VIRUS CORONA: “DỊCH BỆNH LUÔN ĐI THEO CÁC TUYẾN ĐƯỜNG THƯƠNG MẠI”
Nhà địa lý học Michel Foucher, tác giả cuốn “Les Frontières [Biên giới]”, đã phân tích những hậu quả đầu tiên của đại dịch virus Corona lên toàn cầu hóa.
Ngày 25/2/2020
Trong một siêu thị ở Thẩm Dương, miền đông bắc Trung Quốc.© STR / AFP
Những người ủng hộ “giải toàn cầu hóa” có thể tìm thấy ở virus Corona mới, được đặt tên là Sars-CoV-2, một đồng minh nghiêm túc. Và lý do là, kể từ khi virus lây lan, dòng chảy các giao dịch thương mại quốc tế đã chậm lại, một cách tương đối. Các thị trường chứng khoán bị tơi tả, Tuần lễ thời trang Milan được tổ chức trong khán phòng không có khán giả, và lễ hội Venice bị dừng lại một cách vội vã. Trong khi các nước đóng cửa biên giới, không phải vì xung lực dân tộc chủ nghĩa, mà vì lo ngại về vấn đề y tế. Iran, ví dụ, ngày nay là một nước hoàn toàn bị cô lập về mặt địa lý. Michel Foucher, nhà địa lý học và cựu đại sứ, tác giả cuốn Les Frontières (CNRS éditions), đã phân tích cho tuần san Le Point những hệ quả khác nhau đó.
Le Point: Chưa bao giờ vấn đề đóng cửa biên giới được đặt ra nhiều như vậy ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới vào thời điểm này, vì sự lây lan của virus Corona. Ông diễn giải như thế nào về các vụ đóng cửa biên giới đó, trong khi tổ chức WHO chưa đưa ra lời khuyến nghị, và biểu tượng ở đây đối với biên giới là gì?
Michel Foucher (1946-) |
Michel Foucher: Các quyết định đóng cửa biên giới xuất phát từ các biện pháp phòng hộ dịch bệnh và sự bất định trong hiểu biết về các vectơ lây lan của virus Covid-19, đặc biệt là khi các biện pháp ngăn chặn đầu tiên ở Trung Quốc đã diễn ra một cách muộn màng. Giới lãnh đạo của tổ chức WHO đã bị chỉ trích trong các khuyến nghị đầu tiên, được coi là quá nể nang Trung Quốc và đảng cầm quyền của họ. Kể từ ngày 24 tháng 2, WHO đã kêu gọi chuẩn bị cho một “đại dịch có thể xảy ra”, do sự gia tăng đột ngột các trường hợp lây nhiễm mới ở Italia, Hàn Quốc và Iran. Theo WHO, đại dịch là tình trạng lây lan một căn bệnh mới trên toàn thế giới, có thể ở mức nghiêm trọng, nếu dịch bệnh lan đến những quần thể dân chúng không có bất kỳ hệ miễn dịch nào trước đó. Các biện pháp kiểm tra y tế ở biên giới, cùng với biện pháp kiểm dịch, là việc hạn chế đi lại, truy tìm dấu vết những cuộc tiếp xúc và hủy bỏ những sự kiện có đám đông tham dư, những biện pháp nhằm ngăn chặn và dập tắt sự lây lan của virus.
Liệu ông có nói về một hiện tượng, thậm chí nhẹ nhất, về “giải toàn cầu hóa”?
Cuộc khủng hoảng y tế làm gia tăng nhận thức về toàn cầu hóa, như là hình thức tổ chức các chuỗi giá trị trên trường quốc tế. Sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc như là “công xưởng” của thế giới sẽ được điều chỉnh trong các lĩnh vực chiến lược, như việc cung cấp những phân tử cho các sản phẩm ngành dược. Và sẽ có xu hướng phát triển liên kết chặt chẽ hơn giữa các trung tâm sản xuất và lắp ráp với thị trường tiêu dùng; tiến hành một quá trình toàn cầu hóa mang tính khu vực nhiều hơn. Toàn cầu hóa phải có lợi cho các nước vùng Maghreb [Bắc Phi], cho Thổ Nhĩ Kỳ và cho Ukraine, những nước gần với thị trường châu Âu, cho Mexico đối với Hoa Kỳ, cho Việt Nam đối với Nhật Bản. Nhưng sự tách rời giữa các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ với các doanh nghiệp hoạt động ở Trung Quốc không diễn ra một sớm một chiều.
Liệu đã bao giờ có một hiện tượng tương tự chưa, gắn liền với một xung lực dân tộc chủ nghĩa hay một bối cảnh chiến tranh?
Người ta có vẻ đã quên đi phần nào lịch sử các thế kỷ trước – dịch bệnh luôn đi theo các tuyến đường thương mại – và chức năng phòng bệnh của biên giới, như là một nơi kiểm soát và đưa ra quyết định cách ly nếu cần. Viện Pasteur đã công bố một bảng chi tiết các tiêm chủng cần phải thực hiện trước khi đi du lịch và việc xuất trình sổ tiêm chủng [màu vàng] quốc tế của WHO là biện pháp bắt buộc ở một số nước còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cần nói thêm rằng người ta đã triển khai những điểm chốt chặn về y tế ở miền nam châu Phi, để theo dõi các dòng di chuyển của gia súc. Gần đây, một tình huống tăng cường kiểm soát khác liên quan đến cuộc chiến chống lại hành động của các nhóm khủng bố ở châu Âu.
Iran không còn mở cửa biên giới với các nước láng giềng. Mức độ mà các vấn đề địa chính trị và chăm sóc y tế chồng chéo lên nhau đến đâu, thưa ông?
Thực vậy, điều đáng ngạc nhiên là sự nhanh nhẹn trong các quyết định của các nước láng giềng: Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Afghanistan và Pakistan đóng cửa biên giới đất liền [với Iran] và ngăn cấm nhiều chuyến bay hàng không [đến Iran], tức đa số những nước mà Iran có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt. Sự lựa chọn phòng ngừa này có vẻ được giải thích bởi sự thiếu niềm tin hoàn toàn vào chính quyền Iran, những người ban đầu đã phủ nhận cuộc khủng hoảng y tế, rồi quy kết cuộc khủng hoảng cho bộ máy tuyên truyền của Mỹ nhằm ngăn chặn cử tri Iran đi bỏ phiếu, và từ đó cho thấy hệ thống chăm sóc y tế và việc tiếp cận các thông tin quốc tế và các dược phẩm có vấn đề.
Hiện tại, chưa có quốc gia châu Âu nào đóng cửa biên giới với Italia, ngay cả khi ở Pháp và ở Thụy Sĩ đã có lời kêu gọi thực hiện biện pháp đó. Những hậu quả chính trị – và thậm chí biểu tượng – sẽ là gì nếu xảy ra trường hợp đó, thưa ông?
Chính phủ Italia của Giuseppe Conte cho rằng không có gì biện minh cho việc đóng cửa biên giới vào lúc này và ngay cả khi có một biện pháp kiểm soát tạm thời như vậy thì sẽ có tác động tàn phá đối với nền kinh tế Italia. Ngày 24 tháng 2, Ủy ban châu Âu đã kêu gọi cần có một câu trả lời tương xứng, dựa trên một đánh giá khoa học và phân tích rủi ro, và trên hết, được phối hợp giữa các quốc gia thành viên tiếp giáp. 232 triệu euro đã được giải ngân để hỗ trợ các quốc gia trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus Sars-CoV-2.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Coronavirus: “Les épidémies ont toujours emprunté les routes commerciales”, LePoint, ngày 25/02/2020.