15.5.21

Covid-19: Dỡ bỏ bằng sáng chế về vắc-xin, giải pháp nhiệm mầu hay ảo ảnh?

COVID-19: DỠ BỎ BẰNG SÁNG CHẾ VỀ VẮC-XIN, GIẢI PHÁP NHIỆM MẦU HAY ẢO ẢNH?

Clotilde Jourdain-Fortier Mathieu Guerriaud

Đầu tháng 5 [năm 2021], Hoa Kỳ và Pháp đã ghi tên mình vào danh sách những nước kêu gọi loại trừ tạm thời vắc-xin phòng ngừa Covid-19 khỏi các quy tắc hiện hành. Nelson Almeida/AFP

Vào hôm thứ Tư ngày 5 tháng 5, Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden, đã thông báo, trước sự ngạc nhiên của mọi người, rằng chính quyền Hoa Kỳ từ nay ủng hộ việc tạm thời dỡ bỏ các bằng sáng chế vắc-xin phòng ngừa Covid-19 để đẩy nhanh cuộc chiến chống đại dịch. Vài giờ sau ở Pháp, Tổng thống nước Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron cũng đã làm điều tương tự, kêu gọi biến công thức điều trị thành “một sản phẩm công cộng toàn cầu”.

Với sự đảo ngược này, Hoa Kỳ và Pháp đã tiếp nối danh sách nhiều nước, như Ấn Độ và Nam Phi, vốn từ nhiều tuần qua đã kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đàm phán lại các quy tắc về quyền sở hữu trí tuệ, để loại trừ tạm thời vắc-xin phòng ngừa Covid-19 [khỏi các quy tắc hiện hành].

Tuy nhiên, người ta có thể thắc mắc về việc nhân rộng các yêu cầu phá lệ này. Trên thực tế, các cơ chế ủng hộ việc bảo hộ y tế cộng đồng và các công cụ pháp lý để bỏ qua quyền các bằng sáng chế thuốc đã tồn tại từ lâu trong các văn bản quốc tế.

Những tình huống phá lệ khả dĩ kể từ năm 1953

Bằng sáng chế là một chứng thư quyền sở hữu công nghiệp được cấp trong thời hạn hai mươi năm, để bảo hộ cho một phát minh mới, có tính sáng tạo và có khả năng ứng dụng công nghiệp. Nó mang lại cho chủ sở hữu bằng sáng chế một độc quyền khai thác, và nói một cách chính xác hơn, quyền phản đối bất kỳ bên thứ ba nào sử dụng trái phép một phát minh. Do đó, chỉ có chủ sở hữu bằng sáng chế mới có quyền lựa chọn người có thể sao chép phát minh của mình, cho thuê bằng sáng chế (giấy phép) hoặc bán bằng sáng chế (chuyển nhượng).

Thuốc phòng chữa bệnh, và nói một cách chính xác hơn, các sản phẩm chuyên ngành dược (trong đó có vắc-xin), mặc dù là sản phẩm đặc thù – sản phẩm y tế – cũng là những sản phẩm thương mại và công nghiệp, và như vậy có thể được bảo hộ bằng một hoặc nhiều bằng sáng chế. Nói chung, có vô số bằng sáng chế bảo hộ một loại thuốc: bằng sáng chế về bản thân phân tử (phát minh về sản phẩm), bằng sáng chế về quy trình sản xuất (phát minh về quy trình), bằng sáng chế về chỉ định của thuốc (bằng sáng chế ứng dụng) và thậm chí bằng sáng chế về sự kết hợp các loại thuốc.

Ngày 5 tháng 5 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ đã tạo bất ngờ khi tuyên bố sự đảo ngược của chính quyền Hoa Kỳ về việc dỡ bỏ các bằng sáng chế vắc-xin phòng ngừa Covid-19. Nicholas Kamm/AFP

Tập hợp các bằng sáng chế này, đôi khi còn được gọi là “cụm bằng sáng chế”, có mục đích là bảo hộ việc phát minh một loại thuốc và trên hết là nguồn vốn đầu tư vào quá trình phát triển phát minh đó, từ nay đã vượt quá một tỷ US$. Thật vậy, chi phí phát triển một loại thuốc từ 0,8 tỷ US$ vào năm 2003 đã tăng hơn 2,5 tỷ US$ vào năm 2016.

Ở Pháp, ngay từ năm 1953, chính phủ đã biết việc cấp bằng sáng chế cho một loại thuốc có thể có vấn đề, đặc biệt nếu dẫn đến việc sản xuất không đủ thuốc – và đó là trường hợp hiện nay với vắc-xin phòng ngừa Covid-19 – hoặc liên quan đến vấn đề giá bán thuốc ở mức quá cao. Vì thế, chính phủ đã cho phép phá lệ quyền các bằng sáng chế vì lợi ích của bệnh nhân, nghĩa là cho phép một phát minh được cấp bằng sáng chế, trong trường hợp thật đặc biệt, được một bên thứ ba có quan tâm sản xuất, mà không có hoặc có sự đồng ý của chủ sở hữu bằng sáng chế. Nguyên tắc cấp phép mặc nhiên vì lợi ích cộng đồng ra đời, như một vũ khí mới trong tay của Nhà nước để phục vụ lợi ích chung.

Từ đó, giấy phép [mặc nhiên] nói trên được áp dụng ở 156 quốc gia khác. Về luật pháp quốc tế, Hội nghị lần thứ tư cấp Bộ trưởng của WTO tại Doha ngày 14 tháng 11 năm 2001 đã thông qua tuyên bố về việc áp dụng Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS – Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights) trong bối cảnh y tế cộng đồng, trù liệu rõ ràng khả năng cho các nước được sử dụng loại giấy phép [mặc nhiên] này trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, chẳng hạn như dịch bệnh mà chúng ta đang gặp phải.

Ngoài phạm vi áp dụng là lãnh thổ quốc gia, giấy phép mặc nhiên nói trên còn cho phép sản xuất thuốc và xuất khẩu thuốc đến những nước có vấn đề về y tế cộng đồng nghiêm trọng, bỏ qua quyền các bằng sáng chế, nhờ một giấy phép khác: giấy phép bắt buộc.

Các nhà máy đã cảm thấy kiệt sức

Nhưng ngày nay, liệu việc triển khai các loại giấy phép trên có hiệu quả hay không, để thúc đẩy quyền tiếp cận bình đẳng cho mọi người đối với các liều vắc-xin? Giải pháp đó, được biện minh nhân danh đạo đức và lợi ích chung, trong thực tế, là một vấn đề đáng bàn luận. Thật vậy, bằng sáng chế, hóa ra không phải là một nhân tố hạn chế, không giống việc sản xuất các nguyên liệu thô (các hoạt chất và tá dược) và đóng lọ các sản phẩm cần thiết này cho việc sản xuất vắc-xin.

Để việc dỡ bỏ quyền các bằng sáng chế hoạt động có hiệu quả, các phòng thí nghiệm gia công sản xuất, trên khắp thế giới, phải trải qua xong giai đoạn khởi đầu, và như vậy đã sẵn sàng để sản xuất vắc-xin. Điều đó có thể xảy ra với các công nghệ cổ điển – vả lại còn chưa chắc – nhưng là bất khả thi với các công nghệ mang tính đột phá như công nghệ vắc-xin mRNA, khi mà các bên thứ ba chưa thể sản xuất trong thời gian trước mắt, trong trường hợp dỡ bỏ quyền các bằng sáng chế. Nói cách khác, việc phá hủy thế độc quyền khai thác của chủ sở hữu bằng sáng chế không giúp nắm được [bí quyết] công nghệ.

Ngay từ năm 2001, Tổ chức Thương mại Thế giới đã tiên đoán những khả năng bỏ qua các quy tắc về quyền sở hữu trí tuệ trong trường hợp có dịch bệnh, chẳng hạn như Covid-19. Shutterstock

Trường hợp có khả năng khai thác một phát minh chỉ bằng cách đọc bằng sáng chế thôi vẫn còn là điều ngoại lệ: bằng sáng chế trình bày rất ít chi tiết kỹ thuật, còn bí quyết công nghệ thì được thích nghi theo từng hoàn cảnh cụ thể trong quá trình khai thác. Do đó, sẽ mất nhiều tháng để thiết kế kỹ thuật lại, hoặc nếu không thì cần phải buộc các phòng thí nghiệm chuyển giao công nghệ thực sự. Thậm chí trong những trường hợp đó, một lần nữa cũng phải mất nhiều tháng để chuyển đổi lại quy trình của các nhà máy để sản xuất vắc-xin mRNA và các tá dược, và nhiều tháng hơn nữa để xây mới [de novo] một nhà máy.

Đối với các nhà máy đóng lọ vắc-xin, nhiều nhà máy đã cảm thấy kiệt sức hoặc đã sản xuất vắc-xin theo giấy phép. Liệu có thể tìm ra những nhà máy khác, với nguy cơ ngừng dây chuyền sản xuất các thuốc tiêm cần thiết cho việc điều trị các bệnh lý khác hay không?

Cuộc đua về nguyên liệu thô chế tạo thuốc

Ngoài ra, một vấn đề khác sẽ nảy sinh nếu quyền các bằng sáng chế được dỡ bỏ và nếu giả định có một vài phòng thí nghiệm đã sẵn sàng: trong trường hợp các vắc-xin của AstraZeneca và Janssen, liệu các phòng thí nghiệm gia công sản xuất đó có cùng vectơ virus, vốn cho phép đưa một mẩu di truyền của vi rút SARS-CoV-2 vào trong tế bào, để cuối cùng kích hoạt phản ứng miễn dịch hay không? Nếu không, thì phải tiến hành các thử nghiệm lâm sàng mới...

Một vấn đề khác, đối với các loại vắc-xin cũng như đối với các vắc-xin của Pfizer hoặc Moderna, là có khả năng sẽ xảy ra một cuộc chạy đua về nguyên liệu thô, đặc biệt là các tá dược lipid, những chất bảo vệ vắc-xin mRNA, cho phép nó xâm nhập vào các tế bào của chúng ta, điều này sẽ tác động rất tiêu cực đến quá trình sản xuất vắc-xin trên toàn cầu.

Nhưng Hoa Kỳ, từ nay, ít lo lắng hơn về vấn đề này, một khi đã có gần 50% người Mỹ được tiêm ít nhất một liều vắc-xin… Điều này cũng có thể giải thích nguyên nhân sự thay đổi quan điểm của nước ở bên kia bờ Đại Tây Dương về việc dỡ bỏ quyền các bằng sáng chế.

Như vậy, có thể thấy rõ việc dỡ bỏ quyền các bằng sáng chế sẽ khó giải quyết được vấn đề tiếp cận vắc-xin. Đây không phải là một giải pháp thần kỳ, mà đúng hơn là một ảo tưởng ít nhiều mang tính mị dân. Ngày nay, không nên tập trung sự chú ý vào các bằng sáng chế, mà nên tập trung vào năng lực sản xuất và chủ quyền dược phẩm.

Điều cần thiết là phải có tối đa nước có khả năng đáp ứng được nhu cầu của họ về thuốc phòng trị bệnh, thông qua việc triển khai sản xuất tại địa phương, và chỉ khi nào có được các khả năng này, thì việc dỡ bỏ quyền các bằng sáng chế mới có thể hữu ích.

Giới thiệu tác giả

Mathieu Guerriaud

Clotilde Jourdain-Fortier
Clotilde Jourdain-Fortier

Giáo sư về luật kinh tế quốc tế – CREDIMI, Đại học Bourgogne – UBFC

Mathieu Guerriaud

Phó giáo sư về luật dược và y tế, cảnh giác dược và bệnh do duy trì gây ra – CREDIMI, Đại học Bourgogne – UBFC

Tuyên bố công khai

Các tác giả không làm việc, không tư vấn, không sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hay tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không có bất cứ quan hệ nào khác ngoài công việc mang tính học thuật.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Covid-19: la levée des brevets sur les vaccins, remède miracle ou mirage?, The Conversation, ngày 11/05/2021.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF