2.6.20

Edgar Morin: “Cơn khủng hoảng này khiến chúng ta tự vấn về lối sống, về các nhu cầu thực của chúng ta đang bị che khuất bởi những tha hóa của đời thường”

EDGAR MORIN: “CƠN KHỦNG HOẢNG NÀY KHIẾN CHÚNG TA TỰ VẤN VỀ LỐI SỐNG, VỀ CÁC NHU CẦU THỰC CỦA CHÚNG TA ĐANG BỊ CHE KHUẤT BỞI NHỮNG THA HÓA CỦA ĐỜI THƯỜNG”

Trong một buổi trò chuyện với báo Le Monde, nhà xã hội học và triết học cho rằng cuộc chạy đua theo lợi nhuận cũng như lối tư duy nghèo nàn của chúng ta là nguyên nhân của vô số tai họa của nhân loại do đại dịch Covid-19 gây ra.
Nicolas Truong ghi lại
Edgar Morin, nhà xã hội học và triết học, ở Montpellier (Hérault), tháng 1/2019. Olivier Metzger
Sinh năm 1921, đã từng tham gia kháng chiến chống Đức quốc xã, nhà xã hội học và triết học, nhà tư tưởng xuyên ngành và phóng khoáng (không phục tùng kỷ luật), tiến sĩ danh dự của 34 trường đại học trên thế giới, Edgar Morin đã phải cách ly trong căn hộ của ông ở Montpellier từ ngày 17/3, cùng với vợ ông, nhà xã hội học Sabah Abouessalam.


Chính là từ đường Jean-Jacques Rousseau, nơi cư trú của mình, mà tác giả của La Voie (Con đường - 2011) và Terre-Patrie (Quả đất quê hương - 1993), gần đây đã xuất bản Les souvenirs viennent à ma rencontre - Fayard, 2019 (Những hồi ức đến với tôi), một tác phẩm dày trên 700 trang, trong đó bậc thức giả hồi tưởng sâu sắc những câu chuyện, những gặp gỡ và những “sức hút” mạnh mẽ nhất trong cuộc đời của ông, xác định lại một khế ước xã hội mới, thả hồn theo một vài tâm sự và phân tích cơn khủng hoảng toàn cầu đang tạo cho ông một niềm “phấn khích to lớn”.
Có thể dự báo đại dịch do virus corona được không?


Tất cả những viễn kiến tương lai của thế kỷ 20 đã tiên đoán tương lai bằng cách chuyển tải vào tương lai những trào lưu đang đi qua hiện tại đều đã sụp đổ. Tuy nhiên, người ta vẫn tiên đoán cho năm 2025 và 2050 trong khi không có khả năng hiểu được năm 2020. Kinh nghiệm những vụ bùng phát của điều bất ngờ trong lịch sử không hề thâm nhập vào ý thức. Tuy vậy, một sự bất ngờ xảy ra đều có thể tiên đoán được, nhưng không tiên đoán được tính chất của nó. Do đó, câu châm ngôn thường trực của tôi là: “Hãy trông chờ vào điều bất ngờ.
Hơn nữa, tôi thuộc về nhóm thiểu số đã dự đoán các tai họa dây chuyền xảy  ra do sự buông lỏng không kiểm soát của toàn cầu hóa công nghệ-kinh tế, trong đó có tai họa phát sinh từ suy thoái của sinh quyển và của xã hội. Nhưng tôi không mảy may dự đoán tai họa do virus.
Tuy nhiên có một nhà tiên tri về tai họa này: Bill Gates, trong một hội nghị vào tháng tư năm 2012, đã thông báo rằng mối nguy hiểm trước mắt của nhân loại không phải là hạt nhân mà là sức khỏe. Qua nạn dịch Ebola, may mắn là đã được khống chế một cách nhanh chóng, ông đã thấy báo hiệu mối hiểm nguy toàn cầu có thể do một virus có sức lây lan mạnh, ông đã trình bày các biện pháp phòng ngừa cần thiết, trong đó có trang thiết bị bệnh viện đầy đủ, thỏa đáng. Nhưng mặc dù có sự cảnh báo công khai như vậy, người ta đã không làm gì cả, ở Mỹ cũng như ở những nơi khác. Bởi vì sự thoải mái trí thức và thói quen thường kinh sợ những thông điệp quấy rầy họ.
Giải thích sự thiếu chuẩn bị của Pháp như thế nào?
Tại nhiều nước, trong đó có Pháp, chiến lược tối ưu hóa sản xuất (Đúng sản phẩm - với đúng số lượng - tại đúng nơi - vào đúng thời điểm cần thiết – ND) thay cho chiến lược tồn kho, làm cho hệ thống thiết bị y tế của chúng ta thiếu khẩu trang, dụng cụ xét nghiệm, máy trợ thở; điều này cộng thêm với lý thuyết tự do thương mại hóa bệnh viện và cắt giảm các phương tiện y tế đã góp phần làm trầm trọng thêm thảm họa của nạn dịch.
Cơn khủng hoảng này đặt chúng ta đối diện với loại bất ngờ nào?


Nạn dịch này đem lại cho chúng ta một loạt những điều không chắc chắn. Chúng ta không biết chắc về nguồn gốc của virus: chợ mất vệ sinh ở Vũ Hán hay phòng thí nghiệm gần đó, chúng ta chưa biết được những đột biến mà virus đang và sẽ trải qua trong quá trình lây lan của nó. Chúng ta không biết khi nào thì dịch sẽ thuyên giảm và virus có trở thành đặc hữu hay không. Chúng ta không biết đến khi nào và mức độ nào việc cách ly sẽ gây cho chúng ta những trở ngại, hạn chế, kể cả trong mức tiêu dùng. Chúng ta không biết những diễn biến tiếp theo về các phương diện chính trị, kinh tế, ở cấp quốc gia và toàn cầu của những hạn chế do cách ly mang lại. Chúng ta không biết phải chờ đợi điều xấu hơn, tốt hơn hay sự trộn lẫn cả hai: chúng ta lại tiến đến những điều không chắc chắn mới.
Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này có phải là một khủng hoảng của sự phức hợp?
Những hiểu biết gia tăng theo cấp số nhân, do đó chúng bỗng nhiên vượt ra khỏi khả năng thủ đắc của chúng ta, và nhất là chúng nêu ra thách thức của sự phức hợp: làm thế nào để so sánh, tuyển chọn, tổ chức những tri thức này một cách thỏa đáng bằng cách kết nối chúng và hòa nhập chúng vào những điều không chắc chắn. Đối với tôi, một lần nữa điều này bộc lộ sự nghèo nàn của phương thức nhận thức đã thấm nhuần vào tâm trí chúng ta, làm chúng ta tách rời cái không thể tách rời và giản lược về chỉ một yếu tố và tạo thành một nhất thể vừa là một vừa là khác biệt. Thật vậy, phát hiện ghê gớm về những xáo trộn mà chúng ta đang trải qua là tất cả những gì dường như tách rời lại là liên kết với nhau, bởi vì một thảm họa về y tế tạo ra thảm họa dây chuyền toàn bộ những gì liên quan đến con người.
“Trong sự mù mờ bất định, tất cả đều tiến tới bằng phép thử và sai, cũng như bằng những đổi mới sáng tạo lệch chuẩn thoạt đầu không được hiểu đúng và bị bác bỏ. Đó là cuộc phiêu lưu về trị liệu chống lại virus”
Thật là bi đát khi tư duy phân mảnh và bị giản lược ngự trị nền văn minh của chúng ta và nắm quyền điều khiển trong chính trị và kinh tế. Sự nghèo nàn kinh khủng về tư duy này đưa đến những sai lầm trong chẩn đoán, phòng ngừa cũng như những quyết định sai lầm. Tôi muốn thêm rằng ám ảnh về lợi nhuận của các nhà lãnh đạo và những người có thế lực đã tạo ra những nền kinh tế tội lỗi như trường hợp các bệnh viện và việc bãi bỏ hoạt động sản xuất khẩu trang ở Pháp. Theo ý tôi, những yếu kém trong lối suy nghĩ, cộng với sự thống trị quá hiển nhiên của cơn khát lợi nhuận điên cuồng là nguyên nhân của vô số thảm họa của nhân loại trong đó có những thảm họa xảy ra từ tháng 2/2020.
Chúng ta đã có một tầm nhìn đơn nhất về khoa học. Tuy nhiên, những thảo luận về dịch tễ học và những tranh cãi về phương pháp trị liệu gia tăng trong giới khoa học. Có phải khoa học sinh y đã trở thành một chiến trường mới?
Didier Raoult (1952-)
Luc Montagnier (1932-)
Thật vô cùng chính đáng khi khoa học được chính quyền huy động để chống lại nạn dịch. Tuy vậy, các công dân lúc đầu thì an tâm, nhất là lúc có phương thuốc của giáo sư Raoult, sau đó lại biết có những ý kiến khác nhau và có khi trái ngược nhau. Những công dân được thông tin tốt hơn phát hiện ra một vài nhà khoa học tên tuổi có các mối liên hệ vì lợi ích với công nghiệp dược phẩm với những vận động gây ảnh hưởng rất mạnh đối với các bộ trưởng và giới truyền thông, có khả năng khơi dậy các chiến dịch nhạo báng những ý tưởng không phù hợp với họ.
Chúng ta hãy nhớ lại trường hợp của giáo sư Montagnier, người đã chống lại những quan chức hàng đầu trong khoa học, đã cùng với vài nhà khoa học khác tìm ra HIV, virus của bệnh SIDA (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải). Đó cũng là dịp để hiểu rằng khoa học không phải là một danh mục những chân lý tuyệt đối (khác với tôn giáo) và các lý thuyết khoa học cũng bị phân hủy sinh học dưới tác dụng của những phát hiện mới. Các lý thuyết đã được chấp nhận có xu hướng trở thành giáo điều đối với tầng lớp hàn lâm cao nhất, và chính những người suy nghĩ khác đi đã làm cho khoa học tiến bộ, điều này đúng từ Pasteur đến Einstein, qua Darwin, rồi Crick, và Watson là những người tìm ra xoắn ốc kép của ADN. Nghĩa là những cuộc tranh cãi không hề là điều bất thường mà là cần thiết cho sự tiến bộ. Một lần nữa, trong bất định, tất cả đều đi tới bằng thử và sai cũng như những sáng kiến cải tiến lệch chuẩn thoạt đầu không được hiểu đúng và bị bác bỏ. Đó là cuộc phiêu lưu về trị liệu chống lại virus. Các phương thuốc có thể xuất hiện ở nơi ta không chờ đợi.
Khoa học đã bị tàn phá bởi sự chuyên môn hóa quá mức, sự khép kín và ngăn cách những tri thức chuyên biệt thay vì kết nối chúng. Và chính là những nhà nghiên cứu độc lập ngay từ đầu nạn dịch đã xây dựng sự hợp tác ngày càng mở rộng giữa các nhà nhiễm trùng học và các bác sĩ trên toàn hành tinh. Khoa học sống nhờ kết nối, mọi kiểm duyệt đều làm cho khoa học bị bế tắc. Như vậy, chúng ta cần nhìn thấy tầm vóc to lớn của khoa học đương thời cùng lúc với những yếu kém của nó.
Trong chừng mức nào chúng ta có thể tận dụng cơn khủng hoảng?

Trong tiểu luận Về khủng hoảng của tôi (Nhà xuất bản Flammarion), tôi đã thử chỉ ra rằng một cơn khủng hoảng, ngoài việc đem lại sự mất ổn định và bấp bênh còn biểu lộ sự thất bại trong điều tiết một hệ thống, mà để duy trì sự ổn định, hệ thống đó phải ức chế hay kìm hãm những lệch chuẩn (phản hồi tiêu cực). Một khi hết bị kìm hãm, những lệch chuẩn này (phản hồi tích cực) trở thành những xu hướng năng động mà nếu chúng phát triển thì ngày càng đe dọa làm xáo trộn và bóp nghẹt hệ thống đang cơn khủng hoảng. Trong các hệ thống sinh học và nhất là hệ thống xã hội, những lệch chuẩn phát triển thành công thành những khuynh hướng sẽ đưa đến những thay đổi, thoái bộ hoặc tiến bộ, thậm chí là đưa đến một cuộc cách mạng.
“Tóm lại, một virus cỏn con trong một thành phố vô danh của Trung Quốc đã châm ngòi cho sự đảo lộn thế giới”
Khủng hoảng trong một xã hội gây ra hai tiến trình mâu thuẫn nhau. Tiến trình thứ nhất thúc đẩy trí tưởng tượng và sáng tạo trong việc tìm kiếm các giải pháp mới. Tiến trình thứ hai thì hoặc là tìm cách trở lại với sự ổn định trong quá khứ, hoặc bám vào một phép mầu cứu rỗi siêu nhiên, hoặc tố cáo hay hãm hại một thủ phạm. Thủ phạm này có thể đã phạm sai lầm đến nỗi gây ra khủng hoảng, hoặc có thể là một thủ phạm tưởng tượng, một kẻ tội lỗi cần phải loại trừ.
Thật vậy, những ý tưởng lệch chuẩn và ở bên lề lan tỏa một cách hỗn độn: trở về với chủ quyền, nhà nước phúc lợi, bảo vệ các dịch vụ công chống lại tư nhân hóa, rút các doanh nghiệp về nước, phi toàn cầu hóa, chống chủ nghĩa tân tự do, cần thiết có một chính sách mới. Các nhân vật có uy tín và ý thức hệ được xem là thủ phạm.
Và chúng ta cũng thấy, trong sự bất lực của chính quyền, đã xuất hiện ngồn ngộn những sáng kiến tương trợ: doanh nghiệp chuyển đổi công năng và xưởng may mặc thủ công sản xuất khẩu trang bù cho thiếu hụt, tập hợp các nhà sản xuất ở địa phương, giao hàng miễn phí tận nhà, hàng xóm giúp đỡ nhau, bữa ăn miễn phí cho người vô gia cư, giữ trẻ; hơn nữa cách ly đã kích thích khả năng tự tổ chức để bù lại sự mất tự do di chuyển bằng đọc sách, âm nhạc, phim ảnh. Như vậy, khủng hoảng đã khuyến khích tính tự lập và sáng tạo.
Có phải chúng ta đang chứng kiến sự thức tỉnh thực sự của lương tri về thời đại toàn cầu?
Tôi hy vọng là nạn dịch hết sức đặc biệt và gây chết người mà chúng ta đang trải qua sẽ giúp ta ý thức rằng không những là chúng ta bị cuốn vào bên trong cuộc phiêu lưu lạ thường của nhân loại, mà còn là đang sống trong một thế giới vừa bất trắc vừa bi đát. Niềm tin vững chắc rằng cạnh tranh tự do và tăng trưởng kinh tế là liều thuốc chữa lành tất cả khiếm khuyết phổ biến của xã hội đã che giấu thảm kịch của lịch sử nhân loại mà niềm tin này làm trầm trọng thêm.
Sự mê say đầy hưng phấn của phong trào vị nhân bản (transhumanisme: Phong trào cổ vũ việc sử dụng những thành tựu khoa học và kỹ thuật để cải thiện năng lực của con người - ND) đã đẩy lên cao trào huyền thoại về sự cần thiết mang tính lịch sử của tiến bộ và về sự chế ngự không chỉ đối với thiên nhiên mà đối với cả số phận của con người, với tiên đoán rằng con người sẽ trở thành bất tử và kiểm soát tất cả bằng trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, chúng ta là những người chơi/bị chơi, người sở hữu/bị sở hữu, hùng mạnh/bạc nhược. Nếu chúng ta có thể đẩy lùi cái chết do tuổi già, chúng ta sẽ không bao giờ loại trừ được những tai nạn gây chết người với cơ thể bị nghiền nát, chúng ta sẽ không bao giờ đánh bại được vi khuẩn và virus bởi chúng tự biến đổi không ngừng để chống lại thuốc trị bệnh, kháng sinh, kháng virus, chủng ngừa.
Đại dịch có gia tăng xu hướng lui về gia đình và đóng cửa các quốc gia?

Nạn dịch toàn cầu do virus đã khởi động và ở nước ta còn làm trầm trọng thêm một cách khủng khiếp cơn khủng hoảng y tế gây ra tình trạng cách ly bóp nghẹt nền kinh tế, biến đổi lối sống hướng ngoại thành hướng nội với gia đình, và gây khủng hoảng dữ dội cho toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa đã tạo ra tình trạng phụ thuộc lẫn nhau mà không có sự tương trợ kèm theo. Tệ hơn nữa, toàn cầu hóa còn làm trầm trọng thêm, như một phản ứng, những cách ly về chủng tộc, quốc gia, tôn giáo trong các thập niên đầu thế kỷ này.
Từ đó, do không có những tổ chức quốc tế và ngay cả tổ chức châu Âu có khả năng ứng phó bằng cách phối hợp hành động, các quốc gia tự thu mình lại. Cộng hòa Séc còn tiện thể lấy cắp khẩu trang gửi đến nước Ý, và nước Mỹ đã chuyển về cho mình một lô khẩu trang Trung Quốc lẽ ra là gửi đến Pháp. Khủng hoảng y tế đã khởi động một chuỗi khủng hoảng với tác động dây chuyền. Cuộc đa khủng hoảng hay đại khủng hoảng này bao trùm từ thực tại đời sống đến kinh tế, chính trị, từ cá nhân đến toàn cầu xuyên qua gia đình, vùng miền, quốc gia. Tóm lại, một virus cỏn con trong một thành phố vô danh của Trung Quốc đã châm ngòi cho sự đảo lộn thế giới.
Dáng dấp của sự bùng nổ toàn cầu này như thế nào?
Với tính chất khủng hoảng toàn cầu, nó cho thấy rõ cộng đồng số phận của mọi người không thể tách rời với số phận sinh thái của hành tinh Trái đất, đồng thời nó tăng cường độ khủng hoảng của nhân loại khi nhân loại không thể tự hình thành chính mình. Với tính chất khủng hoảng kinh tế, nó làm lung lay tất cả những giáo điều đang điều khiển nền kinh tế và đe dọa sẽ trầm trọng hơn trong tương lai với những hỗn loạn và thiếu thốn. Với tính chất khủng hoảng quốc gia, nó bộc lộ những yếu kém của chính sách ưu đãi cho tư bản và gây thiệt hai cho lao động, hy sinh phòng ngừa và cẩn trọng để gia tăng lợi nhuận và cạnh tranh. Với tính chất khủng hoảng xã hội, nó nêu rõ ra ánh sáng trần trụi những bất bình đẳng giữa những người sống trong những căn nhà chật hẹp gồm cha mẹ và con cái đông đúc, với những người có thể xa nơi thường trú để đến nhà nghỉ phụ giữa cây cỏ xanh tươi.
“Là cuộc khủng hoảng của đời sống hiện hữu, nó thúc đẩy chúng ta tự vấn về những nhu cầu, những ước vọng thực sự của chúng ta đang bị che khuất bởi sự tha hóa của đời sống hàng ngày”

Với tính chất khủng hoảng của nền văn minh, nó khiến chúng ta nhận ra sự thiếu đoàn kết và sự đầu độc của chủ nghĩa tiêu thụ do nền văn minh của chúng ta tạo ra, và đòi hỏi chúng ta suy nghĩ về một chính sách về văn minh (Une politique de civilisation, Một chính sách về văn minh, viết chung với Sami Naïr, Arléa, 1997). Với tính chất khủng hoảng trí thức, nó sẽ phải phát hiện cho chúng ta lỗ đen to lớn trong trí tuệ của chúng ta làm chúng ta không thấy được những phức hợp hiển nhiên của thực tại.
Với tính chất khủng hoảng của cuộc sống hiện hữu, nó thúc đẩy chúng ta tự vấn về lối sống, về những nhu cầu, những ước vọng thực sự của chúng ta đang bị che khuất bởi sự tha hóa của đời sống hàng ngày, phân biệt giữa sự né tránh, theo quan niệm của triết gia Pascal, chuyển hướng chúng ta để khỏi đối mặt với thân phận của mình, với niềm hạnh phúc tìm thấy khi ta đọc sách, lắng nghe hoặc thưởng ngoạn các tuyệt tác giúp ta nhìn thẳng vào số phận con người của chúng ta. Và nhất là nó sẽ mở mang trí óc của chúng ta đã từ lâu bị khu biệt vào những việc trước mắt, thứ yếu và phù phiếm, để hướng vào những điều trọng yếu: tình yêu và tình bạn cho sự thăng hoa của cá nhân, cộng đồng và sự đoàn kết của “tôi” trong “chúng ta”, số phận của Nhân loại mà mỗi chúng ta là thành viên. Tóm lại, cách ly về thể chất sẽ thuận lợi cho giải phóng trí óc.
Cách ly là gì? Ông đã trải nghiệm cách ly như thế nào?
Kinh nghiệm cách ly lâu dài tại nhà áp đặt cho cả một quốc gia là một kinh nghiệm chưa từng có. Cách ly khu tập trung người Do Thái ở Varsovie trước đây tạo điều kiện cho cư dân đi lại được trong khu. Nhưng cách ly trong biệt khu tập trung này chuẩn bị cho cái chết còn cách ly của chúng ta là bảo vệ sự sống.
Tôi đã trải nghiệm cách ly trong những điều kiện ưu đãi: căn hộ ở tầng trệt có vườn ở đó tôi có thể tận hưởng mùa xuân dưới ánh nắng mặt trời, được Sabah vợ tôi chăm sóc chu đáo, có những người hàng xóm thân thiện đi mua sắm giúp, liên lạc với người thân trong gia đình, với bạn bè, được báo chí, đài phát thanh, truyền hình đề nghị tôi nêu nhận định của mình về nạn dịch, điều tôi có thể làm được qua Skype. Nhưng ngay từ đầu tôi biết rằng những cư dân đông đúc sống trong những căn hộ chật hẹp chịu đựng rất khó khăn tình trạng chen chúc trong nhà, những người đơn độc và nhất là những người vô gia cư đều là nạn nhân của cách ly.
Cách ly kéo dài có thể có những hậu quả gì? 
Tôi biết rằng người ta càng ngày càng thấy sống với cách ly lâu dài là một trở ngại. Về lâu dài, băng hình (video) không thể thay thế việc đi xem phim, máy tính bảng không thể thay thế việc đi thư viện. Skype và Zoom không đem lại sự tiếp xúc trực tiếp, âm thanh leng keng khi ta chạm cốc. Thức ăn chế biến ở nhà dù rất ngon vẫn không làm mất đi mong muốn đi tiệm ăn. Phim tài liệu sẽ không xóa đi ham thích đi xem tận nơi các phong cảnh, thành phố, bảo tàng, không làm cho tôi mất đi mong ước tìm lại nước Ý và Tây Ban Nha. Thu hẹp vào những điều tối cần thiết cũng tạo ra khát khao những điều thừa thải.
Tôi hy vọng rằng kinh nghiệm cách ly sẽ làm giảm bớt việc không ngừng đi du lịch, bay đến Bangkok để mang những kỷ niệm về kể lại cho bạn bè, tôi hy vọng rằng cách ly sẽ giúp giảm bớt chủ nghĩa tiêu thụ, nghĩa là sự đầu độc của tiêu dùng và nghe theo những xúi giục của quảng cáo, đồng thời  làm lợi cho thực phẩm lành mạnh và ngon, cho những sản phẩm bền chắc, không phải là những sản phẩm dùng một lần. Nhưng còn cần những khuyến khích khác và có nhận thức mới để một cuộc cách mạng có thể diễn ra trong lãnh vực này. Dù sao, vẫn có hy vọng là diễn biến chậm chạp lúc đầu sẽ tăng nhanh tốc độ hơn.
Theo ông, cái gọi là “thế giới sau đại dịch” sẽ ra sao?
Trước tiên, những công dân như chúng ta sẽ giữ lại gì, chính quyền sẽ giữ lại gì từ kinh nghiệm cách ly? Chỉ một phần thôi? Có phải tất cả sẽ bị lãng quên, ngủ mê hay thành ký ức dân gian? Điều có thể xảy ra là sự lan truyền của kỹ thuật số, vốn đã bành trướng do cách ly (làm việc từ xa, hội thảo trực tuyến, Skype, sử dụng internet ồ ạt), sẽ tiếp diễn với các khía cạnh vừa tiêu cực vừa tích cực mà nội dung buổi phỏng vấn này không bàn tới.
Hãy bàn đến điều chính yếu. Ra khỏi cách ly là bắt đầu ra khỏi đại khủng hoảng hay rơi vào tình trạng trầm trọng hơn? Bùng nổ kinh tế hay suy sụp? Khủng hoảng kinh tế khổng lồ? Khủng hoảng lương thực thực phẩm toàn cầu? Tiếp tục toàn cầu hóa hay rút lui về tự cung tự cấp?
“Sau cách ly, liệu sẽ có sự bùng phát đầy khởi sắc của đời sống thân thiện và đầy tình yêu thương hướng về một nền văn minh ở đó toát ra thi vị của cuộc sống, cái “tôi” tỏa sáng trong “chúng ta”?
Tương lai của toàn cầu hóa sẽ ra sao? Chủ nghĩa tân tự do đang lung lay có trở lại nắm quyền điều khiển không? Các đại cường quốc sẽ chống đối nhau nhiều hơn trong quá khứ? Những xung đột vũ trang, ít nhiều lắng xuống do khủng hoảng sẽ bùng lên? Sẽ có chăng đà hăng say hợp tác cứu trợ quốc tế? Sẽ có chăng tiến bộ về chính trị, kinh tế, xã hội như đã có không lâu sau chiến tranh thế giới lần thứ hai? Sự thức tỉnh về tinh thần đoàn kết nảy sinh trong cách ly có kéo dài và tăng cường không, không những với bác sĩ và y tá, mà cả với những người cuối cùng trong chuỗi người này như công nhân vệ sinh, nhân viên kho hàng, người giao hàng, thu ngân, chúng ta không thể sống sót nếu không có họ, trong khi chúng ta có thể không cần đến Hiệp hội giới chủ Pháp MEDEF (Mouvement des Entreprises de France) hay chỉ số chứng khoán CAC 40? Vô số những phương thức đoàn kết phân tán trước nạn dịch sẽ được mở rộng không? Những người ra khỏi cách ly có trở lại với chu trình chặt chẽ về thời gian, hối hả, ích kỷ, thiên về tiêu dùng? Hay là sẽ có sự bùng phát đầy khởi sắc của đời sống thân thiện và đầy tình yêu thương hướng về một nền văn minh ở đó toát ra thi vị của cuộc sống, cái “tôi” tỏa sáng trong “chúng ta”?
Ta không thể biết được là sau cách ly, những hành vi và ý tưởng đổi mới sẽ có đà phát triển mạnh thậm chí đảo lộn có tính cách mạng về chính trị và kinh tế, hay trật tự đang bị lung lay sẽ tái lập.
Chúng ta có thể rất sợ sự thoái bộ đang lan rộng trong mấy chục năm đầu của thế kỷ này (khủng hoảng dân chủ, tham nhũng và mị dân đang thắng thế, các chế độ toàn trị mới, sự gia tăng của tinh thần dân tộc hẹp hòi, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị người nước ngoài).
Tất cả những thoái bộ này (hoặc sự trì trệ nếu khá hơn) có thể diễn ra chừng nào chưa xuất hiện một con đường mới về chính trị-sinh thái-kinh tế-xã hội được dẫn dắt bởi tinh thần nhân bản được phục hưng. Con đường mới này sẽ nhân lên nhiều cải cách thực sự, không phải là cắt giảm ngân sách, mà là những cải cách về văn minh, xã hội, gắn kết với những cải cách về cuộc sống.
Con đường này (như tôi đã nêu ra trong tác phẩm Con đường) sẽ kết hợp các thuật ngữ mâu thuẫn nhau: “toàn cầu hóa” (đối với tất cả những gì thuộc về hợp tác) và “phi toàn cầu hóa” (để thiết lập sự tự chủ về thực phẩm lành mạnh và cứu những vùng lãnh thổ bị sa mạc hóa); “tăng trưởng” (nền kinh tế những nhu cầu thiết yếu, bền vững, nông nghiệp hữu cơ) và “giảm tăng trưởng” (kinh tế sản xuất những sản phẩm phù phiếm, hão huyền, dùng một lần); “phát triển” (tất cả những gì sản sinh ra sự an sinh, sức khỏe, tự do) và “bảo bọc” (trong những mối đoàn kết cộng đồng).
Ông đã biết những câu hỏi thuộc triết học Kant - Tôi có thể biết gì? Tôi phải làm gì? Tôi được phép hy vọng điều gì? Con người là gì? - đã và đang là những câu hỏi của đời ông. Ta nên có thái độ đạo đức nào trước điều bất ngờ?
Thời kỳ sau nạn dịch sẽ là một cuộc phiêu lưu bất định với sự phát triển của các lực lượng của điều xấu nhất và điều tốt nhất, những lực lượng của điều tốt hiện nay còn yếu và phân tán. Hãy biết rằng điều xấu nhất thì không chắc chắn, rằng điều không chắc lại có thể xảy ra, và trong cuộc chiến đấu vĩ đại và không ngưng nghỉ giữa những kẻ thù không rời nhau được như Eros và Thanatos, thái độ lành mạnh của chúng ta là đứng về phía Eros.

Bà Luna mẹ của ông đã mắc bệnh cúm Tây Ban Nha. Và cơn sang chấn trước khi sinh mở ra quyển sách cuối cùng của ông muốn nêu ra rằng cơn sang chấn đó đã cho ông một sức sống, một khả năng phi thường chống chọi với cái chết. Ông vẫn còn sức sống đó ngay trong lòng cơn khủng hoảng toàn cầu này?
Cúm Tây Ban Nha đã gây tổn thương ở tim cho mẹ tôi, và khuyến nghị của y tế là không nên sinh con. Bà đã hai lần phá thai, lần thứ hai không thành, nhưng đứa trẻ sinh ra gần chết ngạt, bị dây rốn quấn cổ. Có lẽ ngay từ trong bào thai tôi đã có được sức đề kháng và nó theo tôi suốt đời, nhưng tôi chỉ có thể sống sót với sự giúp đỡ của người khác, đó là bác sĩ phụ khoa đã tát tôi trong nửa tiếng đồng hồ trước khi tôi cất tiếng khóc đầu tiên, tiếp theo là may mắn trong thời kỳ kháng chiến, đó là bệnh viện (chữa trị viêm gan, lao phổi) và Sabah người bạn đời của tôi. Đúng là “sức sống” đã không lìa xa tôi; nó càng gia tăng trong khủng hoảng toàn cầu. Mọi cuộc khủng hoảng đều làm tôi phấn khích, và khủng hoảng to lớn này làm tôi vô cùng phấn khích.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Print Friendly and PDF