18.11.20

David Graeber (1961-2020), tác giả của “Bullshit Jobs” (Những công việc nhảm nhí): nhà nhân học ... nhà nghiên cứu về quản trị?

 DAVID GRAEBER (1961-2020), TÁC GIẢ CỦA “BULLSHIT JOBS” (NHỮNG CÔNG VIỆC NHẢM NHÍ): NHÀ NHÂN HỌC … NHÀ NGHIÊN CỨU VỀ QUẢN TRỊ?

Tarik Chakor[1]

Anne-Laure Boncori[2]

Hugo Gaillard[3]

 Marc Bidan[4]

Nhà nhân chủng học Mỹ xác lập mối quan hệ giữa các công việc “vô ích, dư thừa hoặc tai hại” và những “tổn hại trí tuệ và tinh thần sâu sắc”Guido van Nispen/WikimediaCC BY

David Graeber, nhà nhân học người Mỹ làm việc tại London School of Economics, đã qua đời ngày 2 tháng 9, 2020, ở tuổi 59. Ông đã để lại một di sản quan trọng, thường là độc đáo, đôi khi gây tranh cãi.

Triệt để, đột phá và dấn thân, những bài viết, diễn thuyết và việc xác định lập trường của ông, một cách logic, là đối tượng của các phê phán. Cách tiếp cận triệt để và có tính tiên phong của ông, nếu được tiếp nhận một cách nghiêm túc, sẽ cơ bản bỏ qua khoa học quản lý và ảnh hưởng của nó lên tổ chức và các tác nhân của nó. Tuy nhiên, tổng kết lại, sự nghiệp của ông sẽ “làm chúng ta hành động” để thay đổi mối quan hệ của chúng ta đối với công việc, những thói quen và lợi ích của nó trong tổ chức và cho tổ chức.

Tiểu sử trên tài khoản Twitter của tác giả chứng tỏ quan niệm của ông về vai trò của nhà nghiên cứu dấn thân. Tài khoản twitter của tác giả

Những công trình của David Graeber có điểm đặc biệt là chúng mở ra không những khả năng của một nền nhân học theo chủ nghĩa vô chính phủ, mà còn nhấn mạnh đến tính không tưởng của những qui tắc hành chính quan liêu, nhấn mạnh đến những điều phi đạo đức có thể trở thành đạo đức, đề cập đến tình trạng nô lệ, cướp bóc trắng trợn hay tinh vi, và phản bác hệ hình tư bản chủ nghĩa đang thống lĩnh giá trị được qui cho các vị trí công việc khác nhau (hay đúng hơn là các nghề nghiệp). Tất cả những điều đó tạo nên chìa khóa cho một sự hiểu biết vô cùng lý thú những thách thức và hậu quả của khủng hoảng y tế, kinh tế và xã hội hiện nay.

Vô ích, dư thừa hoặc tai hại

Vậy là những kết luận của Graeber đi vào cùng tần số với khủng hoảng y tế Covid-19 khi khủng hoảng này chỉ ra sự tồn tại của những “việc làm tối cần thiết” và những “lĩnh vực thiết yếu”. Lĩnh vực y tế tất nhiên rồi, lĩnh vực chế biến thực phẩm, nước, năng lượng, xử lý chất thải, phân phối, bưu chính viễn thông, kỹ thuật số và các lực lượng an ninh: tất cả đều được xem là cần thiết, như là sự trở về với những nhu cầu xác thực nhất, cơ bản nhất.

Khủng hoảng cũng chỉ ra rằng những người làm việc “ở tuyến đầu”, thường không lộ ra trong những lúc không có cách ly, là tối cần thiết cho xã hội. Một nội dung nhắc đến bài tập mà David Graeber đề nghị trong quyển sách Bullshit jobs (Những công việc nhảm nhí) xuất bản năm 2018, là tưởng tượng ra những hậu quả tai hại - mà chúng ta đã có thể ước lượng được vào mùa xuân năm 2020 - của một thế giới không có nhân viên chăm sóc, không có viên chức Nhà Nước trong các lĩnh vực an ninh quốc phòng, tư pháp, không có nông dân, cũng như không có người vận chuyển và những tiểu thương trong khu phố.

Quyển sách này nối tiếp tiếng vang của một bài báo gốc công bố trên tạp chí Strike năm 2013! Đứng trước nhiều phát biểu công nhận những ý kiến của mình, David Graeber quyết định theo đuổi suy nghĩ của mình bằng cách mô tả và nâng lên tầm lý thuyết những công việc “vô ích, dư thừa hoặc tai hại”.


 David Graeber: “Chưa bao giờ xã hội loài người lại mất nhiều thì giờ như thế này để điền các biểu mẫu” (France Culture, tháng 9/septembre 2018).

Trong danh sách chưa đầy đủ những công việc mà ông cho là vô ích, ông nhấn mạnh đến các “nhân viên tư vấn về nguồn nhân lực, điều phối viên về truyền thông, nhà nghiên cứu về quan hệ công chúng, chiến lược gia tài chính, luật sư thương mại” hay giới đại học tiêu phí thời gian cho các ủy ban ad hoc (đặc biệt).

Ông phân “các công việc nhảm nhí” này thành năm loại: “tôn vinh”, “vá víu”, “cảnh sát”, “đánh dấu các ô”, và “trưởng nhóm”. Loại thứ nhất là những người có mục đích duy nhất là tôn vinh những người quản lý họ. Loại thứ hai có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề về quản trị mà lẽ ra có thể tránh được, trong khi các “cảnh sát” có một công việc có tính chất hung hăng, áp đảo chỉ để có lợi cho lãnh đạo của họ.

Bullshit Jobs: A Theory.
Hai loại cuối cùng là những công việc nhằm thuyết phục tổ chức là có một vấn đề đang được xử lý trong khi tổ chức không hề có ý định giải quyết nó, hay còn là những những trưởng nhóm có nhiệm vụ giám sát bao quát tất cả các nhân viên vốn có thể tiến hành công việc mà không cần đến họ.

Những công trình của Graeber cũng cho thấy rằng, trùng khớp với nhận thức tiêu cực về chính sự đóng góp của mình, những người lao động - nhân viên, cấp lãnh đạo trung gian và cả lãnh đạo cấp cao - đang giữ những “công việc nhảm nhí” thường biểu lộ một tình trạng sức khỏe tâm thần sa sút.

Do đó, ông nêu ra “những tổn hại tinh thần và trí tuệ sâu sắc” như căng thẳng, khổ sở trong công việc, trầm cảm, lo lắng… Những công việc này cũng kéo theo những bệnh về tâm thần thân thể, và đáng chú ý là tỷ lệ nhiễm trùng cao hơn mức trung bình, và có những hậu quả độc hại rộng lớn hơn nhiều, đặc biệt là đối với đời sống riêng tư của người lao động. Như vậy, chi phí cho cộng đồng về mặt y tế công cộng là không nhỏ và cần được tính đến.

Trả lại ý nghĩa cho cốt lõi của các hệ thống

Phân tích của ông tập trung vào một sự lựa chọn đạo đức và chính trị. Tác giả nhìn thấy trong “các công việc nhảm nhí” ý chí của chủ nghĩa tư bản muốn “giao việc” cho dân chúng. “Chúng ta đã trở thành một nền văn minh được xây dựng trên lao động, nhưng không phải là lao động “sản xuất sinh lợi”: lao động tự nó là cứu cánh và có ý nghĩa”, ông viết như vậy - và thật là nghịch lý khi không minh định quan điểm này cũng là quan điểm của Karl Marx.

Như thế, theo cách tiếp cận tư bản chủ nghĩa mà Graeber muốn nêu rõ ra, một dân cư hạnh phúc và hưởng thụ thời gian nhàn rỗi có vẻ như là một mối nguy cho việc bảo vệ hệ thống kinh tế hiện hữu, trong khi sự gia tăng những việc làm vô ích với những nhiệm vụ ngớ ngẩn lại hỗ trợ sự duy trì của hệ thống.

Đối với nhà nhân học này, chỉ có việc thiết lập một mức thu nhập phổ quát mới giúp một mặt thoát ra khỏi cách nhìn lao động như là hàng hóa đơn thuần, và mặt khác, giúp người lao động trở thành thực sự “ích lợi cho một điều gì đó”.

David Graeber diễn thuyết ở Amsterdam, Hà Lan, năm 2015. Guido van Nispen/Wikimedia, CC BY-SA

Ngoài vấn đề lao động ra, tác phẩm của David Graeber còn gây nên tiếng vang đối với nhiều thách thức đương thời, đặc biệt là vấn đề thế nào là một sự quản lý bền vững, ích lợi, hòa ái và có thể chịu đựng được. Sự đóng góp của ông vào việc giải mã những thói quen thực hành về tổ chức xem ra càng thiết yếu khi các xã hội của chúng ta, theo chúng tôi hiểu, chưa bao giờ nặng tính chất quản lý như ngày nay.

Nghĩ về hoạt động “lao động” (hay “làm việc”) như một vec-tơ của sự hài lòng, của lòng tự hào, biến lao động thành một công trình hơn là một việc nặng nhọc, nghĩ về sự cam kết của các cộng sự: di sản trí tuệ mà David Graeber để lại cho chúng ta mời gọi những người ra quyết định và những nhà quản lý đưa vào trọng tâm suy nghĩ vấn đề nội dung của lao động và ý nghĩa ta muốn trao cho nó. Một sự suy nghĩ không dễ dàng, vì câu hỏi kép “Chính xác là lao động của bạn phục vụ cái gì? và cho ai?kéo theo những câu trả lời bối rối!

Đọc thêm: “Những công việc nhảm nhí”: nỗi phiền muộn, ý nghĩa và sự khoa trương.

Quả thật, đọc Graeber sẽ ngầm thúc giục nhiều cấp độ quản lý tiến hành một cuộc đổi mới. Như vậy, qua sự giải thiêng những vị trí công việc quản lý, các lãnh đạo cấp cao bị chất vấn về thiên hướng tăng cường quá mức cấp quản lý trung gian gây thiệt hại cho những nhân viên trực tiếp thao tác công việc.

Hơn nữa, với việc nêu rõ “các công việc nhảm nhí” (hay ít ra là những phần việc), một viễn cảnh quan trọng đã được mở ra. Nó chuyển trả lại sự biến đổi kỹ thuật số và công nghiệp, không phải cho bộ phận hủy bỏ việc làm mà cho bộ phận các nhiệm vụ mới - hoàn toàn không phải là “điền các biểu mẫu- với giá trị thặng dư mang tính nhân văn hơn nhiều.

Bối cảnh này thúc đẩy phải suy nghĩ ngày càng nhiều hơn đến sức khỏe của doanh nghiệp thông qua lao động và nội dung của nó. Chính điều này giúp nêu ra được rõ ràng hơn lý do tồn tại của một tập thể tập hợp chung quanh câu hỏi “tại sao” hơn là “như thế nào”.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:David Graeber (1961-2020), auteur de « Bullshit jobs » : anthropologue… et chercheur en gestion ?”, The Conversation, 22.9.2020.

----

Bài có liên quan:

-      Tại sao ngày càng có nhiều công việc nhảm nhí và liệu chính bạn có đang nhảm nhí vậy không?”, Trạm đọc

-      Phải chăng nợ là một thể chế nguy hiểm?



Chú thích:

 

[1] Giảng sư về quản trị học, Đại học Aix-Marseille
[2] Giáo sư - chuyên viên nghiên cứu về quản lý và chiến lược, INSEEC School of Business & Economics
[3] Tiến sĩ về quản trị học và giảng viên về quản trị nguồn nhân lực, Đại học Le Mans
[4] Giáo sư đại học - Quản lý hệ thống thông tin - trường Bách khoa Nantes

Print Friendly and PDF