2.5.22

Sự hỗn loạn thế giới mới: năm I, châu Âu, năm II, châu Á?

SỰ HỖN LOẠN THẾ GIỚI MỚI: NĂM I, CHÂU ÂU, NĂM II, CHÂU Á?

Jean-Yves Heurtebise[1]

Tổng thống Nga Vladimir Putin với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 8 tháng 6 năm 2018. (Nguồn: CNN)

Dù kết quả ra sao, cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã khiến bất kỳ động thái quân sự nào khác trên thế giới và đặc biệt là ở châu Á có khả năng xảy ra nhiều hơn. Một điều cấm kỵ đã bị xóa đi: hòa bình không còn thiêng liêng nữa và việc sử dụng vũ lực tìm thấy sự biện bạch cho nó ngay trong chính nó. Việc Trung Quốc đã thông qua một ngân sách quân sự có mức tăng trưởng trong một năm sẽ cao hơn mức tăng GDP của nước này dường như cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị.

XÂM LƯỢC CỦA NGA VÀO UKRAINA, SỰ KHỞI ĐẦU MỘT THỜI ĐẠI MỚI CHO THẾ GIỚI VÀ CHÂU Á

Trong một diễn đàn của Le Monde được xuất bản vào tháng 7 năm ngoái, tôi đã viết: “Để chắc chắn rằng Thế chiến thứ III sẽ không diễn ra, bạn phải thấy rằng nó đang bắt đầu - và biết cách chuẩn bị cho nó”. Rõ ràng là chúng ta đã không biết cách chuẩn bị cho nó.

Nếu Thế chiến thứ III đã bắt đầu, cuộc chiến của Nga với Ukraine có thể chỉ là cuộc xung đột đầu tiên. Ngoài những điểm nóng dai dẳng, chẳng hạn như ở Yémen, các sự căng thẳng đang gia tăng ở các khu vực khác nhau trên thế giới: giữa Algérie và Maroc, ở Balkan giữa Serbie và các nước láng giềng, trên bán đảo Triều Tiên khi một chế độ mới ở Hàn Quốc chủ trương sự kiên định đối với người láng giềng độc đoán vốn vẫn tiếp tục trong thế tấn công.

Tuy nhiên, như tôi đã nhấn mạnh trong một diễn đàn khác trên tờ Le Monde xuất bản ngày 23 tháng 3 năm 2022, “ta phải hiểu Thế chiến thứ III không như là sự lan tỏa ra toàn cầu của một cuộc chiến tranh cục bộ mà là sự phá hủy các chuẩn mực đã xác định trật tự toàn cầu cũ kế thừa từ Thế chiến thứ II”, nghĩa là sự kết thúc của một hình thức toàn cầu hóa nhất định. Ông chủ của BlackRock, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất của Mỹ, cũng tuyên bố: cuộc chiến ở Ukraine có thể đánh dấu sự kết thúc của sự toàn cầu hóa như chúng ta đã biết. Một thế giới “giải toàn cầu hóa”, nơi diễn ra sự tách biệt về công nghệ, thông tin, năng lượng và tài chính giữa các khu vực khác biệt về mặt ý thức hệ với một sự phân vùng địa chính trị cứng mới của thế giới: một bên là các nền dân chủ phát triển, một bên là các chế độ chuyên chế ở Phương Đông và Á Châu (Iran, Nga, Trung Quốc, Pakistan và Triều Tiên). Và ở giữa, các nước không liên kết mới (các nước Nam Mỹ, các nước Ả Rập, một số nước châu Phi và Ấn Độ).

Tuy nhiên, liệu tiến trình giải toàn cầu hóa này có đơn giản chỉ là một sự “giải phương Tây hóa”, như các quốc gia phương Nam và phương Đông muốn, những nước còn lưỡng lự đi theo con đường của Mỹ và châu Âu để lên án chế độ Putin rõ ràng đã phạm tội ác chiến tranh? Cuộc chiến ở Ukraine dường như đã đánh thức châu Âu khỏi giấc ngủ “địa chính trị và giáo điều”: châu Âu mới nhận thức rằng Lịch sử không còn là cái gì nằm ở bên ngoài nó nữa, một cái gì mà châu Âu đã hoàn thành và được các nước khác nôn nóng chờ đợi trải nghiệm. Nếu châu Âu tự đặt mình bên ngoài Lịch sử, Lịch sử sẽ được tạo ra mà không có châu Âu, chống lại châu Âu. Hơn nữa, “bài học” lớn, sẽ khó thực hiện, là bất kỳ tình huống phụ thuộc công nghệ và thương mại nào vào một quốc gia không phải là đồng minh địa chính trị đều dẫn đến sự tự sát chiến lược. Do đó, câu hỏi đặt ra: liệu những gì “Phương Tây” đã học được từ Nga, phương Tây còn sẽ phải học nó từ Trung Quốc?

KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG XỬ LÝ CHẤN THƯƠNG DO BỊ MẤT ĐẾ CHẾ NHƯ LÀ MỘT MA TRẬN CỦA NHỮNG “SỰ KIỆN THAY THẾ”

Đối với Putin, Ukraine với tư cách là một Quốc gia không tồn tại, do đó nó không được tồn tại. Đối với Tập Cận Bình, Đài Loan với tư cách là một nhà nước cũng không tồn tại, vì vậy nó không nên tồn tại nữa.

Việc các Nhà nước che giấu sự thật về lịch sử của chúng với chính công dân của chúng có thể đóng vai trò như một bàn đạp để lan truyền các tin tức giả sang các quốc gia khác là hoàn toàn logic. Thời đại của hậu sự thật cũng là thời đại của chiến tranh toàn diện. Bất cứ ai phủ nhận thực thể của người kia rồi cũng sẽ tấn công người này. Trong hoàn cảnh đó, tháo gỡ các động lực của bộ máy của thuyết âm mưu là thực hiện công cuộc kháng cự dân chủ ở cả cấp quốc gia và quốc tế.

Emmanuel Macron (1977-)

Nếu chúng ta xem xét các động lực của thuyết âm mưu, chúng ta sẽ thấy một cơ chế phức tạp được lặp lại: đó thường là lấy hệ quả làm nguyên nhân. Ví dụ, hệ quả của sự lan tỏa của đại dịch coronavirus kể từ năm 2019 là các công ty dược phẩm lớn đã có thể thu được lợi nhuận đáng kể trong việc bán vắc-xin. Theo thuyết âm mưu, hệ quả này trở thành một nguyên nhân: chính các nhóm này đã sản xuất ra loại virus để tăng lợi nhuận của họ. Lấy hệ quả làm nguyên nhân một cách có hệ thống là một sự lệch hướng thường thấy cuả diễn ngôn về chiến tranh của Nga ở Ukraine. Hậu quả trước mắt của cuộc xâm lược của Nga là củng cố sự thống nhất của NATO (vốn dường như đang trong tình trạng “chết lâm sàng”, theo Emmanuel Macron), biến Liên minh châu Âu thành một “cường quốc châu Âu” (với hệ luận quân sự của sự biến đổi này). Đây là một tổ hợp các sự kiện đã trở thành nguyên nhân do sự đảo ngược của tính nhân quả như được nêu trên: chính NATO và châu Âu đã “thúc đẩy” Putin xâm lược Ukraine để củng cố bản thân.

Do đó, hệ quả của chiến tranh là sự huỷ bỏ thông thường thỏa thuận về sự vận hành đường ống Nord Stream 2 cho phép vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức (điều đã đẩy nhanh việc Đức rút khỏi năng lượng hạt nhân bằng cách đặt cược vào mối quan hệ với Moscow: theo chiều hướng của Chính sách hướng về Phương Đông/Ostpolitik của Thủ tướng Schröder, hiện thuộc hội đồng quản trị của Gazprom). Hệ quả này trở thành nguyên nhân của cuộc chiến này: Hoa Kỳ “buộc” Putin phải ném bom Kyiv để có thể bán khí đá phiến của họ cho Berlin. Cứ mỗi lần như vậy đều là để gỡ tội cho kẻ xâm lược bằng cách đặt trách nhiệm lên trên kẻ bị xâm lược.

Người ta nói rằng sự mở rộng của NATO đã đe dọa Nga. Đó là điều có thể có. Nhưng phải thừa nhận rằng nếu các nước láng giềng hoặc các nước lân cận muốn gia nhập NATO, đó cũng là vì họ cảm thấy bị đe dọa bởi một Nhà nước, nếu là hoàn toàn dân chủ và ít có tinh thần phục thù hơn, sẽ khiến các nước láng giềng ít sợ hãi hơn. Chúng ta quên rằng vào năm 2018, Nga đã lắp đặt tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở Kaliningrad, ngay trong tầm với đến các nước Vùng Baltic.

Mikhail Gorbachev (1931-)

Người ta nói nhiều về “lời hứa” năm 1991 với Nga không mở rộng NATO về phía đông - điều mà giờ đây sẽ biện minh cho sự xâm lược của Nga. Chúng ta cần phải quay trở lại huyền thoại sáng lập này. Bởi vì, một mặt, nếu chúng ta tin những gì mà chính Gorbachev, người chủ trì cuộc họp năm 1991, đã nói vào năm 2014, thì ý tưởng về việc mở rộng NATO không nằm trong chương trình nghị sự lúc đó: “Chủ đề về “sự mở rộng NATO” chưa bao giờ được thảo luận. Nó đã không được đề cập trong những năm này. Tôi nói điều này với một tinh thần trách nhiệm đầy đủ. Không một quốc gia Đông Âu nào nêu ra vấn đề này, kể cả sau khi Hiệp ước Varsovie chấm dứt vào năm 1991”.

Hơn nữa, đây không thật sự là một thỏa thuận mà việc tiết lộ công khai sẽ ràng buộc các bên ký kết theo luật pháp quốc tế. Chúng ta cũng quên rằng một thỏa thuận chính thức đã được thiết lập giữa NATO và Nga vào năm 1997, trong đó quy định: “NATO và Nga không coi nhau là đối thủ của nhau. Họ chia sẻ mục tiêu khắc phục tàn dư của cuộc đối đầu và cạnh tranh trước đây, đồng thời tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và sự hợp tác. Văn bản này tái khẳng định quyết tâm của NATO và Nga đưa ra nội dung cụ thể cho cam kết chung của họ nhằm xây dựng một châu Âu ổn định, hòa bình và thống nhất, toàn diện và tự do, vì lợi ích của tất cả các dân tộc trong khối.”

Chúng ta đừng quên rằng vào năm 2002, Vladimir Putin đã từng tuyên bố về sự liên minh với NATO: “Mỗi quốc gia có quyền lựa chọn cách thức đảm bảo an ninh của mình. Về bản chất NATO là một khối phòng thủ. Tôi chỉ có thể lặp lại những gì tôi đã nhiều lần nói ra. Việc mở rộng khối này sẽ cải thiện an ninh quốc tế và an ninh của các nước thành viên.” Chúng ta không thể nói rõ hơn.

Noam Chomsky (1928-)

Cuối cùng, về mặt luật pháp quốc tế, điều đáng lẽ phải mang tính ràng buộc là bản ghi nhớ Budapest được ký kết vào năm 1994. Thông qua văn bản này, Nga, Anh và Hoa Kỳ đã cam kết đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Belarus, Kazakhstan và Ukraine để đổi lại việc các nước này phê chuẩn hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, nghĩa là sự phi hạt nhân hóa của họ. Chính thỏa thuận này đã bị Nga vi phạm vào năm 2014 ở Ukraine và năm 2022 ở cả Ukraine và Belarus. Nếu có lỗi từ phía Hoa Kỳ, thì đây là lỗi của họ: cho phép Nga sáp nhập các vùng lõm “nói tiếng Nga” của Donetsk và Lugansk mà không tìm cách thực thi bản ghi nhớ Budapest, tiếp sau chính sách rút khỏi của họ, được cuộc tháo chạy khỏi Afghanistan thể hiện rõ ràng. Lỗi này có thể là một điều tốt nếu nó chỉ ra rằng Hoa Kỳ nay đang tìm cách xác định một chính sách đối ngoại mà định hướng chính (hoặc thậm chí độc nhất, theo Chomsky) không còn là chiến tranh. Nhưng, làm thế nào duy trì một trật tự quốc tế thuận lợi mà không muốn đấu tranh nhiều hơn vì nó?

John Mearsheimer (1947-)

Theo trường phái hiện thực, đặc biệt được John Mearsheimer thể hiện, việc mở rộng NATO sẽ dẫn đến sự xâm lược Ukraine. Lối suy nghĩ này giả định rằng bất kỳ quốc gia nào có biên giới với một cường quốc chỉ có thể hành xử như một chư hầu phục tùng; nó cung cấp quyền tự do hành động cho bất kỳ chiến lược nào về không gian sinh tồn (Lebensraum) và không đặt giới hạn cho sự mở rộng này - ngoài giới hạn thực tiễn mà kho vũ khí kinh tế-quân sự cho phép. Trường phái hiện thực quên rằng các cường quốc cũng có thể hành xử một cách có trách nhiệm, như Đức và Pháp đã làm sau năm 1945. Nó quên rằng luật pháp quốc tế cũng cần được quan tâm. Nó quên rằng cường quốc duy nhất phải là Gaia, Trái đất. Hệ tư tưởng đòi lại lãnh thổ không phải là fatum (định mệnh) của Great power politics (chính sách cường quốc). Đó là sự lựa chọn của một chính phủ từ chối sự thật, dối trá với bản thân và người dân, và thích thú với chủ nghĩa xét lại lịch sử.

Đó là bởi vì, cho dù đối với Trung Quốc hay đối với Nga, việc viện dẫn cái cớ bị sỉ nhục là sự minh chứng cho sự cố định lịch sử về một sự kiện đau thương mà quyền lực hiện tại đã cố ý nuôi dưỡng trong vô thức của quần chúng nhằm biện minh cho tất cả các cuộc chiến để trả thù sau này. Tất nhiên, Đài Loan không phải là Ukraine, Đài Bắc chưa bao giờ là thủ đô của Trung Quốc như Kyiv đã từng là thủ đô của Nga. Điều có thể so sánh được không phải là Ukraine với Đài Loan hay Đài Loan với Ukraine, mà là diễn ngôn của Trung Quốc và của Nga.

CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG: PHƯƠNG TÂY LUẬN HẬU THỰC DÂN

Theo quan điểm của chúng tôi, ngoài những lý do địa chính trị rõ ràng như việc giành lấy mảnh đất màu mỡ giàu nguyên liệu quý hiếm và nhiên liệu hóa thạch (tô tức kinh tế chính của Nga), thì nguyên nhân của cuộc chiến còn nằm ở ý chí của Putin và nhóm thân cận của ông không để Ukraine làm mồi cho cái ác, sự đồi trụy và sự nhu nhược, tức là “phương Tây”.

Trong một bài đăng trên tờ báo Ria Novosti của Nga vào ngày 26 tháng 2, người viết xã luận tuyên bố một cách tán tụng, hay gần như vậy: “Một thế giới mới đang được sinh ra trước mắt chúng ta. Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã mở ra một kỷ nguyên mới. […] Phương Tây nói chung, và thậm chí là châu Âu nói riêng, không đủ sức để giữ Ukraine trong phạm vi ảnh hưởng của mình, và thậm chí còn hơn thế nữa để chiếm lấy Ukraine”. Thật là “đáng ngạc nhiên”, cách mà các “Đế chế” có ý định “cứu” các “đồng bào” của họ một cách có hệ thống bằng cách xâm lược họ. Điều rõ ràng trong đoạn văn này là Nga đã phải cứu Ukraine khỏi một phương Tây suy đồi và không có khả năng bảo vệ sự thuần khiết văn hóa dân tộc của viên ngọc quý của “linh hồn Nga” - ngay cả khi, trên con đường cứu vãn, đã biến nó thành một cánh đồng hoang tàn nhưng không sao: “linh hồn/tinh thần” đã được “cứu vãn”.

Edward Said (1935-2003)

Để nắm bắt được điều này, ta phải hiểu hệ tư tưởng của Tây Phương Luận đang thấm vào khắp các quốc gia tân đế quốc đương thời. Tây Phương Luận có thể được định nghĩa là mặt trái của Đông Phương Luận. Đông Phương Luận, một khái niệm do Edward Saïd sáng tạo, tạo thành cơ sở lý thuyết của các nghiên cứu hậu thực dân và bao gồm việc khẳng định rằng kiến ​​thức châu Âu thu thập được về phương Đông dựa trên một giả thiết lớn về sự phủ nhận mang tính hệ thống đối với tha nhân, mà chức năng là chính đáng hóa công cuộc thuộc địa hóa của mình. Đông Phương Luận coi người phương Đông là người bị chi phối bởi những cảm xúc phi lý trí của mình và không có khả năng tự làm chủ bản thân. Tây Phương Luận thì coi người phương Tây như là như một người máy lạnh lùng bị hướng dẫn bởi một lý tính máy móc, một sinh vật không có trái tim, không có văn hóa, một cỗ máy phục vụ cho cỗ máy lợi nhuận to lớn: “Tinh thần phương Tây thường được những người theo Tây Phương Luận miêu tả [ …] như một bộ óc vô hồn, hiệu quả, như một chiếc máy tính, nhưng không có khả năng làm những việc quan trọng mang tính con người. Tinh thần của phương Tây có khả năng đạt đến sự thành của công lớn về kinh tế và phát triển và thúc đẩy công nghệ tiên tiến, nhưng nó không thể nắm bắt những điều cao siêu hơn trong cuộc sống, do thiếu tâm linh và không hiểu được nỗi đau khổ của con người”[2].

Như Buruma và Margalit đã nói, Tây Phương Luận như vậy có nguồn gốc từ sự chỉ trích lãng mạn của người Đức về thời Khai sáng Pháp: “Nước Pháp, trong con mắt của chủ nghĩa lãng mạn Đức, đại diện cho một thành phố hiếu chiến và bành trướng, được thúc đẩy bởi các phương pháp sai lầm, duy lý và mang tính thành thị. Đức là vùng quê của các nhà thơ, thợ thủ công và nghệ sĩ.”

Friedrich Schlegel (1772-1829)

Đây là cái lò tôi luyện cho tầm nhìn dân tộc chủ nghĩa về thế giới: “Chống đối trào lưu Khai Sáng của Pháp […] Herder nhấn mạnh sự đóng góp của cá nhân đối với mỗi thực thể văn hóa.”[3] Có lẽ Schlegel là người đầu tiên đã ấn định một xu hướng địa chính trị đối với cơ sở dân tộc học-văn hóa của Tây Phương Luận: “Schlegel nuôi dưỡng một nỗi oán giận chống lại một số khía cạnh của tính hiện đại: tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và thương mại hóa, và rốt cuộc đã chỉ trích tất cả những gì của Pháp như là hiện thân của tính hiện đại này. […] Đối với Schlegel cũng như đối với những người Đức thời Lãng mạn đương thời của ông, đó là yêu sách của Đức về tính ưu việt văn hóa trong cái được giả định về tính đích thực của nền văn hóa Đức. […] Schlegel sau đó đã tuyên truyền cho một liên minh Đông và Bắc chống lại phương Tây, mà ông đồng hóa với vùng phía Tây và Nam của châu Âu[4].

Liang Shuming (1893-1988)
Nicolas Danilevski (1822-1885)

Diễn ngôn tiêu cực của Tây Phương Luận này có nguồn gốc từ nước Đức lãng mạn chống Khai sáng sẽ tiếp tục nuôi sống tất cả những trào lưu khác sau này: của Nga, Nhật Bản hay Trung Quốc. Nền tảng “lý thuyết” vẫn giữ nguyên: thế giới, đối mặt với sự suy tàn không thể cưỡng lại của phương Tây do “chủ nghĩa vật chất” bẩn thỉu của nó, chỉ có thể được cứu vãn bởi một nền văn hóa không phải phương Tây, do đó ưu việt hơn và mang tính “tinh thần”. Vì vậy, đối với Liang Shuming, vào đầu thế kỷ 20, chỉ có sự đông phương hóa mới có thể cứu thế giới khỏi tình trạng bại hoại tinh thần của phương Tây[5]. Vào giữa thế kỷ 19, nhà lý thuyết Pan-Slavic Nicolas Danilevski đã khẳng định: “Cuộc đấu tranh chống phương Tây là phương tiện cứu vãn duy nhất để trị bệnh cho nền văn hóa Nga của chúng ta, cũng như cho sự phát triển của sự đồng cảm Pan-Slavic.

Michel Eltchaninoff (1969-)

Cùng với xu hướng này, Putin đã từng tuyên bố trên tờ Pravda vào năm 2014: “Cuộc chiến chống lại Nga đã diễn ra từ nghìn năm nay. Những ngày hiện tại không phải là ngoại lệ, cuộc đấu tranh này của phương Tây chống lại Nga sẽ không bao giờ kết thúc.”. Michel Eltchaninoff, tác giả cuốn Dans la tête de Vladimir Poutine (Trong đầu Vladimir Putin) đã nói rất hay: Ý tưởng về một bản sắc văn hóa và “tinh thần” đặc thù, như Putin nói, tương ứng với cái mà người nói tiếng slave gọi là “Con đường Nga”. Đối với các tác giả của dòng lãng mạn này sinh ra đầu thế kỷ 19, Nga không thể bắt chước sự phát triển của phương Tây mà phải đưa ra mô hình của riêng mình. […] Putin trích dẫn các tác giả bảo thủ như Konstantin Leontiev (1831-1891). Theo ông này, Tây Âu đang trong giai đoạn đi xuống của sự tồn tại của nó như là một nền văn minh.”

Éric Zemmour (1958-)
Marine Le Pen (1968-)

Trong viễn tưởng này, sự gắn bó của phe cực hữu Pháp với Nga (và với Putin) vừa hợp lý vừa nghịch lý. Rõ ràng là hoàn toàn sai khi gọi Le Pen hay Zemmour là “những người theo chủ nghĩa dân tộc”. Trên thực tế, họ là “những người theo chủ nghĩa văn minh”: họ không gắn bó với nền Cộng hòa mà chỉ gắn bó với một ý tưởng viển vông/ảo ảnh nhất định về “phương Tây”; một ý tưởng mà Pháp không còn có thể, theo họ, hiện thân một cách hoàn hảo. Từ lâu, họ đã nghĩ rằng nước Nga của Putin có thể là đại diện tốt nhất vì sự đồng nhất (giả định) ​​về văn hóa dân tộc, tính Cơ đốc giáo sâu sắc và sự bít kín với Hồi giáo. Và điều này ngay cả khi Putin đang tiến hành cuộc chiến ở Kyiv chống lại phương Tây và sử dụng quân đội của Kadyrov, người Chechnya theo Hồi giáo cực đoan chống lại Công giáo Ukraine do một tổng thống gốc Do Thái lãnh đạo… Trừ khi Putin ủng hộ các phe cực hữu ở châu Âu để sau đó “phi quốc xã hóa/dénazifier)” châu Âu bằng bom và súng cối?

HÔN LỄ “HẬU DÂN CHỦ” CỦA PHƯƠNG TÂY LUẬN TIÊU CỰC VỚI CHỦ NGHĨA HẬU THỰC DÂN TRIỆT ĐỂ

Fabien Roussel (1969-)
Jean-Luc Mélenchon (1951-)

Nghịch lý địa chính trị không phải là đặc quyền của một nhóm riêng lẻ trên bàn cờ chính trị. Một nghịch lý tương tự cũng xuất hiện khi phe cánh tả chống lại chủ nghĩa tư bản ca ngợi cái dây truyền tải chính của chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa, cụ thể là Trung Quốc. Cho dù đó là khẳng định, với Fabien Roussel, rằng Đài Bắc nên bị bỏ rơi cho Bắc Kinh vì Đài Loan không phải là một quốc gia độc lập hay, với Jean-Luc Mélenchon, rằng Trung Quốc là một quốc gia quá lớn (một lần nữa là sự hấp dẫn của sự vĩ đại) để chúng ta có thể chống lại nó. Việc Đảng quan trọng hơn Tổ quốc không có gì là mới. Nhưng có một lý do sâu xa hơn cho sự dè dặt này: chủ nghĩa hậu thực dân phi tự do.

Theo phiên bản cấp tiến, chính trị hóa của các nghiên cứu hậu thực dân, tất cả các vấn đề của thế giới đều xuất phát từ một nguyên nhân duy nhất: “người đàn ông da trắng” chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội có tính tư bản chủ nghĩa và sự xâm chiếm các dân tộc bản địa. Giả thuyết nghiên cứu là trước năm 1492, khi châu Âu vẫn còn lạc hậu so với phương Đông, thế giới sống trong hòa bình và sự hài hòa: không có sự xâm lược và áp bức các dân tộc khác, không có nô lệ hoặc ham muốn quyền lực đế quốc, không có sự thống trị hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Vì trong bản chất, “phương Tây” là theo chủ nghĩa nam tính, phá hủy hệ sinh thái, phân biệt chủng tộc và quân phiệt, thì “cái không phải là phương Tây” nhất thiết theo chủ nghĩa nữ quyền, sinh thái học, hòa nhập và hòa bình. Do đó, chỉ cần đặt một quốc gia vào “phe phương Tây” để nó trở thành kẻ xâm lược và chỉ cần một quốc gia tự đặt mình vào “phe không phải phương Tây” - như Nga ngày nay, tuy là một quốc gia châu Âu – để được xem như là nạn nhân, buộc phải tự vệ.

Theo sơ đồ này: Nga chỉ đang tự bảo vệ mình và Ukraine nhất thiết phải là phân biệt chủng tộc - và bất kỳ yếu tố nhỏ nào cho thấy điều đó, chẳng hạn như 2% thu được trong cuộc bầu cử Ukraine của một nhóm tân Quốc xã (3 lần ít hơn Golden Dawn - đảng phát xít ở Hy Lạp, 7% trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2015), đều chính đáng hóa định kiến ​​ban đầu. Cũng theo logic này, cuộc chiến ở Ukraine chứng tỏ rằng người châu Âu đều là “phân biệt chủng tộc” vì họ cảm thấy bị đe dọa bởi những gì đang xảy ra ở châu Âu hơn là ở Yemen[6].

Thậm chí, chính việc Hoa Kỳ cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine khiến chúng ta chỉ có thể coi thường những người Ukraine đã chết với thái độ khinh bỉ và khinh thường: mọi nước do Mỹ giúp đỡ đều thuộc về “phe đế quốc” do lây nhiễm. Nhưng trên hết, cái thực tế là Hoa Kỳ đã xâm lược Iraq khiến bất kỳ lời chỉ trích nào về cuộc xâm lược của Nga đều là “đạo đức giả”. Chúng ta có cần nhớ rằng nhiều người cũng đã chỉ trích cuộc xâm lược Iraq của “phương Tây”, đặc biệt là ở Pháp? Chúng ta có cần nhớ rằng phong trào phản chiến lớn nhất trên thế giới đã nổi lên ở phương Tây, để bảo vệ một quốc gia châu Á: trong Chiến tranh Việt Nam không? Vì “người phương Tây” đã đô hộ ở phương Đông, châu Phi và châu Á, nên bất kỳ lời chỉ trích “người phương Tây” nào về các thực tiễn của một chế độ “phi phương Tây” nhất thiết phải là phân biệt chủng tộc và đạo đức giả. Điều này có nghĩa là một người “không phải là người phương Tây” có thể chỉ trích chế độ của chính mình? Không: điều đó có nghĩa là bản thân anh ta đã bị phương Tây làm cho hư hỏng và biến thái. Cho đến khi nào ta tiếp tục suy nghĩ như vậy, tất cả các Vladimir Putin và Tập Cận Bình trên thế giới sẽ được rảnh tay.

Trong một bài báo trên tạp chí Monthly Review gần đây, chúng ta có thể đọc: “Cuộc khủng hoảng ở Ukraine chỉ là ví dụ mới nhất về cơ hội để vạch trần hành động sai trái của người Mỹ và các đối tác của họ.” Vì vậy, hơn 4 triệu người phải di dời, hàng chục nghìn người chết, bao gồm cả dân thường, phụ nữ và trẻ em, tất cả những điều này trở thành “cơ hội” để nhớ lại những hành vi sai trái của Hoa Kỳ - ta có thể giả định rằng tác giả của bài báo đang nôn nóng chờ đợi những “cơ hội” khác với các cuộc chiến tranh do các nước không phải phương Tây khác gây ra…

HỆ QUẢ ĐỊA CHÍNH TRỊ ĐỐI VỚI CHÂU Á: MỘT SỐ HƯỚNG SAU MỘT THÁNG GIAO TRANH

Sau một tháng giao tranh, cuộc chiến đã gây ra những biến động lớn: Châu Âu đã trang bị vũ khí cho một quốc gia đang lâm chiến, Đức đã tăng đáng kể ngân sách quân sự và Thụy Sĩ đã bỏ đi một phần của quy chế trung lập của mình.

Ở châu Á, những thay đổi sâu sắc đang diễn ra: cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố rằng Nhật Bản phải chấp nhận bom hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ của mình và người dân Hàn Quốc, một trong những quốc gia có năng lượng hạt nhân dân sự phát triển nhất trong khu vực, đang tự vấn.

Kẻ thua trận đầu tiên lớn ở châu Á từ cuộc chiến này dường như là Ấn Độ. Đây cũng chính là yếu tố đầu tiên củng cố sức mạnh của Bắc Kinh trong trung hạn. New Delhi thua trước hết vì đồng minh chính của họ trong suốt 40 năm đã trở thành một kẻ bị bài trừ trên toàn cầu: một nửa thiết bị quân sự của Ấn Độ đến từ Nga và nếu không được đổi mới liên tục, các thiết bị quân sự sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời. Sau đó, Ấn Độ thua vì từ chối lên án Nga do sự phụ thuộc chiến lược vào Matxcơva khiến Ấn Độ rơi vào tình thế khó chịu trong QUAD (Nhóm Đối thoại do Mỹ chủ xướng bao gồm 4 nước, Nhật, Mỹ, Úc và Ấn Độ, là cơ chế trung tâm trong chiến lược đổi mới cua MỸ trong vùng ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG - ND), trong khi AUKUS (liên minh nói tiếng Anh của Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ để trang bị tàu ngầm quân sự có động cơ hạt nhân) đã đưa vào một sự chia rẽ đầu tiên trong diễn đàn an ninh “nhỏ gọn”, quy tụ Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ấn Độ cuối cùng đã thua vì vẫn bị trói buộc bởi phần mềm tư tưởng hậu thực dân của mình: New Delhi vẫn còn lặp lại rằng chỉ có Nga đã giúp họ chống lại Pakistan vào năm 1971 - như thể cán cân quyền lực toàn cầu vẫn giữ y nguyên.

Imran Khan (1952-)

Sự cố định này vào Nga cho các đồng minh thấy rằng mối quan hệ của Ấn Độ với Nhóm Quad hoàn toàn mang tính cơ hội: giúp nước này trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc, đồng minh hàng đầu của Pakistan. Tuy nhiên, mục đích của Quad không chỉ là để bảo vệ Ấn Độ mà còn cả các quy tắc của luật pháp quốc tế, vốn bị Nga vi phạm. Việc Thủ tướng Pakistan đến Matxcơva khi chiến tranh bùng nổ và sự thể hiện tinh thần đồng minh giữa hai ông Putin và Imran Khan đã không thay đổi bất cứ điều gì đối với New Delhi. Dưới con mắt của chính phủ Modi, vốn tôn sùng thuyết bản chất Ấn Độ giáo như một hình thức văn hóa của thời hậu thực dân, những người bạn của kẻ thù của tôi - hiện tại - vẫn là bạn của tôi. Cuối cùng, việc Ngoại trưởng Trung Quốc đến New Delhi sau khi nói với Pakistan rằng Kashmir nên có độc lập cho thấy Bắc Kinh chỉ muốn đối phó với Ấn Độ bằng cách đặt nước này vào thế phòng thủ và với ý thức về lợi thế chiến lược của mình trong hiện tại.

Đối với Trung Quốc, tình hình phức tạp hơn nhưng nhìn chung có vẻ tích cực, ít nhất là miễn là Nga không hoàn toàn sụp đổ. Giả sử rằng mục tiêu của Bắc Kinh là lật đổ trật tự thế giới tự do từ bên trong để thay thế nó bằng Trật tự thế giới mới (Tianxia) lấy Trung Quốc làm trung tâm, thì cuộc chiến ở Ukraine là một con dao hai lưỡi. Trung Quốc ủng hộ sự phi phương Tây hóa nhưng không nhất thiết phải là sự phi toàn cầu hóa. Về trung hạn, sự suy yếu kéo dài của Nga có thể dẫn đến sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng của nước này vào Trung Quốc, hoặc thậm chí là sự chư hầu hóa địa chính trị của nước này. Với sự suy yếu của Matxcơva, chính trung tâm của Trung Á có thể rơi vào vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngược lại, ảnh hưởng mà Trung Quốc đã giành được ở châu Á, Trung Quốc có thể mất nó ở châu Âu vì “Những con đường tơ lụa mới” bị cắt đứt ở Ukraine và vì vị thế hỗ trợ gián tiếp cho Nga sẽ được cộng thêm vào những nguyên nhân những vụ xích mích với Hoa Kỳ.

Việc các trường hợp không giống nhau từ các góc độ khác nhau đã được nhấn mạnh rất nhiều. Ở Trung Quốc, người ta cho rằng các trường hợp của Ukraine và Đài Loan khác nhau không phải vì khả năng xảy ra một cuộc xâm lược sẽ thấp hơn mà vì Đài Loan đã “thuộc về” Trung Quốc. Do đó, chắc chắn Bắc Kinh sẽ mô tả một “chiến dịch đặc biệt” như vậy không phải mang tính quân sự mà chỉ là một chiến dịch duy trì trật tự mang tính an ninh trong nội bộ một tỉnh. Luận điệu theo kiểu Orwell bắt buộc, Trung Quốc rất có thể xâm lược Đài Loan về mặt quân sự trong khi vẫn duy trì rằng “chỉ có phương Tây”, chỉ có Hoa Kỳ mới tiến hành chiến tranh bên ngoài biên giới của họ. Việc Bắc Kinh mở rộng biên giới trên bản đồ là đủ để trình bày cuộc chiến tranh như một “hoạt động duy trì (trật tự)” đơn giản: sự thật là biến số điều chỉnh chính của các chế độ độc tài.

Ở Đài Loan, người ta cho rằng các trường hợp khác nhau vì những lý do khác nhau. Thứ nhất vì đất nước này khó tiếp cận hơn nhiều (không có sự liên tục lãnh thổ cho phép xe tăng đi qua biên giới, cần một lực lượng đổ bộ đòi hỏi sự phối hợp chính xác hơn giữa các binh chủng khác nhau). Sau đó, vì tầm quan trọng của Đài Loan trong nền kinh tế thế giới và đặc biệt là vị thế nhà sản xuất số một các sản phẩm bán dẫn thế hệ mới nhất (chỉ riêng công ty TSMC đã chiếm 50% thị trường và 90% cho các vi mạch dưới 10 nm). Cuối cùng, vì Đạo luật về Quan hệ với Đài Loan năm 1979 bảo vệ Đài Loan khỏi sự xâm lược của Trung Quốc thông qua cam kết của Mỹ trong việc duy trì năng lực tự vệ của Đài Bắc.

Trên thực tế, sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ sự thất bại ở Iraq về cái gọi là “vũ khí hủy diệt hàng loạt” có thể là một nguyên nhân chính đáng gây lo ngại: từ việc Obama từ chối can thiệp vào Syria bất chấp việc sử dụng vũ khí hóa học được Mỹ xem là “lằn ranh đỏ” đến sự “rút lui vội vàng khỏi Afghanistan, qua việc không có phản ứng nào trước các âm mưu của Nga ở Gruzia, ở Crimea và ở Donbass, người ta chỉ có thể nhận thấy sự miễn cưỡng can thiệp. Đúng là mong muốn của Washington giảm thiểu sự can dự của mình vào Ukraine cũng có thể xuất phát từ việc họ muốn giữ quân đội trong thế sẵn sàng trong trường hợp xảy ra xung đột ở Thái Bình Dương. Còn về việc bảo vệ eo biển Đài Loan, thì chỉ là tương đối nếu người ta cho rằng một số phần của quần đảo Formosan rất gần với Trung Quốc và rất khó bảo vệ: Kim Môn cách bờ biển Hạ Môn của Trung Quốc 10 km nhưng cách Đài Bắc 187 km; Mã Tổ cách Trung Quốc 19 km nhưng cách Cơ Long (Đài Loan) 190 km. Ngoài ra, quân đổ bộ sẽ chỉ can thiệp nếu những vụ ném bom dữ dội không làm suy yếu chính quyền tại chỗ.

Người ta có thể nghĩ rằng sự kháng cự của người Ukraine và “sự đoàn kết của phương Tây” sẽ khiến Bắc Kinh từ bỏ các mục tiêu “đòi lại lãnh thổ” của mình. Có vẻ như nhiều khả năng Bắc Kinh đã rút ra những bài học khác: một lần nữa, Nga đã sai - và Trung Quốc sẽ phải làm tốt hơn. Cho đến nay, những gì mà cuộc chiến ở Ukraine dường như cho thấy, là giá trị của các luận điểm của Clausewitz: tổn thất sinh lực nhanh chóng của cuộc tấn công, lợi thế của sự phòng thủ, tầm quan trọng của tinh thần của quân đội và quốc gia. Trung Quốc có thể sử dụng một phần “sách hướng dẫn” của Nga, bắt đầu với các đảo Kim Môn và Mã Tổ được “giải phóng” khỏi sự kềm kẹp của những “những kẻ khủng bố đòi độc lập” để kiểm tra quyết tâm quân sự của quyền lực trung ương ở Đài Bắc. Bắc Kinh tính rằng, giống như đối với Donbass, cộng đồng quốc tế sẽ bằng lòng với việc lên án và lời kêu gọi xoa dịu. Sau đó, nếu chiến tranh nổ ra giữa hai quyền lực trung ương, thì ví dụ của Nga cho thấy cần phải tấn công triệt để và nhanh nhất có thể các trung tâm phòng không và phòng thủ tên lửa: gây số tổn thất lớn nhất khi bắt đầu cho phép tránh một cuộc xâm lược tốn kém và ép buộc sự đầu hàng. Khó khăn chính ở đây mang tính “tu từ”: làm thế nào để gây ra cái chết của hàng trăm nghìn người trong số những người luôn được giới thiệu cho chính nhân dân mình là “đồng bào” của họ?

Bài học chính cho Bắc Kinh dường như là: cuộc chiến sẽ khó đạt được thắng lợi bất kể lợi thế quân sự như thế nào nếu giới lãnh đạo không nhượng bộ hoặc không nhanh chóng bị loại bỏ. Trong một thời gian dài, người ta cho rằng một nhà lãnh đạo Đài Loan thân Trung Quốc sẽ có khả năng xoa dịu căng thẳng và ngăn chặn chiến tranh tốt hơn. Có vẻ như ngược lại, việc bầu chọn một nhà lãnh đạo thân Trung Quốc có thể là điều kiện bắt buộc để Bắc Kinh tiến hành một cuộc tấn công quân sự. Thật vậy, một nhà lãnh đạo thân Trung Quốc sẽ dễ dàng đầu hàng để “cứu đất nước khỏi chiến tranh”. Do đó, đối với Trung Quốc, cuộc chiến phải được chuẩn bị ở cấp nội bộ với sự ủng hộ các nhà lãnh đạo chính trị Đài Loan, có quan điểm phù hợp với quan điểm của Trung Quốc và bằng cách gieo rắc một tinh thần thất bại, một bầu không khí “chủ nghĩa hòa bình” và thông cảm “văn hóa” ở Formosa.

Một điều có vẻ chắc chắn: cho dù kết quả của nó là gì, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine của Putin đã khiến bất kỳ động thái quân sự nào khác trên thế giới và đặc biệt là ở châu Á có thể xảy ra nhiều hơn: một điều cấm kỵ đã bị xóa đi; hòa bình không còn thiêng liêng; việc sử dụng vũ lực tìm thấy sự biện bạch cho nó ngay trong chính nó. Việc Trung Quốc đã thông qua một ngân sách quân sự có mức tăng trưởng trong một năm sẽ cao hơn mức tăng GDP của nước này dường như cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị.

Jean-Yves Heurtebise

“Thế kỷ châu Á” được các nhà phân tích ca ngợi sẽ không nhất thiết tốt hơn “thế kỷ châu Âu” (thế kỷ 19) hoặc “thế kỷ Mỹ” (thế kỷ 20). “Công lý” không thể chỉ đơn giản là tạo ra sự thay đổi ở ngay trung tâm quyền lực. Tuy nhiên, đó có vẽ là “tin tốt” của cấu hình địa chính trị mới, phiên bản hậu thuộc địa: Mỹ không còn là kẻ hành quyết đế quốc chính đối với các dân tộc tự do; những nước khác sẵn sàng tiếp tục sứ mệnh, hứa hẹn sẽ bình định và xây dựng lại nền văn minh cho một thế giới đã bị hủy hoại bởi “sự suy đồi của phương Tây”. Trên thực tế, tin xấu là cho đến khi các quốc gia tân đế quốc gây hại nhiều như các cường quốc phương Tây cũ (cứ cho rằng điều này chưa xảy ra - nếu xét 10 năm chiến tranh của Nga ở Afghanistan, 2 triệu người chết, hoặc sự đàn áp của Trung Quốc ở Tân Cương), chúng vẫn sẽ được một số người xá tội hết lần này đến lần khác về tất cả tội ác mà chúng đang gây ra và sẽ gây ra trong tương lai.

Jean-Yves Heurtebise

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Nouveau désordre mondial: an I, l’Europe, an II, l’Asie?”, Asialyst, 3.4.2022.




Chú thích:

[1] Jean-Yves Heurtebise, Tiến sĩ Triết học từ Đại học Aix-Marseille, là Phó Giáo sư tại Đại học Công giáo FuJen (Đài Bắc, Đài Loan). Ông cũng là thành viên cộng sự của CEFC (Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại của Pháp, Hồng Kông) và là đồng tổng biên tập của bài đánh giá Monde Chinois Nouvelle Asie. Ông là tác giả của Chủ nghĩa Phương Đông, Chủ nghĩa Phương Tây và Chủ nghĩa Phổ quát: Lịch sử và Phương pháp các biểu tượng chéo giữa các Thế giới Châu Âu và Trung Quốc/ Orientalisme, occidentalisme et universalisme: Histoire et méthode des représentations croisées entre mondes européens et chinois (Paris: Eska, 2020) và với Costantino Maeder (UCL) của Sự phản chiếu bản thân trong tấm gương của người khác. Các biểu tượng chéo giữa Trung Quốc và Châu Âu từ thế kỷ XX đến ngày nay/ Reflets de soi au miroir de l’autre. Les représentations croisées Chine/Europe du vingtième siècle à nos jours (Thụy Sĩ: Peter Lang, 2021).

[2] Ian Buruma and Avishai Margalit, Occidentalism: The West in the eyes of its enemies (Tây Phương luận: Phương Tây trong mắt kẻ thù), London: Penguin, 2005, p. 75.

[3] Matti Bunzl, “Frantz Boas and the Humboldtian Tradition” in Volksgeist as Method and Ethic, Essays on Boasian Ethnography and the German Anthropological Tradition, ed. George W. Stocking, Madison: University of Wisconsin Press, 1996, pp. 17-78.

[4] Michael Dusche, “Friedrich Schlegel’s Writings on India: Reimagining Germany as Europe’s True Oriental Self,” in Deploying Orientalism in Culture and History: From Germany to Central and Eastern Europe, eds. James Hodkinson, John Walker, Shaswati Mazumdar et Johannes Feichtinger, Rochester: Camden House, 2013, pp. 31-54.

[5] Fung 2010, p. 73: “Easternization raised the prospect of an Asian Renaissance (read: Chinese Renaissance). It denoted an historic, messianic movement to save the West from moral deficiencies and crass materialism, providing an anti-dote to the perceived ills of Western society.”

[6] Thời báo Los Angeles xuất bản một bài báo ba ngày một lần về chủ đề này, như ở đây, đây hay ở đây.

Print Friendly and PDF