14.8.21

COVID: Tổ chức y tế thế giới (WHO) kêu gọi tạm hoãn tiêm liều vắc xin tăng cường – điều này có chính đáng không?

COVID: WHO KÊU GỌI TẠM HOÃN TIÊM LIỀU VẮC XIN TĂNG CƯỜNG - ĐIỀU NÀY CÓ CHÍNH ĐÁNG KHÔNG?

Jonathan Pugh, Dominic Wilkinson & Julian Savulescu

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi tạm hoãn tiêm liều vắc xin tăng cường. Ảnh: REUTERS / Alamy Stock Photo

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi tạm hoãn các chương trình tiêm liều vắc xin tăng cường phòng ngừa COVID cho đến ít nhất là cuối tháng 9 để ưu tiên tiêm vắc xin cho các nước thu nhập thấp.

Các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, chẳng hạn như Vương quốc Anh, đã và đang xem xét các chương trình tăng cường tiêm vắc xin, do không chắc chắn về khả năng miễn dịch sẽ được bao lâu. Các mũi tiêm tăng cường có thể cần thiết để đẩy mạnh khả năng miễn dịch đang suy yếu, đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch yếu hơn.

Cũng có một mối lo ngại đáng kể rằng virus có thể đột biến bằng cách cho phép nó tránh được khả năng miễn dịch do vắc xin tạo ra. Một liều vắc xin tiêm tăng cường có thể giúp giải toả lo ngại này. Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy rằng các loại vắc xin hiện tại sẽ có khả năng đối phó với các biến thể mà ta có thể tiên đoán được.

Mặc dù sau này có thể xác định rằng các chương trình tiêm tăng cường là cần thiết để ngăn ngừa căn bệnh hiểm nghèo, nhưng vẫn có sự không chắc chắn đáng kể về mức độ lợi ích của chương trình tiêm tăng cường. Thật vậy, Ủy ban Liên tịch về Tiêm chủng và Tạo miễn dịch của Vương quốc Anh cho biết khuyến cáo về vấn đề này đó là nên tiến hành một chương trình tăng cường có thể “thay đổi đáng kể”, bắt đầu từ những người có nguy cơ cao nhất bị mắc bệnh nghiêm trọng.

Một số nhà phê bình đã gán nhãn cho lời kêu gọi tạm hoãn của WHO là một “lựa chọn sai lầm” - họ cho rằng có thể vừa triển khai các chương trình tăng cường đồng thời vừa bảo đảm các quốc gia có thu nhập thấp vẫn nhận được nguồn cung cấp vắc xin mà họ cần. Nhưng điều đó có vẻ khá viển vông khi sản lượng vắc xin có chừng mực và tình trạng hiện đang thiếu hụt.

Vậy thì một phần, điều quan trọng nhất của việc biện minh hoãn tiêm chủng là trong chừng mực nào tỉ lệ tiêm chủng thấp ở các nước có thu nhập thấp là do thiếu nguồn cung vắc xin. Nếu nguồn cung không có vấn đề gì thì không cần tạm hoãn. Nhưng nếu nguồn cung vắc xin thiếu thốn là nguyên nhân, thì cần phải có sự lựa chọn rõ ràng về mặt đạo đức. Liệu các quốc gia có thu nhập cao hơn có nên ưu tiên cho công dân của mình hơn so với công dân nước ngoài đang có nhu cầu lớn hơn hay không?

Mặc dù các mũi tiêm tăng cường sẽ ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương nhất ở các quốc gia có thu nhập cao, nhưng mức độ lợi ích bổ sung mà các mũi tiêm tăng cường sẽ mang lại cho những người này - ngoài việc tiêm chủng các liều đầu tiên - là không chắc chắn. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta biết rằng vắc xin có thể giúp ích rất nhiều cho một số lượng lớn những người dễ bị tổn thương chưa được tiêm một liều vắc xin nào.

Một số người dễ bị tổn thương nhất vẫn chưa được tiêm liều vắc xin đầu tiên. Ảnh: Hanna Kuprevich / Alamy Stock Photo

Tư lợi và vị tha

Một lập luận ủng hộ việc ưu tiên tiêm chủng cho các nước thu nhập thấp là làm như vậy cuối cùng có thể vì lợi ích riêng của chính các nước thu nhập cao.

Việc tăng số lượng những người dễ bị tổn thương trên khắp thế giới được tiêm các liều vắc xin ban đầu có thể làm giảm đáng kể các trường hợp và cơ hội đột biến virus. Điều đó sẽ làm giảm cơ hội virus trốn được vắc xin cũng như nguy cơ bùng phát trở lại của COVID ở Vương quốc Anh và các quốc gia có thu nhập cao khác, nơi các ca bệnh hiện đang giảm. Cơ chế Tiếp cận Toàn cầu Vắc xin COVID-19 (Covax) đã đưa ra kiểu lập luận này sau khi xuất hiện các biến thể ban đầu.

Điểm mạnh của lập luận này chống lại các chương trình quốc gia về tiêm chủng tăng cường là mọi người có xu hướng hành động phù hợp với tư lợi của họ. Tuy nhiên, lập luận này cũng có hạn chế. Lập luận này tùy thuộc vào giả định rằng có khả năng xuất hiện một biến thể né tránh vắc xin và ta sẽ không thể ngăn chặn một biến thể như vậy xâm nhập vào một quốc gia bằng các biện pháp khác, chẳng hạn như đóng cửa biên giới.

Chủ nghĩa vị tha cung cấp một lý lẽ mạnh mẽ hơn đối với việc ưu tiên cho các quốc gia có thu nhập thấp. Khi nhu cầu của một nhóm lớn hơn đáng kể so với nhu cầu của nhóm khác, có nhiều lý thuyết đạo đức sẽ đồng ý rằng chúng ta nên ưu tiên nhóm trước hơn nhóm sau. Thật vậy, việc triển khai vắc xin của nhiều quốc gia dựa trên việc cung cấp vắc xin trước tiên cho những người có nhu cầu cao nhất.

Tất nhiên, khi nhóm có nhu cầu thấp hơn mà chúng ta đang xem xét là đồng bào của chúng ta, điều này có thể có ý nghĩa về mặt đạo đức. Nhiều triết gia tin rằng chúng ta có thể có những “lý do để thiên vị” khi ưu tiên cho những người mà chúng ta có mối quan hệ thân thiết đặc biệt. Đứng trước sự lựa chọn giữa việc cứu người phối ngẫu của bạn hoặc hai người lạ, ra khỏi một tòa nhà đang cháy, bạn có thể, về mặt đạo đức, được phép lựa chọn cứu người thân yêu của mình.

Nhưng ý tưởng này không được chấp nhận rộng rãi. Một số nhà lý thuyết cho rằng đạo đức, theo định nghĩa, cần phải công bằng, không thiên vị và lợi ích của tất cả mọi người phải được tính đến như nhau. Nếu cứu hai người tốt hơn cứu một người, có lẽ điều đạo đức cần làm trong ví dụ về tòa nhà đang cháy là cứu hai người xa lạ.

Nhưng ngay cả khi bạn phủ nhận điều này và chấp nhận rằng chúng ta có thể có những lý do để thiên vị, điều đó không có nghĩa là các chương trình tiêm liều tăng cường có thể tiếp tục.

Đầu tiên, các lý do để thiên vị có thể được coi trọng hơn. Ngay cả khi cứu người phối ngẫu của bạn thay vì hai người lạ là hợp đạo đức, thì điều này có thể là không hợp đạo đức khi cứu cô vợ thay vì cứu 1.000 người hoặc khi ưu tiên cho những lợi ích nhỏ hơn của cô ấy (làm giảm đau đầu) so với một nhu cầu quan trọng hơn nhiều (căn bệnh đe dọa tính mạng) ở một người nào khác.

Thứ hai, mặc dù mối quan hệ với người phối ngẫu hoặc con của bạn có thể dựa trên những lý do đặc biệt để thiên vị một cách chính đáng, nhưng vẫn là không rõ ràng rằng mối quan hệ của chúng ta với đồng bào tạo ra cùng một loại lý do mạnh mẽ về đạo đức.

Cuối cùng, có một lập luận vị tha mạnh mẽ cho lệnh tạm hoãn của WHO. Sẽ là ích kỷ nếu tiêm liều tăng cường khi rất nhiều người thậm chí còn chưa được tiêm một liều nào. Nhưng có một vấn đề nằm ở động lực của lòng vị tha. Trái ngược hoàn toàn với lập luận tư lợi, có thể khó thuyết phục mọi người hành động vị tha, ngay cả khi đây là điều mà đạo đức có thể đòi hỏi.

Nhưng đạo đức không phải là chính trị. Vẫn còn một câu hỏi về việc liệu các chính phủ dân chủ có nên chuyển hướng nguồn lực trên cơ sở đạo đức hay không nếu hầu hết các công dân của họ muốn tự bảo vệ mình.

Vài nét về các tác giả

Jonathan Pugh là Nhà nghiên cứu về Triết học Đạo đức Ứng dụng, Đại học Oxford

Dominic Wilkinson là Nhà tư vấn về Y học sơ sinh và Giáo sư Đạo đức học, Đại học Oxford

Julian Savulescu là Giáo sư thỉnh giảng về Đạo đức Y sinh, Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch; Giáo sư thỉnh giảng xuất sắc về Luật, Đại học Melbourne; Giám đốc Trung tâm về Đạo đức Thực hành Uehiro, Đại học Oxford.

Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn: Covid: WHO calls for moratorium on booster shots – is it justifiable?”. The Conversation, 6.8.2021.

Print Friendly and PDF