18.5.22

Sự sống và sự chết

SỰ SỐNG VÀ SỰ CHẾT

Tác giả: Edgar Morin

BLOG L'HUMANOLOGUE CÔNG BỐ NGÀY 17/1/2022

Cho đến kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của tôi, đối với câu hỏi người ta đặt ra cho tôi về chính cái chết của tôi, tôi đã trả lời bằng cách viện dẫn những sức mạnh của sự sống đã đẩy lùi một cách mạnh mẽ trong tôi nỗi lo lắng về sự chết. Hẳn nhiên, có lúc sự xâm nhập của hư vô vụt lóe lên trong tôi. Buổi tối trước khi ngủ tôi đã thường tự hỏi: “Liệu tôi sẽ thức dậy vào sáng mai không?” Vả lại câu hỏi đó gây tò mò hơn là gây lo lắng.

Và rồi tôi nhớ lại vào đầu năm 2021, khi tôi nằm ở cửa tử trong một cơn xuất huyết đường ruột không dứt, kèm theo nhiễm khuẩn huyết (đã được ngăn chặn vào giờ phút cận kề cái chết), tôi đã sống trong một trạng thái trung gian giữa tê mê và bình thản, nhưng không lo sợ.

Khi tôi được 100 tuổi, tôi đặc biệt lúng túng khi phải chuyển từ hàng chục qua hàng trăm để tính tuổi của mình. Từ khi tôi được 10 tuổi, tôi cảm nhận như nhiều người khác là sự thay đổi về thập niên tạo thành một giai đoạn có tính tượng trưng của cuộc đời. Nhưng, từ tuổi thiếu niên đến tuổi già chín mươi, tôi vẫn ở trong giới hạn của độ tuổi được tính bằng hai con số.

Sự xuất hiện đột ngột của một tuổi mới, độ tuổi một trăm, với hai con số không, trước tiên được trải nghiệm bằng những lễ kỷ niệm sinh nhật của tôi như một ngày hội. Điều đó đã che lấp sự việc là tôi đã đi vào một khoảng không gian và thời gian mới về phương diện toán học và hiếm có về phương diện con người.

Rồi tôi đã cảm nhận nỗi lo lắng này thường xuyên hơn: cái chết đã đến gần, không phải trực diện với tôi, mà ấn nấp sau lưng tôi; vô hình nhưng luôn luôn hiện diện và ngày càng gần hơn.

Tôi nghĩ đến điều đó và rồi tôi quên” (“J’y pense et puis j’oublie”) như trong bài hát của Jacques Lanzmann. Nhưng khi tôi nghĩ đến nó, tôi không thể thực sự nghĩ đến nó: cái chết của chính tôi là một lỗ đen tạm thời xâm chiếm trí óc tôi.

Hơn nữa, trí óc tôi đang chứa đầy những người bạn đã qua đời. Mọi kỷ niệm không những gợi cho tôi nhớ những giây phút đã qua, mà còn đem trả lại một sự sống không có thực cho tất cả những ai đã sống cùng tôi dù ngắn ngủi. Vậy là những người thân yêu nhất, trong tình bạn cũng như trong tình yêu, vẫn hiện diện trong sự vắng mặt, đồng thời lại vắng mặt trong sự hiện diện của họ. Từ đó một nỗi u buồn đến với tôi ngày càng thường xuyên hơn.

Tôi không khổ vì điều tồi tệ nhất của tuổi già: sự cô đơn. Tôi có một người bạn đường và tôi sống trong tình yêu với bà ấy. Sự dịu dàng âu yếm làm quên đi cái chết. Những cáu giận thình lình của bà ấy, những căng thẳng do tuổi già của tôi chỉ thoáng qua. Về điều này tôi là người được ưu đãi. Ở tuổi xế chiều, tôi cũng được gặp các con gái và cháu ngoại của tôi, với cảm nhận sung sướng là tôi có gia đình của tôi”; điều này đã đem lại bình an cho tâm hồn tôi.

Con người và sự chết

Sự chết đã luôn luôn gợi lên, ngoài tính xác thực của nó về mặt sinh học, những suy tưởng về tính hư ảo của sự sống. Nó cũng là một chủ đề của thi ca: Ô mort, vieux capitaine, il est temps! levons l’ancre!” (Baudelaire) - "Hỡi Thần chết, người thuyền trưởng già, đã đến lúc rồi! Hãy nhổ neo thôi!" [Hoàng Hưng dịch] -. Hay còn là: “Ainsi, toujours poussés vers de nouveaux rivages/ Dans la nuit éternelle emportés dans retour/ Ne pourrons-nous jamais sur l’océan des âges/ Jeter l’ancre un seul jour?” (Lamartine)

[Mải miết trôi nào biết đâu bờ bến/ Trong đêm dài vô tận cuốn miên man/ Có thể nào trên biển cả thời gian/ Neo thuyền lại chỉ một ngày thôi nhỉ? - bản dịch của Lý Lãng Nhân -]

Ni le soleil ni la mort ne peuvent se regarder en face”, - Mặt trời và sự chết không thể nhìn thẳng vào nhau - La Rochefoucauld đã viết như vậy. Về phần tôi, năm 28 tuổi tôi đã viết L’homme et la mort Con người và sự chết – (1951), không phải để nhìn “thẳng vào cái chết” mà là để thử hiu cách nhìn của con người đối với sự chết: hiểu các thái độ, cảm nhận, niềm tin và những quan niệm của con người về sự chết xuyên qua lịch sử và các nền văn minh.

Tại sao tôi đã viết quyển sách này? Lúc đó tôi không bận tâm về cái chết của chính tôi. Nhưng sự chết đã luôn hiện diện trong tôi từ khi mẹ tôi qua đời khiến tôi thành mồ côi lúc 10 tuổi; tôi là con trai duy nhất của bà và bà là đối tượng duy nhất của tình yêu của tôi. Rồi trong chiến tranh đã có cái chết của những người thân: những người kháng chiến như tôi (bạn tôi Claude Dreyfus, người phụ tá của tôi, người Đức Jean Krazatz chống phát xít), những người bà con bị bắt đi tù (chú Jo, chú Benjamin của tôi) cùng hàng triệu chiến sĩ và dân thường.

Lúc đó tôi có hai phát hiện quan trọng.

Phát hiện thứ nhất là ngay từ thời tiền sử, người tinh khôn Homo sapiens (cũng như Homo neanderthalensis) đã ý thức rằng sự chết là sự tan rã không cứu vãn được của xác thịt, nhưng đã vượt qua nhận thức này với niềm tin về một sự sống sau sự chết. Sự sống này có thể dưới dạng các hồn ma của tổ tiên mà con người phải sợ hãi hoặc tôn thờ, hoặc dưới dạng tái sinh thành một con người hay thú vật. Những tôn giáo cứu rỗi vốn sinh sôi nhiều trong Đế quốc La Mã còn đem đến lời hứa về một sự phục sinh bằng xác thịt. Và thánh Paul đã có thể thốt lên lời thách thức: “Ô mort où est ta victoire?” (Hỡi thần chết, chiến thắng của ngươi ở đâu?)

Sau thời kỳ Phục Hưng ở châu Âu xuất hiện một chủ nghĩa hoài nghi bí mật hoặc kín đáo về sự bất tử của linh hồn và về niềm tin vào một đấng Thượng Đế tạo hóa, một chủ nghĩa hoài nghi trở thành rõ ràng thiên về thuyết bất khả tri và chống tôn giáo nơi các triết gia thế kỷ 18 tại Pháp. Tuy nhiên, Thượng Đế và sự bất tử của cứu rỗi đã kháng cự một cách mạnh mẽ. Đáng chú ý là nước Mỹ là một xã hội vừa thiên về vật chất vừa là một xã hội sùng tôn giáo nhất, rằng nước Nga trong 70 năm theo ý thức hệ duy vật và ngăn cấm tôn giáo, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ đã trở lại sùng đạo như trước cách mạng. Ngày nay, chúng ta thấy các nước Ả Rập, vốn đã biết đến những trào lưu lớn về dân chủ, xã hội chủ nghĩa và cộng sản trong thế kỷ 20, trở thành những xã hội sùng đạo, trong khi bùng lên một thiểu số những kẻ giết người cuồng tín. Sự sụp đổ của thứ tôn giáo cứu rỗi trên trần gian là chủ nghĩa cộng sản đã dấy lên sự trở lại của những tôn giáo cũ về cứu rỗi trên thiên đường tại rất nhiều nước.

Phát hiện thứ hai là người tinh khôn Homo sapiens vốn kinh sợ sự chết, nhưng có khả năng liều mạng sống của mình vì một sự nghiệp cao cả hơn: gia đình hay tổ quốc.

Trong quyển sách này, có lẽ bị lay động bởi nỗi kinh sợ sự chết, trong phần kết luận tôi đã dự kiến sự kéo dài dần dần đời sống con người[1]. Đó không phải là sự bất tử - con người vẫn phải chịu những tai nạn chết người, nhưng khoa học sẽ cho phép mãi mãi làm chậm cái chết.

Leslie Orgel (1927-2007)
Jean Claude Ameisen (1951-)

Nhưng trong một lần tôi lưu lại viện sinh học Salk ở San Diego, nhà hóa học kiêm sinh học Leslie Orgel đã thuyết phục tôi rằng cái chết xảy đến là không thể tránh khỏi, hệ quả của sự tác động của những ngẫu nhiên không dứt về lượng tử đến những trao đổi phân tử trong nội bộ các tế bào; rồi tôi đã phát hiện ra cơ chế của sự chết tế bào theo chương trình (apoptose) – lập trình cái chết của tế bào, tương tự như lá rụng vào mùa thu. Vậy là tôi đã viết một lời nói đầu tự phê phán và tôi đã từ bỏ giấc mơ về chiến thắng của khoa học đối với sự chết.

Còn sau này nữa, nhà sinh vật học Jean Claude Ameisen đã phát biểu với tôi rằng kết luận đầu tiên của tôi vào năm 1951 là thích đáng. Ta có thể dự báo trong một tương lai khá gần một sự kéo dài của sự sống: bằng cách dùng những tế bào gốc có trong cơ thể của chúng ta, bằng tác động đối với các telomere[2] của các DNA của chúng ta, và cuối cùng là bằng các bộ phận nhân tạo như tim, thận, gan và những cơ quan khác. Do đó tôi đã có một kết luận mới theo hướng này.

Nhưng tôi vẫn tiếp tục bác bỏ ý tưởng không thể chấp nhận được về sự bất tử trên trần gian mà một số sứ giả của thuyết xuyên nhân loại đã tái lập. Chúng ta không những không thể tránh được các tai nạn chết người mà chúng ta còn không thể và không nên loại trừ các virus và vi khuẩn cùng những chiến lược biến thể của chúng.

Hai mươi năm sau quyển sách này, tôi đã được biết rằng ta có thể xem xét sự chết từ quan điểm vật lý: vật chất và vũ trụ cũng bị suy tàn và chết đi. Sau đó mười năm, tôi đã có thể xem xét sự chết từ quan điểm hoàn toàn sinh học. Theo dòng những biến chuyển về trí thức của tôi vốn đã khiến tôi viết tác phẩm La Méthode (Phương pháp), tôi đã phát hiện tầm quan trọng phổ quát của nguyên tắc thứ hai của nhiệt động lực học, nguyên tắc này dạy rằng tất cả những gì được tổ chức thì sớm muộn gì cũng đi đến sự rối loạn và tất các các yếu tố sẽ tách rời nhau và phân tán. Tất cả rồi sẽ chết, bao gồm cả những vì sao mà trước đây ta tưởng là vĩnh cửu. Tất cả sẽ tan rã, ngay cả các phân tử và nguyên tử.

Edwin Hubble (1889-1953)
Rudolf Clausius (1822-1888)

Sự chết không chỉ là một thực tại sinh học. Đó là một thực tại vũ trụ thường hằng với cái chết của các vì sao. Đó sẽ là thực tại cuối cùng của Vũ trụ: trừ phi, ai mà biết được, vũ trụ này tái sinh duy nhất và siêu việt, và từ cái chết của chính nó sẽ sinh ra một Vũ trụ mới.

Từ lúc đó, có thể dự báo là Mặt Trời của chúng ta, Mặt Trăng thân thuộc của chúng ta, Trái Đất của chúng ta, sự sống được phát triển ở đó, loài người, tất cả đều không thoát khỏi sự chết. Đây là thành quả rất vững chắc của Clausius và Hubble: sự chết của Vũ trụ.

Tuy nhiên vẫn còn câu hỏi này: tại sao và như thế nào lại có sự tổ chức trong vũ trụ của chúng ta? Đó là vấn đề mà tôi đã trình bày trong tập một của tác phẩm La Méthode, La Nature de la nature (Bản chất của tự nhiên.) Nó đưa đến câu hỏi thứ hai: tại sao có sự sống?

Sự xuất hiện của sự sống

Sự xuất hiện của sự sống trước tiên dường như là một loại phép lạ, do những hoàn cảnh phi thường và duy nhất riêng có của hành tinh chúng ta. Một cơn lốc xoáy các phân tử được liên kết và tổ hợp với nhau để tạo thành một sinh vật nucleoprotein[3], có tính tự tổ chức tương đối, nhưng hoạt động bên trong (những giao tiếp ADN-ARN-protein) và bên ngoài (những vận động và xê dịch) đều tiêu thụ năng lượng và như vậy là cần được cung cấp những năng lượng bên ngoài. Mọi tự chủ của sự sống đều tùy thuộc vào môi trường của nó.

Ngày nay ta có thể tự hỏi phải chăng những điều kiện xuất hiện của sự sống đã không thể được tìm thấy trên một vài trong vô số hành tinh của vũ trụ. Dù sao đi nữa, phải chú ý đến năng lực nhận thức-tổ chức tuyệt vời vốn đã xuất hiện, từ thuở bình minh của sự sống, trong sinh vật đơn bào sơ khai. Năng lực tự sản sinh này, do tách ra hay do nhân lên của ADN của nó để tạo thành hai sinh vật sinh đôi là một sáng tạo đặc biệt tài tình. Cuộc chiến đấu chống lại sự chết bằng cách tự sản sinh là một ưu điểm hàng đầu và cơ bản gắn liền với tính tự chủ về môi trường và tổ chức của sự sống. Trong khi đối với chúng ta, sự nhận thức giả định phải có một bộ não, (là bệ đỡ của tất cả các hoạt động nhận thức), thì các vi khuẩn và thực vật đã hội nhập nhận thức vào tổ chức của chúng.

Việc tái sinh sự sống đã có một bước ngoặt với sự phát minh ra tình dục, nghĩa là sự phân biệt giữa đực-cái và sự bổ sung cần thiết của chúng để hoài thai một con người mới. Từ đó, một mối giây liên hệ mới được tạo ra giữa cá thể và giống loài.

Cá thể, tuy được lồng vào giống loài, vẫn thấy lồng vào thành một đơn vị vượt khỏi giống loài. Giống loài hiện diện trong cá thể (trong ADN của cá thể) đồng thời tách biệt khỏi nó trước thách thức của sự chết. Cá thể sẽ chết trong ngắn hạn trong khi giống loài mãi mãi tiếp tục sinh sản các cá thể.

Thế là chúng ta đứng trước hai nghịch lý: cá nhân là tất cả và không là gì cả. Cá nhân là tất cả đối với y vì giống loài đã ban cho y tính chủ thể, nghĩa là tự cho mình là trung tâm (égocentrisme); cá nhân là kho báu của chính y, nhưng kho báu này sẽ được hứa hẹn đi về hư vô. Giống loài là tất cả và không là gì cả. Giống loài là tất cả bao gồm các cá nhân đến vô tận, nhưng nó không hề có một sự hiện hữu cụ thể nào; nó thường xuyên cung cấp sự sống nhưng nó không có đời sống. Các cá thể chết vì sự suy thoái của bộ máy sinh sống. Giống loài vẫn tiếp tục tồn tại xuyên qua sự chết của các cá thể, cho đến khi cá thể cuối cùng bị diệt vong và lúc đó giống loài sẽ biến mất.

Điều khủng khiếp đối với cá nhân chính là bị thúc đy phải chiến đấu không ngừng chống lại sự chết thông qua hô hấp, nhịp đập của trái tim, lưu thông của máu trong cơ thể, nhu cầu uống và nuôi sống, đồng thời biết chắc chắn rằng cái chết sẽ là định mệnh kết thúc cuộc chiến đấu này. Huyền thoại Sisyphe là ẩn dụ của tình trạng này.

Có nên yêu mến số phận này vì tình yêu đối với sự sống phù du được ban cho chúng ta? Amor fati? (Yêu lấy định mệnh của mình?), chịu nhẫn nhục với điều không thể tránh được? Resignazio? Quên đi? Giải trí?

Cuối cùng thì mỗi người phải tạo một ý nghĩa cho một sự sống vốn tự nó không có ý nghĩa, nghĩa là không có ý nghĩa lẫn mục đích mà trí óc con người có thể tiếp cận được. Ý nghĩa mà tôi tạo cho cuộc đời mình là tham gia vào cuộc phiêu lưu của nó: sống một cách nên thơ (nghĩa là trong cảm xúc của sự đồng điệu, cảm xúc thẩm mỹ, chiêm ngưỡng những vẻ đẹp của cuộc sống) đồng thời phẫn nộ trước những tàn ác của nó; ý nghĩa tôi tạo cho cuộc đời tôi là theo đuổi sự phiêu lưu của tri thức và nó đã đưa đến ngưỡng cửa của điều bất khả tri và của Bí ẩn. Đó cũng là sống cuộc đời mình như một Bí ẩn, bao gồm cả trong nghĩa thời Trung Cổ là “biểu tượng hầu như thiêng liêng”. Đó là cảm nhận thi vị của Bí ẩn.

Chúng ta bị chi phối bởi sức mạnh tổ chức và thông tuệ của cái mà ta gọi là giống loài, và nó đã được “ghi lại dấu vết” (engrammer) trong xoắn ốc lý-hóa kép của acid desoxyribonucleic, và trí tuệ về tổ chức chỉ có thể hoạt động bên trong một tế bào và một cơ thể. Giống loài cho phép chúng ta tồn tại như những người tự chủ về môi trường và tổ chức tương đối độc lập: Chúng ta chi phối giống loài đồng thời nó chi phối chúng ta.

Những hành động, lời nói, suy nghĩ của chúng ta tùy thuộc vào chúng ta và cũng tùy thuộc vào giống loài. Giống loài, và qua nó, cơ thể của chúng ta nghĩ đến sự chết cho chúng ta. Chúng luôn luôn chiến đấu chống lại sự chết mà chúng ta không nhận ra. Giống loài cho chúng ta đà sống (élan vital) và chính đà sống này đẩy lùi sự chết và nỗi lo lắng của nó.

Thế lưỡng nan của giải trí

Blaise Pascal (1623-1662)
Henri Bergson (1859–1941)

Từ đó có vấn đề “giải trí theo triết gia Pascal” mà Pascal đã tóm tắt thành hai công thức gây ấn tượng mạnh: Con người vì không thể chữa lành khỏi cái chết, sự khốn khổ, ngu dốt, họ đã cho rằng để được sung sướng là không nghĩ đến những điều ấy nữa” và “Điều duy nhất an ủi chúng ta khỏi những khốn khổ của chúng ta là giải trí tuy nhiên đó là nỗi khốn khổ lớn nhất của chúng ta.

Pascal là nhà tư tưởng Pháp nhạy cảm nhất với những nhập nhằng và mâu thuẫn của con người; tuy nhiên ông đã không nhạy cảm với sự nhập nhằng của giải trí.

Quả thật giải trí đánh lạc hướng đầu óc của chúng ta bằng cách che khuất sự chết. Là đồ đệ của phái Jansen, Pascal bị ám ảnh bởi sự cứu rỗi, đạt được bởi đời sống khắc khổ; ông giục chúng ta từ chối giải trí. Nhưng Pascal đã không thấy điều mà Henri Bergson đã thấy hai thế kỷ sau: sự sống cũng được thúc đẩy bởi một “đà sống” (élan vital). Tất cả những gì đến từ đà sống – yêu thích tìm lạc thú, trò chơi, hoạt động – có thể được quan niệm là giải trí.

Điều mà ta gọi là các cách giải trí – đi xem kịch, chiếu bóng, trận cầu – cũng nuôi dưỡng tinh thần tưởng tượng: vậy có phải chỉ đơn thuần là giải trí? Cảm xúc thẩm mỹ đâu phải chỉ là giải trí? Đó có phải là nhiều biểu hiện của một ý chí muốn sống: sống một cách viên mãn, mãnh liệt, thi vị? Đó là những ước vọng sâu xa của cuộc sống chúng ta.

Bằng cách làm việc không ngừng, có ý thức hay không có ý thức, có phải chúng ta đang tìm những hương vị và hạnh phúc mà ta chỉ có thể cảm nhận và thưởng thức khi còn sống?

Chết là sự kết thúc của sự sống, nhưng mục đích của sự sống không có gì khác hơn là chính sự sống. Tồn tại, là sống để mà sống. Và sống thì tốt hơn nhiều so với sống sót; sống chính là hưởng thụ những gì chúng ta có thể hay muốn hưởng. Khoái lạc tột cùng sự giao hợp biểu thị sự gặp gỡ nhất thời hòa quyện vào nhau nơi Éros (Thần Tình yêu) và Cosmos (Vũ trụ) hòa lẫn vào nhau.

Nhận thức của chúng ta đòi hỏi chúng ta không được quên sự chết. Lý trí của chúng ta đòi hỏi chúng ta nhẫn nhục với sự chết. Nhưng ý chí muốn sống của chúng ta đòi hỏi chúng ta phải quên sự chết đi. Vậy là chúng ta phải sống trong sự nhập nhằng này: quên mà không quên sự chết.

Như vậy tính chủ thể của chúng ta bị giằng co giữa hai đối cực: một bên là chủ nghĩa lấy cái tôi làm trung tâm (moi-je) vốn chỉ có thể cảm nhận sự khủng khiếp của sự chết và một bên là sự tham gia vào cái gọi là chúng ta ưu việt hơn. Sự tham gia này đưa chúng ta đến chỗ hy sinh chúng ta cho một điều gì đó cao hơn chúng ta: làm cho chúng ta liều chết vì tình yêu đối với những người thân (cha mẹ, vợ chồng, con cái) hay vì sự tận tụy đối với cộng đồng. Mọi sự đồng điệu, mọi cộng đồng đều tăng cường “sức mạnh để tồn tại”. “sức mạnh để hành động” (Spinoza) và đẩy lùi nỗi lo sợ về sự chết.

Một mối quan hệ tinh tế và sâu kín kết nối sự sống và sự chết nơi các sinh vật đa bào thực vật và động vật. Sự đổi mới thường xuyên các tế bào của cơ thể chúng ta đòi hỏi chúng phải thường xuyên tái sinh bằng cách hủy hoại những tế bào cũ để thay bằng những tế bào mới. Như vậy, điều đang xảy ra trong cơ thể của chúng ta là một sự hủy hoại thường xuyên, một sự hủy hoại giúp cho một sự tái sinh toàn bộ.

Sự sống có khả năng dùng sự chết chống lại sự chết.

Charles de Gaulle (1890-1970)
Joseph Stalin (1878-1953)

Cuối cùng, chỉ có duy nhất một kẻ chiến thắng: sự chết” Stalin đã có lần nói với De Gaulle như vậy. Nếu quả thực sự chết dường như là kẻ chiến thắng cuối cùng trong cuộc phiêu lưu của sự sống và của Vũ trụ, mặc dù không một ai có thể biết được có hay không một Vũ trụ khác sẽ sinh ra trong một sự khởi đầu mới. Trong hiện trạng của những hiểu biết và sự ngu dốt của chúng ta, vì chúng ta không thể dự báo cũng như suy nghĩ về điều đó, thì trong lúc chờ đợi: hãy nghĩ cách sống tốt đẹp hơn.

Sự sống: từ ngữ rõ ràng nhất và bí ẩn nhất, tầm thường nhất và sâu sắc nhất là tên gọi của điều mà chúng ta vừa là nạn nhân vừa là tác nhân và chúng ta không thể hiểu và hình dung ra nó.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:La vie et la mort”, L’humanologue, 17.01.2022.




Chú thích:

[1] Đáng chú ý là sau khi đọc các công trình của Élie Metchnikoff, người bác sĩ Nga đã phát hiện ra miễn dịch học, và của nhà sinh vật học Sergueï Metalnikov, tác giả của tác phẩm La lutte contre la mort (1937). – Cuộc chiến đấu chống lại cái chết

[2] Telomere là những trình tự lặp lại của DNA ở các đầu mút của nhiễm sắc thể.

Khái niệm này mượn từ nguyên gốc tiếng Anh (phát âm Quốc tế: /ˈtēˌmi(ə)r/, tiếng Việt: tê-lô-me), là thuật ngữ do Elizabeth Blackburn (giải Nobel 2009) đề xuất năm 1978 hồi bà làm việc ở phòng thí nghiệm Gall tại Yale (Gall's lab at Yale) và đã được công nhận trong giới khoa học thế giới. [Theo Wikipedia -ND-]

[3] Nucleoprotein có ít nhất hai thành phần hoá học chính là axit nuclêic và prôtêin. Sự kết hợp giữa hai thành phần này dường như là tự nhiên, vì prôtêin có xu hướng tích điện dương, nên nó có xu hướng tương tác với chuỗi axit nucleic tích điện âm. [Theo wikipedia -ND-]

Print Friendly and PDF