26.3.20

Nghiên cứu giai tầng xã hội Việt Nam thập niên 1980

NGHIÊN CỨU CƠ CẤU GIAI TẦNG XÃ HỘI VIỆT NAM THẬP NIÊN 1980

Bùi Thế Cường
(Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ)
Bùi Thế Cường
[Để tưởng nhớ nhà xã hội học quá cố Phạm Văn Phú và Đỗ Thái Đồng]
[Phiên bản ngắn hơn của bài viết in trong: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Số 12(256)/2019: 26-36].
SOCIAL STRATIFICATION RESEARCH IN VIET NAM IN THE 1980s. Viet Nam in the late 1970s and 1980s was full of dramatic changes in social structures and human fates. The article gives an overview of social stratification research in Viet Nam in the 1980s. In the space of social science research and discussion at that time, which was much limited and quite isolated from the world, Vietnamese sociologists have tried to pass up themself and the difficult conditions, to saying new statements and doing empirical works, that from today 's point of view remain remarkably.
Việt Nam cuối thập niên 1970 và thập niên 1980 đầy biến động cơ cấu xã hội và thân phận con người. Bài viết tìm hiểu tình hình nghiên cứu cơ cấu giai tầng xã hội ở Việt Nam thập niên 1980. Trong không gian nghiên cứu và thảo luận khoa học xã hội ngày ấy chật hẹp và khá cô lập với quốc tế, giới xã hội học Việt Nam đã cố gắng vượt lên chính mình và hoàn cảnh, nói những ý tưởng mới, làm những công trình thực nghiệm cụ thể, mà từ điểm nhìn hôm nay còn đọng lại nhiều ý nghĩa. 
Từ khóa: phân tầng xã hội, cơ cấu giai tầng xã hội, xã hội học ở Việt Nam, thập niên 1980
1. MỞ ĐẦU


Trong thời kỳ thường gọi là kế hoạch hành chính bao cấp, một cách rất sơ sài, niên giám thống kê xuất bản hàng năm của Tổng cục Thống kê cung cấp cho người đọc đôi chút thông tin về cơ cấu giai tầng xã hội ở miền Bắc trước 1975 và trên cả nước sau 1975. Nói chung, ở miền Bắc trong thời kỳ 1954-1975 rất ít nghiên cứu xã hội thực nghiệm về cơ cấu xã hội.[1] Cuối thập niên 1970 và thập niên 1980 là một giai đoạn nhiều biến động ở Việt Nam, ảnh hưởng mạnh đến các giai tầng xã hội và thân phận con người.[2] Vậy trong những năm ấy, nghiên cứu về cơ cấu giai tầng xã hội ở Việt Nam như thế nào? Bài viết góp phần trả lời bằng một tổng quan tình hình nghiên cứu. Đây là sản phẩm của Đề tài “Cơ cấu giai tầng xã hội vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2010-2020” do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phê duyệt và tài trợ.
Tổng quan chủ yếu giới hạn vào hoạt động và sản phẩm của hai đơn vị nghiên cứu xã hội học chính ở Việt Nam trong thập niên 1970-1980 thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.[3]
Bài viết có bốn phần. Sau mở đầu, phần thứ hai nói về việc thành lập hai đơn vị nghiên cứu xã hội học ở Hà Nội và TPHCM, liệt kê một số đề tài và ấn phẩm có liên quan. Phần thứ ba phân tích một số kết quả và đóng góp chính của nghiên cứu xã hội học thập niên 1980 về cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội. Phần cuối tóm tắt những đặc điểm chính của nghiên cứu lĩnh vực này trong giai đoạn đó và đóng góp có ý nghĩa lịch sử đối với xã hội học Việt Nam hiện nay.
2. TỔ CHỨC, ĐỀ TÀI VÀ ẤN PHẨM NGHIÊN CỨU
Francois Houtart (1925-2017)

Cuối thập niên 1970, lần lượt ra đời hai đơn vị nghiên cứu xã hội học ở hai trung tâm hai đầu đất nước, Phòng Xã hội học trực thuộc Viện Khoa học xã hội tại TPHCM và Ban Xã hội học trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Trong bước đầu hình thành, các nhà nghiên cứu ở hai viện này nhận nhiều giúp đỡ của Francois Houtart và Geneviève Lemercinier, hai nhà xã hội học Đại học Công giáo Louvain (Université catholique de Louvain). Họ mở lớp tập huấn dài ngày và cùng điền dã với các nhà nghiên cứu Việt Nam. Dựa trên kết quả thực nghiệm, Francois Houtart và Geneviève Lemercinier công bố năm 1981 chuyên khảo tiếng Pháp Xã hội học về một xã ở Việt Nam (Tham gia xã hội, các mô hình văn hóa, gia đình, tôn giáo ở xã Hải Vân).[4] Có lẽ đây là công trình xã hội học thực nghiệm sớm nhất của học giả nước ngoài dựa trên điền dã ở Việt Nam sau 1975 mà trong đó có những nội dung liên quan đến cơ cấu giai tầng xã hội ở nông thôn miền Bắc (Houtart et Lemercinier, 1981, 2001).[5] Tiếp theo, hai viện cũng lần lượt tiếp đón các nhà xã hội học Liên Xô, Bulgaria, Hungary, Cộng hòa Dân chủ Đức. Trong một số seminar, các nhà xã hội học quốc tế khi ấy đều đề cập đến một trọng tâm của nghiên cứu xã hội học là cơ cấu xã hội. Chẳng hạn, Velichko Dobrianov đến thăm và thuyết trình về trường phái xã hội học Bulgaria với khái niệm then chốt nổi tiếng của Zhivko Oshavkov “cơ cấu xã hội học của xã hội”.[6]
Trong khoảng thập niên 1970, sử dụng khái niệm cơ cấu xã hội để nghiên cứu thực nghiệm cũng như lý thuyết vẫn còn là một phương pháp luận có tính mốt trên thế giới, cả ở các nước phương Tây lẫn các nước khối xã hội chủ nghĩa. Có lẽ vì thế mà từ khi mới thành lập, cả hai viện nghiên cứu ở hai thành phố lớn đều chú trọng sử dụng khái niệm này, trước hết được hiểu như là cơ cấu các giai cấp và tầng lớp xã hội.
Điều ấy thể hiện trong các đề tài Viện Xã hội học (Hà Nội) đặt ra và trong những ấn phẩm xuất bản ở Tạp chí Xã hội học. Năm 1986, Tạp chí Xã hội học đăng xã luận Nghiên cứu về cơ cấu xã hội và chính sách xã hội là nhiệm vụ hàng đầu của xã hội học (Tạp chí Xã hội học, 1986: 3-6), xác lập định hướng nghiên cứu của Viện Xã hội học cũng như của ngành xã hội học. Năm 1990, Viện Xã hội học tổ chức tọa đàm về “chuyển đổi cơ cấu xã hội và định hướng giá trị ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ”, thảo luận về hướng nghiên cứu chủ yếu của Viện trong mấy năm cuối thập niên 1980. Kết quả đăng trong Số 4/1990 như một chuyên đề về cơ cấu xã hội (Tạp chí Xã hội học, 1990). Số Tạp chí ấy phản ánh kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp Nhà nước Những vấn đề về sự vận động và chuyển đổi cơ cấu xã hội của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ với việc chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo hướng xã hội chủ nghĩa (Mã số A6 O1) thuộc Chương trình khoa học cấp Nhà nước Mã số A.
Có thể nhắc đến một số bài tạp chí bàn về cơ cấu giai tầng xã hội trong thời kỳ ấy. Đó là chùm bài chuyên mục cơ cấu xã hội trong số Tạp chí năm 1986 nêu trên của Vũ Khiêu, Nguyên Vũ, Mai Kim Châu, và Phan Lạc Tuyên. Ngoài ra, có bài của Nguyễn Văn Huy (1987), Hồng Cảnh (1989), Phạm Văn Phú (1988), Ðặng Cảnh Khanh và Nhóm nghiên cứu Hải Hậu (1988), Tương Lai (1989), Đỗ Nguyên Phương (1989), và Chu Hữu Quý (1990).
Tương tự, cuối thập niên 1970 và thập niên 1980, Viện Khoa học xã hội tại TPHCM thực hiện một số chương trình nghiên cứu vùng về Đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM, cơ cấu xã hội là một nội dung chính. Chương trình nghiên cứu về Đồng bằng sông Cửu Long khởi sự từ 1979. Năm 1981, Viện tổ chức Hội nghị Khoa học và thực tiễn về Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất và xuất bản kỷ yếu Một số vấn đề khoa học xã hội về Đồng bằng sông Cửu Long (1982). Tiếp theo, Viện là một bên tham gia vào Chương trình điều tra cơ bản và tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 1984-1986 mã số 60.02, giai đoạn 1986-1988 mã số 60B).[7] Năm 1984, trong khuôn khổ Chương trình này, Viện khảo sát 1.000 hộ gia đình ở 10 xã thuộc sáu tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Nguyễn Công Bình, 2015). Dựa trên những điền dã ở thời kỳ này, một số nhà nghiên cứu của Viện công bố ấn phẩm liên quan đến cơ cấu xã hội, như Phan An (1978), Trần Hữu Quang (1982), Lê Minh Ngọc (1982, 1984, 1989), và Đỗ Thái Đồng (1989a, 1989b).
3. KẾT QUẢ VÀ ĐÓNG GÓP
Do khuôn khổ có hạn của bài tạp chí, trong mục này chỉ đề cập một số tác giả tác phẩm chính trong giai đoạn được nghiên cứu. Trình tự đề cập theo thời gian.
Vũ Khiêu: Gợi mở hướng nghiên cứu cơ cấu xã hội dài hạn ở Việt Nam
Trong số đầu tiên Tạp chí Xã hội học năm 1982, Vũ Khiêu nêu rõ, xã hội học “trước mắt nghiên cứu về toàn bộ cơ cấu xã hội Việt Nam từ hình thái kinh tế-xã hội cũ sang hình thái kinh tế-xã hội xã hội chủ nghĩa, nghiên cứu về các vấn đề quản lý xã hội, nghiên cứu về các vấn đề văn hóa mới, con người mới” (Vũ Khiêu, 1982: 128). Những năm ngay sau đó (1983-1986), Tạp chí giới thiệu một số bài viết của các nhà xã hội học quốc tế đề cập cơ cấu xã hội, song rất ít bài viết về cơ cấu xã hội và giai tầng xã hội ở Việt Nam, ngoại trừ bài của Lê Minh Ngọc năm 1984.[8] Phải bốn năm sau, Tạp chí Xã hội học mới ra những số chuyên đề liên quan đến cơ cấu xã hội ở Việt Nam, số 4/1986 và tiếp theo là các số 1+2/1987, 1+2/1988, và 4/1990.
Xã luận Tạp chí Xã hội học Số 4/1986 nêu rõ định hướng Nghiên cứu về cơ cấu xã hội và chính sách xã hội là nhiệm vụ hàng đầu của xã hội học” (Tạp chí Xã hội học, 1986: 3). Từ điểm nhìn hôm nay, có thể thấy luận điểm trên vẫn thể hiện tương đối xuyên suốt trong thực tế nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam, khi luôn có nhiều đề tài và ấn phẩm xoay quanh các vấn đề của cơ cấu xã hội và chính sách xã hội. Tiếp theo Xã luận là chuyên mục năm bài về cơ cấu xã hội. Đặt sang một bên những hạn chế học thuật do bối cảnh chính trị-xã hội, nhìn từ hôm nay, tôi thấy một số luận điểm đáng chú ý trong chùm bài này về cơ cấu xã hội.
Trong Mục I bài viết, Vũ Khiêu (1986a: 8-10) đề cập đến đường nét chính của sơ đồ cơ cấu xã hội ở Việt Nam bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể, và tầng lớp trí thức. Đây là lối diễn ngôn và phân tích phổ biến trong giai đoạn đó, thường gọi là “mô hình hai giai một tầng”.[9] Nhưng đi xa hơn, tác giả kêu gọi xem xét “những thành phần khác nhau” trong các giai cấp và tầng lớp ấy. Ông viết: “Xã hội học phải phân tích được các thành phần khác nhau trong cơ cấu xã hội công nhân hiện nay” (Vũ Khiêu, 1986a: 8). Theo tác giả, đó là: thành phần công nhân nhiều đời ở những nhà máy xây dựng từ thời Pháp thuộc; đội ngũ công nhân mới xuất thân từ nông dân và các thành phần xã hội khác; những thành phần công nhân được đào tạo với trình độ kỹ thuật cao gắn liền với công nghiệp hiện đại; thành phần công nhân trong các hợp tác xã thủ công (Vũ Khiêu, 1986a: 8-9). Đề cập nông thôn, Vũ Khiêu nói đến việc xuất hiện “trong nông thôn những thành phần công nhân và trí thức”. Ông cũng nói đến “các tầng lớp nông dân khác nhau” do sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung ở nông thôn và do “chính sách khoán của Đảng”. Đặc biệt ông đề nghị cần nghiên cứu “sự phân hóa” trong nông dân do kết quả lao động và do sở hữu tư liệu sản xuất, và chính sách cần chú trọng đến “những người nông dân nghèo chỉ có hai bàn tay không” (Vũ Khiêu, 1986a: 9). Tương tự, tác giả cũng cho rằng cần tìm hiểu những tầng lớp khác nhau trong trí thức (Vũ Khiêu, 1986a: 9-10).
Mục II bài viết, tác giả nêu một số lập luận mang tính lý thuyết. Ông cho rằng cần tránh hai khuynh hướng, “không nhận thức được tính chất quyết định của cơ cấu giai cấp trong toàn bộ cơ cấu xã hội”, đồng thời “chỉ nhấn mạnh một chiều đến cơ cấu giai cấp, không đi sâu phân tích được sự vận động của cơ cấu giai cấp thông qua các thành phần xã hội khác, với những mối liên hệ cực kỳ đa dạng và phức tạp” (Vũ Khiêu, 1986a: 10). Tác giả ngụ ý những lát cắt khác nhau trong cơ cấu xã hội như tộc người, tôn giáo, nhân khẩu học, vùng địa lý, cộng đồng, hình thái gia đình và thân tộc, v.v.. Ở mục tiếp theo, ông còn đề cập đến người sản xuất nhỏ, tư thương, người không có việc làm, người về hưu, người lệch chuẩn, với tính cách là những nhóm trong cơ cấu xã hội mà xã hội học cần nghiên cứu một cách riêng biệt và cụ thể. Nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam từ đó cho đến nay đi theo xu hướng này, ngày càng mở rộng phân tích các nhóm xã hội đa dạng dựa trên những lát cắt phân biệt phong phú và đa lát cắt (intersectionality).
Trần Hữu Quang: Chủ nghĩa tư bản nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long
Bài viết của Trần Hữu Quang Nhận diện cơ cấu giai cấp ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long xuất bản năm 1982 là một trong những ấn phẩm học thuật tương đối sớm kể từ sau 1975 trình bày và phân tích hiện trạng giai tầng xã hội ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long.[10] Bài này mở rộng từ tham luận Bàn về cơ cấu các tầng lớp xã hội ở nông thôn đồng bằng sông Cửu long trình bày tại Hội nghị Khoa học và thực tiễn về Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất diễn ra năm 1981.
Trần Hữu Quang giới thiệu lại phân loại hộ nông thôn từ Khảo sát 1978 và 1981 bao gồm năm loại. Đó là: Hộ không sản xuất nông nghiệp (Loại I); Hộ chuyên làm thuê trong nông nghiệp (Loại II); Hộ tự lao động sản xuất bằng tư liệu sản xuất của mình (Loại III); Hộ tự lao động sản xuất là chủ yếu nhưng có thuê mướn nhân công một phần hoặc có máy móc, trâu bò kinh doanh thu lợi (Loại IV); Hộ có nguồn thu nhập chủ yếu bằng thuê mướn nhân công trong kinh doanh nông nghiệp, và/hoặc kinh doanh ngành nghề khác, và/hoặc kinh doanh máy móc, trâu bò (Loại V). Khảo sát 1978 tại tám ấp điểm thuộc tám tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp phân bố hộ nông thôn vào năm loại trên như sau: Loại I chiếm 2,01%, Loại II 22,69%, Loại III 56,93%, Loại IV 15,40% (tổng III và IV 72,06%), và Loại V 3,15%. Loại V được xem là tầng lớp “phú nông và tư sản nông thôn, kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa”. Trong loại hộ này đã xuất hiện lẻ tẻ người fermier tư bản chủ nghĩa quy mô 10-50 ha đất mướn và mướn nhân công hoàn toàn (Trần Hữu Quang, 1982: 31-32).
Tuy nhiên, tác giả nhận định, ngay cả trước 1975 “phú nông và tư sản nông thôn chưa hình thành rõ nét với tư cách là một giai cấp thống trị trong nông thôn” (Trần Hữu Quang, 1982: 33). Tỷ lệ hộ nông dân không đất (Loại II) chiếm 22,69% trong Khảo sát 1978, và có phần giảm so với trước 1975 do tác động của chính sách. Giữa hai cực trên là tầng lớp trung nông (Loại III và IV) chiếm hơn 70% mẫu khảo sát và “đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế đồng bằng”, chiếm đa số nhân khẩu, nắm đa số ruộng, sở hữu phần lớn công cụ sản xuất cơ giới, làm ra khoảng ¾ khối lượng lúa gạo hàng hóa của vùng đồng bằng. Trong đó vai trò đặc biệt quan trọng là tầng lớp trung nông trên (Loại IV) (Trần Hữu Quang, 1982: 33-35).[11]
Hình 1. Phân loại hộ nông thôn, Khảo sát 1978 Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn: Trần Hữu Quang, 1982: 31-32.
Bài viết kết luận, đến 1975 nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra sự phân hóa giai cấp nhưng “chưa vận động hết mức độ sâu sắc của nó”, “chưa chín muồi, và còn đang ở giai đoạn quá độ của con đường tư bản chủ nghĩa”. Nhưng hiện nay (thời điểm bài viết, đầu thập niên 1980) “xu hướng chính nổi bật là xu hướng “trung nông hóa”, nghĩa là ngày càng củng cố địa vị kinh tế-xã hội của trung nông về mặt số lượng và chất lượng” (Trần Hữu Quang, 1982: 36). Tác giả khuyến nghị “nên phân tổ các tầng lớp nông dân (cá thể) ... theo cơ cấu các loại hộ mà Ban cải tạo nông nghiệp miền Nam và Tổng cục Thống kê đã xác định từ cuộc điều tra năm 1978, thay cho sự phân tổ theo mức sống cao, trung bình, và thấp, như hiện nay” (Trần Hữu Quang, 1982: 36). Theo tôi, ý kiến này vẫn rất có giá trị cho nghiên cứu thực nghiệm hiện nay.[12]
Lê Minh Ngọc: Địa vị và thái độ của trung nông
Năm 1984, Lê Minh Ngọc công bố Về tầng lớp trung nông ở Đồng bằng sông Cửu Long trên Tạp chí Xã hội học Số 2(6). Nội dung chính đã trình bày tại Hội nghị Khoa học và thực tiễn về Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất diễn ra năm 1981 và in trong Kỷ yếu năm 1982. Trong bài, tác giả phân tích vị trí kinh tế-xã hội của trung nông ở Đồng bằng sông Cửu Long và thái độ của họ đối với chính sách. Khảo sát 1978 cho thấy, ở vùng này, “trung nông chiếm khoảng 70% dân cư nông thôn, 74,5% lao động, 80% ruộng đất, 60% tổng năng lượng cơ khí, trên 70% máy móc cơ khí nhỏ, 93% sức kéo trâu bò” (Lê Minh Ngọc, 1984: 26). Trên cơ sở đó, trung nông sản xuất 77,5% tổng sản phẩm lương thực hàng hóa của vùng (Lê Minh Ngọc, 1984: 29). Xa hơn, tác giả nhấn mạnh năng lực kinh doanh và công nghệ của trung nông.
Đóng góp lý thú của bài viết, Lê Minh Ngọc đề cập thái độ của trung nông đối với chính sách nông nghiệp thời đó mà khảo sát thực nghiệm xã hội học thu thập được. Trung nông có phần miễn cưỡng chấp nhận chính sách san sẻ bình quân ruộng đất và hợp tác hóa nông nghiệp, nhưng “ruộng ai người ấy làm”, sẵn sàng vào tập đoàn với điều kiện tập đoàn phải có phương án ăn chia rành mạch, phải có cán bộ biết làm ăn quản lý, cán bộ phải gương mẫu, không tự tư, tự lợi (Lê Minh Ngọc, 1984: 30-31). Đây là những điều kiện mà thực tế lịch sử ở miền Bắc trước đó và trên cả nước sau đó cho thấy là “không tưởng” (không thể có).[13] Kết quả, phong trào tập đoàn hóa sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long thập niên 1970-1980 đã chấm dứt khá nhanh (tuy vậy cũng cả một thập niên), góp phần đáng kể vào kết thúc phong trào hợp tác hóa nông nghiệp trên cả nước, mặc dù hệ thống nông nghiệp hợp tác xã đã hình thành ở miền Bắc từ cuối thập niên 1950, và tuy không hiệu quả về kinh tế nhưng đã tồn tại vững chắc về mặt chính trị, chính sách và tâm lý xã hội suốt 30 năm.
Phạm Văn Phú: Phân tầng xã hội nông thôn Đồng bằng sông Hồng thập niên 1960-1980
Có lẽ nhà xã hội học sớm quá cố Phạm Văn Phú là tác giả đầu tiên sau 1975 sử dụng “phân tầng xã hội” như một công cụ để khái niệm hóa thế giới thực ở nông thôn khi ông công bố bài viết Bước đầu tìm hiểu về sự phân tầng xã hội trong nông thôn hiện nay (Phạm Văn Phú, 1988).[14] Mở đầu, Phạm Văn Phú đặt câu hỏi nghiên cứu rành mạch và thẳng thắn: “Trong những năm gần đây, một câu hỏi lớn thường được đặt ra là: hiện nay, ở nông thôn nước ta đã có hay không có một sự phân tầng xã hội? Và, nếu có, thì sự phân tầng đó đang diễn ra như thế nào?” (Phạm Văn Phú, 1988: 70). Và tác giả trả lời câu hỏi nghiên cứu trên với một logic sáng sủa và số liệu rõ nét đáng kinh ngạc, ngay cả từ điểm nhìn hôm nay (mặc dù tác giả không nói rõ ông có được những số liệu như thế bằng phương pháp cụ thể nào).
Phạm Văn Phú chỉ ra khác biệt kinh tế tự nó đẻ ra từ chính những quy định chính sách và từ những khác biệt mà phong trào hợp tác xã cũng không xóa bỏ được (khác biệt về quỹ đất vốn có từ trước giữa ba làng trong xã Nam Giang, khác biệt về thời điểm tồn tại hộ gia đinh trước và sau khi thực hiện chính sách ruộng 5%, khác biệt về “tài sản chìm”, v.v.). Lược bỏ những diễn ngôn mang dấu ấn “thời đại”, ta thấy những phân tích xã hội học khá tinh tế và sâu sắc, mà ngày nay vẫn có thể học hỏi được: “Nói chung, tính bền vững của tâm lý người chủ sở hữu cá thể của người nông dân, sự chênh lệch nhau về ruộng đất, việc phát triển kinh tế phụ bên cạnh việc không cấm buôn bán ... tất cả những cái đó, ... là những nhân tố dẫn tới quá trình phân tầng xã hội ở Nam Giang ngay trong thời kỳ 1960-1980. Tuy nhiên, ở trong thời kỳ này, sự phân tầng xã hội cũng chỉ diễn ra trong phạm vi một giai cấp là nông dân tập thể” (Phạm Văn Phú, 1988: 71).
Cơ cấu giai tầng ở Nam Giang khoảng năm 1980 mà Phạm Văn Phú nhận diện và sơ đồ hóa gồm bốn nhóm xã hội. Một, “Nhóm xã hội đặc biệt bao gồm những cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt, phần lớn họ đã thoát ly ra khỏi sự tham gia trực tiếp vào các công việc đồng áng, chiếm khoảng 0,5% dân số. Họ là một nhóm xã hội có đời sống kinh tế khá giả” (Phạm Văn Phú, 1988: 71).[15] Hai, nhóm hộ nông dân thu nhập bình quân đầu người quy ra thóc 400 kg/năm, chiếm 3% dân số, không chỉ có khả năng thỏa mãn nhu cầu tối thiểu mà còn dư dật chút ít nhờ thu nhập chủ yếu từ kinh tế phụ gia đình. Ba, nhóm hộ nông dân đông đảo nhất, thu nhập bình quân đầu người quy ra thóc 300 kg/năm, chiếm 52% dân số, nguồn thu nhập chủ yếu từ kinh tế tập thể. Bốn, nhóm hộ nông dân thu nhập bình quân đầu người quy ra thóc 200 kg/năm, chiếm 45% dân số, “Đời sống kinh tế ... dù đã được cải thiện hơn trước, nhưng không phải bao giờ họ cũng có khả năng thu nhập để thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu” (Phạm Văn Phú, 1988: 71). Cơ cấu này, nói theo biểu tượng phổ biến trong nghiên cứu phân tầng xã hội ngày nay, là một hình thoi đế dưới khá lớn, xấp xỉ phần thân (45% so với 52%), và phần trên với hai nhóm tỷ trọng nhỏ (3% cộng 0,5%).
Chỉ vài năm ngắn ngủi kể từ sau 1980, đến thời điểm giữa thập niên 1980, Nam Giang chuyển biến sang một cơ cấu phân tầng xã hội khác rõ so với trước.
Nhiều văn bản chính sách và công trình nghiên cứu đã nhấn mạnh vai trò của chính sách vĩ mô đối với sự thay đổi. Nhưng Phạm Văn Phú còn lưu ý đến một yếu tố thúc đẩy thay đổi ở cấp vi mô (mặc dù yếu tố này xét đến cùng cũng có vai trò của chính sách cán bộ vĩ mô). Theo tác giả, từ 1984, bộ máy lãnh đạo và quản lý ở Nam Giang trẻ hơn và có tri thức hơn, 2/3 cán bộ chủ chốt có trình độ đại học hoặc trung học chuyên nghiệp, 80% cán bộ dưới 45 tuổi. Trước khi có Nghị quyết 10, bộ máy này đã năng động triển khai nhiều giải pháp khiến cho sản xuất của Nam Giang tăng trưởng rõ rệt.
Kết quả của thay đổi chính sách vĩ mô và chủ động thực thi chính sách ở cấp vi mô, cơ cấu phân tầng xã hội ở Nam Giang sau 1985 được Phạm Văn Phú mô tả như sau.
Một, nổi bật là nhóm xã hội thu nhập bình quân đầu người quy ra thóc 800 kg/năm, chiếm 6,2% dân số, ngay từ khi xuất hiện đã bao gồm hai tiểu nhóm khác biệt về hình thức kinh doanh. Tiểu nhóm đầu gồm năm chủ thầu khoán và những chủ lò lớn, chiếm 6% dân số. Đây là những chủ lò, xưởng có thuê nhân công, thường từ một đến bốn thợ, khi cần thiết thuê thêm một hay hai lao động không chuyên nghiệp. Chủ thầu khoán lớn hơn thường thuê bảy hay tám thợ thạo việc. Tiểu nhóm hai gồm bốn chủ cho vay lãi (thời điểm 1988 mức lãi tháng 15%), sáu đại lý bao mua và một số hộ chuyên mua bán vật tư, chiếm 0,2% dân số. Họ không thuê nhân công, không sản xuất trực tiếp, chỉ sử dụng nguồn tài chính khá lớn để kinh doanh, và kiếm lãi nhiều hơn giới chủ lò, “dân chúng ở Nam Giang vẫn khẳng định họ là những gia đình giàu có nhất trong xã” (Phạm Văn Phú, 1988: 75).
Hai, nhóm hộ nông dân thu nhập bình quân đầu người quy ra thóc 500 kg/năm, chiếm 15% dân số, gắn chặt với quan hệ thị trường, định hướng hoạt động kinh tế chủ yếu là thủ công nghiệp, mở cửa hàng buôn bán, dịch vụ. Trong nhóm xã hội này có khoảng 20-25 người làm trung gian môi giới giao hàng. “Gắn vào nhóm những hộ nông dân khá giả này, nét đặc biệt nổi bật ở Nam Giang hiện nay là có hơn 80% thành viên trong bộ máy lãnh đạo, quản lý kinh tế và xã hội. Ngày nay, đội ngũ lãnh đạo và quản lý ở địa phương không còn là một bộ phận độc lập thoát ly ra khỏi những hoạt động sản xuất trực tiếp” (Phạm Văn Phú, 1988: 73).
Ba, nhóm hộ nông dân thu nhập bình quân đầu người quy ra thóc 400 kg/năm, chiếm 26% dân số, vẫn lấy nghề nông làm gốc, kết hợp một số nguồn thu nhập khác như chế biến nông sản, chăn nuôi gia súc, buôn bán lặt vặt, dịch vụ.
Bốn, nhóm hộ nông dân thu nhập bình quân đầu người quy ra thóc 300 kg/năm, chiếm 43% dân số (giảm 9% so với trước), nguồn thu nhập chủ yếu vẫn gắn chặt với kinh tế nông nghiệp.
Năm, nhóm hộ nông dân thu nhập bình quân đầu người quy ra thóc 200 kg/năm, chỉ còn 10% dân số, giảm mạnh nhất tới 35 điểm phần trăm. 3/5 nhóm này là những hộ nông dân đông con. Từ nhóm này, sau 1984 “đã xuất hiện một đội ngũ khá đông những người làm thuê chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp” (Phạm Văn Phú, 1988: 74). Nhóm làm thuê chuyên nghiệp, khoảng 50-70 người, là thợ cơ khí có kỹ thuật cao, tiền công 50-60.000 đồng/tháng. Nhóm làm thuê bán chuyên nghiệp đông gấp đôi, hầu hết là thanh niên vừa làm thuê vừa học nghề, được trả công xấp xỉ 1.000 đồng/ngày.
Như vậy, dùng biểu tượng phổ biến trong nghiên cứu phân tầng xã hội, từ hình thoi mà phần đế khá lớn và phần ngọn rất nhỏ vào thời điểm đầu những năm 1980 nói ở trên, cơ cấu giai tầng xã hội Nam Giang vào cuối thập niên 1980 đã chuyển sang dạng thoi, dài hơn, phần đế nhỏ hơn, nhưng nửa dưới vẫn còn hơn 50%, nửa trên tăng tỷ trọng đáng kể, và tầng lớp tinh hoa tỷ trọng lớn hơn trước (Hình 2).
Hình 2. Cơ cấu giai tầng xã hội xã Nam Giang thập niên 1960-1980
Nguồn: Phạm Văn Phú, 1988.
Phạm Văn Phú cho thấy, ngay trong giai đoạn hợp tác hóa toàn diện 1960-1980, vẫn dần dần hình thành một sự phân tầng xã hội ở Nam Giang, tuy mức độ thấp. Quan sát thấy bốn nhóm xã hội, trong đó ba nhóm khác biệt theo mức sống, và một nhóm tác giả gọi là “nhóm xã hội đặc biệt”, cũng có khác biệt về mức sống, song chủ yếu ở vị thế chính trị-hành chính trong bộ máy lãnh đạo quản lý, khác biệt về mức sống là hệ quả của khác biệt trong vị thế chính trị-xã hội so với ba nhóm còn lại. “Đặc điểm nổi bật nhất trong thời kỳ 1960-1980 là sự phân tầng xã hội vẫn diễn ra trong phạm vi một giai cấp là giai cấp nông dân tập thể, nhóm những hộ nông dân có tổng mức thu nhập bình quân trên dưới 300kg/người/năm tăng lên và xuất hiện một nhóm những nông dân có tổng thu nhập bình quân ở mức 400kg/người/năm. Đồng thời hình thành một nhóm xã hội đặc biệt bao gồm những cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt không trực tiếp tham gia vào công việc đồng áng” (Phạm Văn Phú, 1988: 75).
Sau 1980, chính sách kinh tế nhiều thành phần và khoán hộ cho nông dân dẫn tới “sự gia tăng khuynh hướng hình thành và phát triển tư hữu về tư liệu sản xuất trong thủ công nghiệp” (Phạm Văn Phú, 1988: 75). Tác giả cho rằng, khác với giai đoạn 1960-1980 khi đó phân tầng xã hội diễn ra trong phạm vi một giai cấp nông dân tập thể, sau năm 1980, “cơ cấu kinh tế-xã hội Nam Giang thay đổi, sự phân tầng xã hội không nằm trong phạm vi một giai cấp” (Phạm Văn Phú, 1988: 75). Trong thời gian ngắn ngủi không đầy một thập niên, cơ cấu giai tầng xã hội Nam Giang đã biến đổi khá cơ bản, với năm nhóm xã hội. Tỷ trọng nhóm dưới đáy giảm nhiều nhất, chỉ còn chiếm 10% dân số. Đa số hộ thuộc nhóm dưới vào năm 1980 đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người ngang nhóm trung bình trước năm 1980. Xuất hiện hai nhóm ở nửa trên tháp phân tầng với tỷ trọng lớn hơn, 15% và 26%. Trong đó nhóm 15% dân số “gắn chặt với quan hệ thị trường”, chủ yếu làm thủ công nghiệp và buôn bán, dịch vụ. Đa số cán bộ lãnh đạo quản lý thuộc nhóm 15% dân số đó. Đặc biệt xuất hiện “nhóm nổi bật” mà Phạm Văn Phú gọi là “tiểu chủ”, tỷ trọng đã hiện rõ (6,2% dân số), có cơ sở sản xuất tư nhân, hoặc thương mại và công cụ tài chính. Song hành với sự ra đời của nhóm này, xuất hiện những người làm thuê và thợ học việc cho chủ lò xưởng. Đây là thời điểm mà người ta quan sát rõ “Nam Giang có sự gia tăng khuynh hướng hình thành và phát triển tư hữu về tư liệu sản xuất, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa và lưu thông tiền tệ” (Phạm Văn Phú, 1988: 72).
Bài viết của Phạm Văn Phú cung cấp cho người đọc một lịch sử phân tầng xã hội nông thôn từ giai đoạn 1960-1980, trải qua mấy năm đầu thập niên 1980 áp dụng chính sách khoán theo Chỉ thị 100 Ban Bí thư, đến giai đoạn sau 1984. Và điều mà hôm nay ta phải ngạc nhiên, là vào thời điểm ấy, tác giả đã đưa ra một phân tích xã hội học thực nghiệm rất gần với thế giới thực, khác hẳn lối trình bày ở các văn bản chính sách và nhiều công trình nghiên cứu cùng thời và trước đó. “Nhìn chung, sau năm 1980, ở Nam Giang quá trình phân tầng xã hội là một sự diễn ra tiếp tục, nhưng với một bình diện rộng hơn và tốc độ nhanh hơn trước. Điều đặc biệt hơn là sự phân tầng xã hội đã bắt đầu phá vỡ tính thống nhất tương đối của một giai cấp đã được hình thành trong quá trình hợp tác hóa nông nghiệp. Tuy nhiên, trong điều kiện của một xã hội đang trong thời kỳ quá độ, lực lượng sản xuất chưa phát triển và thường xuyên có sự khống chế của một đường lối nhất quán chống lại sự phát sinh của chủ nghĩa tư bản, sự phân hóa xã hội khó có thể diễn ra một cách sâu sắc” (Phạm Văn Phú, 1988: 73). Cuối bài, Phạm Văn Phú hạ bút: “tất cả mọi người dân ở xã Nam Giang đều nhận thấy không có một sự hợp lý nào cả ngoài việc thi đua sản xuất, kinh doanh để trở thành những người giàu có” (Phạm Văn Phú, 1988: 76). Đây là một nhận xét báo trước sức bung của định hướng giá trị mới sẽ càn lướt khắp xã hội Việt Nam suốt ba thập niên sau mà ta đã và đang chứng nghiệm, và chắc sẽ còn kéo dài nhiều thập niên nữa.[16]
Đỗ Thái Đồng: Xử sự phân thân ở nông dân Đồng bằng sông Cửu Long
Cuối thập niên 1980, Đỗ Thái Đồng đóng góp hai bài viết đáng chú ý. Bài thứ nhất Quan hệ sản xuất và động thái giai cấp ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long (1989a) phân tích các động lực và xu thế của phân hóa giai cấp ở nông thôn. Nhận diện hiện trạng cuối thập niên 1970, tác giả viết: “Chế độ đại địa chủ ở Nam bộ đã bị xóa bỏ từ lâu. Tư sản nông thôn chưa hình thành một giai cấp. Tất cả các cuộc điều tra từ năm 1984 của Viện Khoa học xã hội đều xác nhận rằng giai cấp trung nông chiếm đến trên 70% số hộ là khuôn mặt chính của cơ cấu giai cấp ở nông thôn ĐBSCL. Với việc “cắt đuôi phong kiến” từ sau 1975 đến 1978, ở đây không còn vấn đề cho cuộc “cải cách ruộng đất” nữa” (Đỗ Thái Đồng, 1989a: 43). Cảnh quan giai cấp ở những vùng nông nghiệp mạnh nhất dọc sông Tiền sông Hậu bao gồm 10%-15% hộ trung nông khá và 50%-60% trung nông thường. Họ là “một loại hình kinh tế, một giai cấp thật sự” (trang 45). Và: “Cơ cấu giai cấp này đã hình thành từ vài chục năm trước chứ không phải mới đây” (trang 44). Nhưng đợt “trang trải ruộng đất” 1978, tập thể hóa từ 1978, đợt khoán đất xáo trộn lớn năm 1982, khiến “50% số ruộng bị xáo trộn nhiều lần”. Nhiều nơi cho đến 1987, “có đến 27% diện tích được giao cho nông hộ canh tác vụ đầu tiên” (trang 43). Bên cạnh việc xáo trộn ruộng và bình quân hóa phân chia ruộng đất, “việc tập thể hóa tư liệu sản xuất, các máy móc và phương tiện đã gây tai hại lớn làm suy giảm lực lượng sản xuất ... Việc tập thể hóa thực sự đã thất bại trên tất cả các tư liệu sản xuất và gây hậu quả xấu kéo dài” (trang 45).[17] Những diễn biến trên đã dẫn đến cuộc “bùng nổ” năm 1988 trên toàn vùng. “Vấn đề ruộng đụng chạm đến ½ diện tích và 1/3 số hộ. Nhưng tập thể hóa thì đụng chạm đến 70, 80% hộ trung nông” (trang 45).
Thực tế sau đó cho thấy, nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long đã trở lại cảnh quan cơ cấu giai tầng xã hội gần như trước, với hơn 8% nông dân lớp trên, 50% nông dân lớp giữa và lớp dưới, và 14% lao động làm mướn trong cơ cấu xã hội nông thôn vào thời điểm khảo sát 2008 (Bùi Thế Cường và Lê Thanh Sang, 2010: 38). Đây là cảnh quan cơ cấu xã hội nghề nghiệp ở nông thôn miền Tây Nam Bộ mà từ cuối thập niên 1980 trở đi đã tham dự vào sự phát triển thần kỳ nền sản xuất lúa xuất khẩu.
Bài thứ hai của Đỗ Thái Đồng Những vấn đề cơ cấu xã hội và sự phát triển ở một xã nông thôn Nam bộ (Điều tra xã hội học tại xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Cửu Long) (1989b) là một nghiên cứu trường hợp xác nhận một lần nữa bức tranh chung trình bày trong bài thứ nhất nói trên. Bài viết mô tả sống động tình trạng “lừng chừng, cầm chừng” giữa hai phương thức sản xuất cá thể và tập thể hóa ở cơ sở, giữa chủ trương của các nhà làm chính sách từ bên trên và đối sách của người dân ở địa phương. “Việc sử dụng đất vườn được ổn định và dẫu không có quyền sở hữu danh pháp thì quyền sở hữu thực tế là không ai xâm phạm, sang nhượng, chia cho thân nhân, giao quyền thừa kế cho con cái là dễ dàng. Trong lúc đó ruộng do tập thể quản lý, điều phối, giám sát cả đến cây trồng, mùa vụ, thu hoạch v.v... Như vậy thì nông dân phải có hai cách xử sự khác nhau, vì lợi ích kinh tế thiết thân của họ đã đành, mà còn vì cả tình cảm con người của họ cũng như bất cứ ai ham muốn có tự do và quyền làm chủ. Với hai thứ đất, hai quy chế, hai cách xử sự - một gia đình nông dân, vốn là một đơn vị sản xuất hình thành từ lịch sử có tất cả những quan hệ nội tại và hữu cơ giữa vốn liếng và lao động, giữa sản xuất và đời sống, giữa tích lũy và tiêu dùng – đơn vị ấy đang phải “phân thân” cho hợp với tình huống mới. Dân Hiếu Nghĩa không phải là những người năng động nhất nhưng như chúng tôi đã khảo sát, họ cũng không phải quá chậm trễ trong cách tổ chức lại kinh tế gia đình để ít phụ thuộc vào “kinh tế tập thể” hơn” (Đỗ Thái Đồng, 1989b: 53).[18] Liên quan đến cơ cấu giai tầng xã hội, tác giả kết luận: “Để thúc đẩy sản xuất phát triển, gây được phong trào cách mạng phấn chấn trong quần chúng, mở được đà phát triển cho những năm tới, quy tụ được lòng dân thì phải xem lại các chính sách. – Chính sách giai cấp ở nông thôn hiện nay là gì, có tả khuynh không trong việc muốn xóa nhanh những khác biệt trong nội bộ nhân dân lao động? Xem lại sự phân tích giai cấp ở nông thôn cho sát với thực tế” (Đỗ Thái Đồng, 1989b: 59).
Chu Hữu Quý: Ba cách phân loại giai tầng xã hội
Năm 1990, Tạp chí Xã hội học Số 4 trình bày và thảo luận về hướng nghiên cứu chủ yếu của Viện Xã hội học trong mấy năm cuối thập niên 1980.[19] Trong số Tạp chí này có bài viết của Chu Hữu Quý và Tô Duy Hợp.
Mở đầu bài viết, Chu Hữu Quý nhận xét “Phân tầng xã hội trong nông thôn nước ta hiện nay là một vấn đề phức tạp xét cả về mặt khoa học-thực tiễn, cả về xu thế biến động” (1990: 43). Mô tả mức độ thay đổi từ 1986 đến thời điểm bài viết, tác giả đã phải dùng đến những cụm từ “chuyển động mạnh mẽ và đang tiếp tục chuyển động, ở một số nơi, mức độ phát triển, biến hóa của tình hình khá mau lẹ” (1990: 43). Theo ông, cần khảo sát nghiêm túc, từ đó “chỉ ra được một số khái niệm thực sự khoa học về phân tầng xã hội với các tiêu thức phù hợp nhất và có ý nghĩa chỉ đạo” (1990: 43). Về mặt phân loại cơ cấu xã hội, Chu Hữu Quý gợi ý “nên phân tầng xã hội nông thôn căn cứ trước hết vào phân công lao động, tức là từ các nghề nghiệp ở nông thôn, và sau đó là căn cứ vào mức sống, trình độ học vấn, dân trí, đặc tính xã hội, thực chất chính trị” (1990: 43).
Từ điểm nhìn hôm nay, ta thấy cùng với một số nhà nghiên cứu khác thời ấy, Chu Hữu Quý đã cảm nhận rõ ý nghĩa báo hiệu của những biến động to lớn về phân tầng xã hội đang diễn ra mau lẹ và sẽ còn tiếp tục mạnh hơn trong tương lai. Ông cũng gợi ý về phân tầng xã hội dựa trên nghề mà sau này dùng phổ biến. Chu Hữu Quý đề nghị ba cách phân loại phân tầng xã hội (1990: 44-45). Cách thứ nhất, “phân tầng theo nghề nghiệp”, bao gồm bốn nhóm. Một, nhóm buôn bán hay dịch vụ thương nghiệp trong nông thôn, đa số có thu nhập cao. Hai, nhóm chuyên ngành nghề có tính chất thủ công nghiệp. Nhóm này tương đối tách khỏi nông nghiệp và có mức thu nhập cao thứ hai. Ba, nhóm hộ về cơ bản là nông nghiệp, có kiêm buôn bán hay ngành nghề hoặc cả hai. Bốn, hộ thuần nông nói chung thu nhập thấp, nhưng cũng có hộ làm vườn, chăn nuôi giỏi thu nhập khá hơn cả hộ buôn bán hay ngành nghề.
Bảng 1. Ba cách phân loại phân tầng xã hội Chu Hữu Quý
Phân tầng theo nghề nghiệp
Phân tầng theo đặc tính xã hội có tính cách quản lý
Phân tầng lớp theo mức sống
Nhóm hộ buôn bán hay dịch vụ thương nghiệp trong nông thôn.
Nhóm hộ chuyên ngành nghề có tính chất thủ công nghiệp.
Nhóm hộ cơ bản nông nghiệp, kiêm buôn bán hay ngành nghề hoặc cả hai.
Nhóm hộ thuần nông.
Tầng lớp lãnh đạo ở nông thôn (cán bộ quản lý ở nông thôn).
Tầng lớp chính sách (đối tượng hưởng ưu đãi của nhà nước; đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội; đối tượng khó khăn phải cứu trợ).
Tầng lớp giáo viên, trí thức trong nông thôn.
Thang ba bậc: khá, trung bình, kém.
Thang bốn bậc: giầu, khá, trung bình, kém.
Thang năm bậc: giầu, khá, trung bình, kém, khổ.
Nguồn: Chu Hữu Quý, 1990: 43-45.
Cách thứ hai Chu Hữu Quý gọi là “phân tầng theo đặc tính xã hội có tính cách quản lý”. Theo lối này xã hội nông thôn có ba tầng lớp. Một, “tầng lớp lãnh đạo ở nông thôn (cán bộ quản lý ở nông thôn)”. Điều này khá phù hợp với những nhận định của Phạm Văn Phú và Đỗ Nguyên Phương mà tôi đề cập ở trên. Tác giả nhấn mạnh tầng lớp này không nhỏ, khoảng 1 triệu người trong 50 triệu dân nông thôn.[20] Ông cho rằng đây là tầng lớp quan trọng nhưng thiếu được quan tâm về chính sách và năng lực quản lý yếu, thậm chí tác giả dùng đến những từ “chểnh mảng”, “tùy tiện”, “không biết xử kiện”.[21] Hai, “tầng lớp chính sách” gồm ba “đối tượng lớn” chiếm khoảng 5% dân số nông thôn. Thứ nhất, “đối tượng được hưởng sự ưu đãi của nhà nước” khoảng 1-1,2 triệu người. Thứ hai, “đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội” khoảng 1-1,5 triệu người. Thứ ba, “tầng lớp khó khăn phải cứu trợ” khoảng hơn một triệu người. Ba, “tầng lớp giáo viên, trí thức trong nông thôn” (gồm những người có học vấn cấp 2-3 và giáo viên, khoảng 1.000 đến 2.000 người trong mỗi huyện). Tác giả cho rằng nhà nước chưa chú ý đến tầng lớp này nên họ chưa phát huy được vai trò của mình.
Cách thứ ba Chu Hữu Quý gọi là “phân tầng lớp theo mức sống”. Theo lối này, đã có một số điều tra phân loại thành thang ba, bốn, hoặc năm bậc: “khá, trung bình, kém”, “giầu, khá, trung bình, kém”, hoặc “giầu, khá, trung bình, kém, khổ”. Chỉ ba năm sau, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới giới thiệu làm quen với cách phân loại quintile (năm nhóm 20%) theo thu nhập hay chi tiêu.
Tô Duy Hợp: Ba loại hộ gia đình, ba loại làng xã ở Đồng bằng sông Hồng
Bài viết của Tô Duy Hợp nêu lên “ba trình độ chuyển đổi cơ cấu xã hội học nông thôn” ở Đồng bằng Bắc Bộ xét cả trên cấp độ hộ gia đình và làng xã. Tác giả phân ba loại hộ gia đình: hộ vượt trội, chủ động giàu có; hộ trung bình đủ ăn; và hộ yếu kém, thụ động, nghèo khổ, thiếu ăn. Tương tự, có ba loại làng, xã: làng, xã vượt trội, chủ động, giàu có; làng, xã trung bình, đủ ăn; và làng, xã yếu kém, thụ động, nghèo khổ, thiếu ăn. Do đó, “cơ cấu xã hội nông thôn bị phân tán và hình thành dần dần tháp phân tầng xã hội vượt trội-yếu kém, giàu có-nghèo khổ” (Tô Duy Hợp, 1990: 18). Tác giả phát hiện rằng các làng, xã vượt trội hiện nay vốn đã giàu có trong truyền thống, thường là làng nghề truyền thống (tức cơ bản là phi nông nghiệp). Không có làng xã nào yếu kém, thậm chí làng xã trung bình mà đã có thể trở thành làng xã vượt trội. Đại bộ phận làng xã ở Bắc Bộ thuộc diện trung bình, trung bình kém, và yếu kém. Số làng, xã vượt trội ở mỗi huyện thậm chí mỗi tỉnh là rất ít. Tháp phân tầng xã hội theo tỷ lệ hộ gia đình phụ thuộc mạnh vào loại làng, xã. Ở làng xã vượt trội, giàu có, tỷ lệ hộ gia đình giàu có nhiều hơn, tỷ lệ hộ gia đình thiếu ăn rất thấp. Ngược lại, ở loại làng, xã yếu kém, nghèo khổ, tỷ lệ hộ giàu có thấp hơn nhiều và tỷ lệ hộ thiếu ăn cao hơn nhiều. Hộ gia đình được xem là giàu có ở loại làng, xã yếu kém, nghèo khổ, chỉ bằng mức hộ trung bình khá ở loại làng, xã giàu có (Tô Duy Hợp, 1990: 18).
Bảng 2. Mô hình ba trình độ chuyển đổi cơ cấu xã hội học nông thôn Tô Duy Hợp
Ba loại làng, xã
Ba loại hộ gia đình
Làng, xã vượt trội, chủ động, giàu có.
Hộ vượt trội, chủ động giàu có.
Hộ trung bình đủ ăn.
Hộ yếu kém, thụ động, nghèo khổ, thiếu ăn.
Làng, xã trung bình, đủ ăn.
Hộ vượt trội, chủ động giàu có.
Hộ trung bình đủ ăn.
Hộ yếu kém, thụ động, nghèo khổ, thiếu ăn.
Làng, xã yếu kém, thụ động, nghèo khổ, thiếu ăn.
Hộ vượt trội, chủ động giàu có.
Hộ trung bình đủ ăn.
Hộ yếu kém, thụ động, nghèo khổ, thiếu ăn.

Nguồn: Tô Duy Hợp, 1990: 18.
4. KẾT LUẬN
Về chính trị và học thuật (xã hội học), thập niên 1980 là thời kỳ bản lề không chỉ đối với Việt Nam mà toàn bộ khối các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô, Đông Âu, và Trung Quốc. Trong thời kỳ này, Liên Xô và các nước Đông Âu rơi vào khủng hoảng toàn diện trầm trọng. Xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc lên tới đỉnh điểm từ cuối thập niên 1970 và kéo dài suốt thập niên 1980. Trung Quốc khởi động bước ngoặt cải cách mở cửa cuối 1978, Liên Xô khởi động cải tổ vào năm 1985. Xã hội học ở những nước đó đều chịu ảnh hưởng và biến động mạnh. Vì vậy, nghiên cứu về tình hình xã hội học nói chung và về nghiên cứu cơ cấu (giai tầng) xã hội nói riêng ở các nước nói trên cũng như ở Việt Nam trong thập niên 1980 gợi mở những bài học lịch sử.
Không gian thảo luận khoa học xã hội ở Việt Nam thập niên 1980 chật hẹp và thiếu thốn kết nối quốc tế. Vì vậy, trở lại ấn phẩm về cơ cấu (giai tầng) xã hội thời kỳ này từ điểm nhìn hôm nay, ta không ngạc nhiên với những hạn chế trong diễn ngôn và phân tích. Nhưng trong bối cảnh ấy, một số nhà xã hội học đã vượt thoát chính mình và hoàn cảnh, viết ra những ý tưởng mới (thường là không mới trên thế giới nhưng mới mẻ với độc giả trong nước), khắc phục lối bàn tư biện về thế giới thực, vốn phổ biến ở thời ấy thậm chí vẫn còn đến bây giờ, để làm ra những khảo sát thực nghiệm cụ thể với những logic phân tích sáng tỏ, vẫn còn ý nghĩa thời sự hôm nay. Mặc dù ở nhiều chỗ vẫn có lối diễn ngôn chính thống, song nhiều tác giả đã áp dụng thành công lối phân tích thực chứng thịnh hành trong xã hội học quốc tế, trong đó có xã hội học marxist, đưa ra được cái nhìn mới mẻ về thế giới thực ngày ấy. Theo tôi, như phần trên cố gắng đề cập, trong nghiên cứu thực nghiệm về động năng cơ cấu giai tầng xã hội ở Việt Nam thập niên 1980, những tên tuổi nổi lên là Phạm Văn Phú, Chu Hữu Quý, Đặng Cảnh Khanh và Tô Duy Hợp ở miền Bắc cùng với Đỗ Thái Đồng, Lê Minh Ngọc, và Trần Hữu Quang ở miền Nam.[22]
Nghiên cứu cơ cấu giai tầng xã hội Việt Nam trong thập niên 1980 có một số đặc điểm và đóng góp còn đọng lại giá trị lịch sử và cho nghiên cứu đương đại. Thứ nhất, đi xa hơn lối diễn ngôn phổ biến cùng thời, Vũ Khiêu nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu về cơ cấu xã hội và kêu gọi cần vượt xa hơn khung phân tích “hai giai một tầng” để khảo sát những nhóm xã hội cụ thể hơn trong các đại giai cấp và tầng lớp đó.
Thứ hai, nhìn chung các nhà xã hội học về phân tầng xã hội thời kỳ này tập trung vào nông thôn.
Thứ ba, khác với văn bản chính sách và nghiên cứu chủ nghĩa duy vật lịch sử cùng thời, nghiên cứu xã hội học thực nghiệm chỉ rõ phân tầng xã hội ở nông thôn miền Bắc vẫn tồn tại trong thập niên 1960-1980 cho dù toàn bộ nông nghiệp nông thôn miền Bắc đã hợp tác hóa (Phạm Văn Phú, 1988; Tô Duy Hợp, 1990).
Thứ tư, các nhà xã hội học đã rất cố gắng đưa nhận thức của mình bắt kịp với những chuyển động cơ cấu xã hội mà chính họ cho là rất mau lẹ ở thập niên 1980. Trong bối cảnh đó đã xuất hiện những phân loại giai tầng khác nhau để mô hình hóa thế giới thực. Trước hết, đó là mô hình phân loại của Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam và Tổng cục thống kê áp dụng để thực hiện Khảo sát 1978 và 1981, phân bố hộ nông thôn vào năm loại. Hầu hết những nghiên cứu mang tính thực nghiệm về cơ cấu xã hội nông thôn miền Nam thời ấy đều dựa trên số liệu hai khảo sát này (Hồng Giao, 1979; Thanh-Giang, 1979; Trần Hữu Quang, 1982; Lê Minh Ngọc, 1982, 1984).[23] Tiếp theo, xuất hiện mô hình của Phạm Văn Phú (1988) về bốn nhóm xã hội giai đoạn 1960-1980 và năm nhóm xã hội giữa thập niên 1980, ba mô hình phân loại của Chu Hữu Quý (theo nghề nghiệp, theo đặc tính xã hội có tính cách quản lý, theo mức sống, 1990), mô hình của Tô Duy Hợp (1990) về ba loại hộ gia đình và ba loại làng xã.
Thứ năm, một số nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh một số giai tầng quan trọng mà văn bản chính sách và nghiên cứu khác bỏ qua. Nổi bật là nhóm cán bộ lãnh đạo quản lý ở nông thôn (Phạm Văn Phú, 1988; Chu Hữu Quý, 1990; Đỗ Nguyên Phương, 1990) và giai cấp trung nông (Lê Minh Ngọc, 1982, 1984; Trần Hữu Quang, 1984; Đỗ Thái Đồng, 1989a, 1989b).
Thứ sáu, tuy có khác biệt nhất định, nhìn chung các phân loại có nhiều điểm chung. Song đáng chú ý là sự dịch chuyển trong lối diễn giải và đề xuất chính sách. Một số phân tích thực nghiệm ban đầu nhấn mạnh khía cạnh phân hóa và bóc lột nhằm minh họa hoặc xây dựng luận cứ khoa học cho chính sách cải tạo nông nghiệp xã hội chủ nghĩa ở miền Nam (Hồng Giao, 1979; Thanh-Giang, 1979). Dần dần trong thập niên 1980, sử dụng cùng cơ sở dữ liệu hoặc thu thập số liệu mới, các nhà xã hội học nhấn mạnh đến các giai cấp trung nông và vai trò đối với phát triển lực lượng sản xuất (Lê Minh Ngọc, 1982, 1984; Đỗ Thái Đồng, 1989a, 1989b). Đây là một minh họa tốt thêm vào bài học khoa học luận: Cùng một thế giới thực, thậm chí dựa trên cùng một bộ số liệu, mà các nhà nghiên cứu có thể đưa ra những diễn giải lý thuyết và đề xuất chính sách rất khác nhau.[24]
Ở đây, tôi muốn nói thêm khía cạnh lịch sử xã hội học. Ấn phẩm trong thập niên 1980 cung cấp thông tin bổ ích về một số đề tài đáng chú ý thực hiện trong thời kỳ đó. Chẳng hạn, bài viết Trần Hữu Quang (1982) nhắc ta nhớ lại đã từng có hai khảo sát quy mô về cơ cấu giai cấp ở Nam Bộ do Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam và Tổng cục Thống kê thực hiện. Khảo sát thứ nhất diễn ra tháng 7/1978 với 10 điểm điền dã (tám điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long, một điểm ở Đông Nam Bộ, và một điểm ở TPHCM). Khảo sát thứ hai diễn ra tháng 8/1981 với khoảng 80 điểm điền dã, trong đó 57 điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long (Trần Hữu Quang, 1982: 36). Trước hai khảo sát lớn trên còn có những điều tra bộ phận của một số cơ quan (Trần Hữu Quang, 1982: 31). So với điều kiện kinh tế và tổ chức cũng như tiêu chuẩn về quy mô nghiên cứu thực nghiệm phổ biến hiện nay, hai cuộc khảo sát này vẫn thực sự thuộc loại lớn. Từ bài viết Tương Lai (1989: 12) ta biết riêng năm 1988 Viện Xã hội học đã tiến hành năm khảo sát thực địa ở nông thôn miền Bắc, Tây Nguyên và một số xí nghiệp ở Hà Nội, với mục đích nhận diện cơ cấu xã hội, chủ yếu là cơ cấu giai cấp, nghề nghiệp và nhân khẩu. Từ bài viết Tô Duy Hợp (1990: 20), ta biết trong thập niên 1980 xã hội học nông thôn ở Viện Xã hội học đã có nhiều đề tài và ấn phẩm về cơ cấu lao động và nghề nghiệp-xã hội và cơ cấu xã hội-giai cấp, với các tác giả Đỗ Thanh Hồng, Phạm Văn Phú, Tô Duy Hợp, Nguyễn Phan Lâm. Tôi dự đoán, nhiều tài liệu và dữ liệu các đề tài nêu trên không còn nữa. Nhưng sẽ bổ ích và lý thú nếu có người thu thập và phân tích những gì sót lại, đang lưu giữ trong các tổ chức, nơi nhà riêng cũng như ký ức cá nhân, và những ẩn phẩm liên quan. Nó sẽ vừa là một tổng quan chủ đề (cơ cấu xã hội) vừa là một nghiên cứu lịch sử xã hội học vừa là một xã hội học về xã hội học nước nhà, chắc bạn đọc sẽ hoan nghênh chào đón.
TÀI LIỆU VIỆN DẪN
1.   Batưghin, Ghenađi. 1989. Xã hội học: Một huyền thoại? Dịch giả: Hồ Hải Thụy. Tạp chí Xã hội học. Số 1/1989: 65-74.
2.   Bui, Cuong The. 2015a. Social Stratification in the Southeast Region of Vietnam. IAS Working Paper Series. No. 16. Universiti Brunei Darussalam Institute of Asian Studies.
3.   Bùi Thế Cường. 2015b. Nông dân trong cấu trúc phân tầng xã hội. Tạp chí Xã hội học. Số 2(130)/2015: 20-31.
4.   Bùi Thế Cường. 2015c. Nghiên cứu phân tầng xã hội ở Nam Bộ (Nhìn từ đóng góp của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ). Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Số 9+10(205-206)/2015: 45-60.
5.   Bùi Thế Cường Lê Thanh Sang. 2010. Một số vấn đề về cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội ở Tây Nam Bộ: Kết quả từ cuộc khảo sát định lượng năm 2008. Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Số 3(139): 35-47.
6.   Bùi Thế Cường và Phạm Thị Dung. 2016. Chuyển dịch cơ cấu nghề trên một mẫu khảo sát lặp lại ở Đông Nam Bộ. Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Số 1(209)/2016: 29-42.
7.   Bưkova, S. 1988. Các quan hệ giai cấp-xã hội ở Liên Xô. Tạp chí Xã hội học. Số 1+2/1988: 91-97.
8.   Chu Hữu Quý. 1990. Về sự phân tầng xã hội ở các vùng nông thôn nước ta hiện nay. Tạp chí Xã hội học. Số 4(32): 43-45.
9.   Dimitơrốp, K. R. 1987. Những vấn đề cấp bách của cơ cấu giai cấp-xã hội nước Cộng hòa Nhân dân Bungari. Tạp chí Xã hội học. Số 1+2/1987: 44-51.
10.        Dobrianov, Velichko. 1982. Vai trò của nghiên cứu xã hội học trong sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước Bungari. Tạp chí Xã hội học. Số 1/1982: 108-110.
11.        Dobrianov, Velichko. 1983. Xã hội học ở Bungari. Tạp chí Xã hội học. Số 1/1983: 95-100.
12.        Đặng Cảnh Khanh. 1987. Vấn đề nghiên cứu cơ cấu xã hội ở Bungari và ý nghĩa thực tế của nó. Tạp chí Xã hội học. Số 1+2/1987: 52-62.
13.        Đặng Cảnh Khanh và Nhóm nghiên cứu Hải Hậu. 1988. Những suy nghĩ bước đầu qua việc khảo sát thực trạng cơ cấu xã hội một vùng nông thôn. Tạp chí Xã hội học. Số 3+4/1988: 53-64.
14.       

Đặng Phong. 2014. Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989: Nhật ký thời bao cấp. Nxb Tri thức.
15.        Đỗ Nguyên Phương. 1989. Thực trạng cơ cấu xã hội giai cấp công nhân Việt Nam và những xu hướng phát triển. Tạp chí Xã hội học. S 3(27)/1989: 3-10.
16.        Đỗ Nguyên Phương. 1990. Góp phần tìm hiểu biến động của đội ngũ cán bộ cơ sở thôn xã với tính cách một tập đoàn xã hội-nghề nghiệp trong nông thôn nước ta. Tạp chí Xã hội học. S 4(32)/1990: 39-42.
17.        Đỗ Thái Đồng. 1989a. Quan hệ sản xuất và động thái giai cấp ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 1(1)/1989: 43-49. Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh.
18.        Đỗ Thái Đồng. 1989b. Những vấn đề cơ cấu xã hội và sự phát triển ở một xã nông thôn Nam bộ (Điều tra xã hội học tại xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Cửu Long). Tạp chí Xã hội học. S 3(27)/1989: 49-59.
19.        Đỗ Thiên Kính. 2012. Hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay (Qua những cuộc điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam 2002-2004-2006-2008). Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.
20.        Đỗ Thiên Kính. 2014. Rào cản đối với tầng lớp nông dân trong hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Xã hội học. Số 2(126)/2014: 4-14.
21.        Đỗ Thiên Kính. 2015. Xu hướng biến đổi cấu trúc các tầng lớp xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời kỳ đổi mới. Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Số 4(200): 29-40.
22.        Đỗ Thiên Kính. 2018. Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.
23.        Eisenstadt, S. N. 1989. Sự kết hợp giữa phân tích văn hóa và phân tích cơ cấu xã hội. Lược dịch: Nguyễn Đức Truyến. Tạp chí Xã hội học. Số 4/1989: 81-86.
24.        Filippov, F. R. 1987. Những phương pháp xã hội học trong việc nghiên cứu cơ cấu xã hội của xã hội chủ nghĩa. Tạp chí Xã hội học. Số 3+4/1987: 77-87.
25.        Golenkova, Z. T. 1987. Những giai đoạn và xu hướng cơ bản của sự phát triển xã hội học Mác-Lênin ở các nước xã hội chủ nghĩa. Tạp chí Xã hội học. Số 3+4/1987: 29-44.
26.        Gordon, Lêônít, Victor Komarópxki, và Alla Nazimốpva. 1990. Giai cấp công nhân Xô Viết: Các xu hướng và mâu thuẫn của sự phát triển. Người dịch: Phí Văn Ba. Tạp chí Xã hội học. Số 1/1990: 63-74.
27.        Hoài Anh (Dịch). 1989. Xã hội Liên Xô trong giai đoạn cải tổ. Tạp chí Xã hội học. Số 2/1989: 109-112.
28.        Houtart, Francois et Geneviève Lemercinier. 1981. Sociologie d’une Commune vietnamienne: participation sociale, Modèles culturels, Famille, Religion, dans la Commune de Hai Van. Louvain-la-Neuve: Université catholique de Louvain.
29.        Houtart, Francois và Geneviève Lemercinier. 2001. Xã hội học về một xã ở Việt Nam. Tham gia xã hội, Các mô hình văn hóa, Gia đình, Tôn giáo ở xã Hải Vân. Dịch giả: Hồ Hải Thụy. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.
30.        Houtart, Francois. 2004. Những suy nghĩ về sự quá độ hướng về một nền kinh tế thị trường. Dịch giả: Bùi Đình Thanh. Tạp chí Xã hội học. Số 4(88)/2004: 68-74.
31.        Hồng Cảnh. 1988. Cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam. Tạp chí Xã hội học. Số 1+2/1988: 21-30.
32.        Hồng Giao. 1979. Về tình hình sở hữu máy móc, ruộng đất, và cơ cấu các tầng lớp xã hội ở nông thôn Nam bộ. Tạp chí Cộng sản. Số 1/1979: 61-71.
33.        Ivanov, V. N. 1986. Các vấn đề cấp thiết của việc nghiên cứu xã hội học về cơ cấu xã hội của xã hội Xô-Viết. Tạp chí Xã hội học. Số 4/1986: 66-72.
34.        Ivanov, V. N. 1987. Những vấn đề cấp bách của khoa học xã hội dưới ánh sáng Nghị quyết lần thứ XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô. Tạp chí Xã hội học. Số 3+4/1987: 17-29.
35.        Ivanov, V. N. 1988. Cải tổ và khoa học xã hội. Tạp chí Xã hội học. Số 3+4/1988: 27-36.

36.        Kuhn, Thomas S. 2008. Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học. Chu Lan Đình dịch. Nxb Tri thức.
37.        Kuznechevskij, V. 1987. Những khuynh hướng mới trong sự phát triển cơ cấu giai cấp-xã hội của xã hội Xô-Viết trong giai đoạn những năm 70-80. Tạp chí Xã hội học. Số 1+2/1987: 34-45.
38.        Levada, Yu. 1990. Phác thảo một chân dung qua một cuộc khảo sát xã hội học. Dịch giả: Vũ Đăng Khôi. Tạp chí Xã hội học. Số 2/1990: 86-90.
39.        Lê Minh Ngọc. 1982. Về tầng lớp trung nông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong: Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh. 1982. Một số vấn đề khoa học xã hội về Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: NXb Khoa học xã hội. Trang 214-225.
40.        Lê Minh Ngọc. 1984. Về tầng lớp trung nông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Xã hội học. S 2(6)/1984: 25-31.
41.        Lê Minh Ngọc. 1989. Một số khía cạnh kinh tế xã hội của dân cư và lao động Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học xã hội. S 4(4)/1989: 12-18. Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh.
42.        Li, Tania Murray. 2019. Hình thành giai cấp và chủ nghĩa tư bản nông nghiệp. Dịch giả: Bùi Thế Cường. Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Số 6(250)/2019: 72-75.
43.        Mai Kim Châu. 1986. Người nông dân hiện nay trong mối quan hệ Nhà nước, hợp tác xã và gia đình. Tạp chí Xã hội học. Số 4/1986: 21-29.
44.        Mai Quỳnh Nam. 1983. Một số công trình nghiên cứu xã hội học thực nghiệm ở Bungari. Tạp chí Xã hội học. Số 1/1983: 109-118.
45.        Mikhailov, Xtojan. 1988. Khoa học xã hội Bungari trước những nhiệm vụ mới. Tạp chí Xã hội học. Số 3+4/1988: 37-46.
46.        Nguyên Vũ. 1986. Mấy vấn đề nghiên cứu cơ cấu xã hội của giai cấp công nhân hiện nay. Tạp chí Xã hội học. Số 4/1986: 16-20.
47.        Nguyễn Công Bình. 2015. Nhớ mãi 10 thành tựu khoa học phục vụ phát triển xã hội với đường lối chính sách về vùng Nam Bộ. Tham luận Hội thảo khoa học 40 năm khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức ngày 19/9/2015 tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. TPHCM.
48.        Nguyễn Đình Lê. 1999. Biến đổi cơ cấu giai cấp xã hội miền Bắc thời kỳ 1954-1975. Hà Nội: Nxb Văn hóa-Thông tin.
49.        Nguyễn Tâm Quốc và Trần Du Lịch. 1989. Sự phát triển nông thôn trong mối quan hệ với các vấn đề nông nghiệp và nông dân (Qua thực tiễn tỉnh Cửu Long). Tạp chí Khoa học xã hội. Số 4(4)/1989: 29-35. Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh.
50.        Nguyễn Văn Huy. 1987. Một số suy nghĩ về cơ cấu xã hội và việc hình thành lối sống mới ở nông thôn miền núi (Qua thí dụ ở Lạng Sơn). Tạp chí Xã hội học. Số 1+2/1987: 18-26.
51.        Osipov, G., G. Denisovskij, V. Kolbanobskij, P. Kozyreva. 1988. Xây dựng hệ thống chỉ báo sự phát triển xã hội của xã hội Xô-Viết. Người dịch: Vân Anh. Tạp chí Xã hội học. Số 3+4/1988: 115-121.
52.        Oxipốp, G. V. 1989. Sự thể là thế nào? (Về những vấn đề xã hội học ở Liên Xô). Người dịch: Trần Y Minh. Tạp chí Xã hội học. Số 2/1989: 103-108.
53.        Oxipop, G. 1990. “Nhân tố con người” trong đo lường xã hội học. Người dịch: Nguyễn Quốc Khánh. Tạp chí Xã hội học. Số 1/1990: 48-62.
54.        Phạm Văn Phú. 1988. Bước đầu tìm hiểu về sự phân tầng xã hội trong nông thôn hiện nay. Tạp chí Xã hội học. Số 3+4/1988: 70-77.
55.        Phan An. 1978. Vấn đề trung nông Khơ-Me ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong: Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh Ban Dân tộc học. 1978. Những vấn đề dân tộc học ở miền Nam. TPHCM: Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh Ban Dân tộc học. (Thư Viện Khoa học xã hội. Vv2562).
56.        Porter, Daniel Gareth. 1976. Imperialism and Social Structure in Twentieth Century Vietnam. Ph. D. Thesis submitted to Cornell University.
57.        Sansom, Robert L. 1970. The Economics of Insurgency in the Mekong Delta of Vietnam. MIT Press.
58.        Tạ Ngọc Tấn (Chủ biên). 2013. Xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia.
59.        Tạp chí Xã hội học. 1986. Xã luận. Nghiên cứu về cơ cấu xã hội và chính sách xã hội là nhiệm vụ hàng đầu của xã hội học. Tạp chí Xã hội học. Số 4/1986: 3-6.
60.        Tạp chí Xã hội học. 1987. Hội nghị các viện trưởng xã hội học các nước xã hội chủ nghĩa tại Buđapext (Từ 20 đến 24-4-1987). Tạp chí Xã hội học. Số 1+2/1987: 102-107.
61.        Tạp chí Xã hội học. 1990. Diễn đàn xã hội học. Nghiên cứu về sự chuyển đổi cơ cấu xã hội và định hướng giá trị. Tạp chí Xã hội học. Số 4/1990: 39-53.
62.        Thanh-Giang. 1979. Tình hình phân hóa giai cấp ở một ấp thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Cộng sản. Số 5/1979: 53-58.
63.        T. H. 1989. Về chiến lược quản lý lĩnh vực xã hội của công cuộc cải tổ. Đọc sách: Aphavaxiep, Iu. N. (Chủ biên). 1989. Không có con đường nào khác. Nxb Khoa học xã hội/ Nxb Sự Thật. Tạp chí Xã hội học. Số 4/1989: 111-113.
64.        Tô Duy Hợp. 1990. Về thực trạng và xu hướng chuyển đổi cơ cấu xã hội nông thôn đồng bằng Bắc bộ hiện nay. Tạp chí Xã hội học. Số 4/1990: 17-24.
65.        Trần Du Lịch. 1989. Đặc điểm sản xuất hàng hóa ở miền Nam Việt Nam nhìn dưới khía cạnh phát triển. Tạp chí Khoa học xã hội. Số 1/1989: 13-21. Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh.
66.        Trần Hữu Quang. 1982. Nhận diện cơ cấu giai cấp ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế. Số 4/1982: 31-38.
67.        Trần Kim Thạch. 1989. Luồng năng lượng trong môi trường tự nhiên và xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 4(4)/1989: 36-43. Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh.
68.        Trần Lê Sáng. 1989. Tìm hiểu về xã hội học ở Trung Quốc. Tạp chí Xã hội học. Số 2/1989: 113-116.
69.        Trần Văn Tư. 2010. Nhớ về một đóng góp của Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh 25 năm trước. Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Số 11+12(147+148)/2010: 140-141.
70.        Tương Lai. 1989. Những vấn đề của cơ cấu xã hội và chính sách xã hội ở nông thôn Bắc Bộ (Qua một năm triển khai nghiên cứu của Viện Xã hội học). Tạp chí Xã hội học. Số 1/1989: 10-21.
71.        Vasilev, R., M. Draganov, St. Mikhailov, and B. Stavrov. 1983. Sociology in Bulgaria. International Review of Modern Sociology. Vol. 13 (Spring-Autumn): 35-77.
72.        Viện Khoa học xã hội tại TPHCM Ban Dân tộc học. 1978. Những vấn đề dân tộc học ở miền Nam. TPHCM: Viện Khoa học xã hội tại TPHCM Ban Dân tộc học. (Thư Viện Khoa học xã hội. Vv2562).
73.        Viện Khoa học xã hội tại TPHCM. 1982. Một số vấn đề khoa học xã hội về Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
74.        Vũ Khiêu. 1982. Hoạt động của Ban Xã hội học trong những năm gần đây. Tạp chí Xã hội học. Số 1/1982: 126-130.
75.        Vũ Khiêu. 1986a. Chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ và những biến đổi thường xuyên của cơ cấu xã hội. Tạp chí Xã hội học. Số 4/1986: 7-16.
76.        Vũ Khiêu. 1986b. Cơ cấu xã hội và sứ mệnh lịch sử của người trí thức Việt Nam hiện nay. Tạp chí Xã hội học. Số 4/1986: 30-35.
77.        Vũ Tuấn Anh. 1990. Về sự chuyển biến cơ cấu xã hội và định hướng giá trị ở nông thôn trong quá trình đổi mới kinh tế. Tạp chí Xã hội học. Số 4/1990: 9-11.
78.        Zaxlavxkaia, T. I. 1988. Vai trò của xã hội học trong việc đẩy mạnh sự phát triển xã hội Xô-Viết Tạp chí Xã hội học. Số 1+2/1988: 68-80.
79.        Zaxlapxcaia, T. I. 1989. Nhân dân im lặng ư? Tạp chí Xã hội học. Số 3/1989: 98-106.




Chú thích:

[1] Chỉ đến cuối thập niên 1990 đầu thập niên 2000 mới xuất hiện một vài công trình đề cập đến cơ cấu giai tầng xã hội ở miền Bắc giai đoạn 1954-1975, như Luận án tiến sĩ sử học của Nguyễn Đình Lê Biến đổi cơ cấu giai cấp xã hội miền Bắc thời kỳ 1954-1975 (1999) và cuốn sách Xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam do Tạ Ngọc Tấn chủ biên (2013: 81-139). Còn ở miền Nam trước 1975 có một số công trình thực chứng giúp ta thấy được đôi nét về phân tầng xã hội ở miền đất này, nhưng hình như phần lớn do các nhà nghiên cứu nước ngoài thực hiện. Chẳng hạn, có thể nói đến cuốn sách của Robert L. Sansom xuất bản 1970 The Economics of Insurgency in the Mekong Delta of Vietnam và Luận án tiến sĩ của Daniel Gareth Porter Imperialism and Social Structure in Twentieth Century Vietnam bảo vệ năm 1976 ở Đại học Cornell.

[2] Tham gia Hội nghị các viện trưởng viện nghiên cứu xã hội học thuộc viện hàn lâm khoa học của các nước xã hội chủ nghĩa ngày 20-24/4/1987 tại Budapest, Viện trưởng Viện Xã hội học Giáo sư Vũ Khiêu thông báo tóm tắt hoạt động của xã hội học Việt Nam trong 10 năm qua: “Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng 1975, vấn đề triển khai các hoạt động xã hội học là một nhu cầu cấp thiết. Chưa bao giờ lịch sử Việt Nam phải chứng kiến sự biến động xã hội lớn lao như sau ngày giải phóng miền Nam. Hàng triệu người từ thành phố ra đi và hàng triệu người từ nơi khác vào thành phố. Hàng triệu người từ miền Bắc vào Nam, từ miền Nam ra Bắc. Sự thay đổi thành phần nghề nghiệp của hàng triệu người từ ngụy quân, ngụy quyền trở thành người lao động. Với việc xây dựng lại đất nước, người nông dân cá thể trở thành người nông dân tập thể, giai cấp công nhân được mở rộng, đội ngũ sinh viên và trí thức tăng lên nhanh chóng. Đất nước chứng kiến những biến đổi sâu sắc nhất trong toàn bộ cơ cấu xã hội. Cơ cấu xã hội trở thành đối tượng quan trọng bậc nhất của xã hội học” (Tạp chí Xã hội học. Số 1-2/1987: 106). Phân tích của Lê Minh Ngọc (1989) cung cấp số liệu biến động dân cư TPHCM sau 1975 giúp ta hình dung cụ thể phần nào những nhận định trên. Dân số thành phố gần như không tăng trong 15 năm: 3.498.000 người năm 1975, 3.398.000 năm 1984, và 3.934.000 năm 1989. “[N]hưng thực ra đằng sau con số dân cư có vẻ ổn định đó, là cả một quá trình biến động lớn về dân cư” (trang 13). “Trong 10 năm đầu, 1/3 dân cư của một thành phố lớn thay đổi là một sự biến đổi lớn hiếm có về số lượng đối với lịch sử một thành phố” (trang 14). “Bảy tám trăm ngàn người dân nông thôn bị quá trình đô thị hóa cưỡng bức đã rời khỏi thành phố. 300.000 người Hoa phần lớn là tầng lớp trên đã ra đi. Hàng trăm ngàn dân cư khác thuộc các thành phần xã hội khác nhau không thích ứng được với chế độ xã hội mới của thành phố đã ra đi hẳn và thành phố được tăng cường một đội ngũ cán bộ, công nhân viên, trí thức xã hội chủ nghĩa gần như đủ lấp đi số người ra đi hẳn, làm cho chất lượng chính trị văn hóa và cả kinh tế của dân cư được thay đổi” (trang 14).

[3] Là một chuyên đề tổng quan nghiên cứu cho một đề tài, nhưng tác giả bài viết hy vọng cũng có dáng dấp một kiểu viết góp vào lịch sử xã hội học Việt Nam, và một kiểu làm xã hội học về xã hội học.

[4] Hơn 20 năm sau, Houtart điền dã lại địa bàn. Kết quả, ông có chuyên khảo Hai Van Socialisme et marché La doublé transition d’une commune vietnamienne (2004). Viện Xã hội học cho dịch Chương 4 cuốn sách, xuất bản với nhan đề Những suy nghĩ về sự quá độ hướng về một nền kinh tế thị trường (Tạp chí Xã hội học. Số 4(88)/2004: 68-74).

[5] Trong khi điền dã của Viện Xã hội học cuối thập niên 1970 cùng Houtart và Lemercinier để cho ra đời chuyên khảo nói trên có thể xem là những hoạt động xã hội học thực nghiệm đầu tiên sau 1975 ở miền Bắc, thì Khảo sát 1978 của Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam và Tổng cục Thống kê có thể xem là công trình khảo sát xã hội định lượng về cơ cấu giai cấp đầu tiên sau 1975 ở miền Nam. Xin xem những trình bày ở phần sau có liên quan.

[6] Xem thêm: Dobrianov, 1982, 1983; Mai Quỳnh Nam, 1983; Đặng Cảnh Khanh, 1987; Vasilev et al., 1983.

[7] Bài viết của Trần Kim Thạch giúp ta biết bối cảnh của cách tổ chức nghiên cứu thời ấy. “Điều tra cơ bản hiện nay không còn mang nặng đơn tính như năm mươi năm về trước nữa, mà chuyển sang hướng tổng hợp dựa trên các đơn tính đã biết” (Trần Kim Thạch, 1989: 36). “... phương pháp này đã được triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long từ 1983 đến nay, trong một loạt chương trình điều tra cơ bản tổng hợp cấp nhà nước, như Chương trình 60-02 (1983-86), Chương trình 60-B (1986-90). Trước 1983, tất cả các cuộc điều tra nằm ở mức độ đơn tính, rời rạc, không có mục tiêu kinh tế xã hội rõ ràng” (Trần Kim Thạch, 1989: 36).

[8] Xem: Dobrianov, 1982, 1983; Mai Quỳnh Nam, 1983. Nửa sau thập niên 1980 và năm 1990, Tạp chí Xã hội học còn tiếp tục giới thiệu nhiều bài viết đề cập chủ đề cơ cấu (giai tầng) xã hội nói riêng và xã hội học nói chung của các nhà xã hội học thuộc khối xã hội chủ nghĩa cũ. Chẳng hạn, trong vòng năm năm (1986-1990) liệt kê chưa đầy đủ có 18 bài trên Tạp chí Xã hội học dịch hoặc giới thiệu công trình của các nhà khoa học ở các nước xã hội chủ nghĩa bàn về xã hội học nói chung và/ hoặc cơ cấu xã hội: Ivanov, 1986; Dimitơrốp, 1987; Filippov, 1987; Ivanov, 1987; Kuznechevskij, 1987; Bưkova, 1988; Ivanov, 1988; Mikhailov, 1988; Osipov và cộng sự, 1988; Batưghin, 1989; Oxipốp, 1989; Zaxlapxcaia, 1988, 1989; T.H., 1989; Trần Lê Sáng, 1989; Oxipop, 1990; Gordon và cộng sự, 1990; Levada, 1990. Có thể nhận ra thay đổi quan trọng trong diễn ngôn (hay hệ hình nghiên cứu, paradigm) của các tác giả từ các nước xã hội chủ nghĩa giữa hai thời kỳ 1982-1987 và 1988-1990 trên Tạp chí Xã hội học, phản ánh thời cuộc chính trị và học thuật ở những nước đó. Nhưng từ 1991 đến nay, việc giới thiệu nghiên cứu cơ cấu xã hội nói riêng và xã hội học nói chung ở Nga và các nước xã hội chủ nghĩa cũ gần như vắng bóng trên Tạp chí Xã hội học. Theo tôi, nên nối lại việc tìm hiểu giới thiệu nền xã hội học khu vực này, vì xã hội học ở những nước ấy sôi động và thay đổi đáng chú ý trong 30 năm qua, cần tham khảo và học hỏi.

[9] Bản thân “cơ cấu” của chùm bài chuyên mục này cũng dựng theo mô hình ấy.

[10] Ba năm trước, có hai bài thực nghiệm rất có ý nghĩa về chủ đề này của Hồng Giao (1979) và Thanh-Giang (1979).

[11] Những dữ liệu lịch sử này rất giá trị để so sánh với hiện nay, 40 năm sau, và để so sánh với những diễn biến ở Đông Nam Á trong hơn nửa thế kỷ qua (Về hình thành giai cấp trong nông thôn các nước đang phát triển và Đông Nam Á, xem: Li, 2019). Tìm hiểu thêm kết quả khảo sát 1978, xem: Hồng Giao, 1979 và Thanh-Giang, 1979.

[12] Chẳng hạn, khác với lối phân tổ xem nông dân là một khối dân cư đồng nhất (Đỗ Thiên Kính, 2012, 2014, 2015, 2018), Lê Thanh Sang và tôi chia nông dân thành ba tầng (nông dân lớp trên, lớp giữa, lớp dưới) (Bùi Thế Cường và Lê Thanh Sang, 2010; Bui, 2015a; Bùi Thế Cường, 2015b; Bùi Thế Cường và Phạm Thị Dung, 2016). Độc giả chuyên theo dõi chủ đề này có thể nhận thấy khái niệm hóa nông dân như một khối dân cư đồng nhất hiện còn phổ biến trong nhiều văn bản chính sách và công trình nghiên cứu, và cả trên báo chí. Tôi cho rằng điều này xa với thế giới thực.

[13] “Thực tế đã cho thấy, như trong những vấn đề gay cấn nhất hiện nay ở nông thôn là chúng ta chưa giải quyết được một cách đồng bộ và nhịp nhàng mối quan hệ giữa Nhà nước và tập thể, giữa tập thể hợp tác xã và xã viên, giữa Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng. Hiện tượng sai lệch về chức năng, sự phân định chưa rõ ràng vị trí và nhiệm vụ của các tổ chức hành chính và quản lý ở nông thôn đã khiến cho các hoạt động kinh tế-xã hội ở nông thôn rơi vào tình trạng trì trệ, chậm chạp. Vùng nông thôn hiện nay vẫn là nơi tập trung cao độ của những sự quan liêu, giấy tờ, cửa quyền, tham nhũng, mất dân chủ ... Theo sự thăm dò của chúng tôi có tới trên 82% số người được hỏi tỏ ý không hài lòng về bộ máy quản lý hiện nay ở địa phương, trong đó phần lớn đã phàn nàn về việc giải quyết các chính sách chế độ không kịp thời, không nhạy bén trong việc quản lý sản xuất” (Đặng Cảnh Khanh và Nhóm nghiên cứu Hải Hậu, 1988: 63). “Vả lại, chúng tôi đã gặp những tập đoàn trưởng mà năng lực, kinh nghiệm, uy tín quả thật là quá thấp” (Đỗ Thái Đồng, 1989a: 57). Nghiên cứu trường hợp của Đỗ Thái Đồng ở xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm tỉnh Cửu Long chỉ ra yếu tố dân số học thú vị, mà các nhà thiết kế chính sách tập thể hóa nông nghiệp miền Nam hồi đó gần như không nhận thức được. Tuổi bình quân chủ hộ là 47, “tuổi chín chắn đã có kinh nghiệm sản xuất và tổ chức đời sống gia đình”. Trong khi ở nhiều ấp, tập đoàn sản xuất, thậm chí chính quyền địa phương lại khá trẻ. “Và những tập đoàn trưởng ở tuổi trên dưới 30 nhiều trường hợp còn thua sút về kinh nghiệm sản xuất so với những người gia trưởng các gia đình sản xuất giỏi mà tuổi tác ở cỡ trên dưới 50 cả” (Đỗ Thái Đồng, 1989b: 51). Tác giả nhận thấy các chủ hộ ở gia đình “có truyền thống vững vàng trong sản xuất nông nghiệp ... tỏ ra thụ động trong công việc của làng xã”, và “ẩn dấu ít nhiều tâm trạng hoài nghi, không tin tưởng trình độ, năng lực của bộ máy quản lý sản xuất ở địa phương” (trang 51). Xem thêm đề cập của Chu Hữu Quý (1990) về tầng lớp cán bộ quản lý nông thôn ở dưới.

[14] Năm 1990, Chu Hữu Quý sử dụng thuật ngữ phân tầng xã hội (Chu Hữu Quý, 1990).

[15] Đỗ Nguyên Phương gọi “đội ngũ cán bộ cơ sở thôn xã” là “một tập đoàn xã hội-nghề nghiệp” (Đỗ Nguyên Phương, 1990). Chu Hữu Quý cũng nói đến “Tầng lớp lãnh đạo ở nông thôn (cán bộ quản lý ở nông thôn)” (Chu Hữu Quý, 1990: 44). Houtart và Lemercinier cũng rất lưu ý đến “cán bộ”, họ dành Chương III và IV trong cuốn sách gồm tám chương bàn về giai tầng này (2001: 107-167). Trong văn bản chính sách, cán bộ thường được đề cập như một nhóm xã hội đặc thù với thuật ngữ thông dụng là “đội ngũ cán bộ”. Phạm Văn Phú, Đỗ Nguyên Phương và Chu Hữu Quý đồng hướng lối diễn ngôn này từ góc độ phân tích khoa học khi nhấn mạnh tính riêng biệt của nhóm xã hội ấy. Nhưng trong mô hình cơ cấu xã hội tổng quát “hai giai một tầng” thì nhóm đó lại không xuất hiện. Nhiều nghiên cứu về cơ cấu xã hội và/ hay phân tầng xã hội trong những thập niên sau có chú ý tính riêng biệt của nhóm xã hội này. Khung phân loại nghề nghiệp của Tổng cục Thống kê sử dụng cho Tổng Điều tra dân số và nhà ở từ 1999 trở đi bao gồm 10 nhóm nghề, trong đó có “lãnh đạo”. Hai cuốn sách quan trọng về cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội xuất hiện đầu thập niên 2010 đã đề cập đến nhóm riêng biệt này, nhưng chỉ lướt qua không đi sâu (Lê Hữu Nghĩa và cộng sự, 2010: 150-154. Tạ Ngọc Tấn (Chủ biên), 2013: 192). Đỗ Thiên Kính sử dụng khung phân loại chín tầng lớp xã hội, trong đó có “lãnh đạo” (Đỗ Thiên Kính, 2012, 2018), và rất nhấn mạnh vị trí riêng biệt của tầng lớp này (Đỗ Thiên Kính, 2012: 18). Phân tích của tôi và Vũ Mạnh Lợi (2017a, 2017b) sử dụng khung phân loại nghề của Tổng Điều tra dân số và nhà ở 1999 và 2009, trong đó có nhóm nghề “lãnh đạo”. Các nghiên cứu khác của tôi, Lê Thanh Sang và cộng sự vào cuối thập niên 2010 đều tách biệt nhóm xã hội này trong phân tích, gọi là nhóm “quản lý”. Nhưng sau đó, khung phân tích của tôi và cộng sự còn chia nhóm nghề “quản lý” thành hai hoặc ba bậc. Nhưng ở đây chúng ta đang tập trung vào tình hình nghiên cứu cơ cấu giai tầng xã hội ở thập niên 1980. Ta sẽ quay trở lại chủ đề này khi tổng quan tình hình nghiên cứu ở những thập niên sau.

[16] Gần đây nhất là sự kiện tràn ngập không chỉ báo chí trong nước mà cả truyền thông quốc tế cũng như mạng xã hội là sự kiện bi thảm 39 người Việt chết trong xe container trên đường vượt biên bất hợp Pháp sang Anh ngày 23/10/2019. Nhân sự kiện này, nhiều bài viết đề cập làn sóng người Việt vay mượn để ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội ‘đổi đời”, kiếm tiền nhanh.

[17] Trong bức tranh chung như thế, song nhiều cơ sở đã có “đối sách”. “Phải thừa nhận, có tỉnh ít phức tạp hơn. Đặc biệt như chúng tôi biết có nơi tuyệt nhiên không xảy ra chuyện gì vì ở đó suốt 13 năm hầu như hoàn toàn được cách ly khỏi mọi chính sách cải tạo” (Đỗ Thái Đồng, 1989a: 45). Ở xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Cửu Long thì: “Đã có lúc có ý định tập thể hóa các phương tiện này [phương tiện sản xuất], nhưng vấp phải thực tế là làm rối loạn sản xuất, làm cho các phương tiện bị sử dụng bất hợp lý và kém hiệu quả. Rốt cuộc phải thừa nhận và không đụng chạm đến sở hữu gia đình trên các phương tiện đó” (Đỗ Thái Đồng, 1989b: 53-54).

[18] Ta đã thấy đối sách tương tự của nông dân ở miền Bắc Việt Nam giữa ruộng của hợp tác xã và ruộng 5% trong thời kỳ tồn tại hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 1960-1980. “Cuối những năm 60, Tổng cục Thống kê đưa ra một con số làm giới quản lý phải giật mình: 70% thu nhập của hộ nông dân là do mảnh ruộng “5%” làm ra, còn 95% ruộng đất giao cho hợp tác xã khai thác thì chỉ bảo đảm được phần thu nhập còn lại. Cũng dễ hiểu! Ruộng của hợp tác xã chỉ cho sản lượng 2 tấn/hécta/vụ, trong khi đất “5%” của xã viên cho đến 10 tấn/hécta/vụ, mỗi năm lại quay vòng đến 2-3 vụ... Khi người nông dân đổ mồ hôi trên mảnh ruộng “5%” của họ thì họ tin chắc rằng mọi hạt lúa làm ra trên mảnh ruộng ấy là thuộc về họ. Đó chính là động lực mãnh liệt nhất của kinh tế tiểu nông mà các nhà lý luận về hợp tác hóa đã phần nào coi nhẹ” (Trần Phương, trong: Đặng Phong, 2014: 15).

[19] Bên cạnh định hướng chủ yếu “cơ cấu xã hội và chính sách xã hội” suốt thập niên 1980 (Tạp chí Xã hội học, số 4/1986, số 1+2/1988), cuối thập niên 1980 Viện Xã hội học còn đặt ra trục nghiên cứu “cơ cấu xã hội và định hướng giá trị” (Tạp chí Xã hội học, số 4/1990, Chuyên đề về cơ cấu xã hội và định hướng giá trị, Diễn đàn xã hội học).

[20] Với con số Chu Hữu Quý đưa ra, và tạm ước tính gia đình của họ gồm bốn người (vợ chồng cộng hai con), thì tầng lớp này chiếm trên dưới 8% dân số nông thôn?

[21] “Vấn đề đội ngũ cán bộ cơ sở nông thôn, mấy năm gần đây, Ban Nông nghiệp trung ương rất quan tâm. Chúng ta còn chểnh mảng trong việc lo cho đội ngũ này”; “Vì trên thực tế, chính quyền cơ sở quá yếu. Giải quyết các công việc còn tùy tiện. Ở nhiều nơi chính quyền không biết xử kiện vì không nắm chắc luật pháp. Chính quyền xã song lại không có ngân sách, phải đi xin ở hợp tác xã và quyên góp trong nhân dân... Vấn đề công bằng xã hội, dân chủ nông thôn chưa được đảm bảo cũng còn vì đội ngũ cán bộ cơ sở chưa ngang tầm với sự đổi mới” (Chu Hữu Quý, 1990: 44).

[22] Tuy không trong giới xã hội học, nhưng có thể kể đến bài của Trần Du Lịch (1989) và Nguyễn Tâm Quốc và Trần Du Lịch (1989) với logic phân tích kinh tế học chính trị sâu sắc. Cũng như cần kể đến Hồng Giao (1979) và Thanh-Giang (1979) mà tôi đã viện dẫn nhiều lần ở trên.

[23] Sẽ rất thú vị về mặt lịch sử xã hội học, nếu có ai đi sâu hơn vào quá trình hình thành lối phân loại này, chẳng hạn thực sự ai đã là tác giả của mô hình năm loại hộ ấy, mô hình này đã được tạo nên như thế nào.

[24] Để hiểu hơn điều này, nên xem thêm: Kuhn, 2008. Cụ thể, trang 118-119 và nhiều chỗ khác nữa. Kuhn viết: “Các nhà nghiên cứu triết học khoa học đã nhiều lần chứng minh rằng có thể có nhiều cấu trúc lý thuyết đặt chồng lên cùng một tập hợp dữ kiện nào đó” (Kuhn, 2008: 163). Ở trang 179, Kuhn trích lại Butterfield: “người ta xử lý cùng những dữ liệu như trước, nhưng đặt mối quan hệ giữa chúng với nhau trong một hệ thống mới bằng cách khép chúng vào một khuôn khổ khác” (Herbert Butterfield, 1949, The Origins of Modern Science, 1300-1800: 1-7). Và hai đoạn khác: “... phát minh ra cách sắp xếp một trật tự mới cho những dữ kiện đã thu thập được” (Kuhn, 2008: 188); “... cách mạng khoa học là một sự dịch chuyển bộ máy khái niệm của các nhà khoa học trong việc nhìn nhận thế giới” (Kuhn, 2008: 210).

Print Friendly and PDF