4.5.22

Khí đốt: Một lệnh cấm vận sẽ khiến Nga thiệt hại gấp ba lần EU

KHÍ ĐỐT: MỘT LỆNH CẤM VẬN SẼ KHIẾN NGA THIỆT HẠI GẤP BA LẦN EU

Các tác giả: Fabien Tripier, Franck Malherbet, François LangotJean-Olivier Hairault

Chi phí bình quân đầu người hàng năm của lệnh cấm vận tương đương với mức giảm -0,7% tổng mức chi tiêu quốc gia ở Liên minh châu Âu và -2,3% ở Nga. Vasily Maximov / AFP

Đối mặt với việc Nga xâm lược Ukraine, các biện pháp trừng phạt đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) mang tính ngoại giao và tài chính. Việc Nga tiếp tục cuộc chiến đã khiến nhóm Hai mươi bảy nước mở rộng phạm vi trừng phạt. Kể từ ngày 8 tháng 4 năm 2022, EU đã cấm nhập khẩu than và các nhiên liệu hóa thạch rắn khác của Nga. Liệu có nên tiến xa hơn và mở rộng lệnh cấm vận, đặc biệt đối với khí đốt của Nga? Nhiều người đã lên tiếng phản đối, nêu lên cái giá phải trả của lệnh cấm vận đối với châu Âu, thậm chí có thể bị thua thiệt còn nhiều hơn cả Nga.

Việc phản đối lệnh cấm vận đối với năng lượng Nga dựa trên ý tưởng không có giải pháp thay thế nào có sn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Để minh họa lập luận này, hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của một công ty sản xuất hàng tiêu dùng, thông qua việc sử dụng một hàng hóa trung gian, mà tự thân hàng hóa đó được sản xuất qua việc sử dụng năng lượng. Không có phương án thay thế nào khả dĩ. Trong trường hợp này, việc giảm 10% năng lượng sẽ làm giảm 10% lượng hàng hóa trung gian, và vì thế sản lượng của công ty sẽ giảm 10%.

Tuy nhiên, tầm nhìn “cơ học” này về sản xuất đã bỏ qua các khả năng thay thế: công ty có thể tìm một nguồn năng lượng thay thế khác, hoặc những hàng hóa trung gian không sử dụng nguồn năng lượng đó, mà các nhà cung cấp mới cũng có thể cung ứng, và cuối cùng là cầu của người tiêu dùng có thể dịch chuyển sang các loại hàng hóa khác, nếu hàng hóa dựa trên nguồn năng lượng đó trở nên quá đắt hoặc ít tương hợp hơn so với cầu.

534 euro ít hơn mỗi năm cho một người dân Nga

Đã có nhiều ví dụ lịch sử cho thấy làm thế nào để triển khai các phương án thay thế nói trên. Hậu quả của lệnh cấm vận đất hiếm của Trung Quốc đối với Nhật Bản, vào năm 2010, đã bị làm giảm nhẹ, bởi sự tài tình của các kỹ sư Nhật Bản, khi nghiên cứu quá trình tái chế các vật liệu thay thế. Tương tự, lệnh cấm vận dầu khí đối với Đức, trong Thế Chiến thứ hai, đã bị làm giảm nhẹ rất nhiều, bởi việc sử dụng máy tạo khí từ gỗ hoặc than (gazogène) để cung cấp năng lượng cho các phương tiện giao thông dân sự.

Để đánh giá hệ quả kinh tế của lệnh cấm vận, chúng tôi tính đến các khả năng thay thế đó, trong một ghi chú gần đây của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Kinh tế (CEPREMAP). Điều được giả định là rất khó thay thế năng lượng Nga bằng các nguồn năng lượng đầu vào khác: độ co giãn thay thế được chọn thấp hơn gấp ba lần so với các ước lượng thông thường. Liên quan đến lệnh cấm vận, EU được cho là sẽ áp đặt các rào cản nghiêm ngặt đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu xuất xứ từ Nga (bao gồm cả năng lượng). Chiến lược này, dẫn đến việc đánh giá quá cao chi phí của lệnh cấm vận đối với năng lượng Nga, theo nghĩa hẹp (stricto sensu), gần với hiện trạng các biện pháp trừng phạt (tài chính, nông nghiệp, vận tải hàng không, v.v.). Cuối cùng, Nga không hoàn toàn bị loại trừ khỏi nền thương mại quốc tế, duy trì được khả năng bán hàng cho các đối tác khác.

Các mô phỏng của chúng tôi chỉ ra là chi phí bình quân đầu người hàng năm của lệnh cấm vận tương đương với mức giảm -0,7% tổng chi tiêu quốc gia ở EU (tức là tổng của tiêu dùng các hộ gia đình, của tiêu dùng các cơ quan chính phủ và của tích luỹ tài sản cố định). Đối với Nga, chi phí đó sẽ cao hơn với mức giảm -2,3% tổng chi tiêu quốc gia (xem biểu đồ 1 bên dưới).

Những thiệt hại nặng nề nói trên của Nga cho thấy một sự phụ thuộc rất lớn của Nga với thế giới bên ngoài, và một khả năng yếu kém trong việc bù đắp các thiệt hại đó thông qua các hoạt động khác, ngay cả khi việc giá năng lượng tăng có thể làm giảm nhẹ tác động của cú sốc này đối với Nga.

Ngay cả khi có thể thảo luận về mức độ các thiệt hại nói trên, đánh giá này đã cho thấy bên bị trừng phạt, ở đây là Nga, bị thiệt hại nhiều hơn gấp ba lần so với EU. Nếu tính bằng đồng euro trên đầu người mỗi năm, thì chi phí hàng năm của lệnh cấm vận này sẽ lên tới 534 euro đối với một người dân Nga và 227 euro đối với một người dân châu Âu (tức 908 euro mỗi năm đối với một hộ gia đình có hai con).

Các cấu trúc theo ngành nghề và sự phụ thuộc vào thế giới bên ngoài, vốn khác biệt theo từng nước cụ thể, hàm ý một sự khác biệt to lớn về chi phí cấm vận trong nội bộ EU (Biểu đồ 1). Lithuania sẽ là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất (-5,3%) và Luxembourg sẽ là nước hưởng lợi (+ 0,2%). Đức và Pháp chiếm các vị trí trung gian (hạng thứ 11 và 20 trong số các nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nhất) với mức thiệt hại lần lượt là -0,3% và -0,2% tổng chi tiêu quốc gia. Các đối tác Bắc Mỹ sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi lệnh cấm vận này, với mức thiệt hại hàng năm từ -0,03% đối với một người dân Mỹ và thậm chí với mức thu lợi hàng năm là 0,14% đối với một người dân Canada.

Một cái giá mà Nga sẽ sớm khó có thể gánh chịu

Các kết quả nói trên khẳng định, để tạo điều kiện thuận lợi cho một quyết định chung của châu Âu về cấm vận, thì cần triển khai một cơ chế phân phối lại trong nội bộ EU, để giúp các nước bị ảnh hưởng nặng nhất, cũng như để phân phối, một cách công bằng, mức đóng góp của mỗi nước.

Làm thế nào để giải thích những khác biệt đó giữa các nước? Trước hết, mô hình tính đến khả năng tái phân bổ quốc tế: đối với năng lượng, Canada có thể bán điện nhiều hơn cho Hoa Kỳ, Hoa Kỳ có thể bán khí đốt nhiều hơn cho Pháp, Pháp có thể bán điện nhiều hơn cho Đức. Sau đó, các hoạt động thay thế sẽ diễn ra: cụ thể theo từng nước, các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ mua ít hơn những năng lượng giờ đã trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn, sử dụng năng lượng đó trong trường hợp ít có khả năng thay thế nhất đối với họ. Cuối cùng, một số sản phẩm thâm dụng đầu vào của Nga (trong đó có năng lượng) sẽ được dịch chuyển sang các nước khác. Khi tính đến các đặc thù của ngành công nghiệp và thương mại của từng nước, mô hình giải thích lý do vì sao những nước sử dụng nhiều nhất các sản phẩm đầu vào của Nga (trong đó có năng lượng) sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Số tiền tính toán nói trên có vẻ khiêm tốn đối với thái độ ngập ngừng trong việc áp đặt lệnh cấm vận. Trước hết, cần lưu ý đến những chênh lệch to lớn trong nội bộ từng nước: ở Pháp, ngành vận tải và nông nghiệp đang chứng kiến một mức sụt giảm mạnh lần lượt là -6% và -4%. Biểu đồ 2 dưới đây cũng minh họa sự phân bổ lại hoạt động sản xuất-kinh doanh theo từng ngành, với một mức tăng đối với ngành năng lượng trong nước (trong đó có năng lượng hạt nhân) và các ngành ít sử dụng năng lượng hơn, chẳng hạn như thương mại.

Giống như việc làm, và do đó thu nhập gắn với việc làm phụ thuộc vào ngành nghề hoạt động, có thể xuất hiện kẻ thắng người thua từ lệnh cấm vận trong nội bộ mỗi nước, đòi hỏi cần phải phân phối lại nguồn lực để chống lại tình trạng bất bình đẳng xuất hiện từ thực tế này.

Các đánh giá này nhấn mạnh đến khả năng chịu đựng một cú sốc như thế của nền kinh tế toàn cầu. Toàn cầu hóa đã tạo ra một mạng lưới các liên kết thương mại đủ dày, để các chính sách tái phân bổ có thể “đảm bảo” các nước chống lại cú sốc tiêu cực này bên phía cung, nhưng có tính địa phương. Chỉ riêng việc ngừng các giao dịch giữa Nga và EU đã giải thích mức độ vừa phải của chi phí.

Fabien Tripier
Franck Malherbet

Thật vậy, việc loại trừ hoàn toàn Nga khỏi nền thương mại quốc tế sẽ dẫn đến một cái giá mà nền kinh tế Nga khó có thể gánh chịu: mỗi người dân Nga sẽ phải giảm 33% chi tiêu tiêu dùng của họ, tức là giảm 8.500 euro mỗi năm. Kịch bản này giả định sự tán thành cấm vận của toàn bộ các nước, một điều không thực tế, nhưng đưa ra một thước đo về tiềm năng to lớn của các công cụ thương mại trong toàn cảnh các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Các tác giả

Fabien Tripier, Giáo sư về Kinh tế và là nhà nghiên cứu tại Đài quan sát vĩ mô CEPREMAP, Đại học Paris Dauphine - PSL

Franck Malherbet, Giáo sư về Kinh tế tại ENSAE và là nhà nghiên cứu tại CREST, ENSAE ParisTech

Jean-Olivier Hairault
François Langot

François Langot, Giáo sư về Kinh tế, Nhà nghiên cứu tại Đài quan sát Vĩ mô CEPREMAP, Đại học Le Mans

Jean-Olivier Hairault, Giáo sư về Kinh tế, và là Giám đốc Khoa học của Đài quan sát Vĩ mô Cepremap, trường Paris School of Economics – École d'économie de Paris

Tuyên bố công khai

Các tác giả không làm việc, không tham vấn, không sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hay tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không có bất cứ quan hệ nào khác ngoài quan hệ công việc mang tính học thuật.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Gaz: un embargo coûterait trois plus à la Russie qu’à l’UE, The Conversation, ngày 12/04/2022.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF