26.3.22

Trygve Haavelmo (1911-1999)

HAAVELMO Trygve (1911-1999)

Trygve Haavelmo (1911-1999)
Ragnar Frisch (1895-1973)

Tryggve Haavelmo sinh tại Skedsmo, Na Uy, năm 1911. Sau khi tốt nghiệp đại học Oslo năm 1933, ông trở thành người phụ tá của Ragnar Frisch (Nobel 1969) tại Viện kinh tế. Trong thời gian chiến tranh ông ở Hoa Kì, tốt nghiệp tiến sĩ đại học Harvard năm 1941 và cùng năm đó cùng với Marschak lập một xêmina kinh trắc học ở New York. Ông quan hệ chặt với ủy ban Cowles kể từ 1943 khi Marschak lãnh đạo ủy ban này và trở thành thành viên của ủy ban kể từ năm 1946. Trở về Na Uy năm 1947, ông là giáo sư đại học Oslo năm 1948. Chủ tịch Hội kinh trắc năm 1957, ông về hưu năm 1979 trước khi được Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển biểu dương năm 1989.

Nikolaas Tinbergen (1907-1988)
Jacob Marschak (1898-1977)

Ngay từ luận án tiến sĩ của ông, Tryggve Haavelmo đã, đặc biệt là ở ủy ban Cowles, ảnh hưởng đến những nhà nghiên cứu sẽ cùng với Marschak suy nghĩ lại kinh trắc học. Ông có quan điểm ngược lại với Frisch và cả với Keynes trong cuộc tranh luận, có ông tham gia, giữa KeynesTinbergen (The statistical implications …, 1943) khi khẳng định là phải sử dụng cách tiếp cận xác suất trong kinh tế học do chính bản chất của hành vi kinh tế, sự phụ thuộc của hành vi này đối với một số quá lớn những yếu tố (1943). Những biến kinh tế là ngẫu nhiên và cách tiếp cận này là cách duy nhất để cung cấp một cơ sở lí thuyết cho việc phân tích những quan hệ tương hỗ giữa những biến kinh tế (1943). Do không ai có thể biết trước tương lai và vì không thể tiến hành những thử nghiệm, cho nên không thể chờ đợi là những dữ liệu quan trắc được cho dù việc đo đạc những dữ liệu này là không có sai sót khớp một cách hoàn hảo với những tiên đoán lí thuyết. Bất luận đối tượng của một lí thuyết là thuộc bộ môn khoa học nào đi nữa thì chỉ có thể xem một lí thuyết như một thiết kế tri thức cho phép kiến giải hiện thực. Duy chỉ những phương pháp dựa trên xác suất mới cho phép kiểm định thực nghiệm các lí thuyết. Haavelmo phát triển những phương pháp, đặc biệt là áp dụng chúng vào những hệ phương trình đồng thời (1944). Do đó ông là người khởi xướng điều mà một số tác giả gọi là cuộc cách mạng xác suất. Những công trình của ông đó làm phong phú khoa học kinh tế trong hai hướng chủ yếu: việc xử lí những phương trình đồng thời và cách tiếp cận xác suất theo đó khái niệm quan hệ hàm nhường chỗ cho khái niệm tập xác suất hoá. Những học trò của ông là những tên tuổi nổi tiếng của kinh tế học như Klein (Nobel 1980) và Koopmans (1975).

Lawrence Klein (1920-2013)
Tjalling Koopmans (1910-1985)

Ý thức được những giới hạn của kinh trắc học, cũng như những lỗ hổng của lí thuyết chính thống, Tryggve Haavelmo lưu ý đến những nguy cơ của việc giám định kĩ thuật thiếu những cơ sở lí thuyết nhất quán lẫn những mối quan hệ phong phú với hiện thực (diễn văn nhậm chức chủ tịch Hội kinh trắc học, 1958). Mặt khác ông quan tâm đến những vấn đề cụ thể như phát triển kinh tế với kết quả là những bất bình đẳng về thu nhập (1954 và 1982). Trong tác phẩm năm 1954, ông xây dựng một mô hình tăng trưởng, báo trước những mô hình của Swan và Solow. Ông nghiên cứu những vấn đề dân số, những cuộc di dân và những vấn đề giáo dục. Trong tác phẩm về đầu tư (1960), ông cũng quan tâm đến lịch sử tư tưởng kinh tế, nghiên cứu những cuộc tranh luận về lí thuyết tư bản của Bohm-Bavek và Wicksell. Ông không tin là có một hàm đầu tư dựa trên tiên đề nhà doanh nghiệp tối đa hoá lợi nhuận.

Tryggve Haavelmo cũng để lại tên ông cho một định lí nổi tiếng trong giới sinh viên kinh tế hai năm đầu đại học. Định lí ngân sách cân đối cho thấy đâu là những hiệu ứng của chi tiêu công cộng trên thu nhập. Trong tình thế thiểu dụng lao động, một gia tăng của chi tiêu chính phủ được tài trợ hoàn toàn bằng thuế có tác động kích thích thu nhập quốc gia (1945). Mặt khác, nếu đầu tư và thuế là độc lập với mức thu nhập quốc gia và mức lãi suất trong nền kinh tế thì số nhân keynesian sẽ bằng một. Mọi gia tăng của chi tiêu của chính phủ gây nên một gia tăng của thu nhập bằng với số gia tăng của chi tiêu này. Không có của cải quốc gia thêm vào được chờ đợi từ biện pháp keynesian thúc đẩy nền kinh tế. Năm 1989, ông được giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel vì những công trình tiên phong trong lĩnh vực thống kê và dự báo kinh tế.

Statistical testing of business-cycle theories [Kiểm định thống kê những lí thuyết chu kì kinh doanh], Review of Economic Statistics, 1943, vol. 25, p. 13-18. The statistical implications of a system of simultaneous equations [Những hệ quả thống kê của một hệ phương trình đồng thời], Econometrica, 1943, vol. 6, p. 202-218. The probability approach in econometrics [Cách tiếp cận xác suất trong kinh trắc học], Econometrica, 1944, vol. 12 (suppl). Multiplier effects of a balanced budget [Những hiệu ứng số nhân của một ngân sách cân đối], Econometrica, 1945, vol. 13, p. 311-318. A Study in the Theory of Economic Evolution [Một nghiên cứu về tiến hoá kinh tế], Amsterdam, North-Holland, 1954. A Study in the Theory of Investment [Một nghiên cứu về lí thuyết đầu tư], University of Chicago Press, 1960. On the dynamics of global economic inequality [Về động thái của bất bình đẳng kinh tế toàn cầu], Nationalứkonomisk Tidsskrift, Copenhague, 1982, vol. Suppl. p. 202-218 (Economic Essays in Honour of Jorgen H. Gelting).

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: “Les prix des sciences économiques à la mémoire d’Alfred Nobel” (Những giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel) của Damien Gaumont trong Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001, trang 1029-1030.

Print Friendly and PDF