11.10.18

“Giải Nobel” William Nordhaus có thật sự nghiêm túc?


“GIẢI NOBEL” WILLIAM NORDHAUS CÓ THẬT SỰ NGHIÊM TÚC?
Antonin Pottier
Nhà kinh tế, chuyên gia về biến đổi khí hậu
William Nordhaus là một trong hai khôi nguyên giải khoa học kinh tế năm 2018 của Ngân hàng Thuỵ Điển – cùng với Paul Romer, lí thuyết gia của tăng trưởng nội sinh. Vị giáo sư tại đại học Yale danh tiếng được giải chủ yếu nhờ đã thiết kế những mô hình kinh tế hợp nhất sự biến đổi khí hậu như mô hình DICE, cho Dynamic Integrated Climate-Economy (hợp nhất động khí hậu và kinh tế), và mô hình RICE, phiên bản vùng hoá của mô hình đầu.
Được thiết kế trong những năm 1990, được phổ biến trên trang của tác giả dưới phiên bản Excel, hai mô hình này đã được nhiều nhà kinh tế chọn. Nhờ chúng và nhiều ấn phẩm mà tác giả đã rút ra từ đó trong trường của kinh tế học về sự biến đổi khí hậu, Nordhaus đã mở ra một lĩnh vực ứng dụng mới của phân tích kinh tế. Dưới mắt của Viện hàn lâm hoàng gia, chính vai trò người khởi xướng này biện minh cho việc trao giải.
Người tiên phong trong việc nghiên cứu kinh tế về khí hậu
Sinh năm 1941, tiến sĩ đại học MIT, Nordhaus gia nhập đại học Yale năm 1967 và trải qua sự nghiệp ông ở đây. Ông sớm quan tâm đến những phê phán xã hội và môi trường đối với tăng trưởng. Năm 1972 khi báo cáo của câu lạc bộ Roma, Những giới hạn của tăng trưởng, báo động những hệ quả tiêu cực của sự tăng trưởng kinh tế và dân số, Nordhaus phê phán không nhân nhượng sự thiếu vắng những dữ liệu thực nghiệm của báo cáo này. Nhưng, được nó kích thích, ông nhận ra việc khí hậu ấm lên như là một vấn đề có tiềm năng trở thành nghiêm túc và đòi hỏi những cuộc điều tra sâu rộng hơn.
Dựa vào những công trình của các khoa học tự nhiên, ông nghiên cứu và mô hình hoá mỗi mảng hợp thành vấn đề khí hậu vô cùng phức tạp này: hệ thống năng lượng phát thải khí CO2, chu kì cacbon biến nồng độ phát thải CO2 trong khí quyển, và cuối cùng là mảng khí hậu nối liền nồng độ CO2 trong khí quyển với sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu. Năm 1977 (11 năm trước khi IPPC được thành lập) ông công bố trên American Economic Review một bài tổng hợp đầu tiên tính toán chi phí của việc ổn định nồng độ CO2.
Một mô hình được công nhận
Robert Solow (1924-)
Trong những năm 1980, ông tiến hành kết nối những công trình của mình với lí thuyết tăng trưởng, điều mà nhờ đó hôm nay ông được tưởng thưởng. Nordhaus dựa trên mô hình tăng trưởng do Solow phát triển (1958), một mô hình biểu trưng tăng trưởng dưới sức ép của tích luỹ tư bản và tiến bộ kĩ thuật. Mô hình Solow là cơ sở cho những dự báo kinh tế dài hạn và, vào thời ấy, cho kinh tế học vĩ mô ngắn hạn (các chu kì kinh doanh thực tế),
Để hoàn thành mô hình DICE, Nordhaus bổ sung vào đó việc phát thải khí CO2, được thể hiện bằng các gia tăng của nhiệt độ, các gia tăng này gây nên những thiệt hại (mất mát về GDP). Do đó nền kinh tế tác động đến khí hậu và khí hậu tác động trở lại trên nền kinh tế.
Có thể giảm thiểu việc phát thải để giảm những tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra. Nhưng việc này kéo theo những chi phí mà ta có thể lí giải như những chi phí chuyển đổi một hệ thống đặt cơ sở trên những nguồn năng lượng hoá thạch sang một hệ thống phi cacbon. Đó là cấu trúc của mô hình DICE, một cấu trúc không thay đổi qua những lần cập nhật mà Nordhaus tiến hành suốt hơn 25 năm qua.
Từ thế giới đến những khu vực của hành tinh
Mô hình cho phép tính toán những mức tốt để giảm thiểu việc phát thải tuỳ theo mục đích được chọn. Mô hình tạo cho các công trình của Nordhaus một vị trí trung tâm trong tất cả những vấn đề kết nối kinh tế với khí hậu vì các công trình này đặt ra nhiều câu hỏi: bằng cách nào ước lượng những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra? Đâu là những chi phí của sự chuyển đổi? Làm thế nào tham số hoá hành vi của khí hậu? Triển khai việc giảm thiểu sự phát thải như thế nào?
Mô hình RICE (1996) phân chia nền kinh tế thế giới thành mười khu vực đặt ra những câu hỏi mới, một phần gắn với lí thuyết trò chơi: làm thế nào phối hợp những nỗ lực giảm thiểu khí thải giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới? Làm thế nào tránh được những hành vi người ăn không? Đâu là kết quả có thể chờ đợi nếu mỗi Nhà nước theo đuổi những lợi ích riêng mà không quan tâm đến các nước khác? Suốt sự nghiệp của mình, Nordhaus đã xử lí các tra vấn này, và nhiều câu hỏi khác nữa. Chỉ trên quan điểm của phân tích kinh tế thì vai trò tiên phong của ông (bên cạnh những người khác được các chuyên gia biết), tính chất trung tâm của các công trình và sự phổ biến rộng rãi các mô hình của ông biện minh cho việc ông được trao giải của Ngân hàng Thuỵ Điển.
Một cách tiếp cận hạn chế
Tuy nhiên có thể lấy một khoảng lùi để tự hỏi về những biểu trưng của vấn đề khí hậu nổi lên từ các công trình trên. Các mô hình của Nordhaus rất khác với các mô hình đánh giá được sử dụng để xác định bằng những biện pháp chính trị và kĩ thuật nào ta có thể thực hiện một số kịch bản phát thải, như các mục tiêu 20-20-20 của Liên minh châu Âu (20% tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải 20% vào năm 2020), hệ số 4 ở Pháp (chia cho 4 lượng phát thải CO2 vào năm 2050), hay ngày nay sự trung lập (bù trừ) cacbon.
Các mô hình của Nordhaus được thiết kế để trả lời một câu hỏi khác: đâu là kịch bản tối ưu? Đâu là mục tiêu mà các nhà chính trị cần chọn? Thật ra Nordhaus đi tìm sự ấm lên tối ưu của khí hậu, sự ấm lên tối đa hoá phúc lợi liên thời gian. Ông không đặt mình ở vị thế người hỗ trợ việc ra quyết định, nhưng ở vị thế trọng tài của việc ra quyết định.
Điều này khiến ông chủ trương một hành động chính trị rất tiệm tiến (policy ramp), bắt đầu bằng những giảm thiểu nhỏ việc phát thải và tăng dần dần trong cả thế kỉ XXI. Trên cương vị này, ông cho rằng Nghị định thư Tokyo là quá tham vọng, một toan tính khiêm tốn - hơn nữa đã không thành hiện thực - để chặn đứng sự phát thải của các nước phát triển.
Dưới mắt của Nordhaus, giảm phát thải phải được tiến hành với chi phí thấp nhất, điều này đòi hỏi phải gán một giá cho cacbon, và giá này phải giống nhau cho tất cả các nước trên thế giới. Thế mà đối với các nước đang phát triển, đây là điểm bế tắc trong các cuộc đàm phán quốc tế. Thoả thuận Paris năm 2015 chỉ đạt được nhờ việc công nhận những chính sách và biện pháp tuỳ theo các quốc gia khác nhau.
Biến đổi khí hậu? Một vấn đề nhỏ...
Từ khởi đầu của bộ môn, những cuộc tranh luận điểm xuyết các cuộc tranh luận của kinh tế học về biến đổi khí hậu đã làm rõ những lựa chọn của Nordhaus và những khó khăn của cách tiếp cận của ông. Ví dụ, Nordhaus đã kịch liệt công kích báo cáo Stern (2006), một báo cáo chủ trương một hành động có quy mô để giảm thiểu việc phát thải CO2. Tiếp sau báo cáo này, cuộc tranh luận diễn ra đã nêu bật ảnh hưởng quá lớn của một tham số kĩ thuật – tỉ suất hiện tại hoá – một tham số chi phối tầm quan trọng của những thế hệ tương lai so với các thế hệ hiện tại. Thế mà trị số mà Nordhaus gán cho trị số này đưa đến viện đè bẹp tương lai.
Những trị số mà nhà kinh tế này quy cho những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cũng có vẻ khá thấp: 1% GDP cho một sự ấm lên 2o C của khí hậu vào năm 2100, và thấp hơn 10% cho một sự ấm lên 2o C của khí hậu (một điều chưa từng thấy từ cả triệu năm nay!). Khi đọc ông, biến đổi khí hậu hiện ra như một vấn đề nhỏ, không làm thay đổi một tăng trưởng dài hạn hùng dũng tiếp tục theo nhịp độ 2% mỗi năm.
Một cách tiếp cận quy giản
Nhưng ở Nordhaus, có lẽ chính cách đặt vấn đề khí hậu là đáng ngạc nhiên nhất. Thật vậy, ông đề cập vấn đề thông qua một phân tích chi phí-lợi ích. Nói cách khác, đối với ông, vấn đề là tìm hiểu xem những chi phí của sự chuyển đổi năng lượng phải trả hôm nay có được những thiệt hại tránh khỏi được trong tương lai bù đắp không. Trong mô hình của Nordhaus, giảm việc phát thải CO2 chỉ là một yếu tố của đầu tư trong tương lai, bên cạnh việc tích luỹ tư bản. Hôm nay ta hi sinh vài số lẻ của GDP bây giờ để thu hồi chúng một trăm năm sau.
Phải chăng đó chính là vấn đề? Há chẳng phải đó là một tầm nhìn đặc biệt quy giản, thậm chí hoàn toàn lệch lạc, về những lí do nhằm tránh sự ấm lên của khí hậu, cố ý gạt sang một bên chiều kích hiện sinh, của những cá thể, cũng như của những xã hội, văn hoá và hệ sinh thái?
Một sự ấm lên tối ưu ở mức 3,5o C của hành tinh!
Cuối cùng, việc sự ấm lên tối ưu mà Nordhaus tìm kiếm hứa hẹn một tương lai nào?
Trong phần giải trình những lập luận của các ban giám khảo của Ngân hàng Thuỵ Điển, ta thấy một biểu đồ hiển thị quỹ đạo phát thải CO2 “tối ưu” theo Nordhaus, một quỹ đạo đi từ 35 GT CO2 mỗi năm từ năm 2015 đến khoảng 15 GT CO2 vào cuối thế kỉ. Phải cất công tìm kiếm mới thấy rằng giải pháp tối ưu của Nordhaus dẫn đến sự ấm lên... 3,5o C vào năm 2100. Không bằng cả một chuyển hướng nhẹ so với mức 4o C và ít số lẻ của kịch bản không có bất kì sự can thiệp nào!
Vâng, bạn đã đọc đúng: khi người ta là nhà kinh tế, ngày nay người ta có thể nghiêm trang đề xuất một sự nóng lên tối ưu ở mức 3,5o C và được giải thưởng khi khẳng định điều này! Vào chính ngay hôm mà IPCC (Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu) bàn luận về những cách để giới hạn sự ấm lên của hành tinh ở mức 1,5o C, việc trao giải của Ngân hàng Thuỵ Điển cho Nordhaus có thực sự là dấu hiệu cho thấy rằng “khoa học kinh tế” cuối cùng cũng xem xét một cách nghiêm túc sự biến đổi khí hậu?
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Prix Nobel” William Nordhaus est-il bien sérieux?”, Alternatives économiques, 9.10.2018
Print Friendly and PDF