23.10.18

"Các con đường tơ lụa mới": những đội quân tư nhân của Trung Quốc


"CÁC CON ĐƯỜNG TƠ LỤA MỚI": NHỮNG ĐỘI QUÂN TƯ NHÂN CỦA TRUNG QUỐC
Một thực tập sinh của doanh nghiệp bảo vệ tư nhân Dewei Security, trong một buổi tập huấn ở ngoại ô Bắc Kinh vào ngày 02/3/2017. (Nguồn: Asia Times)
Làm thế nào để bảo vệ “Các con đường tơ lụa mới? Dự án khổng lồ của Tập Cận Bình là một sự phóng chiếu đồ sộ về quyền lực đối với Trung Quốc cũng như là một nguồn tạo lập nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của họ. Tuy nhiên, các Con đường” đó đi qua nhiều quốc gia không ổn định, là đối tượng [tấn công] của chủ nghĩa khủng bố và các mạng lưới tội phạm. Trong cuốn China’s Private Army, Protecting the New Silk Road [Đội quân tư nhân bảo vệ con đường tơ lụa mới của Trung Quốc], Alessandro Arduino giải mã những thách thức được mất của việc bảo vệ các lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở nước ngoài và sự phát triển các doanh nghiệp trong nước để đối phó với các thách thức đó. đồng giám đốc Trung tâm Quốc tế về Quản lý khủng hoảng và An ninh tại Học viện Khoa học Xã hội ở Thượng Hải, nhà nghiên cứu người Ý này đã thành công trong việc khai phá và làm sáng tỏ một chủ đề chưa được biết đến. Thế nhưng, việc đảm bảo an ninh cho "Các con đường tơ lụa mới" sẽ là một trong những chìa khóa thành công của tham vọng Trung Quốc ở nhiều nước đang phát triển.
Vào đầu những năm 2000, Trung Quốc bắt tay vào việc chinh phục các thị trường xuất khẩu, trước hết họ đã ưu tiên những nước bị người châu Âu, người Anglo-Saxon và Nhật Bản bỏ rơi. Tuy nhiên, những nước này – Bờ Biển Ngà, Sudan hoặc Pakistan – đã bị bỏ rơi vì lý do tình trạng bất ổn và mất an ninh cao. Mở rộng logic về cơ hội kinh doanh này, Các con đường tơ lụa mới đã góp phần vào việc theo đuổi phát triển sự hiện diện của Trung Quốc về kinh tế ở những nước được gọi là có rủi ro.
Nhà nghiên cứu người Ý Alessandro Arduino. (Nguồn: RSIS)
Trong cuốn China’s private army [Đội quân tư nhân của Trung Quốc], Alessandro Arduino nỗ lực chấm dứt những hình ảnh rập khuôn. Nếu có những hành động thù địch chống lại sự hiện diện của Trung Quốc, chẳng hạn như ở mỏ Aktogay ở Kazakhstan vào năm 2015, thì những nguy cơ chính trong việc đảm bảo an ninh cho các doanh nghiệp và công dân Trung Quốc ở nước ngoài là những hành động côn đồ (như bắt cóc để đòi tiền chuộc, tống tiền, v.v.) và những hậu quả của các cơn khủng hoảng địa chính trị. Vào ngày 20/11/2015, ba nhân viên của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc, bị giết trong cuộc tấn công khủng bố tại khách sạn Radisson de Bamako, những người không nằm trong mục tiêu tấn công vì quốc tịch Trung Quốc của họ. Họ chỉ đơn giản hiện diện tại một khách sạn sang trọng, nơi có nhiều người nước ngoài thuê phòng ở đó.

Về mặt lịch sử, đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, các cơ quan chức trách phải quản lý kiểu đe dọa này. Bắc Kinh đàm phán trực tiếp với chính phủ các nước bản địa để lực lượng cảnh sát hoặc lực lượng vũ trang của nước sở tại đảm bảo an ninh cho các dự án đầu tư của họ. Đây đặc biệt là mô hình mà Trung Quốc đã biết khéo léo xúc tiến trong nhiều năm ở Afghanistan. Đất nước của Tập Cận Bình, chưa bao giờ dấn thân vào các cuộc xung đột về mặt quân sự, đã tự thể hiện mình là một tác nhân đầu tư và giúp đỡ, đồng thời khôi phục nền kinh tế của địa phương. Bằng cách làm như vậy, Bắc Kinh hưởng được lợi trong khi để cho các lực lượng của địa phương, hoặc thậm chí của liên minh quốc tế, đảm nhận phần rủi ro gắn với việc bảo vệ các dự án đầu tư của mình.
Tuy hiện diện ở nhiều quốc gia không ổn định, nhưng, các doanh nghiệp Trung Quốc phải đương đầu với sự bất khả, hoặc thậm chí sự thiếu ý chí, của một số nhà chức trách trong việc đảm bảo an ninh cho họ. Khi phát hiện, một cách sững sờ, những giới hạn về ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc ở một số khu vực trên thế giới, và trước mong muốn giảm thiểu tối đa chủ nghĩa can thiệp quân sự ở nước ngoài, các doanh nghiệp quốc gia [của Trung Quốc] đã phải tự tổ chức. Điều này không hề đơn giản, theo giải thích của Alessandro Arduino, vì những lý do về văn hoá và cả về thực tiễn.
Việc sử dụng các công ty quân sự tư nhân (PMCs, Private Military Companies) có diễn ra ở Trung Quốc, nhưng rất khó hình dung một doanh nghiệp Trung Quốc tin tưởng vào một nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Ví dụ, các đại sứ quán chỉ thuê những người có quốc tịch Trung Quốc hoặc những người địa phương thuộc tộc Hán. Thêm vào đó là danh tiếng ma quỷ của các công ty PMC, liên quan đến các sự cố được lặp đi lặp lại ở Iraq và Afghanistan. Nếu các công ty PMC của Anglo-Saxon (Control Risks, G4S hoặc Frontier Service Group) vẫn còn hưởng lợi từ sự thiếu vắng các tác nhân đáng tin Trung Quốc trong lĩnh vực này, thì các công ty PMC của Nga đã khéo thoát khỏi cảnh khó khăn, đặc biệt ở Trung Á.
Do không phải đối phó với vấn đề an ninh trong quá khứ, các doanh nghiệp Trung Quốc nay xem vấn đề an ninh như là một chi phí thô. Kết quả là, họ đã sử dụng dịch vụ của các công ty tầm thường, được chọn chỉ vì mức giá cung cấp dịch vụ hấp dẫn. Kiểu lý luận này đã gây ra nhiều quan ngại, làm cho một số doanh nghiệp củng cố việc tiếp cận có tính định mệnh vấn đề rủi ro an ninh.
Trong bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực dịch vụ an ninh, bằng tiếng Anh, chưa từng đọc được trước đây, tác giả chỉ ra sự yếu kém của lĩnh vực dịch vụ an ninh, về mặt những tác nhân đáng tin ở Trung Quốc. Do có sự kiểm soát nghiêm ngặt về vũ khí, và chủ yếu hướng tới việc bảo vệ các yếu nhân (VIP), các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc đơn giản chỉ yêu cầu nhân viên của họ có kỹ năng về võ thuật và giải quyết những rủi ro liên quan đến các cuộc tấn công bằng tay không và với hung khí là dao mác. Một cách tiếp cận hoàn toàn không phù hợp khi phải tác nghiệp ở nước ngoài, ở những nơi có sử dụng chất nổ, vũ khí hạng nhẹ hoặc cả vũ khí hạng nặng, có chướng ngại hoang dã trên bộ hoặc các cuộc tấn công khủng bố. Khả năng ngoại ngữ kém, thiếu hiểu biết về các vùng tác nghiệp, và đặc biệt là thiếu kinh nghiệm tác nghiệp ở nước ngoài của quân đội Trung Quốc, khiến cho nguồn nhân lực có năng lực rất hiếm.
Tuy nhiên, lĩnh vực dịch vụ an ninh này đang phát triển một cách nhanh chóng. Những thất vọng lớn, như ở Libya hoặc hiện nay ở Venezuela với việc hàng chục ngàn người Trung Quốc bỏ chạy vào năm 2017, đang gây áp lực lên các nhà chức trách Trung Quốc. Khi Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) không thể can thiệp ở khắp mọi nơi, thì việc phát triển các tác nhân tư nhân [trong lĩnh vực dịch vụ an ninh] từ nay là điều cần thiết.
Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay cắt giảm biên chế trong hàng ngũ của PLA: từ 2,3 triệu binh lính vào năm 2015 xuống còn dưới 1 triệu vào năm 2020. Đối với Arduino, Bắc Kinh lo ngại việc một lượng lớn binh lính bị giải ngũ có thể tham gia vào hàng ngũ các băng nhóm tội phạm, sử dụng các kỹ năng quân sự trong các hoạt động tội phạm. Nếu nguy cơ ở mức thấp hơn so với ở Nga, do kinh nghiệm tác nghiệp ít hơn, thì Trung Quốc sẽ có cái nhìn có thiện cảm với sự xuất hiện của một khu vực tư nhân thu hút các cựu chiến binh này một cách hữu ích. Sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ an ninh này cũng được đánh dấu bởi sự chuyển giao những kỹ năng từ các tác nhân nước ngoài và bởi một mức chi phí học nghề thấp đối với các tác nhân Trung Quốc, vốn có thể học hỏi từ những thất bại của một số doanh nghiệp nước ngoài.
Là nhà báo độc lập, Vivien Fortat chuyên viết về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc và các con đường tơ lụa mới. Ông đã sống trong nhiều năm ở Tokyo và Đài Bắc. Là tiến sĩ về kinh tế, ông đã làm chuyên gia tư vấn về rủi ro doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Pháp có trụ sở tại Trung Quốc, từ năm 2013 đến năm 2016.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF