15.12.17

Sự sôi sục các sáng kiến là lý do để hy vọng

Edgar Morin: “SỰ SÔI SỤC CÁC SÁNG KIẾN LÀ LÝ DO ĐỂ HY VỌNG”

Edgar Morin - Nhà xã hội học, triết học và sử học.
Trước phiên bản thứ hai của “Những ngày dành cho những kiểu cách khác để làm kinh tế” được tạp chí Alternatives Economiques tổ chức ở Dijon ngày 24 và 25 tháng 11, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với Edgar Morin, nhà xã hội học, triết học và nhà tư tưởng về sự phức hợp. Edgar Morin, năm nay đã 96 tuổi và là người từng tham gia kháng chiến (chống Đức Quốc Xã), kêu gọi chúng ta kháng cự chống lại những thế lực phá hủy đang đe dọa hành tinh của chúng ta bằng cách dựa trên những thế lực tích cực được những người đang thực thi những sáng kiến và những cuộc thử nghiệm ở cấp độ địa phương thể hiện.
Theo ông đâu là những thách thức đa dạng về mặt sinh thái, xã hội và kinh tế mà nhân loại đang phải đối phó?
Chúng ta đang sống trong một thế giới rất đáng lo ngại, với nhiều tiến trình rất nguy hiểm đang hoành hành. Đó là một tình trạng khiến cho chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi: đâu là những lý do để ta có thể tiếp tục hy vọng. Theo tôi, những lý do đầu tiên để tôi hy vọng là những thế lực tích cực mà tôi nhận thức được hiện nay: đó là những sáng kiến đang sôi sục, đặt trọng tâm vào sự nảy nở của những con người với tư cách là những cá nhân, và cả trong những cộng đồng, những gia đình, những tình bạn, những mạng lưới, v.v..
“Những thử nghiệm ở cấp vi mô và địa phương là một trong những phương cách để kháng cự chống lại những thế lực kỹ thuật-kinh tế của tiến trình toàn cầu hóa”

Những sáng kiến này đều có trong lãnh vực nông nghiệp sinh thái, trong các khu phố sinh thái, trong lãnh vực của nền kinh tế xã hội và liên đới, trong những mối quan hệ liên đới mới, và cả trong tất cả những hiệp hội vốn hiểu được rằng một trong những mục tiêu của cuộc sống chính là “tinh thần chung sống” (convivialisme). Những cuộc thử nghiệm vi mô ở cấp địa phương là một trong những cách thức để kháng cự chống lại những thế lực kỹ thuật-kinh tế của tiến trình toàn cầu hóa. Nó giúp cho chúng ta có được một cái nhìn có tầm xa.      
Ông muốn gởi thông điệp nào đến các tác nhân của những sáng kiến này?
Thật vậy điều rất quan trọng là cần phải tiếp tục thử nghiệm, phát triển những sáng kiến sáng tạo đóng góp vào sự thành hình của một cuộc sống liên đới hơn, của các hình thái kinh tế xã hội khuyến khích sự liên đới. Những sáng kiến này thể hiện một thế giới quan khác. Tôi không biết những thế lực mà tôi tin – tình thương, sự đồng tâm, tình huynh đệ - có thể thắng thế trước những thế lực của cái chết hay không. Nhưng “kháng cự” trở nên một hành vi cốt yếu. Trong giai đoạn kháng chiến, chúng tôi đã nói không với sự lệch hướng của nhân loại. Ngày hôm nay, kháng cự có nghĩa là nói không với một nền kinh tế không được kiểm soát, với sự khép lại vào cái tôi chỉ dẫn đến những sự cuồng tín. Và đó cũng là nói có với sự tự do, với niềm hy vọng và với một cuộc sống sung túc. Cho dù rằng khái niệm “sống sung túc” đã dần dần mất hết ý nghĩa khi chỉ còn tập trung vào những tiện nghi vật chất.      
Tất nhiên, cái phong trào rộng lớn các lực lượng tích cực này là rất tản mạn và các sáng kiến không phải lúc nào cũng gắn kết với nhau. Các cơ quan hành chánh và các chính quyền đều không biết đến những việc này hoặc hoàn toàn thờ ơ với chúng, vì họ sống dựa trên một logic khác, một logic mang tính toán học, của sự tính toán, của những con số. Và tôi cũng xin nói thêm là các hệ thống giáo dục đều uốn nắn đầu óc của con người, chỉ trình bày một thực tại bị chia cắt thành những ô (lãnh vực) tách biệt với nhau, thay vì giúp chúng ta hiểu được và xây dựng những mối liên kết giữa những lãnh vực.    
“Các hệ thống giáo dục chỉ cho thấy một thực tại bị chia cắt thành những ô tách biệt với nhau thay vì xây dựng những mối dây liên kết các lãnh vực” 

Ngày hôm nay, những mối liên hệ quan trọng nhất là những mối liên hệ nối kết những con người đang sống trong một cộng đồng bị đe dọa, đó chính là hành tinh của chúng ta. Tất cả chúng ta, ở trên tất cả các lục địa, đều phải đối phó với hiểm họa sinh thái, với sự suy thoái của sinh quyển: chúng ta có một nền kinh tế làm cho khoảng cách giữa những người giàu có và những người nghèo càng ngày càng gia tăng. Chúng ta sống trong những tình huống trong đó người dân tự khép mình vào căn tính đặc thù của mình và, do đó, luôn sợ hãi về người xa lạ, người di dân, về người khác, v.v.. Cũng như Anh Chị có thể thấy, những sự sợ hãi lẫn nhau, những sự cuồng tín đang phát triển khắp nơi.    
Như vậy, chúng ta đang ở trong một tình trạng rất đáng lo ngại, và cũng không có gì bảo đảm rằng các lực lượng tích cực mà tôi đã đề cập có thể thắng. Tôi là một người rất già, và thời thanh niên của tôi là vào những năm 1930 đến 1940 trước chiến tranh. Trong thời kỳ đó đã xảy ra một cơn khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, một cơn khủng hoảng toàn cầu khủng khiếp và cả một cơn khủng hoảng của chế độ dân chủ vì nó đã là nạn nhân của những vụ si căng đan to lớn và bị đặt trong một thế bất lực hoàn toàn. Lúc đó đã xuất hiện một giải pháp dưới dạng của hai quái vật, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quốc xã, và chủ nghĩa cộng sản theo kiểu của Staline với những vụ án ở Moscou. Trong tình thế đó, có một vài người đã muốn tìm kiếm một con đường thứ ba để tránh chiến tranh. Nhưng khi cuộc chiến bắt đầu, mọi thứ đều bị nghiền nát và không ai có thể làm gì cả. Như vậy, tôi biết là chúng ta còn có những niềm hy vọng, nhưng hy vọng cũng không bao giờ là sự xác tín.
Vậy đâu là niềm tin sâu sắc của ông đối với xã hội đang hình thành? Nó có thể tốt hơn hiện nay không?
Khi tôi nhìn về tương lai – một tương lai không thể được biết trước vì bao giờ cũng xảy ra những điều bất ngờ - niềm tin sâu sắc của tôi là những sự hủy hoại sẽ tiếp tục diễn ra. Tất nhiên, những người lạc quan sẽ nói: “Sẽ có những người máy làm mọi chuyện, sẽ có những người sống rất lâu”, v.v.. Nhưng làm sao chuyện đó có thể xảy ra nếu nhân loại bắt đầu tự hủy diệt lẫn nhau trong một cuộc thế chiến mới, với những khả năng hủy diệt mới vốn hoàn toàn không có trong cuộc thế chiến vừa rồi? Một số người cho rằng một thành phần ưu tú nhỏ bé sẽ bỏ trốn sang Tibet hay Úc, nhưng dù sao thì cũng chỉ có một vài người sẽ hưởng được khả năng đó mà thôi. Tôi nghĩ rằng tương lai rất đáng lo ngại trong khả năng diễn biến của nó.       
Những trải nghiệm của tôi trong quá khứ cho thấy là những việc không chắc chắn có thể xảy ra. Tôi thuộc nhóm người đã sống trong thời điểm nước Đức Quốc Xã đã thiết lập một sự thống trị ở Âu Châu một cách mà lúc đó người ta nghĩ là sẽ vĩnh viễn, Hitler gần như đã chiếm đóng hoàn toàn nước Nga và Âu Châu vả chỉ bị chặn đứng lại bởi mùa đông ngay sát Moscou. Chỉ trong vài ngày, quân đội sô viết đã cứu được Moscou và giành chiến thắng đầu tiên của họ đối với quân đội Đức, và chỉ hai ngày sau đó đã xảy ra vụ ném bom Pearl Harbour và Mỹ bắt đầu tham chiến: như vậy cái khó có thể xảy ra đã xảy ra. Và bản thân tôi là người tin vào những khả năng xảy ra của những việc không chắc chắn!    
Và bây giờ tôi xin nói đến quan điểm chủ yếu của tôi: tôi không nghĩ rằng ta có thể chế tạo ra hay đúng hơn là thiết kế một mô hình của xã hội tương lai. Nếu có một xã hội tương lai tốt đẹp hơn, thì nó sẽ được xây dựng từ những tiến trình tích cực. Tôi nghĩ là ta có thể chỉ ra đâu là những tiến trình tích cực hướng tới việc này, nhưng ta không thể nào đoan chắc rằng chúng sẽ được thực thi.
“Nếu có một xã hội tương lai tốt đẹp hơn, nó sẽ tự xây dựng từ những tiến trình tích cực”
Niềm tin sâu sắc của tôi là lịch sử của chúng ta chính là lịch sử không thể tưởng được của nhân loại vốn đã bắt đầu ngay cả trước khi con người trở nên con người hiện đại (thông minh) cách đây hàng triệu năm. Lịch sử này đã ghi nhận sự xuất hiện của những xã hội nguyên thủy, những nền văn minh lớn, tuyệt vời và khủng khiếp (kinh khủng) nay đã hoàn toàn biến mất. Hiện nay lịch sử này vẫn tiếp diễn với tiến trình toàn cầu hóa, qua những sự hy sinh, những cái đẹp, những điều khủng khiếp, v.v.. nhưng cũng là sự tiếp nối của lịch sử của sự sống và có thể của cả thế giới. Khi tôi nhìn lại cái lịch sử của sự sống và của cả vũ trụ này, tôi thấy đây là một cuộc xung đột triền miên không thể dập tắt giữa cái mà ta có thể gọi là Eros và Thanatos, tức là giữa những thế lực của tình yêu vốn là những thể lực để nối kết, kết hợp, để nương tựa (tin cậy) lẫn nhau, và những thế lực của cái chết vốn là những thế lực của sự phân tán, của sự suy thoái và của sự hủy diệt.
Chúng ta biết những điều này ngay từ lúc đầu, khi vật chất được tạo ra từ sự kết hợp những nguyên tử và sự phá hủy cái phản vật chất (antimatiere). Ngay từ lúc đầu, chúng ta đã có điều mà Heraclite gọi là sự Hòa hợp (Concorde) và sự Bất hòa (Discorde), được Freud lặp lại dưới dạng cuộc đấu tranh không bao giờ chấm dứt giữa Eros và Thanatos. Hiện nay cuộc đấu tranh này vẫn tiếp tục ngay giữa lòng của nhân loại, và chúng ta cũng không biết được tương lai sẽ như thế nào. Chúng ta hy vọng sẽ có một con đường mới. Chính tôi cũng đã viết một quyển sách mang tựa “Con đường” (La Voie). Nhưng, dù con đường này không được thực hiện, tôi vẫn tiếp tục thiên về Eros trong cuộc đấu tranh không ngừng (vĩnh cửu) chống lại Thanatos và điều này cung cấp cho chúng ta nghị lực vả hy vọng.       
Ông muốn truyền lại điều gì cho những người trẻ?

Tôi muốn nói cho họ biết bài học lớn nhất của lịch sử là ta không rút ra những bài học từ lịch sử. Thông điệp của tôi là các bạn hãy sống đi! Khi tôi tham gia kháng chiến thì việc này thật sự nguy hiểm và làm cho ta bực bội, nhưng đồng thời tôi cũng cảm nhận là tôi đã lựa chọn sống thay vì chỉ là sống sót (survivre) mà thôi. Điều quan trọng nhất là: Hãy sống! Hãy đấu tranh! Hãy thương yêu! Hãy liên kết với nhau! Hãy giáo dục lẫn nhau! Hãy kháng cự chống lại những điều ghê gớm nhất! Ngay cả trong những thời kỳ đen tối tuyệt vọng nhất, chúng ta phải giữ vững thông điệp này.   
Tôi mơ ước những cái đẹp của cuộc sống sẽ lan tràn rộng rãi nhất có thể và những điều khủng khiếp của cuộc sống sẽ bị chặn lại. Đó là điều ước mong của tôi. Nhưng tất cả chúng ta đều là những người mộng du, chúng ta sống phần nữa trong giấc mộng và đó cũng là điều mà chúng ta cần phải hiểu. Tôi không còn nói đến sự không tưởng nữa và điều này có nghĩa là cách suy nghĩ của tôi không còn có thể ở trong thế đôi ngả giữa tính hiện thực và sự không tưởng. Vì sao? Vì tôi nghĩ rằng có hai loại không tưởng: một không tưởng điên rồ hướng tới sự hài hòa (hòa hợp) toàn diện. Tôi nghĩ rằng cái không tưởng này là không thể vì sự bất hòa, Thanatos, luôn luôn tồn tại. Ta có thể cải tiến các sự vật và sự việc, nhưng ta không thể nào đạt đến sự hoàn hảo. Thật vậy, sự hoàn hảo không thể có trong vũ trụ; nếu có một cái gì đó hoàn hảo thì nó đã không thể nào tồn tại.
“Cách suy nghĩ của tôi không còn có thể ở trong thế đôi ngã giữa tính hiện thực và sự không tưởng” 
Ngược lại, có một không tưởng tốt: đó là cái không tưởng cho chúng ta thấy là có những điều hoàn toàn có thể có được, nhưng cả một số điều kiện hiện nay làm cho chúng không thể có được. Chúng ta có thể nuôi sống tất cả những con người trên hành tinh này. Chúng ta có những phương tiện nông nghiệp, kỹ thuật, v.v. để làm được việc này; chúng ta có thể thực hiện được hòa bình thế giới giữa các dân tộc. Chúng ta có những hệ thống truyền thông để thực hiện việc này. Chúng ta thấy rất rõ chính các điều kiện tâm lý, xã hội, kinh tế, những giới hạn, những sai lầm, những sự điên rồ đã cản trở việc thực hiện tất cả những điều trên. Như vậy chúng ta có cái không tưởng tốt và cái không tưởng xấu, cũng như ta có tính hiện thực tốt và tính hiện thực xấu. Tính hiện thực xấu chính là nghĩ rằng chúng ta đang ở trong cái hiện tại và mọi thứ đều giữ nguyên trạng như trong hiện tại.
B. Groethuysen (1880-1946)
Tính hiện thực xấu không biết đến những thế lực mạnh mẽ và ngầm hoạt động ngay trong các xã hội, cái mà Hegel gọi là “con chuột chũi” vốn đột nhiên làm cho xã hội nổ tung. Đừng nên nghĩ rằng chúng ta sống trong một thế giới bị đông cứng; dù ta muốn hay không, thì thế giới cũng biến đổi. Và chúng ta phải dựa trên những thế lực mang lại sự biến đổi. Ông thầy của tôi, nhà triết học Bernard Groethuysen đã từng nói: ”Con người có óc thực tế, đúng là một sự không tưởng”. Như vậy, những từ không tưởng và tính hiện thực đều phải được nhận thức trong ý nghĩa phức tạp của chúng, tức là mang một nghĩa kép, một ý nghĩa mơ hồ. Đó là quan điểm của tôi.          
Xem thêm Edgar Morin http://changeonsdevoie.org/
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Edgar Morin: Le bouillonnement d’initiatives est ma raison d’espérer”, Alternatives économiques, 20/10/2017
Print Friendly and PDF