Maurice Allais (1911-2010) |
Maurice Allais, người báo trước không được thừa nhận và nhà kinh tế học tự do phi chính thống
Là nhà kinh tế học và vật lý học, Maurice Allais, được gán nhãn là người hoạt động vì một toàn cầu hóa khác, bảo thủ, tự do hay can thiệp. Tuy nhiên, gọi ông là nhà kinh tế học tự do phi chính thống là thích hợp nhất.
Maurice Allais được trao giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel năm 1988.
Tư tưởng kinh tế trong những năm 1930 và 1940 được đánh dấu bởi ba biến đổi lớn. Tất nhiên là phải kể đến cuộc cách mạng keynesian, mà Keynes không phải là tác giả duy nhất. Niềm tin vào sự điều tiết tự động của các thị trường, đảm bảo toàn dụng lao động nếu không có trở ngại nào cản trở sự điều tiết này, biến mất dần và Nhà nước phúc lợi và chủ nghĩa can thiệp được thiết lập. Cuộc cách mạng thứ hai, một phần về mặt phương pháp luận được dẫn dắt, trong số nhiều nhà kinh tế học khác, bởi John Hicks (Value and Capital – Giá trị và tư bản, 1939) và Paul Samuelson (Foundations of Economic Analysis – Các nền tảng của phân tích kinh tế, 1947). Các tác giả trên hình thức hóa sự điều tiết tự động của các thị trường mà Keynes đã đặt lại vấn đề trong khi vẫn sử dụng lại một số ý tưởng của ông ấy. Chính vì vậy mà tổng hợp tân cổ điển ra đời, thống trị tư tưởng kinh tế trong suốt ba mươi năm đầu của thời kỳ hậu chiến. Cuộc cách mạng thứ ba, kinh tế học, trong đó ngôn ngữ Pháp đã chiếm được một vị trí quan trọng, trở thành một khoa học chủ yếu của người Anglo-Saxon và người Hoa Kỳ.
Malinvaud (1923-2015) |
Marcel Boiteux (1922-) |
Giữa tháng giêng năm 1941 và tháng bảy năm 1943, khi soạn thảo một cuốn sách gần một nghìn trang mà ông đặt tên ban đầu là A la recherche d’une discipline économique (Đi tìm một môn học kinh tế), Phần I: L’économie pure (Kinh tế học thuần túy), tựa sách này sẽ được thay đổi trong các lần xuất bản sau thành Traité d’économie pure (Chuyên luận về kinh tế học thuần túy), Maurice Allais có thể được công nhận, cùng với Hicks và Samuelson, như là kiến trúc sư chính của cuộc cách mạng thứ hai mà chúng tôi đã nhận diện. Đáng tiếc, việc cuốn sách trên được tác giả tự xuất bản ngay giữa thời kỳ chiến tranh đã ngăn sự công nhận trên, cho đến khi ông được trao giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel năm 1988. Giải thưởng này, theo Samuelson, người đoạt giải Nobel năm 1971, đáng lí phải được trao sớm hơn nhiều. Tuy nhiên, từ khi chiến tranh kết thúc, Maurice Allais đã có ảnh hưởng rất lớn đến các nhà kinh tế Pháp như Gérard Debreu, Edmond Malinvaud và Marcel Boiteux. Debreu di cư đến Hoa Kỳ, nơi ông được nhập quốc tịch và chính việc xuất bản những tác phẩm của ông bằng tiếng Anh đã giúp ông được trao giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển năm năm trước Allais.
Kinh tế học thuần túy
Irving Fisher (1867-1947) |
Léon Walras (1834-1910) |
Khi bắt đầu viết cuốn A la recherche d’une discipline économique (Đi tìm một môn học kinh tế), Allais là người tự học kinh tế học. Ông bắt đầu đọc những tác giả chính về kinh tế học chỉ một năm trước đó. Trong số các tác giả đó có Léon Walras, Vilfredo Pareto và Irving Fisher được ông công nhận là những người truyền cảm hứng chính cho ông. Ông đặt mục tiêu xây dựng lại khoa học kinh tế trên cơ sở vừa chặt chẽ hơn vừa thực tế hơn, bằng cách lần lượt tiến công vào ba lĩnh vực mà ông gọi là kinh tế học thuần túy, kinh tế học ứng dụng và kinh tế học của ngày mai.
Gérard Debreu (1921-2004) |
John R. Hicks (1904-1989) |
Cuốn sách đầu tiên của ông phát triển chủ đề kinh tế học vi mô của kinh tế học thuần túy. Ông tìm thấy hoặc dự kiến nhiều mệnh đề và định lý được Hicks, Samuelson và nhiều tác giả khác đưa ra, đôi khi đem lại cho chúng một hình thức tổng quát hơn và chặt chẽ hơn. Đặc biệt, trong cuốn sách trên ông chứng minh các định lý tương đương mà Kenneth Arrow và Debreu Gerard sẽ sử dụng lại vào năm 1954: "Mọi trạng thái cân bằng của một nền kinh tế thị trường là một trạng thái hiệu quả tối đa, và ngược lại mọi trạng thái hiệu quả tối đa là một trạng thái cân bằng của một nền kinh tế thị trường". Như vậy, thị trường đảm bảo tính hiệu quả kinh tế và một sự phân phối tối ưu các thu nhập trong xã hội. Allais trình bày, cùng lúc với Samuelson, quá trình dò dẫm dẫn đến sự cân bằng các thị trường.
Edmund Phelps (1933-) |
James Tobin (1918-2002) |
Năm 1947, trong phần hai cuốn sách của ông, Economie et intérêt (Kinh tế học và tiền lãi), Allais đưa vào yếu tố thời gian và tiền tệ, và như vậy tiến công vào động thái và sự tăng trưởng của các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Một lần nữa, ông trình bày nhiều mệnh đề mà sự khám phá được gán cho nhiều đóng góp sau này. Chẳng hạn ông chứng minh, trước Trevor Swan và Edmund Phelps, quy tắc vàng của sự tăng trưởng, theo đó khi lãi suất bằng với tỷ lệ tăng trưởng thì người ta có thể tối đa hóa sự tiêu dùng. Ông phát triển mô hình các thế hệ đan chéo[1] được gán cho Samuelson. Ông nghiên cứu cách thức mà các yêu cầu giao dịch tiền mặt phản ứng trước những biến động của lãi suất, trước William Baumol và James Tobin.
Trevor Swan (1918-1989) |
Bất luận mức độ trừu tượng và hình thức hóa, Allais cho rằng lý thuyết kinh tế phải được dựa trên cơ sở những sự kiện, những dữ liệu và sự quan sát. Chính điều này đã dẫn ông đến việc phê phán, ngày càng gay gắt, những lệch hướng của một bộ môn ưu đãi sự khéo léo toán học hơn là hiện thực. Cái "chủ nghĩa toàn trị kinh viện mới" trên đã dẫn ông đến việc xa dần, trong những năm 1960, phân tích cân bằng chung được phát triển bởi Walras và những người theo ông ta, và thay thế nó bằng một nghiên cứu lấy đối tượng là những thị trường thực, chứ không phải là một thị trường không tưởng, tập trung vào việc nghiên cứu sự mất cân bằng và nghiên cứu dựa trên ý tưởng về thặng dư. Như vậy, động thái kinh tế được đặc trưng bởi việc nghiên cứu, triển khai và phân phối thặng dư. Sẽ có một cân bằng chung khi không còn thặng dư khả thi.
John von Neumann (1903-1957) |
William Baumol (1922-) |
Quan tâm đến lý thuyết về lựa chọn và quyết định, Allais, nhân một cuộc hội thảo được tổ chức tại New York vào năm 1953, đã tấn công vào khái niệm "lợi ích kì vọng" phát sinh từ các công trình của John von Neumann. Nhân dịp này, ông hình thức hóa điều mà người ta gọi là "nghịch lý Allais", đặt lại vấn đề đối với mô hình truyền thống về sự lựa chọn duy lý. Ông chỉ ra rằng, đối mặt với một xổ số, một cá nhân không tối đa hóa lợi ích kỳ vọng của mình, mà nhắm đến sự an toàn.
Kinh tế học ứng dụng
Theo Allais, kinh tế học thuần túy chỉ có ý nghĩa như là một công cụ can thiệp vào thực tế. Ông nhắc lại, trong một cuộc hội thảo ngày 09 tháng 12 năm 1988 trước Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển, rằng chính chuyến hành trình đến Hoa Kỳ trong thời kỳ suy thoái năm 1933, và sự quan sát tình trạng bất ổn xã hội tại Pháp sau các cuộc bầu cử năm 1936, đã dẫn ông đến việc quan tâm đến kinh tế học, phải "tìm cách thiết lập những nền tảng để một chính sách kinh tế và xã hội có thể được xây dựng một cách có hiệu lực."
Allais đã can thiệp nhiều lần, trong số nhiều lần khác trong nhiều bài báo, về các vấn đề chính sách kinh tế và xã hội, tự mình rao giảng những cải cách kinh tế phát sinh từ các phân tích của ông. Rất nhiều môn đồ của ông và những người theo ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập khu vực công của nền kinh tế Pháp sau chiến tranh.
Friedrich Hayek (1899-1992) |
John M. Keynes (1883-1946) |
Là một nhà luận chiến kiên trì, Allais là một người của những tương phản và thậm chí của cả những nghịch lý. Khi trình bày lại lý thuyết định lượng tiền tệ, cùng lúc với Milton Friedman, ông được nhiều nhà kinh tế cho là thuộc phái trọng tiền và tân tự do. Ngoài ra, ông gia nhập, kể từ khi được thành lập vào năm 1947, hội Mont Pelerin Society của Friedrich Hayek để bảo vệ chủ nghĩa tự do chống lại những mối đe dọa của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân chủ xã hội. Ông chủ trương chế độ tiền lương linh hoạt, giảm nhẹ những ràng buộc trên thị trường lao động và giảm thiểu các khoản trợ cấp thất nghiệp để đảm bảo toàn dụng lao động. Đồng thời, ông viện dẫn chủ nghĩa tự do của Keynes và toàn bộ ủng hộ một khu vực công quan trọng.
Là người ủng hộ mạnh mẽ sự thống nhất châu Âu, ông phản đối Hiệp ước Maastricht và đối lập một châu Âu dân chủ, nhân văn và hòa bình. Ông công kích điều mà ông gọi là "chủ nghĩa tự do thương mại toàn cầu hóa bẩn thỉu". Ông dành tặng cuốn sách của ông La mondialisation – Toàn cầu hóa (1990) cho "vô số nạn nhân trên khắp thế giới của ý thức hệ toàn cầu hóa tự do thương mại, một ý thức hệ hết sức tai hại và sai lầm và cho những người không bị mù quáng bởi một vài đam mê đảng phái". Như vậy, người ta có thể lần lượt gán cho ông nhãn hiệu là người theo trường phái vì một toàn cầu hóa, bảo thủ, tự do và can thiệp! Tuy nhiên, gọi ông là nhà tự do phi chính thống có lẻ là thích hợp nhất.
Là một tác giả viết nhiều, Maurice Allais không giới hạn các nghiên cứu của ông vào lĩnh vực kinh tế học, thuần túy hay ứng dụng. Vả lại, ông tin rằng kinh tế học phải gắn chặt chẽ với các ngành khoa học nhân văn khác: tâm lý học, xã hội học, khoa học chính trị, sử học. Bộ môn cuối này luôn thu hút ông và, vào đầu những năm 1960, ông tiến hành viết một cuốn sách có tựa đề là Essor et déclin des civilisations (Sự thăng trầm của các nền văn minh). Được đào tạo làm kĩ sư, ông cũng là tác giả của nhiều công trình đóng góp cho vật lý lý thuyết. Vả lại Allais cũng tin rằng các phương pháp trong kinh tế học và trong các ngành khoa học vật lý là giống nhau, ta tìm thấy những định luật tương tự trong cả hai lãnh vực.
Trong vật lý học, ông thể hiện sự khát vọng cũng giống như trong kinh tế học, tìm cách thống nhất các lý thuyết về lực hấp dẫn, lực điện từ và lượng tử. Những đóng góp của ông cho lý thuyết vật lý được tập hợp lại từ năm 1997 trong một tuyển tập với tựa đề Contributions de Maurice Allais à la physique théorique et expérimentale (Những đóng góp của Maurice Allais cho vật lý lý thuyết và thực nghiệm), có đến mười hai quyển.
Maurice Allais qua vài năm tháng
1911: sinh ngày 31 tháng 5 tại Paris
1931-1933: học tại trường Ecole Polytechnique, tốt nghiệp thủ khoa.
1934-1936: học tại trường đại học quốc gia mỏ (Ecole nationale supérieure des mines).
1937: làm kỹ sư tại cơ quan quản lý và khai thác mỏ ở Nantes.
1943: A la recherche d’une discipline économique (Đi tìm kiếm một ngành học kinh tế), Phần I: L’économie pure (Kinh tế học thuần túy); các lần xuất bản kế tiếp dưới tựa đề Traité d’économie pure (Chuyên luận về kinh tế học thuần túy).
1943-1948: Giám đốc cơ quan lưu trữ và thống kê về mỏ ở Paris.
1944: giáo sư kinh tế tại trường đại học mỏ Paris (Ecole des mines de Paris), cho đến năm 1988.
1946: Giám đốc Trung tâm Phân tích kinh tế của trường đại học mỏ (Ecole des Mines) và Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia.
1947: Economie et intérêt (Kinh tế học và tiền lãi).
1947-1968: giáo sư kinh tế học lý thuyết tại Viện Thống kê của Đại học Paris.
1949: kỹ sư tiến sĩ của Khoa khoa học, thuộc Đại học Paris.
1954: Les fondements comptables de la macro-économique (Nền tảng kế toán của kinh tế học vĩ mô).
1959: L’Europe unie. Route de la prospérité (Châu Âu thống nhất. Con đường đi đến thịnh vượng).
1960: Les aspects essentiels de la politique de l’énergie (Các khía cạnh chính của các chính sách năng lượng).
1965: Reformulation de la théorie quantitative de la monnaie (Trình bày lại lý thuyết định lượng tiền tệ).
1967: Les fondements du calcul économique (Nền tảng của toán kinh tế).
1971: La libéralisation des relations économiques internationales (Tự do hóa các quan hệ kinh tế quốc tế).
1976: L’impôt sur le capital et la réforme monétaire (Thuế vốn và cải cách tiền tệ).
1977: được huân chương Bắc đẩu bội tinh.
1978: nhận huy chương vàng của CNRS. La théorie générale du surplus (Lý thuyết tổng quát về thặng dư).
1980: về hưu.
1988: nhận giải thưởng của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel.
1989: Les conditions monétaires d’une économie de marché (Những điều kiện tiền tệ của một nền kinh tế thị trường).
1990: được bầu là thành viên của Viện Hàn lâm các ngành khoa học đạo đức và chính trị, thuộc Viện Hàn lâm của Pháp. Pour l’indexation. Pour la réforme de la fiscalité (Vì sự chỉ số hóa. Vì sự cải cách thuế).
1991: L’Europe face à son avenir: que faire? (Châu Âu trước tương lai của nó: phải làm gì?)
1992: Erreurs et impasses de la construction européenne (Những sai lầm và ngõ cụt của sự kiến tạo châu Âu).
1994: Combats pour l’Europe: 1992-1994 (Cuộc chiến vì châu Âu: 1992-1994).
1999: La crise mondiale d’aujourd’hui. La mondialisation: la destruction des emplois et de la croissance (Cuộc khủng hoảng thế giới ngày nay. Toàn cầu hóa: sự phá hủy việc làm và tăng trưởng).
2001: Fondements de la dynamique monétaire (Nền tảng của động thái tiền tệ).
2002: Nouveaux combats pour l’Europe: 1995-2002 (Những cuộc chiến mới vì châu Âu: 1995-2002).
2006: L’Europe en crise: que faire? (Châu Âu trong thời kỳ khủng hoảng: phải làm gì?)
2010: mất ngày 09 tháng mười ở Saint-Cloud (Hauts-de-Seine).
Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của Allais
• Traité d’économie pure, Clément Juglar, 1994.
• Economie et intérêt, 2eed., Clément Juglar, 1998.
• La libéralisation des relations économiques internationales, Gauthier-Villars, 1971.
• L’impôt sur le capital et la réforme monétaire, Hermann, 2eed., 1988.
• La théorie générale des surplus, 3eed., Clément Juglar, 1994.
• Pour la réforme de la fiscalité, Clément Juglar, 1990.
• La crise mondiale d’aujourd’hui, Clément Juglar, 1999.
• La mondialisation: la destruction des emplois et de la croissance, Clément Juglar, 1999.
• L’Europe en crise: que faire?, Clément Juglar, 2006.
Những tác phẩm viết về Allais
• Un savant méconnu: portraits d’un autodidacte, sur l’œuvre de Maurice Allais, Clément Juglar, 2002.
• Marchés, capital et incertitude. Essais en l’honneur de Maurice Allais, par Marcel Boiteux, Thierry de Montbrial et Bertrand Munier (dir.), Economica, 1986.
• Portée et signification de l’œuvre de Maurice Allais, prix Nobel d’économie, 1988, par Bertrand Munier, Revue d’économie politique, vol. 99, 1989, pp. 1-27.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Maurice Allais, précurseur méconnu et libéral hétérodoxe” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012
[1] Mô hình các thế hệ đan chéo: mô hình cho phép diễn giải những tác động của các chính sách kinh tế có tính đến cấu trúc nhân khẩu học.↩