17.10.18

Tăng trưởng kinh tế, sự kết thúc các cuộc chiến của các lí thuyết


TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ, SỰ KẾT THÚC CÁC CUỘC CHIẾN CỦA CÁC LÍ THUYẾT
Denis Clerc
Các bản đồ của lí thuyết kinh tế, từng đối lập các nhà kinh tế keynesian và tân cổ điển với nhau, đang bị xoá mờ. Từ nay, các lí thuyết về tăng trưởng nội sinh lấy cảm hứng từ trào lưu này và trào lưu kia, theo chiều hướng của nhà kinh tế Mĩ Paul M. Romer.
Trong chiều dài lịch sử, tăng trưởng kinh tế là một hiện tượng rất mới: trong suốt một thời gian dài, các xã hội đối mặt với những thay đổi chậm và ít cảm nhận được đến độ những người đương thời không hoặc ít nhận thức được. Ngày nay điều đó đã chấm dứt: kể từ gần hai thế kỉ, trong các xã hội phương tây, nhịp độ tăng trưởng hằng năm của sản lượng được sản xuất tăng khoảng 1,5 %, tương ứng với việc nhân năm trong vòng một thế kỉ. Làm thế nào giải thích một sự thay đổi như thế?
John M. Keynes (1883-1946)
Joseph Schumpeter (1883-1950)
Sự thật là các nhà kinh tế gặp khó khăn để cung cấp lời giải thích: các nhà cổ điển (các nhà kinh tế trước Marx), vì họ nghĩ rằng chuyển động này là không lâu dài và sẽ dẫn đến một “trạng thái dừng”; Marx vì ông không tin là chủ nghĩa tư bản có thể sống sót qua những mâu thuẫn của nó; KeynesSchumpeter vì họ ngại rằng những xu hướng suy thoái của chủ nghĩa tư bản cuối cùng sẽ thắng thế, do thiếu sự phối hợp theo tác giả đầu, và do sự suy sụp của tinh thần kinh doanh theo tác giả sau. Quả thật là những cuộc đại khủng hoảng (của các năm 1872 và 1930) và các cuộc chiến tranh khiến cho chuyển động dài hạn của tăng trưởng kinh tế thành hỗn độn và bất định. Vì thế, không gì đáng ngạc nhiên khi các nhà kinh tế chỉ nghiêm túc bắt tay vào phân tích hiện tượng tăng trưởng kinh tế khá muộn màng, trong nửa sau của thế kỉ XX.
Solow: tiến bộ kĩ thuật sản sinh tăng trưởng
Robert Solow (1924-)
Năm 1956, nhà kinh tế Mĩ Robert Solow (giải Nobel 1987) đề xuất một lí thuyết giải thích sự tăng trưởng kinh tế gây được tiếng vang lớn. Theo ông, về thực chất, tăng trưởng giống với môn đua xe thể thao: xe cần có nhiên liệu (tư bản) và một vận động viên (lao động), nhưng điều đó không đủ để thắng cuộc đua. Tất nhiên, để tăng tốc độ (nhịp độ tăng trưởng), có thể nhấn bàn đạp và tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn. Nhưng ai cũng biết là quá một mức nhất định, gia tăng của tiêu dùng này không làm tăng tốc độ. Tương tự như thế đối với nền kinh tế: để làm tăng nhịp độ tăng trưởng, ta có thể đầu tư, nhưng khi đầu tư càng tăng thì sản lượng tăng thêm mà nó cho phép thu về được (năng suất cận biên theo biệt ngữ của các nhà kinh tế) ngày càng ít đi. Đến một lúc vận tốc đạt được không còn tăng thêm được nữa... ngoại trừ hình dung rằng ta có thể cải tiến hiệu năng của động cơ. Đó là vai trò của tiến bộ kĩ thuật mà trong dài hạn là yếu tố duy nhất có khả năng làm gia tăng, hay có thể là một sụt giảm, của nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Nhịp độ tăng trưởng (Solow nói đến “độ dốc của đường tăng trưởng”) trong dài hạn là kết quả của gia tăng của dân số và của nhịp độ của tiến bộ kĩ thuật.
Người ta có thể ra mặt chế nhạo phân tích này về tăng trưởng mà, về thực chất, không phân tích gì hết: tiến bộ kĩ thuật là một yếu tố bên ngoài, không biết từ đâu đến cũng như vì lí do nào nhịp độ của nó có thể thay đổi. Nhưng mô hình này dẫn đến một kết luận rõ ràng và mang một thông điệp lạc quan: chả nên bõ công đầu tư quá nhiều, và đầu tư (và do đó là tiết kiệm) và tiền trả cho tiết kiệm phải tiến theo nhịp độ của đường tăng trưởng. Thông điệp là: các nước chậm chân có một kiểu át chủ bài vì họ có thể hi vọng thấy tăng trưởng của mình tăng tốc khi ngày càng làm chủ tiến bộ kĩ thuật được các nước đi trước sử dụng. Quá trình đuổi kịp này cho phép họ, trong một khoảng thời gian, đi nhanh hơn các nước đã đi trước, cho đến lúc đạt đến cùng một tiến bộ kĩ thuật với các nước đi trước. Trong thời kì đuổi kịp này, các nước có thể đẩy nhanh và mạnh đầu tư: bơm thêm tư bản vào cho phép họ lựa chọn một đường tăng trưởng dốc hơn, một con đường tắt để đuổi kịp các nước khác. Nhưng một khi đã đuổi kịp thì hết: không thể tăng tốc trên con đường tăng trưởng nữa; không ích lợi gì khi thúc đẩy thêm đầu tư vì chính nhịp độ của tiến bộ kĩ thuật mới trong dài hạn mới xác định con đường tăng trưởng. Mô hình Solow lí thuyết hoá kinh nghiệm của các nước châu Âu mà, trong những năm 1950, đã có thể kích thích tăng trưởng của họ bằng những dầu tư đại trà nhờ thừa hưởng kinh nghiệm của Hoa Kì.
Bốn tác giả cực kì thông minh của lí thuyết kinh tế
Robert Solow, sinh năm 1924, là một trong những nhà kinh tế Mĩ lớn nhất đương đại (xem cuộc trò chuyện với ông trong Alternatives Economiques số 155, tháng giêng 1998). Huy chương John Bates Clark (dành cho một nhà kinh tế dưới 40 tuổi) năm 1961, chủ tịch Hội kinh tế Mĩ năm 1979 và giải Nobel kinh tế năm 1987. Ông tuyên bố: “Tôi từng là một nhà kinh tế keynesian trước khi trở thành nhà kinh tế tân cổ điển và vẫn là một keynesian”.
Kenneth Arrow, sinh năm 1921, là một tác giả cực kì thông minh khác của lí thuyết kinh tế: huy chương John Bates Clark năm 1958, chủ tịch Hội kinh tế Mĩ năm 1973 và giải Nobel kinh tế (cùng với John Hicks) năm 1973. Ông từng giảng dạy tại Standford (California), tiếp đến tại Harvard trước khi trở về Standford. Đặc biệt, ông đã chứng minh, cùng với Gérard Debreu, bằng toán học trực giác của Walras: tự do cạnh tranh dẫn đến một cân bằng chung tối ưu.
Paul M. Romer, sinh năm 1951, từng là giáo sư đại học Chicago (Robert E. Lucas cũng giảng dạy ở đây), rồi ở đại học Standford từ năm 1995. Ông cũng là thành viên của ban quản trị Hội kinh tế Mĩ. Bố ông là thượng nghị sĩ (dân chủ) bang Colorado và Romer nói là ông gọi điện trao đổi mỗi tuần một hai lần với bố để “kết nối với thế giới thực tế”.
Robert E. Lucas, sinh năm 1937, được giải Nobel năm 1995 vì những công trình về các dự kiến duy lí. Ông cho rằng, trong lĩnh vực chính sách kinh tế, sự can thiệp của chính phủ bao giờ cũng tai hại.
Kenneth Arrow (1921-)
Tuy nhiên phải thừa nhận rằng giải thích này là hơi thô. Như vậy, tiến bộ kĩ thuật này, mà với Solow là từ trên trời rơi xuống, từ đâu đến? Năm 1986, Paul M. Romer, một nhà kinh tế trẻ tuổi người Mỹ đề xuất một cách giải thích: đó không gì khác hơn là kết quả của việc thực tập qua kinh nghiệm, “learning by doing” (học bằng cách thực hành). Vì chỉ có qua thực hành thì ta có khả năng hoàn thiện, thay đổi, tóm lại là tiến triển. Hiển nhiên là Romer đẩy một cánh cửa đã mở: ông khám phá lại một phân tích nổi tiếng của Kenneth Arrow (một nhà kinh tế Mĩ khác, giải Nobel 1972 vì những phân tích của ông về lí thuyết phúc lợi) có từ năm 1962, và dựa đặc biệt trên việc là hầu hết những thay đổi kĩ thuật trong các cách sản xuất đều ra đời từ sự quan sát cụ thể kinh nghiệm sản xuất, từ bí quyết của những người trên thực địa. Nói cách khác, tiến bộ kĩ thuật có nhiều khả năng là quan trọng khi nền kinh tế càng phát triển, vì những cơ hội hoàn thiện và thay đổi được nhân bội. Trong lĩnh vực tăng trưởng cũng thế, hiệu ứng Mathieu[1] có hiệu lực: “Vì mọi kẻ có, thì sẽ được cho thêm mà nên dư dật; còn kẻ không có, thì điều có cũng bị giựt mất” (Mt 25, 29). Trái với Solow, Romer đề xuất ý cho rằng chính bản thân tăng trưởng sinh ra tiến bộ kĩ thuật (chứ không phải ngược lại), có nghĩa rằng nguồn gốc của tăng trưởng là nội sinh và tăng trưởng phụ thuộc vào vận tốc đã đạt được. Như vậy để nói rằng những cách biệt giữa các quốc gia, thay vì được thu hẹp, có thể có xu hướng doãng ra thêm.

Romer: tăng trưởng phụ thuộc vào đầu tư và thực tập qua kinh nghiệm

Đó không phải là hệ quả duy nhất của mô hình Romer. Từ nay, tăng trưởng phụ thuộc vừa vào đầu tư vừa vào tri thức thụ đắc qua kinh nghiệm. Romer nhấn mạnh là đầu tư càng tăng thì tri thức cũng có khả năng tăng cùng. Do đó, đối với một quốc gia, đầu tư trở thành một thách thức trung tâm: trong khi với Solow sụt giảm của năng suất cận biên của tư bản được đầu tư khiến cho việc đầu tư thêm trở thành kém hấp dẫn thì đối với Romer, sự kết hợp của đầu tư và kiến thức thụ đắc qua kinh nghiệm ngăn cản sụt giảm này. Do đó trong một nền kinh tế thị trường, để có được nhiều tăng trưởng hơn, phải đẩy mạnh đầu tư bằng tiết kiệm có thêm trước đó. Romer gặp lại niềm tin xưa của các nhà kinh tế cổ điển: tiết kiệm phải có trước đầu tư vì nếu không thì sẽ không tài trợ cho đầu tư được. Keynes đã dành cuộc đời mình để chống lại ý tưởng này: tiết kiệm là hệ quả của hoạt động kinh tế chứ không phải là một điều kiện tiên quyết. Do đó khuyến khích tiết kiệm, trong một trường hợp (Keynes), là kìm hãm đầu tư, và trong một trường hợp khác (Romer) là tăng tốc đầu tư.

Can thiệp công cộng có thể là một điều tốt

Nhưng trong khi đối với các nhà cổ điển, niềm tin trên phục vụ cho một cách nhìn tự do chủ nghĩa về nền kinh tế – bàn tay vô hình biến những lợi ích riêng thành sự giàu có tập thể – thì đối với Romer sự việc phức tạp hơn. Thật vậy, quá trình nổi tiếng này của sự tích luỹ tri thức qua kinh nghiệm tác động đến toàn bộ nền kinh tế chứ không chỉ riêng trên các doanh nghiệp nơi nó ra đời. Nói cách khác, bí quyết sở đắc ở Apple cho phép các nhà tin học tự mình khởi nghiệp: đó là điều tốt cho cộng đồng, nhưng không nhất thiết tốt cho Apple. Các nhà kinh tế gọi sự tách biệt này giữa lợi ích riêng và lợi ích tập thể là “hiệu ứng bên ngoài”. Và họ nhấn mạnh rằng duy chỉ có Nhà nước mới hoà giải hai lợi ích này với nhau được, bằng cách khuyến khích hay ràng buộc các doanh nghiệp chọn một ứng xử thuận lợi cho lợi ích tập thể. Tuy được thiết kế trong môi trường tân cổ điển (cung luôn luôn tìm được đủ cầu để tiêu dùng sản phẩm, không phải tiêu trường mà chính các nhân tố sản xuất mới ràng buộc tăng trưởng). Phân tích của lí thuyết tăng trưởng nội sinh dẫn đến những hình thức can thiệp đặc thù.
Robert Lucas (1937-)
Hình thức thứ nhất: can thiệp vào việc đào tạo nhân lực. Vì nếu Romer nhấn mạnh đến kinh nghiệm tích luỹ được qua thực tập thì sự đào tạo cũng có thể mang lại những kết quả tương tự: người được đào tạo sẽ có khả năng sử dụng những công cụ mới, thậm chí tham gia cải tiến chúng. Chính Robert Lucas – một giả Nobel khác, năm 1995, vì những công trình của ông về các “dự kiến duy lí[2] – đã khai phá chủ đề này theo hướng của những phân tích về “vốn con người”. Tất nhiên, người được đào tạo thụ hưởng thành quả của sự đào tạo vì chuyên môn cao hơn thường cũng nhận được thù lao cao hơn. Nhưng trong chiều hướng của những phân tích của Romer thì đóng góp vào xã hội nói chung của một gia tăng sản xuất lớn hơn sự gia tăng thù lao mà người được đào tạo có thể mong đợi. Do đó quả thật là có một hiệu ứng bên ngoài biện minh cho việc Nhà nước kích thích – bằng học bổng, việc đảm nhận chí ít là một phần chi phí đào tạo – các cá nhân tự đào tạo tốt hơn.
Nhưng đó không phải là sự can thiệp duy nhất có tiềm năng có lợi: kích thích sự đổi mới gây hiệu ứng tích cực cho tăng trưởng. Vấn đề là các doanh nghiệp chỉ đầu tư vào sự phát triển-triển khai (R-D) nếu họ hi vọng có được lợi ích từ đó. Thế mà nếu những khoản lời có liên quan chỉ là những khoản lời tập thể thì họ sẽ không, hoặc không có mấy động lực để đầu tư vào R-D. Sự can thiệp của Nhà nước có thể làm thay đổi cục diện bằng cách cho phép các công ty sáng tạo vẫn sở hữu những phát minh của mình, và do đó có được một quyền độc quyền, thông qua các bằng sáng chế.
Peter Howitt (1946-)
Philippe Aghion (1956-)
Schumpeter từng nhấn mạnh là chủ nghĩa tư bản tiến triển và hoạt động nhờ sự cạnh tranh không hoàn hảo bảo đảm cho các công ty được trọng thưởng vì những nỗ lực đổi mới của mình. Romer, và cả P. Aghion lẫn P. Howitt, tìm lại và phát triển trực giác này khi nhấn mạnh vai trò thiết yếu của quyền lực công cộng trong việc tài trợ và bảo vệ nghiên cứu-phát triển. Vả lại, hai tác giả sau cùng cho rằng hết đổi mới này sẽ có đổi mới khác, một phát minh của một công ty khiến cho những phát minh trước đó của một công ty khác trở thành lỗi thời và rằng quyền lực độc quyền do các bằng sáng chế mang lại chỉ có tính tạm thời và không ngăn cản sự cạnh tranh. Đó đơn giản là một sự cạnh tranh theo kiểu động, bằng sáng tạo, chứ không theo kiểu tĩnh, bằng giá cả.

Sự kết thúc của các cuộc chiến trong chiến hào?

Như ta thấy, các lí thuyết về tăng trưởng nội sinh đã xoá nhoà bản đồ về lí thuyết kinh tế thông dụng. Theo truyền thống, lí thuyết này đối lập các nhà keynesian với các nhà tân cổ điển. Các nhà kinh tế keynesian nhấn mạnh đến những khó khăn, thậm chí là sự bất khả, của việc phối hợp ex ante (tiên khởi) trong nền kinh tế thị trường. Điều này khiến cho sự can thiệp chỉnh sửa của Nhà nước là chính đáng. Trái lại, các nhà kinh tế tân cổ điển nhấn mạnh rằng các cơ chế thị trường cho phép phân bổ tốt nhất những nguồn lực hiện có và đảm bảo một tính hiệu quả tối đa. Thế mà các lí thuyết về tăng trưởng nội sinh lấy cảm hứng từ cả hai trào lưu lớn trên. Các lí thuyết này lấy lại từ trường phái đầu ý cho rằng cầu không thành vấn đề, có nhiều tiết kiệm hơn cho phép đầu tư nhiều hơn, do đó sẽ có nhiều tăng trưởng hơn. Các lí thuyết này cũng lấy lại từ trường phái sau ý cho rằng nếu không có sự can thiệp của Nhà nước, nền kinh tế sẽ hoạt động dưới mức tiềm năng của nó và cần phải bổ sung các cơ chế thị trường. Có lẽ có thể còn đi xa hơn nữa theo cùng chiều hướng ấy và chỉ ra rằng các cơ sở hạ tầng công, sự tồn tại của một nền hành chính hiệu quả và có năng lực, sự xã hội hoá các chi tiêu về y tế cũng là những hình thức có ích cho tăng trưởng. Nhưng hiển nhiên là cảm hứng nhị nguyên trên cho thấy là lí thuyết kinh tế đương đại bắt đầu thoát ra khỏi các cuộc chiến trong chiến hào và để tính đến những xã hội phức hợp, nó cần phải vượt qua những đối lập xưa.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn:Croissance économique, la fin des guerres des théories”, Alternatives Economiques n0182, 01/09/1998
----

Để tìm hiểu thêm:



Bài trình bày có tính sư phạm nhất về các lí thuyết tăng trưởng nội sinh là bài của Antoine d’Autume (mà chúng tôi có tham khảo để viết bài này) trong Les Cahiers français, n0272 (tháng bảy-chín 1995, số đặc biệt về “Les nouvelles théories économiques”. Cuốn sách của Dominique Guellec và Pierre Ralle, Les nouvelles théories de la croissance, có tính kĩ thuật và đào sâu vấn đề hơn, nhưng rất rõ (tủ sách Repères, NXB La Découverte). Dành cho sinh viên và nhà kinh tế quen thuộc với các cách tiếp cận toán học là cuốn sách của Pierre-Alain Muet, Croissance et cycles, théories contemporaines, tập hợp lại hai bài của tác giả đã đăng trong chuyên san “Observations et diagnostics économiques”, Revue de l’OFCE, tháng sáu 1993, với chủ đề “Cycles d’hier et d’aujourd’hui”. Hầu hết các sách mới ra về kinh tế vĩ mô đều có trình bày các lí thuyết tăng trưởng nội sinh, ví dụ xem giáo trình của Jean-Luc Gaffard, Croissance et fluctuations économiques, NXB Montchrétien, hay ngắn hơn và ít kĩ thuật hơn, Macro-économie, une perspective européenne, (NXB de Boek, Belin phát hành).
Hầu hết những bài tạo lập của các tác giả – hầu hết là người Mĩ – trên chủ đề này đã được dịch ra tiếng Pháp. Growth Theory của Solow đã được NXB Armand Colin dịch năm 1970. Bài thuyết trình của ông nhân dịp nhận giải Nobel đã được tạp chí Revue française d’économie dịch trong số mùa xuân năm 1988 với tựa là “La théorie de la croissance économique”. Một tuyển tập những bài chính viết về lí thuyết tăng trưởng cho đến đầu những năm 1970 đã được Gilbert Abraham-Frois tập hợp trong hai tập với tựa là Problématiques de la croissance (NXB Economica, 1974). Có thể tìm thấy trong đó bản dịch bài tạo lập của Solow “A Contribution to the Theory of Economic Growth” (1956), cũng như những bản dịch các bài của Harrod (1948) và Domar (1947), hai tác giả của mô hình tăng trưởng đầu tiên. Trong tuyển tập các bài do D. Foray và D. Freeman chọn dưới tựa Technologies et richesses des nations (NXB Economica, 1992) có một bài của P. Aghion và P. Howitt và trong tạp chí Annales d’Economie et de statistique (số 22, tháng sáu 1991) có bản dịch tiếng Pháp bài Endogeneous Technical Progress của P. Romer.




Chú thích:

[1] Thuật ngữ, dẫn chiếu một câu trong Thánh kinh, do nhà xã hội học Mỹ Robert Merton sáng tạo, trong một bài viết năm 1968, nghiên cứu bằng cách nào các nhà khoa học và đại học nổi tiếng nhất có xu hướng duy trì sự thống trị của họ trên thế giới hàn lâm. Đôi khi hiệu ứng này được tóm tắt bằng tục ngữ “người giàu càng giàu, người nghèo càng nghèo” (ND).

[2] Xem “Les belles constructions des nouveaux classiques”, Alternatives Economiques n0190, tháng chín 1996.

Print Friendly and PDF