4.3.15

Hiệu quả đối lại công bằng


Hiệu quả đối lại công bằng

Efficiency vs Equity
Khái niệm hiệu quả có một nghĩa chính xác trong kinh tế học sản xuất: một tình thế là có hiệu quả nếu việc phân bổ những nguồn lực hiếm giữa những nhà sản xuất khác nhau và việc sử dụng chúng đưa đến một tập những sản phẩm được sản xuất sao cho không có những tập nào khác có nhiều hơn mỗi một sản phẩm đã được sản xuất. Nói cách khác, nếu gọi bằng miền sản xuất tập những điểm tượng trưng cho những sản xuất có thể thì những tình thế có hiệu quả là đường biên của miền này. Có thể mở rộng khái niệm này ra cho những cá thể người tiêu dùng nếu giả định là những cá thể này có một hàm lợi ích, được trang bị một số đặc tính nghiêm ngặt, đo sự thoả mãn họ thu được từ việc họ tiêu dùng sản phẩm. Nếu việc phân bổ những nguồn lực quí hiếm giữa các nhà sản xuất và những sản phẩm được sản xuất giữa các người tiêu dùng là sao cho không một tình thế nào khác cho được mỗi người tiêu dùng một sự thoả mãn lớn hơn sự thoả mãn đạt được trong trạng thái này thì trạng thái này được gọi là có lợi tức xã hội tối đa hay là một tối ưu Pareto.
Khái niệm bình đẳng không có một ý nghĩa chính xác bằng và, dù sao đi nữa, hiếm khi được sử dụng trong khoa học kinh tế. Mở rộng ý nghĩa thông thường của từ này thì một trạng thái có thể được gọi là bình đẳng nếu mỗi người tiêu dùng đạt được cùng một mức thoả mãn, hay cụ thể hơn nếu mỗi người có cùng một mức nguồn lực.
Còn khái niệm công bằng lại càng mơ hồ hơn nữa vì thuộc về một đánh giá đạo đức chủ quan. Trong thực tiễn, một tình thế được gọi là thuận công bằng nếu đáp ứng những tiêu chuẩn được sự đồng thuận rộng rãi trong một xã hội nhất định, ví dụ tiêu chuẩn có những cơ hội bằng nhau.
Khoa học kinh tế hiện đại được xây dựng chung quanh khái niệm hiệu quả. Thật vậy, vấn đề trung tâm mà khoa học này phải xử lí là: làm thế nào sử dụng tốt nhất những nguồn lực quí hiếm?
Xuất phát từ những trực giác đã có từ xưa, đặc biệt bắt nguồn từ Adam Smith, khoa học kinh tế đã cố gắng làm rõ thế nào là tốt nhất. Lí thuyết được Léon Walras và Vilfredo Pareto xây dựng, một lí thuyết vẫn còn nằm ở trung tâm của khoa học kinh tế sau khi đã được tinh chỉnh trong suốt thế kỉ này, dựa trên hai trụ cột: một quan niệm chính xác về tính hiệu quả (tối ưu Pareto) và một quan niệm về cách đạt đến hiệu quả này (cân bằng chung). Tất cả những điều này, bằng cách đơn giản hoá rất nhiều, có thể được tóm tắt bằng định lí sau: có thể đạt đến một tối ưu Pareto bằng việc tổ chức những trao đổi thông qua một hệ thống giá cả của những sản phẩm và dịch vụ, hệ thống này bắt nguồn từ một quá trình kế hoạch hoá hay từ một thị trường cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo. Do kế hoạch hoá, trong thực tế, là không thể thực hiện được nên khoa học kinh tế kết luận rằng thị trường cạnh tranh là cách thức duy nhất để có được một sự phân bổ tối ưu. Những người bảo vệ chủ nghĩa tự do dựa một phần trên đóng góp lí thuyết này để yêu sách một sự can thiệp kinh tế của Nhà nước giới hạn ở hai mục tiêu chính: đảm bảo những điều kiện cho một sự cạnh tranh hoàn hảo nhất có thể, thực hiện việc phân phối lại của cải nhằm thu hẹp những bất bình đẳng do những cơ chế thị trường gây ra.
Thật vậy, lí thuyết để cho dự báo là, và các sự kiện xác minh hoàn toàn điều này, những cơ chế này cho phép những ai có những chu cấp ban đầu lớn và những khả năng cao tăng thêm nữa lợi thế của họ: thị trường là có hiệu quả, dưới những điều kiện rất ngặt nghèo và ít khi là thực tế, nhưng thị trường không đảm bảo một phân bổ của cải được xem là công bằng. Tuy nhiên đối với hầu hết các nhà kinh tế vấn đề công bằng này không còn thuộc trường của bộ môn mình nữa mà thuộc về lĩnh vực của những khoa học đạo đức và chính trị.
Do đó lí thuyết chuẩn được trình bày như là trung tính về mặt công bằng xã hội, và lí thuyết chỉ dựa trên những sở thích cá thể mà nhà kinh tế tự cấm mình chọn lựa, nhường lại trách nhiệm này cho các thể chế chính trị. Thể theo cách nhìn lí thuyết này, một cách nhìn đôi lúc trở thành một hệ tư tưởng, nhà kinh tế không có gì để nói cả về công bằng.
Giả thiết này về sự tách biệt giữa kinh tế và chính trị là không thể bảo vệ được vì nó ngầm mở rộng quá đáng lĩnh vực áp dụng của lí thuyết cân bằng chung. Cho dù hội đủ tất cả những giả thiết của cạnh tranh hoàn hảo và trạng thái đạt đến được E0 là có hiệu quả thì việc chuyển sang một trạng thái cũng hiệu quả là E1 nhưng được xem là bình đẳng về mặt xã hội là một điều có thể quan niệm được nhưng lại có thể là không thực hiện được do rất nhiều yếu tố thể chế hay xã hội. Chính vì thế mà sẽ là hoàn toàn chính đáng khi chọn việc thay đổi phân bổ của thị trường cho dù làm như vậy sẽ dẫn đến một trạng thái E2 không có hiệu quả nhưng công bằng hơn. Trong thực tiễn đó là điều xảy ra trong tất cả các nước: khi sự bất bình đẳng giữa các công dân trước những dịch vụ y tế hay những sản phẩm và dịch vụ khác bị xem là không thể chấp nhận được thì những sản phẩm và dịch vụ này bị đặt ra ngoài vòng thị trường và được Nhà nước giám hộ. Kết quả là có thể mất đi một phần lớn tính hiệu quả nhưng trạng thái này lại được ưa thích hơn là sự bất bình đẳng do một phân bổ cạnh tranh không thể sửa sai được gây nên.
Một cách tổng quát hơn, kinh tế học chỉ có thể đóng góp cho tư duy về công bằng bằng cách quay trở về với một khoa học đạo đức và chính trị hay một triết lí kinh tế. Vả lại, đây chính là điều mà lí thuyết điều tiết và lí thuyết về những qui ước cố gắng tiến hành một phần. Những công trình tiên phong của J. Rawls (dựa trên giả thiết cho rằng các cá thể có thể thoả thuận với nhau về những nguyên lí tổng quát về công bằng, những nguyên lí này được chấp nhận bằng cách tưởng tượng là các cá thể không biết vị trí mà mình sẽ nắm giữ trong tương lai) và của A. K. Sen (giải Nobel kinh tế năm 1998), đã đặt những cọc tiêu đầu cho một lí thuyết kết hợp tự do cá nhân với việc tôn trọng những nguyên lí tổng quát về công bằng.
Trên một quan điểm tổng quát hơn, lịch sử cho thấy là những xã hội chủ toàn (L. Dumont) trước hết nhằm tái sản xuất trật tự xã hội hiện có và thường gắn liền với những bất bình đẳng mà ngày nay ta thấy là không thể dung thứ được. Trong những xã hội này những cơ chế kinh tế được coi là thứ yếu và chỉ có một vai trò hạn chế. Cuộc biến đổi lớn (K. Polanyi) được đặc trưng bởi việc nền kinh tế trở nên tự chủ và thậm chí nổi trội đã tạo điều kiện cho một tiến hoá xã hội nhanh chóng. Biến đổi này dựa trên việc cầu viện đến những cơ chế thị trường phục vụ cho sức mạnh của các Nhà nước và cho sự tăng trưởng của của cải. Trong thời kì đầu, sự thay đổi này đã không kéo theo sự sụt giảm của những bất bình đẳng nhưng sau đó, và một cách gián tiếp, tăng trưởng của các mức sống và những tiến bộ văn hoá đã tạo điều kiện thuận lợi cho những nguyện vọng dân chủ và việc chia sẻ của cải công bằng hơn.

HIRSCHMAN A. O., Léconomie comme science morale et politique, Paris, Hautes Etudes/Gallimard, Le Seuil, 1984. MALINVAUD E, LeVons de théorie économique, Paris, Dunod, 1969. PHELPS E. S. chủ biên, Altruism, Morality and Economic Theory, New York, Russel Sage Foundation, 1975. RAWLS J. A Theory of Justice, Harvard University Press, 1971 (bản dịch tiếng Pháp Théorie de la justice, Paris, Le Seuil, 1987). SEN A. K., Collective Choice and Social Welfare, San Francisco, Holden-Day, Inc., 1970.
Marc GUILLAUME
Giáo sư đại học Paris-Dauphine (Paris 9)
Nguyễn Đôn Phước dịch

® Bất bình đẳng; Bẫy (Giáo dục, nghèo đói); Công bằng; Duy lí tân cổ điển (tính); Lợi ích; Phúc lợi và lựa chọn xã hội.
Print Friendly and PDF