Việc triển khai vắc xin COVID mang lại hy vọng rất cần thiết. Nhưng nếu không có cải cách cơ bản ngành công nghiệp dược phẩm, sự bất bình đẳng và không tin tưởng sẽ phải trả giá bằng mạng sống ở cả cấp quốc gia và toàn cầu.
Tác giả: Nick Dearden
Một phụ nữ đang được chủng ngừa tại trung tâm tiêm
chủng Covid-19 dành cho người lái xe tạt vào ở Manchester | Hình ảnh của Peter
Byrne/PA Wire/PA Images.
Nếu có một điều giúp chúng ta vượt qua tháng Giêng đen tối và khó
khăn này, thì chắc chắn đó là điều này: đã thấy ánh sáng cuối đường hầm, vắc
xin đã có ở đây. Trong khi nhiều người trong chúng ta ở Anh đang rơi vào tình
trạng tuyệt vọng sâu sắc trước sự kém cỏi của chính phủ, tốc độ và sự khéo léo
của những người đã nghiên cứu và triển khai vắc xin là điều đáng hoan nghênh.
Đối với nhiều tập đoàn nghiên cứu các loại vắc xin này, virus đã tạo ra một cơ hội không thể chỉ đo bằng giá cổ phiếu tăng vọt hoặc lợi nhuận được dự đoán. Trái lại, họ đang trông chờ vào virus để năng động hóa hình ảnh trước công chúng của lĩnh vực kinh doanh không được yêu thích nhất này. Nhiều nhà bình luận đã xem xét hoạt động của các công ty này trong năm 2020 và kết luận rằng, bất kể có vấn đề gì với ‘Big Pharma’, thì họ cũng đã ‘giao hàng’.
Vì vậy, phải chăng cả đôi bên đều cùng có lợi? Một loại vắc xin có thể sớm cho phép chúng ta trở lại mức độ bình thường và một lĩnh vực kinh doanh đã dung hòa nhu cầu thu hồi vốn tài chính với việc “làm điều đúng đắn” vì nhân loại?
Đáng buồn thay, điều này lại bỏ sót các yếu tố quan trọng của câu chuyện mà khi gộp chung lại cho thấy rằng mô hình dược phẩm hiện tại đang còn nhiều sai sót và được thúc đẩy bởi nhu cầu mang lại lợi nhuận cao ngất trời cho các cổ đông chứ không phải cho một nhóm dân số khỏe mạnh hơn. Trong khi chúng ta đang ở đây tại nước Anh có thể mong đợi việc tiêm chủng rộng rãi trong năm nay, thì nhiều quốc gia khác phải đối mặt với tình huống, chí ít cũng tồi tệ như tình huống của chúng ta, không có hy vọng được tiêm chủng rộng rãi như vậy. Lý do cho điều này có thể được tìm thấy trong ngành công nghiệp Big Pharma bị tài chính hóa cao, đã từng sống nhờ độc quyền hàng thập kỷ và một mô hình kinh doanh coi việc phát triển các loại thuốc mới và hữu ích là điều thứ yếu.
Nếu chúng ta không chống lại mô hình Big Pharma ngay bây giờ, virus corona sẽ tiếp tục lây lan ở nhiều nơi trên thế giới, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng toàn cầu và có khả năng cho phép căn bệnh này tiếp tục biến đổi theo những cách sẽ đe dọa sức khỏe của chính chúng ta trong tương lai.
Một loại vắc xin cho những người có đủ khả năng chi trả
Các quốc gia giàu có, chỉ chiếm 14% dân số thế giới, đã mua tới 53% tổng số những vắc xin COVID-19 hứa hẹn nhất tính đến nay. Gần 70 quốc gia có thu nhập thấp hơn sẽ chỉ có thể tiêm chủng cho 1/10 người vào năm tới, theo dự báo hiện tại, trong khi các nước phương Tây sẽ có số lượng vắc xin gấp nhiều lần họ yêu cầu cho toàn dân. Trong số hai loại vắc xin hàng đầu cho đến nay, Pfizer đã bán trước hơn 82% liều lượng mà họ có thể sản xuất vào cuối năm tới cho các nước giàu, trong khi con số này đối với Moderna là 78%.
Không thể biện minh cho hiện trạng trên, như một số ám chỉ, bằng việc cho rằng trong một quốc gia giàu thì có nhiều người dễ bị tổn thương hơn. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng bằng cách tích trữ vắc xin, các nước giàu sẽ làm gia tăng hàng loạt tỷ lệ tử vong trên toàn cầu. Mặc dù chúng ta có thể ngăn chặn 61% trường hợp tử vong do virus corona nếu vắc xin được phân phối công bằng trên toàn cầu, con số này giảm xuống chỉ còn 31% số mạng sống được cứu nếu các nước giàu sử dụng hầu hết các loại vắc xin sớm được bào chế. Đó là rất nhiều mạng sống.
Trên thực tế, tất cả chúng ta đều gặp nhiều rủi ro hơn khi các nước giàu tích trữ vắc xin, bởi vì việc để dịch bệnh tiếp tục không được kiểm soát ở các nơi trên thế giới sẽ làm tăng nguy cơ các chủng đột biến, có khả năng kháng thuốc thường xuyên xuất hiện trở lại trong tương lai.
Sự bất công trở nên tồi tệ hơn. Hãy nhớ rằng các loại vắc xin mà chúng ta đã triển khai đã được tạo ra bằng một khoản lớn tiền công quỹ. Trong một số trường hợp, giống như vắc xin của Moderna, nó được sản xuất hoàn toàn bằng tiền công quỹ. Tuy nhiên, tài sản trí tuệ đã được tư nhân hóa một cách hiệu quả. Trong khi một số công ty, như Astra Zeneca, đã cam kết giới hạn giá tiền, thì nhiều công ty lại không cam kết. Vắc xin của Moderna có vẻ là đắt nhất trên thị trường - với lợi nhuận khổng lồ dự kiến đến từ việc bán cho chính các chính phủ đã trả tiền mua thuốc ngay từ đầu.
Và hệ thống bằng sáng chế toàn cầu cũng tạo ra sự khan hiếm giả tạo về thuốc. Bí quyết kỹ thuật của họ là bí mật, khiến việc học hỏi từ nghiên cứu của nhau trở nên khó khăn hơn và đơn giản cản trở các quốc gia tự sản xuất các loại vắc xin này.
Đây là lý do tại sao Ấn Độ và Nam Phi đang yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoãn áp dụng các quy tắc toàn cầu này, cho phép các sản phẩm về virus corona được sản xuất mà không lo sợ phản ứng pháp lý. Các quốc gia giàu có bao gồm cả Anh đang ngăn chặn đề xuất này, nói rằng các bằng sáng chế không phải là trở ngại để sản xuất các loại thuốc mà chúng ta cần. Nhưng do các quốc gia này đã mua hầu hết các loại thuốc có thể sản xuất được, sự biện minh này có vẻ như là đạo đức giả trắng trợn đối với các quốc gia nghèo hơn, những nước hầu như sẽ không có vắc xin sớm đến với họ.
Không chỉ nêu ra hệ thống hiện tại hoạt động ra sao, virus corona đã cho chúng ta thêm nhiều ví dụ về việc hệ thống hiện tại bị hỏng như thế nào - và chúng ta có thể có được một thế giới tốt hơn như thế nào nếu nhu cầu y tế định hướng các ưu tiên nghiên cứu y tế của chúng ta.
Trong khi một số hoài nghi về vắc xin chắc chắn được thúc đẩy bởi các nhà lý thuyết âm mưu trên mạng, có vẻ như một phần cũng liên quan đến thực tế là dược phẩm được định hướng bởi các doanh nghiệp lớn khiến nhiều người thường dân vô cùng mất tin tưởng. Một điều tương phản với cảm nhận về NHS[2] của mọi tầng lớp xã hội. Virus corona phải thuyết phục chúng ta thúc đẩy sự thay đổi. Đã quá hạn lâu rồi.
Big Pharma, doanh nghiệp dược lớn, tiền lớn
Ngành công nghiệp dược phẩm là một trong những ngành có lợi nhuận cao nhất trên thế giới. Nhiều tập đoàn riêng lẻ tạo thành ‘Big Pharma’ có doanh thu hàng năm cao hơn phần lớn các quốc gia trên hành tinh. Johnson & Johnson thậm chí còn giàu hơn cả những quốc gia giàu có như New Zealand và Hungary. Doanh thu của Pfizer lớn hơn doanh thu của nước giàu nhờ dầu mỏ Kuwait hoặc Malaysia.
Trong một báo cáo gần đây của Global Justice Now, tổ chức mà tôi lãnh đạo, chúng tôi đã xem xét hồ sơ theo dõi của bảy tập đoàn hy vọng sản xuất vắc xin. Sáu trong số những gã khổng lồ này - trừ Moderna hiện tại, vì công ty này hiện không có sản phẩm nào trên thị trường - đã đạt doanh thu tổng hợp đáng kinh ngạc là 266 tỷ đô la vào năm ngoái, với lợi nhuận là 46 tỷ đô la. Hãy xem xét những con số này so với chương trình chi tiêu công chưa từng có của Hoa Kỳ về triển khai vắc xin, Operation Warp Speed[3], hiện ở mức khoảng 12 tỷ bảng Anh - hầu hết trong số đó đã được giao cho các tập đoàn giàu có được nêu chi tiết trong báo cáo của chúng tôi.
Làm thế nào mà các tập đoàn này trở nên giàu có như vậy? Hệ thống độc quyền, nằm trong hiệp định TRIPS của Tổ chức Thương mại Thế giới (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ), cho phép các nhà đầu tư những loại thuốc mới được độc quyền trong 20 năm, trong thời gian đó họ có thể tính phí khá cao bất cứ giá nào mà mọi người sẽ phải chi trả cho các loại thuốc. Nhưng hệ thống độc quyền này đã thất bại khi khuyến khích các nghiên cứu lâu dài và gian nan - lý do được giả định là biện minh cho hệ thống này. Thay vào đó, ngành công nghiệp này tiếp tục dựa vào nguồn tiền lớn trong công quỹ để nghiên cứu các loại thuốc cần thiết, trong khi tài sản trí tuệ được tư nhân hóa một cách hiệu quả và độc quyền được trao cho Big Pharma.
Big Pharma sau đó bắt đầu với công việc thực sự của mình - tạo ra lợi nhuận khổng lồ. Đó có thể là thông qua việc mua lại cổ phần và trả cổ tức để giữ giá cổ phiếu ở mức cao - điều đã vượt quá ngân sách nghiên cứu và triển khai trong những năm gần đây. Đó có thể là thực hiện các chỉnh sửa vô nghĩa đối với các loại thuốc hiện tại để gia hạn bằng sáng chế. Đó có thể là vận động hành lang cho các đặc quyền về độc quyền lớn hơn nữa trong các giao dịch thương mại. Đó có thể là mua lại các công ty nhỏ đang thực sự nghiên cứu sáng tạo, để họ có thể ngồi trên bằng sáng chế của mình. Và khi nghiên cứu diễn ra, nó tập trung vào các tình trạng mãn tính của bệnh nhân có tiền, khiến chúng ta không có phương pháp chữa trị hiệu quả đối với những bệnh mà người mắc bệnh không đủ tiền mua thuốc và cũng không có các loại thuốc cấp tính cực kỳ cần thiết, chẳng hạn như kháng sinh mới.
Bad Pharma - doanh nghiệp dược không tốt
Hệ thống độc quyền này hiện đã đi sâu vào suy nghĩ của Big Pharma.
Ta hãy lấy một ví dụ nhỏ từ Pfizer - nằm trong top 30 tập đoàn có lợi nhuận cao nhất thế giới năm ngoái, với 52 tỷ đô la doanh thu và 16 tỷ đô la lợi nhuận. Trở lại năm 2013, Pfizer và nhà phân phối Flynn ở Anh đã tăng giá một loại thuốc chống động kinh quan trọng mà 48.000 bệnh nhân ở Anh tin dùng, từ 2,83 bảng lên 67,50 bảng cho mỗi gói 100mg, trước khi giảm xuống còn 54 bảng từ tháng 5 năm 2014. Nhìn chung, các nhà bán sỉ và hiệu thuốc ở Anh phải đối mặt với việc tăng giá từ 2.300% đến 2.600%.
Hoặc GlaxoSmithKline (GSK), cách đây chưa đầy 10 năm, đã nộp phạt 3 tỷ đô la sau khi thừa nhận đã đưa tiền “lại quả” cho các bác sĩ ở Mỹ và khuyến khích kê đơn thuốc chống trầm cảm không phù hợp cho trẻ em. Các bác sĩ và vợ/chồng của họ đã được bay đến các khu nghỉ dưỡng năm sao, được tặng 750 đô la, và đi bơi lặn với ống thở, chơi gôn và câu cá biển sâu. Công ty cũng đã xuất bản một bài báo trên tạp chí y khoa với nội dung sai lệch về sự an toàn của một loại thuốc ở trẻ em, và sau đó sử dụng thông tin này để cố gắng quảng cáo rùm beng cho doanh nghiệp.
Cuối cùng, Pfizer và GSK đã sản xuất một loại vắc xin ngừa viêm phổi cực kỳ quan trọng. Trong khi các nhà vận động tại Médecins Sans Frontières (Thầy thuốc Không Biên giới) giành được một số giảm giá, họ nói rằng mức giảm gần như không đủ, khiến vắc xin có giá “khoảng 9 đô la Mỹ cho mỗi trẻ em ... ở các nước nghèo nhất và lên tới 80 đô la cho mỗi trẻ em ở các nước thu nhập trung bình”. Các nhà vận động tại tổ chức y tế nhân đạo tuyên bố: “Pfizer và GSK đã kiếm được hơn 50 tỷ đô la từ việc bán vắc xin ngừa phế cầu khuẩn trong 10 năm qua, với việc Pfizer nhờ có vị thế mạnh nên giành được phần lớn doanh thu này. Ngày nay, 55 triệu trẻ em trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận với vắc xin ngừa viêm phổi, phần lớn là do giá cao”.
COVID-19
Còn nhiều trường hợp hơn nữa về tăng giá, ngăn cản cạnh tranh, lo ngại về an toàn, trốn thuế, v.v., được nêu bật trong báo cáo của chúng tôi. Và đáng buồn thay, chúng ta có thể thấy những vấn đề này đã xảy ra trong quá trình triển khai vắc xin và phương pháp điều trị virus corona.
Vào đầu tháng 11 năm 2020, Pfizer đã gây xôn xao khắp thế giới khi công bố ứng cử viên vắc xin của mình có hiệu quả hơn 90%. Nhưng Pfizer cho đến nay không hứa hạn chế lợi nhuận, và bán trước hơn 1 tỷ liều thuốc cho các chính phủ giàu có.
Thuốc chủng ngừa của Moderna được ước tính có giá từ 64 đô la đến 74 đô la cho mỗi người (hai liều) ngay cả theo cách “định giá rẻ của thời đại dịch”. Điều này bất chấp thực tế là 2,5 tỷ đô la tiền công quỹ trực tiếp đóng góp vào loại vắc xin này. Nhóm chiến dịch Public Citizen tuyên bố rằng trên thực tế, điều này có nghĩa là “người nộp thuế đang trả tiền cho 100% việc triển khai vắc xin COVID-19 của Moderna. Toàn bộ tất cả”. Hoa Kỳ sau đó đã mua hoặc dự trữ tới 500 triệu liều thuốc, được cho là có khả năng mang lại cho công ty 8 tỷ đô la.
Các giám đốc điều hành công ty của Moderna đã bị chỉ trích vì bán một lượng lớn cổ phiếu khi cổ phiếu tăng vọt sau khi công ty công bố kết quả tích cực sớm - mặc dù không quá chi tiết - vào tháng 5 năm 2020, khi giá cổ phiếu tăng nhanh chóng. Vài giờ sau khi phát hành, hai giám đốc điều hành của Moderna đã bán bớt gần 30 triệu đô la cổ phiếu loại tự động bán ra trong khi vài ngày sau, cổ đông hàng đầu của Moderna đã bán 1 triệu cổ phiếu, thu về 69,5 triệu đô la. Các cựu quan chức Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch cho biết các sự kiện này “rất có vấn đề” và đáng được điều tra.
Loại vắc xin đầy hứa hẹn đang được phát triển bởi Đại học Oxford được sản xuất trên cơ sở không độc quyền và miễn phí bản quyền. Giám đốc của Jenner Institute thuộc Đại học Oxford nói với giới truyền thông: “Cá nhân tôi không tin rằng trong thời kỳ đại dịch nên có giấy phép độc quyền.” Tuy nhiên, khi bắt đầu thỏa thuận với AstraZeneca, tình hình đã thay đổi. Thỏa thuận này là độc quyền và trong khi công ty đang quản lý thì sẽ không thu lợi nhuận, họ đã không công bố chi tiết về hợp đồng và cách tính toán chi phí nghiên cứu.
Hãy tưởng tượng một thế giới khác
Không ai muốn làm lu mờ hy vọng mà chúng ta hiện có - với việc vắc xin đã được tung ra và trong khoảng cách tiếp cận được đối với nhiều người trong chúng ta. Vì vậy, hãy nhìn nó theo một cách khác.
Hãy tưởng tượng nếu động lực của các tập đoàn dược phẩm để đạt được mức lợi nhuận lớn hơn bao giờ hết bị loại bỏ khỏi phương trình. Hãy tưởng tượng nếu chúng ta có thể thay thế sự cạnh tranh gay gắt và bí mật bằng sự hợp tác và cởi mở. Hãy tưởng tượng nếu nghiên cứu của chúng ta chỉ được thúc đẩy bởi mong muốn thoát khỏi thế giới của bệnh tật và đau khổ, bắt đầu với những tình trạng nghiêm trọng và chết người nhất. Khi kết hợp với bí quyết công nghệ của chúng ta, sự cống hiến của các nhà nghiên cứu xuất sắc và sự tin tưởng một mô hình như vậy có thể truyền cảm hứng cho cộng đồng nói chung, hãy tưởng tượng những gì chúng ta có thể đạt được.
Virus corona cho chúng ta cơ hội để thiết lập lại cách chúng ta sản xuất thuốc. Ngưng áp dụng các quy tắc cấp bằng sáng chế trên phạm vi toàn cầu, vì các quốc gia như Nam Phi và Ấn Độ đang yêu cầu, hoặc ít nhất là loại bỏ chúng trong quan hệ song phương, hoặc thậm chí thông qua một thỏa thuận nguồn mở về nghiên cứu y tế đối với các loại thuốc trị virus corona. Đây là những ý tưởng lớn, có khả năng biến đổi cách thức chúng ta sản xuất và chia sẻ thuốc vượt qua đại dịch. Nhiều ý tưởng trong số này đã nhận được sự ủng hộ chính trị từ ban lãnh đạo Đảng Lao động mới đây, như là một phần trong cách tiếp cận mới của đảng đối với nghiên cứu y tế, bao gồm cả tổ chức nghiên cứu công miễn phí bằng sáng chế.
Vài dòng về tác giả
Nick Dearden là Giám đốc của Global Justice Now, một tổ chức liên kết với các phong trào xã hội để chống lại nguyên nhân của đói nghèo và bất công.
Người dịch: Lê Thị Hạnh
Nguồn: “Big Farma’s finest hour?“, Open Democracy, 9.01.2021.
----
Bài có liên quan:
- Thiết kế vắc xin cho mọi người chứ không vì lợi nhuận
- Tại sao các nền kinh tế giàu có cần phải chống Covid khắp mọi nơi?
- Chi phí kinh tế 4 nghìn tỷ đô la của việc không chủng ngừa COVID-19 trên toàn thế giới
[1]
Có khoảng 10 hãng dược phẩm khổng lồ trên thế giới được gọi là Big Pharma, trong đó có: Bayer, GlaxoSmithKline (GSK), Merck, Novartis, Pfizer, Roche, Sanofi-Aventis, … (ND). [2]
NHS: National Health Service là Dịch vụ Y tế Quốc gia, hệ thống chăm sóc y tế được tài trợ công ở Anh (ND). [3]
Operation Warp Speed (Chiến dịch Thần tốc) là một tổ chức đối tác công-tư được thành lập vào tháng 5/2020 do chính phủ Hoa Kỳ khởi xướng nhằm tạo điều kiện thuận lợi và đẩy nhanh quá trình triển khai, sản xuất và phân phối vắc xin COVID-19, phương pháp điều trị và chẩn đoán (ND).
Chú thích: