13.3.20

Thành phố thông minh đã trở thành một loại huyền thoại cứu nguy


“THÀNH PHỐ THÔNG MINH ĐÃ TRỞ THÀNH MỘT LOẠI HUYỀN THOẠI CỨU NGUY”
PHỎNG VẤN. Những người dân cử đã không đo lường được sức mạnh của những công ty kỹ thuật số khổng lồ, theo Jean Haëntjens. Phải chăng những thuật toán của họ sẽ sớm cai trị những thành phố của chúng ta? Phỏng vấn do Laurence Neuer thực hiện.
----------------------
Jean Haëntjens (1950-)

Jean Haëntjens, nhà kinh tế và hoạch định đô thị, hiện là giám đốc công ty tư vấn về các chiến lược đô thị (Urbatopie), quy hoạch đô thị và phát triển lãnh thổ. Ông tốt nghiệp kinh tế học (HEC Paris) và đô thị học (Sciences Po Urba).
Năm 2008, ông cho xuất bản cuốn “Sức mạnh của các thành phố”, và sau đó đã cho xuất bản năm cuốn sách và hai mươi bài báo (đáng chú ý trên tạp chí Futuribles và Urbanisme) về các chủ đề của thành phố bền vững, chiến lược đô thị và thành phố của thế kỷ XXI.
Ông đã tổ chức hơn 100 hội thảo và hội nghị về cùng một chủ đề cho chính quyền địa phương, các công ty, trường đại học và các tổ chức quốc tế ở Châu Âu và Bắc Mỹ.
 -------------------------------------------------
Giao thông xe ô tô ở Singapore. Quốc gia-đô thị được xem như là tiến bộ nhất trên thế giới về mặt hỗ trợ cho sự giao thông trong thành phố.
Ảo ảnh về một “thành phố dịch vụ được số hóa” (hay là smart city) có thể sắp thắng những người được dân cử và giết chết nền dân chủ không? Trong cuốn sách cuối của ông, Comment les géants du numérique veulent gouverner nos villes? (Những công ty kỹ thuật số khổng lồ muốn cai trị các thành phố của chúng ta như thế nào?), nhà kinh tế học Jean Haentjens đã cảnh cáo: “việc các công ty kỹ thuật số đặt sự giám hộ của họ trên các thành phố chính trị có thể được thực hiện với sự tiếp tay của vài thị trưởng, vốn bị sự tích lũy các thách thức tràn ngập hay mong muốn giành được một hình ảnh hiện đại. Ngay Seattle cũng đã mang biệt danh thành phố Amazon?”, chuyên gia về chiến lược thành phố đã khẳng định như vậy.
Phải chăng chúng ta sẽ sớm biến thành những động vật hạnh phúc bị nhốt trong chuồng trong một thế giới tốt đẹp nhất mà thuyết “giải pháp công nghệ” cho thành phố đã hứa hẹn? Liệu vũ khí của luật pháp có thể đủ để kiềm chế tham vọng của những “chúa tể của các thuật toán” vốn muốn chiếm dụng sự quản lý các thành phố không?
Điều gì tạo nên đặc tính của một thành phố thông minh? Chẳng hạn Singapore là một thành phố thông minh “hơn” Paris không?
Jean Haëntjens: Mỗi chuyên gia đều có định nghĩa riêng của mình về thành phố thông minh. Những định nghĩa này phối hợp bốn hình thức chính của sự thông minh đô thị.
Sự thông minh kỹ thuật, đó là thành phố “máy móc”, hoàn toàn được các cơ chế tự động điều hòa và đầy rẫy những cảm biến, tìm kiếm sự tuyệt vời của những công cụ kỹ thuật (chẳng hạn như khi đèn tự bật khi những chiếc xe tự động tới gần). Singapore khá tiêu biểu cho sự lựa chọn này.
Sau đó là sự thông minh hệ thống hướng tới sự hiểu biết và làm chủ những hệ thống phức tạp tức là những thành phố. Đặc biệt phát triển ở các thành phố như Lyon, Vienne hay Copenhague, nó dựa trên khả năng kế hoạch hóa và cấu trúc hóa sự phát triển đô thị.
Một hình thức thông minh khác: thông minh chính trị. Đó là khả năng của xã hội để tự hiểu mình và để quyết định, dù đôi khi “nâng cao” những quyết định này với những công cụ kỹ thuật số để tăng cường sự tham gia của công dân (hộp thư sáng kiến chẳng hạn). Paris thuộc về loại này.
Sau cùng, sự thông minh văn hóa là khả năng của người dân để sống hòa hợp với nhau ở môi trường đô thị. Tính “lịch sự ở thành phố” này làm cho một bồn giao điểm sẽ hoạt động tốt ở một thành phố vì những người thành thị tôn trọng lẫn nhau, và xấu ở một thành phố khác khi mọi người tìm cách vượt lên những người khác. Sự thông minh văn hóa này dựa trên sự đồng thuận giữa những người dân và thành phố của họ. Nó đặc biệt được cảm nhận ở các thành phố như Venise, San Francisco hay Berlin.
Le Point: Trong trí tưởng tượng tập thể, thành phố thông minh giống cái gì? Nó có phải là biểu tượng của sự cám dỗ toàn trị đang ám ảnh những xã hội của chúng ta không?
Đúng vậy, đó là một trong những vấn đề của thành phố thông minh: nó chưa sản xuất ra trí tưởng tượng tập thể … Những cách nhìn mà nó đã khơi dậy tập trung ở hai cực: hoặc là cái cỗ máy tốt đẹp sẽ giải quyết tất cả các vấn đề của nó nhờ vào công nghệ, hoặc là ảo ảnh của Big Brother[1], một thành phố trong đó mọi người đều bị đặt dưới sự kiểm soát. Thật ra muốn xây dựng một dự án thành phố trong một nền dân chủ, cần phải dựa trên một trí tưởng tượng, một hình ảnh lý tưởng được đa số người dân chia sẻ.
Le Point: Theo ông, thì từ ngữ “smart city” trong sự hứa hẹn “giải quyết mọi vấn đề nhờ vào kỹ thuật” minh họa cho cái “tư tưởng thần diệu này” đang nằm trong bộ óc của những thành phần tinh hoa kinh tế và chính trị của chúng ta. Nhưng ngoài ra?
Các chính quyền đều xây dựng cơ sở cho tính chính đáng của họ trên khả năng của họ để hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn. Hứa hẹn của thành phố thông minh đã đến đúng lúc, vào năm 2007-2008, lúc mà cơn khủng hoảng kinh tế đã chặn đứng lại phong trào đổi mới các thành phố từng để lại dấu ấn trong giai đoạn 1995-2010. Sự hứa hẹn này đã nhận được sự tin cậy do việc kỹ thuật số đã thực sự tạo ra những lợi ích có ý nghĩa trong việc khai thác các công cụ trợ giúp cho sự vận hành của thành phố. Chẳng hạn, một chuyến metro tự động có thể chở 20% khách nhiều hơn một chuyến metro bình thường. Những lợi ích như thế có thể được tìm thấy trong việc sử dụng các chỗ đậu xe, sự quản lý các hệ thống nước hay sự tiêu thụ điện. Những hứa hẹn kỹ thuật này, có thật, đã làm cho người ta nghĩ rằng các hệ thống thành phố có thể được cải thiện ở cùng một mức độ dưới sự tác động duy nhất của kỹ thuật. Nhưng điều đó không xảy ra. Smart city đã trở thành một thứ huyền thoại cứu nguy. Có rất nhiều lãnh đạo muốn tin vào điều này, giống như ta tin vào Ông Già Noel...

“Sự gộp chung lại những dữ liệu do các công ty nắm được về những hành trình của chúng ta, những sách ta đọc, những đồ ta tiêu thụ, hay những phát biểu của chúng ta trên các mạng xã hội, đều có thể được nhìn như là một sự đe dọa các quyền tự do”.

Le Point: Ông nói: “Có những công ty khổng lồ không còn giấu ý đồ của họ chiếm đoạt một phần quan trọng của giá trị kinh tế gắn với việc xây dựng và vận hành các thành phố”. Phải chăng chúng ta cần phải lo lắng về điều này đặc biệt đối với những quyền tự do của chúng ta?
Tôi nghĩ rằng nguy cơ do việc một phần càng lớn của những lựa chọn hằng ngày của chúng ta (trong đó có những lựa chọn về sự di chuyển) bị những ứng dụng định hướng vốn cũng bị những thuật toán hướng dẫn đã bị đánh giá quá thấp. Những ứng dụng này, như Waze, có thể giúp chúng ta di chuyển nhanh hơn, nhưng chúng cũng có thể “khuyên” chúng ta đi ngang những cửa hàng hay những tiệm đã chịu chi tiền để có thể xuất hiện trên hành trình của chúng ta. Thuật toán là những hộp đen và chúng không ngừng biến hóa. Lúc ban đầu, những thuật toán của Amazon đơn giản chỉ giúp chúng ta tìm được cuốn sách mà chúng ta tìm kiếm, sau đó dần dần chúng đã trở thành những sự ước đoán. Hiện nay, 30% những sách do Amazon bán đều được những thuật toán “khuyên đọc”. Thế mà, từ năm 2017, Amazon là chuỗi cửa hàng thực phẩm lớn nhất ở Mỹ và hiện nay họ đang nghiên cứu sự hợp tác với tập đoàn Casino. Sự gộp chung lại những dữ liệu do các công ty nắm được về những hành trình của chúng ta, những sách ta đọc, những đồ ta tiêu thụ, hay những phát biểu của chúng ta trên các mạng xã hội, đều có thể được nhìn như là một sự đe dọa cho các quyền tự do. Và gông cùm càng siết chặt … Nếu những nhóm này được giao quyền quản lý các không gian công cộng của các thành phố, điều này có nghĩa là các thành phố sẽ dần dần trở thành những khu thương mại. Nghệ thuật đường phố hay những hình vẽ đường phố sẽ không còn chỗ đứng nữa.
Le Point: Vả lại, Seattle đã mang biệt danh “Thành phố Amazon” … Sau taxi hay khách sạn, phải chăng những người dân cử ở thành phố cũng đang trên con đường uber hóa[2]?  
Những thị trưởng được bầu của chúng ta có những con bài tốt để giữ thế thượng phong của mình: sự kiểm soát không gian, sự ấn định các quy định, sự kế hoạch hóa. Nếu họ biết thêm vào đó một viễn tưởng, một tham vọng tập thể cho thành phố của họ, thì không có lý do gì để họ bị uber hóa. Ngược lại, việc Amazon được du nhập vào Seattle đã làm đảo lộn sự vận hành của thành phố. Cũng giống như vậy, Toronto mới giao cho Sidewalk, chi nhánh của Google, trách nhiệm của dự án thành phố lớn nhất ở Bắc Mỹ, với toàn quyền quyết định: sự chỉnh trang một khu đất bỏ hoang ở cảng rộng 325 héc-ta cách trung tâm thành phố 2 cây số. Trong tương lai, những công ty khổng lồ này có thể được giao phó một phần càng ngày càng lớn sự quản lý các thành phố, vì họ sẽ làm chủ các dữ liệu, một tài nguyên thật sự chiến lược, và nhất là những thuật toán để có thể xử lý chúng. Hiện nay, những dữ liệu này còn đang phân tán nhưng có những tập đoàn đang thành hình (kết hợp những công ty kỹ thuật số khổng lồ với những công ty xây dựng hay những công ty năng lượng) và những “tập hợp này” đề nghị cho các hội đồng thành phố một dịch vụ toàn diện. Nhưng vẫn có nguy cơ rằng một số lãnh đạo được bầu của vài thành phố sẽ cho thầu lại sự quản lý những quyết định quan trọng cho các công ty hay các tập đoàn chứng tỏ có một thẩm quyền về kỹ thuật số thật sự. Như vậy, những quyết định này không còn là sự biểu hiện của nền dân chủ và của các cử tri nữa.
Le Point: Nhưng mặt khác, sự tham gia của công dân có thể được thực hiện nhờ các công nghệ này có thể vượt qua, thậm chí triệt phá quyết định chính trị.  
David Guetta (1967-)
Đúng vậy, các mạng xã hội và các công cụ kỹ thuật số cho phép các công dân biểu đạt những khát vọng của họ, ký vào những kiến nghị trên mạng, có được một thế thượng phong đối với các chính quyền được bầu. Quyền lực này đôi khi có thể là tích cực: nhờ một kiến nghị trên mạng, người dân ở Marseille đã hủy bỏ được một sự tài trợ của thành phố dành cho buổi trình diễn nhạc của David Guetta. Nhưng nó cũng có thể bị thao túng. Ở Londres, chính quyền muốn cấm hoạt động của Uber đã phải đương đầu với một kiến nghị được 700.000 người ký muốn duy trì hoạt động này… Nền dân chủ địa phương chắc chắn phải tự sáng tạo lại khi buộc phải tính đến những phương tiện truyền thông mới này.
Le Point: Ông đề xuất giải pháp nào để tìm được sự cân bằng giữa chính sách thuần công nghệ và sự cai trị truyền thống các thành phố?
Tôi nghĩ rằng trước hết phải thoát khỏi cái diễn ngôn nhị phân đối lập “sức quyến rũ của công nghệ” và “nổi sợ Big Brother”. Thị trưởng và các người được bầu phải cởi mở đối với công nghệ nhưng không để cái ảo ảnh của “smart city là vị cứu tinh” lôi cuốn. Chẳng hạn, Paris đã thử nghiệm sự tham gia của công dân thông qua một hộp thư sáng kiến, nhưng tràng đề nghị lớn đến nổi khó thực hiện được sự tổng hợp! Ta không thể lựa chọn một dự án thành phố chỉ với ba cái nhấp chuột như ta có thể lựa chọn một cuốn sách trên Amazon. Nhưng không phải vì vậy mà nền dân chủ bị kết án; nhưng nó phải tự sáng tạo lại và phải tính đến sự thay đổi các quy tắc của cuộc chơi. Tuy nhiên, tôi không chắc rằng các vị dân cử đã đo lường được sức mạnh của những tác nhân mới này trong cuôc chơi ở thành phố, các công ty kỹ thuật số khổng lồ ….

“Chúng ta đang can dự vào một cuộc cạnh tranh giữa cái không gian ảo, không gian của những nền tảng số, và cái không gian thực là không gian thành phố đối với 80% chúng ta (trong các nước phát triển)”.

Le Point: Ông đã viết, vài người nghĩ rằng “các thuật toán làm tốt hơn các vị dân cử bị đánh giá là thiếu khả năng và có thể là đã bị mua chuộc. Kết quả là sức mạnh tuyệt đối của định luật của các thuật toán …
Quan điểm này được những người người đề xướng “một thành phố được điều khiển một cách tự động” chia sẻ một cách rộng rãi, nhưng riêng tôi thì hoàn toàn không chia sẻ điều này. Niềm tin của tôi là ta không thể chống lại sức mạnh tuyệt đối của các thuật toán chỉ với pháp luật. Sự thực thi của Quy Chế Âu Châu về việc bảo vệ các dữ liệu là một điều rất tốt. Ngược lại, sẽ rất khó có một luật về các thuật toán. Sự minh bạch của các thuật toán chỉ là một điều không tưởng.
Do đó, điều quan trong đối với tôi là đối lập những hình thức thông minh khác với sự thông minh của thuật toán. Chúng ta trở lại với sự thông minh hệ thống, sự thông minh chính trị và sự thông minh văn hóa mà tôi đã đề cập trong phần đầu. Các chính quyền địa phương có một trách nhiệm đặc biệt trong sự phát triển của ba hình thức thông minh này. Vai trò của họ còn là phải biết lai tạo hay cân bằng các công nghệ kỹ thuất số với những công nghệ cổ điển hơn, điều đã được thực hiện trong trường hợp của các xe đạp tự phục vụ. “Mọi thứ cho công nghệ cao” không phải là giải pháp. Văn hóa ngày thường, thứ văn hóa được thể hiện trong không gian công cộng, trong các nghề nghiệp ở thành phố, sự gắn bó với các nơi chốn, sẽ là một tuyến kháng cự khác. Thật vậy, chúng ta đang can dự vào một cuộc tranh đua giữa cái không gian ảo, không gian của những diễn đàn, và cái không gian thực là không gian thành phố đối với 80% chúng ta (trong các nước phát triển). Trong cuốn sách của tôi, tôi muốn mô tả chính sự tranh đua này. Nó không thể chỉ được giải quyết ở cấp độ các Nhà Nước bởi luật pháp. Phần lớn nó sẽ diễn ra ở cấp độ địa phương, trong các môi trường văn hóa, các phong tục, cách xây dựng các không gian, các nghề nghiệp.
Le Point: Tóm lại, smart city, điều ước mơ hay cơn ác mộng?
Nay đã đến lúc vượt qua cái thế đôi ngả của những cái tưởng tượng cực đoan – tuyệt hảo hay ác mộng – và nhìn thực tại một cách trực diện. Thực tại này là thực tại của hai quan niệm về đô thị đang đối lập nhau, và còn sẽ đối lập dài dài: một bên, thành thị chính trị, được một thị trưởng do công dân bầu lên lãnh đạo, vốn có những tham vọng dài hạn nhắm tới lợi ích chung; bên kia, là thành phố dịch vụ số hóa, được các “ông chủ thuật toán” điều khiển và nhắm tới việc đáp ứng ngay tức thì những yêu cầu của người sử dụng, ít nhiều bị các thuât toán tiên đoán tác động. Rốt cuộc, chính chúng ta, những người dân thành phố, sẽ quyết định vì chúng ta vừa là công dân và vừa là người sử dụng.
Phạm Như Hồ dịch




Chú thích:

[1] Big Brother là thực thể toàn trị kiểm soát toàn bộ và một cách thường trực con người dựa trên công nghệ, trong cuốn sách khoa học viễn tưởng nổi tiếng của Georges Orwell. Từ đó Big Brother tiêu biểu cho mọi mưu toan kiểm soát mọi sinh hoạt của con người, đặc biệt khi nó dựa vào những công nghệ mới (mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo, internet…). [ND]

[2] Uber hóa, từ có nguồn gốc từ công ty Uber, chỉ một phương thức hoạt động mới trong nền kinh tế và cả trong xã hội trong đó các tổ chức cung cấp dịch vụ (taxi, khách sạn, quán ăn…), dựa vào việc sử dụng những công nghệ mới, liên hệ trực tiếp và tức thì với khách hàng và ngược lại. Trong phương thức hoạt động mới này, những công ty và những mạng có khả năng thu thập và kiểm soát những dữ liệu, thông tin (như Facebook, Instagram, Google, Amazon ….) tạo ra nguy cơ định hướng, kiểm soát và thống trị những nhu cầu, sinh hoạt của con người. [ND]

Print Friendly and PDF