Điều không tưởng này về một sự bóc lột không giới hạn đang trong quá trình hiện thực hóa
BẢN CHẤT CỦA CHỦ NGHĨA TÂN TỰ DO
Chủ nghĩa tân tự do là gì? Một chương trình phá hủy các cấu trúc tập thể có khả năng cản trở logic của thị trường thuần túy.
Pierre Bourdieu
Nhà xã hội học, Giáo sư Học viện Pháp quốc
Thế giới kinh tế có thực sự là, như diễn ngôn thống trị mong muốn, một trật tự thuần túy và hoàn hảo, triển khai một cách khắc nghiệt logic về những hậu quả có thể thấy trước của nó, và nhanh chóng trấn áp mọi thiếu sót với các biện pháp trừng phạt mà nó áp đặt, hoặc một cách tự động, hoặc - đặc biệt hơn - thông qua các cánh tay tác chiến đắc lực của mình, Quỹ tiền Tệ Quốc tế/IMF hay Tổ Chức Hợp tác và Phát Triển Kinh Tế/OECD, và các chính sách mà các tổ chức này áp đặt: giảm chi phí lao động, giảm chi tiêu công và linh hoạt hóa việc làm? Và nếu trật tự này, trên thực tế, chỉ là việc áp dụng một sự không tưởng, chủ nghĩa tân tự do, đã được chuyển đổi thành một cương lĩnh chính trị, nhưng là một sự không tưởng vốn, với sự trợ giúp của lý thuyết kinh tế mà nó dựa vào, tự cho là sự mô tả khoa học của thực tại?
Lý thuyết bảo hộ này là một hư cấu toán học thuần túy, ngay từ đầu dựa trên sự trừu tượng kinh khủng: sự trừu tượng mà nhân danh một quan niệm vừa hạn hẹp vừa chặt chẽ về tính duy lý được đồng nhất với tính duy lý của cá nhân, bao gồm việc gạt qua một bên các điều kiện kinh tế và xã hội của những sự sắp xếp hợp lý và của cơ cấu kinh tế và xã hội vốn là điều kiện để thực hiện chúng.
Léon Walras (1834-1910) |
Để biết được tầm quan trọng của sự bỏ quên, ta chỉ cần nghĩ đến hệ thống giáo dục thôi, một hệ thống không bao giờ được tính đến tự bản thân ở thời buổi mà hệ thống này đóng một vai trò quyết định trong việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ, cũng như trong quá trình sản xuất người sản xuất. Xuất phát từ lỗi lầm ban đầu này, được ghi trong huyền thoại của Walras[1] về “lý thuyết thuần túy”, là tất cả những khuyết điểm và tất cả những thiếu sót của ngành kinh tế học, và sự cố chấp nguy hại mà nó (kinh tế học) thể hiện khi bám vào sự đối lập võ đoán mà nó làm cho tồn tại, bởi chính sự tồn tại của sự đối lập, giữa logic thuần kinh tế, dựa trên sự cạnh tranh và mang lại hiệu quả, và logic xã hội, chịu sự chi phối của quy tắc công bằng.
Erving Goffman (1922-1982) |
Một khi đã biết được điều này, cái “lý thuyết” vốn bị phi xã hội hóa và phi lịch sử hóa ngay từ ban đầu có, ngày nay hơn bao giờ hết, những phương tiện để tự biến thành sự thật, có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm. Thật vậy, diễn ngôn tân tự do không phải là một diễn ngôn như các diễn ngôn khác. Giống như diễn ngôn tâm thần trong nhà thương điên, theo như Erving Goffman[2], nó là một “diễn ngôn mạnh mẽ”, chỉ mạnh và khó chống đối đến thế bởi nó có tất cả sức mạnh của cả một thế giới những tương quan quyền lực mà nó giúp tạo ra, đặc biệt là bằng cách định hướng các lựa chọn kinh tế của những người chi phối các quan hệ kinh tế và do đó bổ sung sức mạnh của chính nó, mang tính biểu tượng, vào chính các tương quan quyền lực này. Nhân danh chương trình khoa học để hiểu biết này, được chuyển đổi thành một chương trình hành động chính trị, cả một công trình chính trị to lớn được thực hiện (bị chối từ là chính trị vì, nhìn từ bề ngoài, một chương trình chính trị là hoàn toàn phản tác dụng) nhằm mục đích tạo điều kiện để thực hiện và vận hành “lý thuyết”; một chương trình tiêu diệt các tập thể một cách triệt để.
Phong trào, khả thi nhờ chính sách phi điều tiết tài chính, hướng tới mục tiêu không tưởng tân tự do về một thị trường thuần túy và hoàn hảo, được tiến hành thông qua hành động biến đổi và phải nói là phá hủy mọi biện pháp chính trị (mà biện pháp gần đây nhất là MAI, Hiệp định Đa phương về Đầu tư, nhằm bảo vệ các công ty nước ngoài và các khoản đầu tư của họ chống lại các Quốc gia), nhằm mục đích đặt lại vấn đề tất cả các cấu trúc tập thể có khả năng cản trở logic của thị trường thuần túy: quốc gia mà các biên độ thao tác không ngừng thu hẹp; các nhóm làm việc với, ví dụ, việc cá nhân hóa tiền lương và sự nghiệp theo kỹ năng cá nhân với kết quả là sự chia người lao động thành nhóm nhỏ; các tập thể bảo vệ quyền lợi người lao động, nghiệp đoàn, hiệp hội, hợp tác xã; cả gia đình nữa cũng bị mất đi một phần quyền kiểm soát của mình về sự tiêu dùng, thông qua việc cấu thành thị trường theo nhóm tuổi.
Chương trình tân tự do, mà sức mạnh xã hội được rút từ sức mạnh kinh tế-chính trị của những người mà nó thể hiện lợi ích - các cổ đông, các nhà điều hành tài chính, các nhà công nghiệp, các chính trị gia bảo thủ hoặc các nhà dân chủ xã hội đã quy thuận những sự thụt lùi làm yên lòng của chính sách mậu dịch tự do, các quan chức tài chính cấp cao càng quyết tâm áp đặt một chính sách chủ trương sự tàn lụi của chính họ vì, không giống như các cán bộ cao cấp của các công ty (tư), họ không có nguy cơ phải gánh chịu các hậu quả - nhìn chung có xu hướng ủng hộ sự ngăn cách giữa nền kinh tế và thực tại xã hội, và do đó, trên thực tế, xây dựng một hệ thống kinh tế phù hợp với mô tả lý thuyết, nghĩa là một loại máy logic, xuất hiện như một chuỗi các ràng buộc lôi cuốn các tác nhân kinh tế.
Tiến trình toàn cầu hóa thị trường tài chính, cùng với tiến bộ của công nghệ thông tin, đảm bảo một sự di động chưa từng có của vốn và mang lại cho các nhà đầu tư, tha thiết về khả năng sinh lời ngắn hạn của các khoản đầu tư của họ, khả năng liên tục so sánh lợi nhuận của các công ty lớn nhất và do đó trừng phạt các thất bại tương đối. Chính các công ty, bị đặt dưới một sự đe dọa thường trực như vậy, phải thích ứng ngày càng nhanh hơn với những đòi hỏi của thị trường; nếu không thì, như người ta thường nói, sẽ “đánh mất niềm tin của thị trường”, và đồng thời, sự ủng hộ của các cổ đông, những người mong muốn đạt được lợi nhuận ngắn hạn, ngày càng có nhiều khả năng áp đặt ý chí của mình cho các nhà quản lý, ấn định các tiêu chuẩn cho họ, thông qua các bộ phận tài chính, và định hướng các chính sách của họ về tuyển dụng, việc làm và tiền lương.
Và như vậy, sự thống trị tuyệt đối của tính linh hoạt được thiết lập, với việc tuyển dụng theo hợp đồng có thời hạn cố định hoặc hợp đồng tạm thời và những “kế hoạch xã hội” liên tiếp, và, trong chính công ty, sự cạnh tranh giữa các công ty con độc lập, giữa các nhóm buộc phải trở thành đa năng và cuối cùng là giữa các cá nhân, thông qua việc cá thể hóa mối quan hệ tiền lương: thiết lập các mục tiêu cá nhân; phỏng vấn đánh giá cá nhân; đánh giá thường xuyên; việc tăng lương được cá nhân hóa hoặc việc cấp thưởng cá nhân dựa trên kỹ năng và thành tích của cá nhân; sự nghiệp được cá nhân hóa; các chiến lược “trách nhiệm hóa” nhằm đảm bảo quyền tự bóc lột của vài cán bộ cao cấp, chỉ là những nhân viên chịu sự phục tùng đối với cấp trên, cũng đồng thời chịu trách nhiệm về doanh số bán hàng, sản phẩm của họ, chi nhánh, cửa hàng của họ, v.v., theo cách “các chủ nhân độc lập”; yêu cầu “tự kiểm soát” mở rộng “sự tham gia” của nhân viên, theo kỹ thuật “quản lý có sự tham gia”, vượt xa các công việc của cán bộ điều hành. Toàn là những kỹ thuật phục tùng hợp lý giúp làm suy yếu hoặc xóa bỏ các tiêu chuẩn và các sự đoàn kết tập thể[3], trong khi vẫn áp đặt một sự đầu tư quá mức vào công việc, và không chỉ ở các vị trí có trách nhiệm và các việc làm khẩn cấp.
Việc thiết lập thực tế một thế giới theo thuyết Darwin của cuộc đấu tranh của mọi người chống lại mọi người, ở mọi cấp độ của hệ thống thứ bậc, vốn tìm thấy những động cơ của việc chấp nhận nhiệm vụ và chấp nhận doanh nghiệp trong tình trạng bất an, đau khổ và căng thẳng, có lẽ không thể thành công hoàn toàn như vậy nếu nó không tìm thấy sự đồng lõa của những hoàn cảnh bấp bênh được tạo ra bởi sự bất an và cuộc sống, ở tất cả các cấp của hệ thống thứ bậc, và ngay cả ở các cấp cao nhất, đặc biệt là các cán bộ điều hành, một đội quân lao động dự bị dễ sai khiến do sự bấp bênh và nguy cơ thất nghiệp thường xuyên. Nền tảng cuối cùng của toàn bộ trật tự kinh tế này được đặt dưới dấu hiệu quyền tự do thực sự là bạo lực mang tính cấu trúc của thất nghiệp, sự bấp bênh và nguy cơ sa thải mà nó kéo theo: điều kiện cho sự vận hành “hài hòa” của mô hình kinh tế vi mô mang tính cá nhân chủ nghĩa là một hiện tượng rộng lớn, sự tồn tại của đội quân thất nghiệp dự bị.
Bạo lực cấu trúc này cũng đè nặng lên cái được gọi là hợp đồng lao động (được hợp lý hóa một cách khéo léo và phi hiện thực hóa bởi “lý thuyết hợp đồng”). Diễn ngôn doanh nghiệp chưa bao giờ nói nhiều đến lòng tin, sự hợp tác, lòng trung thành và văn hóa doanh nghiệp như thế vào thời buổi mà người ta nhận được sự phục tùng ở mọi lúc bằng cách loại bỏ tất cả các đảm bảo về thời gian (ba phần tư số người được tuyển dụng có hợp đồng ngắn hạn, tỷ lệ công việc bấp bênh không ngừng tăng, việc sa thải cá nhân có xu hướng không còn phải chịu bất cứ sự hạn chế nào nữa).
Như vậy, chúng ta có thể thấy sự không tưởng tân tự do có xu hướng được hiện thân trong thực tế như một loại cỗ máy ghê gớm, mà sự cần thiết được áp đặt lên chính những người cai trị. Cũng giống như chủ nghĩa Mác ở những thời điểm khác, chia sẻ với nó nhiều điểm chung về phương diện này, sự không tưởng này khơi dậy một niềm tin rất lớn, niềm tin vào nền mậu dịch tự do (free trade faith) không chỉ ở những người sống nhờ nó về mặt vật chất, như các nhà tài phiệt, các ông chủ của các công ty lớn, v.v., mà cả trong số những người rút ra từ nó lý do để tồn tại, như các quan chức cấp cao và các chính trị gia vốn thần thánh hóa sức mạnh của thị trường nhân danh hiệu quả kinh tế, đòi hỏi dỡ bỏ các rào cản hành chính hoặc chính trị có khả năng cản trở những người nắm giữ tư bản trong việc tìm kiếm sự tối đa hóa lợi nhuận thuần túy cá nhân. Sự tối đa hóa này được thiết lập như một mô hình hợp lý, đòi hỏi các ngân hàng trung ương phải được độc lập, sự phục tùng của các quốc gia đối với đòi hỏi quyền tự do kinh tế cho những người làm chủ nền kinh tế, với việc bãi bỏ tất cả các quy định ở tất cả các thị trường, bắt đầu với thị trường lao động, việc cấm thâm hụt và lạm phát, sự tư nhân hóa rộng rãi các dịch vụ công, việc giảm chi tiêu công và xã hội.
Tuy không nhất thiết chia sẻ lợi ích kinh tế và xã hội của những tín đồ chân chính, các nhà kinh tế học có đủ mối quan tâm đặc thù trong lĩnh vực kinh tế học để có một đóng góp quyết định cho sự sản xuất và tái tạo niềm tin vào điều không tưởng tân tự do, bất kể tâm trạng của họ về những tác động kinh tế và xã hội của sự không tưởng mà họ khoác cho cái áo của tính duy lý toán học. Bị tách biệt bởi toàn bộ cuộc sống của họ và nhất là bởi tất cả sự rèn luyện trí tuệ, thường là hoàn toàn trừu tượng, sách vở và lý thuyết, về thế giới kinh tế và xã hội vốn có, họ đặc biệt có xu hướng nhầm lẫn giữa những nguyên lý của logic (logic lý thuyết - ND) với những điều logic của sự vật (logic thực tiễn - ND) (les choses de la logique avec la logique des choses).
Tự tin vào các mô hình mà họ hầu như không bao giờ có cơ hội thử nghiệm với xác minh thực nghiệm, có xu hướng coi thường các thành tựu của các khoa học lịch sử khác, trong đó họ không nhận ra sự tinh khiết và minh bạch kết tinh của các trò chơi toán học của họ, mà họ thường không thể hiểu được sự cần thiết thực sự và sự phức tạp sâu sắc, họ tham gia và cộng tác vào một sự thay đổi kinh tế và xã hội ghê gớm vốn, ngay cả khi một số hậu quả của nó làm họ kinh hoàng (họ có thể đóng góp cho Đảng Xã hội và đưa ra lời khuyên chín chắn cho những người có quyền lực), không thể làm họ phật lòng vì, trước nguy cơ xảy ra một vài thất bại, đặc biệt là do cái mà họ đôi khi gọi là “bong bóng đầu cơ”, sự thay đổi này có xu hướng biến thành thực tế sự không tưởng rất nhất quán (như một số dạng bệnh điên) mà họ đã cống hiến trong suốt cuộc đời.
Tuy nhiên, thế giới vẫn còn đó, với những tác động có thể nhìn thấy ngay lập tức của việc thực hiện sự không tưởng tân tự do vĩ đại: không chỉ là sự khốn cùng của một bộ phận ngày càng tăng trong các xã hội tiên tiến nhất về kinh tế, sự gia tăng bất thường về chênh lệch giữa các thu nhập, sự biến mất dần của thế giới tự trị của sản xuất văn hóa, điện ảnh, xuất bản, v.v., bởi sự xâm phạm áp đặt các giá trị thương mại, mà còn và trên hết là sự hủy diệt tất cả các tổ chức tập thể có khả năng ngăn trở tác động của cỗ máy khủng khiếp, trong đó ở hàng đầu là Nhà nước, được ký thác tất cả các giá trị phổ quát gắn liền với ý tưởng về tính công, và sự áp đặt, ở mọi nơi, trong các cấp cao trong lĩnh vực kinh tế và Nhà nước, hoặc trong các công ty, loại chủ nghĩa Darwin đạo đức này vốn, với sự sùng bái của người chiến thắng được đào tạo về toán học cao cấp và nhảy dây, thiết lập các thực tiễn của cuộc đấu tranh của mọi người chống lai mọi người và sự vô sỉ như là tiêu chuẩn.
Liệu chúng ta có thể mong đợi rằng khối lượng đau khổ phi thường do một chế độ kinh tế-chính trị như vậy tạo ra một ngày nào đó sẽ là nguồn gốc của một phong trào có khả năng ngăn chặn cuộc chạy đua xuống vực thẳm? Thật vậy, ở đây chúng ta đang phải đối mặt với một nghịch lý phi thường: trong khi những trở ngại gặp phải trên con đường thực hiện trật tự mới – trật tự của một cá nhân lẻ loi, nhưng tự do - ngày nay bị quy cho sự cứng nhắc và sự cổ xưa, và bất kỳ sự can thiệp trực tiếp và có ý thức, ít nhất là khi nó đến từ Nhà nước, bằng bất cứ cách nào, đều bị khước từ trước, và được yêu cầu phải nhường chỗ theo hướng có lợi cho một cơ chế thuần túy và vô danh, thị trường (mà ta quên rằng nó cũng là nơi triển khai các quyền lợi), thì, thật ra, sự trường tồn hoặc sự sống sót của các thể chế và các tác nhân của trật tự cũ đang trong quá trình bị tháo dỡ, và tất cả những việc làm của tất cả các loại nhân viên xã hội, và cả những mối đoàn kết xã hội, gia đình hoặc mối đoàn kết khác, làm cho trật tự xã hội không bị sụp đổ trong sự hỗn loạn mặc dù số những người dân sống bấp bênh ngày càng tăng.
Quá trình chuyển đổi sang “chủ nghĩa tự do” được thực hiện một cách êm thắm, tức là không thể nhận thấy, giống như sự trôi dạt các lục địa, và như vậy che giấu những tác động, khủng khiếp nhất là những tác động lâu dài. Những tác động cũng bị che giấu, một cách nghịch lý, bởi những phản kháng mà nó khơi dậy, ngay từ bây giờ, từ phía của những người bảo vệ trật tự cũ bằng cách trích ra các nguồn lực mà nó chứa đựng, trong những mối đoàn kết cũ, trong nguồn vốn xã hội dự trữ vốn bảo vệ một phần trật tự xã hội hiện tại khỏi rơi vào tình trạng vô tổ chức. (Vốn, nếu không được tái tạo, tái sản xuất, sẽ bị tàn lụi, nhưng chưa bị cạn kiệt trong tương lai gần.)
Nhưng cũng chính những lực lượng “bảo tồn” này, quá dễ dãi bị coi là lực lượng bảo thủ, ở một góc độ khác, cũng là những lực lượng phản kháng chống lại sự thiết lập trật tự mới, và có thể trở thành những thế lực lật đổ. Và nếu chúng ta có thể giữ được một niềm hy vọng hợp lý, đó là bởi vì vẫn tồn tại, trong các thể chế Nhà nước và cả trong thiên hướng của các nhân viên (đặc biệt là những người gắn bó nhất với các thể chế này, chẳng hạn như giới quý tộc thấp kém của Nhà nước), những lực lượng như vậy. Những lực lượng này, dưới vẻ ngoài chỉ đơn giản là bảo vệ, như họ bị trách móc ngay lập tức, một trật tự đã biến mất và các “đặc quyền” tương ứng, để có thể chịu đựng được thử thách, thật ra phải làm việc để sáng tạo và xây dựng một trật tự xã hội sẽ không có quy luật duy nhất là sự tìm kiếm lợi ích ích kỹ và niềm đam mê lợi nhuận của cá nhân, và sẽ nhường chỗ cho các tập thể hướng tới việc theo đuổi hợp lý các mục đích do tập thể vạch ra và chấp thuận.
Trong số các tập thể, hiệp hội, đoàn thể, đảng phái này, làm sao mà không dành một vị trí đặc biệt cho Nhà nước, Nhà nước quốc gia hay hơn nữa tốt hơn là siêu quốc gia, tức là Châu Âu (một bước để hướng tới một Nhà nước toàn cầu), có khả năng kiểm soát và đánh thuế một cách hiệu quả lợi nhuận thu được trên thị trường tài chính và nhất là ngăn trở hành động phá hoại mà những thị trường tài chính gây ra trên thị trường lao động, bằng cách tổ chức, với sự hỗ trợ của các nghiệp đoàn, việc xây dựng và bảo vệ lợi ích công cộng vốn, cho dù chúng ta dù muốn hay không, sẽ không bao giờ thoát khỏi, ngay cả khi phải trả giá bằng một số giả mạo trong các văn bản toán học, quan điểm mang tính kế toán (ở một thời kì khác, ta gọi đó là quan điểm của “người chủ tiệm tạp hóa”) được tín ngưỡng mới trình bày như là hình thái tối cao của sự thành tựu của con người.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “L’essence du libéralisme”, Le Monde diplomatique, tháng ba năm 1998.
Chú
thích: [1] Ghi chú của Ban biên tập: theo tham khảo của Auguste
Walras (1800-1866), nhà kinh tế học người Pháp, tác giả cuốn Về bản chất của
cải và nguồn gốc của giá trị (1848); ông là một trong những người đầu tiên
cố gắng áp dụng toán học vào nghiên cứu kinh tế. [2] Erving Goffman, Asiles. Etudes sur la condition sociale
des malades mentaux (Các nghiên cứu về tình trạng xã hội của người bệnh
tâm thần), Editions de Minuit, Paris, 1968. [3] Về tất cả những điểm này, chúng ta có thể tham khảo hai số
báo của Actes de la recherche en sciences sociales (Kỷ yếu Nghiên cứu Khoa
học Xã hội) dành cho “Nouvelles formes
de domination dans le travail (Các hình thức thống trị mới ở nơi làm
việc”) (1 và 2), số 114, tháng 9 năm 1996, và số 115, Tháng 12 năm 1996, và
đặc biệt là phần giới thiệu của Gabrielle Balazs và Michel Pialoux, “Crise
du travail et crise du politique” (Khủng hoảng lao động và khủng hoảng chính trị), số 114,
tr. 3-4.