12.5.22

Một năm đói kém: Chiến tranh Nga-Ukraine đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực liên quan đến khí hậu như thế nào

Một năm đói kém: Chiến tranh Nga-Ukraine đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực liên quan đến khí hậu như thế nào

Các tác giả: Ro McFarlane, Nenad Naumovski Shawn Somerset

Ảnh: Shutterstock

Giá lúa mì toàn cầu đã tăng vọt kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai. Hai quốc gia chiếm 30% lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới.

Điều đó có nghĩa là nhiều quốc gia có thu nhập thấp, những nước nhập khẩu lương thực ròng đang chuẩn bị chống chọi với một năm đói kém. Sự gián đoạn do chiến tranh đang làm gia tăng sự suy giảm sản lượng lương thực hiện có liên quan đến biến đổi khí hậu. Trên toàn cầu, biến đổi khí hậu đã làm giảm ít nhất là 1/5 sản lượng nông nghiệp trung bình toàn cầu.

Tình trạng mất an ninh lương thực thường dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội lan rộng, như chúng ta đã thấy trong các cuộc biểu tình Mùa xuân Ả Rập năm 2011, diễn ra sau khi giá các loại lương thực chính yếu tăng cao.

Các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong ngắn hạn, do họ là những nhà nhập khẩu lúa mì chính yếu của Ukraine và đang có các vấn đề lớn về an ninh lương thực. Những quốc gia phụ thuộc vào các mặt hàng cụ thể và không thể chuyển sang các nguồn lương thực thay thế cũng đang gặp rủi ro.

Khi nhiều quốc gia phải đối mặt với nạn đói và tình trạng an ninh lương thực ngày càng tồi tệ, đã đến lúc chúng ta phải tăng gấp đôi nỗ lực về vấn đề biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu làm gia tăng rủi ro, làm trầm trọng thêm tất cả các cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện có.

Người biểu tình chống chính phủ đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở Ai Cập trong cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập năm 2011. Ảnh: Ben Curtis/AP

Chiến tranh gây ảnh hưởng gì?

Thế giới sản xuất đủ lương thực để nuôi sống tất cả mọi người. Nạn đói vẫn tồn tại do các yếu tố quan trọng của việc phân phối và tiếp cận lương thực.

Chúng ta cũng có thể ghi thêm chiến tranh và biến đổi khí hậu vào danh sách này. Giá lúa mì hiện nay tăng mạnh là do sự kết hợp của áp lực chiến tranh và đầu cơ thị trường.

Nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới là Ai Cập, nước này mua hơn một nửa lượng calo. Đồng thời, Ai Cập cũng xuất khẩu gạo.

Đây là một sự kết hợp nguy hiểm. Phần lớn dân số Ai Cập sống trong cảnh nghèo đói, phụ thuộc nhiều vào lúa mì. Bất ổn dân sự bắt nguồn từ khi giá bánh mì tăng gần 40% trong năm 2007-08 do hạn hán ở các quốc gia sản xuất lương thực và giá dầu tăng.

Người nghèo ở Ai Cập dựa vào lúa mì nhập khẩu để làm bánh mì dẹt và các mặt hàng chủ lực khác. Ảnh: Amr Nabil/AP

Tình hình biến đổi khí hậu, xung đột và an ninh lương thực sẽ tiếp tục xấu đi

Hiện tượng ấm lên 1,2 ca thế gii đã làm gim sn lượng nông nghip trung bình ca thế giới ít nhất là 21%.

Cho đến nay, các nước giàu vẫn chưa thấy nhiều tác động. Nhưng phần còn lại của thế giới thì đã thấy. Ở châu Phi, Trung và Nam Mỹ, tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng đã tăng mạnh do lũ lụt và hạn hán làm hư hại mùa màng.

Người nghèo trên thế giới sống ở nơi đất đai có giá rẻ nhất và dễ bị tổn thương nhất do khí hậu khắc nghiệt. Họ thường không được tiếp cận hoặc thỉnh thoảng được tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông, việc làm đúng nghĩa, thức ăn và nước uống. Mỗi yếu tố này đều khuếch đại những yếu tố khác, điều này làm tăng thêm nhược điểm cơ bản và có thể thúc đẩy xung đột. Biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm tất cả các yếu tố này.

Vào năm 2022, một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia đang ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả và nguồn cung cấp lương thực, nhiên liệu và phân bón toàn cầu. Khi thế giới ấm lên và hệ thống nông nghiệp của chúng ta bắt đầu thất bại ở một số khu vực, chắc chắn rằng khí hậu, tình trạng mất an ninh lương thực và chiến tranh sẽ kết hợp với nhau để tạo ra nhiều đau khổ hơn.

Các nước giàu không được miễn nhiễm

Các quốc gia giàu có như Úc đang học được rằng tình trạng mất an ninh lương thực có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Những năm đại dịch đã dẫn đến tình trạng dễ bị tổn thương tài chính và mất an ninh lương thực ở nhiều người Úc hơn bao giờ hết.

Đại dịch xảy ra làm trầm trọng thêm cùng với các hiện tượng thời tiết liên quan đến biến đổi khí hậu làm gián đoạn nguồn cung cấp lương thực do cháy rừng và lũ lụt chưa từng có. Những trận mưa kỷ lục đã khiến việc bán những vụ ngũ cốc bội thu gần đây với giá tốt trở nên khó khăn hơn do thiệt hại vì nước đối với cây trồng cũng như cơ sở hạ tầng xuất khẩu bị hư hại do chu kỳ hạn hán kéo dài trước đó.

Úc xuất khẩu đủ lương thực cho 70 triệu người. Điều đó có thể mang lại cảm giác an ninh lương thực giả tạo. Trên thực tế, vị trí của chúng ta là lục địa có người sinh sống khô hạn nhất trong một thế giới không ngừng ấm lên đã khiến lợi nhuận trang trại giảm tới 35% kể từ năm 2000.

Ta có thể làm được gì?

Đối với nhiều người ở Ukraine, các khu vực xung đột khác và các trại tị nạn, cuộc sống trở thành một câu hỏi không biết bữa ăn tiếp theo sẽ đến như thế nào và khi nào.

Những người từng trải qua nạn đói thực sự biết rằng ký ức sẽ còn tồn tại ngay cả sau khi sống ở một đất nước giàu lương thực trong nhiều thập kỷ, như một tác giả đã biết khi sống qua cuộc chiến ở Nam Tư cũ.

Kiến thức về lương thực rất quan trọng đối với khả năng phục hồi: kỹ năng sản xuất và bảo quản lương thực, sự đa dạng của cỏ dại ăn được và cơ hội tìm kiếm thức ăn, cách thức hoạt động của chuỗi cung ứng và hậu quả của việc kinh doanh lương thực khi đối mặt với nạn đói.

Để xây dựng khả năng phục hồi khi đối mặt với những mối đe dọa ngày càng gia tăng và chồng chéo này, chúng ta phải thoát khỏi sự phụ thuộc hiện tại vào lúa mì, ngô và gạo để cung cấp đầy đủ 40% calo cho chúng ta. Trong số hàng nghìn loài thực vật trên thế giới, chúng ta trồng khoảng 170 loài trên cơ sở thương mại. Và trong số này, khoảng một tá loài thực vật đang cung cấp hầu hết các nhu cầu của chúng ta.

Lúa mì, ngô và gạo cung cấp một tỷ lệ cao đáng ngạc nhiên trong tổng số calo mà con người tiêu thụ. Ảnh: Shutterstock

Khi các mối đe dọa đối với an ninh lương thực ngày càng gia tăng, chúng ta cũng sẽ cần đặt câu hỏi tại sao lương thực cơ bản lại là hàng hóa mang lại lợi nhuận. Một cách tiếp cận triệt để nhưng được ủng hộ rộng rãi là mô hình trong đó lương thực được mua bán bình đẳng để giải quyết nhu cầu. Tiếp cận lương thực, xét cho cùng, là một quyền con người.

Nếu chúng ta có thể cài đặt sâu rộng các hệ thống lương thực công bằng và dễ phục hồi hơn, chúng ta sẽ có cơ hội tốt hơn để thích ứng với biến đổi khí hậu đã bị hạn chế bởi lượng khí thải trước đây, cũng như làm dịu đi các tia lửa xung đột. Cải thiện cách thức chúng ta sản xuất lương thực cũng có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.

Chúng ta được hoan nghênh bởi sự quan tâm ngày càng tăng đến sản xuất lương thực ở đô thị, nỗ lực tái định hình việc phân phối cũng như nông nghiệp tái sinh và đổi mới công nghệ ở các trang trại. Tổng hợp lại, những thay đổi này có thể rút ngắn chuỗi cung ứng và tăng tính đa dạng và khả năng phục hồi của lương thực.

Vì sao điều này là quan trọng? Bởi vì sản xuất lương thực gần nơi cư ngụ làm giảm nguy cơ mất an ninh lương thực liên quan đến biến đổi khí hậu, chiến tranh và các gián đoạn khác.

Khi ngày càng có nhiều người trong số chúng ta chuyển đến các thành phố, chúng ta sẽ phải chấp nhận việc sản xuất lương thực ở thành thị nhiều hơn và hỗ trợ cho các trang trại gia đình và các hộ nông dân nhỏ, những người vẫn sản xuất hơn một nửa lượng calo tiêu thụ của nhân loại cho đến ngày nay.

Chúng ta có một cơ hội thực sự - và cần - để suy nghĩ lại về cách sản xuất và phân phối lương thực mà chúng ta đang dựa vào. Chúng ta vẫn có cơ hội để tránh được một số đau khổ đang tiến đến chúng ta.

Về các tác giả

Ro McFarlane
Ro McFarlane là Trợ lý Giáo sư về Y tế Công cộng Sinh thái, Đại học Canberra














Shawn Somerset
Shawn Somerset là Giáo sư Y tế Công cộng / Giáo sư Dinh dưỡng và Chế độ ăn kiêng, Đại học Canberra







Nenad Naumovski
Nenad Naumovski là Phó Giáo sư Khoa học Lương thực và Dinh dưỡng Con người, Đại học Canberra




Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn:A year of hunger: how the Russia-Ukraine war is worsening climate linked food shortages?, The Conversation, ngày 26.04.2022

Print Friendly and PDF