13.3.20

Hướng tới việc nghiên cứu địa chính vi mô các không gian công cộng bình thường ở TPHCM

HƯỚNG TỚI VIỆC NGHIÊN CỨU ĐỊA CHÍNH VI MÔ CÁC KHÔNG GIAN CÔNG CỘNG BÌNH THƯỜNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Marie Gibert-Flutre[1]
Marie Gibert-Flutre

Là nơi pha trộn và tương tác xã hội trong thành phố, các không gian công cộng nằm trong một vị trí mang tính nghịch lý ở Việt Nam hiện nay. Trong khi đất nước đang tìm cách tự lồng mình vào những luồng mang tính cạnh tranh của tiến trình toàn cầu hóa, chính quyền TPHCM hoàn toàn hỗ trợ cho việc sản xuất những cột mốc mới của siêu thành phố, chủ yếu dưới hình thức những dự án lớn mang tính biểu tượng: sự quy hoạch những không gian công cộng rộng lớn phải biểu hiện sự hiện đại hóa của đất nước và sự gia nhập của thành phố vào câu lạc bộ được thèm muốn của những siêu thành phố mới nổi. Nhưng, cùng lúc, sự phong phú đã có từ lâu của những không gian công cộng bình thường, với một quy mô nhỏ hơn nhiều - những “không gian công cộng bỏ túi” – càng ngày càng bị trực tiếp đe dọa. Có hai loại đe dọa. Trên phương diện quy hoạch thực tiễn, sự xúc tiến những giao dịch bất động sản lớn và việc xây dựng những hạ tầng cơ sở lớn - mà sự xây dựng tuyến metro là biểu hiện rõ ràng nhất – bào chữa cho sự biến đi dần những không gian mở nhỏ, đặc biệt là các công viên, quảng trường nhỏ, hẻm. Ngoài ra, trên bình diện của quy hoạch được quy chế hóa, nhiều chương trình rộng lớn của Nhà Nước để dẹp bỏ các không gian công cộng đang đe dọa, và ngày càng công khai, tính đa chức năng của những không gian công cộng được thừa hưởng và sự đa dạng lịch sử trong việc sử dụng chúng.
Những không gian công cộng bình thường dưới áp lực
Thời điểm căng thẳng này được thể hiện trong thời sự mới đây: ngày 1 tháng 3 năm 2017, chính quyền TPHCM đã phát động một chiến dịch mang tên “45 ngày để ‘giành lại’ những vỉa hè ở quận 1” vốn là trung tâm lịch sử của thành phố.
Chiến dịch quy mô này kết hợp những chiến dịch dán áp phích, những biểu hiện về sự quyết tâm qua những thông báo chính thức và việc nhân lên những hành động mạnh mẽ được truyền bá một cách rộng rãi – đuổi các người bán hàng rong, phá hủy các bức tường và các sân lấn các vỉa hè và bắt giữ các xe đậu trên các vỉa hè – hoàn toàn không phải là chiến dịch đầu tiên thuộc loại này. Những tài liệu lưu trữ thời thực dân đã lưu giữ những dự án xây dựng những quy định đe dọa việc bán hàng rong ở Sài Gòn. Trong một bài viết năm 2008, David Koh đã thực hiện một cuộc kiểm kê những chiến dịch của chính quyền chống lại sự lấn chiếm các vỉa hè ở Hà Nội từ khi cuộc Đổi Mới được triển khai năm 1986. Giữa năm 2013 và 2015, chương trình “Những con đường văn minh” ở trung tâm TPHCM cũng đã được thực hiện nhằm xóa bỏ việc bán hàng rong trên 16 con đường.
Như vậy việc chính quyền Việt Nam kiểm soát các không gian công cộng không phải là một thách thức mới. Ngược lại, điều mới ở đây, ngoài tính bạo lực của việc triển khai chiến dịch năm 2017 ở TPHCM, là những luận điểm được đưa ra: ý thức về tính nhạy cảm của vấn đề trên phương diện kinh tế và xã hội, lần này chính quyền đã khôn khéo tránh việc nhắm đến những người bán hàng rong một cách rõ ràng để nhấn mạnh, một cách tích cực hơn nhiều, đến sự cần thiết bảo đảm cho người đi bộ có thể đi trên các vỉa hè một cách dễ dàng. Như vậy, ngoài các người bán hàng rong, những xe đậu trên vỉa hè, còn có những thềm của các tiệm cafe và những cở sở được mở rộng một cách trái phép đã bị “dẹp” một cách mạnh mẽ. Sự phản ảnh trên các phương tiện truyền thông của việc phá hủy thềm của một tiệm cà phê Starbuck, tượng trưng cho sự quốc tế hóa của thành phố, là biểu hiện của sự thay đổi chiến lược này, dựa trên việc nâng cao giá trị của việc đi bộ để di chuyển ở thành phố - một loại di chuyển hiện rất giới hạn trong thực tiễn hàng ngày. Ngoài ra, quy mô lớn của những công trường đang được triển khai ở ngay trung tâm thành phố cũng đã làm cho việc “dẹp bỏ” các không gian công cộng trong chiến dịch này rõ ràng được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không có gì có thể bảo đảm rằng sự phục hồi trật tự này lại bền lâu hơn các hành động chính thức trước đây, đặc biệt chiến dịch năm 2009 khi TPHCM tiếp đón Đông Nam Á Vận Hội.
Hơn bao giờ hết, thời sự này đòi hỏi việc sản xuất ra một địa chính vi mô về các vỉa hè và các không gian công cộng bình thường ở TPHCM, khi mà các vấn đề về đất đai, kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và trên bình diện marketing ở thành phố, là quan trọng và chằng chịt đan xen nhau. Thật vậy, những không gian công cộng là một đối tượng nghiên cứu làm cho những nghịch lý gắn liền với tiến trình để biến thành phố thành một siêu thành phố được sáng tỏ hơn.
Tư duy lại các không gian công cộng của Việt Nam: xác định sự cần thiết của một sự lệch tâm lý thuyết
Tuy nhiên, đối tượng nghiên cứu này không dễ gì được nắm bắt, vì chúng ta lệ thuộc vào những sự kế thừa về mặt ngữ nghĩa và những quan niệm lấy Âu Châu làm trung tâm rất ít phù hợp với Việt Nam, khi mà cần phải tư duy các không gian công cộng của ngày nay. Thật vậy, những chuẩn mực để định nghĩa, dựa trên một quan niệm mang tính pháp lý về những không gian này - không tương hợp với những thực tiễn kinh doanh – và cả những biến thái về hình thái mang tính biểu tượng nhất, như quảng trường, cái khuôn lịch sử cho thành phố Châu Âu, và sau cùng cái lý tưởng dân chủ gắn liền với từ ngữ này - tất yếu gợi lên cái biểu tượng của quảng trường agora của Hy Lạp – đều khiến cho ta nghĩ rằng TPHCM đơn giản là không có không gian công cộng. Trong những công viên, cũng như trên các đường phố, sự phát biểu của người công dân bị những người đại diện của Đảng-Nhà Nước kiểm soát rất chặt chẽ và cản trở, những người vốn sử dụng những nơi này như là những không gian tuyên truyền. Thêm nữa, sự đông đúc của các người bán hàng rong và tất cả những hình thức chiếm dụng tư nhân đều có thể bị xem như là những hình thức của sự tư hữu hóa. Sau cùng, những quảng trường hiếm có ở TPHCM đều có nguồn gốc thời thực dân. Cũng như trong đại đa số các đô thị Châu Á được thừa kế, chính các ngã tư, hơn là các quảng trường, là những cực của tính trung tâm và của sự xác lập quan hệ xã hội. Đặc biệt, sự vắng bóng các không gian mở rộng lớn ở bên ngoài trung tâm các thành phố thuộc địa gắn liền với sự tiểu hình hóa về mặt địa chính và kiến trúc mang tính lịch sử của thành phố, nơi mà 85% dân số sống trong những căn nhà ống san sát bên nhau trên những con hẻm hẹp. Đặc tính chủ yếu này của sự cấu tạo thành phố trong một siêu thành phố bao gồm hơn 10 triệu dân, ngoài ra còn giải thích mật độ rất cao số dân mà thành phố tiếp nhận (trung bình 4000 dân/cây số vuông, bao gồm các huyện nông thôn, đến 80.000 dân/cây số vuông trên vài quận sát với trung tâm như quận 10).
Do đó, một sự phân tích tinh vi các vấn đề gắn với sự kiểm soát và tiếp cận các không gian công cộng ở TPHCM đòi hỏi thực hiện một sự lệch tâm lý thuyết nhằm hậu thực dân hóa cách tiếp cận. Thách thức thuộc 3 lãnh vực. Trước hết cần phải nới rộng sự hiểu biết và định nghĩa những không gian công cộng trong lãnh vực nghiên cứu đô thị, vượt quá chuẩn mực pháp lý duy nhất, đặc biệt bằng cách thừa nhận giá trị của những sự sử dụng hằng ngày những không gian này, trong việc sản xuất ra đặc tính công cộng của chúng. Thật vậy “tính công cộng” của một nơi có thể phụ thuộc vào những tiêu chuẩn khác nhau, quy chế pháp lý của nó cũng chỉ là một trong nhiều tiêu chuẩn khác nhau, như khả năng của nó để tiếp các thị dân trong sự đa dạng của họ và trong nhiều thực tiễn và yêu sách của họ.
Manish Chalana
Jeffrey Hou
Ở bước thứ hai, việc thực hiện sự lệch tâm lý thuyết còn thôi thúc chúng ta đánh giá lại cái bình thường ở thành phố trong lãnh vực nghiên cứu đô thị. Điều này cho phép xem xét lại những không gian công cộng kẽ hở, chẳng hạn như các hẻm và các vỉa hè, và cả những sân chùa và các ngã tư nhỏ bé vì tiềm năng to lớn của chúng để tạo ra hằng ngày sự hỗn hợp xã hội và sự nhã nhặn ở thành phố. Những đặc tính cuối có thể là ngắn ngủi: một trục giao thông bị đóng lại cho sự di chuyển bằng xe máy trong buổi tối nhường chỗ cho một chợ và một nơi gặp gỡ. Những “sự chuyển đổi ở đô thị” này, thường vắng mặt trong các sơ đồ của thành phố và không được chính quyền và các nhà đầu tư công nhận, tương ứng với cái mà Manish Chalana và Jeffrey Hou gọi là “những thành phố ‘khác’ ở Á Châu: một quy hoạch đô thị hỗn độn”. Việc chính quyền, vì tìm kiếm những dự án lớn mang những hình thức càng ngày càng toàn cầu hóa, không thể che giấu tiềm năng to lớn của chúng để tạo ra những mối liên hệ xã hội, đặc biệt trong sự chuyển đổi những thực tiễn hằng ngày mà chúng tiếp nhận. Khôi phục lại cái bình thường của thành phố còn đòi hỏi việc khôi phục lại vai trò của những thị dân bình thường trong việc xây dựng thành phố và xem họ như là những tác nhân hoàn toàn, trong một quan niệm được lặp đi lặp lại về tiến trình đô thị hóa.
Annette Miae Kim

Ở bước thứ ba, cách tiếp cận được đổi mới này ngụ ý phải tư duy lại một cách phê phán những biểu thị, đặc biệt là những bản đồ biểu thị, về siêu đô thị. Đó là điều mà Annette Kim và nhóm Spatial Laboratory của bà đề xuất khi tìm kiếm cách sản xuất những bản đồ TPHCM có tính đến những hành trình không ngừng được tái tạo của những người bán hàng rong và vị trí trung tâm của họ trong nền kinh tế và bản sắc của siêu đô thị (Kim, 2015). Đó cũng là mục tiêu của công cụ tin học “Tempo” mà tôi đang phát triển để biểu hiện một cách tổng hợp và toàn diện tính đa chức năng hằng ngày của những không gian công cộng và hẻm của Việt Nam. Do đó, việc tạo ra một địa chính vi mô về những không gian công cộng ở TPHCM cũng thúc giục ta tư duy lại những cách tiếp cận mang tính khái niệm và những công cụ nghiên cứu thành phố, trong một cách tiếp cận lệch tâm và hậu thực dân.
Từ lãnh thổ đến mạng lưới, từ đường phố đến con đường; các mối đe dọa trên những không gian công cộng bình thường của Thành Phố Hồ Chí Minh
Hiện nay, các chương trình “dẹp/xóa bỏ” do chính quyền thành phố tổ chức, nhưng còn hơn nữa sự thống trị ngày càng mạnh của một cách sử dụng trên các cách sử dụng khác: giao thông cơ giới, đang đe dọa sự phong phú của sự biến đổi các không gian công cộng bình thường của TPHCM. Trong khi các vỉa hè và các hẻm của TPHCM cho đến nay có thể được xem như là những “lãnh thổ” của thành phố, tức là những không gian được các thị dân chiếm hữu qua những thực tiễn của họ, thì những không gian này ngày càng bị giới hạn trong chức năng của một mạng lưới phục vụ cho sự giao thông trong thành phố. Từ một hệ thống đường sá lâu nay được dành cho giao thông cục bộ, các con hẻm nay đảm nhiệm nhưng chức năng liên vận mới, cho phép nối kết những khu phố khác nhau của một siêu đô thị ngày càng rộng lớn, với ít trục giao thông lớn mang tính cấu trúc. Nhưng, qua việc “đường phố” biến thành “đường sá”, chính cái quy chế không gian công cộng bình thường đang biến dần, và cùng với điều này, sự phong phú của cả một nền văn hóa thành phố quý báu trong khả năng hội nhập vào thành phố.
Thư Mục

Chalana Manish et Hou Jeffrey, Messy Urbanism: Understanding the “Other” Cities of Asia, Hong Kong, Hong Kong University Press, 2016, 269 p.
Gibert Marie, “La modernisation de la trame viaire à Hô Chi Minh Ville : enjeux et recompositions territoriales”, in Manuelle Franck et Thierry Sanjuan (dirs.), Territoires de l’urbain en Asie. Une nouvelle modernité?, Paris, CNRS Editions, 2015, pp. 170191.
Kim Annette M., Sidewalk City, Remapping Public Space in Ho Chi Minh City, Chicago, University of Chicago Press, 2015, 264 p.
Koh David W.H., “The Pavement as Civic Space: History and Dynamics in the City of Hanoi”, in Michael Douglass, K.C. Ho et Giok Ling Ooi (dir.), Globalization, the City and Civil Society in Pacific Asia, Londres, New York, Routledge, 2008, pp. 145174.
Phạm Như Hồ dịch




Chú thích:

[1] Marie Gibert-Flutre là phó giáo sư về địa lý tại đại học Paris Diderot và là người phụ trách về Á Châu ở Trung Tâm Nghiên cứu Khoa học xã hội về các thế giới Phi Châu, Mỹ Châu và Á Châu/Centre d’Etudes en Sciences Sociales sur les Mondes Africains, Americains et Asiatiques - CESSMA). Bà chuyên về nghiên cứu đô thị, đặc biệt về Việt Nam và Thành Phố Hồ Chí Minh. Chủ đề luận văn tiến sĩ của bà là những biến đổi của hệ thống các hẻm ở Thành Phố Hồ Chí Minh và mới được xuất bản thành sách dưới tựa đề: Những mặt trái của tiến trình biến đổi thành siêu đô thị (métropolisation): các hẻm ở Thành Phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Sau đó bà đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam và Thành Phố Hồ Chí Minh và hướng dẫn nhiều luận án thạc sĩ và tiến sĩ về khu vực này.

[2] Nhóm Lợi Ích Khoa Học về Nghiên Cứu Á Châu (GIS/Groupement d’Intérêt Scientifique - Asie) là một mạng lưới hàn lâm của Pháp về nghiên cứu Á Châu. Nó là nơi tập hợp, phối hợp và sáng tạo của cộng đồng những nhà nghiên cứu Á Châu có quan hệ với Pháp. Nó bao gồm 80% thành phần của cộng đồng nghiên cứu Á Châu, tức là 1130 nhà nghiên cứu, được phân bố trong 30 đơn vị nghiên cứu. Nó được thể chế hóa thông qua một thỏa ước quy tụ 22 trường đại học và trung tâm nghiên cứu đỡ đầu cho những đơn vị nghiên cứu này.

Nhóm Lợi Ích Khoa Học Á Châu nằm trong xu hướng nghiên cứu theo khu vực văn hóa được thể hiện qua việc sáng lập Nhóm Lợi Ích Khoa Học về Mỹ Châu, Phi Châu và Trung Đông và các Thế giới Hồi Giáo.

Print Friendly and PDF