20.5.22

Làm sao chế ngự đám cháy? một cuộc đàm thoại với Kim Stanley Robinson

LÀM SAO CHẾ NGỰ ĐÁM CHÁY? MỘT CUỘC ĐÀM THOẠI VỚI KIM STANLEY ROBINSON

Tác giả Jamie Kendrick[1]

Kim Stanley Robinson (1952-)

Trong những ngày này, Ấn Độ ghi nhận nhiệt độ gần 50 độ C. Thật đúng như mở đầu của tiểu thuyết viễn tưởng của Kim Stanley Robinson, The Ministry for the Future (Bộ vì Tương lai). Thế nhưng, từ vài năm nay, các thảm họa không đủ để tạo ra những phản ứng chặt chẽ. Tiểu thuyết hư cấu có thể giúp chúng ta đẩy nhanh các sự việc không?

Tiu thuyết mới nhất của ông diễn ra trong những thập niên gay cấn tiến đến năm 2050, năm mà nhân loại ấn định sẽ đạt được các mục tiêu của hiệp định Paris về khí hậu. Khung thời gian cấp bách hơn nhiều so với một số các tiểu thuyết của ông như 2312New York 2140; có phải chúng ta sống trong thời đại của khoa học giả tưởng rồi?

KIM STANLEY ROBINSON – Tôi nghĩ là có, nhưng bây giờ tôi nghĩ về điều này từ lâu, chắc hẳn là từ năm 2000. Những ngày tháng tương lai xuất hiện trong tiểu thuyết hư cấu của tôi không thực sự chỉ một sự thay đổi quan điểm. Nhưng một phần dự án của tôi đã thúc đẩy tôi ấn định thời gian của các hư cấu của tôi về tương lai ngày càng gần hiện tại của chúng ta hơn. Tôi đã làm điều đó một phần vì nhịp độ thay đổi đã tăng nhanh và chúng ta đã đi đến những điểm mất thăng bằng quan trọng, về phương diện sinh thái và xã hội. Có vẻ rất rõ ràng rằng những gì nhân loại sẽ làm trong những năm 20 sẽ có một ảnh hưởng to lớn quá mức đối với diễn tiến tiếp theo. Nếu chúng ta không vận động cho những thay đổi lớn, chúng ta sẽ gây ra một sự hủy diệt khổng lồ mà các thế hệ tương lai không thể chữa lành. Nếu chúng ta thay đổi đủ nhanh chóng, chúng ta có thể hướng đến một tương lai nhân loại đúng đắn và bền vững trong một sinh quyển trong lành. Những tương lai này hoàn toàn khác và không có giải pháp trung gian dễ dàng đáp ứng được. Nếu ta mong muốn viết về hiện tại, nó đòi hỏi phải là lịch sử của thời đại chúng ta, ngay cả đối với các tác giả truyện khoa học giả tưởng. Nếu ta thích đặt các câu chuyện của mình vào những tương lai khác nhau, giống như tôi, thì tất cả những câu chuyện này sẽ đưa chúng ta về thập niên sắp đến như là một thời điểm mang tính quyết định.

Có vẻ rất rõ ràng rằng những gì nhân loại sẽ làm trong những năm 20 sẽ có một ảnh hưởng to lớn quá mức đối với diễn tiến tiếp theo.

KIM STANLEY ROBINSON

Hiệp định Paris là trọng tâm của The Ministry for the Future. Trong suốt quyển tiểu thuyết, hiệp định được thực hiện một cách lộn xộn: các nước thương lượng sự cam kết của họ về khí hậu, họ không tuyên bố tất cả các khí thải của họ và tiết kiệm khi có thể. Tuy nhiên, hiệp định hướng dẫn dần dần thế giới đến một tương lai dễ sống hơn. Điều đó có nói lên sự cần thiết của đồng quản trị toàn cầu không, dù là không hoàn hảo, để tiến bộ dần trong chiến đấu chống biến đổi khí hậu?

Khủng hoảng khí hậu mang tính toàn cầu và liên quan đến toàn bộ sinh quyển của Trái Đất. Nhưng chúng ta đang sống trong một hệ thống Nhà nước-quốc gia trong đó mỗi quốc gia ấn định những luật lệ cho riêng mình. Hệ hình của hệ thống này là hệ hình lợi thế so sánh và trò chơi chính trị có tổng số bằng không. Ngay cả khi không có chiến tranh, các quốc gia đều tự xem mình là những bên cạnh tranh, điều này làm cho các lợi ích quốc gia là ưu tiên hơn những lo ngại mang tính toàn cầu.

Như vậy, một vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu gây lúng túng cho hệ thống trật tự quốc tế kiểu Westphalie (système westphalien) của Nhà nước- quốc gia. Chúng ta ở trong các phiên bản khác nhau của thế tiến thoái lưỡng nan của người tù, trong đó ta có một cơ may thoát ra được nếu ta tin tưởng vào bạn tù và ta biết anh ta cũng tin tưởng chúng ta – điều này rất khó. Điều dễ hơn là tiếp tục những lợi ích riêng của mình và hy vọng rằng điều đó cuối cùng sẽ không tàn phá cả hai bên. Tuy thế, các hiệp ước quốc tế như Thoả thuận Paris là điều mà chúng ta có thể hy vọng nhiều nhất. Để có hiệu quả, các giải pháp về biến đổi khí hậu phải được tất cả các quốc gia cùng tìm kiếm. Chính ý thức về số phận chung của chúng ta đã khai sinh ra hiệp định này. Bây giờ chúng ta phải chứng minh là chúng ta có đủ bản lĩnh đáp ứng. Điều này sẽ không dễ dàng.

Tiểu thuyết của ông đề cập đến vấn đề khí hậu như một vấn đề địa chính trị là chủ yếu. Từ những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đến những bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin giữa Bắc và Nam (các nước phát triển và các nước đang phát triển/nghèo - ND - ), ông thấy chính trị thế giới ngày nay như thế nào?

Phần lớn những căng thẳng đều gắn với ý tưởng cho rằng đất nước của tôi mạnh hơn nếu nước của anh yếu hơn. Nếu anh thoát khỏi khó khăn tốt hơn thì điều đó đe dọa tôi. Tất cả những điều đó đều không có giá trị đối với biến đổi khí hậu. Nhưng trong một thế giới tư bản chủ nghĩa, câu hỏi cơ bản vẫn là: chúng ta có thể thu lợi như thế nào từ biến đổi khí hậu? Câu hỏi này chủ yếu quy về sự cạnh tranh. Sẽ thu được tiền khi phản ứng trước biến đổi khí hậu nhanh chóng hơn các nền công nghiệp của các nước khác. Đó là một chuỗi kép các đòi hỏi cấp bách mà chúng ta cần tránh biến nó thành một ràng buộc kép.

Nếu cuộc chạy đua theo lợi nhuận và lợi thế so sánh được liên kết với cuộc chạy đua giảm khí thải carbon của nền văn minh của chúng ta, điều đó thậm chí có thể được xem là một điều tốt. Tuy nhiên, tình hình đòi hỏi không có một nước nào bị bỏ qua vì điều đó sẽ làm hại đến tất cả. Không một ai có thể thua, hoặc tất cả đều thua”. Nhưng đó là một khái niệm khó đưa vào những quan hệ quốc tế ngay cả khi khủng hoảng khí hậu buộc chúng ta phải đi theo kiểu hợp tác mới này. Khía cạnh cạnh tranh bắt đầu mờ nhạt đi và có vẻ bệnh hoạn hay tự hủy hoại.

Ông sống ở California. Theo quan điểm của ông, châu Âu có thể đóng vai trò tích cực gì trên thế giới trong lĩnh vực khí hậu? Châu Âu có ảnh hưởng ở điểm nào?

Châu Âu thật thú vị chính vì đó là một nhóm Nhà nước-quốc gia không phải khi nào cũng cùng chia sẻ những lợi ích như nhau, do đó cần tìm những thỏa hiệp. Liên minh châu Âu là một mô hình hợp tác quốc tế mở rộng có thể vận hành thành công. Trong tổng thể, Liên minh cũng là một trong ba hay bốn nền kinh tế lớn nhất trên hành tinh và là một đơn vị chính trị-xã hội ngang bằng với Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Về nhiều phương diện, châu Âu tiến bộ hơn các nước khác nhiều, mặc dù phần nào đó vì một lịch sử rối ren buộc châu Âu phải có những biện pháp táo bạo để giúp toàn thế giới về phương thức phân phối – chủ yếu là về tâm lý. Châu Âu đã đóng một vai trò trung tâm trong lịch sử thế giới trong vòng 400 hay 500 năm, và vai trò này không hoàn toàn lụi tàn. Châu Âu có thể là một mô hình hợp tác đa quốc gia có hiệu quả.

Châu Âu đã đóng một vai trò trung tâm trong lịch sử thế giới trong vòng 400 hay 500 năm, và vai trò này không hoàn toàn lụi tàn. Châu Âu có thể là một mô hình hợp tác đa quốc gia có hiệu quả.

KIM STANLEY ROBINSON

Tiểu thuyết mở ra với một nạn nóng bức kinh khủng ở Ấn Độ giết chết 20 triệu người. Tiếp theo thảm họa này, tầng lớp chính trị Ấn Độ bị quét sạch bởi một phong trào quần chúng đã huy động được một số lớn dân chúng Ấn Độ để tháo dỡ các cơ sở hạ tầng của chất đốt hóa thạch và quay về với nông nghiệp tái sinh. Diễn tiến này của các biến cố gắn kết chung quanh một thảm kịch, nhưng những hậu quả của nó thật là năng động và mang lại niềm hy vọng. Đó có phải là một nỗ lực có ý thức để nhấn mạnh tầm quan trọng của chính trị trong số phận của chúng ta?

Tôi muốn gợi ý rằng những quốc gia đầu tiên chịu những thảm họa tồi tệ nhất liên quan đến biến đổi khí hậu có thể chỉ ra con đường nên theo để cố gắng giải quyết vấn đề. Đó có thể là trường hợp của Ấn Độ. Đó là một nền dân chủ lớn nhất thế giới và là một thực thể chính trị rất phức tạp, đặc biết dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, đáng chú ý là các đợt nắng nóng. Hẳn nhiên rằng chính trị là quan trọng hàng đầu đối với chúng ta, ở khắp nơi. Khoa học, với tư cách là lực lượng chính trị, đã làm rất nhiều để cải thiện hoàn cảnh của người dân, nhưng cả những thành công của chúng ta cũng có những hiệu ứng phụ có thể gia tăng gánh nặng đối với sinh quyển. Vậy thì phải định hướng khoa học và xã hội để đối phó với các thách thức cũ và mới.

Mặc dù các giải pháp kỹ thuật cho biến đổi khí hậu đã được phát minh ra, chúng ta không thể tự cho phép phung phí để thực hiện chúng ở quy mô lớn, vì chúng không đem lại tỷ suất lợi nhuận tốt nhất trong hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện nay. Điều mà chúng ta cần là những cải cách đứng vững được và tạo ra một chủ nghĩa hậu tư bản chức năng. Điều này khởi thủy có thể là một hình thức kiểm soát nền kinh tế theo học thuyết Keynes vì lợi ích của nhân loại. Đối với những cải cách kinh tế cần các hệ thống chính trị thực thi quyền lực một cách tối đa, thì các nhóm đa số chính trị tích cực phải hợp pháp hóa những giải pháp này. Như vậy, vâng, chính trị là chủ yếu. Như mọi khi.

Chính trị là chủ yếu. Như mọi khi.

KIM STANLEY ROBINSON

Trong suốt cốt truyện, dường như một số, thậm chí phần lớn các tiến bộ được nhân loại thực hiện liên quan khăng khít, bằng cách này hay cách khác, với những hành động bạo lực của Enfants de Kali (Những đứa con của nữ thần Kali), một nhóm khủng bố sinh thái được thành lập sau đợt nắng nóng ở Ấn Độ. Có nên thấy ở đây một nhận định bi quan về năng lực của nhân loại muốn thay đổi mà không bị ràng buộc vào nó bằng bạo lực?

Không, đọc như vậy không đúng. Phần lớn những tiến bộ được nêu ra trong quyển sách là thực trạng của khoa học và chính trị, làm việc tay trong tay (sát cánh nhau) với tốc độ của tia chớp. Phần của sách dành cho những đứa con của nữ thần Kali hiện hữu vì tôi thấy dường như trong tương lai sẽ có những người bị các thảm họa tấn công nặng nề đến nỗi họ trở nên triệt để và giận dữ. Điều này làm dấy lên câu hỏi về bạo lực – bởi dường như sẽ có bạo lực, và tôi muốn rằng quyển tiểu thuyết của tôi mô tả một tương lai hiện thực. Bạo lực của tương lai có tập trung vào mục tiêu chính xác và hữu hiệu như bạo lực của nhóm Enfants de Kali? Ít có khả năng. Cũng có thể, nhưng nói chung bạo lực sẽ rất nhanh chóng trở nên không kiểm soát được, hậu quả tai hại thường còn tệ hơn, đến nỗi sự đàn áp sau đó còn gây thiệt hại hơn điều tích cực mà đáng lẽ bạo lực có thể làm được. Nói như thế rồi, Andreas Malm đã có một sự phân biệt thú vị giữa bạo lực chống lại con người và bạo lực chống lại tài sản – phá hoại và những hành động khác. Lúc nào thì những công dân bình thường phải chống cự lại bạo lực chậm của các ngành công nghiệp sản xuất chất đốt hóa thạch và những người cùng phe bằng một sự kháng cự về vật chất, đáng chú ý là “phá hoại các đường ống dẫn dầu, dẫn khí”, như ông ấy nói? Đó là một câu hỏi quan trọng. Tiểu thuyết của tôi không giúp suy ngẫm về vấn đề này, vấn đề này cũng lộn xộn như chính lịch sử vậy.

Carbon coin (tiền điện tử carbon) – ý tưởng theo đó các ngân hàng trung ương có thể tạo ra một loại tiền mới để tài trợ những hoạt động âm carbon – là một đòn bẩy trung tâm trong quyển sách này. “Xanh hóa” hệ thống tài chính thế giới có phải là chìa khóa của giải pháp cho khủng hoảng khí hậu?

Đó là một trong những chìa khóa. Trung tâm thực sự của tiểu thuyết của tôi, với tư cách là một can thiệp chính trị, là cổ vũ không phải cho việc tìm đến bạo lực, mà đúng hơn là tìm đến một nền kinh tế chính trị theo học thuyết Keynes, thậm chí là hậu Keynes và hậu tư bản chủ nghĩa, trong đó các hoạt động giảm thiểu carbon đem lại lợi nhuận nhiu hơn bất kỳ một hoạt động nào khác.

Các hoạt động đốt cháy carbon sẽ bị xử phạt bởi các quy định và các loại thuế đủ mạnh để triệt tiêu mọi khả năng kiếm lợi nhuận. Những hoạt động giảm carbon, bất kể chúng như thế nào, phải được tưởng thưởng, không chỉ là những lời ca ngợi mà cả bằng tiền. Ta phải có khả năng kiếm sống bằng cách tiến hành các hoạt động giảm thiểu carbon, bất kể chúng là gì. Sự thay đổi này đòi hỏi ta chiếm lĩnh lấy hệ thống kinh tế thế giới vì lợi ích của nhân loại, giống như các chính phủ của thế kỷ XX đã chiếm lấy các nền kinh tế trong thời chiến, đặc biệt là Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Loi hình can thiệp quan trọng này là thích hợp, thậm chí là cần thiết vì lợi ích của nhân loại.

Chúng ta đang chứng kiến một nỗ lực trên thế giới để làm cho chủ nghĩa tư bản trở nên xanh hơn bằng cách thay các đầu vào hóa thạch bằng năng lượng tái tạo và các công nghệ mới. Nhưng điều này không giải quyết vấn đề về tính không bền vững cơ bản của các xã hội và đời sống thường nhật của chúng ta. Như Giuseppe Tomasi di Lampedusa nói rất đúng: Tất cả phải thay đổi để không có gì thay đổi cả.” Những người tiến bộ phải phản ứng như thế nào? Một sự lạc quan thận trọng? Bác bỏ quảng cáo xanh (greenwashing[2])? Khai thác quảng cáo xanh để rút ra những lợi thế bổ sung?

G. T. di Lampedusa (1896-1957)

Tất cả các phản ứng này đều thích hợp. Điều không thích hợp là gạt bỏ những giải pháp khả dĩ vì chúng không đủ tinh khiết, một cách nào đó chúng bị xem là đồng lõa hoặc khả nghi. Sự tinh khiết về mặt ý thức hệ không phải là chủ đề. Thực ra, nó không thể có trong thời đại của chúng ta. Chúng ta có một vấn đề khẩn cấp về sinh quyển, có thực, to lớn và cấp bách, và chúng ta có một nền kinh tế chính trị thế giới hiện hữu, cũng thực và to lớn, nhưng không thích ứng với vấn đề và cần được cải cách nhanh chóng. Trong tình huống này và mặc dù những hy vọng của một số người, sẽ không có cách mạng tức thì hướng đến một hệ thống tốt hơn.

Sự tinh khiết về mặt ý thức hệ không phải là chủ đề. Thực ra, nó không thể có trong thời đại của chúng ta.

KIM STANLEY ROBINSON

Điều mà chúng ta đang chứng kiến, đó là một sự thay đổi tiệm tiến, không đều, hướng đến một hệ thống tốt hơn; đó là một sự lựa chọn tốt duy nhất. Sẽ có những giải pháp từng phần, những thụt lùi lại phía sau, những người ngoan cố và chống đối đơn thuần, đến nỗi mỗi bước tiến lên phía trước đáng được tiếp tục trong niềm hy vọng sẽ chập chững đi đến một kết quả tốt hơn. Sự tinh khiết? Hãy quên nó đi. Hãy xem xét lại tất cả những ý kiến trước đây của bạn về chủ đề này. Ngành kỹ thuật môi trường như là một rủi ro đạo đức, một âm mưu tiếp tục thực hiện chủ nghĩa tư bản và giải quyết được khó khăn? Tất nhiên, nhưng kiểu diễn ngôn này là từ năm 1995. Ngày nay, kỹ thuật môi trường biểu thị một phương tiện cần thiết để tránh một thảm họa toàn phần. Trong tương lai, có lẽ chúng ta phải làm những điều kỳ quặc để thoát khỏi một nạn diệt vong khổng lồ và nó sẽ tiêu diệt nền văn minh. Cũng tương tự như thế với năng lượng hạt nhân. Nó có nguy hiểm không? Có. Nhưng nước Pháp vận hành được nhờ nó, và nhiều loại năng lượng hạt nhân mới được chế tạo để giảm bớt nguy hiểm. Tất cả những gì không đốt cháy carbon phải được tính đến trong nỗ lực sống còn của chúng ta.

Với tư cách là một người thiên tả và là một nhà sinh thái học bảo vệ môi trường, tôi yêu cầu tất cả các đồng nghiệp thiên tả và bảo vệ môi trường của tôi hãy suy nghĩ lại tất cả những điều hiển nhiên xưa cũ dưới ánh sáng của sự khẩn cấp hiện tại. Lịch sử sắp tới sẽ là một tiến trình theo từng giai đoạn, và nếu nó thành công thì dứt khoát nó cần những giải pháp thiên tả. Năng lực đảm nhận kinh tế của một chính phủ dân chủ là phiên bản hiện đại của việc nắm các tư liệu sản xuất vì lợi ích của người dân. Những giá trị về công bằng và dân chủ có thể vẫn ở tầm quan trọng hàng đầu, trong khi những chi tiết công nghệ luôn thay đổi, cũng như chính công nghệ cũng thay đổi. Việc xét đoán một chiến thuật hay một công nghệ đặc biệt phải được đặt cân đối với cuộc khủng hoảng hiện nay và những phương tiện công nghệ và chính trị có sẵn. Điều đó có nghĩa là phải luôn luôn xem xét lại tất cả những vấn đề này để đạt hiệu quả tối đa.

Năng lực đảm nhận kinh tế của một chính phủ dân chủ là phiên bản hiện đại của việc nắm các tư liệu sản xuất vì lợi ích của người dân.

KIM STANLEY ROBINSON

The Ministry for the Future đã được xuất bản năm 2020, năm đại dịch tấn công. Từ đó, virus tiếp tục tàn phá và những hiệu ứng của biến đổi khí hậu ngày càng được thấy rõ. Điều gì phải diễn ra để thế giới có một khúc quanh mang tính quyết định?

Nâng cao nhận thức nhiều hơn, phân tích nhiều hơn, linh hoạt nhiều hơn. Việc thành lập các đa số chính trị tích cực trong tất cả các nền kinh tế lớn, nhằm tiến đến có những biện pháp tức thời và mạnh mẽ phối hợp với tất cả các quốc gia khác trong khuôn khổ Thoả thuận Paris. Các ngân hàng trung ương phải giúp soạn thảo tỉ mỉ một nền kinh tế chính trị mới ở đó tiền bạc rời bỏ các hoạt động đốt cháy carbon để đầu tư vào hoạt động giảm thiểu carbon. Tất cả những điều đó phải được thực hiện bởi những người sẽ nói với các đại biểu chính trị của họ làm điều đó. Sự kháng cự lại tất cả các lãnh đạo độc đoán chống nhập cư vốn khuyến khích chủ nghĩa bộ lạc, và sự không hiểu biết về vấn đề khí hậu; những lực này còn rất mạnh. Chúng phải bị đánh bại.

Cuối cùng, điều có thể mạnh hơn là cảm nhận về một hành tinh duy nhất; rằng chúng ta bị kẹt trong một tầng sinh quyển và chúng ta phải tạo quan hệ tốt với nó bởi vì nếu không thì không có gì vận hành được. Chúng ta quay lại với nâng cao nhận thức và giáo dục. Khi mỗi biến cố của tự nhiên và của con người được xem như một khía cạnh của lịch sử rộng hơn về quản trị biến đổi khí hậu và về tìm kiếm một sự cân bằng giữa con người và sinh quyển, lúc đó tất cả cấu trúc các cảm nhận của văn minh nhân loại sẽ thay đổi theo hiện thực này. Tất cả mọi sự việc xảy ra đều được nhìn dưới góc độ mới này. Chúng sẽ được xử lý theo một cách mà ngày nay không thể có, nhưng càng ngày nó càng được xem là bình thường, thậm chí là “giải pháp duy nhất”. Ta chăm sóc ngôi nhà, cơ thể, hệ thống sống còn chỉ có một và duy nhất của mình. Ai mà lại không làm? Thật là dại dột nếu không làm. Ta lại trở về sống theo một viễn kiến mới về thế giới, với một cấu trúc mới các cảm nhận, trong một nền kinh tế chính trị mới. Điều đó sẽ đến, và càng sớm càng tốt.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Comment dompter l’embrasement ? une conversation avec Kim Stanley Robinson”, Le Grand Continent, 24.02.2022

----

Ghi c:

Nguyên bản của cuộc phỏng vấn này được công bố trên Green European Journal




Chú thích:

[1] Tổng biên tập Green European Journal

[2] Thuật ngữ Greenwashing có thể được hiểu là những hành vi quảng cáo xanh, nhuộm xanh hay tẩy xanh.

Greenwashing là quá trình truyền đạt một ấn tượng sai lệch hoặc cung cấp thông tin sai lệch để đánh bóng thương hiệu. Greenwashing được coi là một tuyên bố vô căn cứ để đánh lừa người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm của công ty là thân thiện với môi trường.

Một hành động được xem là Greenwashing khi một công ty dành nhiều tiền bạc và thời gian tự xưng là doanh nghiệp xanh thông qua quảng cáo và tiếp thị hơn là thực sự tham gia các hoạt động nhằm giảm thiểu tối đa tác động tới môi trường.

Theo: https://vietnambiz.vn/quang-cao-xanh-greenwashing-la-gi-20191124155700038.htm (ND)

Print Friendly and PDF