7.5.22

Elon Musk mua lại Twitter và đây là lý do khiến nhiều người lo lắng

ELON MUSK MUA LẠI TWITTER VÀ ĐÂY LÀ LÝ DO KHIẾN NHIỀU NGƯỜI LO LẮNG

Sau PayPal, SpaceX và Tesla, nhà tỷ phú muốn “hiện thực hóa” tiềm năng to lớn của mạng xã hội rất đặc biệt này, với một tầm nhìn về quyền tự do ngôn luận đầy nghi vấn.

Grégory Rozières

Elon Musk đã mua lại mạng xã hội Twitter với giá 44 tỷ US$. Ảnh: Chesnot via Getty Images.

Dự đoán tương lai là điều không bao giờ dễ. Điều đó càng khó hơn nếu mục tiêu là một trong những nền tảng thảo luận có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới, được mua lại bởi một trong những nhà tỷ phú kì dị nhất. Nhưng bản chất con người là vậy, và những hàm ý từ việc Elon Musk mua lại Twitter là đề tài bàn tán của mọi người, kể từ ngày chính thức công bố vào hôm thứ Hai, ngày 25 tháng 4. Vì nhiều lý do chính đáng.

Cho dù bạn là một trong 217 triệu người dùng Twitter hàng ngày, hay là một công dân bình thường, mạng xã hội có một tác động đến đời sống của rất nhiều người. Từ các chính trị gia đến các nhà hoạt động phong trào, các doanh nghiệp, các nhà báo và các định chế, “trang blog vi mô” này đã trở thành một buồng dội âm khổng lồ của hành tinh, có sự tham gia của rất nhiều người có ảnh hưởng – những người tiếp xúc với hàng triệu người dùng không tên tuổi, nhưng cùng thảo luận những chủ đề giống nhau.

Là một quảng trường hiện đại và toàn cầu đối với một số người, một vũ đài của các đấu sĩ dưới thời vua U-bu (nhân vật một vở kịch cuối thế kỷ 19, đã nhát gan mà lại độc ác - ND) và bi thảm đối với một số người khác, nền tảng này là một trường hợp đặc biệt trong thế giới mạng xã hội. Và người thâu tóm mới nền tảng đó, Elon Musk, là một trường hợp đặc biệt trong thế giới các nhà tỷ phú. Là người siêu giàu, sau khi thành lập và sở hữu PayPal vào đầu thiên niên kỷ, doanh nhân này đã tái đầu tư gần như toàn bộ tài sản, một mặt, vào ngành tên lửa, với công ty SpaceX, và mặt khác, vào ngành ô tô điện với công ty Tesla. Chỉ cần hai thập kỷ để hai công ty này cách mạng hóa các ngành công nghiệp tương ứng, trong khi nhà tỷ phú Nam Phi từng được cho là người thua cuộc trong cả hai trường hợp.

Jack Dorsey (1976-)

Thế nên, có thể Elon Musk sẽ thành công trong việc “hiện thực hóa” tiềm năng to lớn chưa được khai thác của Twitter, như ông đã hứa. Đó là cho phép mạng xã hội này, vốn khá đặc biệt do dựa trên các cuộc trao đổi công khai và kết nối với nhau, “hoàn thành sứ mệnh xã hội”. Tóm lại, như chính lời tự lý giải của nhà tỷ phú, đó là cung cấp cho nhân loại “một nền tảng công cộng, có được sự tín nhiệm tối đa của mọi người và rộng mở đối với mọi người”. Dù sao đi nữa, người sáng lập Twitter Jack Dorsey tin tưởng vào Elon Musk và “sứ mệnh mở rộng ánh sáng nhận thức của ông ấy”.

Nhưng với Twitter, Elon Musk đang lao vào một thách thức, vốn không chỉ mang tính kỹ thuật, mà còn chạm đến trái tim con người, đến các tương tác kỹ thuật số, và đến sự thái quá của chúng. Những vật cản trên đường của nhà tỷ phú, được một số chuyên gia liệt kê trong những ngày gần đây, là rất nhiều và rất đa dạng. Sẽ phải cần đến nhiều hơn một chiếc ô tô điện hoặc một tên lửa để vượt qua các vật cản đó.

Tôi gọi tên Tự do (ngôn luận)

Khi mua lại Twitter, việc cải thiện quyền tự do ngôn luận đã trở thành chân ngôn chính của Elon Musk, với niềm tin chắc rằng chính sách tiết chế mà mạng xã hội này đang áp dụng là không tốt. “Cho rằng Twitter, trên thực tế, đóng vai trò là một quảng trường công cộng của thành phố, việc không tôn trọng các nguyên tắc tự do ngôn luận, về cơ bản, đang làm suy yếu nền dân chủ. Thế, cần phải làm gì đây?”, theo lời của Elon Musk khi lý giải quyết định [mua lại Twitter] của ông ấy.

Người nào chỉ trích “vi-rút tâm thế thức tỉnh” của Netflix và quen với các dòng tweet gây tranh cãi đều tiếc nuối việc Twitter đã cấm vĩnh viễn một số người dùng [mạng Twitter], trong số đó có Donald Trump là người nổi tiếng nhất. Đối với Elon Musk, nếu diễn ngôn của một thông điệp nằm trong “vùng xám”, thì cần phải để nó tồn tại – đó là điều bắt buộc của tự do ngôn luận.

Mike Masnick

Nhưng như lời giải thích của Mike Masnick, một chuyên gia về các vấn đề này, kiểu diễn ngôn của Elon Musk không có gì mới. Các mạng xã hội chính của Mỹ đều ra đời với ý tưởng đó trong đầu, trước khi nhận ra rằng sự tiết chế là điều cần thiết đối với một số người dùng nào đó, với những cộng đồng có những giá trị đa dạng và phong phú. Chưa kể các quy định cụ thể của từng nước về quyền tự do ngôn luận.

Nhà nữ nghiên cứu Jaigris Hodson nhớ lại rằng theo nhiều nghiên cứu, những người bị quấy rối trên mạng thường là những người bị nhắm làm mục tiêu vì thuộc về một giới thiểu số nào đó, nhiều hơn là vì các diễn ngôn của họ. Và nếu nền tảng, nơi diễn ra quá trình trao đổi, không làm gì trước sự quấy rối đó, thì những người [bị nhắm làm mục tiêu quấy rối] này có nguy cơ rời khỏi mạng xã hội. Từ đó làm giảm sự đa dạng của các ý kiến hiện hữu.

Trong một phản ứng trước thông báo Elon Musk mua lại Twitter, Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng nhắc lại rằng hành vi quấy rối và ngôn từ kích động thù hằn vẫn tồn tại trên Twitter, đặc biệt đối với phụ nữ và cộng đồng thiểu số. Tổ chức bảo vệ nhân quyền cho biết: “Chúng tôi lo ngại về mọi biện pháp mà Twitter có thể đưa ra để làm xói mòn việc thực thi các chính sách và cơ chế được thiết kế để bảo vệ người dùng”.

Ảo tưởng của thư rác và mở cửa

Trong những năm gần đây, sự tiết chế của các mạng xã hội – Twitter, Facebook, Instagram... – cũng ngày càng trở nên cần thiết hơn, bởi sự gia tăng xuất hiện các thông tin sai lệch, vì mục đích chính trị hoặc kinh tế.

Hiện tại, Elon Musk chưa đưa ra lời giải thích chi tiết nào về những gì ông ấy dự định làm đối với những lo ngại nói trên, ngoại trừ việc nhấn mạnh đến mong muốn làm cho thuật toán Twitter trở nên dễ tiếp cận hơn và công khai hơn để “tăng độ tin cậy, đánh bại nạn thư rác và xác thực mọi người”.

Nếu ý tưởng công khai hóa hoạt động của bộ máy nội bộ và các thuật toán, thì một cách tiên nghiệm, có vẻ như đi đúng hướng (ví dụ, điều này có thể giúp người dùng hiểu chính xác các quy tắc hiển thị các thông điệp), thì cần phải dự kiến các tác động phụ, theo lời của Mike Masnick. Ông bày tỏ sự lo lắng: “Người hưởng lợi chính từ việc mở cửa nguồn mở của thuật toán sẽ là những kẻ gửi thư rác”, ngay cả khi Elon Musk khẳng định rằng cuộc chiến chống thư rác và lừa đảo là “ưu tiên số một” đối với ông ấy.

Đối với việc “xác thực mọi người” trên Twitter, điều này đặt ra một vấn đề khác, đặc biệt được nêu lên bởi EFF [Electronic Frontier Foundation], một tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền tự do trên Internet: “Bút danh và ẩn danh là điều cần thiết để bảo vệ người dùng, người có thể có chính kiến, danh tính hoặc lợi ích không tương ứng với ý kiến của chính quyền” hiện hành tại nước họ.

EFF cảnh báo về một vấn đề khác. Trên Twitter, phần lớn các dòng tweet đều là các thông điệp công khai... trừ những thông điệp mang tính riêng tư được trao đổi trực tiếp giữa người dùng với nhau. Tuy nhiên, các cuộc trao đổi đó, từ người này đến người khác, không được mã hóa và bảo vệ, điều đó có nghĩa là các nhà điều hành của Twitter có thể truy cập vào tất cả các cuộc trao đổi này, được lưu trữ trên máy chủ Twitter. Do đó, vấn đề mà các nhóm nhân viên đang làm việc tại Twitter đặt ra, trong khi nỗi lo bị sa thải ngày càng tăng, và mối quan hệ giữa nhân viên với Elon Musk, sẽ là vấn đề nổi cộm hàng đầu.

Tập trung quyền lực và dữ liệu

Một vấn đề khác được đặt ra về sự kiểm soát hoàn toàn Twitter bởi một cá nhân duy nhất: các lợi ích đặc biệt của Elon Musk có thể gây ảnh hưởng như thế nào đến mạng xã hội? Nếu khó khoanh vùng hệ tư tưởng chính trị của Elon Musk, thì ông ta vẫn được nhiều người bảo thủ Mỹ ủng hộ. Trên hết, ngoài Tesla và Spacex, nhà tỷ phú này còn có rất nhiều doanh nghiệp khác mà ông cần phải tiếp tục phát triển để sinh lãi.

Jeff Bezos (1964-)
Mike Forsythe

Vấn đề được Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon và là đối thủ lâu năm của Elon Musk, đặt ra một cách trực tiếp là: “Liệu chính phủ Trung Quốc có vừa đạt được ảnh hưởng trong không gian công cộng hay không?”. Mặc dù Bezos cho rằng “đó có lẽ không phải như vậy” và tin tưởng Musk trong việc “điều hướng dạng yếu tố phức tạp này”, nhưng ông ấy không phải là người băn khoăn duy nhất.

Nhà báo Mike Forsythe của New York Times đã lưu ý (cũng chính trên Twitter) rằng Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai trên thế giới của Tesla, và phần lớn pin ô tô điện của Elon Musk được sản xuất tại Trung Quốc. Năm 2021, Elon Musk đã tham gia một chiến dịch khuyến dụ trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và hướng tới “một tương lai năng lượng bền vững”. Điều này chưa chắc đã đúng: việc Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào than vẽ ra một bức tranh hoàn toàn khác.

Tất cả các trở ngại nói trên dồn lại có vẻ như là điều khó vượt qua và làm dấy lên lo ngại rằng Twitter sẽ không cải thiện gì hết, thậm chí còn xấu đi, với sự xuất hiện của Elon Musk. Nhưng những thành công thu được với SpaceX và Tesla khiến chúng ta cần phải thận trọng. Sẽ không có khả năng là nhà tỷ phú không có một kế hoạch rõ rệt cho tương lai của Twitter. Nhưng vấn đề cần giải quyết ở đây không phải là một vấn đề đơn giản về kỹ thuật. Để thành công, Elon Musk cần phải hiểu những vấn đề tinh tế đang chi phối các bài đăng trực tuyến của người dùng. Bắt đầu với các bài đăng của chính ông ta.

Về tác giả

Gregory Rozieres

Grégory Rozières, Trưởng chuyên mục Khoa học và Môi trường

Grégory là nhà báo tại HuffPost, tại Paris, từ năm 2012. Ông phụ trách các chuyên mục C'est Demain, Khoa học và Công nghệ. Ông đặc biệt nghiên cứu những chủ đề liên quan đến môi trường, không gian, trí tuệ nhân tạo, di truyền, và nói chung, các diễn tiến/cách mạng của khoa học và công nghệ, cũng như tác động của chúng đối với xã hội.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Elon Musk rachète Twitter, et voici pourquoi cela en inquiète plus d'un, Huffington Post, ngày 26/04/2022

Print Friendly and PDF