10.5.22

Ukraine: Vì sao châu Á không chia sẻ tầm nhìn về chiến tranh của chúng ta

UKRAINE: VÌ SAO CHÂU Á KHÔNG CHIA SẺ TẦM NHÌN VỀ CHIẾN TRANH CỦA CHÚNG TA

Hubert Testard

Một con phố ở Kharkiv, miền đông Ukraine, sau một đợt dội bom của Nga, ngày 1 tháng 3 năm 2022. (Nguồn: Jakarta Post)

Cuộc đấu tranh của các nền dân chủ chống lại các chế độ độc tài làm dậy sóng dư luận phương Tây. Ở châu Á, cuộc chiến này rất ít được chú ý. Ở đó, cuộc chiến có vẻ xa vời và không gợi lên bất kỳ sự đồng thuận ngoại giao nào. Phản ứng của chính phủ các nước hầu hết đều ở mức thận trọng. Các phản ứng đó được xác định về mặt lịch sử quan hệ với Nga, nỗi ám ảnh về mối quan hệ với Trung Quốc, và đôi khi là chủ nghĩa cơ hội kinh tế nhằm chiếm chỗ do các doanh nghiệp phương Tây để lại hoặc từ sự suy giảm quan hệ thương mại giữa châu Âu và Nga. Về phía người dân, các luận điểm Nga-Trung, được truyền tải hiệu quả trên các phương tiện truyền thông xã hội, có ảnh hưởng nhiều hơn khi kích hoạt lại tinh thần chống chủ nghĩa đế quốc và chống chủ nghĩa thực dân, vốn âm ỉ trong một thời gian dài. Cội nguồn cũng như diễn biến cuộc chiến này đều không được nhìn nhận theo cách giống như ở Châu Âu hay Hoa Kỳ.

Cuộc vận động ban đầu của một số nước châu Á chống lại cuộc chiến ở Ukraine, và các lệnh trừng phạt được áp đặt bởi bốn chính phủ châu Á – Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore – có thể đã tạo ra ảo tưởng trong những ngày đầu cuộc xung đột. Nhưng bức tranh toàn cảnh hiện tại không mấy khích lệ.

CUỘC VẬN ĐỘNG NGOẠI GIAO CỦA CÁC NƯỚC CHÂU Á BỊ YẾU DẦN

Bảng minh họa dưới đây so sánh số phiếu của một số nước châu Á trong hai sự kiện quan trọng: cuộc bỏ phiếu lên án hành động xâm lược của Nga tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 2 tháng 3 vừa qua, khi có 141 nước ủng hộ nghị quyết do phương Tây đề xuất; và cuộc bỏ phiếu ngày 7 tháng 4 nhằm đình chỉ sự tham gia của Nga vào Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc sau nhiều cáo buộc về tội ác chiến tranh của quân đội Nga.

Không thể so sánh tầm vóc của hai cuộc bỏ phiếu này một cách triệt để. Các nước “phi tự do” đã có phản xạ bảo vệ lợi ích của nước họ trước mọi hành động đặt lại vấn đề về sự vận hành của Ủy ban Nhân quyền, được thể hiện qua sự phản đối của ba nước cộng sản châu Á (Trung Quốc, Việt Nam, Lào) và Kazakhstan. Nhưng trong số 16 nước châu Á được chọn lọc trong bảng này, số phiếu trắng và phiếu “ủng hộ” cân bằng nhau trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 2 tháng 3, thì nghị quyết ngày 7 tháng 4 chỉ còn tập hợp được có ba nước châu Á ủng hộ, và gần như toàn bộ các nước ASEAN đều bỏ phiếu trắng. Một cuộc bỏ phiếu minh họa cho thấy sự thiếu ủng hộ của châu Á đối với cuộc đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền do các nước phương Tây dẫn đầu.

Ở cương vị lãnh đạo ba hội nghị thượng đỉnh đa phương trong năm 2022, Indonesia làm chủ tịch cho hội nghị G20, Thái Lan làm chủ tịch cho hội nghị APEC, và Campuchia làm chủ tịch cho các hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Đông Á, họ tìm mọi cách tránh đưa ra bất kỳ lập trường nào có thể khiến họ lạc điệu trong công tác tổ chức các hội nghị thượng đỉnh này. Bằng chứng là quyết định của Indonesia mời Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky tới dự hội nghị G20 ở Bali vào ngày 15 và 16 tháng 11.

PHẦN LỚN CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT CỦA CHÂU Á ĐỀU TRÁNH ĐỤNG ĐẾN TRỌNG TÂM XUẤT KHẨU NGA: NĂNG LƯỢNG

Một số nước châu Á, vốn đã công bố các lệnh trừng phạt đối với Nga, đã từ khước bất kỳ quyết định nào về nhập khẩu năng lượng, ngoại trừ Nhật Bản trong thời gian gần đây. Trên thực tế, nếu xuất khẩu của châu Á sang Nga sụt giảm vào tháng 3 do tác động cộng dồn từ các lệnh trừng phạt, các vấn đề hậu cần và các khó khăn trong thanh toán, thì nhập khẩu năng lượng xuất xứ từ đất nước của Vladimir Putin đã tăng ở mức đáng kể, đặc biệt là sang Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, có một sự khác biệt giữa than, dầu hỏa và khí đốt.

Fumio Kishida (1957-)

Châu Á đặc biệt chiếm một tỉ trọng lớn trong số than xuất khẩu của Nga: 58% trên tổng số than xuất khẩu của Nga trong năm 2021. Trong khi Trung Quốc là khách hàng hàng đầu (22%), Nhật Bản (12%), Hàn Quốc (10%) và Đài Loan (6%), đối với Nga, các nước trên tượng trưng cho một thị trường quan trọng hơn toàn bộ Liên minh châu Âu. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 8 tháng 4 đã thông báo sẽ từng bước ngừng nhập khẩu than từ Nga, trong khi các nhà khai thác Hàn Quốc thì thông báo không có ý định gia hạn các hợp đồng hiện hữu. Do đó, cán cân bán than Nga, giữa châu Âu và châu Á, sẽ bị kìm lại.

Tình hình đối với dầu hỏa thì khác. Châu Á chiếm 41% dầu hỏa xuất khẩu của Nga trong năm 2021, ít hơn một chút so với Châu Âu (46%). Song, không có vấn đề đưa dầu hỏa vào danh sách trừng phạt của châu Á. Cho đến nay, Trung Quốc từ lâu là nước nhập khẩu dầu hỏa Nga lớn nhất châu Á (31% dầu hỏa xuất khẩu của Nga). Mức cầu của Trung Quốc đã giảm trong tháng 3 do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhưng thị phần Nga trong nguồn cung Trung Quốc vẫn ổn định. Nước nhập khẩu dầu hỏa Nga lớn thứ hai châu Á là Hàn Quốc, nước không tham gia lệnh cấm vận theo quyết định của Hoa Kỳ. Ấn Độ và Indonesia, những nước nhập khẩu ít hoặc không nhập khẩu dầu hỏa Nga cho đến nay, đang trong quá trình đàm phán các nguồn cung dầu hỏa Nga, để tận dụng các khoản chiết khấu mà các nhà khai thác Nga đưa ra. Ấn Độ đang mở rộng cuộc đàm phán này sang việc triển khai phương thức thanh toán song phương bằng đồng rúp hoặc đồng rupee Ấn Độ, một cơ chế mà Indonesia cũng có kế hoạch sử dụng.

Đối với khí đốt, điểm đến châu Âu là điều khó tránh khỏi. Thứ nhất, bởi vì Lục địa Già chiếm ba phần tư khí đốt xuất khẩu của Nga, so với chỉ 13% với châu Á. Kế tiếp, bởi vì phần lớn khí đốt xuất khẩu này đi qua các đường ống dẫn khí đốt, vốn khó thay thế. Về phía châu Á, Trung Quốc là khách hàng chính với đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia”, nhưng Nhật Bản cũng là một khách hàng quan trọng của khí đốt tự nhiên hóa lỏng Nga, đặc biệt thông qua một trạm tập kết chung đầu cuối với Gazprom trên đảo Sakhalin. Thế nhưng, [Thủ tướng Nhật Bản] Fumio Kishida vừa thông báo Nhật Bản sẽ không từ bỏ quan hệ hợp tác với Gazprom. Nghiên cứu của các chuyên gia năng lượng Nhật Bản đã chỉ ra cho thấy việc thay thế nguồn cung [khí đốt] từ Sakhalin bằng các nguồn cung [khí đốt] trên thị trường giao ngay có thể tiêu tốn tới 15 tỷ US$ trong vòng một năm, một mức giá được coi là cắt cổ.

Tóm lại, giữa sự hợp tác tích cực mà Trung Quốc đang theo đuổi với Nga, những giới hạn của việc hy sinh lợi ích mà những nước đã cam kết trong các lệnh trừng phạt, và chủ nghĩa cơ hội của Nam Á và Đông Nam Á, thì châu Á trong tổng thể sẽ vẫn là điểm đến ưu tiên cho năng lượng xuất khẩu Nga.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA QUAN HỆ HỢP TÁC QUÂN SỰ VỚI NGA

Một số nước châu Á có quan hệ hợp tác quân sự lâu dài và rất tích cực với Nga. Nhìn chung, châu Á chiếm 60% doanh số bán vũ khí của Nga trên toàn thế giới.

Nguồn: Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

Năm nước châu Á mua vũ khí Nga nhiều nhất đều là những nước bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc vào ngày 2 tháng 3. Các nước khác ở Đông Nam Á và Nam Á – Indonesia, Malaysia, Miến Điện, Pakistan – cũng là những khách hàng mua vũ khí của Nga, nhưng ở mức độ thấp hơn.

Trường hợp của Ấn Độ thì sáng tỏ hơn: hai phần ba số vũ khí mà nước này nhập khẩu đều đến từ Nga. Hàng không mẫu hạm duy nhất của Ấn Độ, 71% các chiến đấu cơ của Không quân Ấn Độ và xe tăng chiến đấu chủ lực đều xuất xứ từ Nga. Ấn Độ hiện đang theo đuổi một hợp đồng rất lớn về chuyển giao hệ thống phòng không tầm xa S 400, một trong những tinh hoa trong thế hệ vũ khí mới nhất của Nga. Việt Nam cũng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung vũ khí Nga, chiếm 80% doanh số mua vũ khí của họ, và sự hợp tác quân sự với Nga vẫn là một đảm bảo chính của nước này để đối đầu với Trung Quốc.

Nhìn chung, châu Á không có ý định đặt lại vấn đề về sự hợp tác quân sự với Nga, là nước cung cấp các hệ thống vũ khí thường được coi là rẻ hơn và phù hợp hơn. Anh và Hoa Kỳ hiện đang gợi ý Ấn Độ giảm bớt sự phụ thuộc quân sự với Nga, nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu các động thái này có một tác động gì hay không.

THÁCH THỨC NÔNG NGHIỆP: QUYỀN TỰ CHỦ CHÍNH TRỊ HẠN CHẾ HAY CƠ HỘI

Ai cũng biết vai trò của Nga và Ukraine trong nguồn cung ngũ cốc và phân bón trên thế giới là rất cần thiết. Châu Á nhìn chung bị ảnh hưởng ít hơn so với Bắc Phi hoặc Trung Đông. Một số nước có thể tận dụng tình hình căng thẳng rất mạnh trên thị trường nông nghiệp để phát triển xuất khẩu của chính nước họ.

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã công bố các phân tích về mức độ phụ thuộc của nhiều nước khác nhau vào ngũ cốc xuất khẩu của Nga và Ukraine. Các nước lớn của châu Á hoặc có một mức độ phụ thuộc thấp vào ngũ cốc nhập khẩu, chẳng hạn như Trung Quốc, hoặc nói chung là phụ thuộc nhiều, nhưng chủ yếu với các nước cung cấp phương Tây, chẳng hạn như Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Tuy nhiên, cũng có một số nước khác rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là Mông Cổ và ở mức độ thấp hơn là Sri Lanka, hai nước đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu phản đối cuộc chiến ở Ukraine vào ngày 2 tháng 3.

Nói về thời cơ, Ấn Độ đang trở thành một nước xuất khẩu ngũ cốc lớn. Trong khi xuất khẩu của nước này ở mức thấp cho đến năm 2020, thì xuất khẩu ngũ cốc của Ấn Độ đã bắt đầu tăng trưởng vào năm 2021-2022 để đạt 6 triệu tấn, và có khả năng đạt 10 triệu tấn trong vòng hai năm tới. Các hợp đồng mua bán ngũ cốc rất lớn đang được đàm phán với Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước đang đặc biệt hứng chịu sự sụt giảm nguồn cung ngũ cốc từ Nga và Ukraine.

DƯ LUẬN BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI CÁC LUẬN ĐIỂM THÂN NGA

Doublethink Lab, một nhóm giám sát không gian mạng của Đài Loan, vào đầu tháng 4, đã công bố một báo cáo phân tích cách thức mà chính quyền Trung Quốc cho phép tuyên truyền của Nga lan truyền trên các phương tiện truyền thông chính thức và mạng xã hội Trung Quốc (Weibo, Douyin), đồng thời kiểm duyệt các nội dung ủng hộ Ukraine. Các luận điểm về trách nhiệm của NATO trong việc phát động chiến tranh và sự tài trợ của phương Tây cho các phong trào tân phát xít ở Ukraine đã được truyền tải rộng rãi từ nhiều tuần nay, trong khi hầu như vắng bóng chủ đề về tội ác chiến tranh của Nga. Việc phổ biến các thông tin thân Nga này không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Nó cũng lan đến toàn bộ cộng đồng châu Á gốc Hoa, đặc biệt là ở Singapore, Indonesia, Thái Lan và Malaysia.

Rodrigo Duterte (1945-)

Một luồng quan điểm khác lại nổi lên về sự phẫn nộ chống thực dân và chống đế quốc vẫn tồn tại ở phần lớn các nước châu Á. Đối với các nước này, các luận đề của phương Tây bị coi là đạo đức giả, vì trước đây đã không ngần ngại tiến hành chính các cuộc xâm lược (cụ thể là cuộc chiến ở Iraq) và từ chối người tị nạn từ Trung Đông. Dư luận ở Ấn Độ và Indonesia đặc biệt nhạy cảm với chủ đề Thế giới thứ ba và chống phương Tây. Một cuộc thăm dò của Yougov, vào cuối tháng 3 ở Ấn Độ, được tờ The Economist trích dẫn, cho thấy 40% số người được khảo sát tán thành cuộc xâm lược Ukraine, và hơn một nửa có quan điểm ủng hộ Vladimir Putin. Tổng thống Nga được cho là một người đàn ông mạnh mẽ có khả năng đối đầu với người Mỹ. Người ta hẳn còn nhớ sự nhiệt tình của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã coi Putin là người hùng yêu thích của mình, trước khi thay đổi chính kiến sau khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu.

Ngoài dư luận, chính phủ các nước châu Á còn có một cách nhìn khác về cuộc chiến ở Ukraine, vốn về cơ bản gắn liền với tương lai các mối quan hệ giữa các nước châu Á với nhau. Nhật Bản muốn tin vào sự thành công của các lệnh trừng phạt và sự thất bại của Nga, để thuyết phục Trung Quốc không dấn thân vào cuộc phiêu lưu xâm lược Đài Loan. Hàn Quốc muốn ngăn nước láng giềng phương bắc phát triển thêm kho vũ khí hạt nhân. Ấn Độ cho phép phương Tây ve vãn họ, nhưng không từ bỏ Nga, để củng cố vị thế chiến lược của họ đối với Trung Quốc. Trên hết, Đông Nam Á muốn tránh phải lựa chọn giữa quan hệ với Trung Quốc và quan hệ với phương Tây.

Trên bình diện kinh tế, chủ nghĩa thực dụng và việc tìm kiếm cơ hội sẽ dẫn đến một sự chuyển dịch thương mại và đầu tư trực tiếp vào Nga từ châu Âu sang châu Á – và chắc chắn là sang cả Trung Đông, vốn đang trở thành mảnh đất ẩn náu của các nhà tài phiệt. Âu-Á một lần nữa sẽ trở thành một lục địa bị chia rẽ, lần này với việc Nga trở thành một phần của châu Á do hoàn cảnh bắt buộc.

Về tác giả

Hubert Testard

Hubert Testard

Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm tại các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cho ASEAN. Ông cũng đã tham gia vào việc phát triển các chính sách của Châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù là trong WTO hay các cuộc đàm phán với các nước Châu Á. Từ bốn năm nay, Hubert Testard là giảng viên, tại trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po], về phân tích tương lai học của châu Á. Ông đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Pandémie, le basculement du monde [Đại dịch, sự chuyển hướng của thế giới]”, vào tháng 3 năm 2021, NXB Editions de l Aube. 

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Ukraine: pourquoi l’Asie ne partage pas notre vision de la guerre, Asialyst, ngày 30/04/2022.

Print Friendly and PDF