SHELL, BP VÀ EXXONMOBIL ĐÃ KINH DOANH Ở NGA TRONG NHIỀU THẬP KỶ - ĐÂY LÀ LÝ DO TẠI SAO GIỜ ĐÂY HỌ RỜI ĐI
Đăng ngày 3 tháng 3 năm 2022, 8 giờ 26 phút sáng giờ EST
Những ống bơm tại một trạm tiếp nhiên liệu của Shell ở Tatarstan, Nga,
ngày 20 tháng 11 năm 2017. Yegor Aleyev\TASS qua Getty Images
Để phản ứng với việc Nga xâm lược Ukraine, công ty năng lượng khổng lồ BP của Anh đã thông báo vào ngày 27 tháng 2 năm 2022, rằng họ sẽ bán gần 20% quyền sở hữu của mình trong công ty năng lượng khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước của Nga, Rosneft. Đối thủ của BP, Shell, cũng đang rút tất cả các hoạt động của mình tại Nga, công ty năng lượng khổng lồ ExxonMobil của Mỹ và công ty do nhà nước kiểm soát của Na Uy, Equinor, cũng vậy.
Những cuộc chia ly này sẽ không hề rẻ. Cổ phần của BP tại Rosneft trị giá 14 tỷ đô la Mỹ. Trong các dự án khác nhau, Shell có tài sản khoảng 3 tỷ đô la Mỹ tại Nga. ExxonMobil có hơn 1.000 nhân viên và hơn 4 tỷ đô la Mỹ tài sản ở đó. Việc rút lui sẽ giáng những cú đánh mạnh mẽ về mặt tài chính lên tất cả các công ty này.
Các công ty năng lượng phương Tây đã đầu tư và hoạt động tại Nga trong một thời gian dài - hơn 30 năm đối với BP và hơn 25 năm đối với ExxonMobil. Họ đã quen với việc quản lý các rủi ro chính trị quốc tế.
Theo quan điểm của tôi, việc Nga xâm lược Ukraine đã thay đổi hoàn toàn cách phân tích chi phí - lợi ích của các công ty năng lượng phương Tây khi kinh doanh ở Nga. Tôi đã nghiên cứu các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty đa quốc gia vào các thị trường mới nổi trong hơn hai thập kỷ và theo dõi sát sao các khoản đầu tư của các công ty năng lượng phương Tây vào Nga. Tôi dự kiến rằng các công ty dầu mỏ phương Tây khác, chẳng hạn như công ty TotalEnergies của Pháp, cũng có khả năng rút khỏi Nga, và có thể mất nhiều năm để các công ty này tái gia nhập nơi đó.
Giám đốc điều hành của BP, Bob Dudley
(trái), bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin trong diễn đàn Tuần lễ Năng lượng
Nga ở Moscow vào ngày 2 tháng 10 năm 2019. Mikhail Svetlov/Getty Images
Rủi ro lớn, phần thưởng lớn
Đầu tư nước ngoài vào Nga chưa bao giờ là dễ dàng. Ví dụ, vào năm 2003, BP và một liên hiệp các nhà tài phiệt Nga đã thành lập liên doanh TNK-BP, trở thành một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất ở Nga. Tuy nhiên, các tranh chấp đã xảy ra sau đó liên quan đến quyền lãnh đạo, các hoạt động và sự mở rộng quốc tế của liên doanh.
Tình hình trở nên tồi tệ đến mức Bob Dudley, khi đó là người đứng đầu TNK-BP và sau này là giám đốc điều hành của BP, bị buộc phải bỏ chạy khỏi Nga vào năm 2008. Để giải quyết các tranh chấp, BP đã bán 50% vốn cổ phần của mình tại TNK-BP cho Rosneft vào năm 2013 với giá là 12,5 tỷ đô la Mỹ tiền mặt và gần 20% cổ phần trong Rosneft.
Đầu những năm 1990, Shell đã tham gia vào dự án Sakhalin-2 nhằm phát triển trữ lượng khí đốt tự nhiên ở vùng Viễn Đông của Nga, và xây dựng cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng đầu tiên của Nga tại đây. Khi dự án gần hoàn thành vào năm 2006, với chi phí hơn 20 tỷ đô la Mỹ, Shell và các đối tác Nhật Bản của họ buộc phải bán 50% cổ phần cho công ty khí đốt tự nhiên khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước của Nga, Gazprom, với giá 7,45 tỷ đô la Mỹ bởi vì chính phủ của Putin không hài lòng với các điều khoản dễ dàng do chính quyền Yeltsin đã đưa ra trước đó.
Trong những cuộc khủng hoảng như thế này, các công ty năng lượng phương Tây đã cân đo đong đếm những lợi ích tiềm năng với các chi phí hoạt động ở Nga và kết luận rằng việc ở lại là đáng giá. Thật dễ hiểu tại sao: Nga nắm giữ 24% tổng trữ lượng khí đốt tự nhiên của thế giới. Quốc gia này có mạng lưới đường ống toàn diện ở phía tây để vận chuyển khí đốt tự nhiên đến các quốc gia châu Âu và trữ lượng lớn [khí đốt tự nhiên] ở phía đông, gần với một số thị trường thèm khát năng lượng nhất thế giới, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trong nhiều năm, các công ty năng lượng phương Tây coi việc thỏa hiệp với chính phủ Nga là một phần của chi phí kinh doanh ở đó. Miễn là lợi nhuận dự kiến vượt qua các chi phí, họ vẫn ở lại.
Các công ty dầu mỏ không phải là những doanh nghiệp duy nhất cắt đứt những mối ràng buộc với Nga để phản ứng với cuộc xâm lược Ukraine.
Danh tiếng là quan trọng
Việc Nga xâm lược Ukraine đã làm thay đổi những tính toán đó. Giờ đây, các giám đốc điều hành tại các công ty dầu mỏ lớn cần đánh giá những thiệt hại có thể xảy ra trên phạm vi rộng hơn đối với danh tiếng công ty của họ và những mối quan hệ với chính phủ các nước sở tại, các cổ đông và các nhóm lợi ích khác nếu họ ở lại Nga. Không giống như những tranh cãi trong ngành năng lượng, việc xâm lược một quốc gia độc lập có chủ quyền là một biến cố thu hút quá nhiều sự chú ý đến nỗi các công ty khó có thể lờ đi.
Bernard Looney (1970-) |
Igor Sechin (1960-) |
Nghiên cứu hàn lâm cho thấy có một mối tương quan thuận giữa các hành vi có trách nhiệm xã hội của các công ty và hiệu quả tài chính. Nói một cách đơn giản, các công ty làm điều tốt có xu hướng đạt được kết quả tốt về mặt tài chính. Cuộc xâm lược Ukraine thể hiện một sự thay đổi quan trọng trong môi trường kinh doanh của Nga. Như Giám đốc điều hành của BP, Bernard Looney, đã tuyên bố vào ngày 26 tháng 2, tình huống đang bày ra ở Ukraine “đã khiến chúng tôi về cơ bản suy nghĩ lại lập trường của BP với Rosneft.”
Cụ thể, các công ty năng lượng phương Tây mà hợp tác với chính phủ Nga giờ đây có thể bị coi là đang làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của chính phủ của họ và giúp tài trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Nga sở hữu 40% [cổ phần của] đối tác Nga của BP, Rosneft; Giám đốc điều hành và chủ tịch hội đồng quản trị của công ty, Igor Sechin, là cựu phó thủ tướng Nga và là đồng minh thân cận của Putin. Đối tác chính của Shell tại Nga là Gazprom, công ty khí đốt tự nhiên khổng lồ do nhà nước điều hành.
Để duy trì danh tiếng công ty và mối quan hệ với các nhóm lợi ích chính, BP, Shell, Equinor và ExxonMobil rõ ràng đã quyết định rằng điều quan trọng là phải cắt đứt những mối ràng buộc của họ ở Nga hoàn toàn, ngay lập tức và công khai. Các giám đốc điều hành hiện tại và trước đây của BP đã từ chức khỏi hội đồng quản trị của Rosneft vào ngày 27 tháng 2, ba ngày sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, “với hiệu lực ngay tức thì.”
Italy’s Eni will end a decades-long pipeline joint venture with Gazprom, as the company joins other oil majors in moving to isolate Russia over its invasion of Ukraine https://t.co/LFQRrHPbzy
— Bloomberg (@business) March 2, 2022
Trong khi thế giới phương Tây đang áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và thống nhất đối với Nga trong các lĩnh vực từ tài chính đến hàng không, các chính phủ phương Tây đã tránh trừng phạt xuất khẩu năng lượng từ Nga, tìm cách bảo vệ công dân của họ khỏi việc giá cả tăng đột biến. Tuy nhiên, nếu các công ty năng lượng phương Tây vẫn ở lại Nga và tiếp tục hợp tác với các công ty thuộc sở hữu nhà nước của Nga, họ có thể bị coi là làm suy yếu phản ứng của phương Tây. Thật vậy, quyết định rút lui của BP theo các nguồn tin là chịu áp lực từ chính phủ Anh.
Đối với các tài sản tài chính của các công ty này ở Nga, không công ty nào trong số này có nhiều người mua có tiềm năng và có khả năng trụ vững. Các công ty Nga, đối mặt với các biện pháp trừng phạt, không có đủ nguồn lực để mua tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài, và các công ty năng lượng phương Tây khác thì không có khả năng để theo đuổi chúng. Các nhà đầu tư tiềm năng duy nhất là các công ty có vốn tư nhân ít phải đối mặt với sự giám sát hơn các công ty giao dịch công khai, hoặc các công ty từ các quốc gia không liên quan đến những biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Lĩnh vực năng lượng của Nga phụ thuộc nhiều vào công nghệ của các công ty phương Tây, đặc biệt là đối với các dự án dầu mỏ khó thu hồi và các dự án xa bờ. BP, Shell và ExxonMobil sẽ để lại những khoảng trống công nghệ đáng kể mà những người mới gia nhập khó có thể lấp đầy.
Yan Anthea Zhang |
Các nhà lãnh đạo công ty đã quen với việc đưa ra các quyết định chiến lược cấp cao đòi hỏi phải cân đo đong đếm giữa chi phí và lợi ích. Điều đã làm thay đổi cách tính toán của các công ty năng lượng phương Tây là thiệt hại tiềm tàng lớn đối với danh tiếng của các công ty và mối quan hệ với các nhóm lợi ích khác nhau nếu họ ở lại Nga. Rõ ràng, các nhà điều hành không thể giới hạn việc tính toán lợi ích-chi phí trong các khoản đầu tư cụ thể. Danh tiếng toàn bộ công ty của họ có thể trị giá hàng tỷ đô la.
Về tác giả
Giáo sư Quản lý Chiến lược, Trường Cao học Kinh doanh Jones tại Đại học Rice
Tuyên bố công khai
Yan Anthea Zhang có liên kết với Hiệp hội Quản lý Chiến lược và Học viện Quản lý.
Nguyễn Thị Thanh Trúc dịch
Nguồn: Shell, BP and ExxonMobil have done business in Russia for decades – here’s why they’re leaving now, The Conversation, ngày 03 tháng 03 năm 2022