29.11.21

“Lần đầu tiên đến Paris một mình, lúc đó tôi mười bảy tuổi”, trao đổi với Saskia Sassen

“LẦN ĐẦU TIÊN ĐẾN PARIS MỘT MÌNH, LÚC ĐÓ TÔI MƯỜI BẢY TUỔI”, TRAO ĐỔI VỚI SASKIA SASSEN

Tác giả: Felipe Bosch

Với cuộc phỏng vấn thứ tám này, loạt bài mùa hè Grand Tour của chúng tôi thực hiện một sự thay đổi quy mô nhằm tìm hiểu các thành phố lớn với một trong những chuyên gia lớn nhất về chủ đề này, nhà xã hội học và là nhà kinh tế học Saskia Sassen. Khởi đi từ cái nhìn của bà về Paris và Luân Đôn, bà nhận thấy sự mất dần sự thống trị của Nhà nước - quốc gia trong một kỷ nguyên mới, thời kỳ mà các thành phố có thể được đưa lên để giữ một vị trí quan trọng.

Bà sống và trải nghiệm thế nào trong hai thành phố tầm Châu Âu và Thế giới như Luân Đôn và Paris?

Saskia Sassen – Luân Đôn và Paris là hai thành phố tuyệt vời, không có nghi ngờ gì về điều đó, chúng mang những nét đặc trưng bởi phong cách quy hoạch đô thị rất đặc biệt mà chỉ Châu Âu mới có thể tạo ra được. Đó là điều gì đó thực sự nổi bật đối với tôi. Nhưng đồng thời bên cạnh đó, tôi có một phần cuộc sống không có gì lãng mạn hay đẹp đẽ cho lắm, nơi đó tôi nhìn thấy những quyết định tai hại đã được thực hiện, những lạm dụng, và cách chúng ta đánh mất một thứ gì đó từ quá khứ đã từng hoạt động tốt đối với nhiều người hơn so với những gì hiện tại.

Tôi nghĩ rằng chúng ta đang rơi vào một kiểu trượt dốc của sự hiện đại. Một trong những câu hỏi hướng dẫn tôi ngày hôm nay là: làm thế nào để chúng ta tìm ra những dấu hiệu thay đổi trong một đô thị mới vốn khác với một đô thị mà chúng ta đã biết mà chúng ta không biết điều đó sẽ tốt hơn hay tệ hơn? Lịch sử dạy chúng ta rằng những thay đổi này đang xảy ra và những thế hệ mới đang nhập cuộc. Đây là một dự án khiến tôi tò mò, mặc dù với độ tuổi của mình, tôi sẽ không thể nắm bắt đầy đủ về nó. Do đó, thách thức nằm ở một số chỉ báo, nhưng những chỉ báo này là gì?

Một chỉ báo mà tôi thấy rất có vấn đề là sự thờ ơ lãnh đạm ngày càng tăng đối với toàn bộ những người đã từng hữu ích và quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta trong một quá khứ không quá xa. Những người này ngày càng ít được xem trọng hơn trên phương diện nào? Người ta ít quan tâm đến những con người hơn và quan tâm nhiều hơn đến những điều kiện chúng ta có thể tạo ra, và những khám phá trên phương diện nào? Tôi có cảm giác rằng một điều gì đó dữ dội sẽ xảy ra. Yếu tố thứ hai đối với tôi là chúng ta đã thất bại trong nhiều thế hệ để đạt được công bằng xã hội tiến bộ hơn. Ngày nay chúng ta có những người đã xoay xở để đi học đại học mặc dù xuất thân từ những gia đình dễ bị tổn thương, nhưng thường thì cuối cùng họ vẫn thất bại trong việc thực hiện dự án mà họ hình dung là họ có thể thực hiện được sau khi vào đại học. Trường đại học không còn cho phép anh ta bước sang giai đoạn tiếp theo trong cuộc đời.

Đối với tôi, thành phố luôn là một ví dụ điển hình: nó chứa trong đó sự giàu có và nghèo đói, cái tốt và cái xấu, lạm dụng và hào phóng. Trong một thành phố lớn, có rất nhiều tương tác. Thành phố vẫn là nơi mà những người dễ bị tổn thương nhất, những người bị từ chối, có thể có được một chỗ để cắm dùi về lâu dài. Vùng nông thôn quá khó khăn nếu bạn không có tiền, còn các thị trấn nhỏ có lẽ quá bị kiểm soát: vậy thì đó là thành phố lớn, nơi không bao giờ hoàn hảo, nơi mà bạn không bao giờ có thể mong đợi nó thực hiện tất cả những gì nó phải thực hiện với một loạt các lựa chọn có tính tương đối, và cuối cùng cũng có những hỗ trợ cho những người thiệt thòi nhất. Điều này khiến tôi tò mò và xem như một khả năng. Thay vì tập trung trên chuyện họ đã thất bại như thế nào, thì hãy xem họ đã xoay xở như thế nào để có một cuộc sống, ngay cả khi nó rất khiêm tốn. Và đây là điều gây ấn tượng: cách thức mà thành phố đã cho phép tất cả các thái cực mà người ta có thể tưởng tượng ra. Các thành phố vẫn luôn hiện diện giữa chúng ta. Đây là những yếu tố rất không hoàn hảo, với khả năng bị ngược đãi và bất công rất lớn, nhưng cuối cùng, đây cũng là những không gian mà những người yếu thế có thể kiếm sống. Nó từa tựa như thế.

Luân Đôn và Paris thực sự là hai thành phố lớn ít đáng sợ hơn nhiều so với các thị trấn nhỏ của Mỹ, nơi người ta lo lắng nhiều về chuyện có quá nhiều người da màu, ngay cả khi những người này đã thuộc tầng lớp trung lưu lâu đời.

Tóm lại, tôi nghĩ điều ấn tượng là các thành phố trải qua một thời kỳ lâu đời nhất mà con người ta đã tạo ra. Chúng ta đã có các thành phố trong rất nhiều thế kỷ, rất lâu trước khi xuất hiện Nhà nước - quốc gia. Nhà nước - quốc gia chỉ phát huy tác dụng vào thời điểm gần đây, nếu chúng ta xét quá trình rất dài của một thành phố lớn. Mặt khác, những thành phố mang tính phức hợp nhất không phải nằm ở phương Tây của chúng ta, mà là ở phương Đông. Và đây cũng là một điều quan trọng cần tìm hiểu. Tôi đã làm việc rất nhiều ở một số nước châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, nơi tôi thực sự khám phá ra tất cả những câu chuyện mà chúng ta không có ở phương Tây.

Cần nhận thức về sự cần thiết vượt ra khỏi phạm vi Nhà nước - quốc gia ở mức độ thế nào?

Tất nhiên là có sự hiện hữu của các Nhà nước - quốc gia, nhưng trên thực tế, các tác nhân mạnh nhất xét về mặt phát triển một nền văn hóa và những đổi mới, không phải là các chính phủ quốc gia. Một số tác nhân xuyên quốc gia đứng sau các đổi mới và khả thể mới. Theo tôi, điều này dường như rất quan trọng. Không còn nghi ngờ gì nữa, đã có một thời kỳ mà Nhà nước - quốc gia nổi lên và trở thành một tác nhân quyền lực và quan trọng. Tôi nghĩ rằng thời kỳ như vậy sắp kết thúc. Tất nhiên, nó sẽ tiếp tục mạnh mẽ và vẫn sẽ có một số nước nơi đó chính quyền lạm dụng nó. Phân tích của tôi không phải là một phân tích mang tính lãng mạn, không hề như vậy đâu. Nhưng thật thú vị khi thấy một số tác nhân - đặc biệt là khu vực sản xuất giàu có - đang giành được chỗ đứng như thế nào, và ngày càng ít cần Nhà nước - quốc gia và các nền luật pháp của chúng hơn.

Tôi nghĩ rằng chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới, với những hệ thống phức hợp, và hiểu rằng việc chúng ta bước vào một kỷ nguyên mới diễn ra không dễ dàng gì. Bởi vì đây không phải là một sự thay đổi hoàn toàn, không phải là một sự phá hủy toàn bộ và thay thế một bối cảnh. Đó là thứ gì đó đi vào, xâm nhập, tự thiết lập và rồi có thể thống trị. Và chúng ta đã biết điều này từ những năm 1980. Đó là một thời điểm rất quan trọng, bởi vì đó là thời điểm mà những gì truyền thống hơn - ở đây tôi đang nói về phương Tây - hơi bị choáng ngợp bởi các công ty lớn mới nổi này - nhưng không chỉ là những công ty lớn - hoạt động trên toàn cầu. Chúng sở hữu một không gian hoạt động mà quốc gia, ngay cả khi nó quan trọng, trở nên mờ nhạt. Đây là điều khiến tôi hơi ngạc nhiên: người ta không sử dụng bản đồ truyền thống nữa khi người ta cho hiển thị thiết bị mạnh thực sự. Thiết bị này được tạo thành từ một số lĩnh vực trong nội bcác Nhà nước - quốc gia với một loạt các kết hợp.

Tuy nhiên, có một hình thức chủ nghĩa bất động, đặc biệt là về mặt tinh thần, trong việc hiểu sự vận hành của các quốc gia và ý nghĩa của việc có quyền lực. Chúng ta luôn bị mắc kẹt trong ý niệm về Nhà nước - quốc gia. Điều này ngày càng có giá trị đối với con người chúng ta, nhưng ngày càng ít quan trọng hơn đối với các tác nhân kinh tế lớn và các tác nhân siêu kinh tế khác nhau. Chúng ta dựa rất nhiều vào việc được công nhận là những người có quyền sống ở một quốc gia nhất định, nhưng trên thực tế, có một loạt các tác nhân, với kinh tế chắc chắn chiếm ưu thế, đơn giản là xuyên quốc gia và có một loạt các phương tiện xuyên quốc gia mới được kết nối với rất nhiều nơi khác mà không gặp khó khăn gì nhiều.

Đối với tôi cũng vậy, những gì chúng ta đang thấy, và đây là chủ đề thứ ba, là sự trỗi dậy của vấn đề khai thác mang tính hủy hoại. Sự khai thác mà trước đây rất dễ nhìn thấy nay đã ít hơn rất nhiều. Chúng ta phải phát triển một ngôn ngữ cho phép chúng ta nắm bắt những yếu tố này mang tính từng phần, nhưng có thể lại rất có ảnh hưởng. Lịch sử không còn là toàn bộ lãnh thổ của một quốc gia. Câu hỏi đặt ra là Nhà nước - quốc gia, như những gì chúng ta đã hiểu theo lịch sử, như nó vẫn hoạt động và như chúng ta vẫn cần nó, sẽ bắt đầu hiểu ở mức độ nào, ở tầm mức chung, trong khi có những tác nhân khác quan trọng hơn nó. Đây là điều mà các thành phố hiểu, và ngay cả các làng cũng hiểu.

Đâu là những không gian trong đó có câu trả lời cho tất cả, có thể khớp nối được với nhau?

Các tác nhân rất mạnh, các công ty, các đại gia đình sở hữu nhiều quyền lực. Chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào các tập đoàn lớn bởi vì sự tái tạo xã hội của chúng ta phụ thuộc vào chúng. Sau Thế chiến thứ hai, người ta càng thấy rõ ai là những tác nhân chính. Bây giờ thì điều này mơ hồ hơn một chút. Có một sự kết hợp các cơ hội và các yếu tố khiến cho một mặt, Nhà nước, cơ quan quản lý, đang mất dần tầm quan trọng, nhưng mặt khác lại trở nên quan trọng hơn, thành như một nơi ẩn náu cho toàn bộ những người đã bị đuổi khỏi cuộc sống của họ.

Tôi không biết tất cả sẽ kết thúc ở đâu, liệu có một thế lực, một yếu tố, một quyết định hay một sự kết hợp của những tình huống mà trong đó chúng ta tìm thấy một hình thức công bằng xã hội nào đó. Tôi có thể nói rằng, hiện tại, công bằng xã hội không được mạnh lắm, bởi vì đơn giản là có các tác nhân mạnh hơn. Điều này không có nghĩa là công bằng xã hội đã thất bại, mà là có một số các tác nhân cực kỳ mạnh mẽ. Đối với tôi, đây là một vấn đề khó xử lý vì mọi thứ đều bị lệch lạc. Các tập đoàn lớn này thường hỗ trợ và có thể được trình bày là rất tích cực. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang đi theo một hướng làm tôi lo lắng, với tất cả những yếu tố như chúng ta đang nói đến.

Có những yếu tố khác tích cực hơn, chẳng hạn như các thế hệ mới, những người chỉ đơn giản xây dựng khát vọng của họ xung quanh các yếu tố theo một cách rất khác. Những người trẻ không còn quan tâm đến việc sở hữu một chiếc ô tô khi họ sống ở một thành phố lớn, nơi mà vấn đề được đặt ra nhiều hơn. Nhưng, đổi lại, họ muốn đi du lịch vòng quanh thế giới. Đây là mốt sống mới. Các thế hệ mới đang thay đổi, họ điều chỉnh cấu trúc của cuộc sống hàng ngày, những gì được xem là cuộc đời tốt đẹp. Họ thay đổi các mô thức.

Châu Âu đóng vai trò trung tâm trong sự biến chuyển này?

Tôi không chắc. Chúng ta hãy quay lại một chút với quá khứ. Châu Âu khởi đầu là một trong những lục địa có tập trung dân số cao nhất, trong khi ở các nơi khác trên thế giới có ít trường hợp như thế. Châu Âu đang đối mặt với một thực tế không thể che giấu cũng không thể giết chết nó. Phương Tây đã tạo ra các mô thức mới của mình, theo một cách nào đó, thông qua công nghệ. Điều khiến tôi tò mò bây giờ là Châu Á, nơi tôi đã dành rất nhiều thời gian. Ở Châu Á, nó diễn ra như thế nào? Họ đã tạo ra những đổi mới đáng kinh ngạc, họ có những mô thức khác với chúng ta. Nhật Bản là một trường hợp cực kỳ đặc biệt về mặt này, với một mức độ thông minh và phát triển ấn tượng. Trong bối cảnh này, tôi không biết chúng ta sẽ đi về đâu.

Khi tôi cho phép mình nghĩ về điều đó, và tôi nhấn mạnh từ “cho phép bản thân”, tôi thấy một tình cảnh chia rẽ nơi mà ngày càng nhiều người sẽ phải chịu đựng. Và những gì từng là tầng lớp trung lưu khiêm tốn nhưng đầy chức năng sẽ kết thúc. Sự hiện đại của chúng ta chứa đầy những đổi mới và điều này kéo theo một lượng lớn người. Một số người sẽ rất giàu, một số khác ít giàu hơn một chút và một số khác nữa có thể không kiếm được bao nhiêu, nhưng họ có một cái gì đó. Nhưng cũng sẽ có một lớp người bị bỏ rơi, bị lãng quên, những người không còn được quan tâm, bởi vì công nghệ của chúng ta, ngay cả về mặt văn hóa, sẽ thay đổi. Tôi thấy một chức năng khá lớn của con người, với các mức độ trí tuệ, kiến ​​thc, chuyên môn khác nhau, nhìn chung sẽ tiếp tục hoạt động và khá quan trọng. Điều tôi không hiểu là ai sẽ là những người tuyệt vọng và bị loại trừ, bởi vì họ sẽ chết đói, sẽ chết vì bệnh tật, bởi vì không ai muốn họ. Có một sự tàn bạo khá đặc biệt đang diễn ra ở đây, mà lịch sử sau này sẽ không mô tả một cách tốt nhất.

Bà bắt đầu buổi trò chuyện bằng cách mô tả các thành phố, dù sao đi nữa, như là nơi những người bị loại trừ nhất tìm được không gian và bối cảnh để phát triển cuộc sống của họ. Bây giờ thì điều gì xảy ra với bức tranh mà bà vừa trình bày?

Ngày càng có nhiều người đến và tìm thấy trong thành phố nơi duy nhất họ có thể lưu trú, nơi họ có thể tồn tại nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với sự mở rộng quy mô của các thành phố. Những người nghèo nhất thường phải đi hai giờ để đến nơi làm việc. Và đó là một hiện tượng không được nhìn thấy. Đối với tôi, đây là một vấn đề bắt nguồn từ một số kiểu bực mình khó chịu không kiểm soát được mà tôi trải qua: nó đặc trưng cho việc là những ai sống trong một thành phố chỉ nói về phần tốt đẹp của thành phố. Họ có xu hướng quên rằng có những người đang chịu đựng. Những người có điều kiện thực sự đánh giá cao các thành phố. Tôi cũng yêu thành phố, nhưng chúng ta quên mất những con người phải dậy từ bốn giờ sáng mỗi ngày để đi làm. Một hình thức bạo lực lớn nhưng vô hình.

Thật đáng kinh ngạc khi con người chúng ta không để ý, không lo lắng gì về điều đó. Trong quá khứ điều này hẳn là một cách để sống sót thì mới có thể lãnh đạm đến thế. Chúng ta, những người cảm nhận nỗi đau dù nhỏ nhất, chúng ta rất nhạy cảm, nhưng đồng thời chúng ta có thể thể hiện sự thờ ơ tàn nhẫn mà tôi nghĩ nó đến từ một yếu tố căn bản là chúng ta phải tự bảo vệ mình, nếu không chúng ta sẽ không thể sống sót. Bản năng sinh tồn này ngày nay theo một kiểu khác, nhưng vẫn còn đó. Chúng ta có khả năng nghĩ đến những gì cần thiết để tồn tại. Chúng ta quên điều này quá thường xuyên. Những ai không có khả năng này phải trả giá rất cao. Và bây giờ chúng ta phân tích cái giá này dưới góc độ giàu và nghèo. Nhưng đã có lúc không phải người giàu mà là những người cầu tiến, những người can đảm là những người tạo ra sự khác biệt, chẳng hạn những người khởi xướng các nền văn hóa. Chúng ta đã có những con người như thế trên mọi lục địa, những người thực sự khởi đầu cho nền văn minh của chúng ta.

Kinh nghiệm của bà ở các thành phố như Luân Đôn và Paris về sự đối ngẫu này giữa những người bị loại trừ và những người thu lợi là gì?

Tại hai thành phố này, tôi đã thực hiện các dự án nghiên cứu và vào thời đó, tôi đã làm việc rất nhiều với những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là những người di cư tị nạn từ những hoàn cảnh rất phức tạp. Đó là một thời kỳ xảy ra di cư lớn. Và châu Âu là lục địa mở, không giống như Trung Quốc. Đó đã là một câu hỏi rất quan trọng đối với tôi. Tôi luôn thêm những thứ không được nhìn thấy vào phân tích của mình, những người không có nhà, nhưng biết cách che giấu sự hiện hữu của mình. Vào thời đó, hầu hết cư dân không nhận thấy đang có một thứ thay đổi. Đó là một loạt những người đến từ các quốc gia với rất nhiều vấn đề và có khả năng không được nhìn thấy. Kể từ một thời điểm nào đó, các thành phố lớn mới nhận ra rằng có những người dân không được nhìn thấy như thế.

Lần đầu tiên đến Paris một mình, lúc đó tôi mười bảy tuổi. Tôi đã sống trên đường phố, nhưng đối với tôi đó là một cuộc phiêu lưu và tôi gặp thời tiết tốt, trời không lạnh. Tôi đã học cách nhìn những gì mà người ta không nhìn thấy ban ngày. Những người dân sống về đêm, họ tụ tập, bới móc rác: cả một lối sống. Và cuối cùng các hệ thống đã phát hiện là họ tồn tại, nhưng đã có lúc điều này không được công nhận ở châu Âu. Nó thật thu hút đối với tôi.

Kinh nghiệm thú vị khác theo hướng này đã diễn ra ở Hoa Kỳ, ở San Francisco: một thành phố luôn có vẻ hoàn hảo, nhưng lại là nơi những người nghèo bắt đầu đến và ẩn náu. Và đã có một thời người ta không hiểu rằng họ hiện hữu, nhưng cuối cùng điều đó lại nổi lên rất mạnh mẽ và tạo ra một loại chấn động. Những người đánh giá tốt về thành phố không biết rằng có những người sống như thế này, những người ngủ trong công viên, nơi họ có thể không được nhìn thấy. Và khi điều này được phát hiện, mọi người bắt đầu hiểu rằng còn có một nhân loại khác.

Ở một số thành phố, bạn có thể có một số mặt hào phóng. Ở một số vùng của Hoa Kỳ, người ta được nghe rằng có một số người nghèo không có nhà cửa và chỉ biết thế. Người ta đã không nói về điều này quá nhiều. Ở một số thành phố khác, điều này đã có được phản hồi. Tôi đã sống trong nhiều thành phố để hiểu về điều này. Thật thu hút khi quan sát điều này được chấp nhận ở mức độ thế nào. Khi ngày càng có nhiều người chẳng có gì, điều này sẽ trở nên nặng nề hơn một chút đối với mọi người, một loại thói quen phản ứng mà chúng ta đã biết.

Chúng ta thực sự đã sống trong một sự thay đổi. Trong các hệ thống phức tạp, không dễ dàng gì để nhận thấy sự thay đổi này. Một phần của sự thay đổi này chính xác liên quan đến thực tế là rất nhiều người đã đánh mất thứ hạng của họ. Ý tôi là, ví dụ, khi có một người cần một chiếc áo khoác, đó đã từng được coi là một trường hợp nghiêm trọng mà bạn sẽ cố gắng giúp đỡ, cũng bởi lẽ không có nhiều trường hợp như vậy. Ngày nay, chúng ta sống trong một hoàn cảnh mà chúng ta biết rằng có hàng ngàn người đang ngủ trên đường phố vào ban đêm, nhưng chúng ta không biết làm thế nào ứng phó. Điều đơn giản nhất là bỏ qua, không nói về nó, không phân tích nó. Không nói về nó, bởi vì chúng ta không biết phải làm gì. Tôi không biết mình sẽ hành xử như thế nào nếu tôi là thị trưởng của một thành phố gặp phải tình huống như vậy. Nhưng khi điều này xảy ra ở nhiều thành phố của một quốc gia hoặc một thực thể, nó trở thành một thách thức rất lớn, vì phải công nhận rằng các quốc gia hay thực thể đó cần nhiều nguồn lực và sự hỗ trợ hơn những gì họ nhận được. Và không dễ gì để họ kiếm được nhiều hơn những nguồn lực này.

Ngoài các nguồn lực, bà có nghĩ rằng có một vấn đề giữa những người ra quyết định, trong giới tinh hoa, là phải hiểu chuyện gì đang xảy ra và làm thế nào để ứng phó với nó không?

Vâng, bạn có lý đấy. Đây là một điểm quan trọng. Chúng ta đã không đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong quá trình phát triển của mình, trong cách mà chúng ta mô tả tình hình. Điều tôi cũng thấy và nó gây ấn tượng với tôi là sự thờ ơ không chỉ tàn bạo mà còn chứa trong đó một hình thức nào đó của sự độ lượng: tốt thôi, nếu họ muốn ngủ ở đó, trên đường phố, họ làm hỏng cảnh quan một chút, nhưng cũng tốt. Ở Mỹ, điều này đã gây ấn tượng lớn đối với tôi. Lúc đầu, cảnh sát đến và phá hủy những thứ khiêm tốn mà những người này có trong các chòi lều ở California. Nhưng nó đã tạo ra phản ứng khá gay gắt từ các cảnh sát yêu cầu để cho họ yên. Ngay cả người giàu cũng nói: it’s ok.

Điều này có lẽ liên quan đến các quan niệm khác nhau về thế giới chi phối xã hội Mỹ so với các xã hội châu Âu. Khi suy nghĩ về những khác biệt quan niệm này, bà có nhận thấy sự khác biệt nào về cách tiếp nhận tác phẩm của bà bàn về thành phố thế giới tại Châu Âu và Hoa Kỳ, hoặc thậm chí giữa Pháp và Anh không?

Rất chính xác. Liên quan đến sự tiếp nhận, đã có một thời kỳ tôi đã viết và xuất bản rất nhiều. Tôi luôn ngập đầu trong công việc. Tôi đã không thể đọc hầu hết các nhận xét đã được đưa ra, các phê bình, các khen ngợi. Cũng có thể nói, đầu tôi đang bùng nổ với những ý tưởng. Đó là những gì thu hút tôi. Tôi đoán chắc mình phải hứng chịu cả đống lời chỉ trích, nhưng biết làm sao, tôi không có thời gian. Có thể một người Pháp chỉ trích tôi nhiều hơn một người Anh, cũng bởi vì truyền thống của người Pháp là luôn phải phản biện. Và biết cách phản biện cũng là một tài năng. Nhiều người Mỹ không biết cách phản biện. Họ không thích hoặc đồng ý với điều gì đó là một chuyện. Nhưng phản biện không phải là sở trường của họ. Họ không giống người Pháp. Tôi đã sống ở Pháp. Tôi đã có rất nhiều người ủng hộ tôi, những người yêu mến tôi. Tôi đã có một thời gian tuyệt vời ở Pháp và nói một thứ tiếng Pháp vừa phải. Tôi vẫn luôn kết nối, nhưng không còn nhiều như trước. Đây là một giai đoạn mới đối với tôi: có những chủ đề khác, những tình huống khác thu hút tôi.

Nguyễn Khánh Trung dịch

Nguồn: “La première fois que je suis allée à Paris seule, j’avais dix-sept ans”, conversation avec Saskia Sasen, Le Grand Continent, 6.8.2021.

Print Friendly and PDF