31.3.20

Phản ứng đối với virus vorona chứng minh rằng thế giới có thể tác động đến tình trạng biến đổi khí hậu


PHẢN ỨNG ĐỐI VỚI VIRUS CORONA CHỨNG MINH RẰNG THẾ GIỚI CÓ THỂ TÁC ĐỘNG ĐẾN TÌNH TRẠNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Ngày 21 tháng 3 năm 2020
Cầu vượt đường bộ vắng bóng mọi giao thông sau khi chính phủ triển khai các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của virus corona mới ở Lima, Peru, ngày 18 tháng 3 năm 2020. Liệu sự phản ứng toàn cầu đối với COVID-19 có cho thấy hy vọng về một hành động chống lại tình trạng biến đổi khí hậu hay không? Ảnh: AP Photo/Rodrigo Abd, File
Trong những tuần gần đây, chính phủ các nước trên thế giới đã thực hiện những biện pháp quyết liệt để giảm thiểu mối đe dọa của COVID-19.
Vẫn còn quá sớm để biết liệu các biện pháp đó có quá yếu để hạn chế số ca tử vong, hoặc liệu các biện pháp đó có quá cực đoan để có thể gây ra một thảm họa kinh tế hay không. Nhưng có một điều rất rõ là sự phản ứng đối với đại dịch đối lập hoàn toàn với hành động thiếu hiệu quả trong cuộc chiến chống lại tình trạng biến đổi khí hậu, mặc dù có một số điểm tương đồng giữa hai mối đe dọa.
Các chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo về COVID-19 và biến đổi khí hậu, khá lâu trước khi xuất hiện các cuộc khủng hoảng. Vào thời điểm mà chúng tôi viết bài này, tổng số các ca tử vong vì Covid-19 vào khoảng hơn 10.000 người một chút. Chính mô hình máy tính đáng sợ về dự báo số lượng đã cảnh báo chính phủ các nước về sự cần thiết phải hành động nhanh, bất chấp những xáo trộn mà điều đó gây ra trong đời sống hàng ngày.
Thế nhưng, các mô hình máy tính gắn với tình trạng biến đổi khí hậu cũng dự báo một sự gia tăng liên tục số lượng người tử vong. Con số tử vong sẽ vượt quá 250.000 người mỗi năm từ nay đến hai thập kỷ tới.
Là những nhà khoa học nghiên cứu về tình trạng biến đổi khí hậu và tâm lý đưa ra quyết định, chúng tôi tự đặt ra câu hỏi sau đây: tại sao sự phản ứng của chính phủ các nước đối với COVID-19 và biến đổi khí hậu – cả hai đều đòi hỏi phải đưa ra những quyết định khó khăn để tránh những thảm họa trong tương lai – lại khác nhau đáng kể đến thế?
Dưới đây là bốn lý do.
Nỗi sợ theo bản năng
Đầu tiên, COVID-19 có thể gây tử vong và nó khơi dậy nỗi sợ theo bản năng. Con người phản ứng mạnh trước các mối đe dọa chết người, và mặc dù con virus có vẻ như có tỷ lệ tử vong thấp hơn rất nhiều ở những người khỏe mạnh dưới 60 tuổi, nhưng các số liệu thống kê đó vẫn không xua tan được nỗi sợ.
Việc liên tục bị dội bom bởi những hình ảnh và chi tiết mà chúng ta nhận được về tình hình quá tải của các bệnh viện và số lượng tử vong khuếch đại đánh giá của chúng ta về những rủi ro đối với chính bản thân mìnhTình trạng biến đổi khí hậu có thể giết chết, trong dài hạn, nhiều người hơn COVID-19, nhưng những cái chết đó xuất hiện như là kết quả phát sinh từ một sự gia tăng tần suất của các “thảm họa thiên nhiên”
Và tốc độ diễn biến chậm của tình trạng biến đổi khí hậu – nhiệt độ toàn cầu tăng dần – cho phép chúng ta điều chỉnh thời gian chờ đợi theo mức độ xấu đi của tình hình. Những liên kết trừu tượng giữa tình trạng phát thải khí nhà kính và những mối nguy chết người đang ngăn tình trạng biến đổi khí hậu đạt được mức khẩn cấp mà virus đã tạo ra. Điều đó khiến mọi người càng dè dặt hơn trong việc chấp nhận những lựa chọn chính trị khó khăn.
Mối đe dọa đang lớn nhanh
Thứ hai, COVID-19 là một mối đe dọa mới. Nó đã bùng nổ hoàn toàn vào mặt của thế giới, đòi hỏi phải có những hành động khẩn cấp rõ ràng, trong khi tình trạng biến đổi khí hậu đã xuất hiện trên ra-đa từ nhiều thập kỷ qua.
Hậu quả của việc không hành động để ngăn chặn COVID-19 được cảm nhận theo thang thời gian được tính bằng đơn vị tuần, thay vì được tính bằng đơn vị thập kỷ đối với tình trạng biến đổi khí hậu – đây không phải là vấn đề đối với các thế hệ tương lai, mà là vấn đề đối với tất cả những ai đang sống ngày hôm nay. Nhận thức chậm và tiệm tiến về mối đe dọa của tình trạng biến đổi khí hậu cũng cho phép sự phát triển song song của những chuyên gia hoài nghi, được các ngành nhiên liệu hóa thạch tài trợ, những người hiệu quả đáng kinh ngạc trong việc gieo rắc sự ngờ vực lên khoa học.
Những lợi ích cá nhân đã không có thời gian để chống lại một sự phản kháng tương tự đối với các chính sách chống lại COVID-19, đến mức chính phủ các nước có vẻ như hành động theo lời khuyên của các chuyên gia y tế vì lợi ích cộng đồng.
Chiến lược rõ ràng
Thứ ba, giới lãnh đạo các tổ chức, chẳng hạn như Tổ chức Y tế Thế giới, đã trình bày những hướng đi mạch lạc và có thể triển khai ngay để làm chậm sự lây nhiễm của COVID-19. Chính phủ các nước đã nhận được một danh mục những việc ưu tiên cần làm để buộc công dân mình phải rửa tay thường xuyên hơn, hạn chế đi lại và tự cách ly theo một mức độ nhất định.
Du khách, hầu hết tự cách ly với nhau, đến viếng công viên Camden Hills State Park vào ngày 18 tháng 3 năm 2020, ở Camden, Maine. Ảnh: AP/Robert F. Bukaty
Ngược lại, không gian cho các giải pháp khả thi về tình trạng biến đổi khí hậu thì vô cùng phức tạp và gây bối rối, và các giải pháp đó chạm đến gần như mọi khía cạnh của đời sống hiện đại.
Ngay cả các chuyên gia cũng chưa đồng thuận về cách thức tốt nhất để giảm thiểu lượng khí thải carbon trong khi vẫn giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế. Sự thiếu rõ ràng đó đã góp phần làm rối loạn và tê liệt các quyết định của các nhà hoạch định chính sách.
Khả năng các quốc gia chọn lối đi riêng của mình
Mặc dù sự phản ứng đối với COVID-19 đòi hỏi một sự hợp tác quốc tế chặt chẽ về mặt chỉ đạo các biện pháp y tế công cộng, các vấn đề đi lại và biên giới, thì từng quốc gia có thể triển khai những biện pháp hiệu quả để làm chậm lại sự lây nhiễm của virus corona trên chính lãnh thổ của mình. Ngay cả những nước nhỏ nhất, như Singapore, cũng có thể đảm bảo an toàn cho công dân mình bằng những biện pháp hiệu quả ở địa phương để chống lại COVID-19.
Ngược lại, việc ổn định hoá khí hậu đòi hỏi tất cả các quốc gia phải giảm thiểu lượng khí thải – chọn một lối đi riêng sẽ không hiệu quả. Vấn đề phối hợp hành động có lẽ là trở ngại khó khắc phục nhất đối với tình trạng biến đổi khí hậu. Có những ý tưởng về cách thức giải quyết vấn đề phối hợp theo từng giai đoạn, nhưng vẫn đòi hỏi phải có một sự hợp tác giữa nhóm các quốc gia đã cam kết ban đầu.
Trong bức ảnh này, tháng 12 năm 2019, lính cứu hỏa đang chiến đấu với một đám cháy rừng ở Úc. Ảnh: Dan Himbrechts/AAP Images via AP
Mặc dù sự phản ứng quốc tế đối với COVID-19 đã bị chỉ trích, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng có thể đạt được một chính sách mạnh mẽ về biến đổi khí hậu, nếu chúng ta khắc phục được những khuyết tật tâm lý khiến chính phủ các nước vẫn tự mãn.
Vào giai đoạn này, những thay đổi chính trị cần thiết để giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu dường như ít gây xáo trộn hơn – về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa – so với các biện pháp hiện đang được triển khai để chống lại COVID-19.
Trên thực tế, chúng ta có thể giảm thiểu đáng kể lượng phát thải khí carbon dioxide, thông qua một sự tăng giá tiệm tiến carbon trên thế giới, theo cách mà hầu hết mọi người không thể nhận thấy trong đời sống hàng ngày của họ.
Khi bụi COVID-19 lắng xuống, chúng ta nên xem xét khoảnh khắc này như một bằng chứng cho thấy các xã hội của chúng ta không là nô lệ của số phận, và phải tìm ra sức mạnh trong khả năng của các xã hội hiện đại để đối phó với các tình huống khẩn cấp toàn cầu.
Nguyên bản bài viết này được đăng bằng tiếng Anh
Tác giả
Eric Galbraith
Ross Otto
Giáo sư về khoa học hệ thống trái đất, Đại học McGill
Phó giáo sư tâm lý học, Đại học McGill
Tuyên bố công khai
Eric Galbraith nhận tài trợ từ Hội đồng nghiên cứu châu Âu.
Ross Otto nhận tài trợ từ Hội đồng nghiên cứu khoa học tự nhiên và kỹ thuật, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn và từ Quỹ đổi mới sáng tạo Canada.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF