23.5.22

Tính thất thường của sự tiến bộ (C. Lévi-Strauss, 1952)

Từ khóa: Tiến bộ (Khái niệm); Lévi-Strauss, Claude – Trích đoạn

TÍNH THẤT THƯỜNG CỦA SỰ TIẾN BỘ (1952)

Tác giả: Claude Lévi-Strauss*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Trong một bài thuyết trình tại Unesco, sau trở thành quyển sách nhỏ quan trọng là Chủng Tộc Và Lịch Sử (Race et Histoire), Claude Lévi-Strauss đả phá và thay thế hình ảnh một sự tiến bộ liên tục bằng một hình ảnh khác và đối lập là quân mã trên bàn cờ vua.

Nhân loại không hướng tới cùng một mục đích, trên cùng một cuộc hành trình, ở đó các nền văn hóa chỉ là những giai đoạn phát triển, trước hay sau, của cùng một tuyến đường duy nhất; trái lại, loài người tiến tới theo các đường hướng riêng, với các nhịp độ và tốc độ khác nhau, những bước nhảy hay nhảy vọt, những hồi trì trệ, thậm chí những lúc thụt lùi, trong các nền văn hóa hoàn toàn khác biệt.

*

Những bước tiến mà loài người thực hiện từ thời khởi thủy của nó là hiển nhiên và rực rỡ tới mức là mọi toan tính thảo luận về chúng sẽ rất mau chóng chỉ còn là một bài tập hùng biện. Tuy nhiên, việc sắp xếp những tiến bộ ấy thành một chuỗi thường xuyên và liên tục là điều không hề dễ dàng như người ta tưởng. Khoảng năm mươi năm trước, các nhà khoa học còn sử dụng những sơ đồ đáng ngưỡng mộ về mức giản dị để thể hiện nó: thời đại đồ đá đẽo (pierre taillée), thời đại đồ đá mài (pierre polie), thời đại đồ đồng (cuivre), thời đại đồng thau (bronze), thời đại đồ sắt (fer). Thật là thuận tiện thái quá. Ngày nay, chúng ta ngờ rằng sự mài bóng và đẽo đá đôi khi tồn tại cạnh nhau; khi kỹ thuật thứ hai làm lu mờ hoàn toàn cái thứ nhất, thì đấy không phải là kết quả của một tiến bộ kỹ thuật bộc phát từ giai đoạn trước, mà là một nỗ lực sao chép, trên đá, những vũ khí và dụng cụ kim loại mà các nền văn minh chắc chắn là “tiên tiến” hơn, nhưng thực tế là đương thời với kẻ bắt chước, đã làm ra. Ngược lại, kỹ thuật đồ gốm, được cho là liên đới với “thời đại đồ đá mài” lại gắn liền với kỹ thuật đẽo đá ở một số vùng ở phía bắc châu Âu.

Hãy chỉ xem xét thời kỳ đồ đá đẽo (còn được gọi là thời đồ đá cũ = (paleolithic): một vài năm trước đây, người ta còn nghĩ rằng các hình thức khác nhau của kỹ thuật này – đặc trưng của các ngành công nghiệp ghè “hạt nhân (à nucléi)”, các ngành công nghiệp ghè “mảnh tước (à éclats)” và các ngành công nghiệp ghè “tạo lưỡi (à lames)”[1] – tương ứng với một tuyến tiến bộ lịch sử ba giai đoạn được gọi là Thời đại đồ đá cũ sớm, Thời đại đồ đá cũ giữa, và Thời đại đồ đá cũ muộn[2]. Ngày nay, người ta thừa nhận rằng cả ba hình thức này đều cùng tồn tại, tạo ra không phải là các giai đoạn của một tuyến tiến bộ một chiều, mà là các khía cạnh hoặc, như họ nói, các “mặt (faciès)” của một hiện thực chắc chắn không phải là tĩnh mà phải chịu đựng những biến thiên và nhiều chuyển đổi rất phức tạp. Trên thực tế, phương pháp Levallois [được đặt tên theo vị trí của các công trường ở Levallois-Perret, Hauts-de-Seine, Pháp] – chúng ta đã đề cập tới thời kỳ đơm hoa của nó vào giữa thiên niên kỷ 250 và 70 tCn – đã đạt đến sự hoàn hảo trong kỹ thuật ghè đẽo, một sự hoàn hảo chỉ có thể tìm lại được vào cuối thời kỳ đồ đá mới (neolithic) từ 245000 đến 65000 năm sau, mà ngay cả chúng ta cũng khó có thể tái thể hiện ngày nay.

Tất cả những gì là đúng với các nền văn hóa cũng đúng trên bình diện các chủng tộc, tuy rằng chúng ta không thể thiết lập một tương quan nào giữa hai quá trình (vì các đại lượng trong hai trình tự này khác nhau): ở châu Âu, Người Neanderthal không có trước các dạng Người tinh khôn (Homo sapiens) lâu đời nhất; đây là những hình thức cùng thời với, thậm chí là có trước cả nó nữa. Và cũng không loại trừ rằng các loại hình họ người (hominiens) khác biệt nhất đã cùng tồn tại trong thời gian, nếu không phải là trong không gian: “người lùn (pygmées)” ở Nam Phi, “người khổng lồ” ở Trung Quốc và Indonesia, v.v..

Một lần nữa, tất cả [những điều vừa nói] không nhằm chối bỏ hiện thực về một sự tiến bộ của loài người, mà mời gọi chúng ta quan niệm nó một cách thận trọng hơn. Sự phát triển những hiểu biết về tiền sử và khảo cổ học có khuynh hướng phơi bày ra trong không gian những hình thức văn minh mà chúng ta có xu hướng tưởng tượng như được bố trí trong thời gian. Điều này có hai ý nghĩa: thứ nhất là “sự tiến bộ” (nếu thuật từ này vẫn còn thích hợp để chỉ một hiện thực rất khác so với lúc đầu tiên nó được áp dụng) không hề là thiết yếu và cũng không liên tục; nó được thực hiện bằng những bước nhảy hay nhảy vọt, hoặc, nói như các nhà sinh học, thông qua những đột biến. Các bước nhảy này không bao gồm việc luôn luôn tiến triển theo cùng một hướng; chúng đi kèm với những lần đổi chiều, giống như một quân mã trên bàn cờ vua, luôn luôn có sẵn nhiều bước tiến, nhưng không bao giờ về cùng một hướng. Về cơ bản, sự tiến bộ của nhân loại không giống như một nhân vật bước lên cầu thang, cứ mỗi cử động lại thêm một nấc mới vào tất cả những nấc đã chinh phục được; nó gợi nghĩ tới một tay chơi mà thành tích được phân bố trên nhiều con xúc xắc, và cứ mỗi lần ném ra, anh ta lại nhìn thấy nó tản mát đi mọi hướng trên thảm, tạo ra nhiều khoản được thua khác nhau. Điều đạt được qua một lần ném, anh ta có rủi ro mất ở lần ném sau, và chỉ thỉnh thoảng lịch sử mới có tính tích lũy, nghĩa là các khoản ném sẽ bổ sung cho nhau, đưa đến một kết hợp thuận lợi. 

Ví dụ về châu Mỹ cho ta thấy một cách thuyết phục rằng lịch sử tích lũy này không hề là đặc quyền của một nền văn minh hay một giai đoạn lịch sử nào cả. Lục địa rộng lớn này chứng kiến ​​sự xuất hiện của con người, có lẽ qua các nhóm nhỏ dân du mục vượt eo biển Behring nhờ các lần băng hà cuối cùng, vào một thời điểm không thể sớm hơn thiên niên kỷ thứ hai mươi nhiều. Suốt hai mươi hay hai mươi lăm nghìn năm, những con người này đã thực hiện thành công một trong những chứng minh đáng kinh ngạc nhất về lịch sử tích lũy trên thế giới: khám phá từ gốc đến ngọn những tài nguyên của môi trường tự nhiên mới, họ thuần hóa ở đấy (bên cạnh một số loài động vật) các loại thực vật đa dạng nhất thành thức ăn, phương thuốc và – sự kiện chưa chưa từng thấy ở đâu khác – chuyển hóa các chất độc hại của chúng như sắn thành thức ăn cơ bản, các chất khác thành chất kích thích hoặc gây mê; thu thập các độc tố hay ma túy nhất định theo tác động chọn lọc của chúng trên các loài động vật; cuối cùng đẩy một số ngành công nghiệp như dệt, gốm sứ và kim loại quý lên tới đỉnh cao nhất của sự hoàn hảo. Để thẩm định công việc to lớn này, chỉ cần đo lường sự đóng góp của Mỹ châu cho các nền văn minh của Thế Giới Cũ là đủ. Đầu tiên, khoai tây, cao su, thuốc lá và cô-ca (cơ sở của chất gây mê hiện đại) chắc chắn đều từng là bốn trụ cột của ngành gieo trồng phương Tây; ngô và đậu phộng từng cách mạng hóa nền kinh tế Phi châu, trước khi trở nên phổ biến trong chế độ ăn uống ở châu Âu; sau đó là ca-cao, va-ni, cà chua, dứa, hạt tiêu, nhiều loại đậu, bông và bầu bí. Cuối cùng, về văn hoá, là con số không, nền tảng của số học, và gián tiếp, của toán học hiện đại, từng được người Maya biết và sử dụng ít nhất nửa thiên niên kỷ trước khi nó được phát hiện lại bởi các học giả Ấn Độ, rồi được châu Âu tiếp thu qua người Ả Rập. Có lẽ vì lý do này mà, tuy cùng thời đại, niên lịch của họ là chính xác hơn so với Thế Giới Cũ.

Claude Lévi-Strauss,
Chủng Tộc Và Lịch Sử
(Race et histoire,
Paris, UNESCO, 1952, tr. 38-39).

Nguồn: Tính thất thường của sự tiến bộ (C. Lévi-Strauss, 1952), Viện Giáo Dục IRED, 15-07-2021.




Chú thích:

[1] Hạt nhân (LT: nucléus, nuclei) là một khối đá rắn (core, noyau) từ đó người ta ghè ra những mảnh tước (flakes = éclats, một khúc đá bị tách rời khỏi khối đá) có hình dạng và kích cỡ khác nhau. Ở đây, các mảnh tước là sản phẩm chính và hạt nhân là sản phẩm phụ, không giống như trong kỹ thuật tạo hình (ở đây, khối phải định hình là sản phẩm mong muốn, và các mảnh vụn là vật thải). Các mảnh tước có thể được tách ra bằng sự gõ đập (sử dụng một thanh đá cứng hay một thanh mềm hơn bằng gỗ thực vật chẳng hạn) hoặc bằng lực ép. Ở một số phương pháp ghè nhất định, như phương pháp Levallois, hạt nhân được chuẩn bị nhằm xác định trước một cách chính xác hình thể của những lát đá sản phẩm, như kiểu ghè tạo lưỡi chẳng hạn (có một chiều dài ít nhất gấp đôi chiều kia, và trông giống lưỡi dao).

[2] Theo một trong nhiều ước lượng, thời đại đồ đá cũ dưới hay sớm (Lower Paleolithic = Paléolithique inférieur) trải dài từ khoảng 3.000.000 năm cho đến khoảng 300.000 năm trước; thời đại đồ đá cũ giữa hay trung (Middle Paleolithic = Paléolithique moyen) trải dài từ khoảng 300.000 năm cho đến khoảng 50.000 năm trước; thời đại đồ đá cũ trên hay muộn (Upper Paleolithic = Paléolithique supérieur), trải dài từ khoảng 50.000 năm cho đến khoảng 12.000 năm trước.

Print Friendly and PDF