8.3.22

Thời kì giữa hai cuộc chiến tranh nào?

THỜI KỲ GIỮA HAI CUỘC CHIẾN TRANH NÀO?

Bruno Latour[*]

Bruno Latour (1947-)

Bị cuộc chiến ở Ukraine che khuất, báo cáo mới nhất của GIEC (Groupe d'experts intergouvernemental sur l'évolution du climat/Nhóm Chuyên Gia liên Chính Phủ về sự Tiến Hóa của Khí Hậu) nhấn mạnh tính không thể khắc phục của các tác động của biến đổi khí hậu. Nếu ngày nay Putin giáng một phát súng cảnh báo chưa từng có đối với lý tưởng hòa bình xuất hiện từ năm 1945, thì trật tự thế giới hành tinh sẽ có những biến động nào do biến đổi khí hậu? Ngoài sự tương đồng giữa hai bi kịch đồng thời này, vấn đề không phải là xếp hạng chúng mà cố gắng nối kết chúng.

Tôi không nghĩ mình là người duy nhất lo âu, mà còn lo âu gấp đôi. Đó là cảm giác của tôi kể từ khi tôi đọc cùng một lúc tin tức về cuộc chiến ở Ukraine và báo cáo mới của GIEC về đột biến khí hậu. Tôi không thể chọn một trong hai bi kịch này. Thật vô ích khi đối lập bi kịch thứ nhất với bi kịch thứ hai, kể cả việc sắp xếp thứ hạng của chúng, làm như bi kịch này thì khẩn cấp hơn còn bi kịch kia thì thảm khốc hơn. Cả hai đều đập hoàn toàn vào tôi cùng một lúc.

Điểm chung của chúng là cả hai đều thực sự thuộc lĩnh vực địa chính trị. Ngay cả khi điều này không phải là chiếm giữ cùng những vùng đất.

Cuộc chiến của Putin diễn ra trên bàn cờ của các cường quốc và khẳng định chiếm một vùng đất mà không cần có bất kỳ lý do biện minh nào khác ngoài niềm vui của một đế vương. Đúng là theo kiểu cách xưa. Nhưng còn thiếu một điều là, kể từ năm 1945, đối với các vụ chiếm đất này (điều mà tiếng Anh gọi một cách thô bạo là sự chiếm đoạt đất/landgrab) cần phải có một loại biện minh, một sự ủy nhiệm từ Liên Hợp Quốc, có thể chỉ là một mãnh giấy thôi, nhưng vẫn cung cấp được một bề ngoài về tính hợp pháp.

Bi kịch kia không diễn ra trên bàn cờ truyền thống này. Có những các vụ chiếm đất đai, nhưng đúng hơn là Trái đất đang siết chặt gọng kìm của mình đối với tất cả các quốc gia. Đúng là có nhiều cường quốc, nhưng chúng đều đang trong quá trình xâm lược các nước khác bằng cách đổ vào những nước này sự ô nhiễm, CO2, chất thải của chúng, đến nỗi mỗi bên đều là xâm lược và bị xâm lược, mà không giữ được cuộc chiến của chúng trong phạm vi biên giới của các Quốc gia – Dân tộc. Về việc chuyển dịch của một quốc gia này sang các quốc gia khác, báo cáo của GIEC gây choáng ngợp: các cường quốc chiếm đóng các quốc gia khác, chắc chắn như Nga đang tìm cách tiêu diệt Ukraine. Không bằng tên lửa và xe tăng, đúng vậy, nhưng theo diễn biến bình thường của nền kinh tế của chúng. Hai bi kịch này thực sự xảy ra cùng lúc.

Nếu chúng dường như không khơi dậy những cảm xúc của tôi theo cùng một cách, đó là bởi vì tôi có cả một bộ thái độ và cảm xúc để phản ứng, một cách đáng tiếc, trước sự khủng khiếp của cuộc chiến ở Ukraine và vì tôi thì không (chưa) có những thói quen đáng buồn này để phản ứng lại vô số những sự hủy diệt của các cường quốc trong cuộc chiến tranh với các vùng đất mà họ xâm chiếm – những vùng đất, tuy vậy, vẫn bao vây những cường quốc một cách chặt chẽ hơn, càng siết chặt vòng vây. Mỗi người đều đã xem hàng trăm bộ phim chiến tranh, nhưng có bao nhiêu bộ phim “khí hậu”?

Trong cả hai trường hợp, vấn đề được đặt ra đúng là chiến tranh, theo nghĩa chính xác, là không có nguyên tắc tối cao chung, không có trọng tài tối cao, để phân xử các cuộc xung đột. Không còn nguyên tắc, trọng tài nào để kiềm chế nước Nga; và cũng vẫn chưa có để kiềm chế khí hậu. Quyết định bây giờ chỉ phụ thuộc vào kết quả của các cuộc xung đột.

Tôi thấy Putin giáng đòn cuối cùng vào trật tự xuất hiện từ cuộc chiến tranh “thế giới” vừa qua, nhưng tôi không thấy trật tự nào nổi lên có khả năng thoát khỏi cuộc chiến tranh “hành tinh” được GIEC báo cáo.

Một số nhà báo đã đưa ra giả thuyết rằng cuộc chiến của Putin đánh dấu sự kết thúc của một dấu ngoặc mà họ gọi là “thời kỳ giữa hai cuộc chiến” mới. Họ gợi ý rằng, từ tháng 2 năm 2022, thời kỳ giữa hai cuộc chiến đã kết thúc, một thời kỳ bắt đầu vào năm 1945, với sự thành lập của Liên hợp quốc và ý tưởng về hòa bình. Tất nhiên, đó là hòa bình ảo, một dự án bỏ qua vô số xung đột, nhưng vẫn buộc những kẻ đế quốc phải có được một chứng chỉ đức hạnh từ tổ chức Liên hợp quốc vô cùng yếu ớt.

Nhưng Putin, tổng thống của một quốc gia sáng lập ra thể chế đáng kính này, thậm chí còn không cố gắng đạt được một sự ủy nhiệm để xâm lược Ukraine (mà sự tồn tại bị ông phủ nhận, điều đã cho phép ông giết những người mà, một cách kì lạ, ông gọi là anh em của mình). Và Trung Quốc nghiêm trọng tán thành điều đó. Đó là sự kết thúc của thời kỳ giữa hai cuộc chiến đã kéo dài 77 năm. Nếu tôi khiếp sợ như vậy, đó là bởi vì tôi đã 75 tuổi, và cuộc sống của tôi do đó hoàn toàn nằm trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến này. Ảo tưởng lâu dài này về những điều kiện về một nền hòa bình vĩnh viễn... với tất cả thế hệ của tôi, lẽ nào tôi đã sống trong một giấc mơ?

Ba thế hệ để quên đi nỗi kinh hoàng của Chiến tranh thế giới thứ hai (tôi bắt đầu không còn biết đánh số thứ tự của các cuộc xung đột nữa), rốt cuộc có lẽ cũng không đến nỗi tệ. Cuộc chiến trước đó, cuộc chiến của cha mẹ tôi, chỉ kéo dài 22 năm. Hiệu ứng của cuộc Đại chiến vẫn chưa đủ.

Nhưng bi kịch kia, tôi không thể đưa nó vào cùng một khung thời gian. Đối với tôi, ấn tượng về hòa bình đã tan vỡ ngay từ những năm 1980 khi những báo cáo đầu tiên không thể chối cãi về tình trạng của hành tinh bắt đầu bị phủ nhận một cách có hệ thống bởi những người sẽ trở thành những người hoài nghi khí hậu.

Nếu tôi phải chọn một thời điểm để thiết lập giới hạn của “thời kỳ giữa hai cuộc chiến” khác này, thì năm 1989 có thể là thích hợp. Sự sụp đổ của Liên Xô (được cho là thảm kịch sâu kín của Putin nếu muốn giải thích sự điên rồ của ông ta!) đánh dấu cả những ảo tưởng nhiều nhất về sự kết thúc của lịch sử và sự khởi đầu của thời kỳ lịch sử khác này, của cái địa lịch sử này, của chế độ khí hậu mới này, mà tôi chắc chắn, sẽ cộng thêm những xung đột của nó vào tất cả các xung đột khác, mà tôi không biết bằng cách nào để vẽ ra tiền tuyến của chúng. Thời kỳ giữa hai cuộc chiến này đã kéo dài 45 năm.

Đó có phải là quy luật lịch sử rằng một vài thập kỷ hòa bình tương đối phải trả giá bằng một cuộc xung đột kinh hoàng đến mức buộc tất cả các bên liên quan chính phải đi đến một thỏa thuận, trước khi sự lãng quên làm yếu đi tác dụng của nó? Nhưng nếu như vậy, chúng ta sẽ phải chịu đựng những xung đột nào nữa trước khi có thể một lần nữa nỗ lực xây dựng lại một lý tưởng hòa bình mới?

Tôi không biết phải làm thế nào để nối kết hai bi kịch lại với nhau. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, bi kịch khí hậu, trong báo cáo mới nhất của GIEC, thực sự bao trùm lên tất cả những bi kịch khác. Do đó, nó mang tính “toàn thế giới”, nhưng theo một nghĩa hoàn toàn khác của tính từ mà chúng ta ở châu Âu đã quen dùng với việc đánh số các cuộc chiến của chúng ta (những cuộc chiến của những người khác, ở xa, chúng ta thậm chí không đánh số chúng...). “Hành tinh” sẽ là một thuật ngữ tốt hơn.

Nhưng đó chính là trung tâm của nỗi đau khổ của tôi, tôi thấy Putin giáng đòn cuối cùng vào trật tự xuất hiện từ cuộc chiến tranh “thế giới” vừa qua, nhưng tôi không thấy trật tự nào nổi lên có khả năng thoát khỏi cuộc chiến tranh “hành tinh” được GIEC báo cáo. Chính ở đây phải tin tưởng vào thế giới, hành tinh, trái đất. Tin vào một quy luật khác của lịch sử, một lịch sử không thể nào không xảy ra - ôi làm sao tôi lại thiết tha với trạng từ này vậy - thông qua đó các cuộc xung đột hiện tại có thể, không, phải dẫn đến việc chuẩn bị cho trật tự hành tinh có thể nối tiếp trật tự thế giới, vốn bất lực như chúng ta thấy trong việc ngăn cản xe tăng Nga chiếm đóng Ukraine.

Nếu tôi thực sự tin vào điều đó, tôi đã không lo sợ như vậy; Nếu tôi không thực sự tin vào nó, tôi đã không viết dòng chữ này. Điều duy nhất mà tôi chắc chắn, hoàn toàn chắc chắn, là trong bất cứ tình huống nào, chúng ta không nên chọn giữa hai bi kịch này.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Quelles entre deux guerres?, AOC, 3.3.2022

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[*] Triết gia và nhà xã hội học. Giáo sư danh dự tai Medialab của Sciences Po

Print Friendly and PDF