26.7.15

Khi kinh tế học bị phủ nhận



Howard Davies (1951-)

Khi kinh tế học bị phủ nhận

PARIS – Trong một cơn giận bực tức, ngay trước khi rời khỏi chức vụ Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Jean-Claude Trichet phàn nàn rằng, "là người hoạch định chính sách trong thời khủng hoảng, tôi thấy các mô hình [kinh tế và tài chính] có sẵn ít hữu dụng. Trong thực tế, tôi còn đi xa hơn: khi đối mặt với cuộc khủng hoảng, chúng tôi cảm thấy bị các công cụ thông thường bỏ rơi".
Trichet kêu gọi tìm nguồn cảm hứng từ những ngành khoa học khác – vật lý, kỹ thuật, tâm lý học, và sinh học – để giúp giải thích các hiện tượng mà ông đã trải nghiệm. Đó là một lời kêu gọi giúp đỡ đáng chú ý, và là một cáo trạng nghiêm trọng đối với giới kinh tế học, chưa kể đến tất cả những giáo sư quá đáng được trao giải thưởng về tài chính ở các trường kinh doanh từ Harvard đến Hyderabad.
Cho đến nay, có tương đối ít sự hỗ trợ từ các kỹ sư và các nhà vật lý, những người mà Trichet đặt niềm tin, mặc dù vậy cũng có một số phản ứng. Robert May, một chuyên gia nổi tiếng về biến đổi khí hậu, đã lập luận rằng các kỹ thuật trong chuyên ngành của ông có thể giúp giải thích diễn tiến của các thị trường tài chính. Các nhà dịch tễ học đã gợi ý rằng các nghiên cứu về cách thức các bệnh truyền nhiễm lây lan có thể làm sáng tỏ sự lây lan của những mô thức tài chính khác thường mà chúng ta đã thấy trong năm năm qua.
Đấy là những lãnh vực đầy hứa hẹn cho những nghiên cứu trong tương lai, nhưng còn đối với bản thân các bộ môn cơ bản trong kinh tế học và tài chính thì sao? Há chẳng không làm gì được để cho chúng có thể trở thành hữu ích hơn trong việc giải thích thế giới như nó đang tồn tại, thay vì như nó được giả định trong các mô hình cách điệu hóa?
George Soros (1930-)
George Soros đã hào phóng tài trợ cho Viện Tư duy Kinh tế Mới (Institute for New Economic Thinking - INET). Ngân hàng Anh cũng đã cố kích hoạt những ý tưởng mới. Kỷ yếu của hội nghị được tổ chức vào đầu năm nay giờ đây đã được biên tập dưới tiêu đề có tính khiêu khích What’s the Use of Economics? (Kinh tế học được sử dụng vào mục đích gì?)
Một số khuyến nghị nổi lên từ hội nghị là thẳng thắn và cụ thể. Ví dụ, cần giảng dạy nhiều hơn về lịch sử kinh tế. Chúng ta đều có lý do chính đáng để biết ơn Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke, là một chuyên gia về cuộc Đại khủng hoảng, và những phản ứng sai lầm về chính sách của chính quyền sau đó, hơn là chuyên gia về những điểm tinh tế của lý thuyết cân bằng chung ngẫu nhiên động. Kết quả là, ông sẵn sàng áp dụng các biện pháp phi quy ước khi cuộc khủng hoảng nổ ra, và có sức thuyết phục khi ảnh hưởng đến các đồng nghiệp của ông.
Nhiều người tham dự hội nghị đồng ý rằng việc học kinh tế học nên được đặt trong một bối cảnh chính trị rộng lớn hơn, nhấn mạnh nhiều hơn đến vai trò của các thể chế. Sinh viên cũng cần được giảng dạy về tính khiêm tốn. Các mô hình mà họ đang tiếp xúc vẫn có một giá trị giải thích nhất định, nhưng trong phạm vi ràng buộc của các thông số. Và kinh nghiệm đau đớn cho chúng ta biết rằng các tác nhân kinh tế có thể không hành xử theo như các giả định của mô hình.
Nhưng điều không hiển nhiên là một phần lớn giới kinh tế học thậm chí còn chưa chấp nhận các đề xuất khiêm tốn trên. Cái gọi là "Trường phái Chicago" đã mạnh mẽ bảo vệ cách tiếp cận dựa dựa trên các dự kiến duy lý của họ, bác bỏ sự cần thiết của một tư duy mới. Robert Lucas, nhà kinh tế được giải Nobel, lập luận rằng cuộc khủng hoảng đã không đuợc tiên đoán bởi vì lý thuyết kinh tế tiên đoán rằng những sự kiện như vậy là không thể tiên đoán được. Vậy, mọi việc đều ổn.
Và có bằng chứng đáng lo ngại rằng một số khoa về kinh tế học vẫn chưa tiếp cận được thông tin về cuộc khủng hoảng. Stephen King, nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn Ngân hàng HSBC, ghi nhận rằng khi ông hỏi các sinh viên tốt nghiệp đại học gần đây (và HSBC tuyển dụng một lượng lớn các sinh viên ấy) họ dành bao nhiêu thời gian để tham gia các cuộc hội thảo và xêmina về khủng hoảng tài chính, thì "đa số đều thừa nhận rằng chủ đề thậm chí không được nêu lên". Thật vậy, theo King, "Các nhà kinh tế trẻ đến với thế giới tài chính với rất ít hoặc không có kiến ​​thc v cách thc mà h thng tài chính vận hành".
Tôi đoan chắc rằng họ sẽ học rất nhanh ở HSBC. (Trong tương lai, người ta giả định rằng, họ cũng sẽ học rất nhanh các quy định về chống rửa tiền.). Nhưng thật buồn khi biết rằng nhiều khoa ở các trường đại học vẫn phủ nhận những điều trên. Đó không phải là vì sinh viên thiếu quan tâm: Tôi dạy một khóa học tại trường Sciences Po ở Paris về những hậu quả của cuộc khủng hoảng đối với thị trường tài chính, và nhu cầu đăng ký học là rất cao.
Tuy nhiên, chúng ta không nên tập trung độc nhất sự chú ý đặc biệt vào các nhà kinh tế. Có thể cho rằng các yếu tố của bộ công cụ trí tuệ thường được yêu cầu nhất là mô hình định giá tài sản vốn và mô hình họ hàng gần gũi của nó, giả thuyết thị trường hiệu quả. Tuy nhiên, những người ủng hộ thấy không có vấn đề gì cần phải giải quyết.
Eugene Fama (1939-)
Ngược lại, Eugene Fama của Đại học Chicago đã mô tả việc quy trách nhiệm cho lý thuyết tài chính là "sản phẩm của óc tưởng tượng", và cho rằng "các thị trường tài chính và thể chế tài chính là nạn nhân hơn là nguyên nhân của sự suy thoái kinh tế". Và giả thuyết thị trường hiệu quả mà ông bảo vệ không có lỗi, bởi vì "hầu hết các khoản đầu tư do các nhà quản lý thực hiện, những người không tin rằng thị trường hoạt động hiệu quả."
Điều trên chẳng khác gì cái mà chúng ta có thể gọi là một biện hộ "không xác đáng": các nhà lý thuyết tài chính không thể chịu trách nhiệm, khi mà không có ai trong thế giới thực quan tâm đến họ!
May thay, những người khác trong giới khoa học thì lại mong có sự xác đáng và họ đã trả giá cho những sự kiện trong năm năm qua, khi các biến động giá mà các mô hình tiên đoán chỉ xảy ra một lần trong một triệu năm đã được quan sát thấy xảy ra nhiều lần trong một tuần. Họ đang làm việc cật lực để tìm hiểu tại sao, và để phát triển các phương pháp tiếp cận mới nhằm đo lường và giám sát rủi ro, đó cũng đang là mối quan tâm chính hiện nay của nhiều ngân hàng.
Các nỗ lực trên có thể được cho là quan trọng như các thay đổi điều tiết cụ thể và chi tiết mà chúng ta đã nghe nhiều. Cách tiếp cận về điều tiết của chúng tôi trong quá khứ dựa vào giả định cho rằng người ta có thể để các thị trường tài chính, ở một mức độ rộng lớn nào đó, tự điều tiết, và rằng các định chế tài chính và ban lãnh đạo của họ là những người tốt nhất có khả năng kiểm soát rủi ro và bảo vệ các doanh nghiệp của họ.
Những giả định trên bị cuộc khủng hoảng làm lung lay nặng nề, gây ra một sự thay đổi đột ngột dẫn đến một quy định có tính can thiệp nhiều hơn. Tìm ra một quan hệ mới và ổn định giữa các cơ quan tài chính và các doanh nghiệp tư nhân sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc thiết kế lại các mô hình trí tuệ của chúng ta. Vì vậy, Ngân hàng Trung ương của Anh đã đúng khi kêu gọi tổng động viên. Các nhà kinh tế phải sẵn sàng.
Howard Davies, giáo sư tại trường Sciences Po ở Paris, là chủ tịch đầu tiên của Cơ quan dịch vụ tài chính của Vương quốc Anh (1997-2003). Ông từng là giám đốc của Trường Kinh tế London (2003-11) và từng là Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh và Tổng giám đốc của Liên đoàn Công nghiệp Anh.
Howard Davies
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Economics in Denial”, Project Syndicate, Aug 22, 2012. 

------
Những bài có liên quan trên PTKT:
Giảng dạy khoa học buồn thảm sau khủng hoảng
Print Friendly and PDF