23.3.20

Greta Thunberg ở Davos, nơi tốt nhất để ủng hộ việc “thoái vốn đầu tư”


GRETA THUNBERG Ở DAVOS, NƠI TỐT NHẤT ĐỂ ỦNG HỘ VIỆC “THOÁI VỐN ĐẦU TƯ”
Phong trào này, nhằm ngăn chặn việc cung cấp tài chính cho các ngành năng lượng hóa thạch, đã chứng kiến ​​hiệu quả của phong trào nhân lên hơn gấp 300 lần trong sáu năm.
ASSOCIATED PRESS
Greta Thunberg trong một cuộc biểu tình ở Lausanne, vài ngày trước khi cô tham gia Diễn đàn kinh tế Davos, nơi mà nhà hoạt động trẻ tuổi này sẽ biện hộ cho một sự thoái vốn đầu tư nhằm ngăn chặn tình trạng thời tiết nóng lên toàn cầu.
TIN MÔI TRƯỜNG - Giống như năm ngoái, nhà hoạt động trẻ tuổi vì khí hậu Greta Thunberg đã phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Davos để kịch liệt lật tẩy các nguyên thủ quốc gia và chủ các tập đoàn đa quốc gia trước nguy cơ về môi trường.
Kể từ tháng 1 năm 2019, thời điểm khi cô bé gây ấn tượng mạnh, Greta Thunberg đã trở thành nhân vật nổi tiếng của phong trào toàn cầu kêu gọi cần phải hành động nhiều hơn nữa và nhanh hơn nữa để ngăn chặn tình trạng thời tiết nóng lên toàn cầu.
Năm nay, nhà hoạt động nữ này đã phát biểu vào hôm thứ ba, ngày 21 tháng 1, tại một hội nghị bàn tròn có cái tên rất hình tượng: “tránh ngày tận thế vì khí hậu”. Cô bé đã đả kích việc lãnh đạo các nước đã không hành động gì và tái khẳng định việc “cần phải ngăn chặn việc phát thải khí nhà kính”.
Nhưng làm thế nào? Greta Thunberg có ý tưởng của riêng cô. Trong diễn văn của mình, cô bé đã nhắc lại những phát biểu đã đăng trong một bài viết, được các nhà hoạt động trẻ tuổi khác đồng ký tên vào ngày 10 tháng 1. Greta Thunberg đã kêu gọi những người tham gia diễn đàn Davos “thuộc mọi doanh nghiệp, ngân hàng, định chế và chính phủ” ngưng ngay các hoạt động đầu tư và các khoản trợ cấp khác cho ngành năng lượng hóa thạch. Nói tóm lại, là “thoái vốn đầu tư khỏi các ngành năng lượng hóa thạch”, bởi vì “giới tài chính phải có trách nhiệm đối với hành tinh này”.
Nghe có vẻ quá đỗi đơn giản, nhưng đây có thể là cơ hội tốt nhất để ngăn chặn một cách đủ nhanh tình trạng thời tiết nóng lên toàn cầu. Và nếu hôm nay, Greta Thunberg nắm lấy chủ đề đó, thì vấn đề thoái vốn đầu tư là một phong trào mà quy mô đang bùng phát trong những tháng gần đây.
Tống khứ ngành công nghiệp hóa thạch
Ý tưởng rất đơn giản, nhưng hiệu quả: “do tính chất vô đạo đức khi phá hủy khí hậu và kiếm lợi từ đó, các định chế nên ngừng nắm giữ cổ phần trong ngành công nghiệp hóa thạch”, theo lời giải thích với HuffPost của Clémence Dubois, người phụ trách các chiến dịch của Pháp thuộc tổ chức phi chính phủ 350.org, tổ chức đang giúp toàn cầu hóa phong trào thoái vốn đầu tư. “Đồng thời cũng cần phải đầu tư vào những giải pháp lâu dài để ngừng việc tài trợ cho vấn đề này”, bà nói.
350.ORG
Một cuộc biểu tình của 350.org ủng hộ việc thoái vốn đầu tư theo chủ trương của Greta Thunberg.
Bởi vì vào thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục nhận được rất nhiều tiền. Trên bình diện thế giới, các ngành năng lượng hóa thạch được chính phủ các nước trợ cấp khoảng 5.200 tỷ US$ vào năm 2017, theo số liệu của IMF.
Và về phía các nhà đầu tư tư nhân, tình trạng này cũng không tốt hơn. 33 ngân hàng lớn nhất thế giới đã tài trợ khoảng 1.900 tỷ US$, từ năm 2016 đến năm 2018, cho các ngành năng lượng hóa thạch, theo tổ chức phi chính phủ RAN. 700 tỷ US$ đã được đầu tư trực tiếp trong việc tài trợ cho những dự án mới về khai thác dầu mỏ, khí đốt hoặc than đá.
Vì vậy, ý tưởng thoái vốn đầu tư bao gồm việc tống khứ ngành công nghiệp hóa thạch, bằng cách cắt đứt những nguồn tài trợ và làm suy yếu tính chính đáng của ngành này. Trong chưa đầy mười năm, khái niệm này đã phát triển thành một phong trào toàn cầu thực sự, ngay cả khi vẫn còn một chặng đường dài để đi.
Từ 50 đến 12.000 tỷ US$ trong sáu năm
Clémence Dubois
Tất cả bắt đầu vào đầu những năm 2010 trong khuôn viên các trường đại học. “Sinh viên yêu cầu các trường đại học đình chỉ các mối liên kết với ngành công nghiệp hóa thạch”, Clémence Dubois nhắc lại. Từng bước, đặc biệt nhờ vào tổ chức 350.org, phong trào đang phát triển rộng rãi và đang quốc tế hóa.
Năm 2014, một nghiên cứu đầu tiên ước tính rằng các định chế, công hoặc tư, ​​những định chế đã cam kết không đầu tư (theo nhiều mức độ khác nhau) vào các năng lượng có carbon, quản lý những tài sản trị giá lên đến 50 tỷ US$. Đó là một con số rất lớn, nhưng so với nền kinh tế toàn cầu hóa, thì con số đó không lớn.
Vào cuối năm 2019, đã có 1.150 định chế công hoặc tư cam kết thoái vốn đầu tư, các định chế này quản lý một tổng tài sản trị giá hơn 12 nghìn tỷ US$. Ireland là quốc gia đầu tiên cam kết thoái vốn đầu tư, vào năm 2018. Vào tháng 11 năm 2019, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, ngân hàng đầu tư công lớn nhất thế giới, đã tuyên bố rằng họ sẽ sẽ làm điều tương tự kể từ năm 2022.
Hình màu đỏ, số lượng những định chế cam kết thoái vốn đầu tư. Hình màu đen, giá trị các quỹ được các định chế đó quản lý, tính theo tỷ US$.
Và vào ngày 14 tháng 1, BlackRock, quỹ hưu trí lớn nhất thế giới, đã tuyên bố rằng họ sẽ ngừng đầu tư vào ngành than đá. Căn cứ vào số lượng quỹ mà BlackRock đang quản lý, điều đó đã làm tăng tổng số tiền của chiến dịch thoái vốn đầu tư lên 19 nghìn tỷ US$.
Lo ngại của chương trình Greenwashing
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều màu hồng, hoặc đúng hơn là màu xanh. Chúng ta có thể nói rằng, trái với những hứa hẹn về tài chính xanh, thì thật khó để thực hiện chương trình “greenwashing [phủ xanh]” nếu chúng ta chính thức cam kết dừng trợ cấp cho các ngành năng lượng hóa thạch. Nhưng thực tế rõ ràng là phức tạp hơn.
Emmanuel Macron (1977-)
Vì thế, BlackRock chỉ cam kết không đầu tư vào ngành than đá, chứ không phải vào các năng lượng phát thải khí nhà kính khác. Và một lần nữa, không phải [thoái vốn] đối với tất cả các loại đầu tư. Ngân hàng Đầu tư Châu Âu cũng đã đưa ra những ngoại lệ trong hoạt động thoái vốn đầu tư của mình. Và còn một vấn đề nữa là liệu có thực hiện các cam kết đó hay không.
Ở Pháp, vào tháng 9 năm ngoái, tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng “các nước lớn trên thế giới nên ngừng tài trợ cho những cơ sở sản xuất mới gây ô nhiễm ở các nước đang phát triển”. Nhưng Clémence Dubois nhắc lại rằng nhà nước Pháp còn lâu mới hành động hoàn hảo. Tổ chức phi chính phủ đó khẳng định rằng bất chấp những cam kết của Pháp, Quỹ tiền gửi và ký thác [Caisse des Dépôts et Consignation] vẫn tiếp tục tài trợ cho các ngành năng lượng hóa thạch.
Hiệu ứng quả cầu tuyết?
Bill McKibben (1960-)
Patrick Pouyanné (1963-)
Tuy nhiên, phong trào khi đã khởi xướng, mặc dù còn thiếu sót, có thể có hiệu ứng quả cầu tuyết, mà chúng ta bắt đầu thấy nó đang hình thành. Trong một bài viết được đăng vào tháng 9, Bill McKibben, đồng sáng lập tổ chức 350.org, nhắc lại rằng phong trào thoái vốn đầu tư đã có những tác động cụ thể, đáng chú ý.
“Khi Peabody Energy, công ty sản xuất than đá lớn nhất của Mỹ phá sản, họ đã viện đến việc thoái vốn đầu tư như là một trong những áp lực đè nặng lên hoạt động sản xuất kinh doanh của họ”, Bill McKibben nhắc lại. Khó mà không thấy được áp lực của sự vận động tài chính tích cực này bên dưới các tuyên bố của chủ tịch kiêm CEO của Total, Patrick Pouyanné, khi ông cho rằng “cuộc tranh luận ngày nay vẫn còn mang quá nhiều tính đối lập thiện ác”, gợi lên một “áp lực” đối với ngành dầu mỏ.
Đối với Bill McKibben, không nên dừng lại ở đó. Ông cũng cho rằng đã đến lúc phải dồn vào thế bí và chỉ thẳng mặt không chỉ các loại doanh nghiệp đó, như Total và Shell, mà còn cả những doanh nghiệp khác như JP Morgan Chase và Société Générale.
Chúng ta chỉ mới bắt đầu, nhưng đã cảm nhận được các hiệu ứng. Năm 2019, ngành năng lượng là ngành mất điểm mạnh nhất trong chỉ số S&P 500, chỉ số chứng khoán chính của Hoa Kỳ, tờ Time nhắc lại. Ngay từ năm 2018, tổ chức xếp hạng Moody đã ước tính rằng quá trình chuyển đổi năng lượng tượng trưng cho một “rủi ro đáng kể” đối với các doanh nghiệp dầu mỏ.
Grégory Rozières
Theo một cách nào đó, đây là những gì mà Greta Thunberg muốn quảng bá trong bài viết của cô, cho các tác nhân công và tư: “Chúng tôi yêu cầu lãnh đạo các nước thể hiện đúng vai trò của mình để chấm dứt sự điên rồ này. Tương lai của chúng ta đang bị đe dọa, cho dù đó là khoản đầu tư của họ”.
Grégory Rozières
Trưởng chuyên mục C'est Demain, Science, Le Bon Choix [Ngày mai, Khoa học, Sự lựa chọn đúng đắn]
Grégory là một nhà báo làm việc cho HuffPost từ năm 2012, ở Paris. Ông phụ trách các chuyên mục C'est Demain, Science et Le Bon Choix. Ông đặc biệt theo dõi những chủ đề hơn liên quan đến môi trường, không gian, trí tuệ nhân tạo, di truyền và, nói chung, những cuộc cách mạng/tiến hoá của khoa học và công nghệ, cũng như tác động của chúng đối với xã hội.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF