TỪ RẤT LÂU TRƯỚC KHI TIẾNG SÚNG NỔ, ĐÃ CÓ MỘT CUỘC TRANH GIÀNH QUYỀN LỰC VỀ NGÔN NGỮ Ở UKRAINE
Tác giả: Phillip M. Carter
Một phụ nữ cầm biểu ngữ có dòng chữ ‘ngôn ngữ là vũ khí’ được viết bằng tiếng Ukraine trong cuộc biểu tình phản đối dự luật năm 2020 mở rộng việc sử dụng tiếng Nga trong giáo dục công lập ở Ukraine. Ảnh: Evgen Kotenko / Ukrinform / Future Publishing via Getty Images |
Việc Nga xâm lược Ukraine có liên quan gì đến ngôn ngữ?
Nếu bạn hỏi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, câu trả lời là các chính sách của chính phủ Ukraine thúc đẩy việc sử dụng tiếng Ukraine là bằng chứng về “tội ác diệt chủng” đối với người dân tộc Nga ở miền đông nói tiếng Nga, và do đó cung cấp một phần lý do cho cuộc xâm lược.
Ta hãy để việc tuyên truyền như vậy sang một bên, có một thứ khác liên kết chiến tranh với ngôn ngữ: đó là quyền lực.
Từ rất lâu trước khi tiếng súng nổ, đã có một cuộc tranh giành quyền lực về ngôn ngữ trong khu vực - cụ thể là tiếng Ukraine có phải là một ngôn ngữ hay không. Cả những nhà ngôn ngữ học chuyên nghiệp lẫn những người Ukraine đều không gặp vấn đề gì khi nghĩ rằng tiếng Ukraine là một ngôn ngữ riêng biệt - nó có thể khác với tiếng Nga cũng như tiếng Tây Ban Nha khác với tiếng Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga từ lâu đã tìm cách phân loại nó như một phương ngữ của tiếng Nga.
Vị thế của tiếng Nga như một ngôn ngữ quyền lực
Max Weinreich (1894-1969) |
Điều này nêu lên rằng việc phân loại một dạng ngôn ngữ nhất định là “một ngôn ngữ” ít rõ ràng hơn bạn có thể nghĩ và cách hiểu phổ biến về “ngôn ngữ” so với “phương ngữ” thường dựa trên các tiêu chí chính trị hơn là các tiêu chí ngôn ngữ. Như nhà ngôn ngữ học xã hội Max Weinreich đã nói một cách ngắn gọn, “một ngôn ngữ là một phương ngữ của quân đội và hải quân.”
Tiếng Nga, ngôn ngữ của Tolstoy và Dostoyevsky, là một trong những ngôn ngữ quyền lực nhất thế giới. Cùng với các ngôn ngữ như tiếng Quan Thoại, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, tiếng Nga còn gắn bó sâu sắc với chính trị toàn cầu, việc kinh doanh và văn hóa đại chúng.
Trong số 260 triệu người nói tiếng Nga, có khoảng 40% - 103 triệu người - nói tiếng Nga như ngôn ngữ thứ hai, một dấu hiệu cho thấy rằng mọi người nhận ra giá trị của việc học tiếng Nga. Nó là một lingua franca, một ngôn ngữ phổ biến trên khắp Trung Á và Caucasus[1], và được nói rộng rãi ở vùng Baltic. Ở Ukraine - nước láng giềng châu Âu lớn nhất của Nga - tiếng Nga được khoảng một phần ba dân số, khoảng 13 triệu người sử dụng. Tuy nhiên, “số lượng người nói” không phải là đặc điểm xác định của một ngôn ngữ quyền lực - chẳng hạn như tiếng Bengali, có 265 triệu người nói - nhiều hơn cả tiếng Nga - nhưng phần lớn mọi người không lớn tiếng đòi học tiếng Bengali.
Mặt khác, tiếng Nga là duy nhất trong số các ngôn ngữ Slav ở chỗ nó được giảng dạy trong các trường đại học danh tiếng nhất trên khắp châu Âu, châu Á và Hoa Kỳ. Với tất cả những người nói tiếng Nga, tất cả sức ảnh hưởng và tất cả sản phẩm của văn hóa đó, địa vị của tiếng Nga như là một ngôn ngữ quyền lực trông có vẻ tự nhiên như củ dền trong món súp borscht[2].
Nhưng không phải vậy.
Các ngôn ngữ quyền lực hình thành địa vị không phải từ bất cứ thứ gì vốn có trong hệ thống ngôn ngữ, mà là từ sự dàn xếp về quyền lực trong lịch sử mang lại cho người nói - và văn hóa - cảm nhận được địa vị và giá trị của ngôn ngữ đó.
Tiếng Nga thu hút người nói - và hạ gục các ngôn ngữ khác - thông qua lịch sử của chủ nghĩa bành trướng nổi bật: Người Muscovite, cư dân của Đại công quốc Moscow trước Đế chế Nga, di chuyển về phía đông và phía bắc, chiếm Kazan và Siberia vào thế kỷ 16. Vào cuối thế kỷ 19, người Nga đã chinh phục Trung Á, đến tận biên giới Trung Quốc. Sau Chiến tranh thế giới II, Liên Xô mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình sang Đông Âu.
Ukraine trở thành một phần của Liên bang Xô viết vào năm 1922. Năm 1991, nước này giành được độc lập, khi Liên bang Xô viết tan rã.
Mặc dù không ai biết chắc chắn, nhưng có vẻ như Putin đang tìm cách biến tất cả hoặc một phần lãnh thổ Ukraine một lần nữa trở thành một phần của Nga.
Hai cành cây trên cùng một nhánh ngôn ngữ
Vì vậy, nếu tiếng Nga là một “ngôn ngữ quyền lực”, thì tiếng Ukraine là gì?
Nếu bạn hỏi một số người theo chủ nghĩa dân tộc Nga, thì tiếng Ukraine hoàn toàn không phải là một ngôn ngữ. Năm 1863, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nga Pyotr Valuev tuyên bố rằng “một ngôn ngữ Ukraine riêng biệt (‘Tiếng Nga nhỏ’) chưa bao giờ tồn tại, không tồn tại và sẽ không tồn tại.” Theo một trích dẫn khác - được gán cho Sa hoàng Nicholas II - “Không có ngôn ngữ Ukraine, chỉ có những người nông dân mù chữ nói tiếng Nga nhỏ.”
Sa hoàng Nicholas II được cho là từng có lần gọi tiếng Ukraine là ‘Tiếng Nga nhỏ’. Ảnh: Hulton Archive/Getty Images |
Nhưng như một vấn đề của lịch sử ngôn ngữ, tiếng Ukraine và tiếng Nga nổi lên như những ngôn ngữ khác biệt từ một ngôn ngữ nguồn chung được sử dụng vào khoảng năm 500 sau Công nguyên mà các nhà ngôn ngữ học gọi là “proto-Slavic” (ngôn ngữ tiền thân của tiếng Slav).
Các ngôn ngữ Slav có nhiều điểm tương đồng về ngữ pháp và ngữ âm học. Các ngôn ngữ này cũng có một quê hương chung, và quê hương đó, rất có thể là miền tây Ukraine.
Vì những lý do mà các nhà ngôn ngữ học, khảo cổ học và các học giả khác vẫn còn tranh luận, những người nói tiếng proto-Slavic đã rời quê hương của họ, di chuyển theo hướng bắc, tây và nam.
Khi họ di chuyển, proto-Slavic dần dần làm phát sinh các dạng ngôn ngữ mà cuối cùng sẽ trở thành các ngôn ngữ Slav hiện đại, bao gồm tiếng Ba Lan, tiếng Serbia, tiếng Nga và tiếng Ukraine. Vào thế kỷ thứ 9, một số người Slav ở gần quê hương đã liên kết với người Rus - một nhóm người hoặc là người Slav hoặc đã đồng hóa với người Scandinavi[3] - và tạo ra liên bang Đông Slav đầu tiên đáng chú ý được gọi là Kyivan Rus, tọa lạc, như tên gọi, ở Kyiv. Kyivan Rus có thể được coi là tiền thân của các quốc gia hiện đại Ukraine, Belarus và Nga.
Chống lại tiếng Nga
Vì ngôn ngữ đã trở thành then chốt đến thế đối với bản sắc dân tộc, nên không có gì lạ khi định hình lại tiếng Ukraine như một phương ngữ của tiếng Nga là một phần không thể thiếu trong chiến dịch tuyên ngôn của Putin, giống như đối với Sa hoàng Nicholas II vào 200 năm trước. Hóa ra, một phần của việc nắm giữ quyền lực là khả năng định hình diễn ngôn và tiêu đề bài tiểu luận của Putin, “Về sự thống nhất mang tính lịch sử của người Nga và người Ukraine”, được ông công bố vào tháng 7 năm 2021, không để lại nhiều nghi ngờ về quan điểm của ông. Nếu tất cả mọi thứ của Ukraine - kể cả ngôn ngữ - chỉ đơn giản là phái sinh từ tất cả mọi thứ của Nga, thì cuộc xâm lược trông ít giống một hành động gây hấn mà giống một cuộc tái hòa nhập hơn.
Tất nhiên, người Ukraine dị ứng với cách đặc trưng hóa này, không phải vì không có ai nói tiếng Nga ở Ukraine - bản thân Volodymyr Zelenskyy là một người nói tiếng Nga - mà bởi vì đối với nhiều người, bản sắc Ukraine liên quan đến song ngữ. Nhiều người Ukraine nói cả tiếng Ukraine và tiếng Nga, thậm chí trộn chúng thành một dạng mà người ta gọi là “surzhyk” - phiên bản tiếng Slav phương Đông của “Spanglish”[4].
Trong đời sống công chúng Ukraine, những lo ngại về sự ưu việt của tiếng Nga hoặc tiếng Ukraine đã dẫn đến xung đột trước đây. Vào năm 2020, đã có những cuộc tranh luận và phản đối gay gắt về dự luật bãi bỏ quy định yêu cầu 80% thời gian đi học ở nhà trường phải được thực hiện bằng tiếng Ukraine. Năm 2012, tại Quốc hội Ukraine đã xảy ra một cuộc ẩu đả về dự luật đưa tiếng Nga trở thành ngôn ngữ chính thức, cùng với tiếng Ukraine, ở một số vùng của đất nước.
Một cuộc ẩu đả nổ ra tại Quốc hội
Ukraine vào tháng 5 năm 2012 về dự luật áp dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính
thức ở nhiều vùng của đất nước. Ảnh AP/Maks
Levin
Gần đây, các báo cáo cho thấy ở miền đông Ukraine, một số người Ukraine nói tiếng Nga đang từ bỏ tiếng Nga để tránh sử dụng “ngôn ngữ của kẻ chiếm đóng”.
Tất nhiên, những người sử dụng ngôn ngữ trên khắp thế giới bao giờ cũng từ bỏ tiếng mẹ đẻ để chuyển sang sử dụng những ngôn ngữ mà họ cảm thấy có giá trị hơn, nhưng thông thường điều này xảy ra dần dần và theo chiều hướng của các ngôn ngữ quyền lực. Ngoại trừ trong những trường hợp quá sức ép buộc - một kẻ xâm lược đến từ bên ngoài hoặc một nhóm thống trị buộc phải phục tùng - việc người nói từ bỏ tiếng mẹ đẻ chỉ sau một đêm là điều hơi bất thường.
Ở El Salvador, những người nói tiếng Lenca và Cacapoera đã làm như vậy vào những năm 1930 để tránh bị giết bởi quân đội Salvador nói tiếng Tây Ban Nha. Nhưng ở Ukraine, một số người không sử dụng ngôn ngữ của kẻ xâm lược; họ đang từ bỏ nó.
Phillip M. Carter |
Cuộc tấn công của Putin gần như chắc chắn sẽ đẩy nhanh xu hướng đó. Mặc dù vị thế của tiếng Nga như một ngôn ngữ quyền lực có thể sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng có thể bắt đầu thưa vắng người nói tiếng Nga. Và với tất cả sự chú ý về Ukraine, có lẽ thế giới sẽ nhìn nhận Ukraine là quê hương của tiếng Slav nơi mọi người dường như thích nói tiếng Ukraine hơn - chứ không phải tiếng Nga.
Vài nét về tác giả
Phillip M. Carter là Phó Giáo sư Ngôn ngữ học, Đại học Quốc tế Florida. Ông không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và ông không đề cập đến chi nhánh nào có liên quan ngoài công việc học thuật.
Người dịch: Lê Thị Hạnh
Nguồn: “Long before shots were fired, a linguistic power struggle was playing out in Ukraine”, The Conversation, ngày 09.03.2022
----
Bài có liên quan:
Chú
thích: [1] Còn gọi là Kavkaz, khu vực nằm ở biên
giới giữa châu Á và châu Âu, chủ yếu trên lãnh thổ Gruzia, Azerbaijan, Armenia
và một phần ở Nam Nga (Wikipedia - ND). [2] là món ăn phổ biến ở Đông và Trung Âu
có nguồn gốc từ Ukraine (ND). [3] Bắc Âu (ND). [4] Spanglish: là một từ ghép của “Spanish” và “English”, kết
hợp đàm thoại giữa tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, chủ yếu được sử dụng ở Hoa
Kỳ (Wikipedia - ND).