PUTIN ĐANG CHIẾN THẮNG TRONG CUỘC CHIẾN THÔNG TIN
Kể từ nhiều năm nay, nước Nga của Putin đã từng bước chuyển đổi các sự thật của chế độ thành một chế độ của sự thật. Một “sự thật” được tạo nên từ những điều lừa phỉnh, bịa đặt, khác xa với các sự kiện, gần với cách thức theo kiểu Orwell - nhưng Putin đã hiểu nó có sức mạnh động viên về mặt chính trị. Vào thời điểm mà phe cực hữu đang tiến sát đến cổng quyền lực ở Pháp lấy cảm hứng từ mô hình này, đã đến lúc phải nghiên cứu kỹ về nó.
© Sergei Savostyanov/TASS/Sipa USA |
Từ các nhà ngoại giao châu Âu đến các nhà viết xã luận Mỹ, từ các nhà nghiên cứu về địa chiến lược đến các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông chính trị, thế giới các chuyên gia dường như nhất trí về một nhận định: kể từ khi xâm lược Ukraine, Nga đã thua trong cuộc chiến thông tin. Tin tức giả do chế độ Nga phổ biến sẽ lần lượt sụp đổ trước bức tường kiểm chứng sự kiện (fact checking) được các phương tiện truyền thông phương Tây dựng lên một cách có hệ thống. Bị tố cáo và bị chống lại một cách đồng loạt, những lời đả kích của Nga chống lại những “sự nói dối” và “sự lừa phỉnh” của Ukraine và NATO sẽ không còn lừa dối bất kỳ ai nữa.
Sự lạc quan này là quá sớm. Trước hết, nỗ lực mà các đàn chuyên gia dành cho việc tháo gỡ thông tin sai lệch của Nga chắc chắn sẽ chậm một bước so với đối thủ của họ. Cuộc chạy đua điên cuồng này nhằm khôi phục cái thật luôn xảy ra như là phản ứng đối với chiến lược “rải thảm bom” thông tin của Nga. Hơn nữa, việc kiểm tra sự kiện này chỉ ảnh hưởng đến những người có quyền truy cập nó, điều này không phải là trường hợp của một phần lớn người dân Nga. Thậm chí người ta còn lo sợ rằng những lập luận bác bỏ này sẽ chỉ thuyết phục những người vốn đã bị thuyết phục, kể cả ở phương Tây, nơi chính sách giải thông tin của chế độ của Vladimir Putin phát triển mạnh trong giới tân bảo thủ hoặc theo thuyết âm mưu.
Điểm mù của việc kiểm chứng sự kiện trên hết nằm ở đặc điểm của tính hiển nhiên mà nó thừa nhận cho chính ý niệm sự thật, thiết lập các thuật ngữ của cặp đôi dối trá/sự thật trở thành những điều phổ quát với các đường viền được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, chúng ta không thể chấp nhận các lập luận nhị nguyên của sự tuyên truyền của Nga, vốn luôn xoay chuyển giữa sự bịa đặt biếm họa, những lời nói dối vụng về và sự xuyên tạc thô bạo các sự kiện. Người ta thậm chí có thể đi xa đến mức nói rằng “sự thật” mà Vladimir Putin tuyên bố vượt lên trên bề mặt của sự kiện. Tiêu chuẩn đo lường của nó thực sự là một thực tế thay thế, được dệt nên một cách kiên nhẫn bởi các cơ chế kiểm duyệt và tẩy não, không phải chỉ trong năm mươi ngày qua, mà từ nhiều năm nay. “Sự thật” này tương ứng với một quan niệm về thế giới, với một dự án về xã hội và nền văn minh, mà những sự điều chỉnh chỉ về các sự kiện không thể nào lay chuyển được.
Kể từ khi xâm lược Ukraine, Nga đã thua trong cuộc chiến thông tin. Sự lạc quan này là quá sớm.
GUILLAUME LANCEREAU
Thông tin và giải thông tin
Để nắm bắt các thành tố khác nhau của chế độ giải thông tin của Nga, cần phải phân biệt, một mặt, các khẳng định thuộc lĩnh vực “giả mạo và sử dụng giả mạo” thô thiển nhất, và mặt khác, các cấu trúc tu từ công cụ hóa các bán sự thật hoặc phóng đại tầm quan trọng của chúng.
Volodymyr Zelensky (1978-) |
Xu hướng của chế độ sản xuất và lưu hành các sự thật nhập lậu đã được thiết lập rõ ràng. Nó được ghi nhận trong một lịch sử lâu đời về sự thao túng dư luận quốc gia và quốc tế, trước cả thời Liên Xô với một trong những ví dụ khét tiếng nhất, Nghị định thư của các trưởng lão của Si-ôn (Протоколы сионских мудрецов), sự giả mạo do công an mật Nga hoàng tạo ra để thúc đẩy chủ nghĩa bài Do Thái trên toàn cầu đã có từ năm 1903[1]. Thậm chí ngày nay, chính phủ Nga tự cho phép mình trình bày những điều sai sự thật trắng trợn với thế giới. Cuộc xâm lược Ukraine được đưa ra như là một hoạt động “giải quốc xã hóa (dénazification)” một nước bị tố cáo phạm tội “diệt chủng” ở Donbass. Nếu Ukraine - giống như nhiều quốc gia khác, bắt đầu từ chính Nga[2] – cũng có các nhóm cực hữu nhỏ, thì các nhóm này bị duy trì ở một khoảng cách xa đối với các chính phủ và quốc hội, đặc biệt là kể từ khi Volodymyr Zelensky được bầu. Các quan chức Ukraine cũng chính là những người đầu tiên phẫn nộ trước vụ Nga bắn tên lửa gần đài tưởng niệm Holocaust ở Babin Jar vào ngày 1 tháng 3 năm 2022, điều này sẽ khiến họ trở thành những kẻ phát xít thật kỳ lạ …
© Vladimir Gerdo/TASS/Sipa USA |
Cùng một loại ý tưởng tương tự, Tổng thống Liên bang Nga tuyên bố trong bài phát biểu ngày 16 tháng 3 vừa qua rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông là một phản ứng cốt tử đối với sự chuẩn bị của chính quyền Ukraine, hợp tác với Lầu Năm Góc, về “các thí nghiệm trên các chủng coronavirus, bệnh than, dịch tả, bệnh dịch tả lợn Châu Phi và các bệnh chết người khác” để chế tạo vũ khí sinh học nhằm sớm tấn công Nga[3]. Trong sự biếm họa này vào năm 2003, người ta gần như có thể mường tượng hình ảnh của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov lắc một lọ “bệnh than” hoặc “bệnh tả” trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong sự biếm họa này vào năm 2003, người ta gần như có thể mường tượng hình ảnh của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov lắc một lọ “bệnh than” hoặc “bệnh tả” trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
GUILLAUME LANCEREAU
Thậm chí gần đây hơn, mọi thứ đã được vận dụng để khiến công chúng tin rằng các vụ thảm sát ở Boutcha là một sự “dàn dựng” và “sự khiêu khích” của Ukraine nhắm vào các phương tiện truyền thông phương Tây[4]. Sự cường điệu này có điều gì đó nực cười nếu mức độ bịa đặt của nó không khiến nó trở nên đáng sợ hơn: ví dụ, khi nhà báo Nga Andrej Medvedev khẳng định rằng thị trấn Boutcha đã cố tình được lựa chọn làm địa điểm của một trò lừa bịp của NATO vì sự gần nhau giữa tên của nó và từ butcher (“đồ tể”), có khả năng kích động sự phẫn nộ chống Nga của công chúng Anglo-Saxon.
Một số điều phản sự thật này đã được tháo gỡ ngay lập tức, trong đó có cả tin đồn do Điện Kremlin tung ra, về việc trục xuất các sinh viên Nga khỏi các trường đại học ở châu Âu: chiến dịch biến thành nạn nhân này đã bị nhiều cơ sở đại học đồng loạt phủ nhận[5]. Ngược lại, có những câu chuyện khác mà một cảm giác tối thiểu về tính xác thực dẫn đến việc bác bỏ chúng, nhưng vẫn còn mù mờ trong tình hình hiện tại: hãy nghĩ về nguồn gốc của vụ phóng tên lửa vào Donetsk vào ngày 14 tháng 3 năm 2022, được Cộng Hòa Nhân Dân Nga cho là do Ukraine gây ra và bị Ukraine cho là một cuộc tấn công của Nga gây ra dưới ngọn cờ giả hiệu của Ukraine.
Sergey Lavrov (1950-) |
Ngược lại, một số tuyên bố của chế độ Nga có phần ở bên lề cái thật. Khi Vladimir Putin ước tính thiệt hại “dân sự” do các cuộc chiến ở Donbass gây ra từ năm 2014 là 14.000, đây là một phép ngoại suy rõ ràng từ dữ liệu được cung cấp bởi Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, ghi nhận 13.000 người chết, bao gồm cả 3.350 nạn nhân dân sự, phần còn lại của những thiệt hại được các nhóm vũ trang có mặt ghi nhận[6]. Vào tháng 7 năm 2021, trong bài viết Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine, Vladimir Putin đã cố tình phóng đại tác hại có thể có đối với thiểu số Nga của luật về “các dân tộc bản xứ”[7] đã được Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) thông qua. Nhưng Tổng thống Nga có cơ sở hơn khi nhấn mạnh trong cùng một văn bản (như Sergey Lavrov gần đây đã làm trên diễn đàn Liên hợp quốc)[8] về việc chính quyền Ukraine cố tình loại bỏ tiếng Nga sau năm 2014, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục[9].
Cuối cùng, một chiến lược khác của chế độ Nga là phóng đại, theo cách vừa vụ lợi vừa đạo đức giả, những tình cảm và các chính sách chống Nga mà chúng ta không thể không ghi nhận ở phương Tây.
GUILLAUME LANCEREAU
Dmytro Kuleba (1981-) |
Cuối cùng, một chiến lược khác của chế độ Nga là phóng đại, theo cách vừa vụ lợi vừa đạo đức giả, những tình cảm và các chính sách chống Nga mà chúng ta không thể không ghi nhận ở phương Tây. Như vậy, chế độ chắc không sa vào sự huyền hoặc thuần túy khi nó lên án, thường một cách vụng về, sự tẩy chay mà nhiều quốc gia áp đặt lên tất cả các lĩnh vực của xã hội Nga, bắt đầu từ lĩnh vực văn hóa. Về phía Ukraine, không có gì đáng ngạc nhiên khi Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba kêu gọi một tiến trình “giải Putin hóa” tổng quát, được hiểu là “sự xóa bỏ ảnh hưởng của hệ thống Nga trong chính trị, ngoại giao, kinh doanh, giáo dục, khoa học, thể thao, văn hóa và các lĩnh vực khác”. Từ vài năm nay rồi, chế độ Kiev đã kiểm duyệt sách và trục xuất khỏi lãnh thổ các nghệ sĩ bị cáo buộc ủng hộ Điện Kremlin[10]. Ngược lại, ở phương Tây, các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa diễn ra dưới những hình thức bất ngờ hơn, khuyến khích “tình cảm chống Nga” mà một số nhà phân tích đã quan sát sự phát triển vài năm trước chiến tranh[11]. Nếu chính quyền Nga đánh lừa công chúng khi tuyên bố rằng trẻ em sinh ra ở Nga sẽ bị loại khỏi tất cả các trường học phương Tây, thì thực sự đã có những lời kêu gọi thực hiện điều này từ các thành viên của Quốc hội Anh[12]. Cũng rất khó để buộc tội chính quyền Nga nói dối khi nó khẳng định rằng người phương Tây đang tẩy chay các nghệ sĩ Nga, trong đó chúng ta đừng quên đã có 18.000 người trong số họ đã đặt sự nghiệp của mình vào tình thế nguy hiểm khi ký một bức thư ngỏ phản đối chiến tranh[13]. Trong lĩnh vực đại học, trong khi các cơ sở của Pháp như Viện Pasteur hay CNRS đã hủy bỏ tất cả các hợp tác khoa học của họ với Nga, Đức, Hà Lan, Vương quốc Anh và các nước châu Âu khác cũng đang tung ra một chính sách tương tự[14]. Sự tẩy chay này đã trải qua những diễn biến đáng ngạc nhiên chẳng hạn khi Đại học Milan đã đình chỉ một khóa học về Dostoievsky (trước khi khôi phục nó vài ngày sau đó), hay khi Đại học Florida quyết định đổi tên Phòng Nghiên cứu Karl Marx của mình để phản đối cuộc tấn công của Nga…[15]
© Vladimir Gerdo/TASS/Sipa USA |
Leo Tolstoy (1828-1910) |
Chính quyền Nga có lẽ không coi trọng quan hệ văn hóa bằng quan hệ dầu mỏ: có một cái gì đó đạo đức giả về phía họ trong sự công kích cái cancel culture[*] của phương Tây nhằm chống lại Nga, trong khi ở tại nước này, người ta đã xóa bỏ Leo Tolstoy - những người biểu tình đã bị bắt trong những tuần gần đây vì đã giương lên một câu dẫn chống chủ nghĩa dân tộc trích từ cuốn Chiến tranh và Hòa bình ở Quảng trường Đỏ[16]. Chế độ cũng không kém phần cuồng nhiệt nắm bắt sự tẩy chay này của phương Tây để tô đậm các đặc điểm của nó, đến mức kết luận, như Vladimir Putin đã làm, rằng phương Tây “ngày nay đang cố gắng xóa bỏ toàn bộ một đất nước nghìn năm tuổi, chính ngay cả nhân dân chúng ta,” đồng thời so sánh chính sách này với chính sách văn hóa của Đức Quốc xã[17]. Do đó, thật may mắn khi có các tiếng nói đang bắt đầu được lắng nghe ở châu Âu và Hoa Kỳ để tránh những cuộc chuyển động bài Nga mà tác dụng duy nhất là tạo đòn bẩy cho giọng điệu cường điệu và nuôi dưỡng nỗi ám ảnh của chính quyền Nga, đồng thời củng cố trong nước cơ sở của những người ủng hộ chế độ[18].
Chính quyền lực Nga có lẽ không coi trọng mối quan hệ văn hóa bằng quan hệ dầu mỏ: có một cái gì đó đạo đức giả về phía họ trong sự công kích cái cancel culture của phương Tây nhằm chống lại Nga, trong khi ở tại nước này, người ta đã xóa bỏ Leo Tolstoy.
GUILLAUME LANCEREAU
Sự thật như giá trị
Tuy nhiên, sẽ là quá sớm nếu tuyên bố kỷ nguyên “hậu sự thật” đã được mở ra, như rất nhiều nhà quan sát đã làm liên quan đến các bài phát biểu của Donald Trump hoặc các cuộc tranh luận liên quan đến Brexit. Nếu những hành vi giả dối hung hăng mà chính quyền Nga đã phạm chứng thực khả năng của nó trong việc thỏa hiệp với sự thật, thì nó vẫn coi trọng ý tưởng về sự thật, vốn đã thấm vào tất cả các diễn ngôn chính trị của nó. Đáp lại việc kiểm chứng sự kiện của nước ngoài, nước Nga của Putin nay đáp lại với những công cụ của riêng mình với “cuộc chiến chống lại tin giả” (vojna s fejkami)[19] - đây thực sự là khuôn khổ duy nhất mà từ “chiến tranh” là hợp pháp. Do đó, chúng ta đang chứng kiến một phiên tòa xét xử lẫn nhau về sự giải thông tin, nằm trong một cách tiếp cận rộng hơn nhằm mục đích đáp trả phương Tây một cách có hệ thống bằng những cáo buộc (của phương Tây) về sự thao túng sự thật.
Trong bài phát biểu ngày 24 tháng 2 năm 2022 thông báo sự xâm lược lãnh thổ Ukraine, Vladimir Putin đã đối lập sự minh bạch, thiện chí và trung thực của nước Nga thời hậu Xô Viết với “những lời nói dối” của phương Tây, bị cáo buộc “trình bày như chân lý tối cao mọi thứ có lợi cho họ”[20]. Thậm chí hơn cả phương Tây nói chung, Hoa Kỳ và NATO phải hứng chịu các cuộc tấn công này. Sau khi đề cập đến cuộc oanh tạc Belgrade trong khuôn khổ của Chiến dịch của Đồng minh (Operation Allied Force) vào năm 1999, vi phạm một số công ước quốc tế, Tổng thống Liên bang Nga đã đóng vai trò người bảo vệ các “sự kiện” trước những sự lừa phỉnh của Hoa Kỳ về vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq của Saddam Hussein: “Sau này, hóa ra đây là bịa đặt, bịp bợm: ở Iraq không có bất kỳ vũ khí hóa học nào. Một sự thật đáng kinh ngạc, một sự thật phi thường: nhưng một sự kiện vẫn là một sự kiện. Những lời nói dối đã diễn ra ở các cấp chính quyền cao nhất và từ diễn đàn cao nhất của LHQ.” Trong một bước thứ ba, Vladimir Putin tuyên bố rằng ông đồng tình với ý kiến của “các chính trị gia, nhà khoa học chính trị và nhà báo” của Hoa Kỳ, theo đó, nước này đã trở thành miếng mồi ngon của một “đế chế dối trá” thực sự (imperija lži). Như vậy, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, lĩnh vực chính trị của Hoa Kỳ đã xuất hiện như một thế giới của sự thiên vị và ngụy tạo. Do đó, sẽ sai lầm nếu miêu tả phương Tây là không gian duy nhất bận tâm đến phép biện chứng của cái đúng và cái sai, đối lập với Nga, nước không bận lòng đến việc này: ý tưởng về sự thật thực sự có giá trị trên thị trường các ý tưởng chính trị.
Vladislav Surkov (1964-) |
Chính phủ Nga và các kênh chuyển tải ảnh hưởng của nó đã có những nỗ lực to lớn trong những năm qua để chuyển đổi các sự thật của chế độ thành một chế độ của sự thật. Để làm được điều này, cần phải xây dựng một bức tường xung quanh thế giới tinh thần của các công dân Nga, một bối cảnh cho một thực tế thay thế, một phản thực tế. Vladislav Surkov, một trong những nhà tư tưởng chính của chế độ, thường được coi là một trong những kiến trúc sư của sự kịch tính hóa này cuộc sống hiện thực[21]. Nhưng trong lĩnh vực này, công cụ được chính quyền ưu tiên vẫn là sự đàn áp tàn bạo đối với những tiếng nói bất đồng chính kiến, như dưới thời Nga Hoàng hay Liên Xô với việc săn lùng các inakomysljaščie, “những người nghĩ khác”. Trong những tuần gần đây, chúng ta là những khán giả vừa đau khổ vừa bất lực trước sự tích tụ của các cơ chế để bóp nghẹt phe đối lập, để đóng khung sự thật. Chúng tôi xin chỉ đề cập ở đây đến những sửa đổi của bộ luật hình sự của Nga quy định đến 15 năm tù đối với những người phổ biến “thông tin sai lệch” về các chiến dịch quân sự và các hoạt động khác của nhà nước Nga ở nước ngoài, hoặc đến sự đình chỉ các tờ báo và kênh truyền hình đối lập như Meduza hay Dožd’, và kể cả các phương tiện truyền thông khó có thể được coi là ủng hộ chủ nghĩa lật đổ và cấp tiến, bao gồm cả đài Tin từ Moscou/Echo de Moscou, thuộc sở hữu của Gazprom.
Sẽ sai lầm nếu miêu tả phương Tây là không gian duy nhất bận tâm đến phép biện chứng của cái đúng và cái sai, đối lập với Nga, nước không bận lòng đến việc này: ý tưởng về sự thật thực sự có giá trị trên thị trường các ý tưởng chính trị.
GUILLAUME LANCEREAU
Stephen Kotkin (1959-) |
Những sự kiện mới nhất này cho thấy một sự biến đổi sâu sắc của chế độ. Để giải thích cho điều này, chắc chắn phải thận trọng đề phòng hai cạm bẫy đối xứng: một cạm bẫy bao gồm việc chỉ nhìn thấy sự trở lại của một cách ứng xử bình thường/business as usual của chủ nghĩa chuyên chế Nga; cạm bẫy kia, giật gân hơn, báo hiệu sự biến đổi gần như tức thời của một chế độ độc tài thành một nhà nước “phát xít” hoặc “toàn trị”. Phản xạ đầu tiên quy tình trạng hiện tại của nước Nga về động thái nội tại lâu đời, như Stephen Kotkin, một nhà viết tiểu sử lỗi lạc về Stalin[22] đã viết trong một bài báo gần đây, khi nhắc lại rằng nước Nga ở thế kỷ 19 đã là một quốc gia chuyên quyền, đàn áp, quân phiệt và đa nghi đối với người nước ngoài[23]. Tuy nhiên, ngoài thực tế là nhiều quốc gia châu Âu cũng chuyên quyền, đàn áp và quân phiệt cách đây 150 năm như Đế chế của các Nga hoàng, sự lưu hành văn hóa thời đó và vai trò của giới tinh hoa nước ngoài trong mọi lĩnh vực của xã hội Nga đều tương đối hóa nhận định này về chủ nghĩa bài ngoại. Một quan điểm đối lập thì nhấn mạnh đến những chuyển biến của nước Nga vào năm 2022 như một tiến trình “phát xít hóa” chưa từng có có thể nhận thấy ngay tức thì. Ở đây, một lần nữa, các nghiên cứu gần đây đã chứng minh các phiên tòa xét xử chủ nghĩa phát xít gắn liền với các thực tế chính trị hữu hình ít hơn là với một yếu tố cường điệu nhằm làm mất uy tín của kẻ thù, được các đối thủ của Nga sử dụng chống lại Nga cũng như bởi chính chính phủ Nga vốn tự cho mình là nước giương cao ngọn đuốc chống Hitler trong Chiến tranh thế giới thứ hai[24].
© Sergei Malgavko/TASS/Sipa USA |
Do đó, để hiểu những biến đổi đang diễn ra, chúng ta phải nhìn xa hơn năm 2022, nhưng không nhất thiết phải quay trở lại Nicholas I hoặc Alexandre III. Vòng xoáy đàn áp nhắm vào sự thể hiện các sự thật thay thế cho sự thật của quyền lực đã đạt đến một quy mô đáng báo động từ nhiều năm nay. Một trong những yếu tố chính của sự việc này là luật về “các tác nhân nước ngoài” (inoagenty) năm 2017, khuyến khích công chúng sỉ nhục các phương tiện truyền thông đối lập, sớm buộc phải nêu rõ trong mọi bài báo, mọi video, mọi podcast, một ghi chú đáng ngại: “Thông điệp/tài liệu này được tạo ra và/hoặc phổ biến bởi một phương tiện truyền thông nước ngoài đảm nhận chức năng của một tác nhân nước ngoài”. Quy định này, là kết quả của một cuộc đấu tranh hung hăng nhằm chứng thực cho thông tin, với mục tiêu là gợi ý cho độc giả rằng nội dung mà họ đang truy cập là sai sự thật để phục vụ người nước ngoài, vốn dĩ được cho là thù địch với Nga. Vào thời điểm mà chính phủ Nga hiện đang trục xuất các chi nhánh của các tổ chức như Tổ chức Ân xá và Giám sát Nhân quyền khỏi đất nước, hệ thống lập pháp cũ đang hoạt động hết công suất, khiến danh sách các nhà báo, nhạc sĩ và nhà văn bị tuyên bố là “tác nhân nước ngoài” tăng lên mỗi ngày.
Dmitry Medvedev (1965-) |
Động tác xác lập sự thật này của Nhà nước cũng đã được thể hiện ở cấp độ tưởng niệm bởi một loạt luật nhằm bảo tồn cách đọc thần thoại về quá khứ của Nga, bằng cách che đậy một cách kín đáo các tội ác của Stalin và đề cao lòng yêu nước trong Thế chiến thứ hai được xem như là một chiến thắng chủ yếu của Nga trước chủ nghĩa phát xít. Nếu Nga không phải là quốc gia duy nhất, đặc biệt là ở Đông Âu, trải qua sự trỗi dậy của việc lạm dụng lịch sử cho mục đích dân tộc chủ nghĩa[25], thì sức mạnh của sự đàn áp mà hệ hình lịch sử-tưởng niệm của Nga áp đặt thật sự là đáng chú ý. Sau khi Dmitry Medvedev vào năm 2009 thiết lập ủy ban “đấu tranh chống lại những âm mưu làm sai lệch lịch sử để gây tổn hại cho lợi ích của Nga”, một bản sửa đổi của bộ luật hình sự năm 2014 đã đưa vào hình phạt lên đến 5 năm tù vì tội “cố ý phát tán thông tin sai sự thật về các hoạt động của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai”. Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2020 là dịp để đưa vào một điều khoản chỉ rõ rằng “Liên bang Nga tôn vinh ký ức của những người bảo vệ Tổ quốc và đảm bảo bảo vệ sự thật lịch sử”[26]. Chính dưới góc độ này mà chúng ta phải nhận thức về việc giải thể gần đây của chi nhánh Nga của tổ chức Memorial/Đài tưởng niệm, một tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền và nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là về việc tưởng niệm các nạn nhân của Gulag[27]. Chỉ vài ngày trước, một sự điều chỉnh mới đối với Bộ luật về các vi phạm hành chính quy định phạt tiền và giam cầm đến 15 ngày đối với bất kỳ phát ngôn công khai nào xác lập sự tương đương giữa vai trò của Liên Xô với vai trò của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai hoặc giảm thiểu vai trò của Nga trong công cuộc giải phóng châu Âu. Elena Jampol’skaja, đồng tác giả của dự luật, đã xác định nó như một phản ứng trước những lời vu khống và xuyên tạc lịch sử của các “chuyên gia giả” và các nhà khoa học chính trị từ Ukraine, Ba Lan và các nước Baltic, đồng thời nói thêm rằng bảo vệ danh dự của “cha ông chúng ta” cũng là một cách hỗ trợ” các lực lượng vũ trang của chúng ta đang chiến đấu cho sự giải quốc xã hóa và phi quân sự hóa Ukraine”[28]. Bằng chứng cuối cùng cho sự thánh hóa kiên trì này của cuộc “Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”, như nó được gọi ở Nga, Bộ Ngoại giao Nga gần đây đã phản đối quyết định của Latvia về việc ngày 9 tháng 5 năm 2022 được ấn định là ngày tưởng niệm các nạn nhân của sự xâm lược của Nga ở Ukraine, bằng cách trả ngược lại cho Latvia những cáo buộc tương tự với những cáo buộc mà chính quyền Nga đã đưa ra đối với người Ukraine trước cuộc xâm lược[29]. Do đó, xã hội Nga đương đại là nơi chứa đựng sự đầu tư quá mức mang tính biểu tượng và tưởng niệm về Chiến tranh thế giới thứ hai bởi một thế lực mong muốn giam cầm quá khứ trong “sự thật lịch sử” của riêng mình. Các diễn ngôn mang tính cứu thế đi kèm với nó, thiết lập nước Nga như là vị cứu tinh của nhân loại khi đối mặt với chủ nghĩa phát xít, đồng thời có xu hướng bác bỏ bất kỳ lời nói lạc điệu nào vào cùng phe của chủ nghĩa phát xít.
Một phần quan trọng của chính sách thiết lập sự thật chính thức này đặc biệt nhắm vào giới trẻ. Sự đội ngũ hóa này được bộc lộ rõ nét nhất ngày nay, khi ngày càng có nhiều diễn ngôn ở trường học về sự cạnh tranh kéo dài hàng thế kỷ giữa “thế giới Anglo-Saxon” và Nga hoặc về cách thức mà phương Tây cố gắng phá hủy nền văn hóa Nga và các thiết chế xã hội truyền thống như gia đình và tôn giáo, đồng thời tuyên truyền cho cách đọc theo chủ nghĩa xét lại về lịch sử Nga[30]. Hơn một thập kỷ trước, chính phủ đã ủng hộ việc thành lập các tổ chức chịu trách nhiệm đoàn kết “thanh niên thuộc thế hệ Putin”, như tổ chức Naši, “Chúng ta”, cũng do Vladislav Surkov điều hành. Gần đây hơn, một nghiên cứu về sách giáo khoa lịch sử được Bộ Giáo dục ở Nga khuyến khích đã quan sát thấy sự phục hồi của thời kỳ Stalin bằng cách giảm thiểu, thậm chí biện minh cho sự đàn áp chính trị[31]. Vấn đề của Gulag đôi khi bị bỏ qua, đôi khi bị chuyển sang các chương về sự công nghiệp hóa của Liên Xô. Các quan điểm lịch sử của Vladimir Putin đôi khi được các tác giả viện dẫn trực tiếp, điều này không thể không nhắc lại thời điểm mà, thay vì trích dẫn các uy quyền khoa học, phần chú thích của các tác phẩm Liên Xô chỉ đề cập đến Marx, Engels, Lénine và Stalin[32]. Các chiến thắng bầu cử của Vladimir Putin được mô tả là mầm mống của “sự ổn định” cho người dân, “một sự đảm bảo an ninh quốc gia và kinh tế” cho đất nước, trong khi các sự kiện ở Ukraine năm 2014, các tác giả cam đoan, sẽ đưa các thế lực tân dân tộc chủ nghĩa lên nắm quyền lực, những thế lực mà người dân của Crimea, Lugansk và Donetsk chống đối lại một cách chính đáng. Những dấu hiệu phô trương sự ủng hộ cuộc chiến đang diễn ra thậm chí còn được đòi hỏi đối với các giáo viên, những người hiện buộc phải cung cấp cho học sinh sự thật chính thức của chế độ về cuộc chiến ở Ukraine khi đeo dải băng của Thánh George (georgievskaja lentočka, một biểu tượng quân sự truyền thống đã trở thành dấu hiệu yêu nước kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai) theo hình chữ “Z”. Như vậy, phép biện chứng giữa cái đúng và cái sai một lần nữa được đặt vào trọng tâm của các cơ chế tuyên truyền này nhắm vào giới trẻ, bằng chứng là các tài liệu giáo dục của Bộ Giáo dục mà các trường học và trường đại học Nga đã nhận được vào ngày 28 tháng Hai vừa qua, bao gồm các yếu tố của lịch sử quan hệ Nga-Ukraine và một phần về “cuộc chiến chống tin giả” (bor'ba s fejkami).[33]
Do đó, xã hội Nga đương đại là nơi chứa đựng sự đầu tư quá mức mang tính biểu tượng và tưởng niệm về Chiến tranh thế giới thứ hai bởi một thế lực mong muốn giam cầm quá khứ trong “sự thật lịch sử” của riêng mình. Các diễn ngôn mang tính cứu thế đi kèm với nó, thiết lập nước Nga như là vị cứu tinh của nhân loại khi đối mặt với chủ nghĩa phát xít, đồng thời có xu hướng bác bỏ bất kỳ lời nói lạc điệu nào vào cùng phe của chủ nghĩa phát xít.
GUILLAUME LANCEREAU
Chính việc cần phải thiết lập mối quan hệ giữa những luật này về sự tưởng niệm, sự áp đặt học thuật này đối với một “tiểu thuyết quốc gia” yêu nước, sự bóp nghẹt những sự thật thay thế với cái khuôn đàn áp và tuyên truyền mà đất nước hiện đang trải qua, mới giúp nhận thức về cách mà những tâm trí đã được chuẩn bị, trong hơn một thập kỷ. Điều này giải thích tại sao một giáo viên ở Penza có thể bị buộc tội dựa trên luật về “các tin giả” và bị đe dọa chịu án tù tới mười năm vì đã phổ biến cho các học sinh của mình, bí mật ghi âm bà ta, các ý kiến nay đã bị cấm về chiến dịch quân sự được triển khai ở Ukraine[34].
Sự Thật (Pravda) và Chân Lý (Istina)
Tuy nhiên, tình hình hiện tại của chế độ của sự thật ở Nga lại đưa ra một trở ngại kép đối với các hoạt động kiểm chứng sự kiện mà giới truyền thông phương Tây triển khai. Nếu “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Vladimir Putin không bị cản trở bởi những nghi vấn này, thì trước hết là do các lập luận bác bỏ dựa trên sự kiện không được một bộ phận đáng kể người Nga tiếp cận trong bất cứ tình huống nào. Theo quan điểm thuần chính trị của các kênh thông tin, mà việc Nga đóng cửa Internet chỉ làm nổi bật lên, các diễn ngôn chống đối chiến tranh và chế độ chỉ tác động đến những người đã được thuyết phục, trong khi những người do dự thích dựa vào những điều chắc chắn của diễn ngôn thống trị, cuộn mình trong những nếp gấp trấn an của một nền “văn hóa phủ nhận” thực sự[35].
© Valery Matytsin/TASS/Sipa USA |
Một lý do khác khiến cho các sự phản biện dựa trên thực tế đối với chế độ Nga bất lực, chính là bản chất của “sự thật” được nêu ra trong các cuộc tranh luận này: “sự thật” mà chính quyền Nga viện dẫn thực sự bao hàm một ý tưởng về công lý và sự xác đáng của quan niệm về thế giới, về lý tưởng chính trị và đạo đức của mình. Để vạch rõ nó, việc dựa vào ngôn ngữ không phải là vô ích. Ngôn ngữ Nga có một đặc điểm, trong nhiều thứ khác, là có hai cách gọi cái thật. Từ istina/chân lý đề cập đến một sự thật được ấn định trong tính khách quan cao siêu và vô hình của sự vật. Thuật ngữ thứ hai, mà các lý do lịch sử đã làm cho nổi tiếng (đó là tựa của cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Liên Xô - ND), là Pravda/Sự Thật, bao hàm ý tưởng về sự thật trong khi vẫn chuyển tải thế giới từ vựng và tinh thần của tính chính đáng, luật pháp, “công lý” (spravedlivost’). Chân lý/istina và sự thật/pravda, được tìm thấy một cách hợp lý trong Từ điển về những điều không thể dịch được, có thể kết hợp với nhau[36]. Do đó, khi những người chống lại chủ nghĩa chuyên quyền nổi lên chống lại chủ nghĩa Nga hoàng vào thế kỷ 19, họ có thể tấn công nó cả ở cấp độ istina, vì sự xuyên tạc sự thật và ở cấp độ pravda, vì nó duy trì những bất công kéo dài hàng thế kỷ như chế độ nông nô, sự sỉ nhục đối với ý tưởng về công lý, về chân lý tối cao[37]. Thậm chí ngày nay, hai chế độ này còn được kết hợp một cách tinh tế trong diễn ngôn của những kẻ tham chiến, những người đối lập sự thật của sự kiện (theo phương thức biện chứng giữa loz/sự dối trá và istina/chân lý) và sự thật-bán đạo đức (theo kiểu sự thật/pravda). Khi một người tuyên bố: “Pravda đứng về phía chúng ta” (Pravda na našej strone), thì phải hiểu rằng cuộc chiến của họ là nhân danh sự thật và công lý, rằng sự thật và công lý đang chiến đấu về phía họ[38]. Chúng ta tìm thấy ở đây một điệp khúc quen thuộc, được đưa ra bởi nhà thơ Fëdor Tjutčev, phát ngôn viên của bước ngoặt dân tộc chủ nghĩa, độc tài và chính thống của chế độ Nga Hoàng vào đầu thế kỷ 19: “Người ta không thể hiểu nước Nga bằng lý trí / Người ta chỉ có thể tin vào nó” (Umom Rossiju ne ponjat '. […] V Rossiju možno tol'ko verit'). Nói cách khác: các “sự thật” được đề cập không thể được phân tích, cân nhắc hoặc khảo sát, vì chúng thuộc về lòng tin vào một giá trị tối cao.
Ngôn ngữ Nga có một đặc điểm, trong nhiều thứ khác, là có hai cách gọi cái thật.
GUILLAUME LANCEREAU
Nguy cơ ở đây là thiết lập các thực tế ngôn ngữ thành thực tế văn hóa, thành cấu trúc tinh thần, hoặc thậm chí thành đặc điểm dân tộc thực sự, trong khi cách tiếp cận chân lý này đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều không gian khác. Chỉ cần nêu lên ví dụ về Chiến tranh thế giới thứ nhất ở đây, cái “chân lý” được các phe tham chiến tranh cãi lúc đó vượt xa các cuộc tranh luận về các yếu tố thực tế liên quan đến các hoạt động quân sự hoặc đến việc phân bổ trách nhiệm về cuộc xung đột: đó đã là một chân lý về giá trị mà không chỉ về thực tế, một chân lý được quan niệm như một sự tương hợp với thực tế và cũng với một lý tưởng về công lý hoặc đạo đức[39]. Tuy nhiên, sự kiểm chứng sự kiện không có khả năng phân xử giữa các lý thuyết về công lý, nhất là khi, về phía Nga, lý thuyết này dựa trên một thiết kế mang tính cứu thế vốn gán cho chính nghĩa dân tộc tính công bằng và tính công lý siêu nghiệm, không nhạy với những điều chỉnh thực tế và trần thế. Đây thực sự là lý do tại sao chính quyền Nga hiện đang nỗ lực hết mình bắt giữ những người chống đối giương cao không phải thông điệp rõ ràng “Net vojne” (“Nói không với chiến tranh”), mà chỉ đơn giản là từ “Net”, thông điệp “Tự do, Sự thật, Hòa bình”, thậm chí các tờ giấy trắng đơn giản. Cái được mất của những vụ bắt giữ này không phải là sự thật thực tế của một diễn ngôn, mà là chân lý tối cao của một chính nghĩa không chấp nhận bất kỳ phản biện nào, ngay cả khi không có ngôn từ.
Nikolay Karamzin (1766-1826) |
Chủ nghĩa cứu thế này của Nga không phải là một hiện tượng đặc thù của thế kỷ 21. Nó có nguồn gốc từ một mớ biểu tượng vừa được phân tầng và uốn nắn theo thời gian: thế kỷ 19 đã dựng Moscou như một “Rome thứ ba”, như một “Nazareth mới”. Diễn ngôn này về một vận mệnh đặc biệt và thiên định của nước Nga này đã kéo dài từ các nhà tư tưởng dân tộc và bảo thủ dưới triều đại của Alexander I, chẳng hạn như Nikolay Karamzin, cho đến những người thân Slave và những người theo chủ nghĩa Marx ở Nga vào cuối thế kỷ[40]. Giữa làn sóng các cuộc cách mạng năm 1848, nhà thơ phản cách mạng Tjutčev đã tiên tri:
“Để hiểu được điều gì xảy ra trong cuộc khủng hoảng tối thượng mà châu Âu vừa bước vào, đây là những gì chúng ta nên nói với chính mình. Đã từ lâu, chỉ có hai thế lực thực sự ở châu Âu: “Cách mạng và Nga”. “Hai thế lực này hiện đang đối mặt, và ngày mai chúng có thể sẽ đối đầu nhau. Giữa thế lực này và thế lực kia không thể có hiệp ước hay thỏa hiệp nào. Sự tồn tại của thế lực này là cái chết của thế lực kia”.[41]
Diễn ngôn cứu thế của Điện Kremlin cũng không làm gì khác hơn: nó bắt đầu bằng cách xác định nguy cơ ngày tận thế và cách chỉ định kẻ chống Chúa. Ngày tận thế sắp diễn ra không gì khác hơn là chính cái chết của nước Nga, như Vladimir Putin đã tuyên bố khi tuyên bố xâm lược Ukraine: “Đối với đất nước chúng ta, rốt cuộc vấn đề là vấn đề sinh tử, vấn đề về tương lai lịch sử của chúng ta với tư cách là một dân tộc. Đó không phải là một sự cường điệu, đó là sự thật.” Đối với những kẻ chống Chúa, không còn là vấn đề, như năm 1848, của cuộc cách mạng tự do kế thừa cuộc cách mạng 1789, mà là “chống Nga”, khiến cuộc xung đột đang diễn ra có dáng dấp của một cuộc “thánh chiến”, với sự ủng hộ của Giáo Hội Chính thống Nga[42]. Diễn ngôn của chính quyền Nga, bị ám ảnh bởi mặc cảm thuần túy nhất là đang bị bao vây, đã hoàn tất sự đoạn tuyệt với phương Tây được mô tả như một liên minh thống nhất, với nỗi ám ảnh duy nhất là tiêu diệt hoàn toàn và đơn giản Nga với chính sách “chống Nga” được trình bày dưới chiêu bài “Ukraina”. Vladimir Putin đã khẳng định điều này trong bài ngày 12 tháng 6 năm 2021 về sự đoàn kết lịch sử của người Nga và người Ukraine, khi ông viết rằng Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã làm mọi thứ để chia rẽ Ukraine với nước láng giềng Nga:
“Từng bước, Ukraine bị lôi kéo vào một trò chơi địa chính trị nguy hiểm, mà mục đích không gì khác hơn là biến đất nước này thành một hàng rào thực sự giữa châu Âu và Nga, một đầu cầu chống lại Nga. Không thể tránh khỏi, đã đến lúc vấn đề không còn là nói lên: “Ukraine không phải là Nga.” Họ (Hoa Kỳ và châu Âu) cần một cái “chống Nga”, và đó là điều mà chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận. Các kẻ chủ mưu của dự án này dựa trên các thực tiễn cũ của các nhà tư tưởng Ba Lan-Áo nhằm tạo ra một “nước Nga chống Moscou.” Chúng ta không thể để bất kỳ ai bị lừa dối với luận điệu rằng điều này sẽ được thực hiện vì lợi ích của người dân Ukraine”.
Một lần nữa, các nhà chức trách Nga lại bộc lộ một cách minh bạch rằng họ không coi Ukraine là một quốc gia thực sự, mà là một đối tượng, một ổ chứa thụ động cho các mưu đồ của một phương Tây đầy mộng tưởng. Cơ bản hơn, bằng cách xây dựng một hiểm họa về ngày tận thế, không thể không đánh vào trí tưởng tượng của người Nga vào thời điểm của “ngày tận thế văn hóa” toàn diện[43], chế độ (Nga) có thể dễ dàng tự xưng là một vị cứu tinh thiên định, hành động nhân danh tính công lý phổ quát và vĩnh cửu. Các bài phát biểu của Vladimir Putin tràn ngập những lời hùng biện này: “chúng ta không có quyền” bỏ rơi những người anh em của chúng ta ở Donbass, sự can thiệp là “không thể tránh khỏi”, chúng ta “buộc phải làm như vậy”, “cần phải nhanh chóng chấm dứt cơn ác mộng này, cuộc diệt chủng” người dân Nga ở Donbass.
Các bài phát biểu của Vladimir Putin tràn ngập lời hùng biện này: “chúng ta không có quyền” bỏ rơi những người anh em của chúng ta ở Donbass, sự can thiệp là “không thể tránh khỏi”, chúng ta “buộc phải làm như vậy”, “cần phải nhanh chóng chấm dứt cơn ác mộng này, cuộc diệt chủng” người dân Nga ở Donbass.
GUILLAUME LANCEREAU
Điều này đồng thời giải thích cho việc huy động thường trực sự quy chiếu đến cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945. Ở đây, vấn đề không đơn giản là sự sử dụng và lạm dụng quy chiếu lịch sử - văn hóa duy nhất mạnh mẽ về mặt tình cảm được chia sẻ trong tất cả các nhóm dân cư Nga, mà là truy tìm tính liên tục lịch sử của vai trò thiên định của Nga. Đất nước này đã cứu hành tinh khỏi cuộc xâm lược của người Tatar, khỏi sự bành trướng của Napoléon, khỏi chủ nghĩa Quốc xã: nó bị ràng buộc bởi những đòi hỏi cao thượng này để theo đuổi nhiệm vụ của mình bằng cách từ nay chiến đấu chống lại một chủ nghĩa phát xít mới, chủ nghĩa “chống Nga” và chống lại “đế chế của sự dối trá”. Điều này giải thích tại sao, sau nhiều năm xói mòn ý nghĩa thực sự của các từ (“chủ nghĩa phát xít”, “Đức quốc xã”, “phương Tây”, “thế giới Nga”), Vladimir Putin có thể lấp đầy sân vận động Lužniki, ngày 18 tháng 3 năm 2022, để kỷ niệm tám năm sáp nhập Crimea với biểu ngữ “Vì một thế giới không có chủ nghĩa Quốc xã”. Từ ngữ không còn nghĩa lý gì nữa, chỉ còn lại “chân lý” được cho là cao siêu về sứ mệnh mà Nga đang chiến đấu và dư âm mà nó (chân lý này) có thể tìm thấy trong tâm trí hoài niệm về sự hùng vĩ của đế chế (Nga).
© Sergei Bobylev/TASS/Sipa USA |
Đối mặt với những trở ngại do sự kháng cự của người Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra, chính quyền Nga đã dấn thân vào con đường liều lĩnh để tránh né sự thực. Không thể chấp nhận một thất bại, Nga buộc phải lao mình vào con đường của chủ nghĩa tối đa cực đoan. Về mặt quân sự, tất cả mọi thứ đều đáng lo sợ, vì đây là một quốc gia mà bộ tham mưu đã cố gắng lý thuyết hóa vào những năm 2010 khái niệm “giảm leo thang bằng cách leo thang”, hay “giảm leo thang hạt nhân”[44]. Tương tự, về mặt thông tin, chính phủ Nga không còn cam lòng với viêc thao túng các bán sự thật hoặc việc bóp méo những bán sự thật này vì lợi ích của mình: họ tích lũy những thông tin giả mạo xấc láo vốn làm cho tính đáng tin quốc tế của họ vốn đã gần như bằng không bị hao hụt.
George Orwell (1903-1950) |
Tuy nhiên, có vẻ như không phải tất cả mọi phe trong cuộc xung đột này đều nói về cùng một điều khi viện dẫn ý tưởng về “sự thật”. Đối lập với các sự điều chỉnh hoàn toàn dựa trên các sự kiện thuần túy Nga, các chuyên gia về sự kiểm chứng sự kiện khẳng định chủ yếu rằng: “Sự thật của chúng tôi là công lý”, điều mà chính quyền Nga đối đáp lại với: “Công lý của chúng tôi là sự thật”. Chính quyền Nga không thờ ơ với sự thật, bởi vì hoàn toàn ý thức về khả năng động viên của nó. Nhưng “sự thật” này, được tạo nên từ những sự lừa phỉnh và bịa đặt, không nằm ở cấp độ của các sự kiện: nó tùy thuộc vào một thực tại thay thế mà chế độ đã kiên nhẫn xây dựng trong nhiều năm, theo một phương thức mang tính Orwell. Quan niệm về thế giới này dựa trên một số biểu tượng biếm họa: Nước Nga thánh thiện luôn là công cụ đặc quyền của Thượng Đế chống lại cái ác, bằng chứng là những hy sinh oanh liệt trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại; Ukraine không phải là một quốc gia mà là một thực thể “chống Nga” bị những kẻ thù truyền kiếp của Nga thao túng; những thế lực nước ngoài này, liên minh với “đội quân thứ năm” quốc gia, dựa vào sự dối trá và tham nhũng để phá hoại nền tảng truyền thống của xã hội Nga và làm chệch hướng nó khỏi các chức năng cánh chung học cao cả của nó.
Vậy thì những sự điều chỉnh dựa trên sự kiện bị phản bác để chống lại sự giải thông tin của Nga là cần thiết tuy không đủ. Chúng ta không thể đấu tranh chống lại cái “tiểu thuyết quốc gia” chỉ với việc nhấn mạnh đến những sai lầm về thời gian tính, chúng ta cũng không thể chống lại diễn ngôn phát xít chỉ với sự bắt bẻ những sai sót về số liệu.
GUILLAUME LANCEREAU
Cách đọc thế giới này sản sinh ra từ một thế giới không thể sống được. Ít nhất đây là những gì được chỉ ra bởi 16.000 người Nga bị bắt kể từ ngày 24 tháng 2 tại hơn 170 thành phố trên khắp đất nước và hàng trăm nghìn đồng bào của họ đã rời bỏ đất nước vì sợ bị đàn áp, những nhóm người bất mãn này đã trở thành những người chống đối, những người chống đối đã trở thành những người bỏ xứ, những người bỏ xứ đã trở thành những người di cư. Nhưng những sự điều chỉnh dựa trên sự kiện bị phản bác để chống lại sự giải thông tin của Nga là cần thiết tuy không đủ. Chúng ta không thể đấu tranh chống lại cái “tiểu thuyết quốc gia” chỉ với việc nhấn mạnh đến những sai lầm về thời gian tính, chúng ta cũng không thể chống lại diễn ngôn phát xít chỉ với sự bắt bẻ những sai sót về số liệu; tương tự, chúng ta không thể chống lại một dự án xã hội quân phiệt, dân tộc chủ nghĩa và theo thuyết mệnh trời bằng cách chỉ ra những sai sót thực tế của nó, mà bằng cách tấn công nó tận gốc và chống lại nó với quan niệm về một thế giới khác.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Poutine est en train de gagner la guerre de l’information”, Le Grand Continent, 20.4.2022.
----
Bài có liên quan:
- Chiến tranh Ukraine: mọi người đang chiến đấu và chết vì phiên bản lỗi của Vladimir Putin về lịch sử
Chú
thích: [1] Cesare
G. De Michelis, Il manoscritto inesistente. I “Protocolli dei savi di Sion”:
un apocrifo del XX secolo, Venezia, Marsilio, 1998; Pierre-André Taguieff, Les “Protocoles
des Sages de Sion”: faux et usages d’un faux, Paris, Fayard, 2004. [2] Marlène
Laruelle, Russian Nationalism: Imaginaries, Doctrines, and Political
Battlefields, London, Routledge, 2019. [3] Toàn bộ
bài phát biểu này đã được dịch cho Le
Grand Continent. Một khía cạnh của câu chuyện hiếu chiến của Nga là các
phòng thí nghiệm ở Kiev, Kharkov và Odessa đang nghiên cứu các tác nhân sinh học
có khả năng tác động đặc biệt đến các nhóm dân tộc (trong trường hợp này là người
Nga) trên cơ sở di truyền. Những cáo buộc này đã bị
bác bỏ: Eugene Koonin, một nhà sinh vật học từ Trung tâm Thông tin Công
nghệ Sinh học Quốc gia, chỉ ra rằng đơn giản là không có alen cố định nào có thể
phân biệt người Nga với dân số châu Âu. [4] “Минобороны
назвало кадры из Бучи постановкой Киева для западных СМИ”, РИА Новости, 3 avril
2022 (link). [5] David
Matthews, “European universities hit with Russian disinformation about student
expulsions,” Science / Business, 3 mars 2022 (link). [6] Lưu ý rằng
Vladimir Putin đã thận trọng hơn trong bài năm 2021 có tựa đề Về sự thống nhất
lịch sử của người Nga và Ukraine, trong đó ông nói về 13.000 “nạn nhân”,
không phân biệt dân thường và binh lính - trong khi nhấn mạnh vào sự hiện diện
của những người già và trẻ em. [7] Luật
tranh chấp này đã thừa nhận quy chế được đề cập cho ba dân tộc thiểu số: người
Tatars Crimea, người Karaimy và người Krymčaki. [8] Trong bài
phát biểu ngày 1 tháng 3 năm 2022 trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc,
Sergey Lavrov tuyên bố: “Trong suốt những năm qua, chế độ Ukraine đã theo đuổi
chính sách phi nga hóa (dérussification) thô bạo và đồng hóa cưỡng bức. Người
ta đã nói rõ ràng cho những người tự coi mình là người Nga và muốn bảo vệ danh
tính, ngôn ngữ, văn hóa của họ, rằng họ là người nước ngoài ở Ukraine. […] Tiếng
Nga bị cấm trong các trường học và trường đại học, trong phạm vi công cộng,
ngay trong môi trường hàng ngày.” [9] Luật
ngày 25 tháng 4 năm 2019 về việc sử dụng triệt để tiếng Ukraina (ngôn ngữ chính
thức duy nhất của đất nước) trong các tổ chức Nhà nước, chính quyền địa phương
và các công ty, chúng ta hãy nhớ lại luật được Verkhovna Rada (quốc hội)
thông qua vào năm 2017, áp đặt tiếng Ukraina trong giáo dục từ cấp trung học cơ
sở. Đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ của các dân tộc thiểu số, với một số quốc
gia có cộng đồng cư dân lớn ở Ukraine (bao gồm Bulgaria, Hungary và Romania) và
bởi Ủy ban Venice, các điều khoản bị coi là phân biệt đối xử này đã được sửa đổi
vào năm 2020 bằng một luật mới củng cố việc giảng dạy của các ngôn ngữ thuộc
Liên minh Châu Âu, nói cách khác là các ngôn ngữ thiểu số của đất nước - ngoại
trừ tiếng Nga. [10] Howard
Amos, “Russian Propaganda Feeds on Kiev’s Culture War,” The Moscow Times, 12
août 2015 (link). [11] Guy
Laron, “Petite histoire de la russophobie”, Le
Monde Diplomatique, mai 2020, p. 8-9. [12] Gerrard
Kaonga, “Calls for Russian Children To Be Banned From Foreign Schools Over
Ukraine War,” Newsweek, 28 février 2022 (link). [13] Bức thư
này đã bị xóa
khỏi trang web do luật gần đây của Nga vì luật mới của Nga về các tin tức giả về
chiến tranh. [14] Déclaration
du CNRS en date du 2 mars 2022. [15] “Guerra
in Ucraina, Bicocca di Milano fa dietrofront: si farà il corso su Dostoevskij,”
Il Giorno, 2 mars 2022 (link);
Josh Moody, “University of Florida Renames Karl Marx Study Room,” Inside
Higher Ed, 31 mars 2022 (link) [16] “Московские
полицейские объяснили протокол за плакат с цитатой Толстого тем, что писатель “жестко
критиковал правящий режим””, Медиазона, 2 avril 2022 (link); “Полиция
задержала москвича, который стоял в Александровском саду с книгой “Война и мир””,
Медиазона, 10 avril 2022 (link). [17] “Tchaikovsky,
Shostakovich, Rachmaninoff bị xóa bỏ khỏi các áp phích về các buổi hòa
nhạc. Các nhà văn Nga và sách của họ cũng bị cấm. Lần cuối cùng một chiến dịch
tiêu hủy văn học không mong muốn lớn như vậy diễn ra là chiến dịch mà Đức Quốc
xã đã tiến hành ở Đức cách đây gần 90 năm”, bài phát biểu đưa ra ngày 25
tháng 3 năm 2022 tại cuộc gặp với những người đoạt Giải thưởng Tổng thống
năm 2021 dành cho các người trẻ làm việc trong lĩnh vực văn hóa và cho các tác
phẩm dành cho Thanh thiếu niên và Trẻ em. [19] Bắt đầu
với trang internet và kênh Telegram cùng tên. [20] Allocution du président de
la Fédération de Russie, 24 février 2022. [21] Trên điểm
này xem các bài và bản dịch đã xuất bản trên trang này: Galia Ackerman, “L’État
long de Poutine”, Le Grand Continent (link);
Guillaume Lancereau, “Cent ans de solitude géopolitique”, Le Grand Continent
(link);
Giuliano da Empoli, “L’étrange fiction prémonitoire de Vladislav Sourkov”, Le
Grand Continent (link). [22] Stephen
Kotkin, Stalin: Paradoxes of power, 1878-1928, New York, Penguin
Press, 2014 et Stalin: Waiting for Hitler, 1928-1941, New York, Penguin
Press, 2017. [23] David
Remnick, “The Weakness of the Despot: An expert on Stalin discusses Putin,
Russia, and the West,” The New Yorker, 11 mars 2022 (link). [24] Marlène
Laruelle, Is Russia Fascist? Unraveling Propaganda East and West,
Ithaca, Cornell University Press, 2021. [25] Stefan
Berger, “The Return of National History”, dans Pedro Ramos Pinto, Bertrand
Taithe (dir.), The Impact of History? Histories at the Beginning of the
Twenty-First Century, London; New York, Routledge, 2015, p. 82-94. [27] Antoine
Perraud, “Nicolas Werth: pourquoi le Kremlin veut en finir avec Memorial”, Mediapart, 28 novembre 2021 (link). [28] Voir sa déclaration sur le site de la
Douma. [29] Như Marija Zakharova, người
phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, cho biết: “Quyết định mang tính xúc phạm của
các nghị sĩ Latvia nhận được sự lên án nhất trí từ những người sáng suốt, không
chỉ ở Nga, mà trên toàn thế giới. Nó cũng có thể được coi là một nỗ lực để sỉ
nhục cộng đồng nói tiếng Nga sống ở Latvia, vốn trân trọng lưu giữ ký ức về chiến
công của các anh hùng chống phát xít. […] Đồng thời, không có gì đáng ngạc
nhiên về quyết định lập pháp này, vì chế độ cầm quyền ở Latvia từ lâu đã được
biết đến với những ưu đãi tân Quốc xã và nỗ lực minh oan cho những hành động
tàn ác của những kẻ tay sai của nước Đức Hitler, giống như cách mà Riga ngày
nay che đậy bằng mọi cách có thể về tội ác của chế độ Kiev đối với dân thường ở
Ukraine và Donbass”. [30] ““В военной
сфере мы преуспели”. Как российским школьникам объясняют, что такое “гибридный конфликт””, Медиазона,
6 avril 2022 (link). [31] Юлия Балахонова,
“Лишь бы была война. Рассказ о том, как российские власти готовили детей к нападению
на Украину”, Проект медиа, 18 mars 2022 (link). [32] Ví dụ
xem, về sử liệu liên quan đến cuộc Cách mạng Pháp: Александр В. Гордон /
Aleksandr V. Gordon, Великая Французская революция в советской историографии [La
Grande Révolution française dans l’historiographie soviétique], Москва, Наука,
2009, p. 104. [33] “Власти
пытаются проводить в вузах пропагандистские лекции по истории и “борьбе с фейками”.
Некоторые преподаватели отказываются их читать”, Медуза, 26 mars 2022 (link). [34] Анна Павлова,
““Давайте еще введем день победы над роддомом”. За что возбудили дело о “фейках”
на Ирину Ген, учительницу из Пензы”, Медиазона, 18 avril 2022 (link). [35] Stanley
Cohen, States of Denial: Knowing about Atrocities and Suffering,
Cambridge, Polity Press, 2001. [36] Barbara
Cassin (dir.), Vocabulaire européen des philosophies. Dictionnaire des
intraduisibles, Paris, Seuil; Le Robert, 2004, p. 620-624 et 980-987. [37] Richard
S. Wortman, “Pravda and the Rhetoric of Moral Transcendence,” The
Power of Language and Rhetoric in Russian Political History: Charismatic Words
from the 18th to the 21st Centuries, London, Bloomsbury Academic, 2018, p.
133-157. [38] Vladimir
Putin trình bày trong diễn văn ngày 24 tháng hai. Trước “sức mạnh thô bạo” của “đế
chế nói dối”, ông phản bác “Bạn và tôi đều biết là sức mạnh thật sự nằm bên
phía công lí và sự thật (v spravedlivosti i pravde), phía của chúng ta”. [39] Ví dụ,
Christophe Prochasson, Anne Rasmussen (dir.), Vrai et faux dans la Grande Guerre,
Paris, La Découverte, 2004. [40] Alexander
M. Martin, Romantics, Reformers, Reactionaries: Russian Conservative Thought
and Politics in the Reign of Alexander I, DeKalb, Northern Illinois
University Press, 1997; Peter J. S. Duncan, Russian Messianism: Third Rome,
Revolution, Communism and After, New York, Routledge, 2000. Sur les
discours contemporains: Maria Engström, “Contemporary Russian Messianism and
New Russian Foreign Policy,” Contemporary Security Policy, vol. 35,
n°3, 2014, p. 356–379. [41] Фёдор
Иванович Тютчев, “Nước Nga và Cách mạng (12 tháng năm 1848)”, Полное собрание
сочинений и письма. Том третий: Публицистические произведения, Москва, РАН,
2003, с. 42 (tiếng Pháp trong nguyên tác). [43] Theo cụm
từ của nhà nhân học Ernesto de Martino, La fine del mondo. Contributo
all’analisi delle apocalissi culturali, Torino, Einaudi, 2002. [44] “Может ли
Кремль применить нестратегическое ядерное оружие, чтобы победить в нынешней войне?”,
Медуза, 20 mars 2022 (link). [*]
Cancel culture (văn hoá tẩy chay) là một thực tiễn xuất hiện ở Mĩ và sau đó lan tràn khắp nơi. Nó chủ yếu bao gồm việc công khai tố cáo các cá nhân, nhóm hay định chế bị tố cáo có trách nhiệm về những hành vi, hành động, hay nhận xét bị xem là không thể nào chấp nhận được, với mục tiêu là tẩy chay hay triệt hạ chúng. (ND theo wikipedia)