17.9.20

Người nhận tiền và người làm ra tiền: ai là người tạo ra giá trị thực?

NGƯỜI NHẬN TIỀN VÀ NGƯỜI LÀM RA TIỀN: AI LÀ NGƯỜI TẠO RA GIÁ TRỊ THỰC?

Khi giá trị đáp ứng lợi nhuận và lợi nhuận đáp ứng tiền thuê kinh tế
Tác giả: Mariana Mazzucato
Chúng ta thường nghe các doanh nghiệp, doanh nhân hoặc các lĩnh vực nói về bản thân họ là người “tạo ra của cải”. Các bối cảnh có thể khác nhau - ngành tài chính, công ty dược phẩm lớn hoặc các công ty khởi nghiệp nhỏ - nhưng các mô tả về bản thân đều giống nhau: Tôi là một thành viên đặc biệt hiệu quả của nền kinh tế, hoạt động của tôi tạo ra của cải, tôi chấp nhận ‘rủi ro’ lớn và vì vậy tôi xứng đáng thu nhập cao hơn những người chỉ đơn thuần hưởng lợi từ sự lan tỏa của hoạt động này. Nhưng nếu cuối cùng, những mô tả này chỉ đơn giản là những câu chuyện thì sao? Những câu chuyện kể được tạo ra nhằm biện minh cho sự bất bình đẳng về tài sản và thu nhập, khen thưởng ồ ạt cho một số ít người có khả năng thuyết phục chính phủ và xã hội rằng họ xứng đáng được thưởng cao, trong khi những người khác phải tự xoay xở với những gì còn lại.

Nếu giá trị của một vật được xác định bởi giá tiền của vật đó - và giá tiền thì được thiết lập bởi các lực được giả định là cung và cầu - rồi sau đó cho tới khi nào một hoạt động tìm được người mua (hợp pháp), nó được coi là tạo ra giá trị. Vì vậy, nếu bạn kiếm được nhiều tiền bạn phải là người tạo ra giá trị. Tôi sẽ tranh luận rằng cách thức mà từ “giá trị” được sử dụng trong kinh tế học hiện đại đã khiến các hoạt động khai thác giá trị trở nên dễ dàng hơn để giả dạng là các hoạt động tạo ra giá trị. Và trong quá trình này, tiền thuê (thu nhập phi tiền lương) bị nhầm lẫn với lợi nhuận (thu nhập do lao động); bất bình đẳng gia tăng và đầu tư vào nền kinh tế thực bị giảm sút. Hơn nữa, nếu chúng ta không thể phân biệt được việc tạo ra giá trị với việc khai thác giá trị, thì gần như không thể thưởng cho hoạt động khai thác giá trị nhiều hơn hoạt động tạo ra giá trị. Nếu mục tiêu là tạo ra tăng trưởng dựa trên sự đổi mới (tăng trưởng thông minh), bao trùm hơn và bền vững hơn, chúng ta cần hiểu rõ hơn về giá trị để định hướng cho mình.
Đây không phải là một cuộc tranh luận trừu tượng. Nó có những hậu quả sâu rộng - về mặt xã hội và chính trị cũng như kinh tế - cho tất cả mọi người. Cách thức chúng ta thảo luận về giá trị sẽ ảnh hưởng đến cách thức ứng xử của tất cả chúng ta với tư cách là những tác nhân trong nền kinh tế, dù chúng ta là các tập đoàn khổng lồ hay là những khách hàng tầm thường nhất, và đến lượt cách ứng xử này tác động vào nền kinh tế và cách chúng ta đo lường hiệu suất của nền kinh tế đó. Đây là điều mà các nhà triết học gọi là “tính hiệu quả thực hiện”: cách thức chúng ta nói về sự vật ảnh hưởng đến hành vi và đến lượt hành vi sẽ ảnh hưởng đến cách thức chúng ta lý thuyết hóa về sự vật. Nói cách khác, đó là một lời tiên tri tự hoàn thành.

Nếu chúng ta không biết xác định được ý nghĩa mà chúng ta gán vào từ giá trị, thì chúng ta không thể chắc chắn là sản xuất ra giá trị, và chúng ta cũng không chia sẻ giá trị một cách công bằng, cũng như duy trì tăng trưởng kinh tế. Do đó, sự hiểu biết về giá trị là rất quan trọng đối với tất cả các cuộc trò chuyện khác mà chúng ta cần có về việc nền kinh tế của chúng ta đang đi đến đâu và làm thế nào để thay đổi hướng đi của nó.
Tại sao lý thuyết về giá trị lại quan trọng
Lloyd Blankfein (1954-)
Sự biến mất của giá trị khỏi cuộc tranh luận kinh tế che giấu những gì cần phải là sống động, công khai và được tranh cãi tích cực. Nếu ta không chất vấn việc giả định rằng giá trị là một khái niệm chủ quan, thì một số hoạt động sẽ được coi là có tạo ra giá trị và những hoạt động khác là không tạo ra giá trị, đơn giản bởi vì ai đó - thường là người có quyền lợi trực tiếp - nói như vậy, và có lẽ nói một cách hùng hồn hơn những người khác. Các hoạt động có thể nhảy từ bên này sang bên kia của ranh giới sản xuất chỉ bằng một cú nhấp chuột và hầu như không ai nhận ra. Nếu mặc dù các chủ ngân hàng, nhà môi giới bất động sản và nhà cái tuyên bố là họ tạo ra giá trị chứ không khai thác giá trị, và thậm chí kinh tế học chính thống cũng không đưa ra cơ sở nào để thách thức những người này, thì công chúng vẫn có thể xem những tuyên bố của những người này với thái độ hoài nghi. Ai có thể chống lại Lloyd Blankfein khi ông tuyên bố rằng nhân viên của Goldman Sachs là trong số những người làm việc hiệu quả nhất trên thế giới? Hoặc khi các công ty dược lý luận rằng giá cao cắt cổ của một loại thuốc của họ là do giá trị mà nó tạo ra? Các quan chức chính phủ có thể bị thuyết phục (hoặc ‘bị sập bẫy’) bởi những câu chuyện về việc tạo ra của cải, như gần đây đã được chứng minh bằng việc chính phủ Hoa Kỳ phê duyệt một phương pháp điều trị bệnh bạch cầu với giá nửa triệu đô-la, sử dụng chính xác mô hình ‘định giá dựa trên giá trị’ được giới thiệu bởi ngành công nghiệp - ngay cả khi người dân đóng thuế đã đóng góp 200 triệu đô-la cho việc tìm ra phương pháp điều trị này.
Thứ hai, việc thiếu phân tích giá trị có những tác động lớn đối với một lĩnh vực cụ thể: phân phối thu nhập giữa các thành viên khác nhau trong xã hội. Khi giá trị được xác định bởi giá cả (chứ không phải ngược lại), mức thu nhập và phân phối thu nhập dường như hợp lý miễn là có thị trường cho hàng hóa và dịch vụ tạo ra thu nhập đó, khi mua và bán. Theo cái logic này, tất cả thu nhập đều là thu nhập do lao động: vậy thì chẳng còn bất kỳ sự phân tích nào về các hoạt động để xem hoạt động đó có hiệu quả hay không hiệu quả.
Tuy nhiên, cách lập luận này là lòng vòng, một vòng khép kín. Thu nhập được chứng minh bằng việc sản xuất ra thứ gì đó có giá trị. Nhưng làm thế nào để chúng ta đo lường giá trị? Bằng cách xét xem giá trị đó có kiếm được thu nhập hay không. Bạn kiếm được thu nhập vì bạn làm việc hiệu quả/có năng suất và bạn có năng suất vì bạn kiếm được thu nhập. Vì vậy, chỉ cần vẫy chiếc đũa thần một cái, khái niệm về thu nhập phi tiền lương sẽ biến mất. Nếu thu nhập có nghĩa là chúng ta đang làm việc hiệu quả, và chúng ta xứng đáng có thu nhập bất cứ khi nào chúng ta làm việc hiệu quả, thì làm sao thu nhập lại có thể là phi tiền lương? Như chúng ta sẽ thấy trong Chương 3, lập luận lòng vòng này được phản ánh trong cách thức các tài khoản quốc gia được lập như thế nào để theo dõi và đo lường sản xuất và của cải trong nền kinh tế. Về lý thuyết, không có thu nhập nào có thể được đánh giá quá cao, bởi vì trong nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh ngăn cản bất kỳ ai kiếm được nhiều hơn mức mà người đó xứng đáng được hưởng. Trên thực tế, thị trường là thứ mà các nhà kinh tế học gọi là không hoàn hảo, vì vậy người có quyền lực thường ấn định giá cả và tiền lương, còn người yếu thế thì phải chi tiền ra.
Theo quan điểm phổ biến, giá cả do cung và cầu đặt ra, và bất kỳ sự sai lệch nào so với cái được coi là giá cả cạnh tranh (dựa trên doanh thu cận biên) phải là do một số điểm không hoàn hảo, mà nếu bị loại bỏ, sẽ tạo ra phân phối thu nhập chính xác giữa các tác nhân. Khả năng một số hoạt động vĩnh viễn kiếm được tiền thuê vì các hoạt động này được coi là có giá trị, trong khi thực sự ngăn chặn việc tạo ra giá trị và/hoặc phá hủy giá trị hiện có, hầu như không được thảo luận.
Thật vậy, đối với các nhà kinh tế học, không còn câu chuyện nào khác ngoài câu chuyện lý thuyết chủ quan về giá trị, với thị trường được điều khiển bởi cung và cầu. Một khi những trở ngại đối với cạnh tranh được loại bỏ, kết quả sẽ có lợi cho tất cả mọi người. Các quan niệm khác nhau về giá trị có thể ảnh hưởng như thế nào đến việc phân phối doanh thu giữa người lao động, các cơ quan công quyền, người quản lý và cổ đông chẳng hạn tại Google, General Electric hoặc BAE Systems, là điều không cần bàn cãi.
Thứ ba, khi cố gắng điều hành nền kinh tế theo những hướng cụ thể, các nhà hoạch định chính sách - dù họ có nhận ra hay không - chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi những ý tưởng về giá trị. Mức độ tăng trưởng GDP rõ ràng là quan trọng trong một thế giới mà hàng tỷ người vẫn sống trong cảnh nghèo đói khủng khiếp. Nhưng một số câu hỏi kinh tế quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để đạt được một loại hình tăng trưởng cụ thể. Ngày nay, người ta nói nhiều về nhu cầu làm cho tăng trưởng ‘thông minh hơn’ (dẫn đầu bởi các khoản đầu tư vào đổi mới), bền vững hơn (xanh hơn) và bao trùm hơn (tạo ra ít bất bình đẳng hơn).
Trái ngược với giả định phổ biến rằng chính sách không nên có định hướng, chỉ đơn giản là dỡ bỏ các rào cản và tập trung vào việc “san bằng sân chơi” cho các doanh nghiệp, cần phải có một lượng lớn việc hoạch định chính sách để đạt được những mục tiêu cụ thể này. Bằng cách nào đó, tăng trưởng sẽ không tự đi theo hướng này. Các loại chính sách khác nhau là cần thiết để làm nghiêng sân chơi theo hướng được cho là mong muốn. Điều này rất khác với giả định thông thường là chính sách không nên có định hướng, chỉ đơn giản là dỡ bỏ các rào cản để doanh nghiệp có thể đi vào sản xuất suôn sẻ.
Việc quyết định những hoạt động nào quan trọng hơn những hoạt động khác là rất quan trọng trong việc định hướng cho nền kinh tế: nói một cách đơn giản, cần gia tăng những hoạt động được cho là quan trọng hơn trong việc đạt được các mục tiêu cụ thể và giảm bớt những hoạt động ít quan trọng hơn. Chúng ta đã làm điều này. Một số loại tín dụng thuế, chẳng hạn như R&D (nghiên cứu và phát triển), cố gắng kích thích đầu tư nhiều hơn vào đổi mới. Chúng ta trợ cấp giáo dục và đào tạo cho sinh viên bởi vì với tư cách là một xã hội, chúng ta muốn người trẻ sẽ được vào đại học nhiều hơn hoặc tham gia lực lượng lao động với kỹ năng tốt hơn. Đằng sau những chính sách như vậy có thể là các mô hình kinh tế cho ta thấy đầu tư vào ‘vốn con người - kiến thức và năng lực của con người - mang lại lợi ích như thế nào cho sự phát triển của quốc gia thông qua việc tăng năng lực sản xuất của quốc gia đó. Tương tự như vậy, mối quan ngại ngày càng sâu sắc của ngày nay là, ở một số quốc gia, khu vực tài chính quá lớn - chẳng hạn như so với lĩnh vực sản xuất. Mối quan ngại này có thể được làm sáng tỏ bởi các lý thuyết rằng chúng ta muốn sống trong loại hình kinh tế nào và quy mô ra sao cùng với vai trò của tài chính ra sao trong loại hình kinh tế đó.
Nhưng sự phân biệt giữa các hoạt động có hiệu quả và không hiệu quả hiếm khi là kết quả của phép đo ‘khoa học’. Ngược lại, việc ấn định giá trị hoặc việc thiếu giá trị luôn luôn liên quan đến các lập luận kinh tế - xã hội dễ uốn nắn xuất phát từ một quan điểm chính trị cụ thể - đôi khi rõ ràng, đôi khi được hiểu ngầm. Định nghĩa về giá trị vẫn còn thiên nhiều về chính trị và về các quan điểm cụ thể về cách thức nên xây dựng xã hội ra sao, cũng như về kinh tế học được định nghĩa hẹp. Các phép đo không trung lập: các phép đo ảnh hưởng đến hành vi và ngược lại (đây là khái niệm về tính hiệu quả thực hiện mà chúng ta gặp trong Lời nói đầu).
Vì vậy, điểm mấu chốt là không nhằm tạo ra sự phân chia rõ ràng, chẳng hạn như dán nhãn một số hoạt động là hiệu quả và phân loại những hoạt động khác là không hiệu quả, là trục lợi tiền thuê. Tôi tin rằng thay vào đó, chúng ta phải thẳng thắn hơn trong việc liên kết hiểu biết của chúng ta về việc tạo ra giá trị với cách thức mà các hoạt động cần phải cơ cấu (cho dù trong lĩnh vực tài chính hay nền kinh tế thực), và việc này được kết nối ra sao với việc phân phối phần thưởng được tạo ra.
Chỉ bằng cách này, câu chuyện hiện tại về việc tạo ra giá trị sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn và những tuyên bố như ‘Tôi là người tạo ra của cải’ được đo lường dựa trên những ý tưởng đáng tin cậy về nguồn gốc của sự giàu có đó. Sau đó, việc định giá dựa trên giá trị của một công ty dược phẩm có thể được xem xét kỹ lưỡng hơn với quy trình tạo ra giá trị mang tính tập thể hơn, một quy trình trong đó tiền công quỹ sẽ tài trợ một phần lớn cho nghiên cứu dược phẩm - công ty dược được hưởng lợi từ quỹ đó- trong giai đoạn rủi ro cao nhất. Tương tự, 20% cổ phần mà các nhà đầu tư mạo hiểm thường nhận được khi một công ty nhỏ công nghệ cao niêm yết trên thị trường chứng khoán có thể được coi là quá mức nếu xét theo rủi ro thực tế chứ không phải rủi ro thần thoại mà họ đã thực hiện khi đầu tư vào sự phát triển của công ty. Và nếu một ngân hàng đầu tư kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ từ sự bất ổn của tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến một quốc gia, thì khoản lợi nhuận đó có thể được xem như thực chất của nó: đó chỉ là tiền thuê.
Người dịch: Lê Thị Hạnh
Trích từ tác phẩm The Value of Everything (Giá trị của mọi thứ) của Mariana Mazzucato. Copyright © 2018 by Penguin Random House UK.
Nguồn: Takers and Makers: Who Are the Real Value Creators, Evonomics, 30.6.2019.
Vài nét về tác giả:
Mariana Mazzucato (1968-)

Mariana Mazzucato, Giáo sư Kinh tế Đổi mới tại Đơn vị Nghiên cứu Chính sách Khoa học của Đại học Sussex. Tác giả của cuốn sách “The Entrepreneurial State: Debunking Public vs. Private Sector Myths” (Nhà nước Doanh nhân: Bỏ qua những lầm tưởng của Khu vực Công và Khu vực Tư nhân).
Twitter: @MazzucatoM
Print Friendly and PDF