27.5.22

Vì sao Ấn Độ đình chỉ xuất khẩu lúa mì

VÌ SAO ẤN ĐỘ ĐÌNH CHỈ XUẤT KHẨU LÚA MÌ

PHỎNG VẤN. Ấn Độ, nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, đã bất ngờ cấm xuất khẩu vào ngày 14 tháng 5. Dưới đây là những lý giải của nhà kinh tế C.S.C. Sekhar.

Bài phỏng vấn do Vanessa Dougnac thực hiện, ở New Delhi

Khi cấm xuất khẩu lúa mì, chính phủ Ấn Độ dự định đảm bảo “an ninh lương thực” cho dân số 1,4 tỷ người của họ, đồng thời hạn chế tình trạng lạm phát giá tiêu dùng, trong bối cảnh sản lượng sụt giảm do các đợt nắng nóng ngoại lệ. Quyết định gây tranh cãi này đã được C.S.C. Sekhar, chuyên gia về kinh tế nông nghiệp và giáo sư tại Viện Tăng trưởng Kinh tế thuộc Đại học Delhi, giải mã.

C.S.C. Sekhar

Le Point: Vì sao Ấn Độ lại đưa ra một quyết định như thế, vào thời điểm mà họ đã hứa hẹn sẽ hỗ trợ các thị trường thế giới trước cuộc khủng hoảng nguồn cung ngũ cốc do cuộc chiến ở Ukraine gây ra?

C.S.C. Sekhar: Nguyên nhân đầu tiên liên quan đến tình hình sụt giảm sản lượng lúa mì ở Ấn Độ. Nhiệt độ thời tiết đã tăng, một cách bất thường, vào tháng 3, đã làm rối loạn quá trình gieo hạt để chuẩn bị cho vụ thu hoạch. Ấn Độ chưa bao giờ trải qua các đợt nắng nóng như thế vào thời điểm này, và điều này đã ảnh hưởng đến sản lượng. Thay vì mức sản lượng dự kiến là 110 triệu tấn, thì cũng cần dự kiến mức sản lượng đó sẽ giảm từ 5 đến 6 triệu tấn, và có thể còn nhiều hơn thế, theo một số ước tính. Với tình hình sản lượng bị giảm, chính phủ ngay từ đầu sẽ gặp khó nhiều hơn trong việc tích luỹ dự trữ lúa mì.

Chính xác thì quá trình này như thế nào?

Quá trình mua sắm của chính phủ, thông qua Tổng công ty Lương thực Ấn Độ (FCI), hiện chỉ đạt 17,9 triệu tấn lúa mì, trong khi vào cùng thời kỳ năm ngoái (ngày 13 tháng 5) là 35,4 triệu tấn, tức thấp hơn gấp đôi. Quá trình mua sắm đã không diễn ra như kế hoạch. Nguyên nhân chính là do có nhiều tác nhân tư nhân đã mua vào lúa mì trên thị trường, với mức giá hấp dẫn hơn cho nông dân so với mức giá cố định của các doanh nghiệp công (Giá hỗ trợ tối thiểu, MSP).

Vậy Ấn Độ đang tìm kiếm điều gì khi cấm xuất khẩu lúa mì?

Khi kiềm chế tình trạng đầu cơ của người mua tư nhân, ưu tiên trước mắt của Ấn Độ là đẩy mạnh quá trình mua lúa mì để tích lũy dự trữ trong năm nay, và kiểm soát lạm phát giá lương thực.

Quyết định này đã dấy lên những chỉ trích mạnh mẽ ở nước ngoài, đặc biệt từ Nhóm G7, và giá cả trên thị trường châu Âu đã tăng vọt. Tuy thế, Ấn Độ không phải là nước xuất khẩu lúa mì lớn…

Ấn Độ là một tác nhân phụ và quyết định của họ lẽ ra không nên gây ra một sự hoảng loạn như thế. Tuy nhiên, gần đây, Ấn Độ đã tăng cường đáng kể xuất khẩu của họ. Tính đến ngày 31 tháng 3, Ấn Độ đã xuất khẩu 7,2 triệu tấn lúa mì trong một năm, và rồi còn xuất khẩu 1,1 triệu tấn khác vào tháng 4, tức là một mức tăng 250% trong một năm. Diễn biến này đã dấy lên một số tín hiệu lạc quan cho rằng Ấn Độ có khả năng bù đắp sự thiếu hụt lúa mì, do cuộc chiến ở Ukraine gây ra, và mức thâm hụt tổng thể trong sản lượng thế giới ước tính từ 5 đến 6 triệu tấn lúa mì.

Sự quay ngoắt của Ấn Độ gợi lên một tình huống tương tự trong thời kỳ đại dịch, vào năm 2020, khi nước này đã gián đoạn việc cung cấp vắc-xin ra nước ngoài...

[Hai] kịch bản đều giống nhau. Ấn Độ đã xuất khẩu vắc-xin và, đột nhiên, đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong nước, khiến họ phải hạn chế xuất khẩu.

Đối với lúa mì, theo ông, lệnh cấm hà khắc này có phù hợp hay không?

Ấn Độ có thể có một phản ứng từ từ hơn, ví dụ, với việc đánh thuế xuất khẩu lúa mì để không khuyến khích ngành xuất khẩu trong khu vực tư nhân. Việc công bố một mức thưởng trên mức giá cố định (MSP) cũng có thể khuyến khích nông dân bán thu hoạch của họ cho chính phủ, để Ấn Độ tích lũy nguồn dự trữ.

Liệu người nông dân nhỏ lẻ có bị ảnh hưởng bởi quyết định này hay không?

Điều đó không nên xảy ra. Các vụ thu hoạch đã bắt đầu vào tháng 4 và đa số người nông dân đã bán hết thu hoạch của họ, vì họ cần tiền mặt ngay lập tức. Chính các nhà buôn lớn mới là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, tuy nhiên, những hợp đồng đã ký trước ngày 14 tháng 5, ngày công bố quyết định cấm xuất khẩu, vẫn có hiệu lực.

Tác động đến giá tiêu dùng là gì?

Trước mắt, giá lương thực lúa mì đã giảm từ 3 đến 8% tùy theo thị trường. Chừng nào lệnh cấm còn hiệu lực, thì các mức giá này sẽ vẫn ở mức thấp.

Liệu có nên lo lắng về dự trữ lúa mì và an ninh lương thực của Ấn Độ hay không?

Các kho dự trữ lương thực của Ấn Độ không nằm trong tình trạng bấp bênh. Đối với hệ thống phân phối lương thực công cộng và, đối với hệ thống phân bổ bổ sung liên quan đến đại dịch Covid-19, Ấn Độ cần đến 31 triệu tấn lúa mì. Ấn Độ đã đạt được con số 19 triệu tấn, trong đó có bổ sung thêm 18 triệu tấn được bảo đảm kể từ ngày 1 tháng 4. Báo cáo cho thấy tình hình sẽ ổn.

Nếu tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát, thì vì sao lại cần đến quyết định cấm xuất khẩu này?

Vanessa Dougnac

Nhiều khả năng Ấn Độ dự đoán giá lúa mì trên thị trường thế giới sẽ tăng, do những rối loạn liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Nếu chính phủ muốn can thiệp để kiểm soát giá cả trong nước, thì họ sẽ cần có nguồn dự trữ vững chắc. Nhưng tôi nghĩ Ấn Độ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm trong những tháng tới, ngay khi nguồn dự trữ của nước này an toàn. Các nhà buôn lớn của Ấn Độ, những người hiện đang bị hạn chế bởi lệnh cấm, sẽ có thể bán trở lại lúa mì, có lẽ với các mức giá hấp dẫn. Thế đó, trong cái rủi có cái may.

Về tác giả

Vanessa Dougnac là nữ phóng viên của báo Le Point ở New Delhi, nơi bà còn hợp tác với báo La Croix và các tờ nhật báo khác của Thụy Sĩ và Bỉ, Le Temps và Le Soir. Bà rất tận tâm, luôn lắng nghe tiếng nói của người dân dễ bị tổn thương, những nạn nhân của thiên tai, các cuộc nổi dậy và nội chiến (đặc biệt ở Sri Lanka). Bà là người phương Tây duy nhất đã từng sống trong rừng rậm Ấn Độ với quân du kích theo chủ nghĩa Mao-it. Kể từ năm 2001, bà theo dõi mng tin tức của vùng Nam Á cho tờ Le Point.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Pourquoi l’Inde a suspendu ses exportations de blé, Le Point, ngày 22/05/2022

Print Friendly and PDF