5.11.19

Shibusawa Eiichi: Doanh Nhân Lập Quốc Vĩ Đại của Nhật Bản + Shibusawa Eiichi, sơ lược về cuộc đời và tác phẩm


SHIBUSAWA EIICHI: DOANH NHÂN LẬP QUỐC VĨ ĐẠI THỜI MINH TRỊ DUY TÂN

Lời nói đầu. Dưới đây là hai bài giới thiệu, một của GS Trần Văn Thọ, một của tôi, cho quyển Tự truyện có tên Vũ Dạ Đàm (Nói chuyện trong đêm mưa) của Shibusawa Eiichi, một trong những nhà lập quốc vĩ đại của Nhật Bản Minh Trị. Nếu Fukuzawa Yukichi truyền bá văn minh khai sáng vào Nhật Bản để thức tỉnh dân tộc, thì Shibusawa có thể nói là một trong những người dựng nước qua việc xây dựng nền kinh tế theo mô hình phương Tây tại Nhật Bản dựa trên tri thức quản lý và công nghệ. Một quốc gia không chỉ thành công bằng những ý tưởng khai sáng thuần túy để có một quốc gia mới phú cường, mà còn bằng muôn vàn đóng góp của những người con thân yêu của đất nước gieo những hạt giống mới của một nền sản xuất hiện đại dựa trên tri thức, công nghệ, trên mảnh đất khai sáng đó. Nước Đức thế kỷ XIX cũng thế, không chỉ có các nhà tư tưởng lớn như Kant mà còn có cả một thiên hà các nhà công nghiệp vĩ đại như Krupp. Và hơn nửa thế kỷ sau, Nhật Bản cũng thế. Đó là quỹ đạo của sự phát triển của các quốc gia đi sau. Đọc Vũ Dạ Đàm chúng ta thấy một Nước Nhật mới manh nha thế nào từ buổi đầu của cuộc Duy Tân trên một mảnh đất trống không. Chỉ có tri thức còn phôi thai học được từ phương Tây, có lòng yêu nước nồng nàn, đạo đức truyền thống kiên định, ý chí và sự đoàn kết cao độ. Shibusawa, cũng như các nhà cải cách khác, không lập ra một lý thuyết mới nào cả, mà nhanh chóng áp dụng nền kinh tế phương Tây vào Nhật Bản. Muốn lấy lại sự bình đẳng đã mất đi trong các hiệp ước thương mại bất bình đẳng với phương Tây, và tránh số phận của Việt Nam hay Trung Hoa, thì đơn giản phải nhanh chóng xây dựng một quốc gia hiện đại như phương Tây để có sức mạnh kinh tế ngang bằng để được công nhận. Để làm điều đó, Shibusawa đã giúp khởi nghiệp – theo đúng nghĩa của từ này hôm nay – mấy trăm công ty ở thời điểm 150 năm trước như một người “khởi nghiệp hàng loạt” – serial entrepreneur – theo kiểu Thung Lũng Silicon, ở mức độ chưa từng thấy.
Nhưng mục đích tối hậu của ông không phải làm giàu, mà vì lý tưởng xây dựng quốc gia, và trách nhiệm của một “sỹ phu doanh nhân” ở buổi giao thời, làm cho tri thức và những cách làm ăn mới lan tỏa trên cả nước một cách thuyết phục để quốc gia thắng lợi. Một dân tộc có những kỳ vọng vĩ đại phải có những người con vĩ đại để thực hiện và trung thành một cách gương mẫu với lợi ích tối thượng của quốc gia. Shibusawa xuất hiện rất đúng lúc lịch sử yêu cầu. Shibusawa không những lập công ty, mà dựng cả quốc gia. Người ta có thể nói đến các nhà khai sáng, giáo dục, chính trị gia, tướng lãnh, nhưng sự hình thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng có ảnh hưởng to lớn, nếu không muốn nói quyết định, lên sức mạnh sống còn của quốc gia. Nhìn hệ thống các doanh nghiệp công nghiệp-tài chính, người ta có thể chẩn đoán sức khỏe của quốc gia.
Xin giới thiệu nồng nhiệt với quý độc giả một cuốn sách rất lôi cuốn. NXX
Sách Shibusawa Eiichi, Vũ Dạ Đàm, chủ trì và dịch giả: TS Nguyễn Lương Hải Khôi, với lời dẫn nhập của GS Trần Văn Thọ và Nguyễn Xuân Xanh
Dày 350 trang, giá bìa 159.000 VNĐ, phát hành tại Công ty Phương Nam TP HCM, tháng 8, 2019
[I]

Shibusawa Eiichi: Hiện thân của Tinh thần Doanh nghiệp Nhật Bản

TRẦN VĂN THỌ
(Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo)
Trong khoảng 150 năm phát triển kinh tế, Nhật Bản đã sản sinh ra nhiều nhà doanh nghiệp vĩ đại. Nói đúng hơn, không có họ thì Nhật không có một nền công nghiệp hiện đại như ngày nay. Những người sáng lập Toyota, Honda, Sony, Matsushita, Canon, v.v. đều là những nhà doanh nghiệp được người Nhật truyền tụng mãi với lòng tự hào. Nhưng vượt lên trên tất cả những người nầy có lẽ là Shibusawa Eiichi (1840-1931). Ông hội tụ tất cả – mọi đức tính, mọi tố chất của một nhà lãnh đạo. Và hơn thế nữa, sống trong buổi giao thời của hai chế độ, sống trong giai đoạn đất nước đứng trước nguy cơ bị Tây phương xâm chiếm, thái độ và hành động của một kẻ sĩ thức thời ở ông đã góp phần quyết định vào sự thành công của Minh Trị duy tân. Và về đạo đức trong kinh doanh, như ta sẽ thấy sơ lược dưới đây, và thấy chi tiết trong sách này, cũng như các cuốn sách mà nhà nghiên cứu Nhật Bản Nguyễn Lương Hải Khôi đã dịch, cổ kim Đông Tây có ai hơn Shibusawa? Câu chuyện Shibusawa còn đáng kể mãi là vì nó phản ảnh một tấm gương sáng của người lãnh đạo chính trị trong chế độ mới, vì lợi ích quốc gia đã cầu hiền từ những người của chế độ cũ. Nếu không thì tài năng của Shibusawa đã bị mai một và có thể người Nhật đã không có một đất nước như ngày nay.
Sinh ra vào giai đoạn cuối của thời đại Edo trong một gia đình trồng dâu nuôi tằm tại Saitama, một tỉnh giáp Edo (tên cũ của Tokyo) về phía bắc, Shibusawa lúc nhỏ đã rất thông minh, ham học. Ông được Tokugawa Yoshinobu, tướng quân cuối cùng của thời Edo, tuyển vào cung để dạy cho công tử học. Sau công tử của tướng quân được gửi sang Pháp du học và Shibusawa cũng được gửi theo để dạy kèm. Trong lúc ở Pháp, Shibusawa khám phá nhiều điều mới lạ của một xã hội tiên tiến. Đặc biệt ông quan tâm đến tổ chức và hoạt động của công ty, của hệ thống ngân hàng. Thế rồi ông vừa làm công việc dạy kèm vừa vùi đầu vào việc nghiên cứu, ghi chép các vấn đề này.
Khi Shibusawa về nước (1868) thì chế độ tướng quân đã sụp đổ, thay vào đó là chính quyền mới được lập ra chung quanh Minh Trị Thiên Hoàng, và tướng quân cuối cùng đã về ở ẩn tại Shizuoka, một tỉnh ở vùng núi Phú Sĩ. Shibusawa cũng theo chủ về ở Shizuoka. Về ở ẩn nhưng ông vẫn băn khoăn về vận mệnh đất nước, nhất là ông nghiên cứu và tập hợp tư liệu về việc xây dựng và tổ chức một nền kinh tế tiên tiến, nhưng bây giờ lại không được thi thố tài năng. Ông suy nghĩ nhiều về phương cách truyền bá sự hiểu biết của mình mong góp phần biến cải xã hội. Ông bèn lập ra Sở giảng dạy thương pháp (luật về thương mại) tại nơi ở của mình với mong muốn giúp những doanh nhân vừa ra đời trong thời đại mới hiểu biết về cách tổ chức một công ty hiện đại.
Cùng lúc đó, chính quyền Minh Trị đương bắt tay vào việc xây dựng đất nước dưới các khẩu hiệu “phú quốc cường binh”, “quyết theo kịp phương Tây”, v.v. và nhận ra rằng họ đương thiếu một chuyên gia am hiểu các vấn đề tài chánh, ngân hàng, …. Họ chuẩn bị gửi người đi du học nhưng được thông tin về Shibusawa, họ đã quyết định mời ông tham gia chính quyền và cho giữ ngay một chức vụ quan trọng trong Bộ Tài chánh. Với cương vị và uy tín này, Shibusawa đã thi thố được hết tài năng của mình. Năm 1872, ông thiết lập hệ thống ngân hàng hiện đại, trong đó lập các ngân hàng tiên tiến và kiểu mẫu, sau đó trở thành điển hình cho một loạt các ngân hàng công và tư hình thành trong giai đoạn 1877-1880. Trong các thập niên 1880 và 1890, Shibusawa còn lập ra hàng chục công ty hiện đại trong các lãnh vực kéo sợi, dệt vải, đóng tàu, hàng hải, bảo hiểm, đường sắt, v.v.. Rất nhiều công ty hàng đầu của Nhật hiện nay thuộc nhiều lãnh vực khác nhau đã bắt nguồn từ công lao xây dựng của Shibusawa. Để nâng cao địa vị của giới doanh nhân, ông còn khởi xướng lập Phòng thương mại Nhật Bản và nhiều đoàn thể kinh tế khác. Thật không ngoa khi có nhiều nhà phân tích đã gọi Shibusawa là ông tổ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản.
Shibusawa còn là một trong những người đầu tiên hô hào đạo đức trong kinh doanh, chủ trương nhà kinh doanh phải là người yêu nước và có hoài bão đem năng lực cải tiến xã hội, góp phần vào việc xây dựng đất nước và làm cho đồng bào mình được no ấm. Những công ty ông lập ra sau khi hoạt động đã lên quỹ đạo, ông rút lui nhường lại cho người trẻ để có thì giờ lập những công ty khác hoặc làm những việc khác, vì ông thấy trong một đất nước non trẻ còn quá nhiều lãnh vực cần ông phát huy năng lực. Ông có trên dưới 10 người con nhưng không hề áp đặt những công ty, những tổ chức do ông sáng lập phải nhận con ông vào trong ban lãnh đạo. Ông chủ trương con cháu ông phải tự lập, tự mình học hỏi, trau dồi và nếu xứng đáng thì xã hội sẽ trọng dụng.
Shibusawa bỏ công sức cho giáo dục và làm từ thiện. Ông đã tham gia sáng lập nhiều trường đại học, kêu gọi đóng góp vô vị lợi từ các công ty. Đại học Hitotsubashi, nơi tôi học ngày xưa, bắt đầu bằng một cơ sở giáo dục do ông sáng lập thời đầu Minh Trị (Sở giảng dạy thương pháp nói trên).
Tên tuổi của Shibusawa Eiichi được truyền tụng mãi ở Nhật Bản, chiếm một vị trí lớn trong sách giáo khoa cho học sinh các cấp. Ông là một trong những nhân vật lãnh đạo vĩ đại của thời Minh Trị và có thể nói ông là nhà doanh nghiệp vĩ đại nhất của Nhật xét từ mọi phương diện tài năng, đức độ, và mức độ ảnh hưởng đến quá trình đưa nước Nhật thành một cường quốc kinh tế.
Shibusawa Masahide (1925-)
Tôi có một kỷ niệm đẹp với người cháu đích tôn 4 đời của Shibusawa Eiichi, đó là Shibusawa Masahide (1925-). Ông cố nội (tằng tổ phụ) của Masahide là Shibusawa Eiichi và ông cố ngoại là Iwasaki Yataro (ông tổ sáng lập tập đoàn Mitsubishi). Từ đầu thập niên 1990, tôi có quan hệ khá thân thiết với ông Shibusawa Masahide, lúc đó ông là Giám đốc Quỹ Kỷ niệm Shibusawa Eiichi, đồng thời là hiệu trưởng trường Nữ học quán Tokyo (Tokyo Jogakkan). Khi tôi vận động các giới ở Nhật để thành lập Trung tâm Kinh tế châu Á Thái bình dương (VAPEC) tại Việt Nam (năm 1993), ông Masahide có tham gia vào ban cố vấn.
Một kỷ niệm rất đẹp là như thế này: Năm 1993 cuốn sách (bằng tiếng Nhật) của tôi (xuất bản năm 1992) được Giải thưởng Châu Á Thái bình dương (do Nhật báo Mainichi và Viện nghiên cứu Á châu tổ chức). Tôi đã dùng tiền thưởng đó tặng cho trường trung học phổ thông (Cấp 3) ở Hội An để làm quỹ học bổng cho học sinh nghèo. Thật ra ở bậc trung học cơ sở (Cấp 2) tôi học ở trường khác, một trường ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Lẽ ra tiền học bổng nên chia hai để tặng cho cả hai trường, nhưng nghĩ là số tiền không lớn nên chỉ dành cho một nơi, còn nơi khác sẽ cố gắng tìm một quỹ khác.
Sau đó ít lâu, trong một buổi ăn trưa trò chuyện với ông bà Shibusawa Masahide, tôi vui miệng kể chuyện học bổng nói trên và tâm sự là nếu có số tiền lớn hơn tôi đã giúp cả trường cấp 2 nữa. Ông Masahide nói ngay: “Vậy để tôi giúp số tiền bằng tiền giải thưởng cuốn sách để anh lập quỹ học bổng cho Trường cấp 2”. Tôi rất ngạc nhiên vì sự phản ứng rất nhanh và rất tự nhiên của ông Masahide. Thế là cả hai trường đều có quỹ học bổng. Qua câu chuyện này, tôi muốn nói đến tinh thần vì công ích, vì xã hội đã thấm vào máu thịt của con cháu Shibusawa Eiichi.
Có nhiều định nghĩa về tinh thần doanh nghiệp (entrepreneurship) nhưng theo tôi, một tố chất quan trọng trong tinh thần doanh nghiệp là văn hóa, là đạo đức kinh doanh, là lòng yêu nước, là tinh thần phụng sự xã hội. Ở Việt Nam ta hiện nay rất cần những nhà doanh nghiệp có những tố chất như Shibusawa Eiichi.
Tokyo, mùa anh đào năm 2019
TVT
[II]
SHIBUSAWA EIICHI
DOANH NHÂN LẬP QUỐC VĨ ĐẠI
CỦA NHẬT BẢN MINH TRỊ
NGUYỄN XUÂN XANH
[1]
Đầu tháng 4 năm 2019, ngân hàng Nhật Bản chính thức công bố sẽ phát hành ba loại giấy bạc trước thềm một thời kỳ mới bắt đầu với sự lên ngôi Hoàng đế của hoàng thái tử Naruhito ngày 1 tháng 5 sắp tới. Giấy bạc mệnh giá ¥10,000, cao nhất trong ba đồng tiền mới, có ảnh của Shibusawa Eiichi, sẽ lưu hành chính thức năm 2024, thay cho giấy bạc cùng mệnh giá có ảnh của nhà khai sáng Yukichi Fukuzawa. Vậy Shibusawa là ai?
Shibusawa Eiichi (1840-1931)
Nhật Bản làm một cuộc canh tân Minh Trị 150 năm trước thành công ngoài dự đoán của thế giới. Một đảo quốc nhỏ ở phương Đông bỗng nhiên biến thành đại bàng sải cánh, trở thành một cường quốc kinh tế-quân sự, và một quốc gia văn minh ở vùng mà các dân tộc khác chưa tỉnh lại từ giấc ngủ nghìn năm. Để có thành công đó, Nhật Bản đã sản sinh vô số “anh hùng” trên mọi địa hạt, mọi bậc thang xã hội. Trên hết, những anh hùng nổi bật như Fukuzawa Yukichi trong lãnh vực tư tưởng và khai minh định hướng, Ito Hirobumi trong lãnh vực chính trị và lập quốc, và trong lãnh vực có tính quan trọng sống còn của một quốc gia, Shibusawa Eiichi, nhà doanh nghiệp – entrepreneur – đổi mới sáng tạo, và nhà tổ chức kinh tế lỗi lạc thuộc “đệ nhất thiên hạ”.
Shibusawa là một con người tài ba, tâm huyết, và có năng lực ngoại hạng, đã có công có những cống hiến vô cùng to lớn trong sự nghiệp phát triển toàn khu vực kinh tế tư nhân qua sự hình thành một “giai cấp doanh nhân mới” làm trụ cột vững chắc. Giai cấp doanh nhân này phải được xây dựng hoàn toàn mới, bởi nó không thể được kế thừa từ di sản của quá khứ thời Tokugawa chút nào, từ cách làm ăn, quan điểm, tầm nhìn, trình độ tri thức công nghiệp hiện đại, đến những chuẩn mực đạo đức, tinh thần yêu nước, phụng sự và dâng hiến cho quốc gia. Cho dù được khai sáng, có một nhà nước vững mạnh, nhưng không có một giai cấp doanh nhân đổi mới sáng tạo có năng lực, đi đúng quỹ đạo thế giới, thì cũng không thể đạt tới “quân hùng dân mạnh”. Thực tế, Shibusawa chính là người được ví như “Người cha của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản”, và là “giáo sĩ” truyền bá không mệt mỏi “phúc âm” của sự phồn vinh, tiến bộ, và thúc đẩy hình thành nền kinh tế hiện đại cũng như một giai cấp doanh nhân mới đầy năng lực và trách nhiệm như điều ông muốn.
[2]
Shibusawa là con trai của một gia đình nông dân giàu có, có học, có văn hóa. Những năm đầu của tuổi trẻ, ông chao đảo giữa việc phục vụ nó và hỗ trợ phong trào lật đổ chính phủ Mạc phủ Tokugawa, vì nó tỏ ra bất lực trong cuộc canh tân triệt để đất nước trước nguy cơ bị lệ thuộc. Sau khi được nâng lên quy chế samurai do những đóng góp tốt, ông phục vụ chế độ Shogun cho đến khi chế độ này bị lật đổ năm 1868. Một sự kiện có tầm quan trọng đối với tương lai ông là vào năm 1867, ông được chọn tháp tùng người em của Shogun cầm quyền, Akitake, đi dự Triển lãm Quốc tế Paris. Triển lãm nằm dưới sự bảo trợ của Napoleon III, diễn ra từ tháng 4 đến tháng 11, với 42 quốc gia đại diện, thu hút tổng cộng 15 triệu người xem. Trong số các vị khách đặc biệt có Nga hoàng II, Vua Wilhelm và Thủ tướng Otto von Bismarck của Phổ, và một số vị quan trọng khác.
Phái đoàn của Tokugawa Akitake tham gia hội chợ Paris 1867
Lần đầu tiên, Nhật Bản triển lãm các tác phẩm nghệ thuật tranh khắc gỗ, tạo được ấn tượng mạnh mẽ lên giới hội họa châu Âu. Không chỉ van Gogh mà cả nhiều nghệ sĩ khác trường phái ấn tượng chủ nghĩa của Pháp mê tranh Nhật Bản và họ nói về một “thế giới quan Nhật Bản”, Japonism. Cũng trong cuộc triển lãm này, nhà sản xuất công nghiệp Đức Krupp lần đầu tiên trưng bày loại súng cà-nông có trọng lượng đến 50 tấn làm bằng thép, và thực tế nó sẽ có một hệ quả khôn lường trong thế cờ chính trị châu Âu qua cuộc chiến tranh Phổ-Pháp diễn ra chỉ vài năm sắp tới. Trong chuyến công du Iwakura năm 1871-73 các nhà lãnh đạo Nhật sẽ thăm tập đoàn sản xuất Krupp tại thành phố Essen.
Chuyến đi này mở mắt Shibusawa. Ông bị ấn tượng vô cùng mạnh mẽ trước các công ty cổ phần (joint-stock) bề thế của châu Âu, nhìn thấy trong đó một thông điệp quan trọng cho Nhật Bản, nhìn thấy các cường quốc công nghiệp châu Âu là mô hình phát triển cho Nhật Bản để học hỏi. Những công trình công nghiệp lớn không thể nào được thực hiện mà không có sự chung sức của nhiều nguồn lực và tài năng lãnh đạo đóng góp lại. Loại hình công ty này có lịch sử lâu đời ở châu Âu từ thời Trung cổ và ngày càng phát triển ở những thế kỷ 16, 17, vượt khỏi khuôn khổ gia đình. Các nhà công nghiệp lớn đều có tầm nhìn quốc gia và quốc tế. Muốn trở thành cường quốc kinh tế, Nhật Bản cũng phải làm ăn lớn, sản xuất lớn, và muốn thế phải có các công ty cổ phần lớn làm nền tảng. Nhưng lấy đâu ra những công ty cổ phần lớn đó ở Nhật Bản? Phần lớn giới kinh doanh vẫn còn làm ăn manh mún với tâm tính lạc hậu thời phong kiến.
Inoue Kaoru (1836-1915)
Itô Hirobumi (1841-1909)
Khi trở về nước, Shibusawa được Ōkuma Shigenobu (người xây dựng Đại học Wasade năm 1882), lúc này là Bộ trưởng Bộ ngoại giao của chính quyền mới 1868, thuyết phục nhận một vị trí trong Bộ Tài chính, ở đó ông làm việc chặt chẽ với Inoue Kaoru, thứ trưởng Bộ tài chính, và ông đã hoạt động rất thành công. Nhưng đến năm 1872 thì ông tự ý rời bỏ vị trí rất hứa hẹn này, vì sao? Vì ông muốn dấn thân toàn tâm toàn trí vào việc phát triển các lãnh vực công nghiệp và ngân hàng tư nhân. Shibusawa giúp xây dựng “Đệ nhất ngân hàng quốc gia” (Dai Ichi Ginkō) tháng 11, 1872, là ngân hàng cổ phần hiện đại đầu tiên. Với tư cách chủ tịch ngân hàng, ông đóng vai trò then chốt trong việc phát triển các ngân hàng mới, và đào tạo lãnh đạo và sự phát triển các chính sách ngân hàng. Lấy ngân hàng đó làm bàn đạp, ông thành lập hàng trăm công ty cổ phần như Imperial Hotel, Nippon Usen, Nippon Steel, Ngân hàng Tokyo, Công ty chứng khoán Tokyo, Công ty kéo sợi Osaka và Bia Sapporo. Ông thực tế can dự vào tất cả doanh nghiệp liên quan đến sự phát triển công nghiệp của đất nước, thành lập hệ thống hỏa xa, các công ty tàu thủy, đánh cá, công ty in, nhà máy thép, các nhà máy ga và điện, các tổ hợp khai thác mỏ và dầu hỏa.
Với sự thành công của công ty kéo sợi Osaka, một dạng công ty cổ phần như được mô tả dưới đây, ông được xem là nhà lãnh đạo tiên phong trong ngành kéo sợi. Sau đó, ông đầu tư nhiều vào ngành đường sắt và vận tải biển, và quảng bá cho hình thức công ty cổ phần như phương tiện tốt nhất để phát triển kinh tế Nhật Bản, đối kháng với hai công ty khổng lồ là Mitsui và Mitsubishi. Về sau, ông cũng là người thành lập các tổ chức xã hội-văn hóa như Phòng thương mại và công nghiệp, Imperial Theater, Đại học Phụ nữ Nhật Bản, Hội chữ thập đỏ Nhật Bản, hỗ trợ cho giáo dục, đặc biệt trong giáo dục bậc cao về kinh doanh như các trường Đại học Hitotsubashi, Tokyo Keizai, giáo dục đại học cho phụ nữ và trường tư. Ông can dự vào khoảng 600 đề án liên quan đến giáo dục, phúc lợi xã hội và những thứ khác.
[3]
Để hiểu thêm ý nghĩa của hoạt động kinh tế của Shibusawa, chúng ta cần hiểu bối cảnh kinh doanh tại buổi giao thời. Ở Nhật Bản thời Tokugawa, hầu như không có khái niệm “công ty cổ phần” là gì, và khi bước qua giai đoạn Minh Trị, các nhà buôn giàu có cũng vẫn giữ cách làm ăn cũ dựa trên gia đình là chính, sự hợp tác ngoài gia đình là xa lạ. Mitsui là tiêu biểu, hoạt động của doanh nghiệp này hoàn toàn dựa trên gia đình, và qua đến thời cải cách Minh Trị cũng như thế. Người chủ của nó, Iwasaki Yatarō chống lại chủ trương công ty cổ phần của Shibusawa. Khi chính quyền Minh Trị, với những nỗ lực của Shibusawa, tuyên truyền cho loại hình công ty mới này, thì các nhà buôn thời cũ cũng chỉ làm một động tác duy nhất là thay đổi cái tên ya (cửa hàng) thành kaisha (công ty). Các rào cản giai cấp-xã hội không còn, nhưng vết hằn tâm lý, thói quen vẫn ngự trị trong đầu con người. Ngược lại, samurai là giai cấp dễ dàng chấp nhận hình thức công ty mới, bởi họ không có truyền thống nào cố định. Samurai, nhìn chung, chính là những người tiên phong thực hiện các công ty cổ phần. Năm 1899, nhìn lại sự phát triển của các công ty cổ phần, Shibusawa cho rằng, sự tiến bộ đáng ngạc nhiên của nền công nghiệp và ngân hàng Nhật Bản là do loại hình công ty này, ngược lại với tình hình lạc hậu ở Trung Quốc nơi kinh doanh chỉ dựa vào gia đình.
Các nhà lãnh đạo kinh doanh sáng tạo (entrepreneurial leaders) thời đầu và giữa Minh Trị là ít ỏi. Họ phải hoạt động trải rộng ra trên nhiều lĩnh vực, để giải quyết những vấn đề cơ bản, nhường lại những vấn đề khác cho những người khác lo. Và một khi khi giải quyết xong, họ đi tìm mục tiêu mới. Shibusawa là nhà lãnh đạo kỳ tài và đa dạng như thế. Ở vị trí này hay vị trí khác, Shibusawa có mối liên hệ với hơn 500 công ty đa dạng loại, phần lớn là những công ty công nghiệp – với tư cách là chủ tịch, giám đốc, tư vấn hay cổ đông. Ông vừa là nhà hoạt động ngân hàng (banker) chuyên nghiệp, cũng như là nhà công nghiệp. Sở dĩ như thế là vì tuy ông biết ít về công nghệ, nhưng ông là người giải quyết được những vấn đề then chốt làm tắc nghẽn doanh nghiệp. Rồi ông giao lại cho quản lý. Khi một nhà máy có vấn đề nan giải, ông có thể xông vào để tìm giải pháp. Shibusawa là “problem solver” – người giải quyết vấn đề, nhà chiến lược và đổi mới sáng tạo của cuộc công nghiệp hóa hiện đại.
Các công ty Shibusawa thành lập có những đặc tính sau đây:
[1] Một số phần trăm cực kỳ cao các doanh nghiệp là các hình thái hoàn toàn mới chưa bao giờ có mặt ở Nhật Bản trước đó, Công ty cổ phần, và đưa vào sử dụng tri thức và công nghệ mới của phương Tây, như Công ty kéo sợi Osaka, Công ty sản xuất gạch Nhật Bản, Công ty Phân bón nhân tạo Tokyo, Bảo hiểm hàng hải Tokyo, Xưởng đóng tàu Ishikawajima Tokyo, Công ty giấy Oji, Công ty khí Tokyo, và Công ty bia Sapporo.
[2] Nhiều trong số số các công ty được ông thành lập góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế hiện đại, như hệ thống đường sắt, cảng, khai mỏ, bao gồm Công ty đường sắt Nhật Bản, Công ty đường sắt Hokkaido, Công ty đường sắt Hokuriku, Công ty xây dựng cảng Wakamatsu, Công ty xây dựng cảng Moji, Công ty khai thác mỏ than Iwaki, và Công ty khai thác than Nagato không khói.
Shibusawa nhận thấy có sự “siêu thừa thãi” công chức chính quyền và sự thiếu hụt các doanh nhân có năng lực và đầu óc tiến bộ. Ông nhận thấy, trong ngọn lửa hừng hực của đổi mới đất nước đang diễn ra, thanh niên dễ có khuynh hướng đi vào chính trị và quân sự mà đánh giá thấp kinh tế. Cái gì lớn lao và kích động thường được quy về chính quyền, giới chính trị, khiến cho những người trẻ có tham vọng của giai tầng tinh hoa kỳ vọng vào một chức vụ trong chính quyền, hơn là vào công việc kinh tế. Cho nên, việc thu hút tài năng trẻ dấn thân cho hoạt động kinh tế là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ông. Theo ông, kinh tế mới là cơ sở của chính trị. Kinh tế yếu, không thể có chính trị mạnh. Và đó chính là công việc mà ông đã hiến dâng cả cuộc đời. Ông rời khỏi chức vụ trong Bộ tài cũng chính là để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Ông cũng đã nhìn thấy, chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa quan liêu là hai kẻ thù nguy hiểm của kinh tế. Ông luôn luôn nhấn mạnh đến sự độc lập đối với chính quyền, bởi ông từng chứng kiến khuynh hướng các doanh nghiệp Minh Trị hay dựa dẫm vào tiền bao cấp của chính quyền, và những hợp đồng béo bở mà các zaibatsu (“tập đoàn tài phiệt”) thường là những người hưởng lợi. Ông chống lại chủ nghĩa phân biệt đối xử, chủ nghĩa hậu đãi đang diễn ra.
[4]
Tuy Shibusawa có lẽ là doanh nhân lỗi lạc và có tầm nhìn xa nhất trong tất cả các doanh nhân thời Minh Trị, nhưng tại sao ông không bao giờ tích lũy tài sản trên qui mô của Iwasaki Yatarō, Ōkura Kihachirō, Yasuda Zenjirō, để trở thành một zaibatsu của riêng ông? Ông thành lập hàng trăm công ty mà giờ đây rất nhiều trong đó vẫn còn tên tuổi, nhưng ông không có vương quốc riêng để thống trị? Zaibatsu Shibusawa có, nhưng chỉ để quản lý tài sản ông. Sở dĩ như thế là vì ông nghĩ khác, có nhân cách và mục tiêu tối hậu khác. Vương quốc lớn nhất của ông là quốc gia và những quyền lợi tối thượng của nó, là cộng đồng doanh nghiệp, mà ông là người đầy tớ trung thành. Ông không phải là doanh nhân chỉ biết tập trung kiếm tiền, tối đa hóa lợi nhuận và tích lũy. Ông thành công với tư cách nhà công nghiệp và nhà ngân hàng, nhưng không phải chỉ xoay quanh tích lũy tài sản. Mối quan tâm trong trái tim ông xa hơn, là giáo dục và xây dựng cộng đồng kinh doanh vững mạnh. Ông hành động như nhà khai sáng công nghiệp, một chính khách, một nhà triết học, và cuối cùng nhưng trên hết, là nhà giáo dục và truyền bá tri thức, như một “giáo sĩ” trong lĩnh vực kinh doanh và đạo đức. Các zaibatsu tích lũy được tài sản và quyền lực của tiền bạc, vì họ tập trung vào đó, và ít quan tâm đến những việc khác. Còn Shibusawa chăm sóc sự phát triển của cả nền kinh tế và cộng đồng doanh nhân, và cuối cùng sống mãi trong ký ức của lịch sử Nhật Bản như người cha của nền kinh tế hiện đại. Ông chinh phục cộng đồng doanh nghiệp không phải bằng quyền lực hay tiền bạc, mà trên hết bằng sự thuyết phục và tấm gương phụng sự tận tụy. [Hirschmeier, 236]
Theo ông, sự phát triển kinh tế đòi hỏi không chỉ vốn và công nghệ hiện đại, nhưng căn bản sự chấp nhận một lý tínhđạo đức kinh doanh mới. Trong thời Tokugawa, nhiều giá trị phi-kinh tế dai dẳng bám sát truyền thống và xem thường giới thương nhân, ngăn chặn sự phát triển kinh tế. Theo Shibusawa, doanh nhân – entrepreneur, gồm những nhà công nghiệp, nhà ngoại thương, và nhà ngân hàng − cần có những phẩm chất: giáo dục, chân thật, đức hạnh, nhân cách và một sự tổng hợp giữa Luận ngữ của Khổng tử và bàn tính (abacus). Ông diễn giải những tính chất này là cái Đạo của Samurai (bushidō) trong thời kinh doanh mới. Hai tính chất quan trọng được đề cập dưới đây.
Giáo dục (gakumon) là điều điều tất yếu phải có trong thời đại mới. Công nghệ hiện đại và các phương pháp kinh doanh được du nhập từ phương Tây, làm sao có thể kinh doanh mà không học được? Cho nên ông nỗ lực ủng hộ việc thành lập các trường cao đẳng thương mại và các trường định hướng thực tiễn. Gakumon luôn luôn là biểu tượng đẳng cấp của giai cấp samurai. Giai cấp này dưới thời Tokugawa là giai cấp có học, không phải học để làm quan, mà học để có văn hóa và văn minh, có đủ năng lực phán đoán, xứng đáng với vai trò lãnh đạo của họ. Điều này tương tự như cái học các ngành nghệ thuật khai phóng ở các đại học Trung cổ. Sự nhấn mạnh sự học Khổng giáo có tính lý thuyết có mục đích tương tự như học các môn khai phóng, học triết học kinh viện hay giáo dục nhân văn dựa trên tiếng La tinh và Hy Lạp ở phương Tây từ thời Trung cổ trong đại học, nhằm rèn luyện trí tuệ và định hình “khí tính” con người. Cái học này cũng tạo nên niềm hãnh diện và ý thức ưu việt về đạo đức của giới samurai Nhật Bản đối với “những người man di phương Tây”. Chính các học giả Khổng giáo thời Tokugawa là những người có đầy đủ năng lực thực hiện cuộc chuyển đổi từ cái học cũ sang cái học phương Tây, từ một xã hội phong kiến sang xã hội hiện đại. Điều đó cho thấy sự khác biệt căn bản giữa giới samurai Khổng giáo và giới nho giáo Việt Nam. Lực lượng thúc đẩy chính yếu cuộc công nghiệp hóa thời Minh Trị không còn là giới thương nhân của thời Tokugawa nữa như người ta có thể nghĩ. Trong số 231 triệu phú trong thời Edo, chỉ còn 20 sống sót vào giai đoạn cuối của thời Minh Trị. Chủ lực kinh tế của thời đổi mới là các nhà công nghiệp và ngân hàng hiện đại mới lên. Mitsui và Sumitomo từ thời Edo vẫn tiếp tục tăng trưởng phát đạt, nhưng đó chỉ là ngoại lệ hơn là qui luật. Nguyên nhân chính là các thương nhân thời Tokugawa đã không thoát khỏi thói quen cũ, vẫn gắn bó với những ngành công nghiệp truyền thống và các lề lối kinh doanh cũ. Những doanh nhân thời Minh Trị phần lớn thuộc giai cấp samurai có lợi thế trình học vấn cao hơn, có tinh thần đổi mới hơn, và có quan hệ tốt với chính quyền đa số gồm các samurai có cùng văn hóa với họ.
Kết hợp Luận ngữ với bàn tính là kết hợp đạo đức Khổng giáo và năng lực kinh doanh. Trong khi nhiều người nhấn mạnh tinh thầnjōi, phản kháng muốn đánh đuổi người nước ngoài ra khỏi bờ cõi ngay tức khắc, thì Shibusawa nói, hãy biến tinh thần phản kháng thành sức mạnh trí tuệ để xây dựng đất nước, đó mới là cách bảo vệ hữu hiệu hơn.
Chỉ với những đức hạnh như chính trực, công bằng, và trách nhiệm đối với quyền lợi công thì những doanh nhân Nhật Bản mới giành được sự kính trọng của thế giới phương Tây và thắng lợi trong cuộc chạy đua toàn cầu.
Nhiều người nhấn mạnh những tư tưởng mới từ phương Tây làm nguồn cảm hứng và triết lý, chẳng hạn như Fukuzawa, nhưng Shibusawa nói ông muốn “xây dựng các doanh nghiệp hiện đại với bàn tính (abacus) và Luận ngữ của Khổng tử”. Chủ nghĩa tư bản thôi chưa đủ để có ích lợi cho Nhật Bản nếu không có nền tảng đạo đức của Khổng giáo. Ông cảnh báo, đạo đức sẽ suy giảm nếu gakumon bị các tư duy lợi ích thuần túy hoàn toàn khống chế.
Khổng giáo thực ra có những điểm cản trở phát triển kinh tế, như lên án sự làm giàu, giống như Kitô giáo ở châu Âu. Nhưng chủ nghĩa tư bản đã “hòa giải” được ở châu Âu. Và rồi như thế ở Nhật Bản, chủ nghĩa tư bản ở phương Đông cũng đã sớm hòa giải được với Khổng giáo như một “ý thức hệ” [Xem John H. Sagers]. Nhưng, từ ý muốn của giới lãnh đạo ở trên, chủ nghĩa tư bản phải có trách nhiệm đối với cộng đồng và quốc gia. Người Nhật muốn nắm đạo đức đằng cán chứ không muốn nắm đằng chuôi. Đây là điểm thảo luận sôi nổi của những nhà lập quốc Nhật Bản Minh Trị trong thập niên 1880 để cuối cùng đi đến việc thiết lập đạo đức Khổng giáo trên toàn xã hội, bắt đầu từ trường học, bằng các pháp lệnh Ý chí Đế chế về Giáo dục năm 1879, và “Pháp lệnh Đế chế về Giáo dục” năm 1890. Điều này đã thực hiện đúng nội dung của khẩu hiệu các trí thức Nhật Bản: “Khoa học/công nghệ phương Tây. Đạo đức phương Đông”. Nhật Bản muốn thiết lập một nền đạo đức quốc gia (kokumin dōtoku) để giữ vững bản sắc truyền thống rất sống động của họ.
[5]
Dưới đây là một thí dụ sống động cho thấy tính tiên phong của Shibusawa. Ngành dệt của Nhật Bản là ngành công nghiệp mũi nhọn đầu tiên trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa. Nhà máy kéo sợi Osaka mà Shibusawa thành lập dưới đây đã trở thành một mô hình hoa tiêu thúc đẩy một phong trào thành lập những nhà máy mới lớn và hiện đại tương tự trong những năm sau, chủ yếu tại Osaka là thành phố truyền thống của ngành dệt Nhật Bản.
Shibusawa và Công ty kéo sợi Osaka (Osaka Boseki Kaisha)
Nhà máy kéo sợi Osaka là rất nổi tiếng của Nhật Bản. Nó ra đời thế nào? Đây là câu chuyện cho thấy bàn tay khởi nghiệp sáng tạo của Shibusawa. Năm 1877, một sinh viên 26 tuổi tên Yamanobe (hay Yamabe) Takeo đang học lý thuyết kinh tế và bảo hiểm tại Luân Đôn. Một ngày nọ, anh ta nhận được một lá thư của một người không quen biết từ Nhật Bản, tên Shibusawa Eiichi. Lá thư nói như thế này: “Yamanobe thân mến, tên của anh được một người bạn tôi nhắc tới. Nhật Bản đang nhập khẩu rất nhiều sợi cotton. Chúng ta cần phải thiết lập một kỹ nghệ xe sợi trong nước. Chúng ta cần những người thông thạo cả hai, về quản lý lẫn công nghệ. Bạn có thể nào học ngành kỹ nghệ cotton được không? Tôi sẽ tạo ra một công ty.”
Có lẽ Yamanobe cảm thấy khó chịu. Ai là người dám khuyên tôi thay đổi chủ đề học? Nhưng sau khi suy nghĩ một hồi, anh ta quyết định làm theo lời khuyên của Shibusawa. Anh đến King’s College và học lý thuyết công nghiệp dệt. Nhưng lý thuyết thôi không đủ. Anh cho đăng quảng cáo trên báo: HÃY THUÊ TÔI NHƯ MỘT NGƯỜI HỌC VIỆC CÔNG NGHIỆP SỢI, TÔI SẼ TRẢ TIỀN, nhưng không công ty nào trả lời. Cuối cùng, anh ta gặp ông W. E. Braggs, người nhận Yamanobe làm việc và cho phép anh tiếp thu kiến thức thực tiễn trong xí nghiệp ông trong tám tháng. Việc học bao gồm công nghệ, tiếp thị và vận chuyển hàng hóa. Yamanobe làm việc cật lực. Shibusawa gửi Yamanobe 1.500 yen để hỗ trợ việc học, là tiền túi của ông. Shibusawa nhớ lại sau này, đấy là một số tiền khổng lồ cho anh ta, và đó là một hành động rất mạo hiểm của tôi. “Vốn mạo hiểm”.
Khi việc học xong, Yamanobe đặt mua một số máy dệt và đầu máy hơi nước từ những nhà chế tạo máy nổi tiếng như Platt và Hargreaves, và quay về Nhật Bản. Năm 1882, Shibusawa và Yamanobe chọn một vị trí thích hợp cho xí nghiệp ở Osaka. Để thành lập công ty, 250.000 yen được huy động từ bạn bè của Shibusawa gồm các nhà buôn giàu có (của Osaka và Tokyo) và các nam tước phong kiến như những cổ đông, trong khi ngân hàng Đệ nhất quốc gia của Shibusawa sẽ góp vốn lưu động. Năm 1883 xí nghiệp kéo sợi Osaka được khai trương. Yamanobe làm kỹ sư trưởng của xí nghiệp. Đấy là nhà máy xe sợi cơ khí hóa quy mô nhất, đầu tiên với những thiết bị hiện đại nhất nhập từ nước ngoài với 10.500 cọc sợi và trở thành một “khởi nghiệp” rất thành công, kết hợp nhiều tính chất như sử dụng đầu máy hơi nước, làm hai ca ngày đêm, xử lý cotton ngoại nhập, gửi kỹ thuật viên ra nước ngoài đào tạo, giảm giá thành, cũng như sử dụng hình thức công ty cổ phần. Nó trở thành mô hình tiêu biểu cho nhiều công ty kéo sợi về sau.
Vào năm 1900, có một cuộc suy thoái nặng nề trong ngành dệt. Các cổ đông đòi hỏi lợi nhuận cao hơn và nhanh hơn. Nhưng Yamanobe nhất định đứng trên lập trường của một sự phát triển dài hạn của công ty. Ngay cả vị tổng giám đốc phê bình ông. Tuyệt vọng và có ý muốn ra đi, Yamanobe đến thăm Shibusawa tại nhà riêng. Shibusawa bảo đảm Yamanobe rằng ông sẽ ủng hộ anh ta 100 phần trăm và yêu cầu anh ta tiếp tục ở lại làm việc cho công ty. Được thuyết phục, Yamanobe ở lại. Khi cuộc suy thoái qua đi, Yamanobe được đề bạt lên làm Chủ tịch Công ty kéo sợi Osaka. [Kenichi Ohno, 70-71]
Một năm sau khi khai trương thì cổ tức được trả cho các nhà đầu tư là 18%! Cái gì mới ở đây? Vào thời điểm đó, tất cả những nỗ lực của nhà nước để khuyến khích ngành kéo sợi cơ khí hóa, nhưng kết quả rất thấp. Một ít nhà máy tồn tại chỉ có 2.000 cọc và được xây dựng với với sự bao cấp của nhà nước, nhưng hoạt động đều không hiệu quả. Những lý do chính là thiếu chuyên môn kỹ thuật và quản lý, qui mô nhỏ, địa điểm không thích hợp, dựa trên sức nước, và thiếu vốn để mở rộng. Những vấn đề này đã được Shibusawa giải quyết cùng một lúc. Một nhà máy thứ hai theo mô hình này được xây dựng năm 1886 với số cọc lên đến 20.800 nghĩa là gấp đôi nhà máy Osaka, và cũng thành công như thế. Shibusawa nổi tiếng như cồn. Ông được các công ty kéo sợi săn tìm để nhờ tư vấn, chẳng hạn như công ty kéo sợi Mie. Ông đã giúp cho công ty này chỉ sau vài năm hoạt động theo mô hình mới đã trở thành một trong những công ty thành công nhất, các nhà đầu tư hiểu bài học của Shibusawa, và nhanh chóng phát triển theo mô hình đó và đã tạo ra một sự phát triển nhảy vọt cho ngành kéo sợi. Từ 1886 đến 1894 có tất cả 33 nhà máy mới được thành lập, trong đó 10 cái tọa lạc tại các vùng cận Osaka.
[6]
Trở lại sự phát hành giấy bạc mang ảnh Shibusawa đầu năm 2019. Phải chăng nhà nước Nhật Bản muốn làm sống lại một tấm gương “anh hùng kinh tế”, cùng với thời đại anh hùng mà ông đã sống, để đất nước sản sinh ra những tài năng mới trong kinh doanh lẫn chính trị giúp Nhật Bản vượt lên khỏi giai đoạn trì trệ kinh tế hiện nay? Shibusawa là người không bao giờ từ bỏ niềm tin, rằng xã hội chỉ có thể phát triển hài hòa, lành mạnh, và có nhiều sức sống, khi tinh thần “kính trọng quyền lực và xem nhẹ công dân” được thay thế bằng một cơ chế dân chủ hơn để năng lượng xã hội có thể được tích tụ vào khu vực tư nhân. Chúng ta sẽ có thể chờ đợi gì ở thời kỳ mới Lệnh Hòa của Nhật Bản sắp đến?
Tham khảo:
[1] William W. Lockwood (ed.), The State and Economic Enterprise in Japan. Essays in the Political Economy of Growth. Princeton University Press, 1965
[2] Kenichi Ohno, History of Japanese Economic Development. Origins of Private Dynamism and Policy Competence. Routledge, 2018.
[3] Shimada Masakazu, The Entrepreneur Who Built Modern Japan: Shibusawa Eiichi. Translated by Paul Narum. Japan Publishing Industry Foundation for Culture, 2017.
[4] Edwin O. Reischauer, Japan. The Story of a Nation. Fourth Edition. McGraw-Hill Publishing Company, 1970.
[5] Andrew Gordon, A Modern History of Japan. Second edition. Oxford University Press, 2009.
[6] John H. Sagers, Origins of Japanese Wealth and Power. Reconciling Confucianism and Capitalism, 1830-1885. Palgrave McMillan, 2006.
[7] Hugh Borton, Japan’s Modern Century. Second edition.The Ronald Press Company, 1970.
[8] Edwin O. Reischauer & Albert M. Craig, Japan. Tradition & Transformation. Revised edition. 1989.
NXX
Tháng 4, 2019

 * * *
SHIBUSAWA EIICHII

SƠ LƯỢC VỀ CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM

NGUYỄN XUÂN XANH
giới thiệu
Lời nói đầu. Thứ bảy, ngày 14/9/2019, tại Cà Phê Thứ Bảy, tôi có buổi giới thiệu về doanh nhân Nhật Bản Minh Trị Shibusawa Eiichi, người tôi vừa đưa lên trang mạng vài ngày trước đó nhân quyển sách tự truyện của ông có tên Vũ Dạ Đàm vừa được ra mắt tại Công ty Phương Nam:
Nay tôi xin gửi thêm những nét khái quát mà tôi đã ghi lại cho buổi nói chuyện tại Cà Phê Thứ Bảy, để giúp bạn đọc có được bức tranh chi tiết hơn về ông, hiểu nhiều hơn về cuộc đời và các ý tưởng của doanh nhân lập quốc vĩ đại và rất đặc biệt này. Tấm gương và sự dấn thân của ông là điều đáng để chúng ta suy nghĩ lắm, và là những điều đã gây nhiều ưu tư cho mọi người tham dự hôm đó khi nghĩ về Việt Nam, để thấy ý nghĩa của những đóng góp của ông là rất vĩ đại. Xã hội Nhật Bản và Việt Nam, tuy khác nhau về nhiều mặt, nhưng cũng có những nét giống nhau trong tính chất lạc hậu của tâm tính làm ăn của đa số con người, và trong sự hèn mọn của con người dưới sự thống trị quá lâu. Cái “may mắn” của Nhật Bản là họ có giai cấp lãnh đạo là võ sĩ, samurai, cho nên họ vực dậy được một đất nước phong kiến, trong khi giai cấp “nho sĩ” Việt Nam không làm được chuyện đó, do mentality của hai giới lãnh đạo này quá khác nhau.
Các trích dẫn phần lớn nằm trong quyển Vũ dạ đàm ([1]) và ít hơn trong [2]. Sự ra đời của hai quyển sách về Shibusawa Eiichi năm 2019 của Công ty sách Phương Nam là đúng lúc, vừa để kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy Tân, vừa để giới thiệu một danh nhân sắp được vinh danh qua việc hình ảnh của ông sẽ được in trên tờ giấy bạc có mệnh giá ¥ 10.000. NXX
[1]
Sự nổi lên của Nhật Bản trong thế kỷ này được xây dựng phần lớn lên trên tư tưởng và công trình của Shibusawa Eiichi. Ông là người đầu tiên trong những năm 70 và 80 nêu lên những vấn đề cơ bản liên quan đến mối quan hệ giữa công ty kinh doanh và mục tiêu quốc gia, cũng như giữa những nhà lãnh đạo doanh nghiệp và đạo đức cá nhân.
Michael E. Porter
Fukuzawa Yukichi (1835-1901)
Nếu người ta nhìn vào thương mại giữa Nhật Bản và các nước ngoài, thì sẽ thấy rằng các quốc gia phương Tây là những nhà sản xuất, trong khi Nhật Bản là nước trồng trọt … Trong kinh tế, của cải của một quốc gia tùy thuộc rất ít vào sự thặng dư của sản phẩm tự nhiên (tài nguyên) so với kỹ năng của kỹ thuật con người. Chẳng hạn như Ấn Độ, một mặt, nơi đất màu mỡ nhưng người thì lại nghèo, và mặt khác, Hòa Lan, nơi hầu như không có sản phẩm tự nhiên, nhưng người thì lại giàu có. Do đó, trong thương mại giữa một nước sản xuất và một nước trồng trọt, nước đầu sử dụng năng lực con người không giới hạn, và nước sau sản phẩm giới hạn của đất đai… Đó chính xác là trường hợp thương mại giữa Nhật Bản và các nước ngoài. Chúng ta chỉ có thể đứng về phía thua cuộc mà thôi.
Fukuzawa Yukichi
Giấy bạc mệnh giá ¥ 10.000 dự kiến của Nhật Bản với ảnh của Shibusawa Eiichi
Có một câu nói nổi tiếng ở Nhật Bản: “Ai là người đã xây dựng cộng đồng kinh doanh Nhật Bản? Nếu có một người, và người đó trả lời: ‘là tôi’, thì người đó chỉ có thể là Shibusawa Eiichi.”
Shibusawa sinh năm 1840, 29 tuổi khi chính quyền Minh Trị lên thay Mạc phủ, và sống đến 1931, chứng kiến đầy đủ giai đoạn chuyển tiếp của Nhật Bản từ chế độ phong kiến sang nhà nước hiện đại, và phục vụ công cuộc đổi mới sáu mươi năm. Ông là người có vai trò vô cùng quan trọng trong việc chuyển đổi nền kinh tế Nhật Bản, xây dựng 500 công ty kinh doanh, và 600 tổ chức công ích.
Fukuzawa gọi ông là con người có “hai cuộc đời trong một thân thể”. Ông đã sống qua hai thể chế, được nuôi dưỡng bởi những giá trị đạo đức Khổng giáo thời Tokugawa mà ông từng hấp thu từ lúc ông còn trẻ, và có tầm nhìn đổi mới theo mô hình xã hội phương Tây cho cuộc đổi mới Nhật Bản. Con trai cả của ông, Hideo, đặc trưng bản chất này bằng cụm từ “bất biến và thay đổi”, để nói rằng ông là người kết nối truyền thống và hiện đại mà không mất đi tinh túy đạo đức truyền thống trong con người ông trải qua cuộc bể dâu của sự chuyển đổi mà ông là một nhân tố hết sức quan trọng.
Thời ông, kinh tế Nhật Bản đã có những sự phát triển đáng ghi nhận. Sản xuất hàng hóa có-giá-trị-thặng-dư (value-added) trở thành yếu tố mới, đem lại giá trị cao hơn là nông nghiệp thuần túy. Nghề dệt, nuôi tằm, trồng chàm và chế tạo thuốc nhuộm là những thí dụ. Chàm đã được trồng ở lãnh địa Yonazawa của daimyo Uesugi Yozan vào nửa sau thế kỷ 18. Qua đó, có một giai cấp giàu có lên, được gọi là “tư sản nông thôn” (rural bourgeoisie). Thay vì “cày và ăn” thì khẩu hiệu mới là “sản xuất những cây có-giá-trị-cao và bán chúng”. Thương mại phát đạt, nhiều người giàu có lên.
Max Weber (1864-1920)

Thời Tokugawa đã sản sinh ra một số học giả Khổng giáo mới có tư duy rất độc lập, đặc biệt các ông Ishida Baigan, người sáng lập Trường Ishida nổi tiếng về giáo dục đạo đức, Dazai Shundai, và Suzuki Shosan. Họ truyền bá cho thương mại, sản xuất các hàng hóa cao cấp, ca ngợi các tính chất cần cù lao động, cần kiệm, kiếm lợi nhuận minh bạch và có trách nhiệm với xã hội. Họ vượt khỏi thành kiến “sĩ nông công thương”. Đó là một cuộc đổi mới “ý thức hệ” để xã hội hòa giải với sự phát triển kinh tế có tính chất phôi thai của chủ nghĩa tư bản đang cần thiết để giúp xã hội tiến lên, và là một sự chuẩn bị về mặt “ý thức hệ” cho cuộc đổi mới Minh Trị Duy Tân sau này. Cũng như thế, đạo đức Tin Lành mà Max Weber cho rằng đã phát triển chủ nghĩa tư bản ở phương Tây, đã từng giải hòa Kitô giáo với chủ nghĩa tư bản đang lên. Hai loại đạo đức trên thật ra giống nhau. Xa hơn nữa trong quá khứ, nhà thờ Kitô giáo cũng đã từng phải giải hòa với tư tưởng của Hy Lạp ngoại giáo, giúp cho tư duy lý tính của Hy Lạp thâm nhập vào các đại học Trung cổ, tạo điều kiện cho khoa học phát triển và chiến thắng.
Shibusawa sinh ra trong vùng gần Kyoto và Osaka là những nơi được xem là “phát triển về kinh tế” khác với các vùng truyền thống. Osaka là trung tâm kinh tế của cả nước, được xem là “nhà bếp và tủ thức ăn” của cả nước. Chợ lúa gạo Dojima rất nổi tiếng đến nỗi người ta bảo rằng các nhà buôn Chicago đã đến tham quan. Kinh tế tiền tệ phát triển. Nhà buôn có thể gửi tiền vào một quầy đổi tiền, tên Ryogaesho, để lấy “check” sử dụng cho buôn bán. Nếu xài quá mức, phải trả lãi suất 5-8 phần trăm. Ryogaesho mặt khác nhận được vốn vay từ một nhóm mười nhà đổi tiền hàng đầu đóng vai trò “ngân hàng quốc gia” được chuẩn y bởi Shogun. Cũng có tổ chức Okawasagumi giữ tiền của nhà nước mà không có lãi. Nền thương mại của Nhật Bản vào thời đó được cho rằng độc đáo.
Người ta cho rằng, Nhật Bản không thiếu những điều cần thiết để phát triển một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, trừ máy hơi nước và điện tín. Về giao thông, thì Nhật Bản đã có hệ thống đường sông và biển. Nhiều vùng phát triển như thế xuất hiện cuối thế kỷ 18, giúp cho tư duy của một giới nhạy bén khi chuyển sang thể chế mới một cách dễ dàng, tuy rằng phần lớn cả Nhật Bản vẫn còn chìm trong chế độ phong kiến và tiền-hiện đại.
Shibusawa lớn lên trên mảnh đất có nhiều chất xúc tác khai sáng như thế, nhanh chóng hiểu được cơ chế hoạt động của thế giới kinh doanh theo phong cách mới kia.
Shibusawa sinh ra trong một gia đình nhà nông-thương-mại (businessman-farmer), và sản xuất thuốc nhuộm chàm cung cấp cho các cơ sở dệt. Eiichi đã tỏ ra rất thông minh, nhanh chóng nắm bắt nghề của bố mẹ. Ở tuổi 13, ông đã có thể tự đi mua chàm một mình bảo đảm đúng chất lượng như bố từng mua khiến cho những người bán phải thán phục.
Eiichi có đam mê đọc sách từ sớm, và được bố ông, người cũng đam mê sách dạy, dạy từ lúc 6 tuổi, làm quen với các bộ Tứ thư Ngũ kinh, sau đó được giao cho ông cậu dạy tiếp.
Khi Eiichi ra đời thì giai cấp tư sản nông thôn đã hình thành rồi. Tại Nga, đầu thế kỷ 20, thủ tướng Peter Stolypin cũng có ý tưởng muốn hiện đại hóa nước Nga bằng con đường phát triển giai cấp tư sản nông thôn. Nhưng chẳng bao lâu, ông bị ám sát.
Shibusawa lớn lên trong thời kỳ thế giới biến động:
- Sinh ra năm 1840 đúng vào cuộc chiến tranh nha phiến, người khổng lồ từng đứng vững hai nghìn năm nay bị đánh sụm, phải chấp nhận một quy chế bán-thuộc-địa qua Hòa ước Nam Kinh (1842), Hồng Kông bị cắt cho Anh quốc. Tin này làm rung chuyển Nhật Bản.
- 1853, lúc Shibusawa lên 12 tuổi, tàu chiến Hoa Kỳ đến bắn phá ở vịnh Edo (Tokyo), buộc chính quyền Mạc phủ phải mở cửa và ký hiệp ước thương mại. Sau đó một loạt hiệp ước như thế được ký kết với các cường quốc phương Tây khác. Những hiệp ước này là bất bình đẳng, buộc Nhật Bản nhượng một số khu vực cho phương Tây, và chỉ được áp thuế nhập khẩu 5% lên hàng nhập khẩu. Điều này rất bất lợi cho việc sản xuất trong nước, hàng hóa giá rẻ nước ngoài tràn vào, và Nhật Bản không thu được thuế để tài trợ cho cuộc canh tân.
Giới tinh hoa Nhật Bản nhanh chóng hiểu rằng, phải hành động nhanh chóng để cứu nguy đất nước, và chế độ phong kiến Mạc phủ là cản trở duy nhất, cần phải được đánh đổ để lập nên một chính quyền mới phù hợp với nhu cầu canh tân.
-1863 sự oanh kích Kagoshima và Shimonoseki của lãnh địa Choshu bởi các tàu chiến phương Tây đã làm thay đổi thái độ của nhiều nhà lãnh đạo samurai. Đánh đuổi man di không còn là hợp thời nữa, và được chuyển thành “phú quốc, cường binh” thực tế hơn.
Cũng năm 1863, tổng thống Abraham Lincoln ký đạo luật giải phóng người nô lệ. Điều này làm cho Shibusawa hứng chí muốn tham gia vào một âm mưu đảo chính để lật đổ Mạc phủ sớm. Ông đã chi 200 đồng ryo để tài trợ cho hoạt động lật đổ. Nhưng cuối cùng theo lời khuyên của người trong họ hàng ông phải bỏ ý định. Ông lên Tokyo để lập thân.
Một định mệnh trớ trêu là do tài năng của ông sớm được lan truyền, ông được tuyển chọn làm gia thần của thị tộc Hitotsubashi trong dòng họ của Shogun, và được trao cho nhiệm vụ cải cách hệ thống tiền tệ. Một người từng muốn lật đổ Mạc phủ, nay lại phục vụ cho chính chế độ. Ông tự sự:
Tôi xuất thân từ nông dân, từ giã gia đình với niềm kiêu hãnh và nhiệt huyết của một thanh niên vốn không phải vương hầu khanh tướng, bước vào thế giới chính trị cùng phong trào “Tôn hoàng nhương di” (Tôn vinh Hoàng đế, đánh đuổi man di), với ý chí trị quốc bình thiên hạ, dấn thân kinh bang tế thế như một nhà dân quyền thường thấy của thời Minh Trị, phụng sự trong nhà lãnh chúa Hitotsubashi, có chút thành danh với đời, khát khao góp phần xây dựng nền chính trị của lãnh địa Hitotsubashi, làm rạng danh chúa công Hitotsubashi trong thiên hạ.
Năm 1866, Hitotsubashi Yoshinobu lên làm Shogun, điều có nghĩa là Shibusawa đương nhiên trở thành “người hầu” của chế độ Tokugawa. Việc đó làm cho Shibusawa thêm khủng hoảng lương tâm. Khi ông định từ chức, thì một “cục vàng”, như ông nói, từ trên trời rơi xuống mỉm cười với ông: Ông được chọn làm thành viên trong đoàn tùy tùng phò người em trẻ của Shogun là Akitake, lúc đó mới 14 tuổi, đi dự cuộc triển lãm công nghiệp ở Paris năm 1867 do vua Napoleon III mời. Một cơ may cực kỳ hiếm có để Shibusawa tiếp cận tận mắt thế giới phương Tây, trau dồi thêm kiến thức cho cuộc kiến thiết đất nước sắp tới.
Trong suốt chuyến đi, trên tàu hay tại Paris, Shibusawa là người duy nhất có tinh thần học hỏi Tây phương, bằng một sự nhiệt tình và mối quan tâm lớn, khác với các thành viên khác của đoàn tùy tùng, những người lúc nào cũng quay lưng lại. Điều này nói lên sự khác biệt về tâm thức giữa Shibusawa, người luôn luôn tò mò và học hỏi cái mới, và giới samura đóng kín, chỉ muốn “tôn vinh Hoàng đế, đánh đuổi man di”.
Ông ngạc nhiên về sự phồn vinh vật chất của xã hội phương Tây, với những máy móc tuyệt vời, công dân sống trong những tòa nhà cao bảy tám tầng xây bằng gạch, lộng lẫy hơn những dinh thự của các daimyo hay quý tộc ở Nhật Bản, phụ nữ châu Âu thì giống như những viên ngọc đẹp, có nước da trắng như tuyết. Trong một lá thư cho một người bạn (Odake Ranko), Shibusawa viết những cảm tưởng và nhận định của mình:
Nền văn minh phương Tây tiến triển xa hơn tôi hình dung, tất cả những gì tôi mục kích đều gây kinh ngạc cho tôi. Có thể đây là chiều hướng mà cả thế giới chuyển động theo, một khuynh hướng vượt khỏi sự tưởng tượng của chúng ta ….
Theo thiển ý tôi, điều chúng ta phải làm là tạo quan hệ chặt chẽ với các quốc gia nước ngoài, và hấp thu sức mạnh của họ để làm lợi ích cho Nhật Bản. Điều này có thể mâu thuẫn với những gì tôi đã nói trong quá khứ, nhưng không thể tưởng tượng nổi nếu Nhật Bản tiếp tục sống cô lập.
Ông không những quan tâm về công nghệ phương Tây mà các cuộc cách mạng khoa học và công nghiệp đã nhanh chóng tạo ra, mà còn đến các phong tục và định chế xã hội. Nhưng sự chú ý lớn nhất của Shibusawa tập trung vào ba điểm sau đây:
  1. Dạng công ty cổ phần (joint-stock company). Các công ty này hùng mạnh, và là những cột trụ cho nền kinh tế phương Tây.
  2. Ngân hàng như hệ thống bơm máu cho cơ thể tạo ra sự lưu thông hàng hóa và dịch vụ rất dễ dàng. Với kinh nghiệm sẵn có, ông đã thử chơi chứng khoán, một việc giúp ông sau này hiểu các huy động vốn để tài trợ cho các công ty cổ phần. Ông mục kích cuộc gặp gỡ của hai người, một là sĩ quan trong quân đội của Napoleon, tượng trưng cho quyền lực chính trị, một là nhà ngân hàng đại diện cho giới doanh nhân, và chứng kiến cách đối xử kính trọng, bình đẳng của viên sĩ quan trước doanh nhân, cho thấy giới doanh nhân ở phương Tây đạt tới một quy chế rất cao, điều chưa bao giờ có ở Nhật Bản. Ông thầm nghĩ, phải làm sao cho tình hình đó thay đổi ở Nhật Bản.
  3. Ấn tượng bởi những gì vua Bỉ Leopold II nói với đoàn sau khi đoàn tham quan nhà máy thép ở Liège:
“Quý vị đã có ấn tượng mạnh, tôi tin như thế, bởi những gì quý vị đã nhìn thấy ở đây. Các quốc gia nào sản xuất nhiều sắt thép đều phồn vinh không ngoại lệ, và các quốc gia nào tiêu thụ nhiều sắt thép cũng đều là những quốc gia mạnh. Nếu Nhật Bản muốn trở thành quốc gia mạnh, quý vị phải sử dụng số lượng sắt thép lớn, và hãy mua của chúng tôi.”
Nhà vua phát biểu như một người tiếp thị bán hàng, điều này cũng chưa từng thấy ở Nhật Bản, rằng một vị Shogun, hay samurai cao cấp can dự vào một công việc thương mại. Nhưng ở châu Âu, kinh doanh là một nghề ngay thẳng và đáng kính trọng.
Khi Shibusawa dự định ở thêm để học hỏi, thì sau hơn một năm, Mạc phủ bị đánh đổ, và đoàn phải trở về nước. Chuyến đi này có thể nói là một khúc quanh nhận thức đối với ông. Thêm vài nhận định trong tự sự:
Tôi đã được tiếp xúc với thực tế phong phú ở Pháp trong gần một năm sống ở đó. Dù không hiểu một cách chi tiết cách vận hành của công thương nghiệp, cách kinh doanh ngân hàng, cách vận hành công trái, các tổ chức tài chính … trong hệ thống kinh tế, nhưng nhờ mắt thấy tai nghe nên đã nhận thức được rằng sự phát triển và tiến bộ trong đời sống vật chất của nhân dân là con đường để xây dựng quốc gia phú cường. […]
Đặc biệt có một điều đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần của tôi chính là sự khác biệt hoàn toàn về mặt địa vị của tầng lớp thương nhân, quan lại và quân sự ở Nhật Bản và các nước phương Tây. Đương thời, trong chế độ giai cấp của Nhật Bản, cứ hễ có chức có quyền thì dẫu thiếu trí tuệ vẫn đầy quyền uy, thậm chí còn không biết đến sự dốt nát của chính mình. Chẳng hạn giới quan nhân ở các lãnh địa của chúng ta vốn hết sức khinh bạc khi tiếp xúc với tá điền của lãnh địa mình. Những viên quan đó dẫu chẳng có chữ nghĩa gì, một chút sở trường cũng không có, nhưng coi nông dân như là nô lệ còn tự coi mình là vĩ đại. Hiện tượng này không chỉ tồn tại ở khu vực nông thôn. Khi tôi làm gia nhân cho nhà Hitotsubashi, ở Osaka, có nhiều dịp giao tế với với phú hào trong vùng, thấy rõ giới công thương nghiệp sợ hãi như thế nào khi phải tiếp xúc với giới quan lại và quân sự đầy uy quyền.
Tập quán phổ biến đó ở Nhật Bản lại hoàn toàn không tồn tại ở Pháp và Anh. Tôi dẫu không tiếp xúc trực tiếp với giới công thương nghiệp ở Anh nhưng biết rõ vị thế của họ rất khác chúng ta. Điều này tác động đến tinh thần của tôi một cách mãnh liệt. Tôi thực sự cho rằng Nhật Bản phải học tập điều này vì nếu không học được nó thì không thể kiến tạo nên sự phát triển kinh tế đích thực.
Nhìn chung, ở Pháp mọi người đều bình đẳng, khác hoàn toàn với Nhật Bản có sự phân biệt đẳng cấp giữa dân cư và chính trị gia, giới quân sự cũng như các giới chức khác. Tôi cảm thấy ở Pháp mỗi đối tượng đều được đối xử đúng đắn với bản chất vốn có. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in những cảm xúc hồi đó.
[2]
Một định mệnh mới lại mỉm cười với ông. Sau khi về lại quê nhà, ông tìm đến thăm Yoshinobu, giờ đây bị mất hết quyền hành, tại lãnh địa Shizuoka, và sống tại đó. Ông bắt đầu thành lập công ty Kinh doanh Shizuoka, hy vọng tạo một sức sống mới cho lãnh địa. Ông cũng nắm ban kinh tài của Shizuoka.
Ōkuma Shigenobu (1838-1922)
Công việc thuận lợi thì, sau một năm, vào tháng 10/1869 chính quyền Trung Ương Minh Trị gửi giấy đến văn phòng của lãnh địa Shizuoka triệu tập Shibusawa lên Tokyo, bây giờ trở thành tên chính thức của Edo. Ông được bổ nhiệm làm “Người đứng đầu bộ phận thuế tại Bộ tài chánh mới được thành lập, do Date Munenari làm Bộ trưởng, với những cộng sự viên Okuma Shigenobu, Ito Hirobumi và Inoue, những người sẽ là những gương mặt chủ chốt trong chính quyền mới.
Chức vụ của ông tương đương với Cục trưởng thuế của Bộ tài chánh. Một sự thăng cấp chưa từng thấy trong đời của Shibusawa. Đúng là “thời thế tạo anh hùng”.
Sau này ông mới biết chính Date đề cử ông, và chính quyền mới có chính sách muốn chiêu mộ tất cả các tài năng có đầu óc và năng lực đổi mới, kể cả những gia thần của chế độ cũ. Tuy cũng bị mâu thuẫn lương tâm như lần trước, nhưng ông đã bị Okuma thuyết phục ở lại cùng chung tay xây dựng với các thành viên mới, như “một trong tám triệu vị thần cùng chung tay để tạo ra nước Nhật” theo truyền thuyết của Thần đạo. Chúng ta hãy nghe lời thuyết phục của Okuma như Shibusawa kể trong Vũ Dạ Đàm:
Thay vì nói về việc thoái thác nhiệm vụ, tại sao túc hạ không hoàn thành tốt công việc ở Suruga (trung tâm của lãnh địa Shizuoka), và sau đó chuyên tâm làm việc cho Bộ tài chính?
Ta đã nghe túc hạ về những con đường mà túc hạ đã đi qua, hiểu rằng túc hạ cũng giống như chúng tôi đây thôi, chấp nhận trải qua bao nhiêu cay đắng khổ nhục chỉ vì mang hoài bão xây dựng một chính phủ mới và tốt hơn. Mặc dù chúng ta có những lựa chọn khác nhau, túc hạ đã theo phò Mạc phủ còn chúng tôi thì chiến đấu chống lại họ, nhưng về mặt lý tưởng, về mục đích cuối cùng, túc hạ thuộc về chúng tôi, là người đồng chí của chúng tôi. Điều chúng ta cần làm bây giờ là xây dựng một chính phủ Duy tân bằng cách sử dụng tri thức mới, làm việc chăm chỉ, bền bỉ và nhẫn nại. Ta đang có một số dự án tại bộ, túc hạ nhất định hãy góp sức cùng làm.
Nhưng Shibusawa cảm thấy lẻ loi trong giới lãnh đạo mới, nên muốn từ chối chức vụ mới để trở về với công việc ở Shizuoka. Một lần nữa Okuma thuyết phục ông:
Bước vào cuộc canh tân, kiến thiết một quốc gia đích thực, một quốc gia đáng được gọi là quốc gia, đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ của tất cả người tài mà đất nước hiện đang có được.
Bởi vì không có ai trong chính phủ, kể cả tôi và túc hạ, có kiến thức và kinh nghiệm về những vấn đề này. Chúng ta phải cùng nhau hợp tác và nỗ lực thì mới có thể thành công. Về nhu cầu tài chính của quốc gia, những cách làm mới mẻ của túc hạ đã thể nghiệm ở Shizuoka gần đây vẫn là quá nhỏ nếu nhìn từ toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản. Với trách nhiệm của một người Nhật Bản, túc hạ có thể đồng ý từ bỏ cái nhỏ cho một tầm nhìn lớn hơn không?
Shibusawa bị “hùng tâm tráng chí” của Okuma thuyết phục, và hứa “nỗ lực làm việc bằng tất cả sức lực của mình.” Ông lập tổ chuyên gia để khởi động cải cách. Những chủ đề ông tham gia là
- Cải cách chế độ tiền tệ, sửa đổi hệ thống thuế,
- Cải cách hệ thống giao thông và thông tin liên lạc,
- Bãi bỏ chế độ lãnh địa, xây dựng chế độ quận huyện,
- Xây dựng luật doanh nghiệp và công ty cổ phần, cũng như khuyến khích thành lập các công ty mới,
- Khuếch trương phát triển các ngành công nghiệp mới
Việc bãi bỏ chế độ lãnh địa phong kiến, xây dựng chế độ quận huyện là một bước chuyển vô cùng quan trọng để có một nhà nước hiện đại. Ông viết:
Vào tháng 7 năm Minh Trị thứ 4 (năm 1872), một cuộc đại cải cách dẫn đến sự hình thành nền chính trị trung ương – địa phương, bãi bỏ chế độ lãnh địa, lãnh chúa cát cứ, thiết lập chế độ quận huyện, tiêu hủy chế độ phong kiến kéo dài 700 năm qua. Đây là công việc của chính giới bên trên, sức tôi hèn mọn không can dự tới.
Tuy nhiên hồi đó, những bậc tiền bối của tôi như Okuma, Ito, Inoue là những người tham gia vào thế giới chính trị, và tôi đã làm việc dưới sự chỉ huy của họ nên không phải đơn thuần là một người chạy việc hành chính mà cũng có nhiều cơ hội nắm bắt, quan sát thế cuộc dẫn đến những biến chuyển lớn lao đó. Đặc biệt điều tôi thích làm việc nhất là về việc bãi bỏ chế độ lãnh địa, xây dựng chế độ quận huyện, việc này được thực thi dưới sự giám sát của bậc Đại phụ Inoue, vốn ban đầu tưởng như không được thực thi bài bản theo phép tắc nào cả nhưng thực ra được tiến hành một cách sắc bén và thông minh. Tôi nghĩ rằng trong chương trình đó, mình đã tham gia như một công cụ đắc lực.
Trong quá trình xử lý việc loại bỏ các lãnh địa và xây dựng chế độ quận huyện, chúng tôi đã xây dựng một loạt thể chế mới. Chẳng hạn như xây dựng hải quân, cải cách chế độ thu thuế, phát hành trái phiếu chính phủ, chuyển đổi tiền giấy của các lãnh địa.
Tôi đã xây dựng đề án thực thi những dự án này sao cho hiệu quả tốt nhất. Chúng được thực thi nhanh chóng và phần lớn nhận được những kết quả tốt đẹp. Dù tôi được bậc Đại phụ Inoue khen khích lệ là có tài năng thiên bẩm, học tập không mệt mỏi, có ích khi cần đến tri thức mới để giải quyết những vấn đề mới như thế này, thực ra tôi cũng nhận nhiều công kích từ đồng nghiệp.
Qua cọ xát với thực tiễn một thời gian, ông nhận định về hiện trạng các ngành công thương nghiệp:
Nếu trong xã hội dân sự, tầng lớp thương gia và công nghiệp của Nhật Bản vẫn duy trì hình thức suy nghĩ và năng lực cũ kỹ của họ, thì công thương nghiệp Nhật Bản không thể phát triển.
Tình hình làm ăn thua lỗ của các công ty mới thành lập là phổ biến. Theo Eiichi, “các doanh nhân thiếu kinh nghiệm và không có năng lực quản lý để nắm bắt những nguyên lý cơ bản và đạt được mục đích.” Shibusawa được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm Cục công thương để chấn chỉnh tình hình. Ông nhận xét nguồn gốc của sự thất bại:
Sinh ra trong một nền giáo dục cũ, họ chỉ biết cúi gập đầu kính lễ và hoang mang bối rối khi nhìn thấy một quan chức chính phủ, họ không có kiến thức mới nên cũng không có khí chất và hoàn toàn không quan tâm đến những ý tưởng sáng tạo mới. Quá buồn và thất vọng, tôi đã nghĩ đến việc từ quan để dấn thân vào sự nghiệp phát triển công nghiệp và thương mại.
Còn về giới có học, ông nhận xét:
Ngày nay, những người có được chút giáo dục, tham vọng, khả năng tư duy hay kỹ năng nào thì đều muốn vào làm cho triều đình, chứ chẳng ai muốn đi vào con đường kinh doanh tư nhân cả. Sự mất cân bằng đó giống như vị thần Fukusuke có cái đầu khổng lồ nhưng đôi chân tí teo dúm dó, sẽ cản trở con đường xây dựng một đất nước hùng cường của chúng ta.
Georg Siemens (1839-1901)
Nhận thấy sự yếu kém cơ bản của giới công thương gây khó khăn cho cuộc canh tân, ông càng nung nấu quyết tâm treo ấn từ quan, để về tiếp sức cho họ. Nhưng một lần nữa, ông lại bị Inoue thuyết phục lưu lại một thời gian nữa. Ông ở lại xây dựng “Pháp lệnh ngân hàng thành lập trên cơ sở pháp luật quốc gia”, được ban hành ngày 28/8/1872. Và cuối năm đó, dưới sự lèo lái của ông Ngân hàng Daiichi Kokuritsu Ginko được thành lập với các cổ đông Mitsui, Ono, Shimada và những thương gia khác ở Tokyo. Chỉ 2 năm trước đó, ở một nơi xa xôi, ngân hàng Deutsche Bank cũng được thành lập tại Đức, năm 1870, như một “ngân hàng phổ quát”, universal bank, cũng dạng công ty cổ phần, nhằm hỗ trợ phát triển công nghiệp trong giai đoạn bùng nổ. Người sáng lập là Georg Siemens của dòng họ nhà công nghiệp Siemens. Cho tới ngày nay, họ là những ngân hàng lớn nhất của các quốc gia họ.
Từ quan (23/5/1873)
Tamano Seiri (1825-1886)
Giọt nước làm tràn ly là sự ra đi của Inoue, sếp của Shibusawa, trong một cuộc mâu thuẫn với các bộ khác, và Inoue không được hỗ trợ từ phía Hội đồng Thái chính quan ở trên. Cả hai đều bất mãn và cùng từ chức cùng một ngày. Ông phục vụ tổng cộng 4 năm tận tụy cho chính phủ Minh Trị Duy Tân, và giờ đây chính thức dấn thân vào con đường doanh nhân theo đúng ý nguyện của ông. Ông đã lên đến cấp Thứ trưởng. Nghe tin bạn mình treo ấn từ quan, bạn ông, Tamano Seiri, lúc đó là người đứng đầu của tòa án tối cao, cảnh báo ông:
Thật là một sự phí phạm kinh khủng nếu từ quan. Anh đã đạt được một vị trí cao trong chính phủ và có một tương lai hứa hẹn to lớn. Có lẽ anh nghĩ anh sẽ có lợi lộc hơn khi rời bỏ chính quyền và trở thành một nhà buôn, nhưng thế giới sẽ chê cười anh và anh sẽ hoàn toàn chịu sự sai khiến của các quan chức chính phủ suốt phần đời còn lại của anh. Đó là điều anh mong muốn ư?
Dĩ nhiên người bạn đó nghĩ tốt. Nhưng vâng, đó là thách thức lớn trước mặt cho ông. Trước nhất ông hoạt động cho ngân hàng Daiichi như nhà lãnh đạo mà ông đã cùng sáng lập, và từ đó như xuất phát điểm giúp thành lập các công ty hiện đại trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau ngoài ngân hàng, như vận tải tàu, dệt, giấy, bia, và đường sắt. Ông cũng xây dựng Sở chứng khoán Tokyo, Phòng thương mại Tokyo. Một tỷ lệ cao các công ty ông thành lập đều là những dạng công ty cổ phần, được trang bị công nghệ và phương pháp quản lý phương Tây, điều rất mới mẻ ở Nhật Bản.
Ông quyết tâm xây dựng một xã hội trọng công nghiệp và thương nghiệp, xóa bỏ thái độ coi thường các giới này. Trong bài diễn văn đọc tại lễ tốt nghiệp năm 1904 của trường Thương mại Keika, ông nhận xét, quốc gia không thể tồn tại lâu dài khi chỉ có hệ thống chính trị, vũ khí và luật pháp, và tất cả những thành phần thông minh trong xã hội đều dồn hết nỗ lực cho chiều hướng đó. Ông lấy thí dụ Anh quốc:
Trên tất cả mọi thứ, Anh quốc là một đất nước nổi bật nhất trong số các nước, không phải là vì họ chỉ lo chuẩn bị cho chiến tranh, có hệ thống pháp luật và giáo dục, mà do suy nghĩ rằng một quốc gia không thể tiến lên trừ khi sự giàu có của cả nước càng lúc càng tăng. Nhờ tin rằng thương mại là cần thiết, họ đã đầu tư mọi nguồn lực vào thương mại và công nghiệp để đạt được mục tiêu đó.
Và ông khẳng định: “Đất nước ta cần phải dồn hết công sức vào lĩnh vực thương mại và công nghiệp.” Rồi tiếp: “Nếu được hỏi kinh doanh có vị trí trung tâm hay ngoại vi, tôi tin rằng đó là trung tâm, thông qua hoạt động chính là kinh doanh và với sự hỗ trợ của chính trị và quân sự.”
Giới doanh nhân Nhật Bản cần tạo cho mình một hình ảnh khác đi, quốc tế hơn:
Những thương nhân Nhật Bản đều không ra gì vì họ không mang tính cách quốc tế cũng như không quan tâm đến xã hội mà chỉ tự hài lòng với công việc kinh doanh riêng của mình. Họ cần phải nhìn sang Mỹ và những nơi khác nhiều hơn nữa.
Shibusawa cũng rất đề cao tinh thần làm việc nhóm (teamwork), thoát khỏi di sản con người cảm thấy mình là ốc đảo của thời phong kiến:
Gần đây, có cái gì đó thật đáng trách là sự thiếu vắng một tinh thần đồng thuận … Khi người Nhật chỉ có một mình, ông hay bà ta rất khôn ngoan, nhưng khi có năm ba người hay nhiều hơn thế họp lại để thảo luận, thì lại chẳng giải quyết được việc gì cả. Tôi mong muốn các bạn làm việc cật lực và nuôi dưỡng sức mạnh liên kết.
[3]
Mối quan tâm hàng đầu của Shibusawa là làm sao để Nhật Bản phong kiến được chuyển đổi nhanh chóng thành Nhật Bản công nghiệp hóa để giải phóng một xã hội lạc hậu lâu đời dưới chế độ phong kiến, giải phóng con người và sức sáng tạo, nâng các giai tầng xã hội lên những vị trí xứng đáng và bình đẳng với giai cấp trị vì, có những đóng góp lớn cho xã hội, tất cả để xóa bỏ lối suy nghĩ đương thời là “tôn sùng quan chức và khinh thường người dân.” Ông nói: “Để các quan chức và người dân trở thành hòa hợp để làm giàu quốc gia, cái thói tôn sùng quan chức và khinh thường người dân cần phải bị tiêu diệt. Việc này cần phải làm để khai sinh ra một thời đại mới.” Hình ảnh bình đẳng giữa viên sĩ quan quân đội Napoleon và một nhà ngân hàng mà ông mục kích năm nào ở Paris vẫn theo đuổi ông như nguồn cảm hứng phải làm gì để thay đổi tình thế.
Ulysses S. Grant (1822-1885)
Theodore Roosevelt (1858-1919)
Tuy Shibusawa chỉ có trải nghiệm với Pháp và vài quốc gia châu Âu, nhưng về sau ông hướng về nước Mỹ nhiều hơn như một nguồn cảm hứng. Năm 1879, lúc đó ông 39 tuổi, khi tổng thống Hoa Kỳ Ulysses S. Grant, người hùng trong cuộc chiến tranh giải phóng nô lệ, thăm Nhật Bản, Shibusawa là người đã nghênh tiếp ông tại tư gia. Sau này ông làm nhiều chuyến thăm nước Mỹ, và gặp gỡ các tổng thống Theodore Roosevelt, William Taft và Woodrow Wilson. Shibusawa tin rằng quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ có tầm quan trọng tối thượng cho Nhật Bản.
Ông rút lui khỏi các vị trí điều hành lúc ông 70 tuổi, và khỏi thế giới kinh doanh ở tuổi 76, dành phần còn lại đời mình cho các hoạt động nhân ái (philanthropic). Từ lúc thành lập các công ty, Shibusawa cũng đã tiến hành thành lập các cơ sở về giáo dục, từ thiện để khuếch trương tầm nhìn của ông về một chủ nghĩa tư bản Khổng giáo. Ông cũng biểu đồng tình với phong trào lao động.
Những thay đổi của Nhật Bản có thể ví như một cuộc động đất rung chuyển đất nước tới tận nền tảng xã hội để tái lập một xã hội mới từ số không, ngoài cái di sản vô hình của con người. Nhưng qua những thay đổi lớn lao ấy, Shibusawa vẫn giữ được cốt cách đạo đức của ông bất biến như một triết lý sống mà ông đã thừa hưởng từ thời Tokugawa.
Đọc Fukuzawa Yukichi, người truyền bá văn minh-khai sáng của phương Tây vào Nhật Bản, tôi thấy khai sáng. Đọc Shibusawa Eiichi, tôi thấy xúc động tới trái tim, thương cảm và kính phục trước một con người vĩ đại. Ông đưa chủ nghĩa tư bản vào Nhật Bản, nhưng là loại chủ nghĩa tư bản đạo đức (ethical capitalism), có lương tâm và trách nhiệm, không phải chủ nghĩa hoang dã. Một nhà sử học (Masato Kimura) định nghĩa danh từ gapponshugi của Shibusawa dùng cho chủ nghĩa tư bản là “ý tưởng phát triển các doanh nghiệp bằng cách ghép nối các nguồn lực con người và vốn liếng thích hợp nhất với mục tiêu theo đuổi mục đích công”. Gapponshugi là nguyên tắc nhấn mạnh sự phát triển việc kinh doanh đúng, với người đúng, để phụng sự quyền lợi công chúng. Trong tác phẩm Tachiai Ryakusoku (Tóm lược các nguyên tắc của công ty), quyển sách ông viết khi ông còn là một quan chức trẻ của Bộ tài chánh, ông nói, các công ty là độc lập với chính quyền, cho nên chính quyền không nên ra lệnh công ty phải làm gì. Mặt khác, những người đã chung sức lại trong các công ty, mặc dù theo đuổi quyền lợi riêng của họ, nhưng nên nghĩ đến quyền lợi xã hội, rằng nhiệm vụ chủ yếu của thương mại là theo đuổi và thực hiện quyền lợi công của tất cả mọi người của Nhật Bản; và rằng, sự thất sủng sẽ không chỉ đến với công ty của họ, mà còn với cả quốc gia nếu họ hành động một cách bất chính, cũng như họ sẽ bị khinh miệt bởi các thương nhân nước ngoài.
Shibusawa cho rằng dưới thời Tokugawa, “các chức vụ công chỉ được trao cho người trong dòng họ, cho nên chắc chắn không tránh khỏi chính quyền trở thành hoàn toàn bại hoại.”

Shibusawa đã có dịp dừng chân tại Hong Kong, Saigon, Singapore, và bị ấn tượng bởi sự tiến bộ mà các cường quốc phương Tây đã mang đến châu Á. Khi nói về kênh đào Suez, ông viết: “Khi người phương Tây có một kế hoạch, họ không phải chỉ hoàn toàn nghĩ về lợi ích của quốc gia họ, nhưng thường họ trù tính cho những lợi ích lớn dành cho mọi dân tộc.” (Xem ý kiến của F. Engels về vấn đề này trong Nước Đức Thế kỷ XIX, 2019, phần phụ lục)
Khi nghe bài diễn văn của Napoleon III tại cuộc triển lãm 1867, ông cho rằng đó là “một diễn văn tự cao tự đại làm như thể cả thế giới nằm dưới quyển kiểm soát của ông”. Điều này làm ông nhớ lại một bài thơ Trung quốc mô tả lâu đài tráng lệ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng, và chẳng bao lâu bị tấn công và đốt cháy sạch như thế nào. Bài thơ cảnh báo một quốc gia có thể bị biến thành tro bụi không phải vì kẻ thù, mà chính vì sự ngạo mạn của chính nó. Chỉ vài năm sau, nước Pháp bị đánh sụm bởi Phổ trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ 1870-71. Ông cho rằng, không phải Phổ, mà chính sự tự cao tự đại của Napoleon III đã phá hủy nước Pháp.” Và cũng như thế đối với nước Đức sau này.
Tôi tin rằng, Nhật Bản lần này vinh danh Shibusawa Eiichi là còn muốn đề cao phẩm chất thứ hai của ông là đạo đức cho giới doanh nhân, và cho xã hội nói chung. Thời đại đang cần đạo đức, giá trị ngày càng băng hoại. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề đạo đức của các nhà cải cách Nhật Bản ở những thập niên 1870 và 1880, một giá trị cốt lõi, trong tiến trình xây dựng quốc gia mới trong một dịp tới. Ở Việt Nam, đạo đức trong giới kinh doanh, và cả đạo đức của nhà nước, là vấn đề còn cấp bách vạn lần.
NXX
Những ngày mưa dầm của tháng 8-9, 2019
Sách tham khảo:
[1] Shibusawa Eiichi, Vũ Dạ Đàm. Tự truyện. Hồi ức về thế hệ Minh Trị và quá trình phát triển lực lượng doanh nhân Nhật Bản. Nguyễn Lương Hải Khôi chủ trì và dịch. Phuong Nam Book & Nxb Thế giới, 2019.
[2] Shimada Masakazu, Shibusawa Eiichi. Nhà tư bản lỗi lạc thời Minh Trị. Phương Nam Book & Nxb Thế giới, 2019. Nguyễn Duy Lê dịch.
[3] Yamamoto Shichihei, The Spirit of Japanese Capitalism and Selected Essays. Translated by Lynne E. Riggs and Takechi Manabu. Introduction by Frank Gibney. Madison Books, 1992.
[4] Chuhei Sugiyama, Origins of Economic Thought in Modern Japan. Routledge, 1994.
[5] Peter F. Drucker, Innovation and Entrepreneurship. Harper, 1993.
[6] John H. Sagers, Origins of Japanese Wealth and Power. Reconciling Confucianism and Capitalism, 1830-1885. Palgrave, 2006.
Nguồn: Shibusawa Eiichi, sơ lược về cuộc đời và tác phẩm, Rosetta.Vn, 25 Tháng Chín, 2019
Print Friendly and PDF