11.5.22

Sự ngờ vực khoa học chỉ là một biểu hiện của nền dân chủ

SỰ NGỜ VỰC KHOA HỌC CHỈ LÀ MỘT BIỂU HIỆN CỦA NỀN DÂN CHỦ

 Luc Rouban

Giám Đốc Nghiên Cứu của CNRS ở Cevipol

Tóm tắt

  • 82% người Pháp tin tưởng vào khoa học, theo Bản đo niềm tin chính trị được công bố vào tháng 1 năm 2022.
  • Tuy nhiên, con số này giảm xuống 68% đối với các chuyên gia khoa học tư vấn cho chính phủ, và 42% đối với chính phủ.
  • Theo kết luận của nghiên cứu được Sciences Po công bố, như vậy sự ngờ vực khoa học chủ yếu là do sự thiếu tin tưởng của công dân đối với các định chế chính trị.
  • Sự ngờ vực này đặc biệt ăn sâu trong các cử tri của các đảng dân túy. 66% cử tri của Đảng Tập Hợp Dân Tộc/Rassemblement National được khảo sát tin rằng “sự sáng suốt thông thường hữu ích hơn kiến ​​thức khoa học”.

Khoa học vẫn đáng tin cậy…

Cevipof (Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Sciences Po) đã tổ chức Bản Đo Niềm tin Chính trị từ năm 2009. Hoạt động nghiên cứu này xem xét sự tin cậy như một vấn đề chính trị xã hội. Chúng tôi quan tâm đến sự tin cậy dành cho các định chế chính trị, và cả cho các thể chế xã hội như khoa học, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch này. Các mối quan hệ giữa khoa học và chính trị, theo nghĩa rộng, giúp chúng ta đặt câu hỏi về dư luận thông qua lăng kính của cấu trúc xã hội, các tổ chức đại diện hoặc về mặt nhân học chính trị.

Khoa học là một thể chế xã hội giống như gia đình, nhà trường, công lý hay quân đội. Nhưng nó cũng có một khía cạnh gắn liền với cấu trúc lịch sử của Pháp và bản chất cộng hòa của nó. Ý tưởng về nền Cộng hòa dựa trên một triết lý thực chứng, nghĩa là một thế giới các hành động công và các cuộc tranh luận chính trị thấm nhuần tinh thần khoa học. Đó là vấn đề tiến hành một cách duy lý cuộc tranh luận dựa trên các thí nghiệm hoặc ít nhất là dựa trên lý luận khoa học. Cách tiếp cận này phân biệt chế độ Cộng hòa (của Pháp) với các chế độ dân chủ khác, chẳng hạn như chế độ dân chủ Mỹ vốn được tổ chức xoay quanh các giá trị cộng đồng nhiều hơn. Cộng hòa Pháp có tham vọng mang tính phổ quát, và vì vậy, nó dựa vào tính duy lý khoa học. Vì vậy, vấn đề khoa học không phải là vấn đề phụ.

Cuộc khủng hoảng y tế đã minh họa rất rõ điều này, phát ngôn khoa học được nhiều người/tổ chức khác nhau truyn tải: các nhà khoa học, các chuyên gia truyền tải kiến ​​thức khoa học trong bối cảnh chính trị và quy định, các tổ chức phổ biến và khuếch tán (mạng xã hội, phương tiện truyền thông). Nó cũng liên quan đến các nguồn thông tin khác nhau, bao gồm các chỉ báo thống kê do chính phủ, các ấn phẩm khoa học và các bài mang nội dung khoa học khác công bố.

Những công bố mới nhất[1] của Bản Đo cho thấy rằng khoa học thuần túy vẫn là một thể chế rất đáng tin cậy, với mức tin cậy tổng thể lên đến 82%, chỉ đứng sau bệnh viện (83%) và trước quân đội (76%) hoặc cảnh sát (72%).

… ngoại trừ khi liên kết với quyền lực

Nhưng khi đi vào chi tiết, có vẻ như một định chế khoa học càng gần với chính phủ, thì sự tin cậy càng giảm. Đối với các nguồn thông tin về tình hình y tế, sự tin cậy đối với bác sĩ là 91%. Nó giảm xuống đến 68% đối với các chuyên gia khoa học tư vấn cho chính phủ, sau đó tụt xuống 42% cho riêng chính phủ[2]. Chúng ta nhận thấy sự mất lòng tin đối với chính phủ đã lây lan sang các hoạt động khoa học. Sự ngờ vực đối với phát ngôn chính thức cũng tác động đến các chuyên gia và các số liệu thống kê chính thức. Tình trạng căng thẳng của nền dân chủ dẫn đến sự hoài nghi về mọi thứ được phát biểu về dịch bệnh, về diễn biến của nó, về các biện pháp dự phòng hay về chính sách tiêm chủng.

Ở Pháp, tình trạng căng thẳng của nền dân chủ được ghi nhận trong sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, tức là sự chống đối của người dân đối với giới tinh hoa, bao gồm cả các nhà khoa học. Có một sự ngờ vực đối với phát ngôn của giới quyền uy. Nhưng chủ nghĩa dân túy không thuần chất, chủ nghĩa dân túy cánh hữu không đồng nhất với chủ nghĩa dân túy cánh tả. Trong khi sự ngờ vực đối với khoa học càng tăng lên khi chủ nghĩa dân túy càng mạnh (chỉ có 36% những người theo chủ nghĩa dân túy ủng hộ mạnh mẽ khoa học vào năm 2020), nền tảng của nó cũng thay đổi tùy theo xu hướng chính trị.

Chẳng hạn, chủ nghĩa dân túy cánh tả thường được phổ biến ở những người gần với đảng Nước Pháp không chịu khuất phục/La France Insoumise. Họ tự nhận là chống hệ thống, bày tỏ quan điểm chống chính phủ, nhưng coi trọng khoa học và ủng hộ nhà trường và các nhà khoa học. Sự ngờ vực của họ đối với khoa học được biện minh bởi sự đan xen của khoa học với lợi ích tư nhân hoặc sự biến đổi khoa học thành những công nghệ đáng ngờ hoặc khả nghi. Theo quan điểm của họ, khoa học bị ô nhiễm bởi các lợi ích tư nhân và tham nhũng.

Chủ nghĩa dân túy cánh hữu liên quan đến các cử tri của đảng Tập Hợp Quốc Dân. Nó cũng gắn với sự từ khước giới tinh hoa và tất cả những thứ thuộc về chính phủ, chẳng hạn như các định chế. Nhưng sự ngờ vực đối với khoa học dựa nhiều hơn vào cảm tính, sự sáng suốt thông thường hoặc truyền thống. 66% người được hỏi tin rằng “sự sáng suốt thông thường thường hữu ích hơn kiến ​​thức khoa học”. Sự trừu tượng, lý luận khoa học và lập luận thuần lý là những đối tượng của sự ngờ vực. Ví dụ, chúng ta quan sát thấy sự bác bỏ lý luận thống kê để ủng hộ sự hiểu biết về thực tại trong chiều kích tức thời của nó hoặc niềm tin vào vận may. Khoa học được coi là một định chế được các học giả chế tạo và tạo ra sự phân cách xã hội giả tạo, những điều do chính con người tạo ra.

Sự ngờ vực trong bối cảnh của đại dịch

Nhận định này không bị cuộc khủng hoảng y tế làm thay đổi. So sánh giữa các nghiên cứu năm 2018 và năm 2020 chỉ cho thấy tình trạng căng thẳng của nền dân chủ chuyển sang lĩnh vực y tế. Cuộc khủng hoảng chỉ xác định, thậm chí còn khuếch đại sự rạn nứt giữa những người tán thành tính duy lý khoa học và những người bác bỏ nó. Và hiện tượng này dường như nuôi dưỡng thuyết âm mưu.

Hơn nữa, trong các công bố sau cùng của các Bản Đo, chúng tôi cho thấy rằng ngay cả sự suy giảm trong sự do dự đối với vắc-xin cũng không phản ánh bất kỳ sự thay đổi nào trong sự tin cậy vào các thể chế. Sự chấp nhận rộng rãi hơn đối với vắc-xin – nay bao gồm đến 65% số người được hỏi - chỉ được thúc đẩy bởi sự trở lại cuộc sống bình thường (45% trong số những người phản hồi đầu tiên ủng hộ việc tiêm chủng). Các thành phần bình dân nghĩ rằng họ đang “bảo vệ chính mình”, trong khi các thành phần khá giả thì “bảo vệ những người khác”.

Tuy nhiên, chính phủ đã không thể tận dụng sự thành công, dù chỉ là tương đối, của chiến lược vắc-xin của mình. Sự ngờ vực đối với các quyết định chính trị rất sâu sắc, bất kể chúng thành công như thế nào. Chúng ta đang thấy vòng xoáy của sự ngờ vực đặt ra câu hỏi về tất cả các cơ chế đánh giá các chính sách công.

Luc Rouban (1958-)

Và tình huống này là nét đặc thù của Pháp. Nếu chủ nghĩa dân túy cũng tồn tại ở Đức hoặc Vương quốc Anh - những quốc gia mà chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát so sánh - thì đòi hỏi của họ về hành động trực tiếp hơn của người dân là nhằm cải thiện nền dân chủ đại nghị. Ở Pháp, các yêu sách là sự bác bỏ hệ thống hiện có. Do đó, tình hình này giải thích cho tỷ lệ cao những người không đi bỏ phiếu và sự nghi ngờ lớn hơn đối với các phân tích chuyên gia ở Pháp.

Về tác giả

Các công trình của Luc Rouban nằm trong khuôn khổ của xã hội học chính trị và chúng đặc biệt tập trung vào nền dân chủ và giới tinh hoa chính trị và xã hội. Gần đây, ông đã xuất bản “La matière noire de la démocratie (Vật chất tối của nền dân chủ”, Presses de Sciences Po, 2019 và “Quel avenir pour les maires? (Tương lai nào cho các thị trưởng?)”, La Documentation française, 2020.

Agnès Vernet ghi lại

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:La défiance de la science n’est qu’une traduction du malaise démocratique, Polytechnique Insights, 9.2.2022.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF