NGOẠI ỨNG (HIỆU ỨNG NGOẠI LAI)
Externality
® Giải Nobel: BUCHANAN, 1986 – COASE, 1991 – MEADE, 1977
Một ngoại ứng, hay hiệu ứng ngoại lai, theo định nghĩa, là tác động một tác nhân phải gánh chịu (tác nhân này là người tiếp nhận ngoại ứng) và không được bù đắp trong khuôn khổ của một trao đổi hay của một thị trường, của một hành động sản xuất hay tiêu dùng của một tác nhân kinh tế khác (người phát ra ngoại ứng). Ngoại ứng có thể là tiêu cực (âm) hay tích cực (dương) đối với lợi ích của tác nhân tiếp nhận. Ví dụ, một tác hại hay một ô nhiễm do một hành động sản xuất hay tiêu dùng gây ra là một ngoại ứng tiêu cực nếu nó làm phương hại đến sự thoả mãn của một tác nhân khác, không liên quan đến hành động trao đổi hay sản xuất này. Một loại ngoại ứng quan trọng là những ngoại ứng liên quan đến môi trường thiên nhiên (ngoại ứng môi trường). Thật vậy, môi trường thiên nhiên gồm có những sản phẩm có ích, nhưng không được phân phối bằng thị trường: môi trường được sử dụng một cách miễn phí, hoặc như là nơi tiếp nhận chất thải, hoặc là như chỗ dựa của những dịch vụ môi trường, ví dụ những dịch vụ giải trí. Như vậy, mọi hành động sản xuất hay tiêu dùng có thể dẫn đến một ngoại ứng môi trường, một ngoại ứng tiêu cực nếu làm tổn hại đến những dịch vụ môi trường này và là một ngoại ứng tích cực nếu củng cố chúng.
Alfred Marshall (1842-1924) |
Khái niệm này bắt nguồn từ Alfred Marshall (1898) (xem Jessua, 1968; Catin, 1985; Kula, 1997). Xin ghi nhận rằng khái niệm marshallian này không liên quan đến môi trường thiên nhiên: đối với Marshall, đó là những ngoại ứng tích cực mà người thụ hưởng là các doanh nghiệp do sự phát triển chung của những tri thức khoa học và kĩ thuật, trong đó có sự định vị của các doanh nghiệp. Chính xác hơn, Marshall định nghĩa những tính kinh tế nội bộ như những tính kinh tế “phụ thuộc vào nguồn lực của những doanh nghiệp cá thể [...] vào tổ chức và quản lí của những doanh nghiệp này”. Những “tính kinh tế nội bộ” thật ra là những hiệu ứng theo qui mô của một số nhân tố (đặc biệt là tổ chức và quản lí), chứ không phải là những ngoại ứng. Đối với Marshall, cũng có những “tính kinh tế bên ngoài, kết quả của tiến bộ chung của môi trường công nghiệp”. Do đó đây là tác động của môi trường, theo nghĩa rộng, đến doanh nghiệp. Hơn nữa, Marshall xác định những tô tình thế, tác động của môi trường của doanh nghiệp đến tô, có vẻ giống với những tính kinh tế bên ngoài (Catin, 1985) nhưng lại khác với những tô gần với tô của những lí thuyết cổ điển.
Arthur C. Pigou (1877-1959) |
Cũng nằm trong truyền thống marshallian, Arthur C. Pigou mở rộng khái niệm ngoại ứng. Trong lúc Marshall chỉ hình dung có những ngoại ứng dương thì Pigou nêu những ví dụ của những ngoại ứng tiêu cực. Hơn nữa ông cho thấy là một ngoại ứng hiện ra như một khác biệt giữa sản phẩm xã hội cận biên và sản phẩm tư nhân cận biên. Mặt khác ông cũng quan tâm đến cách khắc phục những ngoại ứng này: đặc biệt ông chủ trương sự can thiêp của nhà nước, bằng những qui định, bằng cách đánh thuế những hoạt động dẫn dến những ngoại ứng tiêu cực (thuế “pigouvian”), hay bằng việc trợ cấp cho những hoạt động dẫn đến những ngoại ứng tích cực.
Ngay từ thời kì này, việc phân loại các ngoại ứng trở nên phong phú hơn, vượt qua cách phân loại có lúc bấy giờ (bằng dấu âm hay dương của những ngoại ứng). Như thế xuất hiện sự phân biệt giữa ngoại ứng công nghệ và ngoại ứng tiền bạc (Viner, 1931). Ngoại ứng công nghệ là tác động đến lợi ích của một tác nhân kinh tế của một biến tượng trưng cho một số lượng nhất định sản phẩm hay cho một tác hại không nằm trong thị trường. Ảnh hưởng này là tích cực trong trường hợp một sản phẩm có ích và tiêu cực trong trường hợp một tác hại. Cũng có những hiệu ứng tiền bạc được thể hiện bằng những hiệu ứng (âm hay dương) trên giá cả và sau đó được thể hiện bằnh những tác động đến lợi ích của các tác nhân kinh tế. Tuy nhiên người ta có thể phản bác tính chất ngoại ứng thật sự của những ngoại ứng tiền bạc (Catin, 1985; Facheux & Noël, 1995). Đã có nhiều bài tổng hợp về việc phân loại các ngoại ứng; (Catin, 1985; Facheux & Noël, 1995; Lesourd, 1996).
Kể từ khoảng năm 1950, khái niệm ngoại ứng bám rễ trong lí thuyết kinh tế, và đặc biệt trong phân tích tân cổ điển, bằng rất nhiều công trình mà chúng tôi chỉ kể ở đây một số có ý nghĩa nhất. Trước hết, những đóng góp của người Anh Meade (1952) và của người Mĩ Scitovsky tìm cách đưa khái niệm ngoại ứng vào trong lí thuyết cân bằng cạnh tranh. Những tác giả này thu hẹp khái niệm ngoại ứng về chỉ những ngoại ứng nhận thấy được giữa các nhà sản xuất (giả thiết hạn hẹp một cách không cần thiết này, bắt nguồn từ truyền thống marshallian, sau này sẽ được tháo gỡ). Như thế, họ xác lập được là việc có những ngoại ứng dẫn đến sự không hội tụ giữa những tối ưu tư nhân của các doanh nghiệp và tối ưu xã hội paretian. Sự khác biệt này là do một số nhân tố sản xuất góp phần tích cực vào những hàm sản xuất của một số nhà sản xuất, không được chi trả: chúng được những nhà sản xuất khác, do thiếu động viên, sản xuất ra với số lượng ít. Ngược lại, những tác hại, nghĩa là những phản lợi ích, góp phần tiêu cực vào các hàm sản xuất của một số nhà sản xuất, được sản xuất với số lượng quá lớn nếu những tác hại chúng gây nên không được bù đắp hay nếu việc giảm những tác hại này không được khuyến khích. Trong cả hai trường hợp, ta không ở thế tối ưu Pareto. Meade (1952) nêu một ví dụ nay đã trở thành kinh điển về mặt sư phạm của một nhân tố sản xuất miễn phí dẫn đến một ngoại ứng tích cực là trường hợp một người nuôi ong có những con ong hút nhuỵ từ hoa cây táo bên vườn hàng xóm. Những bông hoa này là một nhân tố sản xuất không phải trả tiền, và ta không ở thế tối ưu Pareto.
Cương vị của những sản phẩm có gây ra ngoại ứng là một vấn đề ít được Meade và Scitovsky đào sâu. Meade chỉ phân biệt những “nhân tố sản xuất không được trả thù lao” và những “yếu tố ngoại cảnh”, những sản phẩm đầu thường là những sản phẩm tư nhân có khả năng có những quyền sở hữu được xác định rõ, và những sản phẩm sau thường là những sản phẩm tập thể không có khả năng có những quyền sở hữu tư nhân. Báo trước bài viết nổi tiếng của R. Coase, Bator (1958) đã thử làm rõ điểm này, bằng cách phân biệt những ngoại ứng do những vấn đề sở hữu tư nhân đặt ra với những ngoại ứng xảy ra vì những lí do kĩ thuật (ví dụ, tính không thể chia nhỏ của một số sản phẩm) và những ngoại ứng do những sản phẩm tập thể thuần tuý gây nên.
Ronald Coase (1910-2013) |
R. Coase, Nobel kinh tế, tiếp đấy đã tập trung phân tích vào những ngoại ứng do khiếm khuyết của hệ thống những quyền sở hữu gây ra. Coase hình dung, trong trường hợp một yếu tố gây tổn hại (ngoại ứng tiêu cực) của một hành động sản xuất, “ẩn dụ” sau: một xã hội giả tưởng gồm có một người trồng lúa và một người chăn bò mà trang trại nằm cạnh nhau. Khi không có hàng rào, bò của người chăn bò có thể đi sang đất của người trồng lúa, gây tổn hại cho người này và do đó tạo ra một ngoại ứng tiêu cực điển hình. Trước tiên Coase nhận xét là dấu hiệu của một ngoại ứng là một khái niệm tương đối. Nếu, như ông giả định, những tổn thất D mà các con bò của người chăn bò gây ra cho người trồng lúa là lớn hơn tiền lời B mà người chăn bò thu thêm được do có thể đi sang đất của người trồng lúa (D > B) thì quả thật là những con bò đã gây nên một ngoại ứng tiêu cực. Ngược lại người trồng lúa sẽ gây nên một ngoại ứng tích cực cho người chăn bò nếu ta có D < B. Bài viết của Coase tấn công dữ dội những luận điểm của trường phái Cambridge (Anh), và đặc biệt là những luận điểm của Pigou chủ trương sự can thiệp của Nhà nước, hoặc bằng việc đánh thuế những ngoại ứng tiêu cực, hoặc bằng những qui định pháp lí. Đặc biệt Coase chứng minh là trong hai trường hợp mà những quyền sở hữu được phân phối một cách rất khác nhau các tác nhân kinh tế có liên quan được khuyến khích để tìm ra những giải pháp thuần tuý tư nhân cho phép họ chấm dứt tình trạng không tối ưu hiện nay với ngoại ứng mà ta đã nói đến, và như thế một cách tự phát đạt đến một tối ưu Pareto mà không cần đến sự can thiệp của Nhà nước. Trường hợp đầu tiên được Coase xem xét là trường hợp người trồng lúa có độc quyền về đất của mình và người chăn bò phải bồi thường cho người này. Nếu luật pháp được thực thi thì người chăn bò có thể bỏ tiền túi xây hàng rào một khi tiền lời của người này có tính đến cả chi phí hàng năm của hàng rào, là cao hơn, trong trường hợp này tiền lời mà người này thu được khi tính đến tiền phải bồi thường cho người láng giềng khi không có hàng rào. Tiếp đến Coase xem xét trường hợp mà những quyền sở hữu được phân bố rất khác, khi người chăn bò có quyền để súc vật của mình đi sang đất của láng giềng. Trong truờng hợp này cũng thế, có một giải pháp thuần tuý tư nhân cho phép đạt đến một tối ưu Pareto. Thật vậy, người trồng lúa có thể liên lạc với người láng giềng, và thương thảo với người chăn bò để mua lại quyền sử dụng người này có được trên mảnh đất của mình. Cuộc thương thảo có thể dẫn đến một giải pháp cải thiện sự thoả mãn của cả đôi bên: người trồng lúa có thể đề nghị mua lại quyền sử dụng của người láng giềng với một số tiền hàng năm lớn hơn B, và sao cho số tiền này, cộng với chi phí hàng năm của hàng rào, là nhỏ hơn D. Điều này là có thể được nếu chi phí hàng rào là khá nhỏ, với giả định là B < D. Như vậy người trồng lúa sẽ tự bỏ tiền xây hàng rào và như vậy cải thiện thu nhập thuần của trang trại mình và thu nhập của người láng giềng cũng được cải thiện. Trong cả hai trường hợp phân bố những quyền sở hữu được Coase giả định, thì nhờ cơ chế tự phát của quyền lợi của đôi bên, và không cần đến sự can thiệp nào khác của Nhà nước ngoài việc phân phối hợp pháp những quyền sở hữu, ta đạt đến một tối ưu Pareto. Do đó tối ưu xã hội độc lập với sự phân phối ban đầu của những quyền sở hữu, điều này thường được gọi là định lí Coase. Đối với Coase, nếu rõ ràng là sự tồn tại của những ngoại ứng như ngoại ứng được “ẩn dụ” của ông xem xét là không tương hợp với tối ưu Pareto thì điều rõ ràng không kém là, trong trường hợp được ông xem xét, các tác nhân kinh tế được động viên để nội hiện hoá ngoại ứng này; như thế sự tồn tại của những ngoại ứng tương ứng với một tình thế mà những nguồn lực bị lãng phí vì không có thị trường và không phải là đối tượng của những quyền sở hữu. Theo cách nhìn này, ta ghi nhận là, ví dụ, việc hợp nhất hai trang trại cũng cho phép nội hiện hoá ngoại ứng này. Thật vậy, nếu tình thế trước đó tiếp tục dai dẳng thì đó không còn là một ngoại ứng mà là sự quản lí tồi, hay do người chủ mới lãng phí các nguồn lực và người này được khuyến khích để cải thiện tình hình này nhằm đạt đến tối ưu.
Coase không có tham vọng giải đáp tất cả những vấn đề liên quan đến khái niệm ngoại ứng: bài viết của ông nói rõ là quá trình dẫn đến tối ưu xã hội từ một ngoại ứng ban đầu của “ẩn dụ” của ông đòi hỏi là những chi phí khác nhau (chi phí giao dịch, thông tin) là đủ nhỏ để cho quyền lợi của hai bên bao giờ cũng là nên thực hiện giao dịch. Không phải lúc nào cũng được như thế, đặc biệt trong trường hợp của những ngoại ứng được gọi là lan toả. Đó là trường hợp khi có một số lớn những người phát ra ngoại ứng, mỗi người phát gây nên một ngoại ứng mà nếu tính riêng lẻ là nhỏ so với những chi phí giao dịch và đo đạc nếu phải nội hiện hoá một hiệu ứng như thế. Tương tự như vậy, ta có thể xét đến trường hợp có một số lớn người tiếp nhận một ngoại ứng mà nếu xét riêng lẻ thì là nhỏ so với những chi phí giao dịch và đo đạc.
Những công trình khác nhau, như công trình của Coase, bàn luận khái niệm ngoại ứng dưới góc độ của khái niệm tối ưu Pareto đã khiến Buchan và Stubblebine (1962) phân biệt những ngoại ứng xác đáng theo nghĩa của Pareto và những ngoại ứng không xác đáng theo nghĩa của Pareto tuỳ theo là việc nội hiện hoá những ngoại ứng này có đưa đến một thu hoạch xã hội thuần hay không.
Những ý tưởng liên quan đến khái niệm ngoại ứng nổi lên từ những năm 1950-1960, với đóng góp của Coase và của những tác giả như Turvey (1963) là cơ sở cho những hình thức hoá toán học có vẻ là gần như hoàn chỉnh, như hình thức hoá của Baumol và Oates (1975) và gần đây hơn của Siebert (1981). Những công trình này nhằm đưa một cách tổng quát khái niệm ngoại ứng vào trong lí thuyết kinh tế.
Một ứng dụng của những công trình của Coase, được triển khai ở Hoa Kì trong khuôn khổ của đạo luật “Clean Air Act”, đặc biệt kể từ 1990, là việc tạo ra những thị trường cấp phép phát thải, hay những quyền gây ô nhiễm (Faucheux & Noël, 1995; Lesourd, 1996). Vấn đề là tạo ra những quyền sở hữu độc quyền về những tài sản tự nhiên, như không khí, được dùng làm chỗ thu nhận các chất thải, những tài sản này càng trở nên khan hiếm. Tính xác đáng của công cụ này về chính sách môi trường gần đây được bàn luận trong Tietenberg (1994).
Những phát triển sắp tới của khái niệm ngoại ứng là ngang tầm với những vấn đề đến nay chưa được giải quyết hoặc chưa được giải quyết tốt. Trong những vấn đề này có thể kể vấn đề tính không lồi quan sát được trong các nền kinh tế và những công nghệ thực tế (Baumol & Bradford, 1972; Burrows, 1995) trong lúc lí thuyết chuẩn, kể cả khi những ngoai ứng được đưa vào, giả định tính lồi của những tập sản xuất và của những sở thích. Cũng có thể kể thêm vấn đề những ngoại ứng trong tình thế bất trắc hay thông tin không đối xứng (Laffont, 1982, Mc Affee & Preston, 1991).
Mặc dù còn nhiều vấn đề lí thuyết và thực tiễn liên quan đến khái niệm ngoại ứng chưa được giải quyết nhưng mối quan tâm của lí thuyết kinh tế về môi trường đã dịch chuyển từ khái niệm ngoại ứng sang những lĩnh vực khác còn chưa được khai phá. Một trong những trường nghiên cứu này là việc đánh giá những tài sản môi trường như, ví dụ, những sinh vật hay thực vật bị đe doạ. Đối với những tài sản này, không có bất kì thị trường nào cả, và trên vấn đề này một lí thuyết gọi là đánh giá có điều kiện (Desaigues & Point, 1993; Jacobson & Dragun, 1996) đã được phát triển. Một trường khác là động thái rất dài hạn của những nền kinh tế với tài sản môi trường và tài nguyên không tái tạo được với cách đặt vấn đề tính bền vững của những nền kinh tế này (Faucheux & Noël, 1995). Việc đưa khái niệm ngoại ứng động nhân xét đến những tổn thất của môi trường có tác hại rất lâu dài (Pearce, 1976) dường như không giải quyết tất cả những vấn đề mà động thái rất dài hạn này đặt ra. Huống hồ là khái niệm chuẩn về ngoại ứng, được Pearse đánh giá là một khái niệm tĩnh, có vẻ là không thích hợp cho việc bàn luận về những ô nhiễm tổng thể có hiệu ứng rất lâu dài (như hiệu ứng nhà kính). Dù sao đi nữa thì khái niệm này vẫn là quan trọng cho phân tích kinh tế.
▶ BATOR F. M., “The Anatomy of Market Failure”, Quarterly Journal of Economics, 1958, 72, p. 351-379. – BAUMOL W. & BRADFORD D. F., “Detrimental Externalities and Non Convexity of the Production Set”, Economica, 1972, 39, p. 160-176. – BUCHANAN J. M. & STUBBLEBINE W., “Externality”, Econometrica, 1962, 29, p. 371-384. – BURROWS P., “Nonconvexities and the Theory of External Costs” trong BROMLEY D. W. (chủ biên), Handbook of Environmental Economics, Oxford, Blackwell, 1995. – COASE R., “The Problem of Social Cost”, Journal of Law and Economics, 3, 1960, p. 1-44. – DESAIGUES B. & POINT P., Économie du patrimoine naturel, Paris, Economica, 1993. – FAUCHEUX S. & NOEL J. F., Économie des ressources naturelles et de l’environnement, Paris, Armand Colin, 1995. – GREENWOOD J., MCAFFEE R. & PRESTON R., “Externalities and Asymmetric Information”, Quarterly Journal of Economics, 1991, 106, p. 103-121. – JACOBSSON K. M. & DRAGUN A. K., Contingent Valuation of Endangered Species, Cheltenham, Elgar, 1996. – JESSUA C., Coûts sociaux et privés, Paris, PUF, 1968. – KULA E., History of Environmental Economic Thought, London, Routledge, 1997. – LAFFONT J. J., “Information imparfaite et économie publique”, Revue économique, 1982, 33, p. 5-29; Effets externes et théorie économique, Paris, CNRS, 1977. – LESOURD J.-B., économie et gestion de l’environnement. Concepts et Applications, Genève, Droz, 1996. – MARSHALL A., Principles of Economics, London, Macmillan, in lần thứ tư, 1898, p. 345. – MEADE J. E., “External Economies and Diseconomiess in a Competitive Situation”. Economic Journal, 1952, 62, p. 54-67. – PEARCE D.W., “The Limits of Cost-Benefit Analysis as a Guide to Environmental Policy”, Kyklos, 62, p. 54-67. – PIGOU A. C., The Economics of Welfare, London, Macmillan, 1920. – SCITOVSKY T., “Two Concepts of External Economies”, Economic Journal, 1954, 62, p. 143-151. – SIEBERT H., Economics of the Environment, Cambridge, Lexington Books, 1981. – TIETENBERG T. H., Economics and Environmental Policy, Cheltenham, E. Elgar, 1994. – TURVEY R., “On Divergences between Social Cost and Private Cost”, Economica, 1963, 30, p. 300-313. – VINER J., “Cost Curves and Supply Curves”, Zeitschrift fỹr Nationalửkonomie, 1931, p. 23-46.
Jean Baptiste Lesourd
Giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS)
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Câu lạc bộ (lí thuyết); Coase (định lí); Kinh tế học công cộng; Marshall; Môi trường; Tô (tìm kiếm).
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001