19.8.15

Công an tư tưởng kinh tế ở đại học

Jean Tirole (1953-)
PTKT: Từ hôm nay, chúng tôi lần lượt đăng nhiều bài trong hồ sơ “Ban “Thể chế, kinh tế, lãnh thổ và xã hội” và Jean Tirole”. Vượt lên trên tính đặc thù trong tổ chức tập quyền của đại học Pháp, vụ việc này liên quan đến vấn đề tính đa nguyên trong kinh tế học trên thế giới mà PTKT đã đề cập trong nhiều bài khác (xem các bài có liên quan ở cuối trang).
Sự thống trị của các nhà chính thống khiến cuộc tranh luận công cộng trở thành nghèo nàn.

Công an tư tưởng kinh tế ở đại học

Cội rễ của việc tự giam hãm mình trong ý thức hệ của các nhà lãnh đạo châu Âu nằm trong cuộc chiến, không chỉ diễn ra trên các phương tiện truyền thông đại chúng, vì sự bá quyền tri thức. Hơn bao giờ hết, học thuyết kinh tế tân cổ điển thống trị ở đại học, bất chấp những bế tắc và thất bại của các chính sách lấy cảm hứng từ học thuyết này. Những người cổ xúy học thuyết trên, trong số đó Jean Tirole giữ vai trò đầu tàu, ngăn cản mọi quyết tâm đa nguyên.

Najat V. Belkacem (1977-)
------------
Là những người ủng hộ cạnh tranh không bị bóp méo, các nhà kinh tế thống trị lại không mặn mà khi được mời thực thi sự cạnh tranh này trong ngành nghề của mình. Tháng mười hai năm 2014, bộ trưởng bộ giáo dục Najat Vallaud-Belkacem, lặp lại lời hứa của người tiền nhiệm là Benoît Hamon, đã cam kết thành lập một ban kinh tế thứ hai, có tính thử nghiệm, trong Hội đồng quốc gia các đại học (CNU), cơ quan quản lí sự nghiệp các giáo viên-nhà nghiên cứu. Có tên là “Thể chế, kinh tế, lãnh thổ và xã hội”, ban này đã có thể trở thành nơi trú ẩn của các nhà kinh tế phi chính thống, bị đại diện của trào lưu thống trị chối bỏ. Thật vậy, trường phái gọi là “tân cổ điển”, đặt cơ sở trên giả thiết thị trường hoàn hảo và tính duy lí của các cá thể (xem sơ đồ ở cuối bài), từ hai mươi năm nay ngự trị trên ban khoa học kinh tế ngày nay, ban “05”. Như vậy, ba trăm nhà nghiên cứu phi chính thống chuẩn bị gia nhập một ban kinh tế chính trị học đa nguyên, phê phán và cởi mở với các khoa học xã hội khác.
Giovanni Dosi
Đó là không tính đến chiến dịch ngăn cản của các nhà “chính thống”, quyết tâm giết từ trong trứng nước mọi khả năng tồn tại của một tư duy kinh tế khác. Vừa được tin về dự án của bộ, chủ tịch ban 05, Alain Ayong Le Kama, gởi thư cho chính phủ đe dọa sự “từ chức tập thể” của ban. Nhưng đòn phản công có tính quyết định là của Jean Tirole, khôi nguyên năm 2014 của giải khoa học kinh tế của ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel (lạm xưng là “giải Nobel kinh tế”). Ông gởi một bức thư cho bà Vallaud-Belkacem để ngăn cản một “tai họa”. Nhiệm vụ hoàn thành: dự án tức thì bị chôn vùi.
Bruno Tinel
Cuộc chiến, bề ngoài có vẻ cục bộ này, thật ra có tính chiến lược cao. Những biểu trưng và khuyến nghị của các nhà kinh tế ảnh hưởng mạnh đến các chính sách công cộng. Thế mà, từ hai mươi năm nay, các nhà nghiên cứu phi chính thống, nghĩa là những ai không chấp nhận trường phái tân cổ điển, tức là khoảng một phần ba các nhà kinh tế Pháp, bị loại ra khỏi những vị trí then chốt trong ngành. Nếu họ vẫn còn được tuyển dụng làm phó giáo sư, trào lưu đa số cấm cửa họ vào ngạch giáo sư đại học[1]. Trong khi từ năm 2000 đến năm 2004, phái phi chính thống chiếm 18 % số giáo sư mới được phong ở đại học thì tỉ lệ này rơi xuống 5% trong thời gian từ năm 2005 đến năm 2011, tức là sáu nhà phi chính thống trên một trăm hai mươi ghế giáo sư[2].   
James Galbraith
Vì sao có hiện trạng này? Trường phái tân cổ điển lớn mạnh từ sự ra đời của kinh tế học hiện đại, vào cuối thế kỉ XIX, rồi thoái trào trong những năm 1930. Cách tiếp cận của John Maynard Keynes, rút ra bài học của cuộc Đại suy thoái đã trao cho Nhà nước vai trò trung tâm, trở thành cần thiết như là thuyết kinh tế chính thống mới về các chính sách công cộng. Khi đến lượt nó, học thuyết Keynes vấp phải những giới hạn trong bối cảnh đình đốn và lạm phát (tăng trưởng yếu và lạm phát cao) vào cuối những năm 1960, lí thuyết tân cổ điển mạnh mẽ quay trở lại với các nhà trọng tiền và trào lưu dự kiến duy lí.
Frédéric Lordon
Cùng thời gian đó, các nhà phi chính thống hiện nay nổi lên, đối lập với sự hồi sinh này của hệ ý tân cổ điển. Điểm chung của các nhà kinh tế marxist, hậu keynesian, điều tiết và quy ước là đặt bộ môn của mình trong trường của các khoa học xã hội và đặc biệt chú ý đến các khía cạnh lịch sử, pháp luật và chính trị trong sự vận động của nền kinh tế. Tìm cách mô tả xã hội như nó thật sự hiện tồn, họ đối lập với cách biểu trưng máy móc và cá nhân chủ nghĩa trong đó các tác nhân mà động cơ là tính duy lí công cụ tương tác với nhau trên vô số thị trường.
Dany Lang
Hợp nhất dần dần những phê phán của các nhà phi chính thống, lí thuyết tân cổ điển tự đánh bóng mình, chấp nhận là thông tin có thể bất đối xứng và cạnh tranh không hoàn hảo... Duy chỉ có là, như Sophie Jallais, phó giáo sư đại học Paris I, nhấn mạnh “các nhà tân cổ điển đã không thống trị bằng vũ lực hay bằng tính đúng đắn của những ý tưởng của họ, mà bằng việc thực dân hóa thể chế”. Trong hầu hết các bộ môn, để được tuyển dụng làm phó giáo sư hay giáo sư, các ứng viên phải được CNU “phê chuẩn” trước khi được các “ủy ban chuyên ngành” trong mỗi đại học chọn lọc. Nhưng, cho đến năm vừa qua, ban kinh tế vi phạm nguyên tắc tuyển dụng này, và chủ yếu tuyển dụng qua cuộc thi tuyển agrégation đại học[3].

Cuộc thực dân hóa thể chế

Hoàng Ngọc Liêm (1964-)
Vết tích này của thế kỉ XIX chỉ còn trong sáu trên bảy mươi chín ban (của CNU – ND). Đặc trưng của nó là tính bảo thủ, nội bộ và thiếu sự độc lập với quyền lực chính trị. Vì một lí do hiển nhiên: chính phủ bổ nhiệm chủ tịch ban, và chủ tịch bổ nhiệm bảy thành viên ban giám khảo. Theo Hoàng Ngọc Liêm, phó giáo sư đại học Paris-I, “mỗi quan sau đó chọn gà nòi của mình, được gợi ý ít nhiều tinh tế để ra ứng cử”. Từ bốn mươi năm nay, Jallais tóm tắt, “chính các chủ tịch ban giám khảo, thường là những nhà chính thống, lựa chọn các ban giám khảo và các ban này hầu như chỉ chọn các ứng viên chính thống”. Từ những năm 2000, sự đồng phục hóa này được củng cố, dưới tác động của một phương thức mới đánh giá các ứng viên: công trình khoa học của họ được đánh giá không bởi chất lượng nội tại của công trình mà tùy theo tạp chí nó được công bố. Một nhà nghiên cứu giỏi là người có công trình đăng trong một tạp chí được Trung tâm nghiên cứu quốc gia (CNRS) xếp hạng tốt, bản thân bảng xếp hạng này được xác lập theo mức độ phù hợp với các cách tiếp cận thống trị.
Michel De Vroey
Đối mặt với việc này, các nhà phi chính thống tự bảo vệ kém. Dành tâm trí vào các công trình của họ, các nhà phi chính thống không quan tâm đủ đến việc “tái sản sinh” về mặt thể chế, hướng dẫn các luận án và các phòng nghiên cứu hay tuyển chọn những người thừa kế tiềm năng. Chẳng hạn, Robert Boyer, nhà sáng lập trường phái điều tiết, không thật sự có người kế thừa. Đôi lúc những nhà phi chính thống còn hiện diện trong các định chế tuyển dụng bị thiết bị toán học tân cổ điển gây ấn tượng. Một số, như Michel De Vroey hay Marie-Claire Villeval, còn đổi phe và mở rộng cửa đại học cho các ứng viên chính thống trẻ.
David Flacher
Kết quả là các giáo sư phi chính thống gần như trên đường tuyệt chủng ở đại học. David Flacher, phó giáo sư đại học Paris-XIII, cảnh báo “họ hoặc là đã hoặc sắp về hưu, điều đó có nghĩa là, trong vòng hai năm nữa, sẽ không còn nhà phi chính thống nào”. Thế mà chính các giáo sư là những người lãnh đạo các master, các trường luận án, các trung tâm nghiên cứu, chủ tọa các ban giám khảo luận án và là thành viên các tiểu ban chọn lọc đồng nghiệp. Trong thực tế, những năm sau này các trung tâm nghiên cứu phi chính thống đang suy tàn, trừ một vài ngoại lệ như Trung tâm kinh tế học ở đại học Paris-Nord (CEPN) do Flacher lãnh đạo hay Trung tâm nghiên cứu xã hội và kinh tế ở đại học Lille (Clersé), nơi làm việc của Laurent Cordonnier.  
Philippe Aghion
Logic hợp nhất các cơ sở, được Liên minh châu Âu khuyến khích và đạo luật liên quan đến các quyền và trách nhiệm của đại học (LRU) năm 2007 tăng cường thêm, càng củng cố hiện tượng này, các trung tâm phi chính thức nhỏ bị các cơ sở lớn nuốt chửng. Bruno Tinel, phó giáo sư đại học Paris-I giải thích: “quá trình tập trung hóa này ngày nay đưa đến trạng thái độc quyền của vài cơ sở được ổn định trong ba cấu trúc: Trường kinh tế Paris (PSE), Trường kinh tế Toulouse (TSE) và nhóm nghiên cứu kinh tế học định lượng ở Aix-Marseille (Greqam); các cơ sở này trao đổi nhau tiền tài trợ, trợ cấp luận án, cơ hội thăng tiến và cả những giải quốc tế và ghế có uy tín”. Như vậy, “giải Nobel” kinh tế được trao cho Jean Tirole hiệu trưởng TSE, và ghế kinh tế học ở Collège de France được giành cho Philippe Aghion, giáo sư tại PSE.
Tony Lawson
Tình hình ở Pháp phản ảnh những gì xảy ra nơi khác. Các đại học Anh-Mĩ chỉ tuyển dụng các giáo sư tân cổ điển, có khả năng công bố trên các tạp chí được xếp hạng tốt. Ví dụ, ở Vương quốc Anh, thành trì keynesian ngày xưa ở Cambridge dần dần không còn gíáo sư phi chính thống nào nữa. Theo Dany Lang, phó giáo sư đại học Paris-XVIII, “nhà khoa học luận lớn và sử gia tư tưởng kinh tế Tony Lawson mất quyền dạy kinh tế học; ông buộc phải dạy kinh trắc học và toán học”. Sau cuộc khủng hoảng, tại đại học Kingston, vài nhà hậu keynesian đã thử phát triển một master phê phán. Đặc biệt, họ đã tuyển dụng Steve Keen, người bị đuổi ra khỏi đại học ở Úc trong khi ông lại là nhà kinh tế duy nhất của phân khoa này đã dự kiến cuộc khủng hoảng subprime. Tại Hoa kì, ngoại trừ New School ở New York thì theo nhận xét của nhà kinh tế Mĩ James Galbraithtrào lưu phi chính thống bị tiêu diệt khắp nơi. Chỉ còn những nhà hậu keynesian cô lập, rải rác và ẩn trú trong các phân khoa khoa học xã hội, các business schools hay trong các năm đầu đại học trong các đại học công nhỏ”.   
Steve Keen
Có lẽ sự thống trị này sẽ được chấp nhận dễ dàng hơn nếu nó không đi cùng với một yếu kém lí thuyết sâu rộng. Vào năm 2007, điều này bắt đầu được nhận thấy, ngay cả bởi những người ngoại đạo. Không những các nhà chính thống đã không có khả năng dự báo hay ngay cả để hiểu cuộc khủng hoảng subprime, mà chính những giả thiết của họ về tính hiệu quả của các thị trường đã cho phép chính đáng hóa về mặt khoa học việc phi quy định hóa tài chính, vốn phải chịu một phần lớn trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng này. Do đó công chúng càng thèm khát những phân tích khác, như được minh họa bởi sự thành công trong hiệu sách của cuốn “tuyên ngôn của các nhà kinh tế rụng rời”. Tập thể này, ra đời năm 2010, mà đa số thành viên là những phó giáo sư phi chính thống, bóc trần các giáo điều chi phối các chính sách công châu Âu.

“Bước đệm tạm thời chuẩn bị cho chính sách ngu dân”

John M. Keynes (1883-1946)
Tuy nhiên, việc Keynes và Karl Marx quay trở lại thành thời trang mới, điều mà ta có thể quan sát trên sách báo, không tác động đến thế giới nghiên cứu, hoàn toàn vô cảm với mọi sự đặt lại vấn đề. Trong thư của mình, Tirole kiêu hãnh với việc “các trung tâm chất lượng cao trong kinh tế học nổi lên ở Pháp trong ba thập kỉ qua ngày nay đào tạo những nhà kinh tế mà các nhà xây dựng các quy định, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp tranh nhau tuyển dụng”. Hiển nhiên là việc các “trung tâm chất lượng cao” này không sản sinh ra những nhà kinh tế phê phán có khả năng cảnh báo những nguy cơ của việc tài chính hóa không được ông đề cập. Một cách ngạo mạn, ông tiếp tục khinh bỉ các trào lưu thiểu số khi nói đến “một tập hợp hỗn tạp đang gặp khó khăn với những chuẩn đánh giá được quốc tế công nhận” và lên giọng quở trách: “Tìm cách né tránh đánh giá [của các đồng nghiệp] khuyến khích tương đối luận về tri thức, một bước đệm tạm thời chuẩn bị cho chính sách ngu dân”.
Louison Cahen-Fourot
Còn về phần sinh viên, họ đã không lầm và hoạt động chống tính đơn nguyên của chương trình học. Vào tháng 5 năm 2014, bốn mươi hai tổ chức thuộc mười chín nước hợp thành Sáng kiến của sinh viên quốc tế vì tính đa nguyên trong kinh tế học (ISIPE) đã công bố một tuyên ngôn chống việc giảng dạy hiện nay của bộ môn. Xuất phát từ Paris vào đầu năm 2000, chung quanh một phong trào tố cáo tính “tự kỉ” của kinh tế học, sự phản đối càng được củng cố sau cuộc khủng hoảng. Năm 2011 tại Harvard, bảy mươi sinh viên đã rời bỏ giờ dạy của một giảng viên “sao” là Gregory Mankiw để tố cáo “độ chênh bảo thủ“ của vị giáo sư này. Sau những buổi họp không chính thức trong năm 2012 và 2013 tại đại học Manchester, Hội kinh tế học hậu khủng hoảng (Post-Crash Economics Society) đã tổ chức một khóa học tùy chọn trong một năm có tựa là Bong bóng, hoảng loạn và sụp đổ: nhập môn vào các lí thuyết đối chọn về các cuộc khủng hoảng kinh tế”. Việc này đã khiến cho Sakir Yilmaz, giáo sư phụ trách khóa học bị đại học không gia hạn tiếp hợp đồng. Kể từ lời kêu gọi tháng năm 2014, ISIPE đã mở rộng và từ nay có sáu mươi lăm thành viên thuộc ba mươi nước, trong số đó có Ấn Độ, Pakistan, Úc và nhiều nước châu Mĩ la tinh. Tại Pháp năm 2011, phong trào Vì một sự giảng dạy đa nguyên kinh tế học ở đại học (PEPS-Economie) đã tiếp nối cuộc đấu tranh. Louison Cahen-Fourot, người phát ngôn của phong trào này giải thích: “Tính đa nguyên mà chúng tôi đòi hỏi nằm ở cấp độ lí thuyết và cả ở cấp độ phương pháp luận. Ngoài toán học, thống kê và kinh trắc học, chương trình còn phải dành thêm chỗ cho các khóa học về lịch sử tư tưởng kinh tế”. Hội đoàn này đã phân tích tựa của chương trình cử nhân kinh tế của năm mươi bốn đại học ở Pháp: các mô-đun về lịch sử tư tưởng kinh tế chỉ chiếm 1,7% của các khóa học được cung cấp, có mười lăm đại học không cho rằng việc dạy lịch sử tư tưởng kinh tế là có ích.
Sakir Yilmaz
Cuối cùng, vào tháng chín năm 2014, một chướng ngại đã bị tháo gỡ, với việc gần như xóa bỏ cuộc thi tuyển agrégation ở cấp đại học. Từ nay, thủ tục để trở thành giáo sư cũng giống như thủ tục này trong các bộ môn khác: phải được CNU “phê chuẩn”, rồi ứng cử vào một chức vị. Đây là một yêu sách của Hội kinh tế chính trị học Pháp (AFEP), thành lập năm 2002, để tái lập sự đa dạng trong nghiên cứu. Tiếc rằng chiến thắng này đến quá trễ: từ nay là đa số trong các định chế tuyển dụng, các nhà kinh tế chính thống không cần đến cuộc thi tuyển agrégation nữa để xác lập quyền lực của mình. Dù đã thoát khỏi cuộc thi tuyển nhưng các ứng viên phi chính thống vẫn phải đối mặt với rào cản của ban 05 của CNU, do các nhà chính thống kiểm soát. Do đó có sự cần thiết của một ban mới. Sau những cuộc tranh luận gay gắt về những nguy cơ của một cuộc “chia tay” như thế đối với giới kinh tế, cuối cùng những thành viên của AFEP đành chấp nhận vào năm 2010 ý tưởng là “không còn tương lai nào khác cho các cách tiếp cận đa nguyên trong khuôn khổ của ban 05”. Ban mới nổi lên như là “giải pháp duy nhất lâu bền”.
André Orléan
Hiện thời từ chối lựa chọn này, chính phủ bảo đảm rằng sẽ giám sát ban 05. Do đó ban này đã ra tay trước bằng cách, vào phiên họp tháng hai năm 2015, “phê chuẩn” vài nhà phi chính thống. André Orléan, chủ tịch AFEP và là chủ biên Tuyên ngôn vì một kinh tế học đa nguyên phân tích đây là “một thủ đoạn có tính chiến thuật và đánh bóng nhằm xoa dịu cuộc chơi và che giấu một logic cơ bản vẫn không thay đổi[4].
Florence Jany-Catrice
Vấn đề còn lại là tìm hiểu vì sao lại tiêu tốn năng lượng để phá hoại ban thứ hai. Nếu các nhà phi chính thống là tồi tệ đến thế thì tại sao không để họ ra đi? Hơn nữa, Orléan nhắc lại rằng “Đối với chúng tôi, vấn đề không phải là bác bỏ các cách tiếp cận tân cổ điển, cũng không phải là thay thế sự thống trị này bằng một bá quyền khác, mà là tạo điều kiện để tất cả các trào lưu sống chung với nhau”. Diễn ngôn chính thức viện đến việc đấu tranh chống sự “phân mảnh hóa” và mối quan tâm đến sự thống nhất của bộ môn. Một luận chứng yếu khi nhận thấy là vật lí học, sinh học, luật học và sử học đều có nhiều ban khác nhau. Có lẽ lí do là ít cao quý hơn, như nhận định của Florence Jany-Catrice, giáo sư đại học Lille-I: “Họ ngại nhất là thấy sinh viên đào tẩu khỏi các khóa học nhàm chán về kinh tế vi mô để ghi danh theo học các khóa cử nhân “Thể chế, kinh tế, lãnh thổ và xã hội. Trong thực tế, số sinh viên đang rơi tự do: thể theo Ủy ban Hautcoeur, từ năm 2002 đến năm 2012, số ghi danh năm đầu đã giảm 64%[5]. Đến mức là các phân khoa kinh tế buộc phải hợp nhất với các phân khoa quản trị kinh doanh, được đánh giá là có tính hướng nghiệp hơn, hầu cố gắng giữ chân sinh viên.

Bị đẩy sang các bộ môn khác

Luc Boltanski
Dưới mắt nhà xã hội học Luc Boltanski, sự chống đối kịch liệt của các nhà chính thống được giải thích theo một cách khác: họ chiến đấu “để duy trì sự độc quyền trên khái niệm kinh tế học[6]. Họ không chịu nổi là những nhà nghiên cứu không vận dụng mô hình hóa toán học và tra vấn tính hiệu quả của các thị trường có thể chuyển sang một ban mới mà tên gọi vẫn giữ nhãn hiệu “kinh tế”. Khi Giovanni Dosi, nhà kinh tế phi chính thống người Italia về các tổ chức, gởi đăng bài cho tạp chí Journal of Mathematical Economics, ông đã nhận được một câu trả lời rõ ràng: “Các tác nhân của ông không tối đa hóa, bài viết của ông không phải là một bài kinh tế học, hãy gởi nó cho một tạp chí xã hội học”. Phải hiểu mệnh lệnh này đúng chính xác từng chữ: các nhà tân cổ điển muốn là các nhà nghiên cứu thuộc các trào lưu thiểu số chuyển sang các bộ môn khác và biến mất với tư cách là nhà kinh tế.
Bernard Friot
Gần như họ có lí do để hi vọng, vì đó là những gì đang xảy ra. Ví dụ, Bernard Friot, lí thuyết gia của lương cả đời[7] kể lại việc ông chuyển sang xã hội học: “Tôi là phó giáo sư ở Nancy với một luận án quốc gia về kinh tế học lao động. Nhưng tôi không dám tuyển sinh viên để làm một luận án tiến sĩ với tôi vì điều này sẽ tạo cho họ nhiều khó khăn sau này để được đại học tuyển chọn. Bởi vậy, tôi phải qua một chứng chỉ năng lực hướng dẫn nghiên cứu xã hội học để có thể trở thành giáo sư xã hội học ở Nanterre. Mặt khác, sự sống động của xã hội kinh tế học ở Pháp một phần là nhờ những nhà kinh tế chuyển sang xã hội học”. Trong thực tế, các nhà xã hội học François Vatin và Philippe Steiner cũng là những cựu kinh tế gia. Còn Frédéric Lordon, chuyên gia về khủng hoảng, đặc biệt là khủng hoảng tài chính, chuyển sang ban triết của CNRS. Flacher bồi thêm: “Những ai đã chán bị ngăn cản cũng chuyển sang khoa học qui hoạch lãnh thổ, khoa học giáo dục, khoa học chính trị và khoa học truyền thông”. Thà biết trước còn hơn: nếu muốn nghe những nhà kinh tế có điều gì muốn nói về xã hội thì sắp đến đây nên tìm họ ở những nơi khác hơn là các phân khoa kinh tế.   
Laura Raim
Nhà báo
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Police de la pensée économique à l’Université”, Le Monde diplomatique, tháng 7 năm 2015.
-------
Các bài có liên quan trên PTKT:
------
Chú thích sơ đồ:
Có câu nói đùa quen thuộc: chỉ cần ba nhà kinh tế học ngồi chung một chỗ, là có ngay bốn quan điểm khác nhau. Rút kinh nghiệm từ bài học đó, biểu đồ này không có tham vọng mô tả toàn bộ các trào lưu tư tưởng trong kinh tế học. Ngược lại, nó đề nghị ba trục biểu diễn tổng hợp. Trục thứ nhất, từ tâm điểm hướng ra ngoài, theo lịch đại: từ các nhà sáng lập (trong các thế kỷ 18-19) đến các trường phái đương đại. Trục thứ hai đối lập chính thống (màu xanh da trời) và phi chính thống (màu vàng): phái chính thống coi các tác nhân kinh tế như những thực thể độc lập, duy lý và có tính toán, hoạt động trên các thị trường; phái phi chính thống chuyển dịch suy nghĩ của họ vào trong khung cảnh của khoa học xã hội hay/và của triết học chính trị. Trục biểu diễn thứ ba cần đọc theo các đường vòng đồng tâm: sự phê phán chủ nghĩa tư bản tăng lên về phía tả; sự bảo vệ chủ nghĩa tự do tăng lên về phía hữu.





[1] Các học hàm này chỉ các giảng viên-nhà nghiên cứu có biên chế trong đại học. Tháng mười một năm 2014, ban khoa học kinh tế có 1279 phó giáo sư (và tương đương) và 536 giáo sư (và tương đương).

[2] Evolution des recrutements des professeurs de sciences économiques depuis 2000. La fin du pluralisme” (PDF), Association française d’économie politique (AFEP), septembre 2013.

[3] Đừng nhầm với thi tuyển agrégation (thạc sĩ) để giảng dạy ở cấp trung học.

[4] André Orléan pour l’AFEP (sous la dir. de), A quoi servent les économistes s’ils disent tous la même chose? Manifeste pour une économie pluraliste, Les Liens qui libèrent, Paris, 2015.

[5] Pierre-Cyrille Hautcœur, “L’avenir des sciences économiques à l’Université en France”, rapport à la ministre de l’enseignement supérieur et de la recherche, Paris, 5 juin 2014.

[6] Luc Boltanski, intervention à l’Assemblée extraordinaire de l’AFEP, Paris, 13 janvier 2015.

[7] Xem Bernard Friot, “Retraites, un trésor impensé”, Le Monde diplomatique, septembre 2010. http://alencontre.org/archives/Ecran/FranceRetraitesFriot09_10.html> – ND)

Print Friendly and PDF