22.3.22

Sự trở lại của bất bình đẳng có xoá nhoà sự suy giảm lâu dài trước đây của bất bình đẳng không?

Hồ sơ: Tại sao những bất bình đẳng xã hội gia tăng trong thế kỷ XXI?

SỰ TRỞ LẠI CỦA BẤT BÌNH ĐẲNG CÓ XÓA NHÒA SỰ SUY GIẢM LÂU DÀI TRƯỚC ĐÂY CỦA BẤT BÌNH ĐẲNG KHÔNG?

Bottom of Form

Daniel Waldenström

Giáo sư kinh tế tại đại học Uppsala

Tóm tắt

  • Thế kỷ XX đã chứng kiến một chuyển động san bằng rất mạnh trong các xã hội phương Tây.
  • Nhưng có một cuộc tranh luận khi ta xem xét bốn thập niên gần đây. Tuy nhiên, bằng cách tưởng thưởng cho sự thành công và gia tăng bất bình đẳng về thu nhập, các xã hội phương Tây đã thành công trong việc giải quyết khủng hoảng của họ về hiệu quả và cải thiện tình trạng cho mọi người.
  • Một số nhà kinh tế nhấn mạnh đến sự gia tăng bất bình đẳng về tài sản. Nhưng thước đo và sự phân bố của cải là đối tượng của các cuộc thảo luận. Phần lớn số người tham gia các hệ thống hưu trí tập thể không sở hữu tài sản trong đó, nhưng họ có quyền rút tiền từ những dòng thu nhập tương lai.
  • Những năm gần đây, các chính sách nới lỏng định lượng của các ngân hàng trung ương đã có thể nới rộng khoảng cách giữa những người có tài sản và những người không có tài sản: các chính sách tái phân phối lại được đưa vào chương trình nghị sự.
  • Giảm bớt những bất bình đẳng đã luôn luôn hiệu quả hơn bằng cách gia tăng ngưỡng thu nhập và của cải từ bên dưới.

Về lâu dài, những bất bình đẳng có gia tăng không?

Daniel Waldenström. Khi ta nhìn vào toàn bộ thế kỷ trước, câu trả lời là không. Với sự thực hành dân chủ, tái phân phối, những cú sốc chiến tranh và những khủng hoảng kinh tế khác, thế kỷ 20 đã là một thời kỳ san bằng mạnh mẽ trong các xã hội phương Tây. Tuy nhiên, nếu ta xem xét bốn thập kỷ cuối, cuộc thảo luận gay gắt hơn, nhưng những khác biệt giữa các nước cũng quan trọng hơn. Những năm 1980 đã tạo nên một mức bất bình đẳng thấp nhất trên toàn thế giới. Sau đó nó gia tăng nhẹ trong phần lớn các nước Âu châu, trong lúc bất bình đẳng tại Mỹ có mức gia tăng quan trọng hơn.

Nói như thế nhưng cần phải đưa ra nhiều tình tiết của những diễn biến này.

Trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ hơn những bất bình đẳng đã giảm bớt như thế nào trong thời kỳ hậu chiến. Một vài xu hướng sâu xa đã có một hiệu ứng về mặt cấu trúc, như trình độ học vấn được nâng cao, những người có học vấn cao hơn trở nên có hiệu quả hơn. Mặt khác, một phần lớn của sự giảm bớt những bất bình đẳng quan sát được là do sự gia nhập ồ ạt của nữ giới vào môi trường lao động. Có lẽ việc giảm bớt những bất bình đẳng không chủ yếu do tái phân phối thu nhập qua thuế khóa, mà do có sự gia nhập của các nguồn thu nhập mới. Trong những năm 1980, lực san bằng này đã kiệt quệ.

Tình tiết thứ hai, không nên chỉ nhìn các phần của cái bánh, mà phải nhìn cả kích cỡ của nó, nghĩa là sự tăng trưởng của thu nhập quốc gia. Tầm nhìn căn bản này đôi khi bị bỏ quên trong cuộc thảo luận về bất bình đẳng. Tại sao chúng ta quan tâm đến bất bình đẳng? Một phần nào đó có phải vì chúng ta quan tâm đến những người không có đủ nguồn lực để sống một cuộc sống đầy đủ, thực tế điều này đưa ta trở lại vấn đề nghèo khó? Thế nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng nghèo khó liên quan đến kích cỡ của cái bánh nhiều hơn là sự phân phối nó, điều này đặt lên hàng đầu sự phát triển kinh tế, tinh thần kinh doanh, v.v.. Chúng ta đã bắt đầu có những vấn đề trầm trọng về cấu trúc liên quan đến chủ đề này trong những năm 1970, và các chính sách kinh tế mới được thực hiện trong những năm 1980 trước hết là một phương cách giải quyết những vấn đề này.

Vào thời kỳ đó, các nước phương Tây đã chịu đựng một cuộc khủng hoảng cấu trúc về hiệu suất, nhất là so với châu Á. Các nền kinh tế của chúng ta chịu những quy định chặt chẽ, đánh thuế cao đối với phần lớn các tầng lớp dân cư. Để tưởng thưởng tốt hơn công việc, sự năng động và sáng kiến, chúng ta đã bắt đầu tăng cường thúc đẩy người dân học tập, làm việc nhiều thời gian hơn và khó nhọc hơn.

Cuối cùng thì cái bánh to lên, sự tăng trưởng đã trở lại. Việc khen thưởng những người thành công đã có một hiệu ứng phụ là gia tăng bất bình đẳng về thu nhập, nhưng cũng nên ghi nhận là những thu nhập thấp cũng đã gia tăng; ngày nay, những người nghèo nhất sống đầy đủ hơn rất nhiều so với những người nghèo những năm 1980.

Bất bình đẳng – sự tương phản giữa người nghèo và người giàu ở Rio de Janeiro, Brazil

Một số đồng nghiệp của ông khẳng định rằng bất bình đẳng chính ít liên quan đến thu nhập mà liên quan nhiều hơn đến sự giàu có

Trước hết, cho phép tôi nói rằng tôi không đồng ý hoàn toàn với khẳng định đó. Tôi nghĩ rằng thu nhập là thích đáng hơn của cải để đánh giá an sinh của người dân hay điều mà kinh tế thị trường bù đắp hiện nay. Nói như vậy nhưng những xu hướng liên quan đến bất bình đẳng về thu nhập và về của cải dường như khá giống nhau. Thực vậy, sự san bằng sở hữu của cải trong thế kỷ 20 mạnh hơn nhiều những gì mà chúng ta quan sát được đối với thu nhập. Cách đây một thế kỷ, phần lớn dân cư thực tế không sở hữu một cái gì, trong khi tư bản nằm trong tay một vài nhà công nghiệp, tài chính và điền chủ quý tộc.

Trong thế kỷ trước, ta đã chứng kiến một sự thay đổi ngoạn mục về cấu trúc trong sở hữu của cải. Do nền dân chủ đã đem lại các quyền sở hữu được bảo đảm hơn, quyền lao động, và một nền giáo dục tốt hơn cho phần lớn dân cư, họ đã có năng suất cao hơn và được trả lương tốt hơn. Điều này có nghĩa là với một hệ thống ngân hàng phát triển hơn, những người bình thường đã có thể bắt đầu đầu tư vào nhà ở và để dành tiền cho hưu trí của họ. Nói cách khác, lần đầu tiên trong lịch sử, những người bình thường đã có thể tích lũy của cải. Ngày nay, phần lớn tài sản nằm trong tay tầng lớp trung lưu, trong khi cách đây một thế kỷ, tài sản chủ yếu do tầng lớp thượng lưu nắm giữ. Đó cũng là lý do tại sao sự tăng giá các tài sản trong lĩnh vực nhà ở và trên thị trường chứng khoán sau những năm 1970 đã làm lợi không chỉ cho những người giàu có, mà cho cả những tầng lớp dân cư khá đông đảo.

Nhưng tài sản hữu hình không phải là tất cả. Một số lớn người dân còn tham gia vào các hệ thống hưu trí tập thể trong đó tài sản là những hứa hẹn về dòng thu nhập tương lai mà họ có quyền rút ra. Lưu ý rằng những tài sản về trợ cấp hưu trí này là tài sản ngầm. Đó không phải là tiền trong một tài khoản ngân hàng mà ta có thể rút ra và dùng để mua một chiếc xe hơi. Chính vì vậy mà một số tổ chức và đồng nghiệp kinh tế gia loại trừ những tài sản không được vốn hóa này khi họ đo lường sự giàu có, điều này đưa đến chỗ xem một phần đáng kể các thành viên của tầng lớp trung lưu ở châu Âu như là những người nghèo về mặt tài chính vì họ đã không để dành tiền với tư cách cá nhân cho trợ cấp hưu trí của họ.

Tuy nhiên ta có thể ước lượng giá trị hiện thời của các tài sản hưu trí này. Nếu chúng ta gộp những tài sản này vào danh mục của cải, tình hình sẽ thay đổi. Những số liệu về sự tập trung của cải giảm xuống một cách đáng ngạc nhiên. Các nghiên cứu chỉ ra rằng phần của cải của 1% những người giàu nhất giảm mất một nửa tại Thụy Điển và tại Mỹ khi ta gộp tài sản hưu trí không được vốn hóa này vào.

Tuy nhiên, các chính sách nới lỏng định lượng do các ngân hàng trung ương thực hiện sau khủng hoảng tài chính có thể sẽ thay đổi tình hình, với sự gia tăng mạnh của các thị trường bất động sản và thị trường tài chính, nó đã tạo ra hố ngăn cách giữa các chủ sở hữu và người không sở hữu tài sản.

Sự nới lỏng định lượng dường như đã có một tác động rất lớn đối với giá cả các tài sản. Khi chúng ta đặt điều đó trong mối quan hệ với sự phân phối của cải, điều đó không ảnh hưởng gì đến bất bình đẳng giữa những người nắm giữ của cải. Cái hố ngăn cách đặc biệt được đào sâu giữa những người là chủ sở hữu – nhà cửa, cổ phiếu, quỹ đầu tư tập thể - và những người không có gì cả. Chẳng hạn, tôi ngờ rằng khoảng cách mà những người trẻ phải vượt qua để vươn tới thị trường bất động sản đã gia tăng. Tôi tin rằng đã không có ai chú tâm vào vấn đề này một cách có hệ thống, nhưng nghiên cứu nó là một điều thú vị. Chúng ta có đang chứng kiến sự xuất hiện của hố ngăn cách có tính cấu trúc giữa các thế hệ? Ta chưa biết được.

Nếu quả thật có một sự chênh lệnh về giàu có đang lớn dần giữa những người có của cải và những người không có gì cả, thì chính sách kinh tế có thể có một vai trò trong việc cứu chữa tình trạng này. Tuy nhiên, cần tránh một số chính sách. Ví dụ, một số chính khách, và thậm chí cả một số nhà kinh tế nói về việc đưa trở lại việc đánh thuế tài sản. Tôi cho rằng đó là một tầm nhìn khá ngây thơ. Thuế này đã được thử nghiệm và đã không vận hành được. Thuế này khó thiết kế, gây ra những vần đề thanh khoản cho các doanh nghiệp và không nhất quán theo loại tài sản, tùy theo khả năng đo lường giá trị riêng của nó có dễ dàng không.

Daniel Waldenström

Tốt hơn, cách mà chế độ thuế khóa có thể giúp giải quyết bất bình đẳng là tạo ra những thu nhập có thể được chi tiêu cho các dịch vụ công cộng và xã hội tương đối quan trọng cho người nghèo: chăm sóc y tế, chăm sóc người già, giáo dục. Đó là cách hiệu quả nhất để tái phân phối thông qua thuế. Và để làm điều này, chúng ta cần có các thuế suất cận biên thấp, với những cơ sở tính thuế lớn, toàn bộ sẽ tạo ra nhiều doanh thu – hoàn toàn trái ngược với thuế tài sản không tạo ra đủ doanh thu và chuyển một tín hiệu tiêu cực đến các nhà đầu tư. Giảm bớt những bất bình đẳng đã luôn luôn hiệu quả hơn bằng cách nâng cao ngưỡng thu nhập và giàu có từ bên dưới: giúp đỡ nhiều người hơn được đi học, được tiếp cận thị trường lao động, được sở hữu chính căn nhà của họ và tiết kiệm tiền cho hưu trí của họ.

Bài do Richard Robert chấp bút

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Le grand retour des inégalites économiques et sociales”, Polytechnique Insights, 9.2.2022.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF