25.3.22

Bọn trẻ có đúng không trong hoạt động vì khí hậu?

BỌN TRẺ CÓ ĐÚNG KHÔNG TRONG HOẠT ĐỘNG VÌ KHÍ HẬU?

Tác giả: DARON ACEMOGLU

Các nhà hoạt động trẻ dẫn đầu các cuộc đình công ở trường học và các cuộc biểu tình lớn trên khắp thế giới đã mang lại hiệu quả cao trong việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về biến đổi khí hậu. Nhưng nếu phong trào không muốn chỉ đơn thuần là một ánh chớp nhoáng như ngọn lửa rơm, thì cần phải áp dụng các mục tiêu chính sách thực tế mà công chúng rộng rãi hơn có thể ủng hộ.

CAMBRIDGE - Sự gia tăng phát thải khí nhà kính trong khí quyển đã khiến nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu tăng gần 1°C trong thế kỷ qua. Cộng đồng khoa học không nghi ngờ gì rằng những thay đổi này là hệ quả trực tiếp từ hoạt động của con người. Tuy nhiên, dường như ngày càng không có khả năng chúng ta có thể giảm phát thải khí nhà kính đủ để ngăn chặn và sau đó đảo ngược sự nóng lên toàn cầu.

Những cái giá phải trả cho thất bại này - mực nước biển dâng cao, dân chúng di dời hàng loạt, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm mới - được cho là sẽ rất thảm khốc, ngay cả khi không tính đến những “rủi ro đuôi”[1] thực sự là tai họa mà Martin Weitzman quá cố của Đại học Harvard đã xác định. Và phần lớn cái giá phải trả sẽ do giới trẻ ngày nay gánh chịu.

Martin Weitzman (1942-2019)

Trong những điều kiện này, liệu “cuộc đình công học đường vì khí hậu”, một phong trào quốc tế của sinh viên và các nhà hoạt động trẻ, có thể là giải pháp không? Có và không. Thế giới - đặc biệt là Hoa Kỳ - cần một hồi chuông cảnh tỉnh. Cảm giác thoải mái giả tạo của chúng ta — được khuyến khích bởi những câu chuyện giả dối về kỹ thuật khí hậu hoặc các giải pháp kỳ diệu về công nghệ — phải bị phá tan tành. Việc huy động các phản ứng mạnh mẽ trước những thách thức tập thể lớn luôn đòi hỏi sự tham gia bền vững của các công dân và xã hội dân sự.

Nhưng sự chuyển đổi xã hội cũng đòi hỏi những luật lệ, chuẩn mực và động cơ mới. Nếu không có luật pháp có ý nghĩa, các doanh nghiệp và cá nhân sẽ không thay đổi cách thức của họ. Và nếu không có sự xuất hiện của các chuẩn mực mới, doanh nghiệp sẽ luôn tìm cách lách luật mới. Do đó, luật pháp và các chuẩn mực phải hoạt động song song để thiết lập các động lực mới lâu dài.

Sự phẫn nộ của các nhà hoạt động khí hậu trẻ ngày nay có thể dẫn đến sự thay đổi trong các chuẩn mực toàn cầu. Nhưng làn sóng hoạt động hiện tại sẽ phải được chuyển thành một phong trào chính trị có tổ chức để cạnh tranh sức mạnh của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, có thể bằng cách sát nhập hoặc tiếp quản các đảng Xanh hiện có. Thách thức đối với các nhà hoạt động là nâng cao mối quan tâm về khí hậu lên trên tất cả các vấn đề khác, để mọi người sẽ ủng hộ các chính sách giảm phát thải khí nhà kính bất kể các ưu tiên khác của họ về kinh tế, xã hội và văn hóa. Chỉ khi đó, trọng tâm chính trị của vấn đề mới có thể chuyển đổi.

Trong tình hình hiện nay, điểm yếu lớn nhất của phong trào thanh niên hiện nay là thiếu một chương trình nghị sự chặt chẽ cho việc khử carbon trong sản xuất kinh tế. Trên thực tế, nhiều nhà hoạt động trẻ coi thị trường và tăng trưởng kinh tế là một phần của vấn đề. Vì ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch từ lâu đã vận dụng các nguyên tắc thị trường tự do khi vận động hành lang chống lại các quy định và thuế carbon.

Nhưng thị trường có thể là một vũ khí mạnh mẽ để chống lại biến đổi khí hậu. Trên thực tế, không có lý do gì để nghĩ rằng tăng trưởng kinh tế phải là một nạn nhân của biến đổi khí hậu. Việc đánh thuế carbon cao một cách thích hợp sẽ đặt ra một mức giá có thể đoán trước được đối với những thiệt hại mà các hoạt động kinh tế sử dụng nhiều carbon gây ra cho nhân loại, do đó khuyến khích các doanh nghiệp và hộ gia đình tránh xa các hoạt động thải ra carbon. Và bằng cách báo hiệu rằng carbon là một mối đe dọa lớn đối với môi trường, thuế sẽ phục vụ chức năng kép là khuyến khích thay đổi quy chuẩn.

Tuy nhiên, nếu thuế carbon có hiệu lực, nó sẽ cần phải được đặt cao hơn nhiều so với mức hiện hành ở nhiều quốc gia, dựa trên mức giá ngầm định là 30-50 USD cho mỗi tấn CO2. Và ngay cả khi đó, các nhà hoạch định chính sách và các nhà hoạt động khí hậu sẽ cần phải đi xa hơn nữa. Mặc dù thuế sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn năng lượng sạch hơn, nhưng nó không phải là động cơ đủ mạnh để phát triển các công nghệ carbon thấp thay thế. Do đó, thuế carbon nên được bổ sung bằng “trợ cấp xanh” được thiết kế tốt cho các công ty và nhà nghiên cứu phát triển công nghệ gió, năng lượng mặt trời và địa nhiệt, và cho những người đang nghiên cứu các phương pháp mới để hạn chế phát thải từ các công nghệ hiện có.

Giống như thuế carbon, trợ cấp xanh khai thác sức mạnh của thị trường. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết những đột phá công nghệ lớn của thế kỷ XX - kháng sinh, công nghệ máy tính, Internet, công nghệ nano - đều đến từ các chính phủ hướng dẫn và tạo ra thị trường. Mặc dù các nghiên cứu và trợ cấp do chính phủ tài trợ là công cụ để định hình các động lực này, nhưng sẽ có rất ít kết quả đạt được nếu không có khu vực tư nhân. Để thấy sự hỗ trợ của nhà nước mà không có một cơ chế thị trường mạnh mẽ trông như thế nào, chúng ta hãy xem xét kinh nghiệm thảm hại của Liên Xô trong suốt những năm 1970 và 1980.

Cuối cùng, các nhà hoạt động khí hậu trẻ ngày nay không nên cho rằng tương lai của nhân loại trên hành tinh này phụ thuộc vào việc ngừng hoặc hạn chế nghiêm trọng tăng trưởng kinh tế. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp chắc chắn sẽ đòi hỏi sự hy sinh. (Những tuyên bố rằng “Thỏa thuận xanh mới” có thể giảm lượng khí thải và đồng thời tăng công ăn việc làm trong thời gian ngắn là không đáng tin cậy.) Nhưng cuối cùng, tăng trưởng kinh tế có thể được hưởng lợi từ các chính sách xanh được thiết kế tốt. Hơn nữa, các chính sách đối phó với biến đổi khí hậu có thể không bền vững nếu không có tăng trưởng, vì khó khăn kinh tế có thể làm giảm sự ủng hộ của công chúng đối với các cải cách sâu rộng.

Tuy nhiên, tương lai tăng trưởng không thể phụ thuộc vào việc ngày càng sản xuất nhiều hơn các sản phẩm chế biến. Nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra những cách thức tốt hơn, sáng tạo hơn và ít sử dụng tài nguyên hơn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của hơn bảy tỷ người. Một khi quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế sạch hơn đã hoàn thành, tăng trưởng có thể tiếp tục mà không làm tăng thêm vết khí hậu[2] của chúng ta.

Các nhà hoạt động khí hậu đã đúng khi làm việc hướng tới hiểu biết chung về sự cần thiết phải có những cách tốt hơn để sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Nhưng, cụ thể hơn, chúng ta cần chính việc tăng trưởng kinh tế để tiếp tục - và không chỉ để duy trì sự ủng hộ chính trị cho một chương trình nghị sự chính sách xanh. Trong một thế giới với hơn một tỷ người vẫn sống trong cảnh nghèo cùng cực và hàng tỷ người khác khao khát mức sống cao hơn, thì một lời hứa thực tế về tăng trưởng chung sẽ hấp dẫn hơn nhiều so với lời kêu gọi ngừng phát triển kinh tế.

Daron Acemoglu (1967-)

Chúng ta nợ các nhà hoạt động trẻ ngày nay một món nợ lớn vì họ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Giờ đây, chúng ta cần biến sự nhiệt tình của họ thành một lực lượng chính trị được thể chế hóa, và phát triển một kế hoạch chi tiết cho một chương trình nghị sự kinh tế hiệu quả, được thiết kế tốt và mạnh mẽ. Thị trường không cần phải cản đường chúng ta. Ngược lại, thị trường có thể là một đồng minh mạnh mẽ.

Vài nét về tác giả

DARON ACEMOGLU là Giáo sư Kinh tế tại MIT, ông là đồng tác giả (cùng với James A. Robinson) của tác phẩm Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity and Poverty (Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói) (Profile, 2019) và The Narrow Corridor: States, Societies, and the Fate of Liberty (Hành lang hẹp: Quốc gia, xã hội và số phận của tự do) (Penguin, 2020).

Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn:Are the Climate Kids Right?”, The Conversation, ngày 05.11.2019




Chú thích:

[1] là rủi ro tài chính của một tài sản hoặc danh mục tài sản biến động nhiều hơn ba độ lệch chuẩn so với giá hiện tại của nó, cao hơn rủi ro có phân phối chuẩn (theo Wikipedia – ND)

[2] toàn bộ lượng khí nhà kính được kiểm soát theo nghị định thư Kyoto. Vết khí hậu là một thước đo toàn diện hơn về tác động của con người đối với khí hậu so với vết carbon, nhưng cũng tốn kém hơn về chi phí và công sức để tính toán (theo Wikipedia - ND).

Print Friendly and PDF