1.5.22

Trên các mạng xã hội, trên đường phố với các áp phích và tranh phun sơn (graffiti), các nhà nữ quyền phản đối chiến tranh

TRÊN CÁC MẠNG XÃ HỘI, TRÊN ĐƯỜNG PHỐ VỚI CÁC ÁP PHÍCH VÀ TRANH PHUN SƠN (GRAFFITI), CÁC NHÀ NỮ QUYỀN PHẢN ĐỐI CHIẾN TRANH

Tác giả: Maria Silina[*]

Anastasia Parshkova đang cầm một bảng khẩu hiệu “Đừng giết người” đứng trước nhà thờ Christ-Sauveur, Matxcova, ngày 15/03/2022, không lâu trước khi cô bị bắt. (Résistance féministe antiguerre – Phong trào Nữ quyền phản chiến), hình do tác giả cung cấp.

Ngay từ đầu cuộc xâm lược Ukraine ngày 24 tháng 2, 2022, tổng thống Vladimir Putin đã ban hành các luật rất hà khắc chống tuyên truyền cổ động. Những ai tố cáo chiến tranh và các tội ác của Nga có thể bị phạt 15 năm tù giam.

Bằng cách đó, ông ta đã giết chết một diện mạo truyền thông phong phú và đa dạng.

Cùng với các đồng nghiệp nữ về lịch sử nghệ thuật Yi Gu và Analays Alvarez, từ năm 2020 tôi đã chú ý đến diên mạo nghệ thuật độc lập và khác biệt ở Nga, Cuba và Trung Quốc. Nhưng công trình về nghệ thuật Xô Viết và hoạt động nghệ thuật Nga đương đại, vốn nhấn mạnh đến tính hành động chính trị, đã có một tầm quan trọng thiết yếu trong chiến tranh. Một số nghệ sĩ đã chuyển qua các hoạt động nghệ thuật bí mật, đáng chú ý là phong trào “Partizaning (tiếng Nga là Partizan, nghĩa là du kích), những người theo phong trào này thực hiện một chiến tranh du kích về thâm nhập nghệ thuật để phản đối Nga xâm lược Ukraine.

Kiểm duyệt chính thức và giám sát của cảnh sát đã khiến hầu như không thể thực hiện được những phương tiện “cổ điển” để kích động và hành động truyền thông, chẳng hạn như những cuộc tụ tập chớp nhoáng. Để phản ứng, một số lớn phụ nữ và những người thuộc xu hướng tính dục phi truyền thống tìm cách kêu gọi 144 triệu đồng bào của họ thông qua một mạng lưới rộng lớn và phân tán, mạng lưới này phối hợp những hoạt động tự phát trực tiếp, như các cuộc biểu tình trong các khu dân cư và các hoạt động phá hoại.

Phong trào Nữ quyền phản chiến là một cộng đồng nói tiếng Nga phân tán. Tự tổ chức để quản lý những hoạt động tranh đấu phản chiến, phong trào liên lạc với các thành viên và cảm tình viên của mình thông qua nền tảng nhắn tin tức thời Telegram.

Mặt khác, mạng truyền thông xã hội an toàn này qui tụ những nhóm tranh đấu khác có quan điểm tương tự và đang tìm cách biểu lộ sự chống đối chiến tranh ở Ukraine, họ cùng phối hợp ít nhiều.

Tính chiến đấu của phụ nữ, những người chuyển giới và queer

Trong hai tuần vừa qua, tôi đã phỏng vấn các nghệ sĩ và những người tranh đấu ở Nga, và tôi rất ngạc nhiên thấy phần lớn họ là phụ nữ, những người đồng tính và chuyển giới – trong khi bình thường thì hoạt động chính trị của họ là khá kín đáo vì các luật kỳ thị đồng tính của Nga.

Một người tranh đấu ẩn danh trương ra lá cờ của Ukraine từ cửa sổ của một chung cư ở Matxcova, vào đầu tháng ba 2022. (Phong trào Nữ quyền phản chiến/Maria Silina), hình do tác giả cung cấp.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, những phản đối tập thể hay cá nhân đều hướng về các mạng truyền thông xã hội nhằm huy động một số đông đồng bào.

Họ đã biểu tình qua các khẩu hiệu và các bảng áp phích để khai thác uy lực của ngôn ngữ. Họ đã vạch trần vũ lực tàn bạo của cảnh cảnh sát bằng cách quay phim những cảnh bắt bớ hung bạo sau khi một người biểu tình thách thức nhiều cảnh sát được trang bị nhiều vũ khí. Họ đã sáng tạo một cách vui đùa để không tuân thủ truyền thông chính thống bằng những biểu tượng và áp phích để công khai phản bác những hành động của chính phủ và chiến tranh do tổng thống Putin kích động.

Cách tiếp cận can thiệp này gọi là “chuyển hướng xuất hiện từ những năm 1950, chủ yếu là bắt chước tuyên truyền để chế giễu nó. Cách này đã thường được sử dụng trong những phong trào tranh đấu gần đây, như ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2013.

Một áp phích phản chiến cung cấp thông tin về lính và dân thường Nga và Ukraine bị giết. Được chia sẻ trên Telegram ngày 7/3/2022. (Phong trào Nữ quyền phản chiến/Maria Silina), ảnh do tác giả cung cấp.

Những cuộc biểu tình ở nơi công cộng

Ví dụ như vào giữa tháng ba, trước nhà thờ Christ – Sauveur ở Matxcova, Anastasia Parshkova đã trương một áp phích trích dẫn một trong mười Điều Răn: “Chớ giết người”. Người nghệ sĩ đã bị bắt, nhưng hình ảnh đã được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội vì bà đã khéo léo kết hợp Chính thống giáo Nga với ý thức hệ quân sự.  Một khẩu hiệu đơn giản kiểu “Nói không với chiến tranh” sẽ không gợi ra sự chú ý của truyền thông mạnh như thế, nhưng dù thế nào thì người biểu tình cũng bị bắt.

Trong suốt sáu tuần đầu của cuộc chiến, chính quyền đã bắt, phạt hay giam giữ khoảng 15.400 người đã tham gia các cuộc biểu tình.

Kháng cự hàng ngày

Một áp phích “Nói không với chiến tranh” của một tác giả ẩn danh. (Phong trào Nữ quyền phản chiến/Maria Silina), ảnh do tác giả cung cấp

Ngược lại với những cuộc biểu tình công khai, những hoạt động phản kháng hằng ngày không nhắm đến thu hút sự chú ý của truyền thông. Trái lại, những hoạt động lặp đi lặp lại và công khai này, chủ yếu được thực hiện bởi các phụ nữ, bởi những người có xu hướng tính dục phi truyền thống, hay các nam nữ sinh viên, chúng được thiết kế để kêu gọi những công dân bình thường trong đời sống hàng ngày của họ.

Một phụ nữ tranh đấu, nhân viên văn hóa của cộng đồng LGBTQ ở Matxcova, đã chia sẻ câu chuyện của chị trong một buổi trò chuyện với tôi (chị ấy yêu cầu giấu tên).

Trong những ngày đầu của cuộc chiến, chị đã tìm cách lập một nhóm để phân phát các áp phích chống chiến tranh tự dính để dán trong khu phố của chị, và qua đó chị đã gia nhập Phong trào Nữ quyền phản chiến.

Sáng kiến do các phụ nữ tranh đấu phối hợp. Một số là các nhân vật của công chúng, như nhà thơ Daria Serenko. Một số khác không còn sống ở Nga hay hay mới trốn khỏi Nga, theo những thông tin nhận được từ một trong những điều phối viên, chị này sống ở châu Âu. Hiện nay nhóm có hơn 26.000 người sử dụng.

Tác phẩm giễu nhại, thâm nhập và nghệ thuật trình diễn

Mẫu áp phích có thể nhân bản do những người tranh đấu ẩn danh của Phong trào Nữ quyền Phản chiến sáng tác, được chia sẻ trên Telegram, ngày 18/3/2022. (Phong trào Nữ quyền phản chiến/Maria Silina), hình do tác giả cung cấp

Đoàn kết lại nhờ hoạt động tập thể này, những nam nữ công dân bình thường từ khắp mọi miền của đất nước tham gia vào và đề nghị giúp đỡ để thiết kế, in ấn và phân phối những tin tức phản chiến.

Những áp phích tự dính với khẩu hiệu, chẳng hạn như “Nói không với chiến tranh” được nhiều người yêu thích, nhưng một số khác thiên về các chiến thuật thâm nhập nghệ thuật, đáng chú ý là giả mạo các áp phích chính thống.

Ví dụ, một số áp phích tương tự như những áp phích về những người mất tích, ngoại trừ chúng thông tin cho công chúng về các binh lính Nga bị giết hay mất tích, và kêu gọi công chúng biểu tình chống chiến tranh.

Những người tranh đấu cũng viết những thông điệp phản chiến trên tiền giấy và tiền xu (đồng tiền bằng kim loại - ND). Họ cho rằng cách tiếp cận này có thể vượt qua tuyên truyền chính thống, nhất là đối với những người lớn tuổi là những người chuyên dùng tiền mặt.

Khẩu hiệu phản chiến trên những tờ tiền giấy, được chia sẻ bởi một người sử dung ẩn danh của của Phong trào Nữ quyền Phản chiến, ngày 17/3/2022. (Phong trào Nữ quyền phản chiến/Maria Silina), hình do tác giả cung cấp

Theo những người mà tôi đã phỏng vấn, sự biểu lộ công khai nỗi đau khổ và phiền muộn cũng là một cách phản kháng khác trong một xã hội mà sự đàn áp của diễn ngôn chính trị trực tiếp tạo ra một hiệu ứng làm tê liệt. Do đó, khóc lóc trong các phương tiện giao thông công cộng tạo điều kiện cho các hành khách chứng kiến những cảm xúc vốn bị đàn áp và kiểm duyệt rất nặng nề bởi một hình thức tuyên truyền mang tính quân phiệt một cách lộ liễu.

Sáng kiến của các “phụ nữ” áo đen được đưa lên mạng trực tuyến ngày 23/3/2022. (Phong trào Nữ quyền phản chiến/Maria Silina), hình do tác giả cung cấp

Trình diễn nghệ thuật còn là một dạng phản đối khác, như những “phụ nữ áo đen” này, họ xuất hiện trước công chúng với y phục của phụ nữ góa chồng. Theo những người tranh đấu ẩn danh, môt số đã bị bắt.

Sự giám sát của cảnh sát hiện diện khắp nơi, đẩy xã hội đến chỗ sáng tạo ra những phương thức mới về hành động chính trị trực tiếp. Cho dù một số nhân vật của công chúng, nhà báo và giới đại học sử dụng các phương tiện truyền thông truyn thống để phản đối chiến tranh, vẫn còn có khả năng tiến hành một phong trào phản kháng ở qui mô lớn độc lập với các phương tiện truyền thông.

Từ nay các mạng xã hội được sử dụng bởi phụ nữ và những người có xu hướng tính dục phi truyền thống để phối hợp một cách ẩn danh một sự kháng cự vừa bền bỉ vừa có khả năng chạm đến người dân Nga trong đời sống hàng ngày của họ.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Sur les réseaux sociaux, dans la rue, à coup d’affiches et de graffitis, les féministes russent protestent contre la guerre”, The Conversation, 12.4.2022.




Chú thích:

[*] Giáo sư kiêm nhiệm (Adjunct Professor), Bộ môn Lịch sử nghệ thuật, Đại học Québec Montréal (Université du Québec à Montréal - UQAM -)

Print Friendly and PDF