thích doanh số bán.
TÁC ĐỘNG LÊN chuỖi CUNG ỨNG TOÀN CẦU
Ngoài ra, đừng quên rằng Trung Quốc đã thấy vai trò của họ trong nền kinh tế thế giới đã thay đổi, trong những năm gần đây. Trung Quốc đã đi từ vai trò một nhà xuất khẩu đơn thuần đến một vai trò định hướng nhiều hơn vào ngành lắp ráp và tổ chức. Khi đất nước tiếp tục tiến bộ và hội nhập vào chuỗi cung ứng và sản xuất quốc tế, thì những rủi ro của một cuộc khủng hoảng như vậy rất khó đo lường một cách chính xác, nhưng chúng vẫn mang tính toàn cầu. Ở thượng nguồn cũng như ở hạ nguồn, các nền kinh tế sẽ – nếu chưa xảy ra – bị ảnh hưởng nặng nề trong những tuần tới hoặc tháng tới. Công việc giao hàng của Tesla hoặc Apple, để cho thấy một vài ví dụ, đã bị chậm trễ.
Vì Trung Quốc là nước nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp và nguyên liệu công nghiệp, nên các chuỗi cung ứng toàn cầu đã bắt đầu cảm thấy những hiệu ứng của dịch bệnh. Các nhà sản xuất ô tô Đức đã đặc biệt báo cáo một mức sụt giảm đáng kể trong hoạt động sản xuất, trong khi hoạt động nhập khẩu đồng và nhôm của Trung Quốc dự kiến ​​cũng sẽ giảm mạnh. Chưa kể hoạt động sản xuất đồng nội địa của Trung Quốc sẽ giảm hơn 15% chỉ trong tháng Hai. Điều đáng lo ngại hơn nữa là, cùng lúc vào đầu tháng 2, Bloomberg đã dự đoán nhu cầu dầu thô sẽ giảm hơn 20% ở Trung Quốc vì virus Corona. Nếu đây thực sự là một tin tốt cho người tiêu dùng và các nước nhập khẩu dầu ròng – giống như Trung Quốc –, thì các nền kinh tế dựa vào nguồn “vàng đen” sẽ cảm nhận những thiệt hại trong ngắn hạn, trong nhiều tháng.
LÀN SỐC THỨ HAI Ở HỒNG KÔNG
Ngoài các nhà công nghiệp, các định chế tài chính ở Trung Quốc và ở nước ngoài đã bắt đầu “bị hành” bởi virus Corona. Theo các nguồn tin nội bộ tại các ngân hàng và các công ty đầu tư vốn ở Hồng Kông, được văn phòng tư vấn thuộc tập đoàn tư vấn chiến lược Cercius Group tiếp cận, thì các giao dịch xuyên biên giới và các giao dịch trên thị trường chứng khoán đã giảm đáng kể trong tháng 1 và còn tiếp tục giảm nữa. Không có gì ngạc nhiên: hầu hết các văn phòng của họ đều đã đóng cửa hoặc nhân viên của họ đã làm việc ở nhà từ một thời gian. Các giao dịch này được thực hiện ở mức vừa phải cho đến khi cuộc khủng hoảng được kiểm soát. Điều này sẽ không ngăn một sự phục hồi đặc biệt khó khăn ở Hồng Kông cũng như ở Macao.
Hồng Kông, nơi từng chứng kiến ​​nền kinh tế bị mất đà và thậm chí thu hẹp lại trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình vào năm 2019, thì nay phải chịu đựng một làn sóng chấn động thứ hai với virus Corona. Các ngành du lịch, bán lẻ, các thương hiệu xa xỉ và lĩnh vực tài chính chưa thể hồi phục. Trong khi dịch bệnh đã làm chậm đáng kể tốc độ và cường độ của các cuộc biểu tình, thì cuộc khủng hoảng y tế tiếp tục gây thiệt hại cho các lĩnh vực trọng yếu của đặc khu hành chính, vốn phụ thuộc nhiều vào các dòng vốn và thị trường tiêu dùng.
MACAO TRONG tình trẠng ĐÌNH ĐỐN?
Ngày 18 tháng 2, ngân hàng HSBC đã đặc biệt công bố một kế hoạch tái cấu trúc quan trọng: ngân hàng dự kiến cắt giảm 35.000 việc làm và loại bỏ 100 tỷ US$ tài sản. HSBC đã tuyên bố muốn đa dạng hóa các hoạt động của họ ở các khu vực khác ngoài châu Á, nơi tạo ra 50% nguồn thu của họ.
Ngày 17 tháng 2, Macao đã tuyên bố mở cửa lại các sòng bạc của họ, vốn đã bị đóng cửa trong một thời gian do dịch bệnh. Giống như Hồng Kông, nền kinh tế của Macao phụ thuộc vào các lĩnh vực du lịch, đánh bạc và khách sạn. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc ở Macao với sự suy giảm chung trong hoạt động ngành du lịch. Việc đơn thuần mở cửa lại các sòng bạc sẽ không giúp thu hút lại lượng lớn khách du lịch. Ngược lại, các công ty đánh bạc chắc chắn sẽ hoạt động thua lỗ, khi không thể hoạt động hết công suất. Cần phải chờ đợi tín hiệu ở Bắc Kinh để thấy Macao trở thành một trong những trung tâm tài chính mới của Trung Quốc, theo dự án của Đảng. Còn nhiều vấn đề khác cần được giải quyết sau khi dịch bệnh chấm dứt, và sàn giao dịch chứng khoán Macao chắc chắn chưa thể đứng đầu danh sách các ưu tiên.
Nhìn chung, virus Corona sẽ sớm phát huy hiệu ứng. Nhưng trên hết, đại dịch sẽ chậm chấm dứt. Người ta chưa thể đo lường tổng mức độ thiệt hại cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát, cho đến khi chưa dỡ bỏ biện pháp cách ly kiểm dịch và hoạt động kinh tế chưa hoạt động trở lại bình thường.
Giới thiệu tác giả
Alex Payette
Alex Payette (Phd) là đồng sáng lập và CEO của Tập đoàn Cercius, một công ty tư vấn về tình báo chiến lược và địa chính trị. Ông là cựu nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Nhân văn Canada (SSHRC). Ông có bằng tiến sĩ chính trị học so sánh thuộc Đại học Ottawa (2015). Các nghiên cứu của ông tập trung vào các chiến lược xây dựng sự vững chắc của Nhà nước-Đảng Trung Quốc. Cụ thể hơn, những công trình mới nhất của ông tập trung vào sự tiến hóa của các quá trình thể chế, cũng như vào sự tuyển chọn và đào tạo giới tinh hoa ở Trung Quốc thời đương đại. Các công trình này đã được đăng trên tạp chí Journal Canadien de Science Politique [Khoa học Chính trị Canada] (2013), tạp chí International Journal of Chinese Studies [Nghiên cứu Quốc tế về Trung Quốc] (2015/2016), tạp chí Journal of Contemporary Eastern Asia [Đông Á thời Đương đại] (2016), East Asia: An International Quarterly [Đông Á: Báo cáo quốc tế hàng quý] (2017), Issues and Studies [Các vấn đề và Nghiên cứu] (2011) cũng như Monde Chinois/Nouvelle Asie [Thế giới Trung Quốc/Châu Á mới] (2013/2015). Ông cũng đã đăng một bản chú thích nghiên cứu về “ai là những ứng cử viên tiềm năng” cho Bộ Chính trị Trung Quốc vào năm 2017, bài dành cho IRIS [Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược] – mục Asia Focus #3.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF