21.3.22

Giúp Putin ở Ukraine? Trung Quốc mập mờ trước sức ép của Mỹ

GIÚP PUTIN Ở UKRAINE? TRUNG QUỐC MẬP MỜ TRƯỚC SỨC ÉP CỦA MỸ

Pierre-Antoine Donnet

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc điện đàm trực tuyến vào ngày 18 tháng 3 năm 2022. (Nguồn: DW)

Kể từ hơn ba tuần qua, Trung Quốc đã chứng kiến cuộc chiến ở Ukraine nơi mà quân đội của Vladimir Putin đang gặp khó khăn. Bắc Kinh hơn bao giờ hết đang đối mặt với một lựa chọn cực kỳ khó khăn: hoặc đứng về phía Tổng thống Nga và đặt Trung Quốc trước viễn cảnh bị phương Tây trừng phạt, ảnh hưởng ghê gớm đến nền kinh tế Trung Quốc, hoặc quyết định từ bỏ Nga để tự họ một mình đối đầu trước Hoa Kỳ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không thể không bàng hoàng trước diễn tiến cuộc xâm lược của Nga. Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người. Ngày qua ngày cho thấy Nga sa lầy với viễn cảnh về một cuộc kháng chiến của người dân Ukraine, có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng.

Kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine, người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đã phát biểu rất ít, cũng giống như sáu thành viên khác trong thường vụ Bộ Chính trị Đảng, cơ quan tối cao quyết định tất cả các lựa chọn chiến lược của đất nước.

Nhưng Tập Cận Bình đã phá vỡ sự im lặng đó vào hôm thứ Sáu, ngày 18 tháng 3, khi điện đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden trong gần hai giờ đồng hồ. Đây là cuộc điện đàm video trực tuyến đầu tiên giữa lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ khi chiến tranh bùng nổ vào ngày 24 tháng 2.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ông Tập Cận Bình khẳng định, “không phải là điều chúng tôi muốn thấy”, nhưng không vì thế mà sử dụng các từ “chiến tranh” và “xâm lược”. Chủ tịch Trung Quốc cũng không nói rõ liệu Trung Quốc sẽ cung cấp viện trợ quân sự hay tài chính và kinh tế cho Vladimir Putin hay không.

Về phần Joe Biden, ông đã không quên lặp lại những lời cảnh báo của Mỹ nhắm vào Bắc Kinh, nếu nước này quyết định viện trợ quân sự cho Moscow. Trong trường hợp này, Washington sẽ đưa ra quyết định áp đặt những biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Trung Quốc, gây thiệt hại cho nền kinh tế vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng trong những tháng gần đây.

Ngay cả trước thềm cuộc điện đàm thượng đỉnh này, chính quyền Biden đã nhiều lần bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về nguy cơ cho thấy Trung Quốc ngã về phía Nga. Phản ứng trước thông tin chưa từng được Bắc Kinh xác nhận về lựa chọn Trung Quốc chuyển giao vũ khí cho Nga, nước đã đưa ra lời yêu cầu, giới lãnh đạo Mỹ đã bày tỏ “sự quan tâm nghiêm trọng”.

“HỌ ĐANG Ở TRONG BÓNG TỐI”

David Shullman

Vào cuối cuộc điện đàm giữa Tập Cận Bình và Joe Biden, một thông cáo báo chí từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ việc Trung Quốc mong muốn tiếp tục yêu cầu Hoa Kỳ và NATO đối thoại với Nga để “nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine”.

Song, Bắc Kinh đang ở thế khó, tờ Washington Post đã dẫn lại lời của David Shullman, Giám đốc Global China của Hội đồng Đại Tây Dương: “Cuộc chiến này đã diễn ra không đúng thời điểm, khi mà Trung Quốc đang ở một tình thế rất rối. Bắc Kinh không biết làm thế nào để kết thúc mọi việc. Vào lúc này, họ không thấy có cơ hội nào, họ đang ở trong bóng tối, và đang cố tìm một giải pháp cho những gì đang xảy ra.”

Jake Sullivan (1976-)
Dương Khiết Trì (1950-)

Vào hôm thứ Năm ngày 13 tháng 3, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan, đã có nhiều giờ thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc, Dương Khiết Trì [Yan Jiechi], được Washington mô tả là “căng thẳng” và “thẳng thắn”. “Chúng tôi quan ngại việc họ có kế hoạch cung cấp viện trợ cho Nga,” theo lời cảnh báo của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken. Ông này cũng cảnh báo Trung Quốc rằng “chúng tôi sẽ không do dự áp đặt một cái giá mà Trung Quốc phải trả” nếu nước này quyết định ủng hộ cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.

“Chúng tôi tin rằng Trung Quốc cần đặc biệt có trách nhiệm trong việc sử dụng ảnh hưởng của họ đối với Tổng thống Putin, và bảo vệ các quy tắc quốc tế và các nguyên tắc mà nước này đã tuyên bố”, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã nói thêm. Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc đang hướng tới một giải pháp ngược lại, khi từ chối lên án cuộc tấn công này, mà lại tìm cách tự thể hiện mình như là một trọng tài trung lập.”

Cuộc chiến này diễn ra vào thời điểm tồi tệ nhất đối với Trung Quốc, khi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ đang chậm lại mạnh mẽ trong hơn một năm qua. Không còn nghi ngờ gì nữa, các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể gây ra một áp lực đáng kể lên tăng trưởng GDP của Trung Quốc, với nguy cơ làm tăng tốc sự sụt giảm tăng trưởng này hơn nữa.

Thế nhưng, nói đến suy thoái kinh tế là cũng nói đến nguy cơ khủng hoảng xã hội. Tuy thế, khủng hoảng xã hội chắc chắn là hiện tượng mà Đảng Cộng sản Trung Quốc lo ngại nhất, vốn dựa chính vào “sự ổn định xã hội” để người dân có thể tiếp tục tán thành các định hướng ý thức hệ của họ. Vào tuần này, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 21 tháng qua, trong khi giá khí đốt thì tăng vọt và đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại khắp Trung Quốc.

TRUNG QUỐC ‘SẼ KHÔNG BAO GIỜ TẤN CÔNG UKRAINE’

Giọng điệu trong các diễn ngôn chính thức của giới chức trách Trung Quốc đã cho thấy một sự tiến hóa rõ rệt, kể từ ngày 24 tháng 2. Bắc Kinh hiện đang tỏ ra hết sức thận trọng khi lên tiếng về điều, mà từ nay, được coi rõ ràng là chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Vladimir Putin.

Fan Xianrong (1963-)
Triệu Lập Kiên (1972-)

Cách đây vài ngày, Đại sứ Trung Quốc tại Ukraine, Fan Xianrong, đã nói rõ rằng đất nước ông “sẽ không bao giờ tấn công Ukraine và tôn trọng sự lựa chọn đường hướng của người dân Ukraine”, một cách để nói rằng Bắc Kinh sẽ không ủng hộ cuộc xung đột này. Lời nói đó, vào ngày hôm sau, đã được lập lại bởi Triệu Lập Kiên [Zhao Lijian], một trong những phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, được biết đến là người ồn ào nhất trong số các nhà ngoại giao “chiến lang”, đặc biệt hung hăng chống lại Hoa Kỳ và tất cả những chỉ trích ở phương Tây nhằm vào chế độ Trung Quốc.

Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có viện trợ cho Nga hay không, Triệu đã trả lời: “Trung Quốc đã đưa ra nhiều tuyên bố về vấn đề này: không có lý do gì để nói đến điều đó.” Tuy nhiên, vị phát ngôn viên này đã thận trọng không loại trừ khả năng một cuộc viện trợ như thế.

Tần Cương (1966-)

Vào ngày 15 tháng 3, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Tần Cương [Qin Gang], đã sử dụng từ “chiến tranh” trong một diễn đàn của tờ Washington Post, cáo buộc những áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc. Dấu hiệu một sự thay đổi lập trường của Bắc Kinh? Trong mọi trường hợp, đây là lần đầu tiên một chính trị gia Trung Quốc sử dụng từ “chiến tranh” ở Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược. “Những lời khẳng định rằng Trung Quốc đã nắm được thông tin, đã chấp thuận hoặc đã ngầm ủng hộ cuộc chiến này là những thông tin thuần túy sai lệch,” theo lời của Tần Cương, để đáp lại những khẳng định của giới chức trách Mỹ rằng Trung Quốc đã biết trước cuộc chiến ở Ukraine.

Trong một văn bản có tiêu đề bằng tiếng Anh “Where we stand on Ukraine [Lập trường của chúng ta về Ukraine]”, vị Đại sứ Trung Quốc đã viết “lập trường của Trung Quốc là khách quan và không thiên vị”, nhấn mạnh rằng “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, kể cả của Ukraine, phải được tôn trọng”. Một số nhà quan sát đã mạo hiểm tiên đoán rằng Tập Cận Bình sẽ lợi dụng cuộc chiến ở Ukraine để cố gắng xâm lược Đài Loan.

“TẬP CẬN BÌNH HẲN KHÔNG HỀ THÍCH NHỮNG GÌ ĐANG THẤY”

Ngày 22 tháng 2, khi những quả tên lửa đầu tiên của Nga chưa bắn vào Ukraine thì cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiên đoán rằng kẻ thù cũ của ông, Trung Quốc, sẽ nhân cơ hội đó, để xâm chiếm hòn đảo. “Họ đợi cho Thế vận hội Olympic kết thúc”, ông trùm bất động sản đã đưa ra lời tiên tri, trước micro của một đài phát thanh Mỹ.

Tanguy Lepesant

Nhà nghiên cứu liên kết với Trung tâm Nghiên cứu của Pháp về Trung Quốc đương đại, Tanguy Lepesant, không tin vào điều đó dù chỉ một giây: “Đối với tôi, việc quân đội Trung Quốc đổ bộ [lên đảo Đài Loan] có vẻ như là điều bất khả vào thời điểm này, thậm chí trong hai hoặc ba năm tới”, theo lời khẳng định của ông, được trang Slate từ Đài Bắc dẫn lại. “Giống như tất cả chúng ta, Tập Cận Bình đang bồn chồn quan sát những gì đang xảy ra ở Ukraine. Ông ấy hẳn không hề thích những gì đang thấy, theo lời giải thích của vị chuyên gia địa chính trị này. Nó phá hỏng diễn ngôn mà người ta thường nghe, cụ thể là Trung Quốc có khả năng thu xếp cuộc xâm lược Đài Loan trong vài ngày.”

Thật vậy, mặc dù quân đội Nga lão luyện trên chiến trường, nhưng họ bắt đầu sa lầy nghiêm trọng ở Ukraine. Vậy, quân đội Trung Quốc thì không hề có kinh nghiệm can thiệp vào một cuộc xung đột nào cả. Do đó, rủi ro Trung Quốc thất bại càng lớn, vì thế Tập Cận Bình không mạo hiểm thua trận ở Đài Loan, một điều sẽ kéo theo một cái giá rất đắt về chính trị cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và tất nhiên cho vị trí Tổng bí thư của ông. Tanguy Lepesant nói thêm: “Bởi vì nếu không thành công ngay trong lần [tấn công] đầu tiên, thì Đài Loan sẽ tuyên bố độc lập, và có khả năng sẽ được nhiều nước trên thế giới công nhận ngay lập tức.”

Mặt khác, một cuộc chiến quy mô lớn không thể nổ ra trong hai hoặc ba tuần vì nó đòi hỏi một công tác chuẩn bị lâu dài và các đợt chuyển quân ồ ạt. Chính quyền Đài Loan cũng như lực lượng Mỹ hiện diện trong khu vực sẽ nhận ra điều này.

“Người Đài Loan sẽ có nhiều thời gian để bố trí hệ thống phòng thủ… và họ được trang bị tận răng! Ngay cả khi sức mạnh tấn công của họ kém hơn nhiều, nhưng họ đã xây dựng một hệ thống phòng thủ bất đối xứng [của kẻ yếu chống kẻ mạnh] từ các tên lửa cực kỳ chính xác và hiệu quả, có thể được sản xuất hàng loạt, và họ có thể thả ngư lôi ở eo biển,” theo lời của nhà nghiên cứu có trụ sở tại Đài Bắc.

Allen R. Carlson

“Trên trường quốc tế, Trung Quốc có vẻ như là người bạn duy nhất của Nga. Nhưng sẽ là một sai lầm nếu phóng đại sự vững chắc của tình hữu nghị Trung-Nga được cho là vững chắc này”, theo lời của Allan Carlson, phó giáo sư tại Đại học Cornell, được tờ South China Morning Post dẫn lại, vào hôm thứ Bảy ngày 19 tháng 3. Chủ tịch Tập Cận Bình còn lâu mới để Trung Quốc sa lầy trong cuộc xung đột này, khi cung cấp vũ khí cho Nga. Vấn đề quan trọng nhất trong mắt của Bắc Kinh không phải là chấm dứt chiến tranh hay củng cố tình hữu nghị được cho là vững chắc, mà là bảo vệ lợi ích của Trung Quốc.”

Đối với bà Long Jing, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cũng được một nhật báo Hồng Kông trích dẫn thì ý kiến của bà như sau. “Câu hỏi lớn không phải là liệu Trung Quốc có ngã theo phe này hay phe kia, hoặc lắng nghe lời kêu gọi của một nước hay không. Nói đúng hơn, thực tế là Trung Quốc đã liên tục kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và quay trở lại bàn đàm phán. Tôi nghĩ đó là cách để Trung Quốc đóng một vai trò nào đó” trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột này.

“Ngay cả khi Bắc Kinh có vẻ như nghiêng về phía Nga, Trung Quốc sẽ không bao giờ đứng về phía một nước đang xung đột với đại đa số các nước trên thế giới. Phương án tốt nhất là giữ thái độ trung lập”, một nguồn tin giấu tên của Trung Quốc được tờ báo này trích dẫn.

Ý CHÍ CỦA NGƯỜI DÂN ĐÀI LOAN

Mặt khác, ở Đài Loan, ý chí chiến đấu của người dân trong trường hợp xảy ra xung đột với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ lên cao như thế. Theo một cuộc thăm dò của tổ chức think tank Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Đài Loan, được công bố vào ngày 15 tháng 3, 70,2% số người được hỏi đã tuyên bố sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Đài Loan, so với 40,3% trong cuộc thăm dò được thực hiện vào ngày 28 tháng 12 vừa qua.

Khi được hỏi về khẩu hiệu được lan truyền rộng rãi trên hòn đảo, “Ukraine hôm nay, Đài Loan ngày mai”, chỉ có 26,1% người được hỏi nói đồng ý, trong khi có 61,6% nói không đồng ý. Ngoài ra, 62,4% người được hỏi tin rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ không dẫn đến việc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình chuẩn bị cho một cuộc xâm lược nhắm vào hòn đảo này.

Hơn nữa, gần như chắc chắn rằng giới lãnh đạo Trung Quốc bị sốc trước các hành động bạo lực của quân đội Nga ở Ukraine, một đội quân không ngần ngại ném bom các bệnh viện, các trường học và các tòa nhà dân sự, và sử dụng việc dội bom bừa bãi. Một cảnh tượng đang gây ra sự phẫn nộ ngày càng tăng trên toàn thế giới.

Hơn nữa, trong khi nhiều binh sĩ trẻ tuổi của Nga phát hiện ra rằng người Ukraine gần như nói cùng một ngôn ngữ với họ, và rằng có khá nhiều binh sĩ khác tự hỏi vì sao họ lại được gửi đến chiến đấu ở một nước láng giềng, thì làm sao có thể tưởng tượng được rằng những tân binh của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lại đến giết nhau với những người Hoa khác ở bên kia eo biển Đài Loan?

Cũng giống như cha mẹ của những binh sĩ Nga bị giết trong cuộc chiến đã khóc vì cái chết của con họ, những gia đình có con là binh sĩ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bị mất mạng ở Đài Loan, cũng sẽ khóc vì cái chết của con họ. Nhất là khi đó có thể là đứa con trai duy nhất của họ, do chính sách một con được áp dụng từ lâu ở Trung Quốc.

“KHÔNG CÓ GIỚI HẠN”?

Hôm nay, ông Tập Cận Bình phải cay đắng hối tiếc về bản tuyên bố chung Trung-Nga được công bố sau 4 giờ hội đàm giữa ông và Vladimir Putin vào ngày 4 tháng 2, tại buổi lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh. Trong văn kiện này, hai bên đã khẳng định rằng sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc từ nay là “không có giới hạn”.

Vào thời điểm mà bản đồ địa chính trị thế giới đang được vẽ lại hoàn toàn, phương Tây cần tìm ra một giọng điệu thích hợp để thuyết phục chính quyền Trung Quốc về sự cần thiết phải tránh xa nước Nga, và thuyết phục Tập Cận Bình rằng giấc mộng về một nước Trung Quốc vĩ đại, thống trị là điều không còn thực tế nữa.

Bởi vì, trên thực tế, sẽ là điều rất khó để chế độ Trung Quốc chấp nhận, nếu họ từ bỏ Nga để thấy mình gần như đơn độc một mình chống lại Hoa Kỳ. Kể từ khi Joe Biden bước vào Nhà Trắng vào tháng 1 năm 2021, Washington đã không che giấu quyết tâm cản đường Bắc Kinh trở thành cường quốc trên trường quốc tế.

Một giọng điệu gia trưởng chắc chắn sẽ phản tác dụng và chắc chắn sẽ kích động sự thù địch từ phía Trung Quốc. Ngược lại, một giọng điệu quá dễ dãi có thể mang lại một số hy vọng cho chính quyền Bắc Kinh về việc không bị trừng phạt trong trường hợp giúp Vladimir Putin.

Do đó, khi gần đến ngày Đại hội Đảng lần thứ XX vào mùa thu tới, vốn có tầm quan trọng tối quan trọng đối với tương lai của Tập Cận Bình, chính quyền Biden cần phải tìm ra một sự cân bằng tinh tế giữa tính cứng rắn và tính linh hoạt, nếu muốn thuyết phục thành công chủ nhân của nước Trung Quốc Đỏ từ bỏ người thân tín Nga của họ.

Thông tin về tác giả

Pierre-Antoine Donnet

Pierre-Antoine Donnet (1953-)

Pierre-Antoine Donnet, cựu nhà báo của AFP, là tác giả khoảng 15 cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, người cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L’affrontement entre la Chine et les États-Unis [Đặt lại vấn đề lãnh đạo thế giới, Cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ]”, nhà xuất bản Editions de l’Aube. Ông cũng là tác giả cuốn “Tibet mort ou vif [Tây Tạng chết hay sống]”, do Gallimard xuất bản vào năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một ấn bản được cập nhật và bổ sung. Cuốn sách mới nhất của ông là “Chine, le grand prédateur [Trung Quốc, nước săn mồi vĩ đại]”, do Éditions de l’Aube xuất bản vào năm 2021.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Aider Poutine en Ukraine ? La Chine ambiguë face à la pression américaine, Asialyst, ngày 19/03/2022.

Print Friendly and PDF