30.3.22

Sự ra đời của nền sinh thái chiến tranh

SỰ RA ĐỜI CỦA NỀN SINH THÁI CHIẾN TRANH

Cuộc xâm lược Ukraine đã mở ra một ma trận chiến lược và chính trị mới cho những năm Hai mươi.

Để các chính sách khí hậu đáp ứng được lịch sử, nền sinh thái chiến tranh phải trở thành chính sách xã hội.

Pierre Charbonnier[*]

Sự sững sờ của những ngày đầu tiên đang được tiếp nối, như mọi khi, bởi sự kinh hoàng bình thường của các cuộc oanh tạc và những người tị nạn chiến tranh. Tiếp theo thời gian cuồng loạn của các cuộc tấn công đầu tiên sẽ là thời gian, yếu ớt hơn và ít ngoạn mục hơn, của các cuộc đàm phán và thỏa hiệp. Như nhiều người dự đoán, hòa bình hứa hẹn sẽ cay đắng đối với Ukraine, vì các điều kiện mà chế độ Nga đặt ra để ngừng bắn và có một thỏa thuận là rất nghiêm ngặt, và sự cam kết quân sự của châu Âu và Mỹ cũng không chắc chắn.

Immanuel Kant (1724-1824)
Pierre Charbonnier (1983-)

Tuy nhiên, giữa những bất ổn do chiến tranh gây ra, việc mở đầu cuộc xung đột công khai ở sườn phía Tây của Vladimir Putin đã bộc lộ một đường đứt gãy không thể tránh khỏi.

Để đáp lại hành động xâm lược lãnh thổ và quân sự của Nga, vốn chỉ có thể gợi lên trong ý thức phương Tây còn mang dấu ấn của chủ nghĩa hòa bình theo Kant và của ý tưởng về sự lỗi thời có tính lịch sử của chiến tranh như là dấu hiệu của sự lạc hậu, châu Âu và Hoa Kỳ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Ban đầu có chọn lọc, nhắm vào các “nhà tài phiệt” nổi tiếng của Nga và các cơ cấu quyền lực của Điện Kremlin, sau đó các biện pháp này đã được mở rộng ra toàn bộ cơ cấu kinh tế và tài chính của Nga, có nguy cơ làm suy yếu người dân hơn là chính phủ của họ. Trong bối cảnh mà khả năng răn đe hạt nhân nhận được trở lại một sự thích đáng nhất định và ngăn chn việc gửi quân, chúng ta đang chứng kiến ​​một cuộc chiến tranh bất đối xứng, trong đó các phương tiện được hai phe đối lập đầu tư là hoàn toàn không đồng nhất. Đáp lại các cuộc bắn phá và gửi quân, chiến lược quân sự và việc chiếm đóng lãnh thổ trực tiếp trong không gian tiếp giáp của cuộc đối đầu thực tế, là sự tổ chức có phối hợp để tách Nga khỏi hệ thống thương mại và tài chính quốc tế.

Nicholas Mulder

Như Nicholas Mulder đã trình bày trong một cuốn sách gần đây và hợp với hiện tình[1], việc phát minh ra cơ chế trừng phạt kinh tế bắt nguồn từ thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, từ các thể chế hòa bình của Hội Quốc Liên, và chính xác là từ ý chí muốn tránh sử dụng vũ lực trong việc giải quyết các xung đột quốc tế. Nếu luật pháp quốc tế được cho là đảm bảo hòa bình bằng cách xác định tính bất hợp pháp của chiến tranh gây hấn, nó đi kèm với khả năng điều chỉnh luật kinh doanh và quyền tiếp cận các tổ chức tài chính để trừng phạt các quốc gia có dấu hiệu hiếu chiến. Như vậy, cơ chế này có thể được xem như là sự thăng hoa của sự đối đầu trực tiếp bằng một hình thức cưỡng bức ít bạo lực hơn, dựa trên lý tưởng tự do và chủ nghĩa quốc tế về bài trừ bạo lực, nhưng cũng là một hình thức lừa lọc của việc khai thác mang tính địa chiến lược các quy tắc của chủ nghĩa tư bản quốc tế. Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt kinh tế có khả năng gây ra bạo lực thật sự có thực, đặc biệt là đối với những người dân thường phải gánh chịu sự suy thoái của các điều kiện sống vật chất của họ, có thể dẫn đến nạn đói. Do đó, vũ khí kinh tế xứng đáng với tên gọi của nó, và trong sự nới rộng châm ngôn nổi tiếng của Clausewitz, nó thực sự là sự tiếp tục của chiến tranh bằng các phương tiện khác, trong khuôn khổ của một ý chí muốn nhân đạo hóa cuộc xung đột, vốn là đặc trưng của các nền dân chủ tự do và của những nghịch lý của các nền dân chủ này[2].

Nền sinh thái, vũ khí chiến tranh

Vẫn chưa thể lường trước được hệ quả của các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga và nhất là của các tác động gián tiếp của chúng đối với nguồn cung cấp năng lượng và thực phẩm của các nền kinh tế khách hàng của đất nước vốn là cường quốc khai thác chủ chốt trong nền kinh tế nguyên liệu thô. Nhưng cuộc đối đầu bất đối xứng này đã mở ra không gian cho một diễn ngôn mới về sự vận động ý thức hệ và kinh tế từ phía các quốc gia châu Âu và Hoa Kỳ, mà chúng ta có thể gọi là nền sinh thái chiến tranh.

Nếu luật pháp quốc tế được cho là đảm bảo hòa bình bằng cách xác định tính bất hợp pháp của chiến tranh gây hấn, nó đi kèm với khả năng điều chỉnh luật kinh doanh và quyền tiếp cận các tổ chức tài chính để trừng phạt các quốc gia có dấu hiệu hiếu chiến.

PIERRE CHARBONNIER

Trong bối cảnh một cuộc xâm lược quân sự do một quốc gia dầu mỏ thực hiện chống lại một trong những nước láng giềng của mình nhằm mục đích củng cố sự thống trị đế quốc, nền sinh thái chiến tranh xem xét việc hướng tới sự điều độ về năng lượng như là “một vũ khí hòa bình về sự kháng cự và tính tự chủ”[3]. Xuất phát điểm rất đơn giản: sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Nga, đặc biệt là về nguồn cung cấp dầu và khí đốt, bao hàm việc cung cấp tài chính gián tiếp cho kế hoạch quân sự do Vladimir Putin lãnh đạo, và do đó là sự đồng lõa không tự nguyện với chiến tranh. Tuy nhiên, nếu các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga được thiết kế để gây ra sự bóp nghẹt ngay lập tức đối với chế độ và sự sụp đổ của nó - với khả năng thành công rất không chắc chắn - thì việc chuyển đổi sang một chế độ điều độ về năng lượng lại có ý nghĩa hơn trong một khung thời gian trung gian. Đó là việc cắt đứt sự phụ thuộc độc hại cả về địa chiến lược và về chính sách khí hậu. Trong khuôn khổ của nền sinh thái chiến tranh mới nảy sinh ở châu Âu, sự điều độ có thể giúp đạt hai mục tiêu chỉ bằng một mũi tên bằng cách kết nối mệnh lệnh cưỡng chế đối với chế độ Nga và mệnh lệnh giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Nói cách khác, “vũ khí kinh tế” được triển khai trong giai đoạn đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến nguồn tài chính tức thời của bộ máy chiến tranh của Nga và trong giai đoạn thứ hai, mang tính cấu trúc hơn, nó được cho là sẽ nhằm vào chính logic của nền kinh tế chính trị của Nhà nước dầu khí này, đồng thời tạo động lực mới cho các kế hoạch tái định hướng về mặt năng lượng của châu Âu. Trong giai đoạn thứ hai này, các nguyên tắc của nền sinh thái chính trị không chỉ đơn giản được điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn chiến tranh, chúng còn được xác định lại và phụ thuộc vào mệnh lệnh tiến hành chiến tranh, được tích hợp trong một logic của cuộc đối đầu trong đó kẻ thù vừa là nguồn gốc của sự bất ổn địa chính trị vừa là người nắm giữ tài nguyên độc hại. Do đó, nền sinh thái chiến tranh nổi lên như là sự kế thừa lịch sử và sự tiếp nối về mặt ý thức hệ của nền kinh tế chiến tranh.

© AP Photo/Eugene Hoshiko

Trên quan điểm lý thuyết, sự ra đời của nền sinh thái chiến tranh tương ứng với sự phát triển sâu sắc hơn của diễn ngôn về chủ quyền ở các quốc gia và khu vực, về mặt lịch sử, rút ra một phần đáng kể sinh kế của mình từ nguồn nhập khẩu. Thật vậy, châu Âu, trong một thời gian dài, đã chấp nhận tình trạng phụ thuộc về mặt năng lượng, cho dù là đối với Hoa Kỳ, Trung Đông hay Nga, trong chừng mực điều này đi đôi với định hướng hướng tới các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn và khi chân trời hòa bình và ổn định địa chính trị làm giảm bớt cái gọi là mệnh lệnh “chiến lược”. Như cuộc khủng hoảng Covid đã chỉ ra, chủ quyền trong thế kỷ 21 không thể được duy trì ở dạng trừu tượng về cơ bản mà nó đã có trong những thập kỷ gần đây: trong bối cảnh châu Âu ngày càng coi mình như một thành trì đang bị vây hãm, nhu cầu kiểm soát các nguồn tài nguyên ngày càng trở nên bức xúc. Do đó, Châu Âu, với tham vọng khẳng định đẳng cấp của một cường quốc thế giới, đụng phải các điều kiện vật chất của quyền lực – mà tất cả đã đều được biết đến nhưng với những hậu quả thường bị trì hoãn.

Các nguyên tắc của nền sinh thái chính trị không chỉ đơn giản được điều chỉnh cho phù hợp với thời điểm chiến tranh, chúng còn được xác định lại và phụ thuộc vào mệnh lệnh tiến hành chiến tranh, được tích hợp trong một logic của cuộc đối đầu trong đó kẻ thù vừa là nguồn gốc của sự bất ổn địa chính trị vừa là người nắm giữ tài nguyên độc hại.

PIERRE CHARBONNIER

Bruno Le Maire (1969-)
Yannick Jadot (1967-)

Hệ thống sinh thái chiến tranh có được một thành công vang dội. Tại Pháp, nó đã được Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire quảng bá, trong một lời kêu gọi các hộ gia đình giảm bớt mức tiêu thụ, cũng như trong một diễn đàn của cựu Tổng thống François Hollande[4]. Cũng ở Pháp, ứng cử viên đảng sinh thái cho cuộc bầu cử tổng thống Yannick Jadot không ngừng lặp lại rằng hoàn cảnh hiện tại chỉ xác nhận chương trình luôn được đảng của ông bảo vệ. Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh về Chiến lược Năng lượng và Công nghiệp Kwasi Kwarteng trình bày hệ thống sinh thái chiến tranh này dưới một góc nhìn khác khi khẳng định rằng “Net Zero” và các chính sách khí hậu nay được lồng ghép vào khuôn khổ rộng hơn của các nguyên tắc an ninh quốc gia. Tổng thống Hoa Kỳ Biden cũng sử dụng một diễn ngôn tương tự, trong khi Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner xác định năng lượng tái tạo – vốn là cái đối xứng tích cực của sự giải thoát khỏi khí đốt của Nga - là nền tảng của tự do trong tương lai[5].

Ngay từ những ngày đầu tháng ba, Cơ quan Năng lượng Quốc tế, mà nhiệm vụ ban đầu tuyệt đối không phải là tạo ra các điều kiện vật chất cho hòa bình vĩnh viễn, đã công bố một kế hoạch mười điểm nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Liên minh đối với khí đốt của Nga[6]. Do đó, vượt lên các cơ chế thị trường góp phần làm cho năng lượng nói chung đắt hơn, tại máy bơm nhiên liệu và các ổ cắm điện, chúng ta đang hướng tới một sự điều tiết chủ động về các mô hình tiêu dùng công nghiệp và gia đình, một sự điều tiết được xem là chính đáng trong bối cảnh vận động công dân nhân danh hòa bình, ổn định và tự chủ.

Thời đại của các cuộc chiến hóa thạch

Svitlana Krakovska

Sự ngẫu nhiên về lịch đã đóng một vai trò khi đại diện Ukraine trong GIEC/Nhóm chuyên gia liên chính phủ về sự tiến hóa của khí hậu, Svitlana Krakovska tuyên bố: “đây là một cuộc chiến tranh nhiên liệu hóa thạch (this is a fossil fuel war)”[7], thiết lập mối liên hệ trực tiếp giữa hành động xâm lược quân sự vào đất nước mình và các mối đe dọa lâu dài mang tính hệ thống mà xã hội loài người phải hứng chịu qua tác động của sự biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ của một tổ chức khoa học và ngoại giao được tạo ra dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc nhằm thể hiện sứ mệnh phổ quát của khoa học và giá trị xuyên ý thức hệ của việc bảo tồn hành tinh, tuyên bố này cũng đã đẩy vấn đề khí hậu vào một không gian mới với nhiều câu hỏi.

Thêm vào tất cả các kế hoạch định chế và các bài phát biểu là sự tăng mạnh các thông điệp văn hóa đề xuất giảm nhiệt hệ thống sưi ấm, mặc áo len và đi xe đạp thay vì đi ô tô[8], nhằm ủng hộ người dân Ukraine.

Amory Lovins (1947-)

Chúng ta biết lịch sử của nền sinh thái chính trị gắn liền với lịch sử của chủ nghĩa hòa bình, với cuộc đấu tranh chống lại cuộc chạy đua giành quyền lực, trang bị vũ khí và với ý chí phá hủy nền tảng của sự năng động về mọi thứ dư thừa vật chất. Năm 1977, Amory Lovins đã cho rằng cái mà ông gọi là “con đường năng lượng mềm/soft energy path” sẽ tạo thành một sự đảm bảo cho sự ổn định quốc tế. Tuy nhiên, bản thân sự phản văn hóa này dường như đã bị cuốn vào logic của nền sinh thái chiến tranh, vào thời điểm mà cuộc chiến chống lại chế độ của Putin dường như là một cuộc chiến chính nghĩa, chính đáng - đặc biệt nếu nó được tiến hành bằng những phương tiện hòa bình và đồng hưởng lợi.

Trên quan điểm lý thuyết, sự ra đời của nền sinh thái chiến tranh tương ứng với sự phát triển sâu sắc hơn của diễn ngôn về chủ quyền ở các quốc gia và khu vực, về mặt lịch sử, rút ra một phần đáng kể sinh kế của mình từ nguồn nhập khẩu.

PIERRE CHARBONNIER

Kenneth Rogoff (1953-)

Trong cơn gió lốc của những phản ứng tức thì đối với cuộc chiến ở Ukraine, ta cũng có thể tìm thấy một biểu hiện đối xứng nghịch với những tình cảm đoàn kết nhân từ này. Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến, một số tác nhân trong lĩnh vực tài chính quốc tế đã yêu cầu sự công nhận của các khoản đầu tư để vũ trang trong cái khung của nền tài chính “có tác động” xã hội và sinh thái, dựa trên một logic khắc nghiệt và phi đạo đức: nếu mục tiêu chung của các nền dân chủ tự do là đảm bảo an ninh cho các dân tộc chống lại sự xâm lược của quân đội Nga, thì sự vũ trang là một phương tiện ổn định dân chủ giống như việc phi cacbon hóa nền kinh tế[9]. Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế tại Harvard, giải thích rằng cái cổ tức hòa bình/peace dividend, nghĩa là ý tưởng theo đó nền kinh tế thế giới và sự thịnh vượng được hưởng lợi từ hòa bình, có nguy cơ trở nên lỗi thời nếu “các giá trị tự do” nổi tiếng không được bảo vệ bởi một cơ chế mạnh mẽ trong đó sự tăng trưởng bền vững và nền công nghiệp quốc phòng được xem như hai trụ cột bổ sung cho nhau[10]. Lập luận này có giá trị trong việc đẩy logic của nền sinh thái chiến tranh đến giới hạn cuối cùng của nó: nếu việc bảo vệ nền dân chủ phụ thuộc vào việc tổng động viên chống lại nước Nga của Putin, nếu công cụ của sự huy động này là sự điều độ năng lượng và khả năng không nhượng bộ trong cuộc đối đầu, thì các vùng ảnh hưởng gắn với năng lượng tái tạo và vũ khí chia sẻ lợi ích và giá trị chung. Điều này mang lại cho cụm từ tiếng Anh “diều hâu khí hậu/climate hawk” một chiều kích hoàn toàn mới.

Những ví dụ về việc tán thành nền sinh thái chiến tranh có thể được nhân lên gấp bội. Chúng chủ yếu đến từ các thành phần tự do và các nhà bảo vệ môi trường, nền sinh thái chiến tranh tập hợp các đối thủ cũ trên chính trường, huy động sự giám định của các nhà kinh tế năng lượng, của các kỹ sư phụ trách việc lập kế hoạch tổ chức lại các hệ thống cung cấp điện. Theo nghĩa này, đây là một hiện tượng cấu trúc vẽ lại cấu hình của các liên minh chính trị quốc gia và quốc tế, cho phép xây dựng một ngôn ngữ mới về những mối quan tâm đã có từ trước - đối với những người ủng hộ sự điều độ - hoặc ngược lại đặt giá trị xã hội của những khát vọng về môi trường trong một chủ nghĩa hiện thực chiến lược mới. Những vấn đề này đã được đề cập tại hội nghị thượng đỉnh châu Âu ở Versailles vào ngày 10 và 11 tháng 3, và ta có thể hiểu rằng việc xây dựng một lối thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga được phối hợp sẽ tạo thành một điểm tập hợp cực kỳ mạnh mẽ giữa các lợi ích quốc gia khác nhau trong không gian châu Âu, và sẽ kích hoạt các cơ chế viện trợ và chuyển tiền tới các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự phụ thuộc này, chẳng hạn như Bulgaria - nước phụ thuộc 100% vào khí đốt của Nga.

Nếu việc bảo vệ nền dân chủ phụ thuộc vào cuộc tổng động viên chống lại nước Nga của Putin, nếu công cụ của sự huy động này là sự điều độ năng lượng và khả năng không nhượng bộ trong cuộc đối đầu, thì các vùng ảnh hưởng gắn với năng lượng tái tạo và vũ khí chia sẻ lợi ích và giá trị chung. Điều này mang lại cho cụm từ tiếng Anh “diều hâu khí hậu/climate hawk” một chiều kích hoàn toàn mới.

PIERRE CHARBONNIER

Như một số nhà bình luận đã lưu ý, có lẽ chúng ta đang chứng kiến ​​sự thức tỉnh của châu Âu về mặt địa chính trị”, một sự tăng tốc trong quá trình xây dựng châu Âu dưới tác động của chiến tranh. Và ngay cả khi người ta nhận thức về loại tuyên bố này với một khoảng cách, thậm chí là với sự hoài nghi, thì sự thật là châu Âu đang khám phá lại sơ đồ lịch sử và chính trị đã tạo nên cơ sở sáng lập ra nó: sự thử thách của chiến tranh kích thích sự hình thành của một thỏa hiệp kinh tế và ý thức hệ đặt trọng tâm vào việc tìm kiếm hòa bình bằng các cơ chế sản xuất và phân phối mới.

Một trong những hình ảnh đang lưu hành ngày nay để phổ biến nền sinh thái chiến tranh rõ ràng là dựa vào cuộc chiến chống lại chủ nghĩa toàn trị và chủ nghĩa phát xít[11].

Việc chuyển hướng hình ảnh tuyên truyền về Chiến tranh thế giới thứ hai, vốn kêu gọi hạn chế tiêu thụ xăng dầu vì lợi ích của quân đội giải phóng chống lại chủ nghĩa Quốc xã, đưa chúng ta trở lại mối liên hệ lịch sử giữa các chính sách năng lượng và chiến tranh. Một trong những yếu tố cấu trúc tất yếu của trật tự thế giới hiện đại là phương trình giữa quyền lực chính trị và khả năng kiểm soát các nguồn năng lượng[12]. Vậy nên sự khao khát về đất đai đã từng kích thích sự cạnh tranh quân sự giữa các quốc gia đã dần dần được xác định lại: ngày nay đó là cuộc chinh phục trực tiếp hoặc gián tiếp năng lượng - thông qua thị trường, cơ sở hạ tầng - định hướng cho cuộc đối đầu của các cường quốc địa chính trị kể từ nửa sau thế kỉ 19. Định hướng lịch sử này không bị cắt đứt hoàn toàn, như ý chí tiêu diệt nỗ lực chiến tranh của Nga bằng cách tước bỏ sự hỗ trợ hóa thạch của nó cho thấy một cách chính xác. Nhưng các phương thức của mối liên hệ lịch sử giữa chiến tranh và năng lượng đã trải qua một sự thay đổi thiết yếu trong những ngày gần đây: chiến tranh không còn được tiến hành chỉ vì tài nguyên, với hy vọng chinh phục một không gian sinh tồn (lebensraum/espace vital) về mặt lãnh thổ hoặc địa chất, chiến tranh được tiến hành qua trung gian của các chính sách năng lượng. Năng lượng không còn chỉ là động lực của quyền lực khi nó cung cấp năng lượng cho quân đội và nỗ lực sản xuất, mà nó còn là một yếu tố rủi ro cần được loại bỏ. Trong trò chơi giữa năng lượng-sức mạnh và năng lượng-tai hoạ, nền sinh thái chiến tranh là một công thức chính trị được định sẵn cho một tương lai lớn lao.

Chúng ta không còn chỉ gây chiến vì các nguồn tài nguyên, với hy vọng chinh phục một không gian sinh tồn (lebensraum/espace vital) về mặt lãnh thổ hay địa chất, chúng ta tiến hành chiến tranh thông qua các chính sách năng lượng. Năng lượng không còn chỉ là động lực của quyền lực khi nó cung cấp năng lượng cho quân đội và nỗ lực sản xuất, mà nó còn là một yếu tố rủi ro cần được loại bỏ.

PIERRE CHARBONNIER

William James (1842-1910)
Jimmy Carter (1924-)

Tất nhiên, kiểm soát tài nguyên là một công cụ cưỡng chế thường được sử dụng. Ví dụ, trong trường hợp các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Iran, sự cô lập về ngoại giao và sự suy yếu kinh tế của quốc gia đối thủ đã được thực hiện thông qua các cơ chế ảnh hưởng đến năng lượng. Vào thời điểm xảy ra cú sốc dầu mỏ năm 1977, các biện pháp tiết kiệm năng lượng lớn đã được thực hiện, và Tổng thống Carter sau đó đã phỏng theo William James khi tuyên bố rằng sự điều độ tiêu dùng năng lượng là tương đương với chiến tranh về mặt đạo đức[13]. Nhưng trong tình hình hiện nay, một yếu tố bổ sung tạo nên sự khác biệt: Hoa Kỳ, trong một chừng mực rất hạn chế, và đặc biệt là châu Âu, tự nguyện chấp nhận một sự hy sinh kinh tế ngay lập tức nhân danh một lợi ích cao hơn, đó là sự ổn định, nền dân chủ, và cuối cùng là sự hòa hợp phổ quát trên cùng một Trái đất. Chính yếu tố này thực sự làm cho ta có thể nói về một nền sinh thái chiến tranh, đảm nhận sự đối chiếu với nền kinh tế chiến tranh: một nỗ lực của xã hội dân sự được đòi hỏi trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược, một nỗ lực có xu hướng đồng hóa hành vi riêng tư, lựa chọn cá nhân, như là một sự đóng góp trực tiếp vào động thái của cuộc đối đầu. Tiến hành chiến tranh bằng phương pháp sinh thái, trong trường hợp này là một sự điều độ năng lượng vội vàng, khiến mỗi chúng ta trở thành một tác nhân tiềm năng trong việc huy động, nó vận dụng trách nhiệm của mỗi người trong việc triển khai các sự kiện.

Ma trận chiến lược của những năm Hai mươi

Đây là lý do tại sao vấn đề không còn là sử dụng năng lượng như là phương tiện và mục đích của cuộc đối đầu, mà là kéo các chính sách khí hậu vào một đại tự sự lịch sử vĩ đại mới. Trong khi sự hy sinh mà các nhà sinh thái học đòi hỏi nơi ngành công nghiệp và người tiêu dùng để giảm thiểu cú sốc khí hậu thường được coi là một sự gò bó nặng nề, không chắc chắn, cồng kềnh, thì nỗ lực tương tự này, giờ đây được xác định là vấn đề an ninh quốc tế, vấn đề lật đổ chế độ chuyên chế và theo một cách nào đó là lòng yêu nước, đột nhiên trở nên không chỉ chấp nhận được, mà còn được tìm kiếm một cách tích cực.

Tiến hành chiến tranh bằng phương pháp sinh thái, trong trường hợp này là một sự điều độ năng lượng vội vàng, khiến mỗi chúng ta trở thành một tác nhân tiềm năng trong việc huy động, nó vận dụng trách nhiệm của mỗi người trong việc triển khai các sự kiện.

PIERRE CHARBONNIER

Việc khử cacbon trong nền kinh tế trở thành một cơ hội để loại bỏ hiện thân đương thời của chủ nghĩa toàn trị, và qua một sự đảo ngược lịch sử kỳ lạ, từ nay sự tăng cường khai thác năng lượng không còn là yếu tố để tạo nên chiến thắng nữa, mà sự tiết chế mới được cọi là vũ khí chiến tranh.

© AP Photo/Rodrigo Abd

Ngày nay, càng có nhiều phân tích đặt câu hỏi liệu khả năng của các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể gây áp lực đủ lớn lên chế độ Nga để đạt đến sự rút quân khỏi Ukraine hoặc để kích hoạt một cuộc lật đổ Putin[14] không. Thử thách mà Nga phải gánh chịu có thể nuôi dưỡng cảm tưởng mình là nạn nhân và kích động chủ nghĩa dân tộc, các lệnh trừng phạt có thể tác động đến người dân như vết dầu loang thông qua sự rối loạn của các thị trường lương thực, hoặc thậm chí chúng có thể không gây hại cho chính châu Âu hơn là cho mục tiêu được chỉ định. Theo cách tương tự, sự sáng suốt đòi hỏi phải có một cái nhìn phê phán về nền sinh thái chiến tranh vào thời điểm mà nó dường như đang được áp đặt như ma trận địa chiến lược của Liên minh châu Âu.

Một mặt, rõ ràng là các lợi ích sinh thái và an ninh đang hội tụ, rằng cuối cùng chúng ta có một lập luận để huy động các khu vực ảnh hưởng và đầu tư mà cho đến nay vẫn miễn cưỡng đối với sự chuyển đổi năng lượng. Nếu cuộc tranh luận về khía cạnh an ninh của cuộc khủng hoảng khí hậu đã được khởi động mạnh mẽ từ vài năm nay, thì cuộc chiến Nga-Ukraine là thời điểm kết tinh của những suy nghĩ này, một điểm mà sau đó ta dường như không thể quay trở lại.

PIERRE CHARBONNIER

Một lần nữa, các điểm tương đồng lịch sử có thể được viện dẫn: sự hình thành của Nhà nước xã hội hiện đại phần lớn là sản phẩm của tình hình sau thế chiến, và nếu việc tái tạo lại “Nhà nước chiến tranh” (warfare state) thành một “Nhà nước phúc lợi” (welfare state) soi sáng một cách tương đối trắng trợn những tham vọng thực sự đã dẫn đến các biện pháp an sinh xã hội, cần phải nhận thấy rằng các mục đích lý tưởng cũng có thể đạt được bằng các phương tiện thực tế. Định hướng hướng tới một nền tảng năng lượng không có carbon, hoặc thậm chí hướng tới một nền văn hóa công dân nhất định về sự tiết chế năng lượng, đã có thể đạt được bằng lực duy nhất của các lập luận sinh thái xã hội, nhưng lịch sử lại trớ trêu và có lẽ chiến tranh cuối cùng sẽ là bà đỡ của sự chuyển đổi này.

Mặt khác, rõ ràng là cuộc đặt cược có nhiều rủi ro - tương xứng với tiền đặt cược. Nếu văn hóa tự kiềm chế không mang lại hiệu quả địa chính trị như mong đợi, thì điều này có nguy cơ làm xói mòn tiềm năng vận động cho các vấn đề khí hậu trong tương lai. Nếu việc tổ chức hữu hiệu sự tiết chế năng lượng ở châu Âu rơi vào tình trạng hỗn loạn, kém hiệu quả, bất công và bị coi là gánh nặng về mặt xã hội, thì nền sinh thái chiến tranh sẽ nhanh chóng bị đồng hóa với một giai đoạn mới trong lịch sử thảm khốc của dự án châu Âu. Thật vậy, hiện nay, chính cấp độ của trách nhiệm cá nhân - tắt đèn, đi xe đạp, v.v. - và khả năng chống cự khi đối mặt với khủng hoảng đã được huy động: không có kế hoạch đầu tư cụ thể nào vào các năng lượng mới và vào tính hiệu quả đã được khởi động, không có chiến lược quy hoạch nào đã được chuẩn bị, do đó tính hệ thống của các vấn đề đang bị lãng quên. Nếu quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Âu đặt ở bên lề một số bên liên quan dễ bị tổn thương hơn về kinh tế (đặc biệt ta có thể nghĩ đến vài quốc gia ở Đông Âu), nó có thể tạo ra các đường đứt gãy mới trong lục địa. Cuối cùng, nếu bước ngoặt này được áp đặt trên quy mô quốc tế dưới hình thức của sự điều chỉnh cơ cấu và các ràng buộc ngoại sinh, như trường hợp thắt lưng buộc bụng về ngân sách, thì những đứt gãy này có thể mang tính toàn cầu.

Cộng thêm vào tất cả điều này, còn có thực tế là nền sinh thái chiến tranh phải đối mặt với chiến lược ngược lại, được thúc đẩy bởi các đại diện của liên minh hóa thạch. Chiến lược này khẳng định rằng, ngược lại, việc khai thác hóa thạch cần được đẩy mạnh ở tất cả các khu vực trên thế giới ngoại trừ Nga để bù đắp cho những tổn thất liên quan đến một cuộc tẩy chay có thể xảy ra, và tái khẳng định rằng chỉ có sự huy động năng lượng mới có thể loại bỏ kẻ thù. Ví dụ, chúng ta đã thấy chính sách ngoại giao của Mỹ đã tích cực hoạt động để thiết lập lại quan hệ đối tác với Venezuela và Liên minh châu Âu đã cố gắng tăng cường sự cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Ở một mức độ thấp hơn, chúng ta cũng đang chứng kiến ​​sự xói mòn vài tiêu chuẩn môi trường ở châu Âu để nhường chỗ cho các hoạt động khai thác và nông nghiệp, một lần nữa nhằm cung cấp không gian pháp lý đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt nhập khẩu. Và khi không có một chiến lược kinh tế - xã hội thực sự để tiết kiệm năng lượng, thì giả thuyết về sự thay thế nguồn cung cấp nhất định sẽ thắng thế.

Helen Thompson

Nói cách khác, sự thành công của nền sinh thái chiến tranh phần lớn tùy thuộc vào cách thức kết hợp các chiều kích địa chiến lược và phân phối. Như mọi khi, và như Helen Thompson đã nhắc nhở chúng ta một cách xuất sắc trong cuốn sách mới nhất của bà, địa chính trị và quan hệ giai cấp là không thể tách rời. Tiết kiệm năng lượng, và đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch, là một trong những trung gian mạnh mẽ nhất giữa hai cực này của công lý con người, thông qua cơ chế điều chỉnh các mối quan hệ quyền lực quốc tế và việc tạo ra các thể chế tái phân phối. Thật vậy, năng lượng thúc đẩy cả việc chinh phục quyền lực lẫn các cơ hội việc làm trong các xã hội công nghiệp; giá cả của tài nguyên hóa thạch là một động lực lịch sử quyết định các mối quan hệ thương mại và xã hội trên quy mô hành tinh. Ý tưởng cho rằng thách thức khí hậu đã làm biến đổi sự sắp xếp này giữa địa chính trị và công bằng xã hội đã hiện hữu trong tâm trí mọi người, thường ở trạng thái tiềm ẩn, thường ở dạng tuyên bố thuần túy, hướng tới một tương lai hơi trừu tượng. Liên kết này bây giờ là hoàn toàn ngay lập tức. Chiến tranh góp phần vẽ lại không gian của các khả năng chính trị. Nhưng đây không phải là một cơ chế mù quáng và phi cá nhân: nền sinh thái chiến tranh hiện nay chỉ là một tập hợp các biện pháp và tham vọng tùy thuộc vào hoàn cảnh, việc củng cố nó như là xương sống của châu Âu vào những năm 2020 hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng của chúng ta để chuyển nó thành một chính sách xã hội. Và điều này, trước hết trong chừng mực mà, với hệ thống này, vấn đề không chỉ là giảm mức tiêu thụ các năng lượng hóa thạch của chúng ta, mà còn tạo ra trong xã hội châu Âu một sự huy động tập thể và một cộng đồng lợi ích xung quanh các nguyên tắc sinh thái. Bởi đằng sau nền sinh thái chiến tranh, thấp thoáng chủ nghĩa sinh thái yêu nước.

Nền sinh thái chiến tranh hiện nay chỉ là một tập hợp các biện pháp và tham vọng tùy thuộc vào hoàn cảnh, việc củng cố nó như là xương sống của châu Âu vào những năm 2020 hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng của chúng ta trong việc chuyển nó thành một chính sách xã hội.

PIERRE CHARBONNIER

Rõ ràng là còn quá sớm để tuyên bố dứt khoát về những hệ quả của cấu hình lịch sử này. Nhưng ta không thể nào không nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các phong trào chính trị liên kết xung quanh nền sinh thái chiến tranh. Bởi, nếu chúng ta lùi lại thêm một chút, rõ ràng là thành công của chiến lược này đi đôi với cuộc chiến chống lại mối đe dọa nội tại mà chế độ Putin gây ra cho châu Âu. Putin thực sự là nhà vô địch quốc tế của một hệ tư tưởng về sự suy tàn, dân tộc chủ nghĩa, quân phiệt, hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề khí hậu, và chỉ chờ đợi sự thất bại trong công cuộc tái tạo châu Âu để nghiền ngấu những gì còn lại của nó. Nói cách khác, khả năng để châu Âu không rơi hoàn toàn vào ảnh hưởng của mô hình chuyên chế của Putin tùy thuộc vào sự sáng tạo ra một mô hình phát triển, hợp tác và xây dựng công dân tích hợp mệnh lệnh hành tinh vào trò chơi của các đối thủ địa chính trị[15].

Chúng tôi xin cám ơn Magali Reghezza và Stefan Aykut đã bỏ công đọc lại bài của chúng tôi một cách rất bổ ích.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:La naissance de l’écologie de guerre”, Le Grand Continent, 18.3.2022.

----

Bài có liên quan:

Thời kì giữa hai cuộc chiến tranh nào?




Chú thích:

[*] Pierre Charbonnier là nhà nghiên cứu triết học tại CNRS. Lãnh vực nghiên cứu bao gồm Thiên nhiên, Xã hội, sinh thái học chính trị, năng lượng và tính hiên đại. Ở Trường Nghiên Cứu Cao Cấp về Khoa Học Xã Hội (EHESS), ông nghiên cứu trong Phòng Thí Nghiệm liên ngành về sự phản tư.

[1] Nicholas Mulder, The Economic Weapon. The Rise of Sanctions as a Tool of Modern War, Yale University Press, 2022, 448p.

[2] Samuel Moyn, Humane: How the United States Abandoned Peace and Reinvented War, Farrar, Straus and Giroux, 2021, 416p.

[3] Tôi vay mượn thuật ngữ này từ Thierry Salomon, kỹ sư chuyên về các chính sách năng lượng

[4] François Hollande, “Pour arrêter Vladimir Poutine, arrêtons de lui acheter du gaz”, Le Monde, 7 mars 2022

[9] Jeff Sommer, “Russia’s War Prompts a Pitch for ‘Socially Responsible’ Military Stocks”, The New York Times, 4 mars 2022

[10] Kenneth Rogoff, “Is the Peace Dividend Over?”, Project Syndicate, 2 mars 2022

[12] Tham khảo Timothy Mitchell, Carbon Democracy và gần đây hơn Helen Thompson, Disorder. Về một thảo luận về những bước tiến hóa mới của phương trình giữa năng lượng và quyền lực, thậm chí bài của chúng tôi về “Le tournant réaliste de l’écologie politique (Một bước ngoặt thực tế của sinh thái học chính trị)” được xuất bản trong tạp chí này.

[13] Miller Center, April 18, 1977: Address to the Nation on Energy

[15] Mes remerciements vont à Magali Reghezza et Stefan Aykut, dont la relecture critique a été très bénéfique au texte.

Print Friendly and PDF