23.3.22

Covid-19 đã làm trầm trọng thêm rất nhiều bất bình đẳng xã hội như thế nào

Hồ sơ: Tại sao những bất bình đẳng xã hội gia tăng trong thế kỷ XXI?

COVID-19 ĐÃ LÀM TRẦM TRỌNG THÊM RẤT NHIỀU BẤT BÌNH ĐẲNG XÃ HỘI NHƯ THẾ NÀOBottom of Form

Antonio de Lecea

Giáo sư về quản trị thương mại thế giới tại Viện Barcelona d’Estudis Internacionals

Yann Coatanlem

Tổng giám đốc DataCore Innovations LLC

Tóm tắt

  • Với khủng hoảng y tế, những bất bình đẳng hiện hữu (giữa nam và nữ, người da trắng và da đen, người giàu và người nghèo) đã trở nên trầm trọng hơn.
  • Những sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các loại bất bình đẳng cũng được tăng cường.
  • Cách ly đã làm cho những loại bất bình đẳng mới trở nên quan trọng hơn, từ sự cách biệt nhau vì kỹ thuật số (fracture numérique: sự khác biệt nhau ngày càng sâu sắc giữa những người tiếp cận được các phương tiện kỹ thuật số và những người không tiếp cận được -ND) đến khả năng làm việc từ xa.
  • Đối với trẻ em đang tuổi đi học và sinh viên, những bất bình đẳng này gay gắt thêm và gia tăng gấp bội, có thể đưa đến những số phận rất khác nhau.

Đại dịch Covid là một ví dụ hoàn hảo về hiệu ứng boomerang (tác động xấu ngược trở lại) của các khủng hoảng; nếu ta không cứu giúp một người đang gặp khó khăn về kinh tế, xã hội hay tâm lý, ta sẽ đối mặt với sự gia tăng những đứt gãy xã hội.

Làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng hiện hữu

Các bất bình đẳng trầm trọng hơn và những sự tùy thuộc lẫn nhau[1] giữa các loại bất bình đẳng được tăng cường. Tại Mỹ, những người Mỹ gốc châu Phi trong những nhóm bị thiệt thòi nhất có tỷ lệ cao hơn mức trung bình chung trong dân số, số tử vong đã lên đến 23% các trường hợp tử vong vì Covid, trong khi họ chỉ chiếm 13% dân số.

Bình đẳng giới thụt lùi: như một nghiên cứu của McKinsey[2] nhấn mạnh, phụ nữ đặc biệt chịu áp lực của người sử dụng lao động, được biu hiện bằng rất nhiều dấu hiệu, chẳng hạn như họ bị thúc giục phải luôn luôn để một “ánh sáng màu xanh lá cây” trên máy tính của họ. Trong một số trường hợp, Covid đã buộc họ phải dành thêm ba giờ mỗi ngày cho con cái và công việc nhà: trung bình thời gian này cao gấp 1,5 lần thời gian của nam giới. Những phụ nữ da màu lại bị tác động một cách không tương xứng: những bà mẹ da đen phải đảm nhận tất cả công việc nhà và nuôi dạy con cao gấp đôi phụ nữ da trắng.

Bất bình đẳng cũng lộ ra trong thời kỳ phục hồi: Vào tháng hai năm 2021, tỷ lệ sử dụng những lao động có mức lương tốt nhất đã vượt cao hơn mức tháng hai năm 2020, trong khi đối với những lao động ăn lương ở bậc thấp nhất, tỷ lệ này lại thấp hơn 12% của tháng hai năm 2020. Trong một số lĩnh vực, thất nghiệp có nguy cơ tăng cao trong một thời gian dài, điều này có thể làm tăng thêm bất bình đẳng trong tiếp cận việc làm một mặt giữa những lao động có hợp đồng vô thời hạn (CDI: contrat à durée indéterminée) và các công chức chính phủ, và mặt khác với những loại hợp đồng lao động khác. Từ đó, ta thấy tầm quan trọng của bảo hiểm xã hội có hiệu năng cao, và đặc biệt là của an toàn xã hội mà thu nhập cơ bản phổ quát cung ứng được.

Điều này lại càng quan trọng vì về phương diện lịch sử, các thảm họa, với bất kỳ tính chất gì, đều giáng xuống những người nghèo khổ nhất trước tiên, những người mà về căn bản không có kế hoạch B (giải pháp thay thế).

Cuối cùng, việc giữ trẻ là một bất bình đẳng nữa: trong khi việc này không còn cần thiết khi cha mẹ làm việc tại nhà, nó có thể gây ra những thế lưỡng nan không thể vượt qua đối với những lao động trình độ thấp hơn vốn đã phơi nhiễm quá mức ở nơi làm việc của họ. Thật là bi đát, một bà mẹ đơn thân không thể gửi con có thể đi đến chỗ bị mất việc và tình trạng xuống cấp theo vòng xoắn ốc.

Nghèo khó gia tăng. Một báo cáo chính thức của Pháp cho thấy 12% những người được tiếp nhận vào các ngân hàng thực phẩm từ tháng 9 đến tháng 11 là những khuôn mặt mới. Những nguyên nhân chính khiến họ phải tìm đến ngân hàng thực phẩm là mất việc, bệnh tật và vợ chồng chia tay, đại dịch đã đè nặng lên nhiều nhân tố.

Cân bằng cuộc sống và công việc

Những bất bình đẳng mới

Nhưng cách ly cũng đã đưa đến những loại bất bình đẳng mới, chúng có thể trùng hợp với những bất bình đẳng hiện hữu và tăng lên gấp bội.

Trước hết, có sự khác nhau về an toàn y tế giữa những người có thể sử dụng những tiện lợi của việc làm từ xa và những người bị bắt buộc phải có mặt ở nơi làm việc khiến họ dễ bị phơi nhiễm virus hơn. Theo INSEE (Institut national de la statistique et des études économiques – Viện quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế Pháp), vào cuối tháng 3 năm 2020, một phần ba số lao động ăn lương tại Pháp làm việc ở cơ quan/công ty, một phần ba làm việc từ xa và một phần ba bị thất nghiệp từng phần. Vì “những lao động thiết yếu” thường là những người có mức lương khiêm tốn, tình trạng này tạo ra hiệu ứng của một hình phạt kép – ví dụ, người “lao động thiết yếu” của nước Anh có mức lương thấp hơn 8% mức lương trung bình trong toàn Vương Quốc Anh. Những khu vực mà những lao động này cư trú đã có một mức tử vong cao vì Covid so với phần còn lại của dân cư: ở Toronto nó cao gấp đôi mức tử vong ở những khu vực khá giả. Và một vài thành phần nghể nghiệp-xã hội đã bị thiệt mạng đặc biệt nhiều: những người làm bánh mì ở California có mức tử vong tăng đột biến, tăng hơn 50% vào cuối năm 2020.

Một bất bình đẳng khác, việc áp dụng kém những quy định về cách ly trong một số vùng, ở đó uy quyền của chính phủ vốn yếu kém và thường bị thiệt thòi về kinh tế. Việc sống chung đụng trong những căn hộ nhỏ và không thích hợp với việc làm từ xa hay với hoạt động thể thao kiểm chứng những hạn chế của nhiều gia đình.

Trong khủng hoảng coronavirus, không được tiếp cận với internet có thể tạo ra những rào cản khó vượt qua đối với nhiều gia đình. Tại Mỹ, người ta ước lượng có một phần ba dân số không được tiếp cận với internet ngoài việc sử dụng điện thoại di động, và một báo cáo chính thức của National Association of Counties đã xác định rằng 65% các hạt (quận) của nước Mỹ không cung cấp đường truyền tốc độ cao và 50% số hạt không có ngay cả đường truyền với tốc độ tối thiểu hợp pháp. Cũng có hiện tượng “mù tin học”, theo INSEE, tại Pháp cứ sáu người thì có một người mù tin học. Nói rộng ra, 38% số người sử dụng thiếu ít nhất một năng lực về kỹ thuật số cơ bản.

Một nhân tố tăng nặng thêm, sự yếu kém về kỹ thuật số này tương ứng rõ rệt với phần lớn những bất bình đẳng hiện hữu lâu nay. Liên Hiệp Quốc đã đưa sự tiếp cận với kỹ thuật số thành một quyền cơ bản, nhưng còn phải làm nhiều việc nữa để bảo đảm bình đẳng kỹ thuật số thực sự. Đáng chú ý là bằng cách gia tăng độ phủ của các mạng, tạo thuận lợi cho việc học và điều chỉnh cước phí.

Những khác biệt của các số phận

Đối với với trẻ em và thanh niên, những bất bình đẳng này vốn in dấu ấn và gia tăng gấp bội có thể có một hiệu ứng cấu trúc trong dài hạn. Đó là một điểm quan trọng không thể xem nhẹ.

Antonio de Lecea
Yann Coatanlem

Không có internet thì hầu như không thể tiếp tục việc học, và ngay cả tiếp cận được nhưng với tốc độ thấp cũng làm cho việc theo dõi bài học trở nên khó khăn. Mặt khác, chỉ có những gia đình mà cha mẹ có trình độ học vấn cao (thường là những gia đình khá giả) mới có điều kiện đồng hành với việc học của con cái họ. Như vậy, cách ly có thể gây ra một sự tái tạo xã hội mạnh mẽ hơn, với những hiện tượng bỏ học đáng lo ngại. Tuy nhiên, ngay cả những sinh viên có nhiều bằng cấp nhất cũng không tránh khỏi việc bỏ học. Tại Pháp, một cuộc điều tra chung của các tổ chức Hội các trường trọng điểm (Conférence des grandes écoles), BCG (Baccalauréat général) và công ty Ipsos đối với 138 trường trọng điểm và hơn 2000 sinh viên đã làm nổi bật một điều là gần hai phần ba sinh viên tin chắc nên bỏ học và nghĩ rằng phải hài lòng với một công việc không như kỳ vọng, 71% có “cảm tưởng thuộc về một thế hệ bị hy sinh nhân danh an toàn y tế”. Đối với 83% số sinh viên, chất lượng đào tạo đã bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng. Sự rạn nứt của Covid xuyên thấu qua cả tầng lớp tinh hoa.

Bài báo do Richard Robert chấp bút

Người dich: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Comment la crise du Covid-19 a fortement aggravé les inegalités sociales”, Polytechnique Insights, 9.02.2022.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF