9.5.22

KOOPMANS Tjalling Charles

KOOPMANS Tjalling Charles, 1910-1985

Tác giả: Damien Gaumont

Tjalling Koopmans (1910-1985)

Tjalling Charles Koopmans sinh tại Graveland, Hà Lan, năm 1910. Sau khi học vật lí và toán tại đại học Utrecht, năm 1936 ông tốt nghiệp tiến sĩ thống kê toán của đại học Leyde. Ông làm việc tại trường kinh tế Rotterdam, Hội quốc liên ở Genève và cuối cùng di cư sang Mĩ để làm việc tại đại học Princeton, rồi đại học New York. Song song đó ông làm việc cho Penn Mutual Life Company và cho Combined Shipping Board ở Washington trên những dữ liệu thống kê. Từ 1944 đến 1967, ông nghiên cứu và là thành viên của Ủy ban Cowles, trước hết ở đại học Chicago nơi ông là giáo sư từ 1948 đến 1955, rồi tại đại học Yale từ năm 1955 đến năm 1981, năm ông về hưu. Chủ tịch Hội kinh trắc học năm 1950 và của American Economic Association năm 1978, Ông được Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển biểu dương năm 1975.

Những công trình của Koopmans bắt đầu bằng hai bài viết về vật lí năm 1933 và 1934. Năm 1936, ông hoàn thành luận văn tiến sĩ về phương pháp luận kinh trắc học. Dưới sự thúc đẩy của ông, kinh trắc học có những bước tiến lớn vì ông xử lí trường hợp của những hồi qui tuyến tính khi các biến có những sai số đo đạc (1937), và điều này dẫn ông đến việc chọn một phương pháp xác suất. Ông nghiên cứu việc giải những hệ thống phương trình đồng thời, việc đồng nhất hoá các hệ thống và ước lượng các tham số (1945 và 1950).

Leonid Kantorovich (1912-1986)
Von Neumann (1903-1957)

Mặt khác, chủ đề những nghiên cứu của ông về vận tải đường biển (1951) là việc phân bổ tối ưu các đoàn tàu trên các tuyến hàng hải. Cùng với Kantorovich, von Neuman và Dantzig, ông là một trong những người đi tiên phong về qui hoạch tuyến tính. Những công trình của ông về phân tích hoạt động chịu ảnh hưởng của sự đào tạo kép của ông như là nhà vật lí và nhà kinh tế. Koopmans đặt vấn đề phân bổ tối ưu các nguồn lực như sau: Những nhân tố sản xuất hiếm hoi (lao động, tư bản, v.v.) phải được huy động để sản xuất những sản phẩm và dịch vụ nào nhằm thoả mãn tối đa các nhu cầu?. Koopmans giải quyết vấn đề này bằng những kĩ thuật của qui hoạch tuyến tính. Như thế ông qui giản cả từng mảng của những lí thuyết kinh tế về vài công thức toán học. Sau này ông nghiên cứu những vấn đề này trong trạng thái động, và điều này khiến ông quan tâm đến việc tối đa hoá những tỉ suất tăng trưởng (1953 và 1964) cũng như việc tối đa hoá trong các lĩnh vực nguyên liệu và năng lượng.

Edmond Malinvaud (1923-2015)
Jan Tinbergen (1903-1994)

Là một nhà kinh tế toán, Koopmans có một đòi hỏi rất cao về công tác nghiên cứu khoa học: E. Malinvaud (1972) nhấn mạnh là Koopmans tự nghiêm cấm đề cập đến những lĩnh vực mà ông tự thấy mình không mang đến đóng góp khoa học nào và ông công bố những kết quả của mình ngay cả khi nghiên cứu của ông có vẻ chưa kết thúc. Là một nhà lí thuyết, Koopmans cũng là một nhà tổ chức và một nhà tập hợp, những vai trò mà ông đã đảm nhiệm tại Ủy ban Cowles khi kế tục Marschak làm giám đốc. Ông phổ biến quan niệm của mình về cách tiếp cận kinh trắc học gắn với tên của TinbergenHaavelmo. Ông phê phán National Bureau of Economic Research qua những công trình của Burns và Mithcell (1946), và việc này đã dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt mà những di hại cũng thấy được ngày nay. Thật vậy ông phân biệt kinh tế học như là một bộ môn khoa học, chứ không phải một nghệ thuật, và đào sâu những vấn đề quan hệ giữa việc lựa chọn các phương pháp và những công cụ phân tích, giữa việc tính đến các sự kiện và lập luận lí thuyết, giữa khoa học kinh tế và những khoa học khác, giữa quan điểm đạo đức và phương pháp khoa học (1957, 1973 và 1985). Năm 1975, Koopmans và Kantorovich nhận được giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel vì những đóng góp của họ cho việc phân bổ tối ưu các nguồn lực trong phân tích kinh tế.

· Linear Regression Analysis of Economic Time Series [Phân tích hồi qui tuyến tính các chuỗi thời gian kinh tế], Haarlem, De Erven, F. Bohn, 1937. – “Statistical estimation of simultaneous economic relations[Ước lượng thống kê những quan hệ kinh tế đồng thời], Journal of the American Statistical Association, 1949, vol. 40, trang 448-466. Statistical Inference in Dynamic Economic Models [Suy luận thống kê trong những mô hình kinh tế động], New York, John Wiley, 1950. Three Essays on the State of Economic science, McGraw Hill, 1957 (bn dịch tiếng Pháp Trois essais sur la science économique contemporaine [Ba tiểu luận về khoa học kinh tế đương đại], Paris, Dunod, 1957). – “Economic growth at a maximal rate[Tăng trưởng kinh tế với một tỉ suất tối đa], Quarterly Journal of Economics, 1964, vol. 78, trang 355-394. – “Economics Among the Sciences”, American Economic Review, 1973, vol. 69, p. 1-13. Scientific Papers of Tjalling C. Koopmans [Những bài viết khoa học của Tjalling C. Koopmans], Cambridge (Mass.), MIT Press, 1985 (2 vol.). – KOOPMANS T. C. & REITER S., A Model of Transportation [Một mô hình vận tải], T. C. Koopmans 1951, p. 222-259. – HOOD W. C. & KOOPMANS T. C., Studies in Econometric Method [Những nghiên cứu kinh trắc học], New York, John Wiley, 1953.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: “Les prix des sciences économiques à la mémoire d’Alfred Nobel” (Những giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel) của Damien Gaumont trong Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001, trang 1010-1011.

Print Friendly and PDF