10.12.14

Có chăng một “French Touch” (phong cách Pháp) trong kinh tế học?

Có chăng một “French Touch” (phong cách Pháp) trong kinh tế học?


Mùa xuân năm 2014, quyển sách của Thomas Piketty bắt đầu sự nghiệp sách bán chạy nhất (best-seller) thế giới. Vào cuối mùa hè, một tạp chí của Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) đề xuất một danh sách 25 nhà kinh tế dưới 45 tuổi mà các công trình sẽ có ảnh hưởng trong những thập niên sắp tới: trong số các nhà kinh tế này, có đến 7 người Pháp. Ngày 13 tháng mười vừa, qua giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel được trao cho Tirole. Thôi đủ rồi, đừng liệt kê thêm nữa!
Làm thế nào giải thích cơn mưa giải thưởng này trên thế giới nhỏ bé các nhà kinh tế Pháp? Ngoài phẩm chất cá nhân, vốn rất lớn, của họ, đó còn là “lời ngợi khen trường phái khoa học kinh tế Pháp”, như hiệu trưởng Cyrille Hautcoeur của Trường cao học về các khoa học xã hội đã vỗ tay phụ họa. Phải chăng có tí gì đó khiến nước Pháp trở thành nhà sản xuất những nhà kinh tế đẳng cấp thế giới?

Những người giỏi toán
Theo Dominique Plihon, giáo sư đại học Paris XIII, “Ở Pháp có một truyền thống những nhà kĩ sư kinh tế có trình độ tốt về toán cho phép họ có một năng lực mô hình hóa và một hào quang được giới hàn lâm đánh giá cao. Nhà kinh tế Mĩ Robert Gordon, mới ghé sang Paris, đồng tình với nhận định trên: “Phần lớn những công trình kinh tế của các nhà kinh tế Pháp có tính toán học”. 
Trong thực tế, Tirole tốt nghiệp trường Bách Khoa và năm trong số các nhà kinh tế trẻ có triển vọng được IMF đưa lên hàng đầu đều nhận một sự đào tạo kép về toán (hay vật lí) và kinh tế. Nếu muốn tỏa sáng trong giới kinh tế toàn cầu hóa, thì tốt nhất không nên ngại hay lúng túng với toán học.
Nhưng Roger Guesnerie, giáo sư danh dự Pháp quốc học viện, nói rõ “trình độ toán học mà một nhà kinh tế cần đến biến đổi từ chủ đề này sang chủ đề khác”. Một số nhà kinh tế có thể bàn luận với các nhà toán học danh tiếng. Nhưng nhà kinh tế trung bình không nhất thiết phải là một thiên tài toán học: những giả thiết kì quái về tính duy lí của các tác nhân hay sự vắng mặt – không thể tin được đối với một công dân – của một khu vực tài chính
thật sự trong các mô hình của các nhà kinh tế là do những khó khăn cực kì nếu chọn một cách mô hình hóa khác. Như Roger Guesnerie thừa nhận: “Quả thật là nếu không đặt những dự kiến duy lí làm giả thiết thì việc mô hình hóa toán học không còn là một điều hiển nhiên nữa”.

Tuy nhiên không thể tóm tắt sự thừa nhận quốc tế các nhà kinh tế Pháp ở khả năng toán học của họ. Một mặt, Roger Guesnerie phân tích: “thế hệ mới có nhiều công trình thực nghiệm hơn. Thomas Piketty vay Emmanuel Saez, hai học trò cũ của tôi, xuất thân từ kinh tế học công cộng lí thuyết, nhưng đã tự thoát ra khỏi và nhận được sự thừa nhận quốc tế nhờ một phần các công trình của họ trên các dữ liệu; đây quả thật là một sự thay đổi”. Daniel Cohen, giáo sư kinh tế Trường đại học sư phạm (ENS) xác nhận: “Kinh tế học đã chấp nhận mất đi một phần tính khái quát, để đổi lấy tính chính xác: ít mô hình lí thuyết và nhiều nghiên cứu thực nghiệm hơn”.
TỪ TOÁN HỌC ĐẾN NGÔN TỪ: CON ĐƯỜNG CỦA COURNOT
Khó nói đến vị trí các nhà kinh tế Pháp trên thế giới mà không ngừng gặp phải cụm từ “truyền thống các nhà kinh tế kĩ sư”. Một truyền thống bắt nguồn từ Jules Dupuit (1804-1866), cựu sinh viên trường Bách khoa, tác giả những bài viết báo trước lập luận cận biên của các nhà tân cổ điển cũng như ý cho rằng “quá nhiều thuế sẽ giết chết thuế” của nhà kinh tế Mĩ Arthur Laffer.
Một cách tổng quát hơn, dù có là kĩ sư hay không, các nhà kinh tế Pháp thường đến từ toán học. Lần này nhân vật biểu tượng là Antoine Augustin Cournot (1801-1877), mà những công trình về các tình thế độc quyền hai người, khi hai doanh nghiệp thống trị một thị trường, ngày nay vẫn còn là tài liệu tham chiếu.
Điều người ta ít biết hơn là cuối cùng Cournot đã từ bỏ cách tiếp cận kinh tế bằng toán học của ông. Khi năm 1838 ông công bố Recherches sur les principes mathématiques de la théorie des richesses
[Những nghiên cứu về các nguyên lí toán học của lí thuyết của cải], với những công thức toán và đường biểu diễn, ông bị những người đương thời khinh thường. Thất vọng, năm 1863 ông quyết định công bố một phiên bản bằng lời văn phân tích của ông và có tựa là Principes de la théorie des richesses [Các nguyên lí của lí thuyết của cải]. Các nhà kinh tế học ngày nay không bao giờ quy chiếu về tác phẩm này. Khi tò mò đọc nó, ta hiểu vì sao.
Kinh tế học là một khoa học? “Bộ môn này không và sẽ không bao giờ chấp nhận việc xây dựng đều đặn, có hệ thống, luôn tuần tự, vốn thuộc về các khoa học được người ta nhìn nhận như là đã thành hình dứt điểm”. Thế còn những nghiên cứu thống kê tinh vi rất được ưa chuộng ngày nay? “Quá nhiều nguyên nhân có thể đồng tác động đến các sự kiện kinh tế đến độ ta không thấy được bằng cách nào có thể phòng tránh  một cách đầy đủ để chống lại lối ngụy biện nguy hiểm: post hoc, ergo propter hoc”, điều mà cho số hiếm các bạn đọc biết tiếng Latinh (!) có nghĩa là “tiếp sau cái đó, vậy là do cái đó”, một sai lầm phổ biến khi thấy hai điều nối tiếp nhau thì tất yếu là có một điều giải thích điều kia. Thật khó mà giam hành vi con người trong những phương trình …


Mặt khác, Robert Boyer và Michel Aglietta, các nhà sáng lập trường phái điều tiết Pháp, là những cựu sinh viên Bách khoa mà toán học và việc mô hình hóa không làm họ sợ. Tuy nhiên họ chưa bao giờ đạt đến mức độ nổi tiếng của các thế hệ sau. Ngược lại Esther Duflo, được đào tạo như nhà sử học, lại thành công vang dội. Tương tự như vậy, các đại học lớn dành nhau những nhà kinh tế sử gia như Barry Eichengreen hay Kenneth Pommeranz mà các công trình không có một phương trình nào cả. Do đó phải tính đến những nhân tố khác.
Đối với một nhà kinh tế từng lãnh đạo nhiều trung tâm nghiên cứu Pháp nhưng muốn ẩn danh, “thế hệ mới chấp nhận luật chơi quốc tế là nhân bội các công trình bằng tiếng Anh, điều mà thế hệ trước đã không làm”. Còn đối với Dominique Plihon, “không thể phủ nhận là những ai được phát hiện là những nhà kinh tế giỏi là những tác giả có trình độ cao, nhưng họ cũng được đúc theo khuôn mẫu đại học anglo-saxon”. Trong thực tế, sự Mĩ hóa của các nhà kinh tế Pháp nổi tiếng là hiển nhiên: Jean Tirole, nhưng cả Thomas Piketty, Esther Duflo, Emmanuel Fahri, Xavier-Garbaix, Thomas Philippon hay Emmanuel Saez – trên danh sách của IMF – đều đã trải qua một quảng thời gian trong cuộc đời họ ở MIT, đại học Mĩ nổi tiếng. Và ngày nay đa số họ ở Harvard, Chicago hay New York. Thomas Piketty, bám chặt ở Paris hay Hélène Rey – đứng thứ bảy trên danh sách của IMF - ở London là những ngoại lệ.

KINH TẾ HỌC VĨ MÔ: KHI OLIVIER BLANCHARD CHUYỂN GIỌNG
Olivier Blanchard, trưởng kinh tế gia của Quỹ tiền tệ quốc tế là một người Pháp khác có uy tín trong giới chuyên gia có ảnh hưởng trên thế giới. Theo dõi chuyển biến tư tưởng của ông về tình trạng của kinh tế học vĩ mô hiện thống trị là một điều có ích.
 
Năm 2008, ông công bố một bài viết mà kết luận là rõ ràng: “tình trạng của kinh tế học vĩ mô là tốt[1]. Ông giải thích là sau một thời kì bất đồng, ta chứng kiến một sự hội tụ kép: hội tụ của những cách nhìn thế giới và của những phương pháp làm việc. Tiếc thay cho các nhà kinh tế cách nhìn thống trị năm 2008 vẫn tin rằng những biến động mạnh trong kinh tế, đặc biệt là các thời kì suy thoái đã thuộc về quá khứ và không thể nào có các bong bóng tài chính! Những năm vừa qua đã đặt lại vấn đề, để nói một cách nhẹ nhàng, chẩn đoán trên… Cho dù ông có nhấn mạnh vài khiếm khuyết nhưng đối với Olivier Blanchard vào năm 2008, thì “kinh tế học vĩ mô trải qua một thời kì phấn khích có tiến bộ lớn”.
Kể từ 2010 là sự chuyển giọng. Trong một bài viết được chú ý[2], Olivier Blanchard và hai đồng nghiệp của ông ở IMF tố cáo những sai lầm thô thiển của lí thuyết kinh tế đương đại. Đối với chính sách tiền tệ, họ phê phán niềm tin theo đó một tỉ suất lạm phát
ổn định và thấp đủ để đảm bảo một tăng trưởng tốt nhất có thể, như thể là không có những chiến lược rủi ro điên rồ của các ngân hàng. Đối với chính sách tài chính, họ lên án việc từ chối mọi hoạt động của Nhà nước nhằm chống lại sự đình trệ của hoạt động kinh tế. 
Một nhận định dẫn đến một lập trường khá bài truyền thống của Olivier Blanchard trên tờ Wall Street Journal vào tháng 4 năm 2013[3]. Trước năng lực phân tích thấp kém của họ, ông đòi hỏi các nhà kinh tế phải khiêm tốn hơn! Ông thừa nhận rằng các mô hình của các nhà kinh tế không dung hợp được khu vực tài chính, một giới hạn mà theo ông không thể vượt qua được về mặt kĩ thuật.
Quan điểm cuối cùng của ông, vào tháng mười năm 2014, đẩy logic trên đi xa hơn nữa khi tuyên bố là, rốt cuộc, “kinh tế học vĩ mô cần một sự điều chỉnh sâu rộng[4]. Vì những công cụ của bộ môn này không cho phép nó phân tích đúng đắn các rủi ro tài chính lẫn cách mà những biến động nhỏ trên một thị trường – ví dụ thị trường một số khoản cho vay bất động sản ở Hoa Kì – có thể kéo theo một biến động mạnh của tăng trưởng thế giới. Tính “phi tuyến tính của hoạt động kinh tế, như cách nói của các nhà kinh tế, cũng như sự bất lực của họ trong việc mô hình hóa cơ năng của những rủi ro ngân hàng và sự tương tác của những rủi ro này với nề kinh tế thực đối với Olivier Blanchard là “những góc tối” của kinh tế học vĩ mô đương đại. Nhưng soi sáng các vấn đề này “có lẽ là ngoài tầm với của những năng lực kĩ thuật và khái niệm của giới kinh tế trong giai đoạn hiện nay”. Vậy thì cuối cùng tình trạng của kinh tế học vĩ mô không lấy gì là tốt lắm …


Những nhà kinh tế Pháp Mĩ hóa
Như vậy phải chăng các siêu sao Pháp trong kinh tế học chỉ là những nhà kinh tế Mĩ nói tiếng Anh? Không đơn giản như thế, Daniel Cohen trả lời: “Có những nhà kinh tế Pháp, không phải trải qua cửa ngõ Hoa kì mà công trình vẫn được công nhận trên bình diện quốc tế. Đó là trường hợp của Philippe Askenazy đến David Thesmar, qua đến Thierry Verdier và nhiều nhà kinh tế khác nữa”. Hẳn là họ không có tên trong danh sách những nhà kinh tế trẻ đầy hứa hẹn dưới 45 tuổi nhưng danh sách này chỉ là kết quả của một cuộc điều tra được tạp chí Finance and Development của IMF tiến hành trên bạn đọc của mình và trên các tổng biên tập các tạp chí hàn lâm Mĩ. Một bản xếp hạng tương tự do Revue franVaise d’économie hay Indian Economic Review ở Dehli thực hiện sẽ không đưa ra cùng một danh sách ấy! Roger Guesnerie bổ sung: “Đó là những người được đào tạo ở Pháp và đã chen chân vào được hệ thống toàn cầu sản xuất các kiến thức kinh tế”.
Như thế thật ra điều quan trọng là các nhà kinh tế Pháp chấp nhận nói ngôn ngữ của kinh tế học thống trị, ngôn ngữ của cách tiếp cận tân cổ điển hơn là tự thân việc Mĩ hóa.
Đối với Dominique Plihon, việc “các nhà kinh tế tân cổ điển gặp nhau trong cách tiếp cận lí thuyết của những công trình của Thomas Piketty hay của Esther Duflo” làm nổi bật rằng sự công nhận nhà kinh tế này hay nhà kinh tế khác phụ thuộc trước hết vào việc nhà kinh tế ấy chấp nhận tự đặt mình trong những tương quan lực lượng có tính xã hội học của bộ môn mình. Và hơn hết là đặt mình vào “đúng” bên, bên bảo vệ những cách tiếp cận hình thức hóa, đặt trọng tâm vào việc phân tích hành vi của những cá thể duy lí và tối đa hóa sự thỏa mãn bản thân, cùng những giả thiết khác có một liên hệ rất xa vời với thực tế.  

Giới tinh hoa mới
Tuy nhiên, dưới mắt của Daniel Cohen, “việc đặt chân vào mainstream (dòng chủ lưu - ND) không còn đồng nghĩa với việc từ bỏ lí lẽ thông thường. Trước đây đó là cái giá phải trả. Ngày nay mainstream đã mở rộng hơn nhiều”. Các ngôi sao kinh tế Pháp quả đúng là những môn đồ tuân thủ các chuẩn của cách tiếp cận thống trị, một cách tiếp cận vốn thường hậu thuẫn cho tự do kinh doanh và những phẩm chất của các thị trường tự do. Nhưng điều này không ngăn cản một số lớn trong các sao ấy được xếp về phía tả của bàn cờ chính trị Pháp và ủng hộ những chính sách thuế khóa, tài chính hay các chính sách khác có tính can thiệp và tiến bộ. Đó chính là ma thuật của diễn tiến suốt cả mấy thập kỉ qua của các chuẩn kinh tế trong cách tiếp cận chuẩn đã cho phép, từ cùng một cái thể cơ bản, dẫn đến những kết luận chính trị khác nhau một cách triệt để!
Nếu việc các nhà kinh tế trên giỏi toán, Mĩ hóa và theo truyền thống trên phương diện các phương pháp soi sáng một phần sự thành công trên trường quốc tế của các nhà kinh tế Pháp thì điều này cũng không giải thích được hết. Còn phải kể thêm một đặc thù Pháp: một hệ thống tuyển chọn đặc biệt. Trong số bảy nhà kinh tế nổi bật trên, năm người là cựu sinh viên Trường đại học sư phạm (ENS). Daniel Cohen phân tích: “Kể từ những năm 1990, nhóm trẻ tinh hoa của chúng tôi đã hiểu rằng nền kinh tế “thật” không phải là độc quyền của bộ máy công chức và rằng kinh tế học là một bộ môn không nhất thiết buộc phải lựa chọn giữa những mô hình cực kì trừu tượng và những cách tiếp cận lịch sử-thể chế. ENS đã đặt cược vào sự tiến hóa này. Chúng tôi đã làm cho họ hiểu là nên thử trở thành những Joe Stiglitz hay Gary Becker mới hơn là thành một thanh tra tài chính (một ngạch công chức cao cấp trong Bộ kinh tế Pháp – ND) nữa”.   
Christian Chavagneux
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Alternatives Économiques, Décembre 2014, n0 341.

Cuộc khủng hoảng những năm 1930 đã đảo lộn tư tưởng kinh tế như thế nào
Đó là thời kì mà người ta nói rằng chu kì kinh tế đã chết”. Bình luận này rút ra từ một quyển sách xuất bản năm 1934 của nhà kinh tế Anh Lionel Robbins. Nhưng bình luận trên vẫn còn hoàn toàn giá trị để đặc trưng cho suy tưởng kinh tế trong những thập niên qua. Hôm qua cũng như ngày nay, các nhà kinh tế đã phạm sai lầm trong một phân tích khiến họ không có khả năng tư duy các cuộc khủng hoảng.
Cuộc khủng hoảng của những năm 1930 đã thay đổi tư tưởng kinh tế thống trị. Nhưng như các nhà kinh tế Jean FranVois Poncet và Michel Rocca giải thích, sự thay đổi này không phải là một công việc nhàn hạ[5]. Hành động chính trị để đối phó với cuộc khủng hoảng lúc bấy giờ lấn lướt mọi dạng lí thuyết: Roosevelt đảo lộn khuôn khổ của tư tưởng kinh tế bằng cách thiết kế cụ thể, bằng những quyết định của mình, một chủ nghĩa tư bản trong đó
Nhà nước giữ đúng vai trò và vị trí của mình, và điều này không phải là kết quả của một lí thuyết được quan niệm trước. Nếu trong chính quyền Roosevelt có mặt rất nhiều nhà kinh tế thể chế Mĩ thì chính các luật gia mới là những người ở cội nguồn của những đạo luật lớn trong nhiệm kì của ông (điều tiết tài chính, thuế lũy tiến, Nhà nước phúc lợi, v.v…).
Tư tưởng chuẩn, còn lâu mới bị những sai lầm của nó hủy hoại, tiếp tục sống dai dẳng và sự trồi lên của một cách tiếp cận mới là một quá trình đau đớn. Các ý tưởng của Keynes hơn nữa được các nhà tân cổ điển kiến giải lại và chỉ thắng thế sau thế chiến. Ngay cả sau một cuộc khủng hoảng có cùng cường độ và quy mô như cuộc khủng hoảng được khởi động năm 2007, sự đổi mới tất yếu của tư tưởng kinh tế phải mất thời gian và tầm ảnh hưởng của nó vẫn là bất định.




[1] The State of Macro”, NBER Working Paper, n014259, August, 2008.

[2] Rethinking Macroeconomic Policy”, Olivier Blanchard et ali, IMF Staff Position Notes, Feb. 2010.

[3] Olivier Blanchard’s Five Lessons for Economists from the Financial Crisis”, Wall Street Journal, April 1st 2013.

[4] Where Dangers Lurks”, Finance and Development, September 2014, vol. 51, n03.

[5] Le renouvellement de la pensée économique Durant la crise des années 1930. Le découplage théorie économique/politique économique”, Revue de la régulation, 1er semestre 2013.

Print Friendly and PDF