13.3.22

Khởi đầu của một sự toàn cầu hoá mới

KHỞI ĐẦU CỦA MỘT SỰ TOÀN CẦU HÓA MỚI

Branko Milanovic

Branko Milanovic viết, lần này, chính lao động – chứ không phải tư bản - sẽ được toàn cầu hóa.

Hội nghị trực tuyến ở Madhya Pradesh (Neeraz Chaturvedi / shutterstock.com)

Sự toàn cầu hóa, như chúng ta đã biết - cho đến khi đại dịch xảy ra - là không đối xứng. Tư bản có thể di chuyển gần như liên tục, trong khi người lao động thường được tập trung tại các quốc gia nơi họ sinh sống.

Tính lưu động tăng lên của tư bản, so với những thập kỷ sau chiến tranh và trước giai đoạn này của sự toàn cầu hóa, đã trở nên khả dĩ nhờ những cải tiến trong công nghệ ngân hàng và các quy tắc linh hoạt hơn rất nhiều về việc chuyển tư bản ra nước ngoài (‘mở các tài khoản vốn’). Nhưng có lẽ quan trọng nhất là kỳ vọng rằng người ta có thể đầu tư vào những địa điểm ở rất xa mà không có rủi ro đáng kể về việc tài sản sẽ bị trưng thu hoặc bị quốc hữu hóa.

Sự toàn cầu hóa mới đang thành hình cũng có vẻ không đối xứng, nhưng đó chính xác là đảo ngược của sự toàn cầu hóa cũ. Lao động sẽ ngày càng trở nên có tính toàn cầu, trong khi những sự di chuyển của tư bản sẽ bị phân tán. Việc này đã xảy ra như thế nào?

Làm việc từ xa

Sự toàn cầu hóa về lao động sẽ đạt được thông qua làm việc từ xa. Mặc dù công nghệ cần phải có đã tồn tại trước đại dịch, nhưng Covid-19 đã tạo cơ hội cho một sự chuyển biến có tính quyết định hướng đến việc sử dụng công nghệ này thường xuyên hơn. Các công ty và những người lao động phát hiện ra rằng những công việc mà trước đây được cho là bắt buộc phải có sự hiện diện bằng xương bằng thịt có thể được thực hiện tại nhà — hoặc, điều đó cũng đúng với, hầu như ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Điều này khiến nhiều người không chỉ bắt đầu làm việc tại nhà mà còn chuyển đến những nơi khác và rẻ hơn, trong khi vẫn tiếp tục được trả lương theo mức cũ — ví dụ, trả tiền thuê nhà thấp hơn nhiều ở San Antonio, Texas trong khi vẫn giữ mức lương ở New York. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một sự tách biệt như vậy giữa công việc và sự hiện diện bằng xương bằng thịt của người lao động có thể được thực hiện.

Tuy nhiên, xu hướng này không cần phải dừng lại ở biên giới của các quốc gia. Nó có thể, và đã, lan rộng ra bên ngoài [biên giới]: đơn giản là không có lý do gì một công ty tiếp tục thuê lao động Hoa Kỳ với mức (giả sử) 50 đô la hay 100 đô la một giờ trong khi công việc tương tự có thể được thực hiện ở Ấn Độ hoặc nơi khác với giá 10 đô la hay 20 đô la. Thật vậy, người lao động mới (Ấn Độ) có thể sung túc hơn với mức lương thấp hơn nhiều so với người lao động Hoa Kỳ ở mức lương cũ, cao hơn về mặt danh nghĩa của anh ta, đơn giản bởi vì giá cả ở Ấn Độ thấp hơn.

Nhờ sự ‘đánh đổi’ các giá không tương đồng này, giai cấp tư bản Hoa Kỳ thu được lợi thông qua việc trả mức lương thấp hơn bằng đồng đô la, trong khi giai cấp công nhân quốc tế thu được lợi thông qua việc cải thiện mức sống của mình. Đó là một tình huống đôi bên cùng có lợi |win-win| - tất nhiên, ngoại trừ lao động của các nước giàu.

Những lý do địa chính trị

Trái lại, sự toàn cầu hóa về tư bản sẽ đi theo chiều ngược lại. Ở đây, những lý do thuộc về địa chính trị — mặc dù ở một chừng mực nào đó cũng thuộc về tài chính, bởi vì việc áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% khiến việc tránh thuế thông qua kế toán có chọn lọc kém hấp dẫn hơn.

Địa chính trị lo ngại những căng thẳng và xung đột đang gia tăng giữa Hoa Kỳ với Nga và Trung Quốc. Cho dù kết quả của cuộc đối đầu với Ukraine (tại thời điểm này là hoàn toàn không thể dự đoán được) là như thế nào, Nga sẽ phải gánh chịu - cho dù là tuần tới hay năm sau - các biện pháp trừng phạt toàn diện về tài chính và thương mại. Điều này về cơ bản sẽ cắt một mảnh của nền kinh tế thế giới ra khỏi sự toàn cầu hóa tài chính.

Thật vậy, Nga không phải là một mảnh khổng lồ: tổng sản phẩm quốc nội của nước này chiếm khoảng 3% GDP toàn cầu (tính theo sức mua tương đương), xuất khẩu của nước này chỉ chiếm hơn 2% tổng sản phẩm thế giới. Nhưng thông điệp là rõ ràng, đặc biệt nếu được xem xét dựa trên các biện pháp trừng phạt tương tự của Hoa Kỳ được áp đặt chống lại Iran, Venezuela, Cuba, Myanmar, Nicaragua, v.v. - hơn 20 quốc gia hiện đang bị nhắm đến theo cách này hay cách khác.

Như danh sách trên đã chỉ ra, các biện pháp trừng phạt này cực kỳ khó bị đảo chiều. Không ai có thể mua một điếu xì gà Cuba ở Hoa Kỳ. Sự cấm vận đến nay đã hơn 60 năm và mặc cho một nỗ lực khiêm tốn dưới thời Tổng thống Barack Obama, chẳng có gì thay đổi cả. Trên thực tế, chính quyền của Donald Trump đã đảo ngược một số quyết định trước đó và đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt mới. Đó là kịch bản tương tự khi nói đến Venezuela, Syria và Iran.

Các biện pháp trừng phạt cố định

Mikhail Gorbachev (1931-)

Sự cố định của các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ có thể được minh họa rõ nhất bằng bản sửa đổi Jackson-Vanik, nhắm đến hoạt động thương mại của Liên Xô để đối phó với việc người Do Thái ở Liên Xô không thể di cư đến Israel. Bản sửa đổi được đưa ra vào năm 1974 khi việc di cư khỏi Liên bang Xô Viết (để nói cho dễ hiểu) là rất khó khăn. Nhưng sau một quá trình tự do hóa dưới sự lãnh đạo theo chủ nghĩa cải cách của Mikhail Gorbachev vào những năm 1980, sau đó là sự tan rã của Liên bang Xô Viết, ước tính có khoảng 2-3 triệu người Do Thái rời khỏi Liên Xô hay sau đó là Liên bang Nga để đến Israel hoặc các quốc gia khác.

Tuy nhiên, bản sửa đổi vẫn còn là luật thành văn, việc không áp dụng nó tùy thuộc vào sự xác minh hàng năm của chính quyền Hoa Kỳ rằng Nga không vi phạm. Thật khó để tưởng tượng một tình huống phi lý hơn. Đến cuối cùng, Jackson-Vanik đã bị bãi bỏ—nhưng chỉ để được thay thế bằng Đạo luật Magnitsky, có các mục tiêu giống như vậy, ngay cả khi lý do căn bản (cái chết trong tù của một luật sư thuế được lấy tên đặt cho đạo luật này, điều tra một vụ gian lận lớn liên quan đến các quan chức ngành thuế của Nga) là khác nhau.

Việc gần đây Hoa Kỳ thu giữ các tài sản của chính phủ Afghanistan - với một nửa số tài sản của họ để bồi thường cho các gia đình nạn nhân của vụ ‘11/9’ – có dấu hiệu của xu hướng này. Vì vậy, có suy đoán rằng, trong vòng tiếp theo của các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, tài sản của các nhà tài phiệt được coi là thân cận với tổng thống, Vladimir Putin, sẽ bị đóng băng hoặc bị trưng thu. Những điều này báo hiệu cho bất kỳ công ty nào có nguồn gốc từ một quốc gia mà, ở một thời điểm nào đó, có thể nằm trong tầm ngắm của Washington, rằng họ nên suy nghĩ kỹ về việc giữ lại tài sản ở Hoa Kỳ.

Điều này áp dụng với nguồn lực nhất định đối với Trung Quốc. Bằng bất kỳ phép ngoại suy hợp lý nào, mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu hơn, tài sản của các công ty nhà nước Trung Quốc, cũng như của các cá nhân ‘thân cận’ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (có thể là bất kỳ ai), sẽ bị bóc trần mạnh mẽ. Trung Quốc nắm giữ hơn 1 nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ. Chúng có thể trở thành rất nhiều mảnh giấy vô giá trị.

Số phận tương tự có thể xảy ra với (giả sử) các công ty ở Nigeria (do mối quan hệ có vấn đề giữa nền dân chủ và quân đội) hoặc Ethiopia (các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt do cuộc nội chiến với các lực lượng tự trị Tigrayan). Danh sách các lý do khả dĩ để đóng băng tài sản là vô tận: các cuộc nội chiến, buôn bán ma túy, những quy định ngân hàng lỏng lẻo, các hệ thống chính trị khác nhau, những vi phạm về nhân quyền, cáo buộc diệt chủng, v.v..

Chính trị hóa sâu sắc

Nếu có đủ các nhà tư bản đi đến cùng một kết luận về sự thiếu an toàn của tài sản của họ, họ sẽ cố gắng ‘neo đậu’ nó ở những nơi mà các quyết định chính trị ít có khả năng thâm nhập hơn. Điều này có thể muốn nói đến Singapore, Bombay hoặc những nơi khác ở Châu Á. Người ta có thể hình dung ra tình thế tiến thoái lưỡng nan của các doanh nhân Hng Kông giàu có, những người có thể bị chính quyền Trung Quốc trưng thu tài sản hoặc, nếu họ xoay sở để di chuyển tài sản của mình sang Hoa Kỳ thì bị các thế lực Hoa Kỳ trưng thu vì không đủ gần với CPC hoặc… quá gần.

Sự chính trị hóa sâu sắc của việc cưỡng chế tài chính chắc chắn sẽ đem đến sự phân tán trong quá trình di chuyển của tư bản. Trong khi các nhà tài phiệt trong quá khứ đã chạy sang Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, dường như tin tưởng một cách chính xác rằng bất kể của cải của họ được tạo ra như thế nào thì nó cũng sẽ được hoan nghênh ở phương Tây, thì giờ đây họ có thể chạy sang nơi nào đó khác — và làm như vậy vô tình sinh ra một thế giới tài chính đa cực hơn.

Branko Milanovic (1953-)

BRANKO MILANOVIC

Branko Milanovic là một nhà kinh tế học người Mỹ gốc Serbia. Là một chuyên gia về phát triển và bất bình đẳng, ông đang giữ vị trí giáo sư chủ tịch tại Trung tâm Sau đại học của Đại học Thành phố New York (Graduate Center of City University of New York - CUNY) và là một học giả liên kết cấp cao tại Nghiên cứu Thu nhập Luxembourg (Luxembourg Income Study - LIS). Ông trước đây là nhà kinh tế học hàng đầu trong bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới.

Nguyễn Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: The beginning of a new globalisation, Social Europe, ngày 21 tháng 02 năm 2022

Print Friendly and PDF