26.8.19

Condorcet Marie

Nicolas de Condorcet (1743-1794)

Condorcet Marie-Jean-Antoine-Nocola Caritat (marquis de), 1743-1794

Tư tưởng lịch sử
Xuất thân từ một gia đình quý tộc nhỏ vùng Picardie, Condorcet theo học với các linh mục dòng Tên ở Reims, rồi ở trường Navarre và ở Paris. Năm 1769, ông tham gia Viện hàn lâm khoa học Paris và kết bạn với d’Alembert, Diderot, Voltaire, Helvétius, Condillac. Ông cộng tác vào Supplément của Grande Encyclopedie (phụ lục của bộ Đại từ điển bách khoa). Năm 1774, dưới thời bộ trưởng Turgot là bạn ông, ông trở thành thanh tra tiền tệ và mối quan tâm của ông đến các vấn đề kinh tế sẽ không bao giờ suy giảm. Năm 1782, ông gia nhập Viện hàn lâm Pháp. Tuyên bố công khai những tư tưởng cộng hoà, ông được bầu vào Quốc hội lập pháp năm 1791 và được bổ nhiệm vào Uỷ ban giáo dục và viết năm báo cáo cho Uỷ ban, rồi sau đó tiếp tục được bầu vào Hội nghị quốc ước (Convention). Bị phái Montagne nghi ngờ và lên án là có cảm tình với phái Gironde, ông phải bỏ chạy. Ông bị kết án tử hình ngày 2 tháng 10 năm 1793, lẫn trốn trong vùng Paris rồi bị bắt do bị tố cáo. Ông mất trong tù Bourg-la-Reine vào tháng ba năm 1794, trong những điều kiện chưa được làm rõ. Trước khi chết ông đã hoàn tất tác phẩm chính của mình là Esquisse d’un tableau historique des progrès de l’esprit humain (Phác thảo bức tranh lịch sử những tiến bộ của trí tuệ con người) ([1795] 1988).
Michelet đã có thể nói rằng Condorcet là nhà triết học cuối cùng. Tất cả còn phải hiểu nghĩa của từ này. Thật vậy, Condorcet là người thừa kế của triết học khai sáng được phát triển ở Pháp và ở Anh vào thế kỉ XVIII. Triết học này không còn là một lĩnh vực đặc biệt của nhận thức, nhưng là một lĩnh vực phổ cập, nơi bén rễ của các khoa học tự nhiên, toán học, luật học, chính trị học, các khoa học xã hội, lịch sử loài người. Nhất là bộ môn này cung cấp lí thuyết đích thực về khả năng nhận thức của chúng ta. Nhưng thế nào là nhận thức? Không phải bằng cách trả lời câu hỏi quan trọng này mà Condorcet tỏ ra độc đáo. Dưới mắt ông, cũng như đối với hầu hết những triết gia Anh và Pháp đương thời, nguồn gốc của những hiểu biết của chúng ta là cảm giác, mọi kinh nghiệm trước tiên bắt nguồn từ năng lực cảm giác. Kí ức, sự tưởng tượng, các ý tưởng phức tạp bắt nguồn từ những thao tác kết hợp đều nảy sinh từ cảm giác. Đặt nguồn gốc của nhận thức ở cảm giác, ở kinh nghiệm cảm nhận được là xác định, theo một thuật ngữ được truyền bá thời bấy giờ, một lí thuyết duy nghiệm về nhận thức.
Denis Diderot (1713-1784)
Tư tưởng của Condorcet không quy giản về một chủ nghĩa kinh nghiệm đã trở thành thông dụng trong thế kỉ Ánh sáng. Thật ra, phải đặc trưng hoá chủ nghĩa kinh nghiệm của ông như một chủ nghĩa chiết trung, theo nghĩa mà Diderot gán cho thuật ngữ này trong Encyclopédie (Bách khoa toàn thư): “Người chiết trung là một nhà triết học dẫm dưới chân mình thành kiến, truyền thống, tình trạng lâu đời, sự đồng ý phổ cập, tóm lại tất cả những gì bắt số đông đầu óc phục tùng, dám tự mình suy nghĩ, truy tìm những nguyên lí tổng quát rõ ràng nhất, xem xét, bàn luận và chỉ chấp nhận chúng trên cơ sở những luận chứng của kinh nghiệm và lí tính của mình”. Trong chủ nghĩa chiết trung, năng lực của chúng ta chứng tỏ chúng đã được sử dụng tốt. Chủ nghĩa chiết trung là triết học đúng đắn, là chủ nghĩa duy nghiệm tốt. Về mặt này, tác phẩm của Condorcet, gần như khép lại thế kỉ, là di chúc đích thực của triết học chính thức.
Do đó nhận thức là kết hợp những cảm giác thể theo những quy luật phi lí tính. Không thể kết hợp mà không sử dụng kí hiệu. Theo Condorcet, sử dụng những kí hiệu tuỳ tiện là điều tự nhiên. Con người tự bản chất có khả năng dùng những quy ước. Tương tự như thế đối với sự tồn tại của xã hội: vốn dĩ con người thiết chế các xã hội, các xã hội này tích hợp vô số quy ước; các xã hội không dựa trên một khế ước nhưng ra đời từ sự tất yếu phải thoả mãn những nhu cầu. Các ngôn ngữ có sự tiến bộ theo chiều hướng của tính chính xác, tính đơn ứng của những quan hệ giữa kí hiệu với những ý tưởng và đồ vật. Có được tiến bộ này là nhờ việc sáng tạo chữ viết, nhất là chữ viết bằng bảng chữ cái mà, đối với Condorcet là một cuộc cách mạng thật sự của nhân loại. Từ nay, ứng với một âm là một kí hiệu viết và kí hiệu viết này đơn ứng với những yếu tố cấu thành ý tưởng. Chữ viết bằng bảng chữ cái giống như là sự phát triển của nhận thức, một phương pháp phân tích. Sự phát minh máy in đánh dấu sự đăng quang của cuộc cách mạng này.
G. W. Leibniz (1646-1716)
Có rất nhiều ngôn ngữ nhưng trí tuệ của con người là thống nhất. Vậy có thể nào thiết lập một một ngôn ngữ phổ cập thể hiện chính xác những thao tác của tâm trí? Dự án thiết lập một ngôn ngữ phổ cập đã có trong triết học của Leibniz và của Condillac. Vấn đề cơ bản mà Condorcet cũng vấp phải là có thể nói một ngôn ngữ phổ cập như thế không: phải chăng nó được viết bằng kí hiệu toán học, tức bằng đại số? Giá trị của ngôn ngữ này sẽ là được mọi người tiếp cận: minh bạch vì duy lí, nó sẽ là công cụ của một “toán học xã hội” cho phép tính toán một cách duy lí hành vi của những công dân-cử tri để soi sáng họ trong các quyết định chính trị. Một giấc mơ của nhà triết học khai sáng? Điều có ý nghĩa là vấn đề ngôn ngữ phổ cập được xem xét trong phần Dixième période (thời kì thứ mười) của tác phẩm Esquisse đề cập đến những tiến bộ tương lai của trí tuệ con người.
Auguste Comte (1798-1857)
Đối với tác giả của Esquisse, nguyên nhân quyết định của tiến bộ gần như là sự phát triển chậm của những tri thức triết học và khoa học mà những tiến bộ kinh tế, xã hội, chính trị đều phụ thuộc vào. Văn bản này minh hoạ cho điều được cho là đặc trưng của chủ nghĩa duy tâm của thế kỉ Ánh sáng mà triết học của A. Comte đã thừa hưởng những tia sáng cuối cùng. Tuy nhiên, bức tranh được chia làm ba phần, mỗi phần lại được chia làm ba thời kì. Thời kì thứ nhất là khi con người tập hợp thành bộ tộc, thời kì thứ hai là khi các dân tộc chăn nuôi chuyển sang nông nghiệp, thời kì thứ ba là khi nông dân tiến đến sự phát minh chữ viết, đặc trưng chủ yếu của ba thời kì đầu là quan hệ của con người với thiên nhiên, với cuộc sống vật chất. Chỉ đến thời kì thứ tư khi chữ viết được phát minh thì tiến bộ của các xã hội mới phụ thuộc vào sự tiến bộ của trí tuệ. Lí thuyết “duy tâm” về lịch sử xuất hiện với sự phát minh của chữ viết trong khi nó có mặt lờ mờ trong các thời kì trước. Thật vậy khi không có chữ viết thì không thể có sự tự trị của trí tuệ, không có tiến bộ của khoa học, không có tiến bộ của trí tuệ.
Daniel Bernouilli (1700-1782)
Nhưng làm thế nào quan niệm vị thế của lịch sử? Nếu tin vào ý kiến phổ biến thời bấy giờ, sử học chỉ có thể là sự thu thập những sự kiện trong quá khứ được tập hợp trong các đài tưởng niệm, các tư liệu. Đối với Condorcet, một bức tranh lịch sử không thể tự bằng lòng với việc liệt kê những sự kiện, nhưng hơn nữa còn phải cố gắng nêu bật những quy luật biến đổi tri thức, xã hội, chính trị... Ông công nhận là có thể mở rộng phép tính sang các đối tượng xã hội, con người. Trên điểm này, toán học không còn trung thành với Descartes nữa mà thuộc về những khám phá theo trật tự của xác suất (đặc biệt được J. Bernouilli nghiên cứu). Sự đối lập giữa sự xác thực hiển nhiên của các khoa học và khả năng của tính xác thực của lịch sử biến mất khi ta có thể khống chế cái khả năng, “đối lập ngẫu nhiên với chính nó”. Ở đây cách nhìn mục đích luận bắt đầu hình thành. Không thể tách rời việc nghiên cứu những sự kiện của con người như những đối tượng của khoa học với vấn đề tiến bộ và hạnh phúc của nhân loại. Nhờ các khoa học đặt nền tảng trên phép tính xác suất, ta có thể dự báo, và do đó hành động. Comte sẽ ghi nhớ điều này.

Nếu hệ thống biểu trưng những tri thức của con người như được trình bày trong Discours préliminaire de l’Encyclopédie (Dẫn nhập Bách khoa toàn thư) không khớp với phả hệ thật sự các tri thức, bức tranh mà Condorcet đề xuất có tham vọng lịch sử. Thứ tự lịch sử là thứ tự thực tế, chứ không phải là lí tưởng; sự hình thành của lí tính là có thực chứ không phải là lí tưởng. Tiến bộ chi phối thứ tự này về mặt khái niệm đồng nhất với tính có thể hoàn thiện của con người mà Thế kỉ [Ánh sáng – ND)] thừa nhận là bất định. Condorcet công nhận tính có thể hoàn thiện là liên tục và không có những bước quay lùi. Tuy nhiên có thể có những thời kì đình trệ và suy đồi (thời Trung cổ). Hơn nữa ông thừa nhận tính tích cực của một số sai lầm từng góp phần cho sự tiến bộ của các khoa học: theo nghĩa này, Descartes là một ví dụ. Về mặt định lượng, tiến bộ có tính cộng dồn. Nhưng ông không loại trừ những mặt tiêu cực – cho dù con người không ý thức sự có mặt của chúng – đóng góp vào sự tiếp cận của nhân loại đến tính duy lí và hạnh phúc.

Condorcet, bằng hành động chính trị và sự nghiệp của mình, minh hoạ một cách hiếm có cho những yêu cầu cơ bản của triết học khai sáng. Về mặt chính trị, ông là một nhà cộng hoà, bảo vệ những quyền con người, đã viết một dự thảo hiến pháp. Cụ thể, ông bảo vệ ý cho rằng mọi con người đều bình đẳng và theo bản chất là tự do. Mọi người đều có quyền thụ hưởng giáo dục công cộng, một chủ đề mà ông đã viết năm báo cáo sau này sẽ tạo cảm hứng cho J. Ferry (bộ trưởng giáo dục Pháp chủ trương “trường công thế tục, miễn phí và bắt buộc” – ND) vào năm 1881. Mọi người có nghĩa là kể cả phụ nữ mà trong bài Sur l’admission des femmes au droit de cité (Về quyền tham gia chính trị của phụ nữ) ông đòi hỏi cụ thể quyền cho nữ công dân, nghĩa là quyền bầu cử của nữ giới. Vào thời đó, đây là một điều phi thường. Mọi người cũng còn có nghĩa là kể cả những người da đen lúc bấy giờ là những nô lệ. Năm 1781, ông viết Réflexions sur l’esclavage des nègres (Suy nghĩ về sự nô lệ của người da đen). Sự nô lệ phủ nhận một cách sâu sắc bản chất của Lí tính. Như vậy, Condorcet trong các lĩnh vực lí thuyết, chính trị, xã hội đã kiên trì xem xét vô cùng nghiêm túc ý niệm về sự phổ cập. Trong phần thời kì thứ mười của Esquisse đề cập đến những tiến bộ tương lai của trí tuệ con người ta đọc được: “Sẽ đến một ngày mặt trời chỉ soi sáng những người tự do trên trái đất, những người không biết minh chủ nào khác hơn là lí trí của mình.”
Michèle Crampe-Casnabet
Đại học sư phạm Fontenay Saint-Cloud
Toán học xã hội

Chính trong Tableau général de la science qui a pour objet l’application du calcul aux sciences politiques et morales (Bức tranh tổng quát về khoa học có đố tượng là việc áp dụng phép tính vào các khoa học chính trị và đạo đức), công bố trên Journal d’instruction sociale (Tạp chí giáo dục xã hội) các ngày 29 tháng 6 và 6 tháng 7 năm 1793 mà Condorcet giới thiệu và phát triển ý niệm “toán học xã hội”. Thời gian đó ông đang bận tâm với thời sự nóng bỏng là sự khởi đầu của giai đoạn Khủng bố và việc thủ tiêu chính trị các người bạn của ông thuộc phái Gironde. Hơn nữa đây là một văn bản chưa hoàn tất và có nhiều lí do để nghĩ rằng việc viết nó là cực kì nhanh do câu văn của Condorcet nhiều lúc là tỉnh lược. Nhưng phải đặt văn bản này trong một một tập những quan niệm chín muồi trong đầu ông suốt hai mươi năm, điều này khiến một số đoạn ám chỉ trở nên hiểu được.
Ở đây Condorcet muốn trình bày quan niệm đặc biệt của ông về “số học chính trị”. Trong thế kỉ XVIII, những lĩnh vực được bộ môn này hình dung bao gồm điều tra dân số, ước lượng tuổi thọ, tính toán nguồn thu của thuế khoá, của cải và tiêu dùng quốc gia cũng như các số liệu ngoại thương. Về mặt này các công trình của Condorcet được tiến hành theo một quan niệm rộng hơn về bộ môn này mà ông muốn xác định một cách chính xác hơn khi định nghĩa nó, vào đầu những năm 1780, trong Encyclopédie Méthodique (Bách khoa các phương pháp) như việc “áp dụng phép tính vào các khoa học chính trị” ([1767-1789] 1994, 483). Một sự mở rộng như thế chủ yếu là kết quả của vai trò chính yếu mà Condorcet trao cho phép tính xác suất.
Trong một mảnh viết tay có tựa là “Arithmétique politique” (Số học chính trị) (1772), Condorcet quy nghệ thuật ước đoán về hai định nghĩa số học chính trị, định nghĩa thứ hai báo trước bản chất của toán học xã hội. Như vậy, “qua đó ta chỉ hai việc [:] hoặc là sự trình bày chính xác số lượng con người, tuổi thọ của họ, diện tích đất đai, số lượng thu nhập, tiền bạc, thuế má v.v. có được trong một đất nước. Đó thuần tuý là một khoa học các sự kiện, hoặc là chỉ việc, một khi đã xác lập các sự kiện bằng những phép tính nói trên, cách ta phải ứng xử trước những biến cố tương lai theo phép tính xác suất" ([1767-1789] 1994, 303). Thế mà điều mà Condorcet xem là ba điểm của phương pháp trí tuệ do số học chính trị tiến hành như được ông quan niệm, tức là Toán học xã hội, gồm chính xác ba điểm sau: 1) xác định các sự kiện; 2) kết quả các sự kiện; 3) xác suất của các sự kiện và kết quả, “bất kể cho đối tượng nào mà khoa học này xem xét” ([1767-1789] 1994, 112).
Như vậy phép tính xác suất cho phép Condorcet tích hợp, hay ít ra là hệ thống hoá, vị trí của những yếu tố mới. Từ đó các tính toán xổ số, các bảng tử vong, tô tức trọn đời, bảo hiểm, phương thức bầu cử hay ra quyết định được hình dung như những đối tượng nghiên cứu hoàn toàn của số học chính trị và cũng chính các đối tượng này được phân bổ vào ba điểm cấu thành dự án toán học xã hội của ông. Liên quan đến “con người”, điểm thứ nhất gồm có các tính toán tỉ suất tử vong, các phương thức bầu cử hay ra quyết định. Tiếp đó, Toán học xã hội quan tâm đến các “sự vật”, trong đó có các cuộc xổ số và bảo hiểm hàng hải. Còn các tô tức trọn đời và bảo hiểm nhân thọ được liệt vào mục thứ ba liên quan đến “con người” và các “sự vật”.
Dự án Toán học xã hội của Condorcet có hai đặc điểm. Đặc điểm thứ nhất nằm ở chính bản chất của chương trình nghiên cứu, được khẳng định và đảm nhận. Đặc biệt với sự nhấn mạnh đến nội hàm mơ hồ, thu hẹp hay/và đa nghĩa của các thuật ngữ “phân tích”, “số học”, “đạo đức” và “chính trị” ([1793] 1981, 106-107). Condorcet tuyên bố rèn giũa một thuật ngữ mới cấu thành khoa học về sự hạnh phúc công, Toán học xã hội. Không thể không nghĩ là đồng thời ông dùng nó để tự phân biệt với cả Buffon lẫn Petty, hai tác giả từng đại chúng hoá, theo thứ tự, các cụm từ “số học đạo đức” và “số học chính trị”.

William Petty (1623-1687)
Đặc điểm thứ hai bắt nguồn từ một tín điều khoa học luận: như Condorcet khẳng định năm 1782 trong diễn văn khi được nhận vào Viện hàn lâm Pháp, các khoa học đạo đức, với điều kiện sàng lọc khắt khe qua phép tính xác suất mỗi mệnh đề của chúng, có thể “đạt đến cùng một mức độ chắc chắn” ([1847-1849] I, 392) như các khoa học vật lí. Chính trong nghĩa này mà phép tính xác suất giữ một vị trí chủ yếu trong Toán học xã hội. Cũng chính theo nghĩa này  mà nên diễn giải sự kính trọng được Condorcet nhấn mạnh, trong tác phẩm Esquisse d’un tableau historique des progrès de l’esprit humain (Phác thảo bức tranh lịch sử những tiến bộ của trí tuệ con người) ([1795] 1988), đối với J. de Witt, người đứng đầu nền hành pháp Hà Lan, mà, theo ông, mới thực sự là người đầu tiên sử dụng phép tính xác suất trong số học chính trị.
Tuy nhiên, theo Condorcet, toán học xã hội không nên chỉ dành riêng cho các chính khách. Vào giữa những năm 1780, chắc chắn là ta thấy Condorcet ráo riết tiếp cận nhiều chính khách hàng đầu để khẩn cầu họ tìm hiểu bộ môn này. Nhưng trong các dự án giáo dục ông chấp bút trong thời Cách mạng (Pháp – ND) Condorcet chủ trương đưa số học chính trị vào các chương trình học đường. Riêng việc Condorcet phác thảo dự án toán học xã hội của ông trong tạp chí có tên là “giáo dục xã hội” là thêm một biểu hiện cho thấy ý muốn của ông đưa toán học xã hội thành một bộ môn cho đại chúng. Ý muốn này không chỉ là thôi thúc của đòi hỏi, phù hợp với các nguyên lí cộng hoà, theo đó tất cả các công dân phải trở thành những người “có khả năng” ([1847-1849] VII, 280) thực thi các chức vụ chính trị. Thật vậy, đối với Condorcet, Toán học xã hội, như K.M. Baker ([1975] 1998, 441) nhấn mạnh, cũng là một “khoa học về cách cư xử cá nhân” cho phép con người “đánh giá xác suất” ([1847-1849] VI, 560) của mỗi hệ quả của những hành động của bản thân, đặc biệt đối với kinh tế gia đình.
A. A. Cournot (1801-1877)

Thế kỉ XIX không hề xác thực các dự báo lạc quan của Condorcet mà ông đã trình bày trong “thời kì thứ mười” của tác phẩm Esquisse về việc phổ biến Toán học xã hội và phép tính xác suất, và ngay chính các công trình của ông cũng không được đón nhận một cách tốt đẹp. Trong tác phẩm Essai philosophique sur les probabilités (Tiểu luận triết học về xác suất) (1814), P. S. Laplace bỏ qua ông, trong những bài viết của họ A. A. Cournot và D. Poisson theo thứ tự không hoặc hiếm khi trích dẫn ông và J. Bertrand (1839, 319) nổ phát sung kết liễu khi tuyên bố rằng đóng góp chính của Condorcet cho toán học xã hội, Essai sur l’application de l’analyse à la probabilité des décisions rendues à la pluralité des voix (Tiểu luận về việc áp dụng giải tích vào xác suất những quyết định được lấy từ nhiều phiếu bầu) (1785) là một tác phẩm mà “không một mệnh đề nào là chấp nhận được, không có kết luận nào tiếp cận được với chân lí”. Không chỉ các nhà toán học mới có đánh giá bất lợi. A. L. Destut de Tracy và A. Comte tuy công nhận thiên tài của Condorcet không hề đề cập đến toán học xã hội của ông.
Kenneth Arrow (1921-2017)
P. S. Laplace (1749-1827)
Chỉ đến sau thế chiến thứ hai toán học xã hội của Condorcet mới được xem xét lại. Một cách hồi cố, Tiểu luận năm 1785 được nâng lên thành văn bản mở đường cho lí thuyết lựa chọn xã hội, với các công trình của K. J. Arrow ([1954] 1978), G. T. Guilbaud (1952) và D. Black (1958). Đồng thời sự phát triển của thống kê mô tả cũng đã góp phần phục hồi “khoa học mới” do Condorcet chủ trương, đặc biệt với hai tác phẩm dành cho nó của G. G. Granger (1956) và R. Rashed (1974).      
Jean-Nicolas Rieucau
Đại học Montpellier III – Paul Valéry
· Oeuvres, Paris, Firmin-Didot, 1847-1849, 12 vol.; (1797-1789), Arithmétique politique, Textes rares ou inédits, Paris, INED, 1994; (1765), Essai sur l’application de l’analyse à la probabilité des décisions rendues à la pluralité des voix, rééd. partielle, Sur les élections, Paris Fayard, 1986; (1791), Cinq mémoires sur l’instruction publique, Paris, Edilig, 1989; (1793), “Tableau général de la science qui a pour objet l’application du calcul aux sciences politiques et morales in Journal d’instruction sociale, 29 juin-6 juillet, Paris, EDHIS, 1981, 105-128, 166-184 ‘ (1795), Esquisse d’un tableau historique des progrès de l’esprit humain, Paris, Garnier-Flammarion, 1988.

ARROW K. J. (1951), Choix collectifs et préférences individuelles, Paris, Calman-Lévy, 1974 – BAKER K. M. (1975), Condorcet, raison et politique, Paris, Hermann, 1988 – BLACK D., The Theory of committes and elections, Cambridge, Cambridge University Press, 1958 – BRU B., “Statistique et bonheur des hommes”, Revue de synthèse, 1988, 1, 59-95 – BERTRAND J., Calcul des probabilités, Paris, Gauthier-Villards, 1889 – CRAMPE-CASBANET M., Condorcet, lecteur des Lumières, Paris, PUF, 1985 – CRÉPEL P., “Condorcet, la théorie des probabilités et les calculs financiers”, in R. RASHED (éd.), Sciences à l’époque de la Révolution franVaise, Paris, Albert Blanchard, 1988 – CRÉPEL P., GILAIN C. (éd.), Condorcet, mathématicien, économiste, philosophe, homme politique, Paris, Minerve, 1989 – GRANGER G. G. (1956), La Mathématique sociale du marquis de Condorcet, Paris, O. Jacob, 1989 – GUILBAUD G. T., “Les théories de l’intérêt général et le problème logique de l’agrégation”, Economie appliquée, 1952, 5, 501-584 – RASHED D., Condorcet, Mathématique et société, Paris, Hermann, 1974 – RIEUCAU J. N., Nature et diffusion du savoir dans la pensée de Condorcet, Paris, L’Harmatan, 2001.   
® Sử học và xã hội học; Toán học xã hội; Tiến bộ.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Dictionnaire de la pensée sociologique của Massimo Borlandi, Raymond Boudon, Mohamed Cherkaoui và Bernard Valade (chủ biên), Paris, PUF, 2005.
Print Friendly and PDF